Wednesday, May 20, 2009



Một câu chuyện tình

Không rõ tác giả...
Thân chuyển
Để quên di nhung chuyện buồn
của kiép sống lưu vong...nếu có.

Thiều Vũ...

Tiền kiếp xưa nào, em hé môi?Từng bước trôi cùng trăng viễn khơiThâu đêm chưa hiểu miệng ai cườiNụ cười gửi tự thiên thu lạiTiền kiếp xưa nào, em hé môi?

Thơ Đinh HùngChàng yêu một con nhỏ, nhỏ xíu hay nhè. Ngày gia đình hai bên cho hai đứa làm đám hỏi, cũng lần đầu chàng thấy con nhỏ trang điểm phấn son. Dù chính mình cũng ngượng chín người trước mắt gia đình và lối xóm của vùng ven đô nơi gia đình nàng cư ngụ, chàng cũng nhận thấy hai con mắt hoe đỏ khi nàng được gọi ra chào hai họ. Buổi chiều khi chàng trở lại, hỏi nguyên do mới biết buổi sáng ngày đám hỏi, hai bà chị lớn đè ra nhổ lông mày vì... con gái gì mà chân mày mọc như rễ tre, vô trật tự, vô đường lối. Nàng bị đau, khóc sưng cả mắt.

.

Còn nhớ hôm đó, buổi đầu tiên, hai đứa được đi chơi với nhau đến chín giờ tối. Ở rạp ciné ra, hai đứa đi dọc đường Tự Do đến bến tàu. Gió chiều lồng lộng thổi tung tà áo lụa màu vàng nghệ quấn quít chân cả hai, chàng bóp nhẹ bàn tay mềm mại như không có xương, ngó khuôn mặt trắng hồng vì ngượng, vì mắc cở khi đi dạo phố với chàng mà nghe yêu nàng muốn tê liệt giác quan. Trời chạng vạng tối, hai đứa đi ngang gốc cây cổ thụ gần nhà hàng nổi Ngân Đình, chàng đặt môi hôn lên gương mặt lạnh giá, những vết đỏ dưới chân mày vẫn còn nguyên đó mà cảm thấy lần đầu thế nào là tình nghĩa vợ chồng. Em, vợ yêu dấu của anh.Chàng ra trường hai năm thì miền Nam mất. Nàng học sau chàng bốn năm. Ngồi trong thư viện bắt gặp nàng e thẹn theo vài cô bạn lần đầu tiên bước vào thư viện, lũ bạn tinh nghịch đã cuộc nhau ai sẽ tán được cô bé đó. Bởi vì cái gương mặt lấp ló sau mái tóc dài, cái nón lá bài thơ xinh quá là xinh. Con nhỏ điệu mặc áo dài lụa tím than, dáng điệu mảnh dẻ như hình ảnh cô Lan Hồn Bướm Mơ Tiên của Khái Hưng.

.

Từ đó, chàng kín đáo quan sát. Để biết con nhỏ có ông anh học cùng trường và trên một lớp. Để biết con nhỏ hôm nào học trái giờ anh học là cha đến đón. Để biết con nhỏ nhát như thỏ, không bao giờ dám đi ăn, đi uống với bạn mà chỉ ngồi lì hết giảng đường thì sang phòng học. Để biết con nhỏ có làn da đẹp tuyệt. Cái mặt không son, không phấn có hai con mắt to đen và đôi môi đỏ tựa như son đã cúi gầm xuống bàn vì ngượng khi bị bọn con trai trong trường tán tỉnh.Lần đó chàng cố tình đến bên cạnh khi thấy con nhỏ ngồi trong phòng học một mình, không có bạn. Chàng cố nén cười khi thấy con nhỏ lên Đại Học mà còn chép cours xanh xanh đỏ đỏ như con nít. Chàng chọc:

- Cô hay thiệt. Tôi chưa bao giờ ghi được cái cours nào đẹp như thế. Nhiều màu như thế chắc mau thuộc bài...Con nhỏ ngượng chín người, dấu vội bài ghi dưới chồng ronéo. Biết thừa con nhỏ học năm thứ nhất, chàng vẫn hỏi:

- Cô học năm thứ nhất?Con nhỏ dạ như hơi thở. Đúng lúc đó Huyền, bạn thân nhất của em gái chàng thời trung học, bước vào. Thấy chàng, nó ồn ào như.. giặc cái:- Anh cho Huyền đi uống nước đi!Chàng lắc đầu:- Không, trừ khi...Huyền hỏi tới:

- Trừ, sao anh?...Chàng ngó nàng ngồi bên cạnh:- Trừ khi Huyền giới thiệu anh với cô này, và mời cô ấy đi uống nước cùng một thể.Con nhỏ Huyền tào lao, nháy nhó:- À, ông anh tui muốn làm quen với nàng Trâm... bím. Mua cho em xấp lụa Hồng Hoa may áo dài, em đưa thư hộ cho...Nàng mắc cở dù thư viện sáng sớm, chưa có ai. Nhưng cũng từ đó chàng quen cô Trâm... bím, biệt danh bạn bè tặng cho con nhỏ. Lý do, tóc nàng dài và dầy, từ nhỏ, nàng đi học hay vắt bím, hoặc hai bên hoặc một cái đuôi phía sau. Lên đến Đại Học, nàng mới điệu xõa tóc. Và cũng đoạt luôn danh hiệu: người có mái tóc đẹp nhất trường. Quen nhau vài tháng, chàng nhất định đổi tên con nhỏ. Chàng dụ mấy cô bạn nàng mà chàng hay kèm học, đứa nào gọi con nhỏ là Tí Nhè sẽ được chàng cho đi ăn café liégois ở La Pagode... để trả thù cái tật hay khóc và hay giận không thèm nhận thư chàng. Tí Nhè lên năm thứ ba, chàng ra trường, đi lính. Từ đó ngược lại, tuần nào chàng bận... nhậu, chậm viết thư Tí Nhè cũng giận, không viết thư. Tuần sau chàng chọc:Tí Nhè yêu dấu!- Tí nhè là Té Nhì, là chó xù, là chú xò. Tí Nhè không viết thư cho anh, anh đi nhậu tiếp, ít ra khi Tí Nhè viết thư cho anh dài dài, anh có cái gì để làm may ra anh sẽ bớt thì giờ đi nhậu. Hôm qua có phái đoàn nữ sinh viên ủy lạo chiến sĩ, anh được một cô tặng cái khăn có thêu hai chữ T.N. Anh hỏi T.N. là gì, cô ta cho biết tên viết tắt của cô ta. Hình như.. Tưởng Niệm cho... mối tình không thành của anh và cô ấy. Anh cho biết người yêu anh tên Tí Nhè cô ấy không tin... Có cách nào em viết thư cho cô ta xác nhận dùm anh không?...Một tuần sau chàng nhận được thư trả lời:Lưu Linh yêu dấu!Sáng hôm qua T. đi chợ ngang mấy gian hàng bán chậu bán thau, T. nhớ anh ghê. Em nghe nói lính tráng uống rượu bằng thau mới oai, mới hùng nên mai mốt lấy nhau nhà mình có ly có tách mần chi. Sáng nay ông Hùng phòng Sinh Hóa hỏi thăm anh. Em bảo anh tham gia chiến dịch toàn quân giết giặc bằng... rượu chưa về, ông ấy bảo em copy bài Những Tai Hại của Rượu gửi cho anh. Em nghĩ trí nhớ anh sao mà tệ quá. Em sợ rồi anh sẽ quên em luôn. Mới ra trường có mấy năm, anh đã quên “Cours” Độc Chất Học của bà Nguyễn Hạc Hương Thư, bà ấy biết sẽ buồn biết mấy.Chàng trả lời:Tì Nhè yêu dấu!Cám ơn bài “Tai hại của Rượu” em gửi cho tuần trước. À, Tí Nhè có nhớ lời anh dặn? Ghi cours xong là về nhà, anh không thích Tí Nhè ngồi thư viện. Lỡ có tên nào “dê” em giống anh thì phiền. Mấy cái áo dài sau đây, anh không muốn Tí Nhè mặc đi học: Cái áo lụa màu tím than là của anh, áo màu vàng nghệ, áo màu dưa cải cũng của anh luôn... À còn nữa. Bím tóc thành đuôi đi học, mái tóc đẹp cũng của anh, xõa ra có tên dòm ngó, anh không thích. Đừng thoa son khi đi học, kỳ tới anh về, đưa anh giữ son cho. Chừng nào anh về, đi chơi với anh hãy thoa...Tháng học thi, nàng chậm trả lời thư. Chàng gửi về năm cái thư viết sẵn, có cả phong bì và tem cùng một nội dung:

Báo cáo hàng ngàyTên:

Tí NhèSở thích:

Thích ăn me, cóc, ổi.

Giải trí:

Viết thư cho người yêu tên Lưu Linh.

Tình trạng sức khỏe:

học thi bù đầu nhưng vẫn mạnh.

Ký tên:

Tí Nhè.

.

Cuộc tình hai đứa là những lá thư như thế và những lo âu trở thành ám ảnh khủng khiếp mỗi khi đơn vị chàng phải hành quân qua những vùng nguy hiểm. Cho đến khi hai đứa làm đám hỏi, cho đến khi nàng quyết định ở lại chờ chàng mặc dù tất cả gia đình đã ra đi ngày 30 tháng 4...Những ngày tháng tù ngục vậy mà cũng qua với những lần thăm nuôi của Tí Nhè. Tính dịu dàng, ít nói, khi khổ nàng càng ít nói, càng lặng lẽ. Có lần chàng đau đớn khi nhìn thấy nàng quá ư tang thương, quá ư tiều tụy, chàng xua đuổi khi nàng thăm nuôi:

- Anh không muốn em chờ đợi. Vượt biên về với ba mẹ đi. Em ở lại chỉ làm cho anh khổ tâm.Những ngày tháng đó Tí Nhè của chàng đã biến thành Tí Lì. Mặc chàng nói, Tí Lì đi thăm nuôi bất cứ khi nào có thể. Cái thú nhất của chàng ngày tháng đó là ngồi trong bóng đêm, giữa ruồi nhặng, giữa những khổ não, giữa địa ngục trần gian, trong tay có ít muối xả ớt của nàng cho, dùng đầu ngón tay chấm mút từ từ. Vị mặn của muối, vị cay của ớt, vị nồng của xả đã cho chàng những phân vân, suy nghĩ về kiếp người. Ví dụ như:

Nếu sống tiếp tục như thế, khổ mình, khổ Tí Lì. Nếu vượt ngục, thoát, hai đứa sẽ tìm đường vượt biên. Chết, Tí Lì thoát nợ, sẽ đi về với gia đình ở ngoại quốc... điều gì đã khiến chàng kéo dài?... Nghĩ lại, chàng không thể biết rõ. Tại những hạt lệ chảy ra từ đôi mắt chưa kịp vui cho một ngày cưới đã được định? Tại những lá thư tình đã viết cho nhau? Tại những nụ hôn trên gương mặt trần tái xanh ngày hai đứa chia tay khi chàng trình diện đi tù cải tạo? Tại hình ảnh con mắt bị sưng khi nhổ chân mày lần đầu tiên trong ngày đám hỏi?Rồi cũng đến ngày chàng được thả về. Những toan tính vượt biên. Cho đến bây giờ đã bốn năm qua, chàng sống ở đây, quanh năm tuyết trắng, nhớ hoài nắm muối xả trong tay và những phân vân ngày nào của một kiếp người... Nàng đang đến gần chàng, có phải?...


.*Khi tôi đến Rheims, trời bắt đầu vào đông. Con đường đi từ nhà ga xe lửa về nơi chàng trú ngụ có những hàng cây dương xỉ cao, gầy trơ cành. Trời lạnh và buồn thiu. Mắt tôi cay xè và trĩu nặng sau hai ngày đi đường. Tiếng Thu càu nhàu:- Trông mày giống như ma. Gầy còn hơn lúc ở Việt Nam. Vậy mà ai cũng bảo thức ăn Mỹ làm mập ù.Tôi ậm ừ:

- Thì đừng ăn như tao là tiện nhất.Thu, con nhỏ bạn thân nhất của tôi. Con nhỏ đã có với tôi những buổi chiều đứng trong phòng thực tập vi trùng học trường Dược ngó sang Tòa Đại Sứ Mỹ nhìn từng đoàn người di tản bằng trực thăng những ngày trước 30/4. Có lần nó buột miệng:

- Người ta đang đi ùn ùn. Tụi mình đứng ở đây lo ngó từng con vi trùng đang lớn dần trong ống nghiệm... chờ chết.Ngày đó, tôi lạc quan hơn nó nhiều. Điều đó thật dễ hiểu. Anh nó là người yêu của tôi. Chúng tôi đã làm lễ hỏi. Hè năm đó chúng tôi sẽ làm lễ cưới... Chàng học trước tôi vài lớp. Mỗi buổi chiều tan học lúc đó với tôi là một khoảnh khắc thần tiên. Chúng tôi hay đi bộ quanh khu Cường Để, phía trường Saint-Paul, nơi có tư dinh ông Tướng Lê Văn Tỵ, đi dọc con đường Tự Do xuống bến tàu Sàigòn. Tôi thích những căn biệt thự im lìm với những ngọn đèn vàng chiếu qua khung cửa sổ ấm áp. Chàng cũng lạc quan như tôi vậy. Chàng nói:- Rồi anh sẽ có cho em một ngôi nhà như thế.Người ta đang nói về di tản, chuyện Việt Cộng sắp về trong khi chúng tôi nói về những xếp đặt cho ngày hôn lễ. Chàng tin tưởng rằng chế độ nào cũng cần những chuyên viên như chúng tôi. Chúng tôi sẽ được bình yên dù bất cứ chuyện gì xảy ra. Không lẽ “họ” thống nhất đất nước để giết 30 triệu dân miền Nam? Những gì xảy ra suốt mười lăm năm qua hiện giờ tôi không còn nhớ nổi. Chỉ biết tôi đã đi qua tất cả. Từ việc đạp xe mười lăm cây số mỗi ngày đứng bán thuốc Tây cho hợp tác xã phường lấy sáu mươi đồng một tháng, số tiền tương đương với ba kí thịt heo chợ đen ở chợ Tân Định đến những lần thăm nuôi chỉ biết ngó nhau không dám khóc.

Cho đến khi chàng được thả về. Cho đến khi chàng vượt biên thành công. Cho đến bây giờ chúng tôi sắp được gặp nhau.Thu, cũng còn độc thân. Ngày nước mất, nó chưa yêu ai nên lông bông. Nó cười tỉnh bơ:- Hãy nói yêu nhau bằng tiếng loài người. Việt Cộng có là loài người đâu mà yêu với thương...Có lần thấy tôi khổ sở, lo lắng quá cho chàng sau kỳ thăm nuôi tại miền Bắc, nó thương hại:- Tuy ông ấy là anh tao mà thấy mày khổ đến thế này, tao phát rầu. Hai bác bên kia chắc buồn lắm phải không?Gia đình tôi đã ra khỏi Việt Nam từ 1975. Tôi quyết định ở lại vì chàng. Ngôi nhà ba mẹ tôi lọt vô tay chú thím tôi, ở Hà Nội vào. Tôi thành nguời ở trọ... ông chú cán bộ dù sao cũng còn máu tiểu tư sản sinh viên Hà Nội xưa kia nên cũng đỡ. Chỉ có bà thím là ớn ẩm. Khi biết tôi ở lại vì vị hôn phu là “ngụy quân” bà muốn tống cổ tôi ra khỏi nhà... Cũng may mà hộ khẩu tôi còn ở đó. Tôi cũng được chứng kiến nhiều trạng thái “thăng trầm” đời cán bộ Cộng Sản, điển hình là ông chú, bà thím yêu dấu của tôi. Từ cái đằng đằng sát khí những năm đầu, sang thái độ hòa hoãn những năm kế tiếp, và sau đó, sự an phận với nghèo đói khi bị về hưu, về vườn của những cán bộ miền Nam tập kết..

.

Những năm tháng sống tại Sàigòn với chàng bên cạnh, tôi đã có cho tôi cái nghĩa đằm thắm vợ chồng. Chàng gàn lắm chứ. Chàng muốn chúng tôi sẽ có với nhau cái đám cưới to như đã dự định mùa hè 1975. Có ba mẹ tôi, có anh chị em tôi. Có gia đình chàng. Chàng bướng bỉnh:- Làm đám cưới dưới sự chứng kiến của gia đình hai bên, anh có thể quên bọn chúng. Làm đám cưới bây giờ với những khuôn mặt khỉ vây quanh, làm sao anh có thể quên...Chàng bảo tôi như thế. Khi chàng được tha về từ trại cải tạo, chúng tôi đã có những đêm đạp xe trong bóng tối Sàigòn, xụp ổ gà muốn gãy thắt lưng mà thương nhau. Chàng đạp xe phía ngoài, bàn tay hay bỏ sang phủ bàn tay tôi, bóp nhẹ. Chàng nói, lãng mạn như bao giờ cũng thế:

- Anh mang ơn em cho anh tình yêu này. Không có nó chắc anh đã chết.Tôi nói với chàng, tôi tin vào định mệnh. Như định mệnh tôi một đời yếu đuối, thu rút vào sự bảo vệ, che chở của chàng. Tôi không thể nghĩ tôi còn có đời số�ng nào khác hơn. Chúng tôi đã đi qua nhiều cái Tết Saigon để nhìn thấy sự tiêu hao trong đời sống mình. Chàng đã mất đi vẻ mạnh khỏe thanh niên: Gò má nhô cao, đôi mắt quầng thâm, mất ngủ.

.

Tôi già nua theo nắng gió Saigon. Những đứa bạn mỗi ngày một vắng bóng. Gia đình chàng chuẩn bị vượt biên. Cha mẹ tôi bảo lãnh tôi sang Hoa Kỳ. Cha mẹ tôi không muốn tôi liều chết vượt biên. Chàng cũng thế. Nhất là khi tin tức về sự tàn ác của hải tặc Thái Lan về đến Saigon. Chúng tôi nói với nhau hoài về những ngày tự do đầu tiên nơi xứ người.Chàng nói:- Chúng ta sẽ là cặp vợ chồng hạnh phúc nhất. Không ai yêu vợ bằng anh cả.Tôi im lặng nghĩ về cái giấc mơ ngôi nhà nhỏ và những ngọn đèn màu vàng ấm cúng. Những đứa con xinh đẹp và ngoan ngoãn. Những buổi tối bên nhau không còn lo âu chuyện gì sẽ đến ngày mai. Chúng tôi sẽ có cơm ăn, sẽ có mái nhà của riêng mình. Tôi sẽ có cho tôi cái máy nhạc để nghe những bản nhạc ưa thích. Tôi sẽ có nơi chốn riêng để hát vang những bài ca chợt về trong trí nhớ.Thời gian nhanh thật. Đã bốn năm qua từ khi chàng ra khỏi quê hương...

.

Tôi được gia đình bảo lãnh sang Hoa Kỳ. Tôi không biết nói sao về sự thất vọng khi đến xứ sở này. Tôi thấy tôi lạc lõng, quê mùa... Những bà chị ruột, chị dâu trước đây vẫn thua kém tôi về mọi mặt: học vấn, tư cách, nhan sắc nay là những con người văn minh rất bội. Những ánh mắt thương hại của họ làm tôi khó chịu hơn tất cả. Tôi đã đi qua tất cả biến cố bằng tất cả sự hãnh diện và hiểu biết, chịu đựng của mình không phải để cầu xin sự thương hại nơi người khN¡c. Điều làm tôi đau đớn kinh hoàng là sự lạnh nhạt của chàng. Lúc đang ngồi trên máy bay, tôi đã viết những dòng chữ đầu tiên cho chàng khi tôi bước chân đến bờ đất tự do. Không một hồi âm. Tôi đau đớn nhưng tôi bình tĩnh lắm. Đời sống quá đau khổ mười lăm năm qua đã tập cho tôi cái thói quen chấp nhận và chịu đựng. Cái gì cũng được. Ngay cả việc chàng thay đổi. Miễn chàng còn sống và an vui.Nhưng tôi không tin như thế. Bởi vì tôi không thể nghĩ rằng cái bàn tay trái có ngón tay đeo nhẫn bị cụt mất nửa móng tay đó không còn là của tôi. Cái móng cụt mọc chậm hơn những móng khác mỗi lần tôi cắt móng tay cho chàng. Chàng bặt tin chắc phải có nguyên do. Nhất là thái độ chống đối rõ rệt của cha mẹ tôi về việc hôn nhân hai đứa. Trước đây, cả hai rất thương chàng. Nhất là ba tôi.Ông nói:

- Con sẽ không chịu đựng nổi khi gặp lại nó. Ba nghĩ rằng con hy sinh đã đủ. Ba không nghĩ nó còn đòi hỏi ở con điều gì nữa cả. Con không muốn lập gia đình khác cũng được nhưng ba mẹ không muốn con về bên đó.Từ nhỏ, tôi có thói quen tâm sự tất mọi điều trong đời sống mình với cha tôi. Tôi nói với cha tôi rằng tôi đã không thể khác. Tôi chưa có con nên tôi không thể hiểu được đứa con cần mẹ như thế nào nhưng tôi có thể cảm thấy sự cần thiết không thể thiếu tôi của chàng. Từ ánh mắt đau đớn khi xua đuổi tôi ra khỏi nơi thăm nuôi vùng Việt Bắc. Từ cái đêm trước ngày vượt biên, ôm tôi vào lòng nhưng giữ lại vào phút cuối. Bởi vì: trước sau gì mình cũng gặp lại, cũng là của nhau, gần nhau. Bây giờ không biết bao giờ mới gặp lại nhau, em có chuyện gì chắc anh chết mất...

.

Vì thế mà bốn năm im lặng, bặt tin, không liên lạc, chắc chắn đã có một điều gì đó, ghê gớm lắm đến với chàng, đã làm đầy thêm cái định mệnh khắc nghiệt đời tôi. Có điều, anh yêu dấu, anh thấy đó, làm sao em còn có thể khác?*Tôi định viết cho nàng một lá thư giã biệt. Vậy mà mỗi lần đặt bút mở đầu bằng Tí Nhè yêu dấu hay Tí Lì yêu dấu tôi đều khựng lại. Bởi vì tôi biết mọi biện giải, mọi giải thích đều không ổn với nàng. Tôi đi qua cuộc đời này với mỗi tuổi đời là một nếp nhăn, một nét tàn phai trên khuôn mặt đẹp đó. Từ cái bàn tay mềm dịu, không một vết nhăn đến cái bàn tay nám đen vì nắng gió Saigon chạy từng buổi thăm nuôi cho người chồng chưa cưới. Cái bàn chân chưa hề bước xuống đời đó đã đạp xe đạp vài chục cây số buôn tảo, bán tần, cái miệng có hàm răng trắng đều như sương, đôi môi hồng non đã cắn chặt nhiều lần cho nước mắt khỏi tuôn ra khi đứng trước sự hạch hỏi của bầy quản giáo.

.

Vì thế làm sao tôi có thể nói với nàng chuyện gì đã xảy đến cho tôi trong lúc vượt biên. Đáng lẽ tôi phải nhớ đến nàng. Nhớ đến mối tình của nàng. Tình yêu của tôi. Đáng lẽ tôi phải nhớ đến từng nếp nhăn, từng giọt nước mắt. Đáng lẽ... tôi nên lặng im, cúi đầu như nhiều người đàn ông khác trong ghe, đã im lặng, đã cúi đầu khi bầy hải tặc lột truồng đứa con gái xa lạ có hình dáng giống như nàng thuở nhỏ làm nhục... Điều gì khiến tôi đã ngu dại, xông ra đòi cứu mạng cho đứa nhỏ. Để khi tỉnh dậy sau đó, trong cơn đau đớn đến tận cùng tôi biết rằng, hai ống chân tôi đã nát bấy vì những cái búa của bầy hải tặc. Tôi không ân hận vì hành động ngu dại cứu người, tôi chỉ ân hận là tôi đã quên dù trong một phút những hy sinh của người đàn bà đã sống chết vì tôi một đời...Em, hãy tha thứ cho anh. Anh không xứng đáng với tình yêu của em. Anh không thể làm em khổ hơn được nữa. Em đã nuôi anh bao năm. Anh không thể để em lại tiếp tục cuộc đời mình với người đàn ông tàn phế. Dù em đã xác nhận với anh nhiều lần em không còn có thể khác.


*Mùa Xuân nơi họ ở nhiều năm còn tuyết rơi. Họ đã có căn phòng nhỏ với ngọn đèn vàng ấm áp. Buổi sáng những người bản xứ ngụ cùng một chung cư đôi khi tiếp tay người đàn bà mảnh dẻ đẩy xe lăn cho chồng qua lối đi dài đến nhà chứa xe. Tuy tàn phế nhưng người đàn ông cũng đi làm mỗi ngày. Họ đi học lại, ra trường và có việc làm rất tốt. Người đàn bà nhỏ nhắn, trẻ hơn tuổi, yêu thương chồng hết mực. Họ không có con nhưng bất cứ ai ở cạnh đều thấy không có điều gì có thể làm cho họ không cảm thấy hạnh phúc. Những ngày cuối tuần, khi đẩy xe cho chồng băng qua công viên dạo chơi, những người bản xứ nghe tiếng hát trong trẻo của người vợ qua những bài ca ngôn ngữ lạ, họ không hiểu gì nhưng có thể đoán là nàng đang hát tình ca... Nàng nói với những người hàng xóm đôi khi tò mò vì nguyên nhân tật nguyền của chồng: Chồng tôi đã hành động như một anh hùng và tôi rất hãnh diện được chia xẻ với anh quyết định đó...


No comments:

Post a Comment