Saturday, July 31, 2010

Anh Lý Tống với Cộng Đồng CUBA năm 2000

Friday, July 30, 2010

TRUONG VĂN SƯƠNG VÀ LÝ TỐNG ĐỪNG CÚI ĐẦU.........
Bài Mới xin gởi đến qúy vị nhờ phổ biến rộng rãi.
Nguyễn Quang Duy

Trương Văn Sương - Lý Tống: Đừng Cúi Đầu Trước Bạo Quyền Cộng Sản.
Trong hai tuần qua, giới truyền thông đặc biệt chú ý đến hai người: ông Trương Văn Sương và Lý Tống. Một ngừơi vừa được rời khỏi cảnh tù đày và một người xuất chiêu “xịt hơi cay ” chống văn hóa vận cộng sản. Lạ kỳ là cả hai người có rất nhiều điểm giống nhau và lại xuất hiện cùng một thời điểm. Biết đâu đây chính là vận nước.

Trước tiên cả hai ông Trương Văn Sương và Lý Tống đều là những chiến sỹ kiên cường trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Cả hai cùng tham gia chiến đấu bảo vệ miền Nam tự do đến giờ phút cuối cùng trước khi lọt vào tay giặc.

Trương Văn Sương là Thiếu Úy Địa Phương Quân, Phân Chi Khu Trưởng xã Mỹ Hương, Quận Thuận Hòa, Tiểu Khu Ba Xuyên. Trong khi ấy, phi công Lý Tống lái phản lực cơ A.37 chuyên công kích cộng quân. Khi người bạn “Đồng Minh” rút chạy, hai ông đã cùng chung số phận với đồng bào cả nước mất tự do và với hàng trăm ngàn binh sỹ miền Nam thành những người tù cải tạo.

Sau sáu năm tập trung cải tạo, Trương Văn Sương ra tù và vượt biên sang Thái Lan. Tại đây ông gia nhập “Mặt Trận Thống Nhất Các Lực Lượng Yêu Nước Giải Phóng Việt Nam”, làm trưởng toán dẫn mười thành viên nhập biên vào Hòn Ðá Bạc, mũi Cà Mau. Cả toán bị bắt, ngày 1/3/1983, ông bị kết án chung thân. Tính đến ngày rời trại giam Ba Sao (Nam Hà), ông đã bị Việt cộng giam 27 năm 4 tháng rưỡi. Như vậy nhập chung ông đã chịu 34 năm tù chính trị. Thế mà cái loa tuyên truyền của đảng cộng sản vẫn không ngừng rên rỉ “không có tù chính trị”.

Ông Sương cho biết tổ chức của ông có trên 200 người bị bắt. Nhiều người đã chết vì bệnh hoặc vượt ngục bị giết. Các ông Trần Văn Bá và Hồ Thái Bạch lãnh đạo Mặt Trận đã bị cộng sản sát hại nagy sau phiên tòa. Ông Sương và các chiến hữu của ông đã chọn chiến đấu cho tự do dân tộc thay vì tỵ nạn trên đất khách quê người như hàng triệu đồng hương khắp năm châu.

Còn Lý Tống đã trốn thoát trại tù, rời quê hương bằng đường bộ và được chính phủ Hoa Kỳ chấp thuận định cư. Tại Hoa Kỳ , ông đi học lại và lấy bằng Cử Nhân Khoa Chính Trị và Cử Nhân phụ Khoa Pháp Văn (1988), Cao Học (1990). Năm 1992 Lý Tống hoàn tất chương trình Tiến sĩ Chính Trị ngành Bang Giao Quốc Tế và chuẩn bị trình Luận án Tiến sĩ tại Đại Học New Orleans.

Thay vì tìm việc làm kiếm sống nuôi thân, ngày 4/9/1992, Lý Tống trở về Việt Nam trên chiếc Air Bus 321-200. Về đến thủ đô Sài Gòn , ông ép phi hành đòan thả 50 ngàn truyền đơn kêu gọi đồng bào Tổng Nổi Dậy lật đổ chế độ bạo quyền cộng sản, bị Việt cộng bắt và bị kết án 20 năm tù. Trước Tòa án ông tuyên bố: “Tôi Quốc tịch Việt Nam Cộng Hòa. ...Tôi trở về đây nhân danh Tổ quốc, Công lý để lật đổ Chế độ cộng sản. Các ông cũng nhân danh Tổ quốc, Công lý để kết tội tôi. Tại phiên tòa này các ông là quan tòa, tôi là bị cáo. Nhưng ngoài phiên tòa này còn có Tòa án Lịch sử và toàn Dân Việt Nam sẽ là những vị quan tòa công minh nhất, họ sẽ định công, định tội tôi và các ông!“ Cũng như Trương Văn Sương, ông cũng bị giam tại trại tù Ba Sao (Nam Hà) cho đến ngày thóat khỏi tù đày và về lại Hoa Kỳ .

Sau khi ra tù ông Trương Văn Sương cho giới truyền thông tự do biết trong tù ông luôn viết bản kiểm điểm như sau: “Chúng tôi khẳng định rằng chúng tôi vô tội và chúng tôi là những người có công với đất nước. Chúng tôi đã đem mồ hôi xương máu xây dựng và đấu tranh cho nhân quyền, tự do dân chủ cho Việt Nam . Chính đảng Cộng Sản Việt Nam mới là người có tội. Bằng chứng là các cuộc cải cách ruộng đất đã giết chết bao nhiêu người vô tội tại miền Bắc. Sau đó năm 1975, khi chiếm được miền Nam họ đã làm kiệt quệ kinh tế bằng các cuộc cải tạo tư sản, đánh tư bản, đẩy dân đi kinh tế mới, gây cho hàng triệu người vượt biên trong đó hàng trăm ngàn người đã chết. Họ đã buộc hàng trăm ngàn sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đi cải tạo và có biết bao người chết mà không biết thân xác bị vùi dập nơi đâu. Cán bộ thì tham nhũng, thối nát, hiếp đáp dân chúng nhưng lại hèn nhát cúi đầu trước các vụ lấn đất, lấn biển của ngoại bang. Hoàng Sa và Trường Sa không được bảo vệ khiến đất nước cha ông đã và đang rơi vào tay quân giặc.”

Ông Sương còn cho biết: “Với những điều vừa nêu, chúng tôi khẳng định rằng chúng tôi là người vô tội, còn đảng CSVN mới là người có tội. Vì thế chúng tôi mới yêu cầu họ phải thả chúng tôi vô điều kiện. Chẳng những thế, mà họ còn phải có lời xin lỗi trước quốc dân đồng bào về sai trái của họ để dư luận quốc nội và hải ngọai minh oan cho chúng tôi là những người tù chính trị phải chịu hàm oan suốt hơn 30 năm nay."

Các bạn tù của Lý Tống cũng cho biết khi viết “Thu Hoạch học tập Nội Quy”, Lý Tống đã kết luận: “Tôi trở về đây để thay đổi, sửa đổi Luật pháp chứ không phải để tuân thủ và chấp hành Nội quy, Luật pháp rừng rú nầy! ... Tôi nguyện sẽ cải tạo đến chừng nào chế độ cộng sản tốt mới về!” Dù trong vòng tay giặc cả hai ông Lý Tống và Trương Văn Sương đều kiên cường và bất khuất một tấm gương sáng cho chúng ta noi theo.

Ông Trương Văn Sương tâm sự với Thanh Quang phóng viên Đài Á Châu Tự Do, ông luôn nghĩ tới những bạn tù chính trị còn trong cảnh đọa đày. Ông mong mỏi:“Trong những ngày bị lao tù, tôi cũng mong một ngày nào đó có được một giải pháp chính trị để họ thả tôi ra. Thật ra, tôi không nghĩ rằng họ có nhân đạo thả tôi, hoặc tôi cũng không nghĩ rằng tôi là người cải tạo tiên tiến để được đặc xá hay giảm án, tha án gì. Tôi mong rằng có một giải pháp chính trị nào đó để giúp giải quyết cho những người tù chính trị.”
Ngày 1/9/1998, tai Phi trường San Francisco , trước hàng trăm đồng bào chào đón, Lý Tống tuyên bố: “Chúng ta đã bóp cổ cộng sản đủ mạnh để chúng phải nhả 3 người chúng tôi hôm nay. Chúng ta cần phải bóp cổ cộng sản mạnh hơn nữa để chúng phải thả hết những tù lương tâm còn lại. Và chúng ta cần phải tiếp tục bóp cổ đến khi nào bạo quyền cộng sản hoàn toàn tắt thở!“



Từ đó Lý Tống không ngừng nghỉ tiếp tục “bóp cổ cộng sản”. Ngày 1/1/2000, ông đã bay đến Havana, Cuba, rải 50 ngàn tờ truyền đơn kêu gọi toàn dân Cuba đứng lên lật đổ “Con Khủng Long Già Nua Fidel Castro’’.

Ngày 17/11/2000 ông bay về Sài Gòn lần thứ nhì để rải 50 ngàn tờ truyền đơn kêu gọi dân chúng đứng lên lật đổ ách độc tài áp bức của bạo quyền Việt cộng, rồi bay trở lại Thái Lan. Chuyến bay vào ra Việt Nam an tòan đã làm bạo quyền run sợ. Chúng không còn láo khóet tuyên truyền về khả năng phòng chống an ninh. Bằng mọi giá Việt cộng đã tìm cách mua chuộc, làm áp lực giới chức Thái Lan để giải giao Lý Tống với “tội xâm nhập lãnh thổ bất hợp pháp”.

Sau gần 7 năm bị giam cầm, ngày 3/4/2007 Toà Chung Thẩm Thái Lan đã ra Phán Quyết công nhận phi vụ thả truyền đơn của Lý Tống là một hành động chính trị, phải trả tự do cho Lý Tống, một thắng lợi lớn nhờ nỗ lực đấu tranh của Đồng Bào Hải ngoại và thất bại nhục nhã của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.

Ngày 18/07/2010 vừa qua, tin từ San Jose Hoa Kỳ đã được nhanh chóng truyền khắp năm châu “Đàm Vĩnh Hưng bị xịt hơi cay khi đang trình diễn tại San Jose”. Theo đó bên ngòai đồng bào tham dự biểu tình. Bên trong, Lý Tống đã giả dạng một phụ nữ đi vào xem hát, ngồi ngay hàng đầu. Ông đã bình thản xem ca nhạc đợi đến phần trình diễn của văn công Đàm Vĩnh Hưng mới đứng lên tặng hoa. Khi Hưng bước đến gần cúi xuống nhận hoa thì bất ngờ, ông đã “xịt hơi cay” vào mặt của Đàm Vĩnh Hưng.

Mặc cho thông tin trong và ngòai nứơc đưa tin về hành vi chính trị của Đàm Vĩnh Hưng. Văn công Hưng vẫn một điều chỉ làm văn nghệ và xin đừng mang chính trị vào văn nghệ. Bài ca cũ rích này càng tạo sự quan tâm đến vai trò đảng giao của con chốt thí Đàm Vĩnh Hưng. Con chốt đã trên 40 lần nhảy tới nhảy lui, từ casino này sang casino khác, để rồi bứơc vào khung thành được quân sỹ cộng đồng Lý Tống xịt văng.

Việc ông Lý Tống làm đã đánh thức cộng đồng hải ngọai quan tâm đến sách lược dùng văn hóa vận để nhuộm đỏ cộng động hải ngọai. Thúc đẩy hàng ngàn người tham dự biểu tình tại Nam California ngày 24/7/2010. Tại cuộc biểu tình này, Lý Tống tuyên bố sẽ sang Úc để cùng đồng hương Úc đuổi cổ con chốt thí Đàm Vĩnh Hưng. Bà con Úc châu nghe thế càng mạnh dạn hơn, hăng hái hơn rủ nhau tham dự biểu tình để đuổi văn công cộng sản, để chặt đứt cánh tay nối dài của “đảng” và cũng để ủng hộ cao trào dân chủ - yêu nước Quốc nội đứng lên lật đổ bạo quyền Việt cộng.

Bên cạnh đó cũng có một số lập luận xuất phát từ một số bậc trí thức và nhà báo “tự do” cho rằng Lý Tống làm như vậy là bạo động, là phi văn hóa Mỹ, là không được quần chúng Tây Phương ủng hộ ... Mặc dù đã sống ở xã hội Tây Phương các người này cố tình quên đi phương cách thu hút giới truyền thông hay sự quan tâm của quần chúng bằng cách “chơi nổi”.

Ở Tây Phương không đâu tự do, độc lập và có văn hóa hơn môi trường đại học. Thế mà các vị lãnh đạo hay làm chính trị Tây Phương thường ngán nhất là xuất hiện tại các Viện Đại Học không ăn bom nước, thì bom bột, cà chua trứng thúi ... Như bà Tân Thủ Tướng Úc Julia Gillard chưa ngồi yên ghế và chưa nóng chân đi xin phiếu, ngày 24/7/2010 tại viện Đại học Queensland thành phố Brisbane, đã được một ứng viên Tiến sỹ anh Bradley Smith tấn công. Tin tức và hình ảnh của anh là tin nóng được đưa lên hàng đầu trong ngày. Anh Smith cho biết làm như thế để quần chúng Úc quan tâm hơn đến việc bảo vệ môi trường sinh thái. Theo giới bình luận chính trị bầu cử lần này đảng Lao Động chỉ có thể thắng nhờ vào lá phiếu chuyển tiếp của đảng Xanh (môi trường). Mọi chính sách tương lai của đảng Lao Động cũng sẽ lệ thuộc vào việc thương lượng với đảng Xanh.

Với đa số quần chúng hải ngọai việc Lý Tống xịt Đàm Vĩnh Hưng là việc một việc bình thường nhưng không phải ai cũng làm được. Tôi thiếu năng giả gái và khả năng bình tĩnh vượt qua mạng lưới an ninh chìm nổi của Đàm Vĩnh Hưng để thực hiện công việc. Có làm được hai việc trên tôi lại thiếu sự duyên dáng và hấp dẫn để Đàm vĩnh Hưng sà tới hưởng hoa. Ngòai ra, tôi sợ làm sẽ ảnh hưởng đến công việc, sợ ảnh hưởng đến gia đình, sợ sẽ bị thiên hạ đàm phán, sợ bị bọn Việt cộng và tay say để ý gây khó dễ hay đánh lén, sợ bị tù, sợ ra tòa, sợ, sợ … và sợ. Nói trắng ra mặc dù đã thóat khỏi lao tù cộng sản, những cái sợ đã kềm hãm tôi có thể trở thành một con người thực sự tự do. Hành động của Lý Tống đã đánh thức cá nhân tôi hãy bớt sợ đi để cùng đồng bào đấu tranh chống bạo quyền cộng sản.

Lại cũng có người cho rằng hành động của Lý Tống không được đồng bào Quốc nội hửơng ứng. Chủ nhật vừa qua, hằng chục ngàn đồng bào Bắc Giang đã biểu tình trước Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Bắc Giang đòi giải thích về cái chết của anh Nguyễn văn Khương. Sau đó bạo động giữa công an và dân chúng đã xẩy ra. Có người đặt câu hỏi tại sao lúc này công an hay đánh chết người? Câu trả lời là từ ngày cộng sản cướp chính quyền tháng 8-1945, công an Việt cộng vẫn thường xuyên đánh chết người nhưng do sợ mà dân chúng chưa dám đứng lên. Gió đã đổi chiều đồng bào Quốc nội đã hiểu rõ với Việt cộng không thể nói chuyện ôn hòa, vì thế mới mang quan tài anh Khương đi đòi công lý cho anh và cho dân tộc.
Cũng có người cho rằng Lý Tống làm như vậy không được giới trẻ ủng hộ. Việc Đàm Vĩnh Hưng nửa đàn ông nửa đàn bà, khi nghệ sỹ lúc văn công, Việt không ra Việt Tây chẳng phải Tây, thiếu văn hóa, thiếu trình độ học vấn, … nửa người nửa ngợm nửa đười ươi, chẳng hợp với ai, chỉ để “đảng” lợi dụng, đã là những đề tài được giới trẻ bàn luận từ lâu. Thậm chí các bạn còn lập ra Hội Ghét Đàm Vĩnh Hưng có diễn đàn mạng riêng. Nhưng nếu qủa thực giới trẻ không ủng hộ việc làm của Lý Tống thì đây lại chính là cơ hội để chúng ta giải thích ngọn nguồn cho các bạn về lý do chính trị trong việc Lý Tống xịt Đàm Vĩnh Hưng.

Tin từ Hoa Kỳ cho biết Lý Tống đã chính thức thưa Đàm Vĩnh Hưng và những người đứng ra tổ chức về việc trốn thuế. Tháng ba vừa qua các đồng hương tại Victoria Úc đã tham dự và biến một phiên tòa kiện Cộng đồng thành nơi để xác định lập trường Cộng đồng Úc châu là một cộng đồng chống cộng. Lần này Lý Tống và đồng hương tại San Jose sẽ biến các phiên tòa thành nơi lên án bạo quyền Việt cộng, chứng minh sự xâm nhập của đảng cộng sản, chặt đứt các cánh tay nối dài của đảng và chứng minh hành động chính trị của Lý Tống để bảo vệ “vùng cấm Việt cộng” San Jose.

Trở lại ông Trương Văn Sương và ông Lý Tống hai chiến sỹ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã làm những việc không phải vì họ muốn trở thành anh hùng. Hai ông đã làm vì trung thành với lời thề Tổ Quốc Danh Dự và Trách Nhiệm . Cũng do lời thề này mà năm tướng Lê Nguyên Vỹ , Phạm Văn Phú, Trần Văn Hai, Lê Văn Hưng và Nguyễn Khoa Nam và hàng ngàn binh sỹ VNCH thà chết không hàng giặc. Hay tướng Hòang Cơ Minh và hàng ngàn anh hùng vô danh đã quay về chiến đấu cho tự do dân tộc để hy sinh trên đường giải phóng hay nằm xuống trong lao tù cộng sản. Trong lao tù cộng sản hiện vẫn cò nhiều chiến sỹ VNCH hiện đang ngày đêm chiến đấu cho tự do, cho sự sống còn của dân tộc, cho sự tồn tại của biên cương bờ cõi do ông cha để lại. Sự kiên cường và bất khuất của chiến sỹ quân lực VHCH không phải sẽ chỉ được ghi vào sử sách ngàn đời, mà còn là phương châm để các thế hệ tiếp nối noi theo cùng đồng bào cả nước đứng lên giành lại chủ quyền dân tộc.

Xin được lấy lời Lý Tống làm kết luận bài: “Ta cúi đầu, cộng cỡi cổ. Ta đứng dậy, cộng sụp đổ! …”


Nguyễn Quang Duy

Melbourne, Úc Đại Lợi

28/7/2010 T


Wednesday, July 28, 2010

Cuộc trường chinh tìm tự do của Lý Tống
Anthony Paul (Reader's Digest 06-1984)

Người ta ước lượng có hơn một triệu người Việt Nam - phần lớn là các thuyền nhân vượt biển Đông – đã chạy trốn khỏi nước kể từ khi SàiGòn thất thủ cuối tháng 4 năm 1975. Hàng trăm ngàn người trong số đó đã bỏ mạng trong chuyến vượt biển của họ.

Lý Tống, một cựu phi công phản lực trong quân đội VNCH, đã bị giam 5 năm trong nhiều trại tù cải tạo khác nhau. Trong quãng thời gian đó, ông thường thách thức những người giam giữ ông, và nhiều lần liều mạng vượt nguc tuy không thành. Sau cùng ông trốn thoát được, và trong 17 tháng, đã đi bộ, đi xe, bò, bơi qua 5 quốc gia. Cuộc trường chinh của Lý Tống là một trong những câu chuyện trốn thoát vĩ đại nhất của thời đại.

Hôm đó là một ngày mùa hè năm 1975. Lý Tống, 27 tuổi, đang nhìn các bạn tù có gia đình xếp hàng chờ ra ngoài gặp người thân đến thăm nuôi. Nơi gặp ở ngoài hàng rào kẽm gai. Một người bạn của Lý Tống trông thấy vợ con, vui mừng quá, bỏ hàng tiến về phía hàng rào. Người lính canh gác Bắc Việt nổ súng. Bạn Lý Tống chết ngay tại chỗ, trước con mắt kinh hoàng của vợ con. Trông thấy cảnh tượng đó, Lý Tồng quyết định là mình phải trốn.

Vài tháng sau, cơ hôi đến. Một lần đi đốn gỗ, nhân toán canh gác lơ là, Lý Tống cùng một người bạn bỏ trốn. Đến đêm thứ nhì, họ đụng phải một chốt canh. Tên lính canh hỏi giấy căn cước. Người bạn hoảng quá, khai ra chuyên trốn trại. Thế là 2 người bị bắt lại. Trên đường giải về trại, Lý Tống, không gia đình, vợ con, tự nhủ “Mình phải trốn một mình. Mình phải biến những nghịch cảnh này thành sức mạnh.”

Đúng là Lý Tống cần nhiều sức mạnh ngay lúc này. Họ lôi anh ra trước toà án nhân dân, bắt anh phải quỳ xuống trong khi nghe đọc tội trạng. Lý Tống không chịu quỳ vá bác bỏ tất cà những lời buộc tội. Bản án dành cho anh là 6 tháng biệt giam trong thùng conex.

Bị giam trong thùng conex là một hình phạt kinh khủng nhất ở Việt Nam. Đó là một thùng chứa hàng, bằng sắt, cao 2m4, rộng 1m3. Ban ngày nhiệt độ trong thùng lên tới trên 38C. Ban đêm trời lạnh đến độ tay chân Lý Tồng cứng lại hết. Họ còn liệng đá vào thành thùng, tạo những tiếng vang rền bên trong thùng muốn thủng màng tai, làm Lý Tống không thể ngủ được. Không khí, thức ăn – cơm trộn với muối – và phân, nước tiểu, tất cả được đưa qua vài cái lỗ nhỏ bên hông thùng.

Sau 6 tháng biệt giam, Lý Tống được thả ra. Nhưng người ta không quên “hạnh kiểm xấu” của anh. Sau 1 năm, họ đưa anh tới một trong những trại cải tạo khủng khiếp nhất. Đó là trại 52. Những người giam cầm Lý Tống đã biết nhiều về thành tích cứng đầu của anh, nến họ càng tìm cách để bẻ gẫy ý chí của anh. Cai tù ở trại 52 đấm anh ngã và chế diễu, “Mầy không chịu quỳ thì nằm sấp vậy. Thấy thế nào?”

Lý Tống trả lời: “Rất vinh dự! 6 người đánh 1 người như đánh 1 con vật. Vậy ai là con người, ai là con vật?

Họ bắt anh làm 1 dàn xử tử và đào 1 hố chôn. Một cai ngục nói diễu “Tao cảm thấy hạnh phúc khi nào tao moi ruôt mày bắng con dao này”. Sau một thời gian, những tên cai ngục cũng không còn hứng thú với trò chơi này. Họ trói anh vào một cái cùm và bỏ đó trong 2 tuần.

Khi vừa được thả ra khỏi cùm là Lý Tống bắt đầu hoạch định việc trốn trại. Để chuẩn bị cho mình quen với những gian khổ, anh từ bỏ ngay cả những tiện nghi tối thiểu trong tù. Tối lạnh anh ngủ mà không đắp chăn, Ban ngày lao động ngoài nắng, anh đề đầu trần.

Ngày 12 tháng 7 năm 1980, anh bắt đầu tiến hành việc vượt ngục. Trại tù A30 thuộc tỉnh Phú Khánh, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 360 cây số về hướng Đông Bắc. Trong 10 ngày, anh cặm cụi dùng 1 cái đinh đề cạy lỏng thanh sắt ở cửa sổ cầu tiêu. Rồi anh chui ra, bò ngang qua sân nhà tù. Dùng một cái kéo ăn cắp từ trước, anh cắt đứt qua 2 hàng rào kẽm gai, rồi đi bộ suốt đêm đến thành phố gần nhất là Tuy Hoà. Tại đây, sau khi được một người bạn cho tiền, anh đón xe đò đi Nha Trang.

Người lơ xe, trông thấy bộ dạng của Lý Tống, hỏi: “Anh trốn trại A30 phải không? Rắc rồi to rồi. Trạm kiểm soát ở trước mặt. Thôi đi xuống đi, lẫn vào đám đông đi bộ qua trạm gác vì họ ít khi soát giấy tất cả nhửng người đi bộ. Tôi sẽ đợi anh ở phía bên kia trạm gác.”

Tới Nha Trang rồi, Lý Tống liên lạc được với một bạn gái ngày xưa. Cô ta cho anh quần áo, tiền, và vé xe lửa đi thành phồ Hồ Chí Minh. Tại thành phố này, Lý Tống hoà mình vào trong thế giới bí mật của những thành phần chống đối lại chế độ cộng sản. Anh mưu sinh bằng cách bán thẻ căn cước giả cho những người sống ngoài vòng pháp luật như anh. Một lần Lý Tống thử vượt biên bằng thuyền nhưng thất bại. Một ý nghĩ đến với anh: “Mình là phi công, sao không ăn cắp phi cơ?”

Ngày xưa, phi đội của Lý Tống đã có lần đặt căn cứ ở phi trường Tân Sơn Nhất nên anh quen thuộc đường đi lối bước ở nơi này. Khi lẻn được vào phi trường, anh nhận ra là không có phi cơ nào có thể dùng được. Vì Hoa Kỳ cúp viện trợ, Việt Nam đã làm thịt một số lớn phi cơ để có phụ tùng sửa chữa cho một số nhỏ những phi cơ còn bay được.

Lý Tống đành kết luận là chỉ còn có đường bộ là khả thi. Trong túi chỉ còn 150 đồng (7.5 đôla giá chợ đen), Lý Tống đáp xe đò đi Gò Dầu Hạ gần biên giới Cam Bốt, rồi anh vượt biên giới bằng đường bộ, theo chân đoàn người buôn lậu.

Cam Bốt đã trải qua một cuộc nội chiến đẫm máu trong 5 năm, kết thúc hồi năm 1975. Sau đó là 3 năm diệt chủng dưới chế độ Pol Pốt, và cuộc xâm lăng của Việt Nam năm 1978-1979. Dù quân đôi chiếm đóng của Việt Nam đã bình định vùng thành thị và phần lớn các trục giao thông chính, cuộc chiến tranh du kích vẫn còn tiếp diễn ở vùng thôn quê.

Lý Tống lấy xe đò đi Pnom Penh, thủ đô của Cam Bốt. Các trạm kiểm soát dọc đường thường xuyên chặn hành khách xét giấy tờ. Nhưng đối với Lý Tống, miễn là anh đi bộ hay là trên xe đò đông chật người, mọi việc đều trót lọt. Tới Pnom Penh, Lý Tống mua vé xe lửa đi Batdambang , một thành phố nằm ở gần biên giới Thái Lan. Nhưng một lính Cam Bốt ở bến xe nghi ngờ, nên anh lại bị bắt giữ.

Cảnh sát giam anh trong một phòng nhỏ. Bên ngoài là một lính canh với 1 khẩu súng và 1 cây đàn. Đợi khi người lính canh dạo đàn, Lý Tống cố gắng ép người chui qua cửa sổ. Nhưng anh vừa chạy được chừng 100 mét thì lính canh phát hiện và nổ súng. Anh lại bị bắt.

Lần này họ giải giao anh cho cảnh sát Việt Nam. Những người này tống anh vào một nhà tù nổi tiếng rùng rợn của Pnom Penh là nhà tù 7708. Cảnh sát Việt Nam nói anh sẽ bị giải giao về Việt Nam trong vòng vài tuần tới.

Lúc này Lý Tống cảm thấy tự tin về khả năng vượt ngục của mình. Anh nhận thấy điềm yếu nhất trong phòng giam của mình là cái cửa sổ, có khung bằng gỗ với 6 song sắt. Một ngày kia, trong lúc trời còn mờ mờ sáng, lính canh ngục đang ngáy ngủ, Lý Tống dùng hết sức kéo một thanh sắt ra khỏi khung cửa sổ, rối dùng thanh đó làm đòn bẩy cậy các thanh còn lại. Sau chừng 3 giờ vật lộn, anh thoát được ra ngoài.

Lý Tống tiếp tục đi về miền Đông Bắc của Cam Bốt, dọc theo con sông Cửu Long. Anh ngừng lại ở một làng gấn Kampong Chnang, làm nghề thợ lặn và chài lưới trong 3 tháng, kiếm được 1500 riels (chừng 75 đôla trên thị trường chợ đen), đủ đề mua 1 chiếc xe đạp, thực phẩm, quần áo. Rồi anh lại lên đường đi về hướng Bắc.

Sau cùng Lý Tống tới được Sisophon, tỉnh lỵ cuối cùng của Cam Bốt giáp giới với Thái Lan. Bao quanh Sisophon là những ruộng luá và rừng già. Đây là nơi diễn ra những trận đánh du kích ác liệt nhất giữa Việt Nam và quân kháng chiến Khmer. Để tránh nguy hiểm, Lý Tống dẫn xe đạp đi xuyên vào rừng. Khi gặp bờ sông, anh nhờ các ngư phủ chở qua sông. Họ từ chối.

Thái độ không thân thiện của họ làm anh lo ngại. Quả đúng như vậy. Một người lính Cam Bốt đi xe gắn máy thình lình xuất hiện chặn đường anh “Mày là thằng định đưa xe đạp qua sông phải không ? Đi theo tao.” Túng thế, Lý Tống phải đi theo. Vưà khi qua khỏi một bụi cây rậm rạp, Lý Tống vụt chạy. Tên lính xả súng bắn theo nhưng không trúng. Hắn chạy về, kêu gọi tiếp viện.

Không bao lâu, quân lính quay trở lại. Ho gom cả dân làng ra để tham gia vào việc lùng sục. Tiếng loa kêu vang: “Bất cứ ai thấy một người đàn ông mặc áo đen, mang khăn xanh, bắt nó!”

Lý Tống ẩn nấp trong môt bụi rậm nhưng chẳng may lại trúng một ổ kiến lớn. Sợ bị phát giác, anh phải ngồi bất động trong 6 tiếng trong khi hàng ngàn con kiến tha hồ cắn. Khi bên ngoài yên lặng rồi, anh mới có thể rũ hết kiến ra khỏi áo và người. Đêm xuống anh lại lên đường. Vận may vãn còn ở bên anh.

Con đường tới vùng biên giới đi ngang qua nhiều hồ, suối nên Lý Tống phải bơi thường xuyên. Riết rồi anh cởi trần, giử gói quần áo trên đầu ngay cả khi đi bộ. Chính bộ dạng kỳ dị này một lần đã cứu anh. Đang khi đi dọc theo bờ sông, anh thấy đằng trước có 4 người lính Việt Nam đi về phía mình. Không thể tránh đi đâu được, anh co rúm người lại ở gần bờ sông. Khi những người lính đến gần, anh nhẩy ra, hét lên 1 tiếng “Whoooo”. Dù có võ trang, những người lính hoảng sợ, bỏ chạy.

Lý Tống chạy về hướng ngược lại, làm sao mà lại lạc vô vùng đóng quân của quân Việt Nam. Anh nghe những người lính đang sục sạo ngoài bờ sông để tìm một “con ma”. Trườn mình từng chút một trong bóng đêm, Lý Tống từ từ rút xa khòi vùng nguy hiểm.

Sau khi đi bộ thêm mầy tiếng nữa, Lý Tống nghĩ: “Chắc bây giờ mình phải rất gần biên giới rồi, không chừng ngay chổ này là biên giới". Qua ánh ban mai hơi ló rạng, anh bỗng chợt thấy một người lính đang rình phục kích ở trên cây. “Mình vẫn còn trên đất địch”.

Một mối nguy hiểm lớn khác nữa ở vùng biên giới là mìn. Lúc còn trong trại cải tạo, Lý Tống đã có kinh nghiệm về việc gỡ mìn. Quân Việt Nam gài mìn ở bất cứ chổ nào mà người ta có thể tìm đến trú ẩn như cạnh gốc cây, cạnh tảng đá, trong bụi rậm. Anh nói với mình: “Không ẩn nấp vào đâu hết. Và chỉ di chuyển ban đêm.”

Từ 2 hôm nay Lý Tống không có gì ăn. Không cả nước uống. Hơi mê sảng, anh không biết đang là lúc nào. Bỗng nhiên anh nghe tiếng chó sủa. Trong 7 năm nội chiến, dân Cam Bốt ăn sạch hết chó vì nạn đói. “Có chó là có thức ăn. Chắc chắn đây là đất Thái rồi”.

Đúng vậy. Bò đến gần một túp lều, anh nghe thấy người ta nói chuyện bằng một thứ tiếng không phải tiếng Khmer mà cũng không phải tiếng Việt. Lắng nghe tiếng xe chạy, anh đi về hướng đường lộ. Anh vẫy một người lái xe đi ngang, nhờ họ chở tới Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế.

Nhưng những khó khăn của Lý Tống vẫn chưa hết. Để ngăn cản làn sóng người tỵ nạn vượt sang Thái, và cũng vì Hà Nội thường gài những gián điệp vào đoàn người tỵ nạn này, cảnh sát Thái giam giữ và thẩm vấn tất cả những ai vượt biên giới Thái Miên. Trong 10 tháng trời, Lý Tống bị giam ở Aranyaprathet dù anh nhiều lần phản đối và tuyệt thực. Sau cùng, câu chuyện của anh đến tai Toà lãnh sự Mỹ ở Singapore. Họ xác nhận với phía Thái là anh là cựu sĩ quan phi công của quân đội VNCH.

Mọi chuyện vẫn chưa xong. Thay vì đi Mỹ, Lý Tồng lại bị giao cho một đại tá Thái, là ngưòi có một mối hận thù với anh vì một chuyện liên quan đến người tỵ nạn ở trại định cư Nong Samet trước đây. Anh lại tiếp tục bị giam. Lý Tống biết là mình phải vượt ngục lần nữa.

Từ lâu, Lý Tống đã hỏi thăm các nhân viên cứu trợ về tin tức và tình hình các nước Đông Nam Á. Anh quyết định con đường thoát của mình là phải băng qua miền Nam Thái Lan, sang Malaisia, để tới Singapore, tất cả là 2000 cây số đường qua 3 biên giới quốc gia.

Ngày 1 tháng 2 năm 1983, Lý Tống leo qua hàng rào trại, dò dẫm lối đi qua những bãi mìn, bơi qua 5 con suối, vượt rừng, đi về hướng Aranyaprathet, 22 km về hướng Tây Nam.

Gặp trạm kiểm soát đầu tiên trên đường, lính Thái ra lệnh cho anh dừng lại. Anh cứ tiếp tục đi. Họ nổ súng. Lý Tống chạy ra phía cánh đồng, ẩn nấp trong một lùm cỏ cao. Nhửng người đuổi theo không tìm thấy anh, họ ra lệnh phóng hoả cánh đồng.

Trong suốt mười lăm năm trời, Lý Tống hầu như không bao giờ khóc. Thế mà giờ đây anh bắt đầu khóc. Lý Tống cầu nguyện “Lạy Thượng Đế, nếu con không còn xứng đáng để sống, nếu con không còn xứng đáng để phục vụ Ngài, xin Ngài hãy giết con bằng chính bàn tay Ngài. Đừng để con rơi vào bàn tay kẻ thù.” Đám lính cố châm lửa mãi, nhưng đám cỏ không chịu cháy nên đành bỏ đi. Lý Tống cảm tạ: “Tôi tin tưởng Thượng Đế. Tôi không thể chết được.”

Ngày hôm sau, Lý Tống tìm đến được nhà của một người phụ nữ Thái anh quen khi cô này viếng thăm trại Nong Samet. Dù biết là nguy hiểm đến tính mạng, cô bạn vẫn giúp đở Lý Tống. Cả hai đáp xe đò đi Bangkok, giả như một cặp vợ chồng. Đến nhà ga Banhkok, cô cho anh tiền mua vé xe lửa đi miền Nam Thái Lan.

Lý Tống xuống xe lửa ở Hat Yai, tỉnh ở cực Nam của Thái Lan. Anh biết rằng đi bộ để vượt biên giới mới có cơ thoát khỏi các nhân viên cảnh sát và di trú dầy đặc ở trạm kiểm soát. Anh men theo đường rầy cho đến khi đêm xuống, và anh thấy đèn pha, xe vận tải, các nhân viên mặc đồng phục. Biên giới Thái - Mã đây rồi.

Anh đi vòng vào trong rừng, qua bên kia, rồii trở lại ra xa lộ. Anh đã đặt chân đến Kangar, tỉnh địa đầu của Malaysia.

Lý Tống đáp xe đò đi Kuala Lumpur, rồi từ đó lại đáp xe đi đến vùng biên giới Malaysia - Singapore. Đến 8 giờ tối, xe dừng lại ở trạm kiểm soát cuối cùng của Malaysia, trên con đường sang Singapore, ngang qua eo biển Johore. Lý Tống xuống xe, lẩn vào bóng đêm, anh đi chừng 3,5 km về hướng Tây dọc theo bờ biển.

Gió thổi mạnh. Cho quần áo vào 1 cái túi, cột chặt ở sau lưng, anh nhẩy xuống nước. Những ngọn đèn của Singapore lầp lánh xa xa hưóng dẫn anh. Sau chừng 3.5 km bơi trong đêm lạnh, anh tới được bờ biền Singapore. Sau khi thiếp đi trên 1 công viên ở bãi biển được vài tiếng, Lý Tống đi tới tòa đại sứ Mỹ. Anh nói với người nhân viên ở đó:

- Tôi là người Việt Nam. Tôi vừa bơi qua eo biển từ Malaisia.

- Trong thời tiết xấu ngày hôm qua à? Không thể được.

- Nếu anh có thời gian, tôi sẽ kể câu chuyện của tôi cho anh nghe…

Hôm đó là ngày 10 tháng 2 năm 1983. Lý Tống đã đi, bơi qua 3500 km đường biển, đường bộ, vượt qua 5 quốc gia, và 6 lần vượt ngục.

*

Sau 6 tháng trong trại chuyển tiếp, Lý Tống đáp phi cơ sang Hoa Kỳ. Anh đang sống ở Texas, vửa hoàn tất xong một cuốn sách về chuyến đi tìm tự do của mình. Anh trở lại trường học, đang nộp đơn xin học bổng để học về môn khoa học chính trị, “để chuẩn bị cho ngày đất nước tôi được tự do trở lại”, anh nói.

(Nguồn: X-Cafe 25-06-2010)

Tro ve dau trang

Monday, July 19, 2010

Hãy Buông Ra


Tôi nghe buổi Thuyết Pháp tại chùa Thiên Môn.
Xin thuật lại để quí vị cùng nghe. Sau phần thuyết giảng, đến phần Pháp đàm. Thầy mời quí Phật tử đặt câu hỏi để cùng thảo luận.
Tận cuối hội trường, có một ông già, đứng dậy chắp tay cung kinh xin hỏi:
- Kính bạch thầy.
Con hiện đang bị bệnh. Hết đau đầu đến đau khớp, đau thận, tiểu đường, cao huyết áp. Bây giờ lại bị bại một chân nữa ạ!
Suốt đêm qua con trằn trọc mãi không sao ngủ được do bệnh nó hành hạ xác thân…

Cúi xin thầy thương xót chỉ bảo cho con làm sao cho hết đau bệnh? Xin thầy cầu nguyện Đức Phật gia hộ cho con được hết bệnh, khỏe mạnh như xưa…
Thầy lên tiếng nhỏ nhẹ, thong thả nói: - Thưa bác, thưa đạo hữu.
Đức Phật đã dạy: Cõi thế gian tràn đầy đau khổ!
Trong đó có định luật: SINH, LÃO, BỆNH, TỬ thì đau khổ vô cùng mà bác thì đang đi vào giai đoạn “Bệnh tật”, tức giai đoạn “Hư hoại”.

Vạn vật là thế; tất cả đều bị luật “Vô Thường” chi phối. Chẳng hạn như cái áo bác đang mặc, khi mới mua về, vẻ đẹp đẽ, mềm mại, óng mướt, tươi thắm… Nhưng nay bác mặc đã lâu rồi; màu đã bạc, gấu đã sờn, vai đã rách và vải đã mục.
Nó đang ở tiến trình hư hoại! Không có gì có thể còn mãi được, vì bản chất tự nhiên là như vậy, mà thân xác bác cũng đang như vậy.

Ngay khi bác mới sinh ra thì bác xinh đẹp, rồi bác lớn lên khỏe mạnh. Giờ đây bác đang già yếu và đang ở thời kỳ bệnh hoạn (Sanh, Trụ, Hoại, Diệt). Vậy bác phải chấp nhận điều đó, bác hãy thấu hiểu bản chất của nó, để bác phải chấp nhận nó mà sống an lạc với nó, dù nó ở bất cứ giai đoạn nào.
Bây giờ thân thể của bác đang bắt đầu suy yếu, hư hoại theo tuổi đời chồng chất. Thì bác đừng cưỡng lại điều đó, vì đó là qui luật tự nhiên của thân xác. Chân lý không bao giờ thay đổi đó là: Sinh ra - Già cỗi - Bệnh hoạn - Rồi chết đi!
Không cách chi làm khác đi được. Thời gian vận hành của định luật đã chín mùi rồi đấy bác ạ! - -
Ông già đó nói tiếp: - Bẩm thầy, nhưng con chưa muốn chết vội, vì con và cháu của con chưa khôn lớn.
Nhất là còn nhiều công việc con đang làm dở dang chưa hoàn tất, con cần giải quyết cho xong đã.

- Ồ! Tất cả chỉ là vậy, bác chẳng làm gì khác hơn khiến bác phải lo lắng.
Công việc của thề gian, bác hãy để mặc thế gian cho họ tự giải quyết lấy.

Bác nên hiểu rằng: Giầu hay nghèo, già hay trẻ, đẹp hay xấu, người hay vật. Bất cứ ai, bất cứ vật gi, bất cứ ở đâu cũng không thể giữ mãi tình trạng nguyên thủy như lúc ban đầu được.

Mọi người, mọi vật đều phải thay đổi khác đi theo một định luật: Sinh, Trụ, Hoại. Diệt mà không cách chi sửa đổi được.
Điều mà bác có thể làm được là bác tự quán chiếu, soi rọi về thân xác và tâm thức của bác, để bác thấy tính: “Vô ngã” của vạn vật.
Để không thấy có cái gì là “Tôi hoặc là của tôi”, mà chỉ là giả có, tạm có mà thôi (Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng. = Cái gì có hình có tướng, đều là giả có, chứ không thật có).

Ngay như nhà cửa, sự nghiệp, danh vọng, vợ, chồng, con cái của bác cũng chỉ là: “Của bác trên danh nghĩa, chúng không thực sự thuộc về bác. Chúng thuộc về tự nhiên!

Như lời bác vừa cầu mong, chẳng những không đạt được.

Thân bác vẫn đau đớn như thường và cách suy nghĩ sai lầm của bác còn đau khổ hơn nhiều nữa. Vì cầu mong mà không được là khổ (Cầu bật đắc khổ).

Bởi vậy, bác phải nhìn mọi thứ đúng theo bản chất của nó và đừng níu kéo nó, đừng tiếc thương nó: “HÃY BUÔNG NÓ RA”. Bác hãy rũ sạch mọi thứ bên ngoài. Bác hãy “Buông ra!”.

Bác đừng bám víu vợ, chồng, con cái, quyến thuộc, tài sản, công danh…

Vì nhưng thứ đó bác không thể mang theo được, hoặc bác không “buông”, thì nó cũng phải “buông” bác mà thôi.

Cho nên bác “Hãy Buông Ra!”, bởi mọi thứ đều Vô Ngã: “Không tôi và Không của tôi”. Tất cả rồi sẽ biến mất; chẳng còn gì. Bác phải nhận biết cho bằng được điều này, và sau khi biết rồi thì bác hãy ‘buông’ tầt cả. Đừng bận tâm về con cái, bây giớ chúng còn trẻ. Rồi mai này chúng cũng sẽ già cả y như bác ngày hôm nay.

Không ai trên thế gian này có thể trốn thoát được định luật: sinh tru hoại diệt... Nếu bác “Buông ra” được mọi thứ thì bác mới thấy được chân lý.

Vậy bác đừng lo lắng và đừng ôm giữ bất cứ điều gì thì bác sẽ thanh thản trong mọi tình huống bác ạ!

Ông già hỏi nữa: - Bẩm bạch thầy, nghe thầy dạy dễ quá, nhưng làm sao con ‘buông ra’ cho được?

- Nếu bác ‘buông ra’ không được thì bác sẽ vô cùng đau khổ.

Vì không ‘buông ra’ cũng chẳng được. Bởi mọi thứ nó không thuộc về của bác, kể cả chính xác thân bác nữa.

Lúc này bác hãy tập trung tâm tưởng, để cho nó được an nhiên tự tại, còn mọi việc đã có người khác lo. Bác hãy tự nhủ lòng rằng: “Chung sự” (Tôi hết việc rồi )-

Tư tưởng ham sống lâu sẽ làm bác đau khổ. Cho dù bác mong muốn thiết tha tới đâu cũng chẳng được. Muôn sự đều vô thường và luôn luôn không cố định… “Sau khi sinh ra - Nó biến hoại - Sau khi sinh ra - Nó diệt đi !

Đức Phật cũng thế, bác và cả bàn dân thiên hạ cũng đều như thế. Vậy mà bác muốn xác thân bác còn mãi sao được?
Bác hãy nhìn vào hơi thở thì biết. Nó đi vô rồi lại đi ra, bản chất của nó là vậy. Bác chẳng thể ngăn cản sự đi ra và đi vô của nó được. Bác thử nghĩ coi: “Có thể nào bác thở ra mà không thở vào được chăng?”. Tức là hơi thở nó đi vào, rồi nó lại đi ra. Khi nó ra rồi thì nó lại phải đi vào. Tự nhiên là như vậy, không cách chi làm khác được.

Y chang sự quá trình bác sinh ra > rồi già nua > rồi bệnh tật > rồi chết đi! Đó là điều hoàn toàn tự nhiên và bình thường…
Nếu bác không sinh ra, thì lấy gì bây giờ bác bị đau bệnh! Và lấy gì để mai mốt bác chết! Bác có hiểu điều đó không ???

- Kính bạch thày, con ngộ được những gì thầy vừa dạy, nhưng con vẫn lo sợ quá chừng!

Thầy cầm ly nước uống nhấp giọng, đoạn thày nói thêm:
- Bác nên hiểu rằng: Vạn sự ở đời là như vậy, khi bác nhận thức được đúng đắn thì bác đừng do dự:

“Hãy buông ra tất cả, hãy dẹp bỏ tất cả”.

Dù bác không buông nó ra thì mọi thứ nó cũng bắt đầu buông bác ra đó.

Này nhé! Như những bộ phận trong cơ thể của bác nó cũng đang muốn rời xa bác đấy. Vì những bộ phận ấy nó đã sống đủ thời hạn với bác rồi, nên nó sắp ra đi đó.

Bản chất của nó là: “Đã đến, thì phải ra đi”. Bởi thế gian là không có sự bình thường hay mãi mãi, dù bất cứ ở đâu, bất cứ thời nào, bất cứ thành phần giai cấp nào; người giầu có, kẻ nghèo khó, người lớn cũng như trẻ nhỏ, người có học cũng như người thất học…v.v. Cũng không thể có sự bình thường được.

Ai ai cũng phải xoay vần theo luật “Vô Thường” chi phối. Quán triệt được điều đó, bác sẽ chả còn quyến luyến bất cứ sự gì.

Bác hãy ‘Buông ra” chứ không còn nắm giữ được nữa, ví có giữ cũng chẳng đặng. Bác buông ra, thì tâm bác sẽ thảnh thơi; không buồn mà cũng chẳng vui, không khiếp sợ và cũng chẳng liều lĩnh. Lúc bấy giờ lòng bác sẽ an ổn với trí tuệ hiểu biết:

“Vạn vật không bao giờ có thể thường còn mãi mãi được”.
“ĐẶC TÍNH PHẢI ĐỔI THAY CỦA VẠN VẬT, KHÔNG BAO GIỜ THAY ĐỔI”.
Nếu bác có nhiều thứ, bác sẽ phải bỏ lại nhiều thứ. Nếu bác có ít thứ, bác sẽ bỏ lại ít thứ; giầu có là giầu có, nổi danh là nổi danh, sống lâu là sồng lâu… chẳng có gì khác biệt, mọi sự cũng thế thôi!

Vậy bác hãy buông nó ra, buông cho đến khi nào tâm trí bác an lạc!

Mọi sự bác không còn cảm thấy khổ đau hay sung sướng. Mọi- thứ bác không còn thấy là của bác nữa;

Sung sướng và khổ đau cũng đểu Hoại, Diệt và Mất tiêu như nhau…

Duy chỉ có một thứ là còn và còn vĩnh viễn là của bác. Đó là “Phật tánh” là vĩnh cửu của bác mà thôi.

- Kính bạch thầy, con đã ngộ!!!

- Vậy sao! Bác giải thích xem nào ?

- Thưa thầy, chỉ có định luật:

"Vô Thường” là bất biến, là vĩnh cửu, là thường còn. Ngoài ra, tất cả các Pháp; muôn vàn vạn sự ở đời này đều luôn luôn biến đổi không bao giờ ngừng. Chẳng hạn như:
*THÂN VÔ THƯỜNG: Nay khỏe mạnh, mai ốm đau. Nay đang sống, mai đã chết…
*TÂM VÔ THƯỜNG: Nay đang mến thương nhau, mai chuyển sang hận thù ân oán nhau…
*TÀI SẢN VÔ THƯỜNG: Của cải nay còn, mai hết. Tức là tiện nghi vật chất không thể tồn tại mãi được… Vật thể này biến đổi chất liệu thành ra vật thể khác. Sự vật không bao giờ cố định cả.

Thầy cười hoan hỷ, đoạn thầy hỏi:

- Đúng, bác hiểu khá đấy, như vậy bác sẽ làm gì khi bác hiểu như vậy?

- Kính bạch thầy, con sẽ buông ra tất cả mà không bám víu vào bất cứ điềi gì trên thế gian này.

Để mọi sự chảy suôi như dòng nước.
Tính của nước luôn chảy xuống chỗ chũng (thủy lưu tại hạ), dù chỗ đó là đất hay cát, hoặc ruộng vườn. Bản chất của nước là như vậy, con cũng phải giữ tâm như vậy.
Tại sao? Bẩm thưa thầy, bởi nước luôn chảy một cách tự nhiên xuống chỗ thấp mà không có cách nào cho nó chảy một cách tự nhiên lên trên cao được. Đó là định luật của càn khôn vũ trụ mà thầy vừa chỉ dậy cho con.

- Vâng! Bác hiểu được như thế, tức là bác đã thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ của bác rồi đấy.
Bây giờ chỉ còn một điều là bác đưa vào thực hành những gì bác vừa chứng ngộ là đạt quả Phật rồi đó.

Ông già ngạc nhiên thưa:
- Kính thưa thầy, con ngỡ là thành Phật khó lắm chứ! Đâ vừa nói ? -

- Phật đã có sẵn ngay trong bác rồi.
Nguời đời thường mang ông Phật thật, đi tìm kiếm ông Phật ơ ngoài, ở chốn xa xôi không sao thấy được, để cầu xin van vái…

Trong lúc ông Phật ở ngay trong mình thí lại bỏ quên.

- Bạch thầy, con vốn ngu tối xin thầy khai thị cho con được rõ ràng hơn, chứ thầy nói như thế làm sao con hiểu được.

- Có khó gì đâu: “Phật Tức Tâm”.
Mọi người trong chúng ta đã có sẵn một ông Phật ở trong ta rồi.

Nhưng vì u mê tăm tối, nên tham lam: Sắc, Tài, Danh một cách vô độ mà không hiểu rằng những thứ đó do nhân duyên giả hợp tạm có. Hợp rồi tan, sinh rồi diệt! ngay như xác thân bác cũng tạm có đó. Rồi trở thành không đó có bao lâu! Tựa hồ như bóng phù du, như ào ảnh, như khói sương…

Nhưng vì si mê chạy theo níu kéo nó. Nên thành chúng sinh mà thôi.

Bây giờ bác đã giác ngộ và bác buông ra những thứ mà trước đây bác bám víu vì ngỡ là thật…

Vậy là bác đã thành Phật rồi. Bởi Phật và Chúng sinh chỉ khác nhau có một bước:
MÊ LÀ CHÚNG SINH, GIÁC NGỘ LÀ PHẬT
Phật và chúng sinh, chỉ khác nhau có vậy. Ví dụ: Ông bà thân sinh ra bác, cho bác ăn học tới nơi tới chốn; là con người trí thức đàng hoàng... Nhưng vì u mê! Bác ham chơi, đàn đúm với chúng bạn, sa đà say sưa trác táng, hưởng thụ thú vui vật chất, dẫn đến sa đọa hư hỏng. Khi ấy, bác là kẻ tồi tệ xấu xa… Nay gặp duyên may bác giác ngộ.

Thấy được lẽ thật. Bác bỏ con đường hư thân mất nết, trở lại con người thật của mình… Với bằng cấp và kiến thức có sẵn của mình. Bác tận tụy làm ăn, liêm chính, giữ uy tín đạo đức… Là bác trở thành người cao sang, quí phái… Như vậy, một con người của bác có hai giai đọan:
a) Giai đoạn 1: Bác là kẻ xấu xa, cho dù bác có bằng cấp là người học thức.
b) Giai đoạn 2: Bác là người cao quí. Do bác giác ngộ được chân lý đạo Pháp…
Tức là trước kia bác là kẻ xấu xa do u mê! Sau bác thành người cao quí do bác giác ngộ. Nghĩa là xấu xa hay cao quí chỉ khác nhau có u mê hay giác ngộ mà thôi.
Và Phật hay chúng sanh cũng chỉ khác nhau có thế…
Đoạn thầy đọc bài kệ

Chiều nay lộng gió thu về
Lá vàng tơi tả tràn trề khắp nơi.
Đời người như hạt sương rơi .
Lung linh một thoáng mặt trời chiếu tan .
Thân em nhưđóa hoa lan
Ngươì đời yêu thích muôn vàn đắm say
Nhưng rồi chẳng được bao ngày
Cánh hoa tàn úa đổi thay hoàn toàn

tro ve dau trang

Saturday, July 17, 2010

SỨC MẠNH TÌNH CHIẾN HỮU
Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích

Ba hồi kẻng báo thức chưa dứt là Lộc đã có mặt ở đầu hàng tù nhân đứng chờ giờ mở cửa. Họ có mười lăm phút đồng hồ để làm vệ sinh thân thể mỗi buổi sáng. Cánh cửa phòng giam vừa hé mở, Lộc phóng thẳng đến khu vệ sinh. Nhu cầu trước tiên trong ngày là giải quyết cấp bách cái ruột già chứa đầy chất cặn bã của các món "cải thiện" không lấy gì bổ dưỡng chỉ cốt cho qua cơn đói cồn cào ruột gan của ngày hôm qua . Có lẽ đây là thời gian hạnh phúc nhất của chàng trong suốt ngày dài trong chốn lao tù cộng sản.


Trần Xuân Lộc gốc người Hà Nội, di cư vào Nam sau hiệp định Genève 1954. Gia đình chàng sống tại một thị trấn nhỏ của một tỉnh ở miền Trung. Ông bố dạy học ở trường tiểu học trong làng. Mẹ Lộc có một quày bán hàng vải nằm ngay trung tâm thị trấn. Gia đình Lộc tuy không giàu có, nhưng với số tiền lương công chức của bố và tiền thu nhập của mẹ, cuộc sống trong gia đình cũng sung túc hơn nhiều người.


Những năm 59, 60 tại địa phương Lộc ở đã bắt đầu xảy ra những xáo động vào ban đêm. Cán bộ Cộng sản được gài lại hầu như đồng loạt đi hoạt động tuyên truyền tại khắp các vùng hẻo lánh. Không khí thanh toán, hận thù bắt đầu bao phủ khu thị trấn yên lành này. Mọi người lo sợ, không biết bao giờ những kẻ lạ mặt thường xuất hiện về đêm sẽ gieo tai họa cho dân lành chỉ biết bám vào ruộng đồng và ngôi chợ. Trước tình hình ấy, bố mẹ Lộc đã chuẩn bị rời bỏ thị trấn này.


Mùa mưa năm đó đến rất sớm. Nước sông dâng lên làm ngập cả một vùng mênh mông. Mưa tối trời tối đất. Nước xối xả tuôn tràn tạo thành trăm ngàn dòng thác đổ xuống từ đỉnh núi cao. Nước tràn đồng lênh láng. Những xóm làng dọc hai bên bờ sông chỉ còn nhấp nhô mấy nóc nhà cao. Dòng nước lũ cuốn phăng tất cả. Xác súc vật chết trôi lễnh nghễnh. Năm ngày sau, cơn mưa mới dứt. Nước lụt từ từ rút dần để trơ lại cảnh nhà vườn xơ xác tiêu điều. Người dân không còn miếng ăn. Chính quyền phải cấp tốc chở thực phẩm đến cứu đói.


Mưa làm sập hầm bí mật, cuốn trôi tất cả thức ăn dự trữ trên rừng. Bọn Việt Cộng nằm vùng và số người hồi kết sống trên căn cứ địa tận núi cao, chờ khi màn đêm bao phủ là xục xạo vào làng và thị trấn, buộc dân đóng thuế bằng những món hàng cứu lụt. Sau mấy ngày bị ngập nước, chúng hành động chẳng khác gì bầy chuột đói tràn xuống đồng bằng rúc rỉa dân nghèo. Người nào có thái độ chống đối hay chỉ trích lối đánh thuế theo kiểu cướp ngày là bị ghi vào sổ đen.


Không đầy hai tháng sau, trong một đêm tối trời, ba người lạ mặt xông vào nhà bắt thầy giáo Hoàng, bố của Lộc dẫn đi. Sáng sớm hôm sau, dân trong vùng phát hiện xác ông bị bắn chết nằm bên ven rừng cầy. Trên ngực áo có ghim một mảnh giấy gọi là: “Bản án của quân Giải phóng” có nội dung rất hồ đồ: “Tên Quốc Dân đảng phản động đã đến ngày đền tội”.


Trong cơn đau buồn, uất ức, mẹ Lộc lâm trọng bịnh rồi qua đời. Lộc bấy giờ trở thành đứa trẻ mồ côi. Vừa tròn 15 tuổi, chàng được người chú gởi vào trường Thiếu sinh quân.

Trước tháng 4, 1975, Lộc mang cấp bậc Ðại uý Công binh bị cộng quân bắt sống trên tuyến đường rút lui về tỉnh lỵ. Vợ và hai đứa con đã di tản vào Sài Gòn trước khi các tỉnh miền Trung rơi vào tay quân Bắc Việt. Từ ngày đó, Lộc mất hẳn tin tức gia đình và suốt mấy năm tù chưa hề được một lần thăm nuôi.

Những ngày cuối tuần, bạn bè háo hức chờ đợi được gọi tên gặp thân nhân. Riêng Lộc chỉ biết chú tâm vào cái nghề khắc bản gỗ. Lộc đã học được nghề nầy từ một thuộc cấp chuyên ngành điêu khắc trong đơn vị.Khởi đầu, trong lúc nhàn rỗi, Lộc khắc chơi tên mình vào mảnh gỗ đơn sơ. Thấy đẹp, cán bộ bắt anh khắc tên cuả họ trên những bản gỗ công phu hơn. Nhờ khéo tay và có kỷ thuật cao Lộc trở thành “điêu khắc gia” bất đắc dĩ chuyên thực hiện những bức tranh điêu khắc cho cán bộ từ cấp nhỏ đến cấp lớn.


Công việc mỗi ngày thêm bề bộn . Từ chỗ “làm ăn nhỏ” tiến lên “sản xuất lớn”. Trước, Lộc hành nghề trong nội bộ, bây giờ phát triển lên toàn tổng trại và lan sang cả Trung đoàn bộ. Gỗ lồng mứt do toán tù đi rừng đốn mang về, toán thợ cưa xẻ thành ván, đội thợ mộc bào láng mặt. Lộc chỉ lo phác họa hình ảnh và khắc vào bản gỗ.


Mùa lúa chín đã vàng đồng. Ðợt thu hoạch vụ hè-thu lại bắt đầu. Các đội tù được xuất trại sớm hơn thường lệ. Mọi công tác đều phải ngưng lại, ngoại trừ toán nhà bếp và chăn nuôi. Riêng “điêu khắc gia” Trần Xuân Lộc được lệnh ở lại trại khắc cho xong bức tranh của quản giáo T. để kịp mang về Bắc nhân chuyến nghỉ phép. Lộc làm việc tại trại nhưng cũng không kém phần vất vả, bởi bức tranh có khá nhiều chi tiết phức tạp: Một thiếu nữ khỏa thân đứng bên dưới tàng dừa nhìn ra mặt biển có chiếc thuyền buồm bồng bềnh trên sóng. Màu trắng mịn của loại gỗ lồng mức chẳng khác gì màu da trắng ngà của người con gái ngoài đời. Bộ ngực căng đầy cùng với cặp đùi thon dài thêm chiếc mông khêu gợi đã làm cho con mắt “chuyên chính vô sản” mê mẫn.

Bầy cán bộ tranh nhau đặt hàng. Lộc điên đầu bởi sự hối thúc, hăm dọa nếu không được ưu tiên. Nghề của Lộc trở thành mối hành hạ lại anh. Ðể tránh sự bất bình, Lộc đề nghị cán bộ theo qui tắc nếp sống “văn hóa mới” ghi tên theo thứ tự . Người nào muốn lên ưu tiên phải được sự đồng ý của người ghi trước. Với số lượng hàng đặt ấy, Lộc phải làm hết tháng này qua tháng khác.

Chính uỷ Sư đoàn bất ngờ đến thanh tra trại tù . Mọi người đều ra ruộng , lán trại trống vắng, chỉ còn Lộc đang ung dung ngồi trên sạp khắc bức tranh. Cán bộ chính uỷ rất ngạc nhiên khi thấy Lộc vẫn điềm nhiên ngồi làm việc. Ðến gần nhìn vào bức tranh, da mặt cán bộ từ màu xám ngoét của bịnh sốt rét kinh niên đổi sang màu đỏ bầm. Cơn tức giận dồn vào đôi mắt làm nổi lên những đường gân máu đỏ. Tiếng gầm gừ phát ra từ đôi hàm răng nghiến lại. Luồng máu sát nhân đang thôi thúc y xuống tay giết người! Nhưng hắn kịp ghìm lại vội giật bức tranh trên tay Lộc và cả gói đồ nghề bỏ vào túi dết rồi ra lệnh vệ binh giải Lộc về Trung đoàn bộ.


Sau hai ngày bắt khai báo và viết bản tự kiểm, Lộc được áp giải về lại trại để thi hành kỷ luật. Bản án kết tội chàng được công bố trên toàn tổng trại :


“Tên Trần Xuân Lộc, Ðai úy Ngụy quân đã dùng sách lược Tâm lý chiến của Mỹ Ngụy cố tình đầu độc cán bộ bằng hình ảnh đồi trụy. Y đã khắc những bức hình không lành mạnh, làm băng hoại tinh thần cách mạng của người chiến sĩ quân đội nhân dân. Y đã trốn tránh lao động, phá hoại tài sản xã hội chủ nghĩa. Toàn bộ hành động trên là ý đồ chống phá đảng và nhà nước. Nay quyết định trừng phạt Trần Xuân Lộc 10 ngày cùm sấp hai chân,7 ngày nhốt hầm kỷ luật, cắt giảm tiêu chuẩn phần ăn và cấm thăm nuôi sáu tháng”. Sau hơn hai tuần lễ thọ hình, sức khỏe Lộc xuống thấy rõ. Khuôn mặt anh tóp lại, trông dài ra. Ðôi má trũng sâu làm nổi bật bộ râu quai nón tua tủa như hình Chúa Ki-tô bị đóng đinh trên thập tự giá. Lộc ra khỏi nhà cùm đúng ngày Chúa nhật, bạn hữu đãi anh bằng bữa cháo gà và chè nếp.

Có một điều, anh em tự hỏi là tại sao Lộc không tìm nơi kín đáo ngồi làm việc hoặc giấu bức tranh khi cán bộ chính uỷ vào lán?
Nhân lúc này, Lộc thổ lộ:
“Biết việc làm của mình khá nguy hiểm, nhưng đây là dịp để triệt hạ tên quản giáo T. Hắn luôn tự thần thánh hóa bản thân mình bằng cái mặt nạ đạo đức cách mạng để che giấu cái tâm địa ti tiện và bản chất dâm ô của mình.”

T. là một hung thần đối với tù; xục xạo, rình rập, cố bắt những tù nhân vi phạm nội quy. Tù cải thiện được khúc sắn, ngọn rau mà y bắt gặp là bị hành hạ bằng những tờ kiểm điểm. Hắn bắt viết đi viết lại nhiều lần với lý do chưa thành khẩn. Mặt hắn lúc nào cũng vênh váo của kẻ chiến thắng , nhục mạ tù bằng những lời hạ cấp, xấc xược, không giấu giếm lòng hận thù đối với tù chính trị. Có lần hắn thẳng thừng tuyên bố : “Thằng pháo binh ngụy đã lấy mất bắp chân trái này đây, thằng giặc lái đã múc của tao con mắt phải này. Chúng bay có trả lại được phần thân thể của tao đã mất” ? Kẻ thua trận chỉ còn ngậm đắng nuốt cay trước lối lý luận hàm hồ!

Nhân kỷ niệm ngày 30 tháng 4 , ban Giám thị ra lệnh các đội tù thực hiện tờ báo tường. Nhóm phụ trách được tuyển chọn gồm ba người. Công tác đầu tiên là phát họa một bức tranh mô tả đoàn quân chiến thắng tiến vào thành phố. Ði đầu là lá cờ đỏ sao vàng phất phới bay. Tiếp sau là đơn vị bộ binh cùng những chiến xa yểm trợ chĩa nòng trọng pháo hướng về phía trước. Nền phông của bức tranh là dãy núi xanh mờ từ xa. Khi hoàn tất, nhóm phụ trách mời quản giáo T. đến duyệt xét. Nhóm ba người yên chí là sẽ được những lời khen ngợi, bởi bức tranh mang nội dung hợp với tinh thần ngày lễ, màu sắc khá hài hòa, hình ảnh lại vô cùng sống động.

T xem bức họa một hồi lâu rồi đưa cặp mắt xoi mói về phía ba tác giả với một giọng lạnh lùng, đay nghiến : .“Hừm, đến giờ này mà các anh còn ngấm ngầm chống lại tổ quốc” Hắn ngừng nói, hít một hơi thuốc rồi tiếp :

“Nầy nhé: các anh vẽ nòng súng hướng vào lá cờ là các anh có ý đồ kêu gọi bọn phản động tấn công vào chính quyền cách mạng. Lá quốc kỳ là tượng trưng cho tổ quốc mà tổ quốc là Ðảng và chính quyền. Còn nữa, phía sau đoàn quân là rừng núi, rõ ràng các anh muốn chơi xỏ những chiến sĩ cách mạng của chúng tôi là những thằng Mán xuống đồng !” Nói xong, hắn cuốn bức tranh mang về ban giám thị. Ngày hôm sau, hắn ra lệnh cho ba người phụ trách tờ bích báo viết tự kiểm, phải xoáy vào trọng điểm : có tư tưởng che giấu ý đồ phản động. Kết quả, ba nạn nhân của bức tranh “đoàn quân chiến thắng trở về” bị nhốt tại phòng kiên giam bảy ngày, cùm chân ba hôm với lý do: lợi dụng vẽ tranh để hô hào nổi dậy chống Ðảng và nhà nước, làm sai lạc ý nghĩa ngày lễ, hạ thấp giá trị người chiến sĩ cách mạng.

Tục ngữ ta có câu : “Bói ra ma quét nhà ra rác”. Ma và rác ở đây lại được moi ra từ bức tranh để nâng lên hàng quan điểm. Chỉ tội nghiệp cho nhóm ba người đã bỏ công sức trong giờ nghỉ để trở thành công cốc chuốc họa vào thân. Anh em tù thì có được một trận cười thỏa thích trước lý luận của "loài cáo xem tranh"! Nhờ biến cố đó mà những ngày lễ lớn sau này tù khỏi phải khốn khổ vì báo tường!
Lộc cố tình để cán bộ Chính ủy Sư đoàn bắt quả tang bức tranh với mục đích đẩy tên quản giáo T. đầy nham hiểm nầy ra khỏi trại. Lộc đã viết bản khai báo cụ thể là làm theo lệnh cán bộ T. với hình ảnh do chính tay y phác họa và hắn bắt buộc Lộc phải làm cho xong bức tranh để kịp ngày đi phép mang về Bắc. Ngoài ra Lộc còn liệt kê tất cả những cán bộ có tên trong danh sách đặt hàng.

Ðúng với sự mong muốn của Lộc và toàn thể tù nhân trong trại, tên quản giáo T. bị chuyển đi nơi khác và nghe đâu còn bị kỷ luật nặng nề. Ðể tránh lây nhiễm “dịch mê hình đồi trụy” số cán bộ quản giáo và vệ binh cũ đều được thay thế bằng loạt người mới.

* * *Mùa trăng Trung Thu thứ ba đến với tù nhân. Niềm hy vọng đoàn tụ với gia đình hoàn toàn tiêu tan trong lòng mọi người. Cái mốc “mười ngày mang gạo đi học tập” của cộng sản chẳng ai ngờ nó kéo dài đến mười năm, mười lăm năm. Xưa Lưu Thần Nguyễn Triệu lạc vào động tiên vui hưởng một năm , khi trở về trần gian mất trăm năm. Giờ đây, sống một ngày ở chốn “thiên đường cộng sản” dài đằng đẵng bằng một năm địa ngục! “Chính sách khoan hồng nhân đạo” của đảng và nhà nước là thế đấy. Giết người không tuyên án, bỏ tù không xét xử… Sau ngày 30/4/1975, Hà Nội đã thủ tiêu, sát hại biết bao nhiêu cán bộ Quân Cán Chính của miền Nam mà có tổ chức quốc tế nào đứng ra thống kê số nạn nhân ấy?

Một bằng chứng cụ thể, chỉ trong một xã của Quận Nghĩa Hành thuộc tỉnh Quảng Ngãi, VC đã tập trung số người cộng tác với chế độ cũ về trình diện địa phương trên dưới một trăm người, dồn họ vào trong một căn hầm chỉ huy của một tiền đồn cũ rồi cho nổ mìn làm sập hầm chôn sống trọn gói.

Mười lăm năm sau, một nạn nhân (Trung trưởng Nghĩa quân) trong căn hầm ấy xuất hiện, như bóng ma đội mồ sống dậy. Mười lăm năm sợ lưng mật, mười lăm năm mai danh ẩn tích không dám đối mặt với người quen thân. Anh là người sống sót duy nhất trong căn hầm đó, thoát chết một cách hết sức kỳ diệụ. Mười quả mìn nối dây chuyền phát nổ không có lực nào có thể chịu đựng sức ép cả ngàn cân thế mà anh vẫn sống. Khi tỉnh dậy thấy lỗ hổng trên đầu, anh dồn tàn lực vào đôi tay moi đất thoát ra ngoài.

Anh thất thểu đi trong bóng đêm mà tưởng chừng như đi giữa miền âm phủ. Vào đến đất Sài Gòn, anh thay họ đổi tên, sống lây lất đơn độc suốt mười lăm năm. Mười lăm năm, thời gian đủ để hận thù phôi pha - anh nghĩ, và quyết định về quê để báo tin cho các thân nhân những người đã chết. Trước áp lực của số dân hoạt động cơ sở và đảng viên bất mản, chính quyền địa phương đành cho phép gia đình các nạn nhân quật hầm nhận cốt người thân.

Một nhà báo Pháp đã viết về chủ nghĩa Cộng sản bao gồm bốn chữ M : Mensonge , Meurtre, Misère và Menace, có nghĩa là Lừa dối, Giết chóc, Ðói khổ và Khủng bố. Thật vậy, có sống trong chế độ Cộng sản mới cảm nhận chính xác về nhận định này. Trước kia, câu nói: “Ðừng nghe những gì Cộng Sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm”của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu , đồng bào miền Nam rất thờ ơ trước ý nghĩa của nó, nhưng sau khi sống với Cộng sản một thời gian, người dân mới thấy thấm thía và thán phục sự chính xác có tính cách tiên tri của lời cảnh cáo ấy.

* * *
Ðêm rằm tháng Tám, ánh trăng sáng vằng vặc trên miền thung lũng. Núi rừng vây quanh như be bờ kiên cố cho cái hố tử thần. Ánh trăng xuyên qua mái lá, lồng qua cửa liếp khiến cho tù nhân tăng thêm nỗi nhớ nhà. Những kỷ niệm thời vàng son lần lượt hiện ra như đoạn phim chiếu chậm trong trí nhớ người tù.

Mùa Trung Thu là mùa Tết Nhi Ðồng nhưng cũng là mùa hạnh phúc của những gia đình có trẻ thơ. Nhìn trăng, tù lại nhớ đến bánh Trung thu ngày nào. Những chiếc bánh nướng thơm mùi nhân thịt, mùi trứng béo ngậy và ngon ngọt. Thế là nước bọt tiết ra làm cho bao tử bào xót kéo người tù trở về với thực tại phũ phàng. Cơn đói đang hành hạ họ tăng thêm gấp bội, tàn nhẫn hơn, khốn khổ hơn !
Những dãy nhà tranh vách nứa san sát dưới chân đồi vây quanh một khu đất rộng như ngâm mình trong ánh trăng. Tiếng dế, tiếng ễnh ương nhịp đều cùng tiếng vượn hú từ xa vọng về tạo thành một âm thanh não nề giữa rừng đêm tĩnh mịch. Bỗng, tiếng bốp! hự ! bịch ! hộc ! rồi tiếng la ú ớ vang lên ngoài sân. Anh em tù nhốn nháo nhìn qua cửa liếp thấy Trần Xuân Lộc bị bốn tên bộ đội trụ bốn góc thay nhau đấm đá vào người như thoi vào bao cát tập võ. Anh muốn thoát thân hướng nào cũng đều bị chận đánh. Chúng vừa đánh vừa đẩy Lộc ra cửa sau của rào vi trại. Biết được âm mưu muốn ám hại mình, Lộc bèn dồn hết tàn lực lao vào tên đứng trước mặt. Với cú đẩy bất ngờ ấy, tên bộ đội bật ngã xuống đất. Thừa cơ hội Lộc phóng thẳng vào dãy nhà gần đó. Bốn tên sát thủ liền đuổi theo. Rất bất ngờ, gần một trăm bạn tù trong căn lán Lộc đang trốn, không ai bảo ai đồng loạt ùa đến khung cửa độc nhất bít ngay lối vào. Bọn côn đồ cố lách mình vào giữa đám đông. Nhưng với lực trụ của một trăm con người như những chiếc nêm đóng chặt vào khung cửa, chúng đành lui ra.
Ðứng ngoài sân, một tên quát lớn :
“Nghe đây, ông ra lệnh chúng mầy phải giải tán ngay, về chỗ nằm, kẻ nào không thi hành sẽ bị bắn bỏ!”

Một sự yên lặng nặng nề đầy thách thức. Giờ phút nầy anh em tù không còn là những cá thể riêng rẽ nữa. Họ hiện hữu như một thực thể có một quả tim duy nhất và chung cùng một dòng máu luân lưu trong cái phần đại thể đó. Mọi hành động bỗng nhiên rập ràng, nhanh nhẹn. Tình chiến hữu dâng cao vượt lên trên mọi sợ hãi. Máu căm phẫn chảy rần rật trong từng mỗi tế bào. Tuy vậy, họ đã kiềm chế được một hành động có thể gây tai hại là tràn ra ngoài sân đánh gục bốn tên bộ đội để trả đòn cho Lộc. Họ vẫn giữ đúng nội quy không ra khỏi phòng giam, nhưng tù có quyền ngăn chận hành động trái phép của những người không trách nhiệm đột nhập vào trại tù giữa đêm khuya.

Trước sức cản của khối người nơi khung cửa, chúng biết khó đột nhập vào trong bèn rút dao găm ra hăm dọa. Bỗng, có tiếng người la lớn: “Hãy cứu chúng tôi, có người hành hung tù !” Tức thì, bạn tù trong chín dãy nhà còn lại trong toàn khu trại đồng loạt la lên: “Có người hành hung tù, có người hành hung tù!. . .” Cứ như thế, tiếng la hòa thành một vang cả một góc trời. Trong sự đồng cảm hình như mọi biểu lộ giống nhau, bộc phát nhịp nhàng cùng thời gian. Bởi vậy mà tiếng kêu cứu trong đêm của gần một ngàn tù nhân làm tăng thêm sức mạnh tinh thần cho nhau.
Không ngờ tù phản ứng quá mãnh liệt, bốn tên bộ đội hoảng hốt kéo nhau chuồn khỏi trại.

Ai là người đứng sau lưng chủ trương hành hung Trần Xuân Lộc giữa đêm khuya , ban Giám thị, tên Quản giáo T hay cả nhóm cán bộ bị Lộc tố cáo ? chẳng biết nữa. Duy có một điều chắc chắn là đêm ấy còn hai tên bộ đội khác chỉa súng đứng chờ ngoài hàng rào phía cổng sau sẵn sàng nổ súng một khi Lộc bị đám côn đồ đẩy ra khỏi rào vi./
Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích
TRO VE DAU TRANG