Monday, May 4, 2009

ĐẠI DƯƠNG TRONG LÒNG CON ỐC NHỎ
(Tặng các bà mẹ nhân ngày Mother’s Day)
Lê Việt Điểu, May 12, 2008

Sáng nay bầu trời trong như ngọc, ông mặt trời dậy sớm hơn mọi ngày hơi mệt chăng, cho nên ông còn đang ngáp dài ngáp vắn trên mấy đọt cây sồi. Trong những lùm cây nơi công-viên những con chim sáo, chim cu ngói, cu cườm, họa-mi...và nhiều lọai nữa mà tôi không biết tên đang thi nhau hót, đang đồng ca bài đón chào bình-minh rộn-rã.Nghe tiếng chim líu-lo trên cây, nhìn những con cu cuờm sà xuống rồi bay lên, chúng đang “tán tỉnh” nhau. Nắng ấm, gió nhẹ làm cho tôi thấy lòng tràn ngập niềm vui, một niềm vui không tìm ra xuất-xứ, và tôi đã quên phứt đi rằng mình đang ở trên đất Huê-Kỳ.

Ôi! Nó mới chán làm sao, đang sống trên cuộc đất xứ người mà sao lòng mình cứ mãi vương mang bổi-hổi bồi-hồi nhớ về quê-hương ngàn dặm xa xôi. Dzà nỗi nhớ bâng quơ ấy đôi khi làm cho lòng mình quặn thắt đớn đau. Nói cho cùng thì tôi cũng đã năm lần bảy lược tự nhắc dzới lòng mình ráng làm Mỹ vàng đó chớ. Làm ráo, học ráo. Học từ cách ăn nết ở, học cách uốn lưỡi xì-xèo để rặn cho ra tràng tiếng Mỹ nói với xếp hàng ngày. Có đôi lúc quá đà ngon trớn như xe đang đổ dốc rồi "tới luôn bác tài," nói phun nước miếng, thì y như rằng mười lần không sai một, cá "bi nhiêu thì bi," chắc như cua gạch, chiều đó về nhà nhai cơm hổng thấy ngon miệng chút nào. Ăn cơm không ngon hổng phải bởi, tại, dzì, thì, mà, là…chi ráo trọi, hoặc món ăn, hoặc bởi cơm nguội cá kho…

Không tuốt. Nhưng cái nguyên nhơn chính (có nghiên cứu đàng hoàng bằng khoa tâm sinh lý, và sau nhiều lần thử nghiệm) là do cả ngày nói tiếng Mỹ quá đà nên cái miệng nó trẹo, dzà mấy đường gân của cái quai hàm nó mất tính đàn hồi vật lý, dzà dzì thế cho nên về nhà nhai cơm hổng có được thế thôi. Đơn giản-un point final. Nói nào ngay, tuổi của tôi đâu có gì lớn cho lắm,(hơi già chắc hột chút thôi) còn đầu óc (sau khi đi giảo nghiệm mấy lần) vẫn còn minh mẫn sáng suốt; ấy -mà - nhưng -tại - bị mỗi cái tội ăn nước mắm nhỉ Phú Quốc, nước mắm hòn Phan Thiết...nước mắm cá cơm nguyên chất Mũi Né, Mũi Nai...lại thêm cà pháo mắm tôm, thịt ba rọi cuốn bánh tráng chấm mắm nêm, ăn kèm ớt hiểm... ăn hoài mấy chục năm dài, nên chi rằng - thì - là nói tiếng của người ta thường bị "đớ lưỡi" đó thôi.Sáng nay tôi "Bình Long Anh Dũng" gọi giây nói vô sở xin nghĩ việc một ngày với lý do rất "chính đáng" có ghi trong "po-ly-xi" giấy trắng mực (bút-bi) đen rõ ràng: Bị bịnh xin nghỉ "Ừ-mé-răng-xi".

Không phải tôi làm biếng, cũng hổng phải "cục nhớt" nó to; nhưng bởi tại vì nghĩa-vụ ruột thịt thương ông anh mà ra. Chuyện nó là như vầy: Tôi có ông anh họ, tuổi đời đã lớn, tù tội cũng hơi nhiều, gia đình đùm túm khăn gói "quả bí “ qua đây được mấy niên. Thân trâu già đâu có nệ dao phay, nên cũng ráng đi làm kiếm chút cháo nuôi con ăn học. Hôm nay đứa con gái lớn sắp ra trường nhà trường có tổ-chức một buổi tiệc trà để gọi là phát bảng danh dự (kèm theo lời khen) cho những học sinh giỏi. Với công đèn sách cộng thêm sự chăm chút đầy hy-sinh của mẹ cha, nhứt là người mẹ, nên cháu nó (tức là con ông anh) cũng được cái hân hạnh đứng chung hàng chen vai với các bạn trên sân xi-măng để nhận tờ danh dự. Cái bảng danh dự đó thiệt ra làm bằng giấy "Rì-xai-cồ" (Có nhản hiệu cầu chứng tại toà in rành rành bên góc)

Tuy nhiên, vì đó là "Miếng thịt làng bằng sàn thịt chợ" và đó cũng là cây trái đầu muà trên đất mới nên ông anh bà chị tôi mừng rỡ lắm. Nỗi mừng vui hiện rõ trên nét mặt già cỗi nhăn nheo như võ gốc cây sồi già ở góc vườn. Anh chị mừng như con nít được quà, được mặc áo mới, được lì xì trong ba ngày tết vậy. Nhìn gương mặt của ảnh chỉ, tôi cũng mừng lây. Cũng bởi mới "tái định cư" nên chị tui vừa nói vừa cười nhưng nét mặt thì rất nghiêm trang: "Nhờ chú Mười mầy đi với ảnh để lỡ có phải nói cái gì thì cũng còn có đường hụ-hợ với người ta." Nghe chỉ nói mà lòng tôi đứt ruột. Dù gì anh Sáu của tôi cũng đã từng là Sĩ Quan như ai, cũng đa õtừng hành quân với cố vấn Mỹ chớ bộ. Nhưng dù sao thì với hơn mười lăm năm bị nằm rừng, bị bỏ đói, bị hù dọa, nên từ ngày ra tù đến giờ con người ảnh có hơi "khan khác".

Tôi nghĩ chắc có lẽ ảnh "kinh cung chi điểu" đó mà. Thế là với cái vốn tiếng Mỹ "nói mõi tay" tôi hùng dũng hộ tống ông anh lên đường đi "phó hội nhà bàn." Chúng tôi đến trường gặp đứa cháu, nó ra lễ phép cúi đầu chào thì tôi làm phách, nổi máu "thùng rỗng kêu to" cái máu "xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ" để muốn biểu diễn lấy le trước "bá quan văn võ" Việt-Mỹ chung quanh rằng mình sang Mỹ đã lâu, văn-minh tiến bộ cùng mình, nên khi thấy đứa cháu ra chào, tôi xăng-xái xáp tới cứ y như "Mỹ thứ thiệt", giang hai tay ra ôm nó còn miệng thì xổ xì xèo một tràng tiếng Mỹ "ăn đong" "Hẩu-a-rờ dzú? Huẹo cằm! huẹo cằm!.." Trước là để tỏ tình "thắm-thiết" chú dzí con, và cũng có ý là cho nó thấy rằng "vòng tay cúi đầu" là hổng có bình đẳng, là phong-kiến, là mất tự do, là...v.v...và v.v...
Nhưng hởi ơi! Tôi đâu có ngờ "đời là bể sầu," nên con nhỏ cháu nó vẫn lễ phép để cho chú nó ôm nó nhưng nó bỏ nhỏ bên tai "Mình là người Việt Nam mà Chú. Cháu chào chú, chú cứ xoa đầu cháu là được rồi. Ôm coi kỳ kỳ chú ạ." Mèn đét quỷ thần ông địa ơi! coi bộ con nhỏ "ốc gạo" mà ăn nói có lý quá ta.

Nó sửa lưng mình đúng quá đi chứ. Tôi sượng trân, sượng ngắt, chưng hửng như người "mất trọng lực." May quá là may quanh đây toàn Mỹ là Mỹ, và ai ai cũng đang bận rộn chào hỏi bắt tay, bằng không thì...thì chỉ có nước độn thổ ông trời ạ. Thế mới biết đừng có coi thường lũ trẻ, đừng có chê chúng nó không biết “ất giáp” gì. Bé cái lầm, coi chừng có ngày sụp hố.Căn phòng chật cứng người ngồi, cuộc lễ học sinh nên cũng chẳng có gì rườm-rà cho lắm. Một cái bàn dài để ở cuối phòng, trên đó trãi tấm khăn trắng có mấy chai nước ngọt loại 2 lít, mấy hộp bánh "cút-ki" có vài chị Mỹ đứng mời nước. Phía trên khán đài có trang-trí những chậu hoa xanh đỏ rực rỡ, một cái đàn dương cầm có người đang đánh từng tưng. Thành phố này là thành phố nhỏ không có hãng xưởng kỹ-nghệ gì, toàn những khu nhà của mấy ông bà già về hưu. Thành phố nầy "hình như" cách nay nửa thế-kỷ nó là rừng và nông trại trồng chà là, trồng nho. Cuộc sống của người dân ở đây còn đượm nét "nhà quê” rất dễ thương. Trong đám đông đó có hơn mươi người đầu đen nhỏ con, giản dị khiêm-nhường. Tới giờ hành lễ, ông Hiệu trưởng lên khán đài nói vài dòng khai mạc, một vài em học sinh trình diễn văn-nghệ "cây nhà lá vườn." Xong. Bây giờ tới phần phát thưởng và bằng danh dự. Các em được gọi tên, vì trường nầy là trường cấp hai từ lớp 9 đến lớp 12 và mỗi lớp có chừng từ 10 đến 15 em được thưởng. Theo như tôi ngồi tôi đếm và dọ hỏi thì có đâu chừng khoảng 10% học sinh được phát thưởng.Đây là những em trong toàn niên học đều được điểm A’s, và trong số đó có khoảng đâu 10% là Việt. Tôi ngồi đó nghe họ đọc tên mà lòng rộn rã niềm vui.

Những âm thanh Trần, Lê, Nguyễn, Vũ, Phạm, Hoàng...như những tiếng chuông ngân vang reo vui trong lỗ tai tôi, tiếng ngân vang như được kéo dài từ hồi dựng nước. Tôi vui không phải vì cháu tôi được thưởng, nhưng vui vì trong các lớp đó cấp nào cũng có người Việt Nam mình. Nhìn những em gái em trai nhỏ thó bên cạnh những bạn Mỹ to con, có em gái học lớp 11 chỉ đứng tới ngang vai người bạn Mỹ bên cạnh làm tôi liên tưởng đến hình ảnh của con ốc nhỏ đeo tòn ten trên mấy cây bần ở sông nước quê nhà, những con ốc nhỏ của quê-hương mà "ngày xưa còn bé" tôi được thấy: Con ốc gạo. Những “con ốc” nhỏ nhoi quê mùa đó bây giờ đang chen vai thích cánh đứng bên cạnh mấy anh chị ốc nhồi, ốc bưu, ốc ma trước mặt mọi người.Nói đến ốc trí nhớ trở nên lạng quạng đâm ra nhớ những con ốc gạo quê hương, những con ốc to hơn những hột gạo, họa hoằn lắm có con bằng đầu đủa ăn cơm, còn màu sắc thì đen sì coi phát ớn, nhưng ngọt ngon thì vô kể. Ốc gạo khi luộc chín rồi phải dùng kim chích, khiều mải mới ra, lể hoài mõi cả tay may ra mới vừa đủ dính trên đầu lưỡi, nhưng người ăn vẫn thích thú như thường. Ngày đó ở quê mấy bà bán ốc gạo thường thường đem theo một mớ gai chanh, gai bưởi cho khách có cái mà dùng.

Trong những buổi trưa hè ngồi trên đường làng quê mấy bà mấy chị lúc dừng chơn nghỉ ngơi hay lể ốc gạo, các chị mồm miệng vẫn cứ nói chuyện còn hai tay, bên trái một nắm ốc bên phải một cây kim tây cứ lể lia lể lịa như thể người ta vá áo, tay liền miệng, miệng nối tay đưa vô miệng ăn rồi để lại trên đôi môi những cái mày ốc đen đen lấp lánh. Còn lể ốc gạo ở chợ thì có được thêm chén nước mắm chua chua ngọt ngọt làm tăng thêm vị giác cho đầu lưỡi. Những đêm ở nhà quê sau khi cơm nước xong, có nồi ốc gạo thì câu chuyện mùa màng, điển xưa tích cũ thêm phần thú-vị tiếng cười nói mặn mòi hơn.Những con ốc gạo nhỏ nhoi câm nín trên sông rạch quê hương chẳng bao giờ làm no một bữa, hình ảnh con ốc gạo ngọt ngào kia là hình ảnh của người phụ nữ quê mình suốt đời câm nín vì chồng vì con. Hình ảnh đơn sơ đó được kể như vầy:"Vì chồng tôi phải chạy rongVì chồng tôi phải qua cầu đắng cay"Người phụ nữ Việt khi đã lấy chồng thì chỉ biết vì chồng, vì con. Họ sẵn sàng xả thân vì người yêu mến, thay thế phu quân trong các công việc nhà. Ngày xưa, hình ảnh người nữ chờ chồng trong khi chồng mãi lo việc nước là hình ảnh thân quen đi vào lòng dân tộc. Người nữ khi cần có thể thay chồng làm cha vừa dạy dỗ con cái vừa phụng dưỡng mẹ già.

"Anh đi em ở lại nhà
Hai vai gánh vát mẹ già con thơ
Lầm than đâu quản nắng mưa
Anh ơi, anh liệu chen đua với đời"

Người thiếu phụ Nam Xương như vợ chàng Trương đâu phải là hiếm trên quê hương hình chữ S của mình? Nàng chinh-phụ bị hàm oan chỉ còn biết lấy giòng sông mượn giòng nước để minh oan. Nàng thiếu phụ đã thay chồng nuôi dạy con để chàng rãnh tay lo việc nước. Hình ảnh người cha chỉ còn là cái bóng mỗi đêm trên vách. Nỗi oan khiên đó làm sao chàng biết được? Đợi đến khi giòng nước kia làm mắt chàng sáng ra thì đã muộn màng. Làm sao giải nổi oan tình? làm sao chứng minh lòng chung-thủy? Đến khi hiểu ra thì chỉ còn là:"

Nghi-ngút đầu ghềnh tỏa khói hương
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương
Ngọn đèn dầu tắt đừng nghe trẻ
Làn nước chi cho lụy đến nàng
Chứng quả có đôi vàng nhật nguyệt
Giải oan chi mượn đến đàn tràng????"

Hình ảnh người vợ, người mẹ đãm đang, người dâu hiền con thảo thời nào lại chẳng có. Năm 75, năm các chàng đưa nhau vô tù bỏ các nàng ở lại với bầy con dại chịu cảnh trên đe dưới búa. Các nàng như hươu non giữa bầy lang sói, như cừu ngơ ngác giữa cánh đồng. Những tưởng các nàng sẽ gục mặt chịu thua. Nhưng không, các người vợ, người mẹ đó đã đứng vững như đá tảng trước cơn giông tố. Nàng đã thay chồng nuôi con, bương chãi ngày đêm gánh gạo nuôi chồng tận miền xa núi rừng thăm thẳm để cho chồng có được một ngày về.

Nỗi cô đơn trống vắng "ai có qua cầu mới hay."
"Anh đi đàng ấy xa xa để em ôm bóng trăng tà năm canh
Nước non một gánh chung tình
Nhớ ai, ai có nhớ mình hay chăng?

"Người phụ-nữ đã làm tròn bổn-phận, nàng cắn răng chịu đựng gió mưa và bây giờ cây đã cho trái ngọt. Đứa cháu của tôi và những em trai em gái khác đang đứng trên kia, trên khán đài danh dự, trước mặt tôi và trước mặt mọi người là kết quả một phần ở nơi người mẹ. Lúc các em đứng đó làm rạng rỡ tông môn đâu thấy ai kể công của người mẹ? Nhưng nếu các em hư hỏng thì đay nghiến "Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà".

Người phụ nữ Việt đâu phải một sớm một chiều là có được. Họ phải được nuôi dạy và lớn lên trong bầu không-khí cỡi-mở nhưng nghiêm-trang, được thở hít không-khí tự do nhưng trong vòng lễ-giáo. Không cỡi-mở thì làm sao vào thế-kỷ thứ Nhứt (năm 40-43) Hai Bà Trưng được làm vua nước Việt trong khi đó bên Tàu còn "Nhứt nam viết hữu, thập nữ viết vô", không lễ-giáo làm sao Dương Lễ dám cho vợ mình sống với Lưu Bình để giúp bạn mình ăn học thành tài? Người phụ-nữ Việt lớn lên trong cái nôi văn-hóa được cụ Nguyễn Đình Chiểu viết mở đầu trong chuyện rằng:"Trai thời trung-hiếu làm đầuGái thời tiết-hạnh làm câu trau mình"Như vậy phụ nữ nước mình mới có Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Bà Lê Chân, bà Phùng Vĩnh Hoa, bà Bùi Thị Xuân, Cô Giang, Cô Bắc....Mới có những đứa con viết nên quyển sách "Vẽ Vang Dân Việt" .

Trai Việt thời ngâm câu "Nhân nghĩa lễ trí tín" gái Việt thời thuộc nằm lòng 4 chữ "Công Dung Ngôn Hạnh" để giữ mình. Chỉ có những kẻ "Học mười biết một" hoặc những kẻ quay lưng một sớm một chiều mới dám đặt vấn đề "Người phụ nữ Việt Nam có cần Công Dung Ngôn Hạnh" ?????
Nhớ lại ngày Cộng Sản thôn tính nước mình, người cộng sản đã chiêu dụ "Phụ nữ giữ Công Dung Ngôn Hạnh là tàn dư phong kiến..." để phá vỡ nền tảng gia đình. Họ bứt lìa phụ nữ ra khỏi gia đình như cây trốc gốc, họ đẩy vợ chồng mỗi người một nẻo để họ dễ bề thực-hiện "Trăm năm trồng người", hòng chích "Sinh tử Phù" vào đám con nít thơ-ngây. Họ ca tụng tâng bốc người phụ-nữ, "Nâng cấp" người phụ-nữ bình-quyền để phá vỡ cái đạo-lý "Thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn" Ấy vậy mà cũng có người tin theo.Tôi ngồi dưới nhìn lên, tôi thấy hãnh diện mình là người Việt.

Những mầm-non của tổ-quốc đang lớn dần trên đất mới, mảnh đất quê người. Không là bà con với các em, nhưng tôi vẫn thấy lòng vui lây, xúc động. Xin cảm-ơn các em đã vuốt mặt dùm cho tôi... Tôi xúc động thực sự. Xin cảm ơn các em, chúng mình là đồng-bào các em ơi. Đồng-bào có nghĩa là chúng mình cùng một bọc sinh ra, cùng một bào-thai, là anh em, là họ Hồng-Bàng đó các em ạ. Các em vinh hiển các em nhờ, nhưng tổ-quốc điêu-linh khốn-khổ vẫn đang chờ các em đó.Nói như vậy không có nghĩa là tất cả con em Việt Nam đều giỏi tuốt. Không, chúng ta cũng còn có những em lỡ dại một đôi lần “tay đã nhúng chàm", chàm xanh chàm đỏ, các em đã phải trả cho cái giá của các em. Ung nhọt đó sẽ có một ngày rữa sạch. Biết buồn. Nhưng làm sao tránh khỏi?

Tục ngữ có câu "Mía sâu có đốt, nhà dột có nơi" thôi thì ta ráng sửa. Có lỗi lầm thì ráng mài dũa, không ai trong đời trước khi nên khôn không lỡ dại một đôi lần? Và hãy nhớ "Ngọn đèn được tỏ trước khêu bởi mình", không có người khác ăn mà bụng mình no được cả. Chúng ta cũng nên tha thứ để cùng nhau đùm bọc và đem cái đạo lý "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” đến những nơi đang bị bóng tối bao trùm.Các em đang đứng trên kia là những ánh đèn le lói trong đêm giông bão, các em hãy vững buớc đi lên, bên cạnh các em là ông bà cha mẹ. Tương-lai đất nước đang chờ. Tre già thì măng phải mọc. Chúc các em thành công. Xin chúc mừng các bà mẹ, ông cha trong mùa hè năm nay có con đứng trên những bục cao đó. Hãy chăm chút cho những quả ngọt đầu mùa, đừng để gió mưa giông bão làm rơi rụng. Cơ hội là ở nơi đây trong tầm tay. Lòng riêng xin vạn tạ ơn người, người mẹ Việt Nam, người mẹ nhỏ nhoi câm nín như con ốc nhỏ nhưng trong lòng chứa cả một đại dương.

No comments:

Post a Comment