Sunday, August 29, 2010

Gương sáng hy sinh và lòng chung thủy
Nguyên Ngọc, Aug 24, 2010

Cali Today News - Câu chuyện này có thật đã xảy ra tại một tỉnh miền Trung nước Đức, vì tôn trọng người ra đi, kẻ ở lại, nên NN xin được thay đổi danh xưng và vài chi tiết.
Mong Qúy Độc Gỉả thông cảm (NN).

***
Buổi chiều ra khỏi sở tôi như bị cuốn theo làn sóng người trong nhà ga xe lửa.
Tiếng cười nói huyên thuyên, tiếng đàn ca của những nghệ sĩ vỉa hè hòa lẫn mùi nước hoa, thuốc lá, thức ăn... làm giác quan tôi gần như bị tắc nghẽn.

Tôi nhanh chân bước vào toa xe lửa đang chờ sẵn, thoáng thấy một người đàn ông Việt Nam tôi quen, ông Kiên, đang ngồi lặng lẽ ở hàng ghế cuối cùng. Hôm nào gặp ông tôi cũng thấy ông ngồi chỗ này gần như bất di bất dịch.

Lẽ ra tôi tìm chỗ ngồi gần người đồng hương này để trò chuyện trong thời gian cùng đi một đoạn đường tàu. Nhưng tôi lại kín đáo nhón gót tìm một chổ ngồi xa khuất, vì thấy ông như đắm chìm vào thế giới xa xăm nào, với nét mặt buồn bã đăm chiêu, vài sợi tóc bạc lòa xoà trên trán.

Lòng tôi chùng xuống, không muốn quầy rầy thế giới thầm kín riêng tư của người đồng hương, mà theo tôi biết, cuộc đời phải chịu nhiều bẽ bàng trên đất khách…
Tháng tư 1975 sau khi cưỡng chiếm miền Nam bằng võ lực và bội phản những điều cam kết, nhà nước csVN bắt đầu ào ạt mở rộng chiến dịch vơ vét cướp bóc tài sản được gầy dựng bằng mồ hôi nước mắt và sức lao động của người dân qua chiến dịch đánh tư sản mại bản: tịch thu nhà đất dinh thự, ruộng vườn, cơ sở làm ăn, tài sản tôn giáo... và nhiều lần đột ngột mở chiến dịch đổi tiền.

Chỉ vỏn vẹn có một đêm sáng hôm sau người dân miền Nam gần như còn hai bàn tay trắng...

Tiếng oán than thấu tận đất trời…
Cùng chung số phận với hàng triệu người bất hạnh, gia đình ông Kiên gần như kiệt quệ, trong nỗi tuyệt vọng và niềm đau khổ vô biên ông quyết định liều chết bỏ nước ra đi.

Một lần nữa nhà nước cs VN lại xử dụng xảo thuật gian manh cố hữu là xuất cảng ngưới qua chiến dịch: Xuất cảnh bán chính thức.

Môt đầu người 10 cây vàng, lên Taxi 3 cây vàng (từ ghe nhỏ chở đến tàu đang đợi ngoài khơi Vũng Tàu), với đìều kiện người ra đi không được mang theo bất cứ tài sản nào mà tất cả phải “dâng hiến” cho nhà nước...

Sau khi vay mượn khắp nơi, gia đình ông Kiên bước lên chiếc tàu Huê Phong tháng 12.1978 và cập bến Hồng Kông sau 5 ngày thuận buồm xuôi gió.

Tháng ba 1979 gia đình ông Kiên có tên trong danh sách những người Việt được tỵ nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức, chính quyền và nhân dân Đức đã mở rộng tấm lòng từ ái để đón tiếp những người Viêt Nam liều chết vượt biển, vượt biên ra đi tìm tự do.
Vợ chồng ông Kiên cứ ngỡ như một lần nữa đựơc hồi sinh… trong niềm hạnh phúc vô biên và tâm lòng tri ân đất nước đã cưu mang gia đình mình, nên đã siêng năng, cần mẫn và vô cùng lạc quan để làm lại cuộc đời.

Ông Kiên được cơ quan xã hội tìm cho một việc làm ở trong Kantine của một hãng lớn trong tỉnh, bà Kiên người vợ hiền hòa chơn chất đảm đang ở nhà chăm lo cho chồng và đàn con bốn đứa.

Hạnh phúc bình dị của gia đình này tưởng chừng như là mãi mãi...

Một buổi sáng bà Kiên thức dậy thấy vô cùng khác lạ trong người, bà hàng xóm tốt bụng người Đức vội vàng đưa bà đi bác sĩ. Sau khi khám, bác sỹ cho biết bà cần phải được soi bao tử để tìm ra nguyên do căn bịnh.

Ngày hẹn đã đến bà được Bác Sĩ chích vào máu chất Kontrastmittel để soi ruột, sau đó bà mê man không tỉnh dậy. Một tuần hai tuần, rồi một tháng hai tháng trôi qua... bà đã thật sự đi vào cơn mê (Koma, tiefer Schlaf).

Ông Kiên vô cùng đau đớn trước bịnh tình của vợ, cả cộng đồng người Việt đều bàng hoàng, thương xót cho bà Kiên. Mọi người xúm lại an ủi, thăm nom ông Kiên và thay nhau giúp đỡ ông, cũng như chăm sóc đàn con nhỏ.

Một tháng sau bà Kiên được chuyển đến một bịnh viên chuyên môn chữa trị về Koma, cách nhà khoảng 100 Km.

Trong nghịch cảnh đau đớn, bất ngờ này ông Kiên bị đẩy vào hoàn cảnh gà trống nuôi con , hình dáng ông ngày một tiều tụy, xuống sắc và ông lặng lẽ hơn bao giờ hết.
Vừa đi làm, vừa nấu nướng chăm sóc cho đàn con dại 4 đứa và mỗi cuối tuần phải đi xa thăm viếng vợ.

Thời gian này tình đồng hương, tình nhân loại được thể hiện trọn vẹn ý nghĩa cao đẹp nhất.

Ong Brinkmaler một nhân viên xã hội thương tình mỗi cuối tuần đều chở ông Kiên đi thăm vợ.

Bác Sĩ khuyên ông: sự thăm viếng và chuyện trò của ông cùng các con là một liều thuốc hiệu quả, nhiệm mầu nhất để giúp bà Kiên sớm hồi sinh.

Nghe theo lời bác sỹ mỗi lần ông Kiên đến thăm bà ở bịnh viện đều tâm sự, kể lể nỗi niềm nhớ thương vô biên và nỗi vất vả của ông trong cuộc sống hàng ngày khi vắng bóng người vợ thương yêu, ông miên man kể lể với niềm hy vọng bà Kiên sẽ thức tỉnh sau giấc ngủ dài và trở về đoàn tụ với ông cùng đàn con dại.

Xuân qua, hạ đến, thu tàn, đông sang. Thắm thoát mà bà Kiên đã nằm trong Koma hơn 5 năm dài, nhưng tấm lòng thủy chung của ông Kiên vẫn không hề phai nhạt.

Ông vẫn thương yêu, kiên nhẫn đi thăm viếng bà, vẫn ngồi bên bà kể lể những nổi niềm cô đơn quạnh vắng qua dòng nước mắt và vẫn làm tròn bổn phận gà trống nuôi con…
Có những lúc đêm về khi các con ông đã đi ngủ, ngồi một mình trước bức ảnh vợ ông Kiên nói chuyện lẫm bẩm một mình trong đêm khuya thanh vắng, ông tin tưởng rằng với tình yêu tuyệt đối của ông qua thần giao cách cảm, vợ ông ở xa xôi cảm nhận được và những dòng máu đỏ sẽ luân lưu bình thường trở lại trong cơ thể để giúp bà hồi sinh, ông đã miên man kể lể trong nỗi niềm xúc động cho đến khi mệt mỏi và ngủ thiếp đi lúc nào không biết…

Một ngày cuối hạ chúng tôi bàng hoàng được tin động trời là ông Kiên sắp ra toà xin ly dị để lấy vợ khác. Lúc này thì những ý kiến thuận, nghịch, khen, chê tha hồ được bàn tán trong thành phố chúng tôi đang cư ngụ...

Ngày giờ ra tòa được giấu kỹ, nhưng không hiểu tại sao cả xóm người Việt Tỵ Nạn đều biết, biết rõ ràng chi tiết, biết rành mạch khúc nôi...

Ngày phiên tòa ấn định không hẹn mà gặp, có rất đông đồng hương Việt Nam đều bỏ công ăn việc làm để đến dự thính...
- Một phiên toà hy hữu trong tỉnh nhà.

Hôm ấy ông Kiên vẫn lặng lẽ như bao giờ, nhưng đôi mắt thì thâm quầng hơn, chắc vì những đêm dài thao thức, chúng tôi ai nấy cũng xúc động trong hồn và hồi hộp nhìn ông như gởi gấm một tấm lòng thông cảm.

Khi vị chánh án đọc bản tóm tắt tên tuổi, đời sống, nguyên nhân đi đến việc ly dị, đôi mắt ông Kiên bắt đầu đỏ hoe. Người thông dịch viên đứng tuổi dịch rõ ràng và mạch lạc.

Cuối cùng vị chánh án hỏi Ông một lần chót:
- Ông Trần, ông đã suy nghĩ chín chắn chưa, có phải ông thật sự muốn ly dị vợ hay không?

Khi nghe đến câu hỏi này bất chợt ông Kiên oà lên khóc, tiếng khóc của ông vang dội trong căn phòng yên lặng của toà án, mọi người hiện diện đều im lặng trong nỗi bàng hoàng thương xót, ông vẫn ôm mặt khóc vừa kể lể và người thông dich viên vẫn dịch và chúng tôi kễ cả vị chánh án vẫn chăm chú lắng nghe…

Trong tiếng nấc nghẹn ngào ông Kiên kể:
- Cuộc đời chúng tôi gặp muôn vàn đau khổ, chúng tôi thương nhau từ lúc còn nghèo khó, vì lánh nạn cộng sản nên gia đình tôi mới tha phương xứ người, chúng tôi chia xẻ với nhau qua bao thăng trầm trong cuộc sống, tôi vẫn yêu thương vợ tôi như ngày đầu, vợ tôi là một người phụ nữ hiền lành nhân hậu... suốt cả cuộc đời làm vợ làm mẹ chưa bao giờ vợ tôi có đựơc một ngày an nhàn sung suớng...
- Tôi muốn chờ đợi vợ tôi ngày bà tỉnh dậy.
Rồi ông Kiên khóc thật to như chưa bao giờ được khóc:
- Em ơi cha con anh khổ lắm em có biết hay không?
Thương anh và con em mau tỉnh dậy…

Ông Kiên vừa nói vừa khóc trong tức tưởi nghẹn ngào.

Đâu đây âm vang tiếng sụt sùi của những người dự thính, và những dòng nước mắt đã hòa theo với người đàn ông đau khổ này…
Vị chánh án vẫn kiên nhẫn nghe ông khóc và kể lể mà nét mặt đầy nổi xúc động, ông Brinkmaler, người chuyên viên xã hội thì ôm vai ông vỗ về an ủi.
Sau khi ông Kiên đã tìm lại một chút bình tỉnh thì vị chánh án đằng hắng và thân thiện hỏi:
- Ông Trần thân mến, tôi rất xúc động trước tấm lòng thủy chung của ông, tôi cũng hiểu nỗi đau khỗ của ông từ hơn 5 năm qua, nhưng có một điều tôi hoàn toàn không hiểu được, ông thương vợ, thương con, ông đã chịu đựng hơn 5 năm dài thì tại sao hôm nay ông lại làm đơn xin ly dị ?

Tức khắc ông Kiên chỉ tay về phía người chuyên viên xã hội và trả lời qua tiếng nấc:
Ông Brinkmaler xui tôi ly dỵ vợ, và giới thiệu tôi, để cưới vợ khác...
Cả phòng đều ồ lên, trong một thoáng suy nghĩ, vị chánh án đưa mắt nhìn người nhân viên xã hội nghiêm khắc hỏi:
- Ông Brinkmaler, xin ông xác nhận lời nói của ông Kiên và ông cho tôi biết tại sao?
Ông Brinkmaler với đôi mắt đỏ hoe, lúng túng trong nỗi nghẹn ngào trả lời:
- Không ai hiểu tôi bằng ông Kiên, quý vị có biết tôi cũng khổ biết dường nào hay không?

Khi mỗi cuối tuần tôi lái xe đưa ông Kiên đi thăm bà, vì tôi thương và cảm động trước hoàn cảnh trái ngang của ông ấy... tôi, tôi phải ngồi hàng giờ bên cạnh nghe và nhìn ông ấy tâm sự với vợ trong tiếng khóc, tuy tôi không hiểu hết, nhưng tôi cảm nhận được nỗi đớn đau trong lòng của người đàn ông Việt Nam này, nếu là người Đức thì chắc sự việc này không xảy ra như ngày hôm nay.

Tôi thấy mỗi ngày ông Kiên càng tìu tụy hơn, các con ông thì còn qúa nhỏ dại, ông Kiên cần có một người đàn bà chia xẽ với ông trong cuộc sống trên quê hương mới, đầy dẫy xa lạ này.

Tai sao mình không suy nghĩ thực tế, tại sao không suy nghĩ về tương lai 4 đứa con ông Kiên... Tại sao??? . Cho đến hôm nay 5 năm đã trôi qua ông Trần có giải quyết vấn đề này được không?

Qúy vị có biết những lúc ông ấy đau ốm cũng tôi đưa ông ấy đi bác sĩ, tôi phải đi chợ và nấu cho cả gia đìinh ông ấy ăn… tôi rất vui và hạnh phúc khi làm việc đó, nhưng hơn 5 năm qua bà Kiên vẫn không bình phục, Xin tất cả hiểu cho tấm lòng tôi...
Sau phiên toà hy hữu đó thì cuộc đời ông Kiên vẫn không thay đổi và vẫn làm thân gà trống nuôi con như ngày nào...

****
Duyên tụ nhân sinh, duyên sinh nhân biến, duyên biến nhân diệt…
Vài tháng sau thì bà Kiên thật sự từ giã cha con ông Kiên lặng lẽ ra đi..
Ngày tang lễ của bà Kiên có rất đông bạn bè thân quen tham dự, tuy không nói ra nhưng tất cả chắc đều nghĩ trong lòng: Như Thế Còn Hơn…
Riêng người chuyên viên xã hội giàu lòng từ ái, ông Brinkmann thì sau đó cũng giã từ chúng tôi ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, qua một căn bịnh thời đại.
Trong tấm lòng tri ân, lẫn kính phục xóm tỵ nạn chúng tôi buồn hiu hắt, như đã mất một người thân thương trong gia đình...

****
“Cứ ngỡ sum vầy nơi đất khách,
Nào ngờ ly biệt cõi trăm năm
Người đi thổn thức lòng son sắt
Kẻ ở năm canh lạnh chỗ nằm”!
Thương bầy con dại, nhớ người vợ hiền, nên từ đó ông Kiên tự nguyện làm chiếc lá úa, đơn độc giữa dòng đời thăng trầm xuôi ngược.

Con ông tìm được chỗ học hành, viêc làm ở đâu, ông dọn theo đến đó, ông thuê một căn phòng nho nhỏ sống một mình, để được gần cạnh con, mỗi ngày ông lụm cụm thương yêu chăm chút nấu cho con những món ăn tươm tất ngon lành, giặt ủi cho con từng manh quần tấm áo, lo lắng, săn sóc cho con khi ốm đau, an ủi con khi chúng vấp ngã trên đường đời vạn nẻo...

Niềm hạnh phúc vô vàn và duy nhất của cuộc đời ông Kiên trên quê người là buổi chiều mấy cha con quây quần bên mâm cơm bốc khói vừa ăn cơm vừa nói chuyện trong tình cha con thương yêu đầm ấm và nhắc nhỡ đến bà mẹ hiền, người vợ đảm đang...

Nhưng những chú gà con mồ côi mẹ năm xưa giờ này đã đủ lông đủ cánh, thích bay nhảy với cuộc đời đầy quyến rũ, nên ông Kiên thường ôm hình vợ trong tay, chờ đợi con về, bên mâm cơm, trong căn nhà hiu quạnh mà đôi lúc tưởng chừng như mình mòn mỏi sắp hóa đá.

Ngày tháng qua đi... Từ ngày ông Kiên xa rời chốn cũ chúng tôi không còn gặp gỡ Ông thường xuyên nữa. Thỉnh thoảng ông mới về thăm lại nơi kỷ niệm một quãng đời sum vầy êm ấm.

Ông Kiên đã để lại cho chúng tôi một mãnh trăng rằm vằng vặc trong sáng, đó là: "đức hy sinh và lòng thủy chung cao qúy".
Nguyên Ngọc (Ger)

Trở về đầu trang

Friday, August 27, 2010

MỘT VÀI NHẬN ÐỊNH VỀ
quan niệm và thái độ PHI CHÁNH TRỊ của người Việt hải ngoại cùng công cuộc đấu tranh cho một nước VIỆT NAM TỰ DO - DÂN CHỦ hiện nay

Tôi là một kẻ hậu sinh, không có được cái diễm phúc diện kiến hay chính tai nghe được những gì Gs Nguyễn Ngọc Huy đã nói hoặc trình bày. Tuy nhiên như hàng triệu triệu những sinh viên học sinh và thanh niên khác của VN, tôi đã thổn thức và dâng trào lòng yêu nước, tự hào về di sản và sự hy sinh của hằng ngàn thế hệ cha ông cho sự độc lập và vẹn toàn lãnh thổ qua những vần thơ và tấm gương tận tuỵ, mẫu mực, khiêm tốn và tận hiến vô bờ bến cho dân tộc và đồng bào của giáo sư.

Từ sự kính phục đó, tôi đã tìm hiểu nhiều hơn về tinh thần, học thuyết và những di cảo mà giáo sự Huy đã để lại. Những di sản và công trình nghiên cứu quý giá mà GS để lại đã giúp rất nhiều cho những người hậu sanh như chúng tôi để hiểu và xử dụng trong nỗ lực giải quyết những bài toán hóc búa mà dân tộc VN và cộng đồng người Việt hải ngoại đã và đương phải đương đầu.

Một trong những bài toán ấy là một câu nói, một quan niệm và môt hiện tượng đã xãy ra truớc năm 1975 và càng ngày càng phổ biến hiện nay trong cộng đồng ngưòi Việt tỵ nạn hải ngoại của một số tổ chức tôn giáo, từ thiện và văn hoá, văn nghệ hoặc cá nhân cho rằng: “Tôi/chúng tôi/ tổ chức của chúng tôi chỉ làm từ thiện, tôn giáo hay văn hoá văn nghệ chứ không làm chánh trị” hay “ Không nên đem chính trị vào tôn giáo, từ thiện, văn nghệ văn hoá v.v..” và “Tôi/chúng tôi/ tổ chức của chúng tôi là một tổ chức phi chánh trị” để từ đó không tham gia vào hay đứng ngoài các sinh hoạt hay nỗ lực chống Cộng, tranh đấu dân chủ nhân quyền hay lên án CSVN của cộng đồng người Việt hải ngoại, thậm chí có người và tổ chức còn cho rằng việc tiếp xúc, thương lượng, đối thoại, kể cả việc ca ngợi nhà cầm quyền CSVN của mình hay tổ chức mình là một điều cần hoặc đáng làm vì nhu cầu nhân đạo, văn hoá, văn nghệ hay tôn giáo.

Là một vị giáo sư lỗi lạc và uyên thâm về chánh trị thế giới cũng như chánh trị VN, giáo sư Nguyễn Ngọc Huy đã nhìn ra và phân tách một cách tỉ mĩ những nguyên nhân đưa đến tình trạng và quan niệm sai lạc về chánh trị và hoạt động chánh trị này của người Việt cách đây 4, 5 thập niên. Thể theo giáo sư, để hiểu và phân tách một cách đúng đắn về thực trạng này việc đầu tiên mọi người cần phải biết đó là: Ðịnh Nghĩa của 2 chữ Chánh Trị: "Chánh Trị" là gì, trước khi bàn và phân tách về những thái độ và quan niệm “Phi Chánh Trị” của người VN không Cộng Sản.

Trong tập “Tài Liệu Huấn Luyện Trung Cấp - Tập I “ của Liên Minh Dân Chủ VN, giáo sư đã sơ lược qua những định nghĩa từ Âu đến Á về hai chữ “chánh Trị” mà theo ông thì nhiều người dân Việt, ngay cã một số nhà lãnh đạo quốc gia trước đây đã không hiểu rỏ và thấu đáo. Thể theo giáo sư việc hiểu cho đúng đắn về chánh trị là gì là bước đầu căn bản trong việc quyết định về thái độ và quan điểm chánh trị của mỗi cá nhân đối với quốc gia và dân tộc. Giáo sư cũng cho thấy bên cạnh việc không hiểu rỏ thấu đáo ý nghĩa của hai chử chánh trị hay hiểu sai lạc về chánh trị ấy, những kinh nghiệm chánh trị của người dân miền Nam VN trong hai nền đệ I và đệ II Cộng Hoà và sự cấm đoán, độc tài đảng trị của CSVN ở miền Bắc và sau năm 1975 đã khiến cho nhiều người chán nản, coi thường, không muốn dính líu đến hay thậm chí còn sợ hay chống những gì mà họ cho là chánh trị hay liên can đến chánh trị.

Để giúp cho người đọc hiểu rỏ ý nghĩa của danh từ “chánh trị”, giáo sư trình bày về định nghĩa chánh trị của người Trung Hoa thời cổ. Trong Hán văn chử “Chánh” bao gồm hai chữ gộp lại đó là “ngay thẳng” và “hành động”. Nói một cách khác là làm cho ngay thẳng. Chử “Trị” mang ý nghĩa chửa trị bệnh, về sau chử này được mỡ rộng nghĩa ra để chỉ việc trừng trị để loại bỏ những phần tử xấu xa cho xã hội được lành mạnh. Như thế theo nghĩa gốc thì “chánh trị” nói chung là việc làm cho xã hội được ngay thẳng và lành mạnh. Kế đến GS dẫn chứng cho thấy người Tây phương ngày xưa cũng đã có chung một quan điểm với Á châu qua đó họ cho rằng: “Chánh trị là sự điều khiển ngay thẳng nhiều gia đình và những gì chung của những gia đình ấy với một quyền lực chủ tể”.

Theo giáo sư, nếu hiểu được ý nghĩa của chánh trị như thế thì chúng ta thấy chánh trị, có thái độ chánh trị, có tiếng nói chánh trị và có hành động chánh trị là một điều đáng kính và đáng làm, hữu ích và quan trọng cho sự sống còn của xã hội nhơn loại, không có gì là xấu cã!! và mọi người trong xã hội – không phân biệt là kẻ tu hành hay giáo dân, già hay trẻ, giàu hay nghèo, nam hay nữ, đảng phái hay không đảng phái- ai cũng đều có quyền, có bổn phận và nên đóng góp và LÀM CHÁNH TRỊ cho xã hội, dân tộc, quốc gia trở nên ngay thẳng, công bằng, nhơn vị nhơn quyền được tôn trọng và tốt đẹp hơn.

Vì nhiều người đã hiểu sai hay bị hướng dẫn, tuyên truyền, nhồi sọ, đe doạ, cấm đoán và nhập tâm bỡi những thế lực hay ngay cã bỡi sự suy diễn sai danh từ chánh trị trong một thời gian dài trong xã hội VN theo nghĩa tiêu cực, hạn hẹp và một chiều như:

- Chánh trị là việc xử dụng quyền lực quốc gia , chánh trị là đồng nghĩa với chánh phủ và chánh quyền
- Làm chánh trị là tranh giành quyền lợi, địa vị hay có thủ đoạn lưu manh
- Làm chánh trị là muốn cầm quyền,
- Chánh trị là việc riêng của những người cầm quyền, không phải là chuyện của người dân thường, không nên dính vào để tránh phiền phức v.v…

Nên nó đã đưa đến tình trạng hễ nhắc đến chử “làm chánh trị” là đại đa số người Việt - có học cũng như không có học, có địa vị cũng như không có địa vị, tham gia đảng phái hay không đảng phái, thành thị cũng như thôn quê - đều bị dị ứng, nghĩ hoặc hiểu lầm là muốn làm chánh quyền, muốn tham chánh, là phe nhóm, là tranh giành, là thủ lợi chứ không còn phải là “LÀM/THAM GIA/ĐÓNG GÓP/LÊN TIẾNG HAY GÓP PHẦN CẢI THIỆN CỘNG ĐỒNG, XÃ HỘI, QUỐC GIA CHO TỐT ĐẸP, CÔNG BẰNG VÀ NHƠN VỊ HƠN” như nó đáng lý ra phải được hiểu nữa.

Nếu hiểu cho đúng như những gì GS Huy đã định ngĩa thì làm chánh trị đâu phải là bổn phận hay vai trò duy nhất và độc tôn của một đảng phái hay một phe nhóm nào, nó càng không phải chỉ là của chánh quyền hay ai muốn ra cầm quyền mà là BỔN PHẬN THIÊNG LIÊNG CỦA MỘT CÔNG DÂN, MỘT PHẦN TỬ TRONG XÃ HỘI VÀ QUỐC GIA bất kể người đó là ai và ở vị trí nào kể cã tôn giáo. AI CŨNG CÓ QUYỀN VÀ CÓ BỔN PHẬN CÓ THÁI ĐỘ CHÁNH TRỊ, NÓI VỀ CHÁNH TRỊ VÀ LÀM CHÁNH TRỊ vì chánh trị không có nghĩa và không đồng nghĩa với nắm quyền hay chánh quyền.
Nhìn lại lịch sữ cận đại của xã hội VN, chúng ta có thể hiểu được phần nào lý do tại sao những quan niệm sai lạc về “hành động chánh trị” nêu trên đã trở thành phổ biến và ăn vào tiềm thức của người VN.

• Đối với người dân sống dưới chế độ CS miền Bắc, danh từ “làm chánh trị” chẳng những bị cấm xử dụng mà còm đem tai hoạ lại cho bản thân và gia đình của người nói vì đảng CSVN và chánh quyền CS tuyệt đối cấm không cho ai làm chánh trị hay bàn thảo về chánh trị.

Là chế độ độc tài, độc đảng toàn trị, họ luôn lo sợ nhơn dân và mọi hành động mang tính cách bàn bạc hay thảo luận về chánh trị. “Có tật giật mình” vì độc tài nên nơi nào có ai tụ tập họ cũng cho là âm mưu lật đổ chánh quyền, là phản động. Vì thối nát, họ bị dị ứng với mọi hình thức hay những cuộc bàn luận về ích nước, lợi dân, tốt đẹp, công bằng và dân chủ. Sống dưới họng súng, ngục tù, đe dọa, theo dõi, rình rập và bắt bớ triền miên, đa số người dân miền Bắc trước 1975 trở thành thụ động, chỉ biết tuân phục để sống còn. Những người đối kháng dám lên tiếng thì bị thủ tiêu hay cầm tù không nương tay như thi sĩ Nguyễn Chí Thiện v.v..

Chữ “chánh trị” vì thế trở thành một danh từ đồng nghĩa với “cách mạng”, “quốc cấm”, “chống chánh quyền” vì thế “chuyên chế, độc tài, đảng trị” và chánh trị thuộc về giai cấp cai trị của đảng chứ không còn là của dân nữa. Những kẽ cầm quyền làm chánh trị thì coi dân còn thua cã con vật, không có một thứ quyền hạn gì ngoài quyền “dạ, vâng” Người dân miền Bác trước 1975, không phải là chán 2 chử “chánh trị” mà là SỢ hai chữ này.

• Ðối với người dân không cộng sản sống dưới chế độ Cộng Hoà miền Nam, danh từ “chánh trị”, tuy được nói đến, bàn bạc và làm một cách tự do, nhưng lại bị nhiều người đồng hoá hay hiểu lầm nó với “có ý tham gia hay tranh giành chức vụ gì đó trong chánh quyền” nói một cách khác làm chánh trị bị coi là đồng nghĩa với “làm chánh quyền hay muốn cai trị”. Trong cã nền đệ I và đệ II Cộng hoà mà người dân miền Nam được hưởng, tình trạng gia đình trị, bè phái, tư lợi, lấn áp các đảng phái nhỏ hoặc đối lập và tham những bỡi những giới cầm quyền đã khiến cho nhiều người dân miền Nam trước 1975 coi thường hay thậm chí còn khinh khi những gì liên quan đến hai chử “chánh trị” vì nó có vẽ “xôi thịt” quá.

Tuy nhiên, khác với miền Bắc, dưới cã 2 chế độ Cộng Hoà, người dân miền Nam và báo chí vẫn có quyền chỉ trích, xuống đường biểu tình, đã đảo và tự do lập đảng phái chánh trị để ra tranh cữ và chánh quyền các cấp và vào các cơ quan lập pháp và hành pháp mà không sợ bị ở tù hay thủ tiêu. Có nhiều người còn cho rằng người dân miền Nam đã đi quá xa vì không hiểu rỏ chánh trị là gì và giới hạn của chánh trị nằm ở đâu và làm sao để làm chánh trị mà không phương hại đến sự an nguy của quốc gia, đặc biệt là khi quốc gia và chánh phủ đương nhiệm đang phải đương đầu với một thế lực mạnh, lớn và độc tài toàn trị hơn gấp bội phần là CSVN.

Kết quả của hơn 30 năm dưới 2 chế độ tự do của miền Nam là “chánh trị” trở thành một thứ “dirty word” hơn là một điều mà người lớn khuyến khích hay đôn đốc con cháu của mình tham gia vào. Nói một cách khác, là người dân miền Nam VN đã “Chán” chánh trị và bị “Dị ứng” với chánh trị.Vì đại đa số quần chúng miền Nam không được giáo dục, cỗ suý để hiểu được chính xác danh từ và ý nghĩa của 2 chử chánh trị và vai trò đúng đắn mà mọi người, mọi giới cần phải có ( như GS Huy đã làm) nên việc hiểu sai và có thái độ tiêu cực, sai lạc về hai chữ “chánh trị” vẫn còn kéo dài cho đến ngày hôm nay và được CSVN khai thác và lợi dụng tối đa qua hình thức “không làm chánh trị hay phi chánh trị”.
Thể theo GS Huy thì vấn đề then chốt của chánh trị là: việc “làm (Hành) chánh trị” và “Xử dụng Chánh Trị” (cho mục đích gì)?

GS cho thấy có hai loại hành xử chánh trị đó là:

a/ các loại giải pháp và xử thế chánh trị với những hành động khôn ngoan, khéo léo nhưng chánh trực, đạo đức và ngay thẳng nhằm phục vụ quyền lợi chung của cã xã hội hoặc quốc gia đúng như định nghĩa của danh từ “chánh trị”, đó là làm cho xã hội được ngay thẳng, tốt đẹp và lành mạnh hơn kể cã việc loại bỏ những phần tử xấu xa hầu đạt được mục tiêu ấy. Đó là CHÁNH TRỊ.

b/ các loại giải pháp và hành động chánh trị phản đạo đức, bất nhơn bất nghĩa, bất chấp luân thường đạo lý, lấy cứu cánh biện minh cho mọi thủ đoạn lường gạt, dối trá hay phương tiện xấu xa, tàn ác để đạt được mục đích cho quyền lợi tiêng tư, đảng phái hay chủ nghĩa và đặt những quyền lợi này lên trên quyền lợi của đa số quần chúng và xã hội hay đất nước. Đây là TÀ TRỊ chứ không phải là CHÁNH TRỊ

Đây là hai thực tại mà ngưòi bình dân hay gọi nôm na là “vương đạo và tà đạo”

Nhưng muốn thay đổi hay phát triển xã hội cho lành mạnh, dầu muốn hay không, chúng ta cũng đều cần phải có sự tổ chức chung và tập hợp nhân sự c ủa những người hay thành phần đồng chí hướng để điều hành và tham gia ứng cử vào chánh quyền để lãnh đạo hầu đạt đến mục tiêu chung có hiệu quả, công bình và trật tự. Đây là lý do tại sao chúng ta cần phải có các đảng phái, phong trào, đoàn thể và tổ chức để thực thi công tác chánh trị.Với tư cách cá nhân không ai có thể đơn phương làm được chánh trị cho cã xã hội hay quốc gia, vì thế nếu không trực tiếp tham gia vào được thì cũng nên ủng hộ, đóng góp tinh thần hay vật chất vào các sinh hoạt tranh đấu chánh đáng về chánh trị của cộng đồng hay những tổ chức chánh trị nào mà mình cho rằng trong sáng, chánh đạo, thật sự vì nước vì dân hơn là thờ ơ, bỏ mặc hay cho rằng:

Tháp đổ đã có vua xây
Tội gì gái goá lo ngày lo đêm

Hay

Quan có cần nhưng dân không vội
Quan có vội quan lội quan đi

Chính thái độ thờ ơ, bỏ mặc, không hiểu hay không muốn hiểu, không tích cực, không chủ động hay không để ý đến chánh trị và không hành xử bổn phận và quyền hạn đóng góp vào việc chánh trị của mỗi cá nhân sẽ hoặc đã tạo cơ hội cho những phần tử bá đạo lợi dụng tình trạng ấy để thao túng, ra tay nắm lấy hay cướp chánh quyền và tiếp tục cầm quyền gây ra không biết bao nhiêu thảm hoạ cho xã hội, quê hương, dân tộc, tổ quốc và đặc biệt là cho chính bản thân và gia đình của chúng ta. Lúc ấy, có thức tỉnh thì cũng đã quá muộn rồi. Nói một cách khác, “We are deserved for what we have or have not done politically” (“khi nói đến chánh trị, thể chế hay chánh quyền mà chúng ta có là do chính những gì chúng ta đã hay không làm chánh trị ”) hay “ Thành môn thất hoả, uơng cập trì ngư - Cửa thành cháy thì cá dưới ao cũng bị vạ lây”.

Cách đây gần 3 thập niên, trong tập “Tài Liệu Huấn Luyện Trung Cấp - Tập I “ của Liên Minh Dân Chủ VN, giáo sư Huy đã viễn kiến nhận ra được và tỏ ý quan ngại về hệ quả của quan điểm “phi chánh trị” này của người Việt Quốc Gia hải ngoại như sau:

“Đối với người Việt Nam hiện cư ngụ ở quốc ngoại, thái độ phi chánh trị có thể có nhiều ý nghĩa khác nhau. Nó có thể phát xuất từ nhu cầu phải tôn trọng luật pháp của nước trong đó mình cư ngụ bắt buộc mình phải tự chế trong lời nói hay việc làm có liên hệ trực tiếp đến nền chánh trị nước ấy. Sự tự chế này thật sự không ngăn cản người VN thương nước tích cực hoạt động để giúp đỡ đồng bào hay tranh đấu để giải thoát dân tộc mình khỏi ách độc tài của bọn cộng sản Hà Nội. Nhưng thái độ phi chánh trị cũng có thể phát xuất từ ý muốn chối bỏ nguồn gốc Việt Nam của mình và bỏ mặc đồng bào còn đói rách khổ sở trong nước để hoàn toàn hội nhập vào xã hội đã tiếp đón mình. Trong trường hợp sau này, phi chánh trị có nghĩa là chấp nhận cho CSVN cai trị VN mãi mãi.

Bỡi vậy, bọn CSVN khi nhận thấy rằng chúng không có hy vọng lôi kéo người VN cư ngụ nước ngoài theo chúng, đã mỡ chiến dịch xúi giục mọi người theo thái độ phi chánh trị. Do đó chủ trương phi chánh trị lại trở thành một hành động giúp cho bọn CSVN duy trì chánh quyền của chúng ở VN”.

Cộng Sản VN hôm nay đang khai thác tối đa những quan điễm sai lầm và tiêu cực này trong cộng đồng người Việt hãi ngoại cũng như người dân ở trong nước để duy trì quyền lực và địa vị độc tôn độc đảng của mình trên dân tộc VN bất kể hậu quả.

Một mặt họ tung ra những hình thức bôi nhọ và chia rẽ mọi hội đoàn đoàn thể, cộng đồng đặc biệt là các tổ chức hay đoàn thể hay cộng đồng có uy tín hay khả năng về đấu tranh chánh trị để cho quần chúng hãi ngoại hoang mang, không tin tưởng và xa lánh. Một mặc khác họ khai thác tối đa quan niệm “làm từ thiện, làm đạo, làm văn hoá, làm văn nghệ, làm nghệ thuật là phải không làm chánh trị” để thủ lợi, để tránh bị chỉ trích lên án về những hành vi và chánh sách TÀ TRỊ của họ, đồng thời chia rẽ gây mâu thuẫn giửa cộng đồng người Việt hãi ngoại với những người trẻ, những tổ chức từ thiện và tôn giáo trong cũng như ngoài nước. Nói một cách khác, tiền trợ giúp giảm đói, giảm nghèo thì đảng nhận, đảng cho nhưng nguyên nhân và thủ phạm TÀ TRỊ đưa đến cái nghèo cái đói thì là “chánh trị” không được nói, miễn bàn chỉ nên nhắm mắt, bịt tai làm từ thiện và tôn giáo mà thôi. Vì lên tiếng hoặc có phản ứng là “làm chánh trị”.

Nếu chúng ta không lên tiếng nói cho CHÁNH TRỊ thì chúng đã vô tình cho phép CSVN tiếp tục tạo ra, duy trì và phát triển một thứ KỸ NGHỆ (Industry) TÔN GIÁO và TỪ THIỆN tại VN: một bên thì tiếp tục bỏ tiền của ra để giảm đói, giảm nghèo (CHÁNH), một bên kia thì tiếp tục sản xuất ra nghèo, đói và bất công (TÀ) nhưng bên chánh thì bị chiêu dụ để cho rằng việc GIÚP hay GÓP PHẦN LÊN TIẾNG để TẮT cái máy sản xuất ra nghèo đói không phải là chuyện hay bổn phận của tôi vì tôi “KHÔNG LÀM CHÁNH TRỊ”. Phe điều khiển máy sản xuất ra nghèo đói và bất công chỉ mong có thế!!!
Như đã nói trên, nếu chúng ta hiểu cho thấu đáo và đúng đắn ba chử “làm chánh trị” thì chúng ta càng theo đạo, chúng ta càng theo đuổi những công việc từ thiện xã hội, chúng ta viết lách hay sáng tác VÀ LÊN TIẾNG để cho xã hội tốt đẹp hơn, công bằng hơn và hoàn mỹ hơn đều là làm chánh trị rồi đó. Vì làm chánh trị không đồng nghĩa với làm chánh quyền hay tham chánh, mà là lên tiếng, bày tỏ thái độ, có phản ứng, và tranh đấu bảo vệ lẽ phải, công bằng, sự thật và quyền làm người của xã hội, quốc gia và dân tộc như là một bổn phận và nghĩa vụ thiên liêng, bất khả phân ly và bất khả xâm phạm của một con người, nên dù là một tu sĩ hay là một nghệ sĩ, văn nhân hay là một người bình thường không là ai hết chúng ta vẫn có bổn phận LÀM CHÁNH TRỊ và có thái độ, tiếng nói chánh trị đối với chính quền TÀ TRỊ song song với những công việc từ thiện hay tôn giáo hay văn hoá, văn nghệ mà chúng ta đang làm.

Vì thế, đi biểu tình, lên án những hành vi vi phạm nhân quyền, phản đối hành động bán nước của CSVN, lên tiếng chính thức bênh vực cho những quyền lợi căn bản của giáo dân, của người nghèo, cô thế để cho con người và đất nước VN được tốt đẹp và công bằng hơn là LÀM TỪ THIỆN ĐÚNG NGHĨA, LÀ HÀNH ĐẠO ĐÚNG NGHĨA VÀ LÀM VĂN HOÁ, VĂN NGHỆ ĐÚNG NGHĨA. Những công việc tốt đẹp và cao cã của chúng ta phải có những điều kiện và giới hạn được đặt ra đối với TÀ QUYỀN CSVN. Nếu cần chúng ta thà không làm còn hơn là mang tội đồng loã hay trợ giúp làm lợi cho bóng tối, tội ác và đi ngược lại với lương tâm.

Cộng sản VN cho rằng ai chỉ trích hay để ý đến việc của “Nhà Nước” là làm chánh trị, nhưng đi theo, ủng hộ và tùng phục Đảng CS thì lại không là chánh trị. Đảng CSVN chỉ mong mọi người tiếp tục nghĩ rằng hễ đã làm đạo, từ thiện, văn hoá, văn nghệ thì không thể có thái độ, lập trường và lên tiếng về chánh trị và quốc sự. Hoà thượng Quảng Độ, Linh mục Nguyễn Văn Lý, các nhà văn đang bị bắt bớ, giam cầm trong nước đã và đang là những tấm gương cho thấy thế nào là làm chánh trị trong khi vẫn làm trọn vẹn vai trò tôn giáo, văn sĩ của mình. Xin đừng để TÀ QUYỀN và TÀ TRỊ CS tiếp tục lừa gạt và diễn giải sai lạc vai trò và quyền hạn CHÁNH TRỊ của chúng ta một lần nữa.

Xin Giáo sư linh thiêng soi sáng và phù hộ cho người Việt hãi ngoại và trong nước tinh thần và trí tuệ minh mẫn để nhìn ra thủ đoạn “Phi Chánh Trị” này của CSVN đễ sớm đoàn kết và quang phục quê hương.

Nguyễn Thế Phong
Melbourne, 31-7-2010

Thursday, August 12, 2010

Chuyến xe buýt và
khúc hát người lính mù
Nguyễn Mạnh Trinh
Khúc hát người thương binh - Đặng Thế Luân

Sài gòn, năm 1980. Lúc đó, cuộc “cách“ cái ”mạng” ngày 30 tháng tư đã năm năm. Nhưng xem ra không khí chiến tranh vẫn còn bao phủ. Đời sống càng ngày càng đi vào bế tắc. Hè đường đầy những người đi kinh tề mới trở về hoặc vượt biên mất nhà sinh sống. Họ trở thành những người không nhà không hộ khẩu sống lây lất trong một thành phố đầy đe dọa. Những trại giam đầy áp người tù, tù chính trị và tù hình sự. Đêm đêm là thời gian của kiểm tra hộ khẩu, của bắt người, của đe dọa chập chờn ngoài cánh cửa. Với người dân thường còn như vậy. Huống chi những người tù bị gọi là “cải tạo” trở về. Đời sống lại càng bị đe dọa hơn biết bao nhiều. Tôi cũng bị ảnh hưởng trong thời thế ấy. Sống bất hợp pháp trong nhà của mình và trong đầu óc lúc nào cũng chờ đợi một chuyến vượt biển ra đi. Cột đèn mà cũng muốn xuất ngoại, huống chi…

Lúc ấy, phương tiện giao thông đi lại hầu như chỉ có xe buýt ở trong thành phố và xe đò đi xa ngoài thành phố. Ở bến xe, sinh hoạt thật nhộn nhịp. Như ở Xa Cảng Miền Tây lúc nào cũng đầy người mà số đông là những người chờ đợi một chuyến xe. Có người phải ngủ đêm chầu chực nhiều ngày. Nhưng nếu có tiền mua vé chợ đen, thì được đi ngay. Bao nhiêu con buôn đi hàng ngày mà còn chở theo hàng hóa cồng kềnh mà đâu có chờ đợi gì đâu. Còn xe buýt, thì là chỗ hỗn tạp. Đi xe luôn phải coi chừng, ăn cắp móc túi như ranh. Chỉ một loáng thôi, dù đã giữ gìn nhưng bị mất mát ngay một cách nhãn tiền. Thời mạt pháp, ai có thân thì giữ...

Trên một chuyến xe, có hai người lính cũ, một mù một què, dắt díu nhau đi hát để kiếm miếng ăn độ nhật. Người què thì dẫn đường cho người mù không có mắt để đi lần theo từng hàng ghế. Họ mặc bộ quần áo trận đã rách te tua bạc phếch nhưng vẫn còn phảng phất đâu đó hình ảnh của người lính thời xưa. Trên tay người lính mù là chiếc dàn mandoline cũ kỹ và anh hát những bản nhạc lính của cuộc chiến ngày cũ đã tàn nhưng còn nhiều hậu quả nhức nhối. Những bản nhạc đã vinh danh những anh hùng như “Huyền Sử Ca Một Người Mang Tên Quốc“ hoặc ”Người Ở Lại Charlie”. Khi hát tôi thấy dường như trong đôi mắt đen đục của người lính mù có chút nước mắt. Đi lần qua những hàng ghế, cũng có những người cho tiền, mặc dù họ không phải là những người khá giả trong xã hội này. Và nếu có một vài chú bộ đội phê bình nào là nhạc phản động, nào là nhạc vàng bị cấm thì họ lại bào chữa bảo vệ ”Người ta tàn tật đi kiếm ăn mà còn làm khó!”...

Trong không khí đe dọa, họ vẫn cất tiếng hát. Hình như, họ đang chiến đấu với tiếng hát của mình. Cờ bay, cờ bay trên thành phố thân yêu vừa chiếm lại đêm qua bằng máu…Hay : Anh không chết đâu anh người anh hùng mũ đỏ tên Đương… Hay Anh Quốc ơi từ nay trong gió ra khơi từ nay trên cánh mây trôi có hồn anh trong cõi lòng tôi. Ơi những tiếng hát nhắc lại một thời binh lửa mà những người bây giờ đang hát đã hiến dâng cho đất nước những phần thân thể của mình. Tự nhiên, tôi cảm thấy mình xúc động quá. Những người lính thời trước chịu bao nhiêu điều thua thiệt mà bây giờ vẫn còn cất tiếng hát bất chấp đe dọa bất chấp công an để vẳng lên tâm sự của mình. Và qua từng chuyến xe này qua chuyến xe khác, họ vẫn hát dù có khi bị bò vàng bắt hoặc đánh chửi. Những lời hát vẫn cất lên, mặc kệ bạo lực mặc kệ ngục tù.

Có một bài thơ, đã được viết từ cảm xúc đó. Bài thơ ”Chuyến xe bus và khúc hát người lính mù”

Trang lịch sử đã dầy thêm lớp bụi
Ngăn kéo đời vùi kín mộ phần riêng
Và lãnh đạm chẳng còn người nhắc đến
Người trở về từ cuộc chiến lãng quên
Đôi mắt đục nhìn mỏi mòn kiếp khác
Đắt dìu nhau khập khiễng chuyến xe đời
Người thua trận phần thịt xương bỏ lại
Trên ruộng đồng sầu quê mẹ rã rời
Chuyến xe vang lời ca nào năm cũ
Nhắc chặng đường binh lửa lúc xa xưa
Khói mịt mù đường chiến tranh bụi phủ
Nghe bàng hoàng giọt nắng hắt giữa trưa
Tiếng thê thiết gọi địa danh quen thuộc
Thưở dọc ngang mê mải ngọn cờ bay
Cuộc thánh chiến gió muộn phiền thổi ngược
Dấu giầy buồn còn vết giữa sình lầy
Ôi tiếng hát nhớ những người gục ngã
Ngồi chuyến xe sao vang vọng nỗi niềm
Âm thanh cao xoáy tròn tim gỗ đá
Thúc hồn người theo nhịp thở chưa quên
Ôi tiếng hát vinh danh đời lính chiến
Cho máu xương không uổng phí ngày mai
Có sương khói trong mắt đời cầu nguyện
Để lỡ làng không chĩu nặng bờ vai
Người thản nhiên những tia nhìn cú vọ
Đây tàn hơi còn sót lại một đời
Đây ngôn ngữ của Việt Nam đổ vỡ
Vẳng không gian chợt héo một nụ cười
Ta nghe rực cuối hồn trăm bó đuốc
Một đời hoài tìm kiếm ánh đèn soi...”

Bài thơ đó tôi viết ở Sài Gòn năm 1980. Bây giờ năm 2010, như vậy đã ba chục năm. Tôi đã rời thành phố thân yêu và cũng đã định cư ở Hoa Kỳ 30 năm. Hôm nay ngồi đọc tin về Đại Nhạc Hội tổ chức ở ngoài trời “Cám Ơn Anh” để gây quỹ cứu giúp thương phế binh của QLVNCH còn kẹt lại ở quê nhà bỗng dưngsinh ra nhiều hồi tưởng. Bài thơ dắt tôi trở về những ngày tháng năm năm 1975, khi Cộng sản đã chiếm được đất nước đã thẳng tay dã man đuổi tất cả thương bệnh binh trong quân y viện ra ngoài bất kể tình trạng nguy hiểm hay không. Nạn nhân nặng nề nhất ngay lập tức chịu ảnh hưởng thua trận chính là những người thương binh. Biết bao nhiêu là thảm cảnh xảy ra. Không hiểu họ đã xoay sở thế nào để sống còn trong hoàn cảnh cực kỳ bi đát ấy.

Chính Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, tư lệnh Quân Đoàn 4, trước khi quyết định tự sát đã đến thăm thương binh ở quân y viện Cần Thơ lần cuối vì ông biết số phận đáng thương của những người lính này. Trước khi tử tiết, ông đã đến từng giường bệnh để an ủi những người lính đang điều trị tại đây. Ông đã não lòng khi trả lời một câu nói của người lính đang nằm viện : ”Thiếu Tướng đừng bỏ chúng em !”. “Không, Thiếu Tướng không bỏ đâu”. Phải, mặc dù đã đến lúc cờ tàn, ông không còn giúp đỡ gì được những anh hùng nhưng là nạn nhân của cuộc chiến nhưng tấm lòng nhân hậu của ông đã là gương sáng cho đời sau.

Gần đây tôi có đọc một lá thư của một người lính bị tàn phế gửi cho một người bạn từ Việt Nam. Bức thư có nhiều đoạn làm tôi suy nghĩ:

“… Các anh ạ! Bây giờ thì buồn quá! Các anh - những sĩ quan QLVNCH, những người anh của chúng tôi, những Đại Bàng, những Bắc Đẩu, Hắc Báo của ngày nào một thời tung hoành ngang dọc khắp các chiến trường... các anh đã có một thời quang vinh và một thời nhục nhã, giờ đây sau 30 năm vẫn lặng lẽ, các anh cũng nhòa đi hình ảnh của ngày xưa?

Các anh đã quên rồi sao? Quên rồi những chiến sĩ thuộc quyền của các anh đã nằm xuống vĩnh viễn trên đất mẹ thiêng liêng quên những đồng đội còn sống sót trong một tấm thân tật nguyền đau khổ, sống lây lất ở đầu đường xó chợ. Xin cảm ơn các anh về những đồng đô la mà các anh gửi về cho chúng tôi trong chương trình giúp đỡ thương phế binh QLVNCH. Những đồng tiền đó dù có giúp cho chúng tôi trong một thời gian ngắn, dù có an ủi cho những đớn đau vật chất được đôi phần nhưng cũng không làm sao giúp chúng tôi quên nỗi nhục nhã mất nước! Chúng tôi cần ở các anh những chuyện khác, các anh có thấu hiểu cho chúng tôi hay không? Tôi đã hiểu vì sao thằng khuân vác ở xóm trên, thằng vá xe đạp ở đầu đường, thằng chống nạng đi bán vé số ở cạnh nhà lại ghét cay ghét đắng đám Việt kiều. Họ là những người lính năm xưa, họ đã từng tuân lệnh những Đại Bàng, Thần Hổ xông pha nơi trận mạc. Họ đã từng chắt chiu từng đồng bạc nghĩa tình chung thủy gửi vào tận chốn tù đày thăm các anh. Họ đã từng uống với các anh chung rượu ân tình ngày đưa các anh lên phi cơ về vùng đất mới. Họ từng nuôi nấng một hoài vọng, một kỳ vọng ngày về vinh quang của QLVNCH.

Nhưng chính các anh đã làm họ oán ghét đến độ khinh bỉ khi các anh áo gấm về làng, chễnh chệ ngồi giữa nhà hàng khách sạn năm sao tung tiền ra để tỏ rõ một Việt Kiều yêu nước. Các anh có biết không? Từ trong sâu thẳm của cuộc đời, những người lính VNCH đang lê lết ở ngoài cửa nhà hàng mà các anh đang ăn uống vui chơi, đang nhìn các anh với ánh mắt hận thù. Hận thù lớn nhất của người lính là sự bội bạc, là sự phản bội! Không biết khi tôi kết tội các anh là phản bội có quá đáng hay không, nhưng các anh hãy tự suy nghĩ một chút sẽ thấy rõ hơn chúng tôi. Tôi không tin là tất cả các anh đã biến thái thành những tên Việt gian nhưng sự trở về như các anh trong hiện tại là đồng nghĩa với sự phản bội. Các Anh đã phản bội lại Tổ Quốc và rõ ràng nhất các anh đã phản bội lại chúng tôi…”

Đọc lá thư ấy, lòng tôi như chùng xuống. Mỗi một người đếu có hoàn cảnh cũng như cách chọn lựa riêng nhưng tôi không ngờ rằng trong sâu thẳm của những người lính cũ còn có những nỗi niềm như thế. Sự phân cách quá sâu đậm, những con sông chia cách vẫn chưa thể lấp bằng được. Ngẫm suy lại, từ một khía cạnh nhìn ngắm khác nhau, đã có những khác biệt cho từng hành động…

Tới bây giờ, với những người ở hải ngoại đã không quên các anh, những thương phế binh VNCH. Dù có một số ít vô ý thức trở về nước vui chơi trên nỗi nhọc nhằn của dân tộc nhưng phần đông đều hiểu và tri ân những người lính đã mang xương máu và thân thễ hiến dâng cho đất nước. Ở đại nhạc hôi “Cám Ơn Anh”, hàng chục ngàn khán gỉa đi xem không phải chỉ là đơn thuần mua vui mà là biểu lộ tinh thần biết ơn đối với người lính VNCH. Dù số tiền thu được lên tới cả triệu đô-la nhưng cũng không đủ cho nhu cầu của hàng chục ngàn người lính tàn phế cần giúp đỡ. Nhưng của ít tình nhiều, điều đó mới là đáng quý. Cũng như, với sự tham dự của cả hơn một trăm ca nhạc nghệ sỹ, cùng với cả trăm người thiện nguyện bỏ công sức và cả tiền của cá nhân, thì đó phải hiểu là một thành quả to lớn ở hải ngoại của những người dân luôn luôn tương trợ giúp đỡ nhau. Cám ơn anh! Những thương phế binh đã hiến dâng đời mình cho đất nước…

Nguyễn Mạnh Trinh

Friday, August 6, 2010

Thấm Nghiã Ân Tình ( Một câu chuyện có thật và cảm động)

Cô Đức An, vai đeo túi đựng hũ tro cốt của chồng, ôm con trai cả từ giã trước khi lên đường sang Hoa Kỳ định cư – ảnh tài liệu gia đình.
(Thương tặng cô An và kính gửi hương hồn chú…)
Tôi quen cô Đức An từ vài ba năm nay, nhưng đến khi biết rằng ông xã cô đã qua đời từ rất lâu, mà cô vẫn ở vậy với các con, thì tôi ngạc nhiên lắm, bởi vì cô An là một người phụ nữ rất có duyên, dễ thương, lại dịu dàng nữa... thì chắc chắn là phải có nhiều ông theo lắm. Tò mò, tôi hỏi cô lý do nào mà cô vẫn ở vậy từ sau đám tang của chú. Và câu chuyện bắt đầu...

Ngày ấy...

Cô thợ may hiền dịu, khéo léo bước về nhà chồng năm 21 tuổi, nhưng chuyện tình của cô chú không suôn sẻ như một giấc mơ. Quê cô ở Di Linh, Bảo Lộc, còn chú ở Sài Gòn. Hai người do duyên nợ mà gặp gỡ, rồi thương nhau. Cô còn nhớ rất nhiều lần, cô hỏi chú: “Sài Gòn thiếu gì cô đẹp, sao anh không chọn, mà lại lên đây tìm em?”, thì chú đều nhỏ nhẹ đáp: “Tìm sắc thì nhiều, nhưng tìm hương thì khó; em là hương, mà là hương trầm quý nữa chứ, nên anh mới phải mất công lặn lội tìm cho ra…”. Và trăm lần như một, cô gái Đức An đều e thẹn, cúi đầu, che giấu nụ cười hạnh phúc.

Gia đình cô đạo Phật, còn bên chú thì lại là tín đồ Thiên chúa giáo. Cuộc hôn nhân lúc đầu tưởng đã không thành, vì Ba Mẹ chú phản đối dữ quá, nhưng cuối cùng nhờ lòng kiên trì “năn nỉ” của chú, cộng thêm lời “nói giúp” của Cha Tổng Giám mục mà Ba Mẹ chú mới xiêu lòng. Thế nhưng ngày đám cưới, cô chỉ làm phép hôn phối, chứ không làm phép chuẩn. Tuy không ở chung với gia đình chồng, nhưng mỗi dịp đám giỗ, ngày lễ, Tết... là cả một cực hình với cô. Bà con trong dòng họ, chị em chồng..., ai ai cũng dòm ngó cô, rồi kiếm chuyện nói gần nói xa... về sự khác biệt tôn giáo. Cứ mỗi lần gặp nhà chồng, là tối về cô đều khóc. Thế là ông xã lại phải năn nỉ, dỗ dành cô. Mấy mươi năm chung sống, chú chưa hề một lần nhắc nhở gì về tôn giáo, Chủ Nhật nào chú cũng đi nhà thờ... một mình, còn hôm nào Chùa có lễ thì chú chở cô đi, chiều đến đón cô về.... Chồng làm công chức, vợ ở nhà may đồ, cuộc đời tưởng thế cũng ấm êm, nào ngờ...

Năm 1965, có lệnh Tổng động viên. Chú đi quân dịch với chức vụ sĩ quan. Mỗi tháng cô đều đến quân trường Thủ Đức thăm chú. Sau khi sanh đứa con đầu lòng, thì cô chú dọn về Sài Gòn ở luôn. Đầu năm 1975 chú mang lon Thiếu tá, và được bổ nhiệm về làm ở Trung tâm Tuyển mộ Nhập ngũ, là nơi “béo bở” mà nhiều người mơ ước. Thời đó, ai ai cũng không muốn con cháu mình đi quân dịch, nên ngày nào đi làm về, chú cũng kể cho cô nghe, có bao nhiêu người đến gặp và hối lộ chú, để xin cho con em mình được miễn quân dịch. Nhưng với bản tánh thanh liêm, chú đều thẳng thừng từ chối. Chú thường bảo với cô: “Mình tuy nghèo, nhưng ráng ăn ở hiền lành, lương thiện, mai này để đức cho con…”.

Cô bùi ngùi kể: “Nói có lẽ không ai tin, nhưng lúc đó nhà cô chú nghèo lắm. Sáng chú ăn cơm cô nấu, đến trưa chú nhịn đói chỉ uống nước trà; chiều nào về chú cũng bủn rủn tay chân vì đói quá, nằm xoài ra chờ cô nấu cơm là vội vã ăn ngay. Con có tin là có ông Thiếu tá nào mà nghèo đến vậy không ?”.

Rồi biến cố tháng 4-75 xảy đến. Chú phải vào trại tù cải tạo, còn cô thì bị buộc gia nhập tổ hợp may nhà nước. Đồng lương không đủ sống để nuôi 4 đứa con nhỏ và cái bào thai trong bụng, cô xoay qua làm đủ mọi nghề lương thiện để mong đắp đổi qua ngày. Nhưng được cái là tính cô cứng cỏi lắm. Cứ mỗi lần sắp khóc là cô ráng nuốt nước mắt ngược vào trong, để các con đừng nhìn thấy....

Buồn nhất là lần đầu tiên cô gặp chú ở trại tù cải tạo. Chú hỏi: “Em có thai chưa?”, cô gật đầu. Chú căn dặn: “Không hiểu sao anh có linh tính con mình lần này sẽ là trai, mà nếu đúng vậy, em nhớ đặt tên con là Tuấn Nghĩa nhe em…”. Không đợi cô nói gì, chú tiếp: “Anh muốn con mình tên Nghĩa, bởi vì những ngày qua, nằm một mình trong tù, anh mới thật sự hiểu rằng, vợ chồng sống cả đời với nhau, không chỉ bằng cái tình, mà còn vì cái nghĩa. Cám ơn em thật nhiều…”. Và đó là lần đầu tiên cô An đã khóc trước mặt chồng. Và quả nhiên, đứa con trai ra đời sau đó đã mang cái tên Tuấn Nghĩa...

Cô kể với giọng ngậm ngùi: “Lần nào chuẩn bị vô thăm nuôi chú, là cô vét sạch tiền trong nhà, chỉ đủ mua 800 gam thịt. Năm mẹ con ăn chung 200 gam, để dành 600 gam làm đồ kho mang vô cho chú ăn dần”. Cứ mỗi lần đi thăm chú, cô ngồi ráng tìm chuyện vui để kể chú nghe, mong chú lên tinh thần mà sống còn. Trong khi cô vừa kể mà cứ ngồi nhìn lên trần nhà, để nuốt thầm những giọt nước mắt cứ chực ứa ra. Cô nói đùa với chồng: “Nếu ngày xưa, anh ráng để dành ‘Đức Thánh Trần’, thì bây giờ anh đã có thịt mà ăn; còn bây giờ mình để đức cho con, thì thôi anh ráng muối mè với đậu vậy...”. Thế là hai vợ chồng cùng cười, nửa buồn nửa tủi...

Có một kỷ niệm buồn cô còn nhớ mãi. Cái gọi là “nhà” của cô lúc đó chỉ là 4 tấm vách bằng ván thùng ghép lại, trên đầu là tấm tôn nóng hừng hực. Bốn góc là bốn cây cột để chống giữ. Tối nào cô cũng lãnh đồ về may đến 3 giờ sáng, thì khuya hôm đó không hiểu sao, một cái cột nhà sập xuống, suýt đè chết 5 mẹ con cô. Cô may mắn kéo kịp các con ra ngoài thoát chết, rồi mẹ con cô cứ thế ôm nhau mà khóc tức tưởi, khóc bù cho tất cả những đau khổ, uất ức cố dồn nén từ những năm tháng qua. Cũng may, có ông anh họ thấy vậy thương, bán chịu cho cô một con heo. Nhà thì nghèo rớt mồng tơi, không có gì cho heo ăn cả, chỉ cho nó uống nước, vậy mà nó lớn nhanh như thổi. Bán con heo, trả tiền vốn cho ông anh họ, dư chút tiền cô mới sửa lại cái cột nhà...

Năm 1980, chú được thả về. Cô mở tiệm may nho nhỏ, chồng con phụ giúp một tay, nhưng được cái là cô may rất khéo tay, nên khách đến đông lắm, nhờ vậy mà cuộc sống gia đình 7 miệng ăn cũng lây lất qua ngày. Thời gian này cô chú nộp hồ sơ xin đi theo diện HO. Đó là cái mơ ước lớn nhất trong đời của chú. Cô kể: “Tập hồ sơ HO. chú cất kỹ lắm, quý như vàng vậy; đi đâu về nhà là chú lật đật chạy lại chỗ chú cất xem ‘nó’ còn không. Chú thường bảo: ‘Chỉ mong 5 đứa con mình được ra ngoại quốc cho có tương lai. Cả đời mình lương thiện, nên anh tin rằng các con mình sẽ được hưởng phước đức...’”.

Thế mà thật không may, chú mắc phải chứng bệnh ung thư tuyến giáp trạng và mất vào đầu năm 1995. Những tháng ngày hấp hối trên giường bệnh, chú cứ ôm khư khư tập hồ sơ, lầm rầm cầu nguyện Đức Chúa. Lúc này cô cũng không muốn đi cho lắm, vì cô con gái lớn đã có chồng, nên không đi theo được; mà cô thì chỉ muốn các con ở đâu, mẹ ở đó, sướng khổ có nhau. Chú thì lại không đồng ý. Chú bảo: “Con Hai có chồng thì không đi, nhưng còn 4 đứa kia, em phải nghĩ đến tương lai của tụi nó chứ. Em hứa với anh nhe, nếu anh có bề gì, thì em phải đi qua Mỹ với các con, em hứa đi...”. Và cô đã hứa...

Ngày được gọi phỏng vấn, cô và các con vẫn còn quấn vành khăn tang trắng. Vì người đứng tên hồ sơ là chú, nay vừa mất, nên hồ sơ bị hoãn lại. Ai ai cũng bảo là cô sẽ không đi được. Nhưng lúc này đầu óc cô rối bời, chỉ lo làm đám thất cho chồng, chứ không còn nghĩ đến việc gì khác nữa. Cô phó thác mọi việc cho Trời. Trước hôm vào phỏng vấn, cô vừa khóc vừa khấn trước bàn thờ chồng: “Anh có linh thiêng thì về phù hộ mẹ con em cho qua được ‘cửa ải’ này...”.

Cuộc phỏng vấn kéo dài rất lâu, ông người Mỹ bảo rằng, vì chú mất nên hồ sơ phải hủy bỏ, và như vậy thì cô và các con không đi được. Giây phút đó, cô ngồi nhớ những lời chú căn dặn, và tự nói thầm với chú: “Em đã làm hết tất cả sức mình theo lời anh, nhưng được hay không thì không phải do em quyết định; nếu anh muốn các con mình có tương lai, thì anh về phù hộ cho tụi nó...”. Bỗng dưng cô nghe lạnh sau ót, rồi đến hai bàn tay, và đột nhiên cái ông người Mỹ lúc nãy trở ra, nhìn thẳng vào mặt cô, cười và tuyên bố: “Thôi, chúng tôi cho gia đình bà sang Mỹ vì lý do nhân đạo vậy”.

Cô sững sờ, không tin đó là sự thật, và mãi cho đến giờ phút này, cô vẫn luôn luôn tin tưởng là linh hồn chú luôn luôn che chở cho cô và các con. Ngày tiễn cô ra phi trường, cô con gái và cậu con trai khóc sướt mướt, còn cô thì vai đeo hũ tro cốt của chú, hai tay cứ ôm ghì lấy hai con mà khóc. Cô con gái có chồng nên ở lại, cậu con trai cả thì vào đại học nên phải cắt hộ khẩu, nên cũng không được đi...

Cô và ba con qua Mỹ năm 1995. Tám tháng đầu cô được lãnh trợ cấp HO., rồi sau đó cô ở nhà may đồ. Lúc đó nghèo quá làm gì mà có tiền mua máy may, cô lại khóc trước bàn thờ chú. Và hôm sau tự nhiên có cô bạn quen người Hoa, lúc vài tháng trước làm chung với cô ở hãng may, gặp lại cô và cho cô mượn tiền mua hai cái máy may để nhận đồ về nhà may. Rồi người ân nhân này lại còn sốt sắng tìm mối giao cho cô may.

Sáng các con đi học, cô ở nhà miệt mài may. Chiều tối về là bốn mẹ con cùng ngồi may cho đến 3 giờ sáng. Chắt chiu dành dụm, cô mới đủ tiền trả cho người ân nhân, rồi mua chiếc xe cũ để đi nhận và giao hàng...

Bây giờ...

Cô con gái cùng chồng con đã được cô bảo lãnh qua Mỹ năm 2009. Cả cậu con trai ngày xưa cũng vậy. Giờ thì cô An sống vui tuổi già với con cháu. Cô tham gia Hội Phụ nữ, may áo dài cho hội đoàn, tiếng lành đồn xa, ai ai cũng khen cô khéo tay, áo cô may nguời ốm mặc sẽ thấy đầy đặn hơn, còn ai hơi mũm mĩm thì sẽ trông thon thả bớt. Cứ thế mà cô chưa hề tốn tiền quảng cáo ngày nào, mà khách hàng cứ đến nườm nượp, may không kịp. Rồi đến các chùa nhờ cô may áo tràng cho Phật tử, các hội đoàn đặt may đồng phục. Cô may chỉ lấy công làm lời, vì may, thật sự là một niềm vui của cô.

Tuy có hơi lớn tuổi, và đã vài lần cô có ý định về hưu, nhưng bạn bè cứ tìm đến, năn nỉ cô may áo, và cô không từ chối được. Cô bảo đó là cái nghiệp. Nghiệp “may” gắn bó với cô suốt cả cuộc đời. Có những người bạn ra đi, cô An đều may tặng chiếc áo liệm trắng, như một kỷ vật cuối cùng cho bạn. Tình cảm thương yêu của cô dành cho mọi nguời thật sự là một cái “đức” mà cô đã, đang và vẫn luôn luôn để dành cho con cháu...

Ngồi ôn lại quãng đời qua, cô tin rằng cô chú đã làm đúng khi chọn “để đức cho con”, bởi vì các con cô, có lẽ nhờ đức thanh liêm của chú, mà bây giờ đứa nào cũng nên người, thành tài hết cả.

Niềm vui của cô bây giờ là làm việc thiện. Cô thường đến khu nhà người già, chăm sóc, nói chuyện, an ủi họ, như một cách để cô báo hiếu cho Mẹ cô. Cô kể tôi nghe rằng, khi cô qua Mỹ chưa đầy một năm, thì mẹ cô mất ở

Việt Nam vì bệnh gan. Khi đó cô chưa có thẻ xanh, nên không về được. Cô chạy vạy, hỏi thăm hết người này người nọ để xin Re-entry permit, chỉ mong được nhìn thấy mặt mẹ lần cuối. Ngày cô rời Việt Nam , Mẹ cô đã già yếu lắm rồi, nhưng bà ráng cười cho con cháu vui mà lên đường, bà còn dặn cô là nhớ về thăm mẹ. Và cô đã hứa là “con sẽ về gặp mẹ ngay sau khi con có thẻ xanh”. Thế mà đau đớn thay, khi có được thẻ re-entry permit, cô về thì... chỉ kịp làm cái thất thứ ba cho mẹ. Bởi vậy mà dường như cô có duyên với các bà cụ già, lụm cụm. Cô hay vào thăm nuôi các bà lão không còn ăn uống được, cứ nằm một chỗ. Cô ngồi kế bên đút thức ăn cho các cụ, vừa kể chuyện đời, chuyện vui cho các cụ. Có lần cô kể về Mẹ cô, bà lão người Mỹ hơn 80 tuổi, nằm trên giường, khóc rưng rức. Bà bảo cô: “Tôi không ngờ người Việt Nam lại có trái tim đầy tình thương như thế...”.
Trông cô vẫn đẹp, vẫn duyên dáng, nên có nhiều người muốn tiến tới với cô, nhưng cô An thì vẫn luôn luôn nhớ về nguời chồng quá cố, về cái nghĩa cái tình ngày xưa, nên cô chưa gật đầu với ai bao giờ. Thấy tôi nhìn chiếc nhẫn lúc nào cũng vẫn còn trên ngón tay cô, cô An cười giải thích: “Thì cô đeo vậy mà, để mấy ông đừng theo. Ông xã cô mất đã lâu rồi, nhưng cái nghĩa vợ chồng gần 40 năm, làm sao mà quên cho được...”.
Cô An có vẻ hơi mắc cỡ khi đưa tôi xem một bài thơ mà cô đã chép ở đâu đó , khi xưa cô đã đem vào trại cải tạo tặng chú. Tôi hỏi: “Thơ tình hở cô?”.
“Bậy nè, bài thơ này cô chép đem vô tặng chú, để chú lên tinh thần đó mà, vậy mà chú giữ kỹ lắm nhe, ngày mới ra tù là chú đưa khoe liền với cô đó, đọc đi con...”.

Tôi mở tờ giấy xếp tư ra, lòng chùng hẳn lại khi nhìn nét chữ ngoằn nghèo, run run:

... Gia tài em chỉ có bàn tay,
Em trao tặng cho anh từ ngày ấy
Những năm tháng cần lao anh đã thấy
Những gian khổ nhọc nhằn bên chiếc bàn may ...
Anh nghĩ gì khi nhìn xuống bàn tay
Bàn tay em ngón chẳng thon dài
Vết chai cũ, đường gân xanh vất vả...
Khi vắng anh, bàn tay em biết nhớ
Lấy thời gian may chiếc áo mong chờ
Những chiếc áo dài em gửi gấm vần thơ
Để thấy được chúng mình không cách trở ...
Bàn tay em - gia tài bé nhỏ
Em trao anh cùng với cuộc đời em...
Đức An

Rồi cô lại đưa tôi xem một lá thư mà chú đã viết gửi cô trong thời gian chú ở trong tù. Tôi ngạc nhiên vì sao mà cô có thể còn giữ kỹ đến giờ này. Lá thư gần như mục ra, nét chữ nhoè hẳn đi, tôi đeo kính mà vẫn còn đọc chữ được chữ mất, thế mà cô An thì không cần nhìn vẫn có thể đọc thuộc lòng:
... “An thương,
Bao tháng ngày dài đằng đẳng ở trong tù, anh mới hiểu rằng anh là người đàn ông hạnh phúc nhất trên đời. Bạn bè trong trại, lần lượt đứa nào rồi thì vợ cũng chia tay sang thuyền với người khác. Kiếp tù đày, biết thưở nào ra, thế mà anh có phước vô cùng, khi đã có được một người vợ hiền, chung thủy và đảm đang là em. Chỉ với hai bàn tay bé nhỏ, gầy guộc, mà em đã luôn luôn cặm cụi bên chiếc bàn máy may, kiếm từng đồng tiền nuôi chồng, nuôi con.
Cám ơn em, đã giúp anh thật sự ‘thấm’ được thế nào là tình nghĩa vợ chồng...”.

Đọc xong lá thư rồi mà cô An vẫn ngồi đó, bất động, mắt nhìn xa xăm. Tôi tôn trọng giây phút ấy, nên không dám hỏi cô điều gì nữa cả. Có lẽ đó là phút giây hạnh phúc nhất mà cô tìm gặp linh hồn của chú, để nói với chú rằng: “Anh có thấy không, bao nhiêu năm đã trôi qua, nhưng cái nghĩa tình của chúng ta vẫn luôn luôn còn mãi...”.
Phải, vợ chồng đến với nhau thường bắt đầu vì tình yêu, nhưng để có thể sống với nhau cả đời, thì lại cần cái Tình, cái Nghĩa...

Tuesday, August 3, 2010

MỘT CÂU CHUYỆN THẬTCẢM ĐỘNG,

CHỈ CÓ Ở CHẾ ĐỘ NHÂN BẢN.

Xin mời xem video clip này, chuyên một cựu quân nhân Mỹ, cách đây mấy chục năm, trong trận chiến đã bắn chết một chiến binh VC và lục soát trong túi áo của người chết naỳ thì thấy có một tấm hình chụp anh với con gai của anh ta. Ngay nay, người cựu chiến binh Mỹ nay đã, sau bao năm, tìm được người con gái đó đã trở lai VN và đưa cho cô gáí, đứa con gái trong hình, tấm hinh cuả cha cô. Cô gái đã được báo trước nhiều ngày, hai người ̣gặp nhau, không cùng chung ngôn ngữ, một người là con gái cuả kẻ thù, người kia là kẻ thù đã giết cha cô gái. Họ không nói một câu chỉ diễn đạt bằng những giọt nước mắt với vòng tay ôm đã làm cho người xem khó ngăn được xúc đông khóc theo. Người lính Mỹ bao năm đã xem người con gái trong ảnh như con mình, và cô gái khi gặp lại người giết cha cô đã không thấy hận thù vì trong sâu tim óc cô đã tìm thấy nơi người lính Mỹ tấm lòng nguời cha...(lời dẫn giải từ một e-mail Cam Hoan Nguyen >camhoan@yahoo.com

Sunday, August 1, 2010