Friday, May 15, 2009


Con bướm đen
và 12 nấm mộ vô danh
Monday, January 05, 2009

Chúng tôi vừa được lá thư của anh Nguyễn Quang Thành (Westminster, California) báo tin người anh ruột là Thiếu tá Nguyễn Quang Khóa, phi công khu trục, tù nhân tập trung sau ngày mất Ðà Nẵng đã chết tại trại Kỳ sơn Số 3, Tam Kỳ, Quảng Nam. Anh Nguyễn Quang Thành đã tìm ra nơi chôn Thiếu tá Nguyễn Quang Khóa nhưng không biết đích xác ngôi mộ nào vì ngôi mộ này nằm chung cùng với 11 nấm mộ vô danh khác.
.
Chúng tôi xin gởi đến quý độc giả và các chiến hữu bài viết của anh Nguyễn Quang Thành về cựu phi công VNCH Nguyễn Quang Khóa với lời kêu gọi thân nhân gia đình các tử sĩ đã chết trong trại tù này với các lý do bị tử hình, hay bệnh tật... mà chưa tìm ra mộ chôn, xin liên lạc qua số điện thoại (714) 829-8264 để cùng nhau tìm cách đưa hài cốt các anh về với gia đình. (Huy Phương)
Nguyễn Quang Thành.

Chân thành cám ơn anh Phan Trừng, nguyên Trung tá phi công khu trục, bạn học cùng khóa 61/A của anh tôi, người đã gợi ý cho tôi viết bài này để tìm kiếm nấm mộ thật của anh.
.
Gia đình tôi ít anh em. Không phải do ba mẹ tôi hiếm muộn mà do thời gian ba tôi ở Pháp khá lâu. Hơn mười năm từ khi mẹ tôi sinh ra anh, hai ông bà mới gặp lại nhau, nên tôi kém anh một con giáp. Mặc dù khoảng cách tuổi tác sai biệt khá nhiều, nhưng anh em tôi đều có điểm tương đồng là cùng yêu thích toán học, nhưng lại đam mê văn chương và ôm mộng viễn du. Vì thế mà chúng tôi đều học ban khoa học Toán và đăng ký gia nhập quân đội sau khi đậu tú tài toàn phần.
.
Mùa Hè 1960, anh tôi nhập học khóa 61/A SVSQ-KQ. Khoảng tháng sau lại có giấy báo nhập học ban Toán của trường ÐHSP gửi về nhà, ba tôi mở ra, đọc đi đọc lại nhiều lần, mặt đăm chiêu, ra chiều nghĩ ngợi nhiều lắm.
.Mười năm sau, tôi cũng vừa thi vào ÐHSP đồng thời làm đơn xin gia nhập trường Võ Bị Ðà Lạt để được sống và học tập trong khung cảnh hào hùng và thơ mộng của vùng đất cao nguyên mà tôi đã bị quyến rũ trước đây qua bài Ai Lên Xứ Hoa Ðào của nhạc sĩ Hoàng Nguyên và một số hình ảnh của người SVSQÐL trong đoạn phim giới thiệu về trường VBQG Ðà Lạt đã chiếu tại trường vào dịp cuối năm lớp Ðệ nhất (12) trường Quốc Học Huế.
.
Tôi đã trúng tuyển vào trường ÐHSP nhưng không thấy giấy báo nhập học trường VBQGÐL gửi về nhà. Vì thế, sau này tôi đã trở thành một giáo sư ban Khoa học tại một trường nữ trung học đúng theo ý nguyện của ba mẹ tôi, nhưng không bao giờ quên hình ảnh hào hùng và lịch lãm của một người trai thế hệ mà mình thường mơ ước.
.
.Sau khi học ÐHSP được vài tháng, nhân một buổi ăn tối của gia đình, ba tôi mới ôn tồn cho tôi biết là ông đã nhận được giấy báo của trường VBQGÐL gửi về nhà cho tôi, nhưng không cho tôi biết, vì anh tôi đã là pilote de guerre (ba tôi mắc bệnh nói nửa Việt nửa Pháp như ông thường viết các đơn thuốc cho bệnh nhân) vào sinh ra tử trên bốn vùng chiến thuật. Anh tôi du học tại Hoa Kỳ năm 1961. Gia đình tôi đều đặn nhận được thư từ và hình ảnh của anh tôi chụp tại các trường huấn luyện phi công, luôn luôn kèm bên chiếc phi cơ đã bay hoặc các hình ảnh chụp tại các tiểu bang đã đi qua nhân dịp cuối tuần hoặc các dịp lễ lạt. Tôi ước mơ một ngày nào đó mình cũng được như vậy. Ngoài thư từ gửi cho gia đình, anh còn gửi cho chị M.T., sinh viên trường Cán Sự Y Tế, con gái của một người bạn của ba tôi mà ba tôi đã chấm theo tiêu chuẩn: công dung ngôn hạnh cho anh trong lúc anh chưa một lần gặp gỡ. Nhiều lần tôi cảm thấy xót xa cho chị khi chị đưa lá thư anh gửi cho tôi xem:

Người ơi, gặp gỡ làm chi
Trăm năm biết có duyên gì hay chăng
.
Năm 1963, anh về nước. Hai câu thơ trên trích trong tập truyện Kiều của cụ Nguyễn Du mà anh đã lồng vào trong bức thư gửi cho chị như một định mệnh đã an bài. Ba tôi đã phải nói lời xin lỗi với cha mẹ chị, vì việc đi hỏi chị là do ba tôi đơn phương quyết định. Dĩ nhiên, anh tôi từ đó không về nhà, cứ ở mãi Sài gòn. Lúc đầu, anh ở Liên phi đoàn 33 Vận tải tại căn cứ Tân sơn nhất, sau đó chuyển qua khu trục ở phi đoàn 516 tại căn cứ Biên Hòa. Bộ áo bay của anh tôi màu đen với khăn choàng cổ màu tím, tôi thường thấy anh tôi mặc trong những phi vụ đặc biệt. Tự nhiên tôi có sự liên tưởng giữa hai hình ảnh này: tuy hai mà một, tuy một mà hai.
.
Thời gian dần trôi, tình hình chiến sự ngày càng ác liệt, anh tôi được điều động ra căn cứ Ðà Nẵng. Ác liệt nhất là trận đánh Tết Mậu Thân 1968 và sau đó là Mùa Hè Ðỏ Lửa 1972. Chiếc phản lực cơ A37 bị bắn rơi trên bầu trời Cổ Thành Quảng Trị, anh nhảy dù thoát hiểm và may mắn được một trực thăng cứu thoát, đưa về căn cứ Ðà Nẵng an toàn. Năm đó, tôi đang học năm thứ hai. Vừa ra khỏi giảng đường, một con bướm đen to bằng bàn tay bay lởn vởn và đậu trên vai tôi vài tic tắc rồi biến mất. Sau đó tôi gặp một thiếu úy phi công trực thăng đến trường tìm một người bạn trai, vô tình kể lại chuyện anh ta vừa cứu thoát một thiếu tá phi công A37 bị bắn rơi tại Quảng trị, tôi nghe chuyện và hỏi tên của người phi công bị nạn, thì ra người phi công khu truc đó chính là anh tôi. Sau này, trong tập san Lý Tưởng của binh chủng không quân có đăng bài “Cánh Thiên Thần Trên Bầu Trời Trời Cỗ Thành Quảng Trị” của ký giả L.R. viết về anh lúc cánh dù nở ra từ chiếc chiến đấu cơ lâm nạn trên vùng trời lửa đạn.
.
Bạn bè cùng khóa 61A và các khóa sau đã có một số người ra đi ra không bao giờ trở lại, như tráng sĩ Kinh Kha qua sông Dịch không hẹn ngày về. Chiến tranh đồng nghĩa với mất mát, đau thương, cô đơn, giá lạnh.
.
Một biến cố khó quên đối với gia đình tôi xảy ra vào ngày 29/3/1975 sau khi tôi nhận bằng tốt nghiệp và sự vụ lệnh bổ nhiệm làm giáo sư tại trường trung học được vài tháng thì Ðà Nẵng ngày hôm ấy đang trong cơn hấp hối. Tình hình chiến sự vô cùng căng thẳng. Anh tôi một mình lái xe jeep ra nhà, hối hả chở cha mẹ tôi vào phi trường Ðà Nẵng, còn tôi không liên lạc được phải chạy một mình ra cảng Tiên Sa để mong thoát thân bằng đường biển. Vừa đến cảng thì bị pháo kích cấp tập, tôi chỉ kịp nằm bẹp xuống một mương nước, còn chiếc valy trong tay rơi vào lúc nào, ở đâu thì không còn biết nữa. Một quả đạn pháo kích rơi ngay trước mặt tôi chừng mươi thước, đúng lúc một chiếc xe jeep trờ tới. Mọi người trên xe bị hất tung lên và trở thành tro bụi trong phút chốc.

Quá hoảng sợ, tôi chạy lùi theo một số người tìm đường ra biển Sơn Trà. Một vài chiếc phi cơ bay vút qua, hướng về biển Ðông. Tôi ngửa mặt lên trời, ước gì ở trên trời cao có anh tôi thấy, để cứu vớt tôi. Thế nhưng, tất cả đều đã bay xa cho đến khi chỉ còn là vài chấm đen trên nền trời ảm đạm. Lúc đó tôi đã ra đến bờ biển Sơn Trà và gặp được một chiếc tàu đánh cá đang đậu cách bờ chừng vài trăm thước. Mừng quá, tôi cởi vội quần áo và lao nhanh xuống biển. Lúc tay tôi chạm vào mạn tàu thì cũng là lúc trên bờ xuất hiện một số người có vũ khí cầm tay, ra hiệu cho tàu vào bờ. Một số người trên tàu vội vã kéo tôi lên đồng thời tàu nổ máy chạy thẳng ra khơi. Nhóm người võ trang nhắm thẳng vào tàu bắn liên tục, nhưng chỉ làm bị thương một người trên tàu, còn lại đều vô sự. Một tiếng sau, tàu này được tàu HQ VNCH cứu vớt và sau đó chuyển lên một chiếc tàu của HQ Hoa Kỳ.
.
Trên boong tàu, tôi hướng mắt nhìn vào phía đất liền. Mịt mù trùng khơi. Biển vây kín biển cả. Tiếng sóng vỗ ào ào. Tàu lắc lư chao đảo. Tôi ngửa mặt lên trời, tự nhủ: có phải đây là giờ phút vĩnh biệt của anh em tôi? Ðột nhiên bầu trời trở nên u ám, vài hạt mưa đã rơi nhanh xuống sàn tàu.
.
Sau này, được một người quen cho biết: vào khuya 29/3/1975 anh tôi đã lên được một chiếc A37 nhưng chiếc này đã bị phá hủy. Bay không được, nên phải ở lại, trở thành tù binh tại trại tù số 3 Kỳ Sơn, Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Hơn một năm sau, trong lúc gia đình tôi đang ăn cơm trưa, bỗng nhiên có một con bướm đen to bằng bàn tay, bay vòng vòng trong phòng và đậu lên vai từng người rồi cuối cùng đậu ngay chính giữa bàn thờ của gia đình. Năm phút sau, có người đến nhà báo tin là anh tôi đã chết trong trại tù. Mọi người đều sửng sốt, nhưng không dám bật thành tiếng khóc. Ðến khi bình tĩnh lại, nhìn về phía bàn thờ thì con bướm đen cũng đã vỗ cánh bay ra khỏi nhà. Ðêm hôm đó, tôi nằm mơ thấy anh tôi mặc bộ áo bay màu đen với khăn quàng màu tím, đang lái chiếc xe jeep về nhà nhưng máu đã đẫm ướt phi bào..
.
Hai mươi năm sau, một mình tôi trở lại vùng rừng thiêng nước độc, nơi mà anh tôi đã bị lưu đày, khổ nhục. Trại tù giờ đây chỉ là một vùng lau lách và đầy cỏ dại, rất khó xác định. Nghĩ mình đã vượt núi, băng rừng, lội qua nhiều con suối trong mùa nước lũ, chẳng lẽ bó tay trở về. Trời đã nhá nhem tối, tôi thì thầm khấn nguyện anh tôi. Bỗng nhiên, từ đâu một con bướm đen to bằng bàn tay, bay đến trước mặt tôi, như có ý dẫn đường. Tôi tiếp tục khấn nguyện. Con bướm đen bay vòng vòng, tôi chạy theo và bị té sấp vào một bờ đất. Sau phút hoảng hốt, tôi lồm cồm bò dậy và nhận ra một số nấm mộ nho nhỏ nằm khuất dưới đám cỏ dại. Tất cả gồm 12 nấm mồ vô chủ. Hỏi người địa phương, họ bảo đó là mộ của số tù binh đã chết tại trại 3 Kỳ Sơn. Tôi vội vàng hốt 12 nắm đất bỏ vào 12 bao nilon nhỏ, đánh số thứ tự và cất cẩn thận vào túi xách rồi đi bộ đến nhà dân xin tạm trú qua đêm. Sáng hôm sau lại vội vã về Tam Kỳ, tìm đến nhà một thầy ngoại cảm. Thầy cho biết anh tôi nằm ở nấm mộ số 3. Tôi quay lại đặt bia ghi nhớ. Sau này cháu tôi tưởng đó là nấm mộ thật của ba cháu, nên đã xây cất và dựng lại bia mộ, đồng thời chụp ảnh để ghi nhớ và không quên xây thêm 11 ngôi mộ còn lại.
.
Cho đến nay, mặc dù đã định cư trên đất Hoa Kỳ, nhưng tôi vẫn mong một ngày nào đó trở về Việt nam để tìm ra nấm mộ chính xác của anh tôi bằng phương pháp khoa học, để đưa nấm tro tàn của anh tôi sang Hoa Kỳ, và hương linh anh tôi hưởng được một không gian tự do, no ấm, nhân bản và đầy ánh sáng văn minh nhân loại như trước đây anh đã từng du học.
.
Di ảnh của anh, tôi đã đưa vào thờ tại chùa Huệ Quang, góc Westminster- Euclid thuộc thành phố Westminster. Mã số di ảnh là 1572.
.
Mơ ước trên đây của tôi cũng không dễ dàng thực hiện, nếu không có sự hợp tác của thân nhân 11 nấm mộ khác cũng như sự giúp đỡ của quí bạn đồng khóa 61 A của anh tôi, hội không quân và quí tổ chức nhân đạo khác. Tôi hằng khấn nguyện linh hồn các người tù oan khuất này chỉ đường dẫn lối để những người thân yêu của các anh có thể có cơ hội đem hài cốt các anh về.

No comments:

Post a Comment