Wednesday, November 28, 2012

Bài mới : >>  Bấm ở đây :

Câu chuyện đồng-nghiệp y khoa.

  Hồi ký của một từ binh đi "học tập cải tạo"


                                                Phương Vũ  VÕ TAM ANH 

    Một bác-sĩ cách-mạng từ Bắc vào, hăm-hở đến tiếp-thu bệnh-viện Vĩnh-long sau ngày 30 tháng Tư năm 1975 đã thốt ra câu nói đầu tiên với chúng tôi :
"Các anh là kẽ thù của nhân-dân, đáng tội chết..."

Tuy mới mấy ngày sau khi "giải-phóng" nhưng tai chúng tôi cũng đã quen với câu nói đó, chỉ có khác là lần này được phát ra từ miệng một bác-sĩ mà chúng tôi chờ đợi để hy-vọng thấy được một nụ cười hay một chút thông-cảm trong tình đồng-nghiệp. Chẳng khác gì những cán-bộ khác, bác-sĩ cũng tuông ra câu học thuộc lòng:

"Nhưng Đảng và Nhà-nước khoan-hồng tha tội chết cho các anh..." 


May thay, chúng tôi được tha tội chết, nhưng thay vào đó, phải lảnh cái án "dở sống dở chết " kéo dài năm này qua năm nọ trong các nhà tù, nhường sự-nghiệp lại cho các đồng-nghiệp mới, huênh-hoang trong cái độc-quyền nhân-đạo với các bảng hiệu « Lương Y như Từ-mẫu » treo nhang nhản khắp xó xỉnh trong bệnh-viện.

Có lẽ Cụ Hippocrate ở dưới suối vàng cũng không khỏi phẫn-nộ khi các môn-đệ ở Miền Bắc không chịu học lời thề Cụ dạy trước khi ra trường:

"Tôi thề sẽ giúp đở các đồng- nghiệp và gia-đình họ trong cơn ngặc nghèo, tôi sẽ mất hết danh-dự và bi khinh-bỉ nếu tôi không giữ lời thề đó".

Trước mặt thì đồng-nghiệp gọi chúng tôi bằng "anh", nhưng quay lưng lại là "thằng", là "chúng nó" ngay, không hiểu là vì thói quen, vì văn-hóa, vì mặc-cảm hay vì chính-sách.
Ngày đầu tiên mới đặt chân lên đất Bắc trên con đường lưu đày, khi mà tầm mắt đang còn ngỡ-ngàng với rừng sâu núi thẳm, khi mà thể xác và tinh-thần chưa lai tỉnh qua cuộc hành trình định-mệnh kinh-hoàng, thì chúng tôi được đón tiếp vồn-vã bởi một đồng-nghiệp. Vồn-vã không phải để thăm hỏi sức khỏe hoặc để an-ủi một lời nào, mà để tịch-thu thuốc men và dung cụ y-khoa mà chúng tôi mang theo, nhất là để tò mò tìm hiểu những điều mới lạ trong cuộc sống "phồn-vinh giã-tạo" ở trong Nam.

Câu nói đầu tiên và gần như là câu chào hỏi ở cửa miệng mỗi khi gặp nhau: "Anh ăn mấy lạng ?" (gạo mỗi ngày), làm chúng tôi bở ngở không biết đâu mà trả lời. Thì ra cái quan-tâm hàng đầu của nền y-khoa miền Bắc là cái bao-tử, và xã-hội được chia ra làm nhiều loại bao-tử khác nhau tùy theo đẳng-cấp và sự trung-thành với Đảng: 120 lạng ,150 lạng, 170 lạng.... cái hàn-thử-biểu để đo vị-trí mình trong xã-hội. Kế đó là thắc mắc về những phần thit đươc bồi-dưỡng trong những ngày lể, ngày Tết… Thấy chúng tôi không ở cùng một tần-số trong cái hội-chứng đường ruột đó, bác-sĩ bèn lên mặt chỉ-đạo: "Chớ có trốn trại nghe, không thoát đâu ". Quả-nhiên lời khuyên có chấp-chứa ít nhiều tình thật đó lại là không sai. Chỉ có vài ngày sau khi đặt chân đến cái nơi núi rừng chằng chịt mang tên Sơn La đó, khi chưa xác định được vị-trí trong cái bản-đồ mênh-mông của miền Thượng-du Bắc Việt, thì một số anh em đã lần lượt trốn trại rồi lần lượt bị bắt lại để gánh chịu những hình phạt ghê gớm đang chờ sẵn. Trong số đó phải kể đến hai đồng-nghiệp, một Thiếu-tá Y-sĩ- trưởng Trung-tâm Hồi-lực ở Sài-gòn và một Y-sĩ Đại-úy Thủy-quân Lục-chiến, đã thoát khỏi lao tù vì đã trốn qua "bên kia thế -giới" sau khi không thành-công trong cuộc tổ-chức trốn qua "bên kia biên-giới".

Sau một thời gian xáo trộn, chúng tôi gồm có 8 bác-sĩ, 1 nha-sĩ, 2 dược-sĩ được tập-trung lại để thành-lập một "trạm-xá " có nhiệm-vu săn sóc sức khỏe cho anh em tù trong vùng. Bằng những phương-tiện của thời-đại đồ...tre, với kỹ thuật từ thời Hoa-đà, chúng tôi cũng được an-ủi bằng một số thành-công trong nhiệm-vụ chửa trị, và đã lưu lại cho chúng tôi nhiều kỹ niệm khó quên. Anh T. bị bệnh phung cui`, bọn cai tù ghê sợ, biệt giam trong một cái chòi giữa rừng, thường ngày chúng tôi đến thăm viếng, theo dỏi bệnh tình, chia nhau từng cù sắn củ khoai, khích lệ cho nhau cho đến ngày về. Anh H. bị mất trí vì trúng độc khi ăn phải trái cây rừng, suốt ngày la hét, phải cách ly trong một túp lều ở giữa rừng, chúng tôi chia phiên nhau túc trực ngày đêm bên cạnh để canh chừng, nhưng cuối cùng anh cũng qua đời. 

Phải kể đến những trường hợp giải-phẩu theo kiểu...rừng, với tất cả liều lỉnh rủi may. Trang-bị bằng một bộ trung-phẩu dã-chiến của Trung quốc và một lò hấp ướt (autoclave), với mấy bình e^-te (ether) và cái masque Ombredane là dụng cụ đánh thuốc mê hở (circuit ouvert) cổ lổ sĩ dùng trước thế chiến 1914-1918. Trong những "bloc" được ngăn cách bởi những tấm phên tre và tấm vải mùng, muổi mòng tha hồ bay lượn, dưới ngọn đèn dầu và đèn pin, mà nhờ trời chúng tôi cũng thành-công được trong nhiều trường hợp, những chấn-thương vì tai-nạn lao-động, hay trường hợp anh N. bị tắc nghẻn ruột, phải giải-phẩu để tái tạo một hậu-môn tạm thời, phải theo dỏi và săn sóc từ A đến Z trong nhiều tháng với sự tận-tình của mọi người nên kết quả rất khả-quan, vân vân và vân vân. Chúng tôi đã đóng tất cả các vai trò trong việc điều trị, từ lao-công, y-tá, phụ mổ, gây mê, cầm dao, rồi hậu-phẩu, vệ-sinh, giặt giủ v...v...bù lại khỏi phải đi lao-động đốn vầu, đốn nứa, đẩy xe trong những lúc đó.

Một sự tình cờ khiến chúng tôi phải giải-phẩu cấp cứu thành-công cho một tên cán bộ bị viêm ruột thừa cấp-tính mà không biết chở đi đâu. Mấy tháng sau, nhân dịp Tết Nguyên-đán 1978, có mấy cán-bộ trong ban chỉ-huy trại đến cám ơn chúng tôi, và tưởng-thưởng bằng một tấm hình chụp chung mấy anh em chuyên-môn trong bệnh-xá, một kỹ-niệm độc nhất vô nhị của những ngày tù ở Sơn La. 

Tiếng đồn lên tới Bộ chỉ huy Đoàn. Một số cán-bộ có thiện tâm muốn mở tầm hoạt động của chúng tôi cho dân chúng trong vùng Mường Thải, huyện Phù-yên, nơi mà xưa nay dân chúng chưa hề thấy đươc cục xà bông chớ đùng nói chi đến viên thuốc tây. Thế rồi dân chúng đến xin chửa trị mỗi ngày một đông, tuy thuốc men chẳng có gì nhiều nhưng cũng giúp ích được một số lớn trường hợp và ít ra cũng giúp họ làm quen với y-khoa ngày nay thay vì phải uống lá rừng suốt đời. Khi đặt ống nghe vào ngực, có người đã huênh-hoang khoe rằng là được... rọi điện. Đông nhất là phần chửa răng. Ngậm một cái răng sâu năm này qua tháng nọ như một cái đinh đóng vào óc, nay được nha-sĩ nhẹ nhàng xoi xỉa với một cái máy quay đạp bằng chân, hoặc nhổ đi mà không đau đớn gì, thật là một điều mà dân Mường ở đó không bao giờ mơ tới.

Một đêm nọ, đang lúc giữa khuya, một cán bộ VC cầm cây đèn bảo xăm xăm bước vào phòng giam chúng tôi, bảo rằng một người đàn bà trong bảng Mường đang nguy kịch vì đẻ không ra đã hai ngày nay. Anh Thức, chuyên môn về phụ-khoa được cử đi cấp-cứu. Trong môt gian nhà sàn rộng rải không có vách ngăn, ở giữa là cái bếp lửa cháy suốt ngày đêm, dăm ba người đàn ông ngồi quanh nói chuyện ồn ào tỏ vẻ lo lắng, ở trong góc một người đàn bà đang quằn quại rên la một cách tuyệt-vọng. Trong khi mọi người bu quanh chăm chú và nghiêm-nghị nhìn anh Thức khám bệnh như nhìn một phù thủy đang làm phép, anh Thức bình tỉnh khám thấy rằng đó là một trường hợp song thai, hai đứa bé ôm quàng lấy nhau mà lại nằm ngang, không đẻ ra bằng đường tự-nhiên được. Phải chở đi bệnh-viện để mổ lấy con ra, nhưng anh Thức quên rằng chuyện đó không thể có được ở đây. Không làm gì hơn được, anh bèn tạm thời dẹp sách vở qua một bên mà cố gắng xoay một đứa cho cái đầu ở vị trí thuận-lợi để ra trước, rồi đến đứa kia, cuối cùng được mẹ tròn con vuông, trong sự rối rít cám ơn của mọi người mà trước đó đã được học tập để coi chúng tôi như những kẽ ác ôn, lúc nào cũng sẳn sàng "cho một mũi tên độc".

Từ đó các cô gái Mường trong bản cũng tự -nhiên hơn, cưới đùa mỗi khi tắm suối mà có chúng tôi đi lao động ngang qua, có khi còn chọc ghẹo nửa. Có anh trong phút chốc bốc đồng đã quên mình là tù đang đói rách, cũng gồng mình nhảy xuống tắm theo, chỉ tiếc là không có sẵn cục xà bông để tặng mấy cô Mường, lúc đó hẳn là muôn phần quý giá hơn cả viên kim cương đem tặng đào ở Sài–gòn nửa. Về sau mỗi cô gái Mường lại đươc đặt cho cái tên của một ca sĩ nổi tiếng, nào là Mai-Lệ-Huyền, Phương-Dung, Giao-linh, Phương-Hồng-Quế v…v…, để rồi lúc chiều về, trong khi ngậm-ngùi nhai từng hột bo bo, thường kể cho nhau nghe rằng hôm nay đi rừng gặp được ca-sĩ nào, ai nghe tưởng như mới đi phòng trà về mà tạm quên trong giây lát cái cảnh nước sông công tù mình đang sống.

Một hôm, một cô giáo hớt ha hớt hãi tìm tới chúng tôi, vì chồng cô, một bộ đội công-tác ở trong Nam được về nghỉ phép, bổng nhiên thấy mình mẩy nổi mề-đay lên đỏ rần, ngứa khắp cả người. Chúng tôi đoán là bị dị-ứng với trứng gà, vì thường ngày đi lao-động ngang qua trường học, thấy cô giáo cứ o bế mấy con gà để chờ ngày chàng về mà bồi-dưởng. Chúng tôi bèn lục lạo đươc mấy viên thuốc Phénergan đưa hết cho cô. Mấy hôm sau đi lao-động gặp lại, chúng tôi hỏi : "Sao ?  Anh nhà đã đở chưa ?" Cô vui vẻ trả lời : "Thuốc các anh cho hay quá, khỏi ngay". Chưa kịp hỏi thêm thì bổng thấy cô cúi mặt e thẹn, ấp úng nói thêm như không muốn cho chúng tôi nghe: " Nhưng ngủ li bì, về phép có năm ngày mà ngủ như chết suốt cả năm ngày" .Chúng tôi hối hận vì đã cho thuốc ngủ mà không dặn trước, làm cho cô phải bỏ lở một cơ-hội bằng vàng !
Thế rồi trạm-xá càng ngày càng đông khách, dân chúng từ xa cũng nghe đồn kéo lại để cho trạm-xá được hoạt-động đúng với danh-nghĩa y tế của nó. Thiện- cảm và uy -tín càng tăng thì, ngược đời thay, cấp chỉ-huy Trại càng lo lắng. Cuối cùng, Uỷ-viên Chính-trị trên Đoàn lập tức ra lệnh không được khám bệnh cho dân nửa, vì trái với chính-sách, và ný-nuận rằng từ mấy ngàn năm nay họ đã chửa trị bằng lá rừng thì đã sao đâu !

Chúng tôi trở lại lao-động, cũng đốn vầu đốn nứa như những anh khác.
Phải cái tội cao giò, tôi thường được chọn đi công tác gánh hàng ở xa, để gánh luôn tất cả tủi nhục của kiếp làm… tôi mọi. Buổi sáng ra đi thì còn dể chịu, trời mát, gánh nhẹ. Nhưng buổi trưa lúc trở về, trời nắng gắt miền núi như đốt cháy da, lại phải leo đèo, mồ hôi chảy giọt, bụng đói cồn cào, cái đầu nặng trỉu, chiếc đòn gánh đè nặng trên vai đang nghiền nát da thịt như những con dao. Người cán-bộ đi theo cũng không quên máng thêm vào chiếc nón cối, cái áo trấn-thủ mà hồi sáng mang trong người vì trời lạnh, nay không cần nửa thì tội gì mà không để cho rảnh tay, vì tay đang bận cầm cây roi, một thứ thời trang của cán-bộ quản-giáo khi đi bên cạnh tù. Đã thế mà khi gặp một bạn đồng-hành, cán-bộ cũng không quên niềm-nỡ mời :"Đồng-chí có mang gì không, đưa cho nó gánh luôn". Tôi nghe mà rụng-rời, mắt hoa lên mà không dám nhắm lại vì sợ ngả sẽ không bao giờ dậy lại được, cũng không dám nhìn xa hơn mấy đầu ngón chân vì sợ không đủ can-đảm để bước thêm....

Một hôm vì nhu-cầu cấp-cứu một bệnh-nhân tù đang nguy kịch, tôi được cử theo một cán-bộ đến bệnh-viện Phù-yên để xin mấy chai nước biển. Đã lâu bị giam hãm giữa bốn bức tường núi, nay được dịp thấy lại làng mạc với cảnh sinh-hoạt của nhân-dân, lòng cũng không khỏi thích-thú vì tầm mắt đươc hé rộng ra một chút và thỏa -mãn thêm tánh tò mò nghề-nghiệp muốn biết tổ-chức y-tế miền Bắc ra sao mà các "đồng-nghiệp " đề cao như là đúng hàng đầu trên thế-giới.

Huyện Phù-yên thuộc tỉnh Sơn La, nằm giữa một thung-lũng nhỏ, bốn bề là núi nhưng rất nên thơ. Từ trại tới huyện phải đi qua ngọn đèo Bang xinh xinh, có con đường mòn uốn quanh, có hoa rừng thơm ngát. Từ trên nhìn xuống gần giống như một bức tranh Tàu, mờ mờ ảo ảo., rải rát nơi nơi là nhũng túp lều lụp xụp bám theo sườn núi. Bước vào huyện phải qua một con suối lớn, mùa khô thì chỉ là một suối đá hiền-hòa thơ-mộng, nhưng khi mưa xuống thì trở nên một thác lũ kinh-hoàng. Bắt ngang qua suối là một cây cầu treo, gió thổỉ đu đưa, mà lại được anh em tù gán cho cái tên rất hấp-dẩn để cho trí tưởng-tượng được nâng cao là cầu Golden Gate. Mỗi khi gánh hàng qua Golden Gate, tôi có cảm-tưởng như mình đang là một nghệ-sĩ đu giây trong một đoàn xiệc mà có thể hụt tay bất cứ lúc nào.

Bên kia cầu là một túp lều không vách, gió lộng bốn phía, đó là trường học với dăm bảy em bé ốm tong teo, bụng ỏng thề lề, mỗi đứa cầm một que củi đang cháy quơ qua quơ lại trước người cho đở lạnh trong những bộ áo Mường mỏng manh. Trong khi các em nghêu ngao hát bài "Hôm qua em mơ thấy Bác Hồ..." thì cô giáo đang chăm chú ngồi vá áo, mắt đăm chiêu, hình n thấy những chuyện mà dĩ-nhiên khác hơn là thấy Bác Hồ. Hình ảnh đó làm cho tôi có cảm tưởng rằng Cụ Cao-Bá-Quát đã đi ngang qua đây để cảm-hứng mấy câu thơ:"Một thầy một cô một chó cái,

Nửa người nửa ngợm nửa đười ươi."

Bên cạnh trường là một cái "cối giả gạo" có lẽ đã được sáng chế từ đời vua Thần Nông. Nước từ con suối nhỏ đươc dẩn qua một máng xối đục từ một thân cây, chảy xuống một thân cây dài khác, một đầu là cái chày, đầu kia đục thành một máng chứa nước. Hể máng đầy nước thì cái chày tự -động ngóc lên, rồi nước bị đổ ra ngoài để cho chày giả xuống cái cối ở đằng trước. Cứ thế mà tiếp-tục, cối cứ giả ngày giả đêm, tạo nên một tiếng đập nhịp nhàng khô khan để đánh thức cô giáo và lủ học trò khỏi ngủ gật. Năm thì mười họa, một năm vài lần cối mới có gạo để giả, vì dân phải đóng cho nhà nước hết ba phần tư số thu hoạch, vốn đã nghèo nàn trên những mãnh ruộng bằng bàn tay xếp thành từng tầng trên sườn núi.

Khi đến cổng bệnh-viện, tôi được chứng-kiến một cảnh tấp-nập khác thường, nghỉ bụng rằng chương-trình y-tế ở đây đã thành-công vì được dân-chúng hưởng-ứng đông đảo. Mọi người bu quanh một tấm bảng, hình như để theo dỏi một thông-báo gì quan-trọng của bệnh-viện về một biện-pháp y-tế nào đó chăng. Lại gần, tôi thấy rõ thông-báo như sau "Hôm nay bệnh-viện có mổ lợn, bán theo giá chính-thức. Đồng-bào nào muốn mua xin ghi tên ở phòng ngoại-chẩn". Tôi suýt té ngửa vì sau bao nhiêu năm hoạt động trong ngành y- tế tôi vẫn chưa biết được rằng cung-cấp thực-phẩm cho dân chúng cũng là một khía cạnh trong chương-trình y-tế.

Trái với cảnh xôn-xao ngoài cổng, trong bệnh viện lại vắng tanh. Tìm cho ra người thủ-kho để xin thuốc thì được biết cô gái Mường này bận đi hái bông lau về làm nệm để tặng một cô bạn gái sắp về nhà chồng, một tục-lệ không thể bỏ được của người Mường. Lân la mãi mới gặp được bác-sĩ trực, vị này không mấy niềm-nỡ vì đang bận cải-hoạt (có nghĩa là cải-tiến sinh-hoạt để cho đời sống vui tươi hơn) bằng cách ngốn nghiến mấy củ khoai. Bác-sĩ trực cho biết "Chỉ có bác-sĩ thủ-trưởng mới có quyền quyết-định, nhưng bác-sĩ đang bận mổ." Tôi thất-vọng chán chường, nghỉ đến bệnh-nhân ở trại đang hấp-hối mong chờ mấy giọt nước hồi-sinh, nghỉ đến con đường về vừa nắng gắt vừa phải leo giốc, nghỉ đến cái dạ-dày đang cồn-cào vì sáng nay không may đọc được mấy chữ "thịt lợn" trên bảng thông-cáo mà nước bọt cứ chay dài (chẳng lẽ tôi lại biến thành con chó của Pavlov, hể nghe tiếng chuông là dịch tiêu -hóa cứ tuông chảy, rồi hay sao?) Tôi buồn rầu thất vọng, không biết bao giờ bác-sĩ trưởng mới mổ xong, vã lại áo quần lem-luốt thế này làm sao gặp được bác-sĩ ở khu giải -phẩu. Tôi đánh bạo tìm đến bác-sĩ trưc hỏi : "Thế tôi có thể gặp bác-sĩ thủ -trưởng được không ?" Lần này vị y-sĩ trực vui vẻ trả lời (vì đã ngốn xong mấy củ khoai): " Được chứ, có gì đâu, anh ấy đang bận mổ lợn dưới ao đấy mà". Tôi  
như từ cung trăng rơi xuống !

Quả nhiên, cách đó không xa, cạnh bờ ao, năm ba người đang bao quanh một con lợn đã cạo lông trắng nõn nằm trên một tấm thớt lớn. Trong khi đó, bác-sĩ thủ-trưởng bệnh-viện, mình trần, quần xắn tới bẹn, áo bờ-lu vắt ở hàng rào, đang nhanh nhẹn ra tay mổ bộ đồ lòng với tất cả sự nhanh nhẹn và khéo léo của một...đại giải -phẩu gia.

Lẽ tất nhiên tôi phải chờ cho ông bạn đồng-nghiệp thanh toán xong con lợn để giải -quyết cho mấy chai nước biển rồi mới hân-hoan ra về. Ra tới cổng, tôi gặp lại đám dân-chúng cũng đang hân hoan thở phào nhẹ nhõm như tôi khi được tin bác-sĩ đã mổ xong...lợn.

Trên đường về, lần này chiếc đòn gánh đè nặng lên vai không còn cho tôi cảm-giác đau đớn như trước nửa, vì đầu óc tôi đang bị ám-ảnh bởi một ý-tưởng muôn phần nặng-nề hơn, vì tôi đã nhìn thấy được sự thật, đã chứng-kiến tận mắt một hiện-tượng sinh-hoạt phản-ảnh lối sống của những "đồng-nghiêp" bên kia bức màn tư-tưởng. 

Phương-vũ VÕ Tam-Anh 

Thursday, November 22, 2012





   Mẹ.
Tôn Thất Ðàn
         
           Chúng  ta  thường  nghe :  “thế giới có 7 kỳ quan”.  Nhưng  theo  tôi, kỳ quan tuyệt  vời  và vĩ đại nhất  vẫn là trái tim người mẹ ! Thật vậy, bao nhiêu thơ văn viết về mẹ  cũng  không đủ, bao nhiêu bản nhạc hát về mẹ  cũng không vừa.  Biển Thái bình bao la, nhưng không sao có thể so sánh được với tấm lòng của mẹ. Mẹ là người mang ta đến cuộc đời, cho ta bú mớm và nuôi ta khôn lớn thành người.

          Hôm nay nhân ngày giỗ  Mẹ, con kính cẩn  dâng nén hương lòng lên hương hồn  người mẹ  thương  yêu của con hiện đang nằm yên nghỉ bên kia bờ Đại dương, cách xa con hơn  nửa vòng trái đất !  Mẹ ơi, con nhớ và thương mẹ nhiều lắm, mẹ có biết không?! Con nhớ đến mẹ, người  mẹ Lập  An  (Thừa Thiên)  vất vả nuôi hai anh em con ăn  học . Nhà nghèo, cha mất sớm, hoàn cảnh  khó  khăn. Mẹ bán “mắm sò” quanh làng vào mùa mưa, và bán những gánh củi  khô vào mùa nắng. Mẹ còn đi mót lúa, mót khoai về nuôi hai anh em con cho đến ngày khôn lớn..

          Con  còn  nhớ, làng Lập An (Thừa Thiên) của mình ở vào một địa thế thiên nhiên rất  đẹp (bây giờ là khu du lịch), và thuận lợi cho việc mưu sinh. Phía trước làng là một đầm nước mặn rộng thênh thang thông ra biển, tha hồ dân làng bắt cua cá, sò, sặc để làm thức ăn hằng ngày và bán ra chợ. Sau lưng là cả một cánh rừng có nhiều cây cối và đầy cỏ tranh mọc khắp nơi, đủ cho dân làng đi đốn củi, cắt tranh bán độ nhật vào mùa khô. Cảnh vật  thiên nhiên ưu đải như vậy, thế mà chiến tranh lại không lọai trừ một nơi nào trên quê hương chúng ta, đã tràn đến gây biết bao đau thương cho dân làng  Lập An  mình ! Con còn nhớ mường  tượng  rằng, hồi đó con mới lên 3, cha mất sớm. Giặc đến đốt phá nhà cửa, bắt bớ dân làng  ta. Cũng như bao nhiêu gia đình khác, mẹ phải  tản cư đến nơi an toàn để lánh nạn.  Mẹ gánh con một đầu thúng, còn một đầu gánh vật dụng. Vai mẹ oằn xuống, mồ hôi thấm ướt  lưng  mẹ , mà trí khôn con hồi đó còn quá  non nớt, ngu ngơ, dại khờ, nào có biết gì đâu hở mẹ ! Con còn sung sướng ngước mắt lên cười với mẹ nữa chứ !  Cũng  vì  con mà mẹ quên đi bao mệt nhọc, lại nở nụ cười rạng rỡ với con để cho con được vui.  Mẹ ơi, bây giờ nghĩ  lại, con thấy thương nhớ mẹ nhiều quá  mẹ  à !  Thế rồi, sau khi giặc rút đi, mẹ lại gánh con trở về. Nhìn cảnh vật  tiêu điều, nhà cửa bị giặc đốt cháy thiêu rụi, mẹ không cầm được nước mắt ! Bao nhiêu công lao, mồ hôi của mẹ đều tan theo mây khói!  Rồi mẹ lai ráng sức làm lại từ đầu. Mẹ nhờ những người trong  xóm lợp lại  mái tranh nghèo  để mẹ con mình  tạm trú qua ngày tháng. Những ngày nắng ráo thì không sao, nhưng những đêm mưa dầm  thì khổ lắm!  Nước mưa dột khắp nơi trong nhà, nước dột ướt cả chiếc giường  tre ọp ẹp của mẹ con mình. Thế mà mẹ dành bên ướt mẹ nằm, còn bên ráo mẹ để con lăn.  Mẹ ơi, mẹ hy sinh cho con  thật  quá nhiều mẹ  à !

          Một đời của mẹ, con thấy chỉ có mấy bộ quần áo sờn vải và cũ kỹ, có những chiếc  đến cả nữa thập niên  rồi vẫn còn nằm  trong rương. Con thường đứng lặng hồi lâu khi nhìn thấy chúng.  Mẹ ít mua sắm cho mình, tiền mẹ để dành mua áo mới cho anh em con, và lo cho anh em con ăn học. Lần nào đi đâu về mẹ cũng mua quà cho con. Đến cả những lúc đi lao động vất vả trong rừng, mẹ cũng không quên hái về cho con những quả sim, hạt giẻ và những trái  ổi  rừng. Và mỗi lần ra đầm cào “sặc” để về làm mắm sò và nấu canh chua với lá me đất, mẹ cũng không quên mang về cho con những con cua, con ghẹ mà nướng ăn rất là khoái khẩu. Con nhớ và thương mẹ nhất là những lần mẹ đi mót lúa, mót  khoai  ngoài đồng, thế mà mẹ cũng không quên mang về cho con những con cào cào, châu chấu, hoặc những con chuột  đồng để con có thêm thức ăn trong những bữa cơm đạm bạc. Con rất hiểu hoàn cảnh  của nhà mình mẹ  à ! Một mình mẹ quê, chắt chiu, lam lũ, không đủ sức nuôi hai anh em con!  Dù cơm và thức ăn có nhiều chăng nữa, mẹ bao giờ cũng nhịn cho anh em con ăn cho no  lòng.  Bao giờ con cũng nghe mẹ nói :”mẹ ăn rồi, mẹ no rồi”, nhưng con có thấy mẹ ăn gì đâu ! Mẹ chỉ ăn những  gì còn lại của anh em con thôi!  Mẹ ơi, tình mẫu tử của mẹ thật là bao la như biển rộng sông dài !  Suốt một thời thơ ấu của con sống với mẹ ở làng Lập An thật là vui và hạnh phúc quá mẹ nhỉ !  Tuy nhà mình nghèo, một mình mẹ chạy cơm từng bữa cho anh em con ăn thiếu trước hụt sau, thế mà mẹ vẫn cố gắng  cho con đi học tiểu học với ông giáo làng để kiếm dăm ba chữ. Con còn nhớ vào những ngày đến kỳ đóng học phí, con hay bị kêu về nhà để lấy tiền đóng.  Mỗi khi việc nầy xãy ra, con chỉ đi  lên ngọn đồi phía sau trường và đứng ở đó một lúc, vì về nhà cũng chẳng có tiền. Sau một hồi, thì con trở lại trường và xin ông giáo cho gia hạn.

          Rồi ngày tháng như gió thoảng mây bay. Năm lên 10 tuổi, con một đứa bé được cưu mang bởi những người bà con xa, mỗi người một khúc từ đồng quê lên đến thành thị. Vì nhà quá nghèo, nên mẹ đành phải hy sinh con cho người ta sai khiến, đỡ đần những công việc lặt vặt trong nhà để hằng ngày được đến trường kiếm thêm ít chữ. Mẹ ơi, con biết  thân phận con là con nhà nghèo, mồ côi cha, nên con cố gắng  chăm chỉ học hành để sau nầy còn có cơ hội  đền đáp lại công ơn sinh thành và sự hy sinh của mẹ. Trong thời gian con ăn nhờ ở đậu nhà bà con, mặc dầu mẹ nghèo , kiếm được đồng tiền thật là khó khăn, thế mà mỗi lần Tết đến hoặc những ngày giỗ, chạp, mẹ đều lặn lội ra thăm con, cho con tiền và đem những món đặc sản ở quê nhà làm quà cho bà con nữa. Dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, mẹ cũng không bao giờ quên đứa con trai của mẹ.

 Sau 4 năm đèn sách  thì con cũng  thi đỗ được mảnh bằng “trung học đệ I cấp”  mẹ  ạ ! Con mừng lắm ! Nhưng mẹ ơi, đến đây thì bà con của mình không còn  kiên nhẫn để bao bọc, bảo trợ cho con được nữa mẹ  à, vì họ cũng không đủ khả năng  tài chánh  để lo cho con ăn học đến thi Tú tài.  Mà con cũng chưa đủ tuổi để đi xin việc làm được nữa.  May nhờ có một người bạn cảm thương hoàn cảnh của con, đã giới thiệu cho con  một chỗ  “kèm trẻ tại tư gia” cho những con nhà giàu, để con có tiền tiếp tuc học lên nữa. Con chỉ  hướng dẫn cho những đứa trẻ học lớp nhất  (lớp 5) để đi thi tiểu học, và những  em thi vào  “đệ thất”  (lớp 6)  trường công lập thời đó mà thôi. Thế mà sau mấy năm, nhờ vậy mà con lấy được mảnh bằng Tú tài 2 mẹ  à !  Đến đây thì con không còn kiên nhẫn để học lên Đại học được nữa mẹ  ơi !  Vì con đường  học  Đại học quá dài và rất tốn kém, không ai còn đủ khả năng tài trợ cho con được nữa. Con đành phải xếp bút  nghiên theo nghiệp đao binh. Con đã  tình nguyện gia nhập vào  trường ”Võ khoa”, chọn binh nghiệp làm lẽ sống  cho đời mình mẹ à !  ”Một xanh cỏ, hai đỏ ngực” để có tiền lo phụng dưỡng mẹ già !

          Sau hơn 10  năm chinh chiến trong quân ngũ, chưa kịp đền đáp công ơn cho mẹ được bao nhiêu, thì con đã 4 lần bị  thương  phải vào “quân y viện”. Và lần sau cùng thì bị đối phương bắt  làm tù binh trong ngày Quảng Trị thất thủ vào tay cọng Sãn Bắc Việt năm 1972  (mùa Hè đỏ lửa), và chúng  đã đem con ra giam giữ tai Cao Bắc Lạng (cao nguyên Bắc phần)  cho đến ngày “trao trả tù binh”, sau khi hiệp định Paris đã được ký kết vào ngày 27/1/1973. Ngày trở về của con trong nước mắt, vì nhìn thấy mẹ đã quá già yếu mà con thì chưa làm được gì để giúp  mẹ!  Con nguyện trong lòng là sẽ đem hết khả năng có thể được, để lo cho mẹ trong suốt quảng  đời còn lại của mẹ. Nhưng mẹ ơi, vận nước suy tàn ! Đến ngày 30/4/1975 toàn cõi miền Nam Việt Nam đã bị nhấn chìm dưới bàn tay sắt máu của Cọng Sãn Bắc Việt. Con cũng như tất cả các sĩ quan dưới chế độ cũ đều phải đi ở tù, mà chúng gọi là đi “học tập cải tạo” đó mẹ! Thế là con lại đi ở tù lần thứ hai nữa, dưới chế độ Cọng Sãn đó mẹ ! Rồi mẹ  lại  lui  cui, lum cụm  vào thăm con trong  trại tù “cải tạo”. Mẹ phải vượt qua bao nhiêu khó khăn, gian  khổ mới đến được nơi con đang bị giam giữ để gặp đứa con trai của mẹ.  Mẹ của con cũng không quên bới theo chai “mắm sò”  mà con thường  ưa  thích vào cho con!   Mẹ ơi, con thương mẹ quá!  Khi con ăn “mắm sò” của chính tay mẹ làm, như con đã nuốt  vào người  tất cả tình thương của mẹ gởi gắm cho con trong chén  “mắm sò”! Lần nầy đối phương lại  bỏ  tù con hơn những  6  năm  trời nữa mẹ  à!  Con nguyện  khi  được  về, con sẽ ra sức lao động hết mình, để có tiền phụng dưỡng mẹ  già, hầu đền đáp công ơn sinh thành của mẹ!  Con hứa sẽ làm cho mẹ vui, cho mẹ của con luôn luôn có nụ cười, để bù đắp lại những ngày mẹ gian nan  cực khổ  vì con, như nhà  thơ Trần Trung Đạo  đã viết :

Ví mà con đổi thời gian được
Ðổi cả thiên thu nghe tiếng Mẹ cười.
                                                                                           
          
          Nhưng than ôi, mẹ ơi ! Con chưa về kịp, thì mẹ đã bỏ con mà ra đi vĩnh viễn về bên kia cõi đời !!!  Mẹ ơi, cả đời con làm khổ mẹ!  Mẹ bệnh, con không về chăm sóc mẹ được. Đến ngày mẹ mất, con cũng không về kịp để nhìn mặt  mẹ lần cuối. Tiền bạc bây giờ với con có nghĩa gì đâu hở mẹ?!   Mẹ ơi, con rất hối hận vì chưa làm tròn được bổn phận hiếu thảo của một  thằng  con trai đối với mẹ. Xin mẹ hãy tha thứ cho con !

          Ôi, thương quá mẹ của con! Cả đời chỉ  tần tảo vì con!  Tiếng gọi đầu đời, con cũng gọi  Mẹ ! Khi con vấp ngã, cũng  gọi Mẹ! Dù ở đâu, phương trời nào, con cũng nhớ về cội nguồn, ông bà, tổ tiên, đầm nước mặn trước mặt nhà mình, và món “mắm sò” của  Mẹ ! Cứ mỗi lần con ăn “mắm sò” là con nhớ đến tuổi  thơ của mình, nhớ đến quê mình. Con nhớ quê hương  Lập  An của mình lắm mẹ  à ! Món “mắm sò” của mẹ và món canh chua “sặc” nấu với lá me đất của mẹ  như bà mẹ quê Việt Nam, lui cui, lút cút  thế  thôi, đơn sơ chất phát thế thôi, nhưng không có một kỳ quan nào của vũ trụ nầy  sánh được với trái tim của  Mẹ !    ./.
                                                                                                             
                                                                                                     
                                                                                                                                                                                                                                    Tôn Thất Đàn



                                                                                                                             




                          

                          
 Người tù binh trở về
Tôn Thất Ðàn.                                                                                           

               Khi về già , chúng ta thường hay sống về quá khứ, hay nhớ lại chuyện xưa. Những chuyện vui buồn, theo thời gian đã đi vào dĩ vãng. Nhưng cũng có những tủi nhục, khổ đau  đã  in sâu vào tâm khảm của mình mà suốt một đời chúng ta không bao giờ quên được.

               Vâng, chính tôi là một người lính chiến, một người trai sinh ra trong thời ly loạn. Suốt một đời binh nghiệp của tôi chỉ có làm bạn với núi rừng, và ngày đêm luôn đối diện với quân thù tại vùng “địa đầu giới tuyến”. Đó là những địa danh thuộc tỉnh Quảng Trị  như  Đông Hà, Gio Linh, Cam Lộ  nơi mà chúng tôi  thường  hay đóng quân. Để rồi cho đến năm 1972 (mùa Hè đỏ lửa) sau khi tỉnh Quảng Trị  thất thủ vào tay Cọng Sản Bắc Việt, thì tôi bị đối phương bắt làm tù binh và đem ra giam giữ tại Cao Bắc Lạng (Bắc Việt).

               Tôi còn nhớ như in, đó là  sáng ngày 2/5/1972 sau khi qua một đêm rút vào nằm tại bãi cát Hải Lăng (Quảng Trị). Chi Đoàn của tôi (thuộc Thiết Đoàn 20 Chiến Xa) được lệnh băng qua Cầu Dài để vào Mỹ Chánh, nhưng cầu đã bị đối phương giựt sập, mà chiến xa M.48 thì không lội nước  được, nên chúng tôi đành phải bỏ xe chạy bộ. Liền khi đó  địch quân pháo như mưa, và sau khi ngưng pháo thì chúng ồ ạt tấn công và  hô “hàng sống, chống chết”. Khi đó thì hàng ngũ của ta bị rối loạn và tôi đã bị thương, nên để mặc cho chúng bắt dẫn đi cùng với một số chiến hữu. Chúng dẫn vào một ngôi làng gần đó để băng bó tạm các vết thương và phân loại tù binh. Chúng chia những  sĩ quan  ngồi riêng ra một bên. Đợi đến tối, chúng bèn trói thúc ké hai tay ra đằng sau, và nối liền người nầy với người khác  rồi dẫn vào rừng. Chỉ có các sĩ quan thì chúng mới đưa ra giam giữ ở ngoài Bắc mà thôi. 

Chúng tôi phải lặn lội theo đường mòn Hồ Chí  Minh  hằng cả tháng trời mới đến được nơi giam giữ cuối cùng. Đó là làng Thất  Khê thuộc tỉnh Cao Bắc Lạng (Bắc Việt). Dọc đường gặp không biết bao nhiêu là trận mưa bom của máy bay Mỹ. Không được nấu nướng gì hết vì sợ lộ mục tiêu, mỗi bữa chúng chỉ phát cho mỗi người  hai  tép lương khô của Trung cộng để ăn cầm hơi. Nước uống thì gặp khe suối, hoặc vũng nào có nước thì cứ uống đại. Đêm xuống, không có chăn màn, bị muỗi rừng đốt, nên đa số anh em tù binh bị sốt rét và kiết lỵ, chết  rơi rớt dọc đường nhiều lắm!  Mạng sống con người của chúng tôi lúc đó rất mỏng manh và quá rẻ mạt ! Chết đâu thì giập tại đó mà thôi, không một mảnh chiếu để bó lại, hoặc một lời phân ưu của bạn tù ! Lúc đó người nào trong chúng tôi cũng nghĩ, chưa  biết lúc nào lại đến phiên mình  đây? Rồi cứ thế, ngày thì nghỉ để tránh máy bay, đêm lại đi, ròng rã hơn một  tháng  trời chúng tôi mới đến được Hỏa Lò (Hà Nội).  “Ra đến đây là sống rồi đấy”. Đó là lời của một cán bộ Cộng Sãn đã nói với chúng tôi như vậy.  Riêng tôi phần thì bị thương, phần thì sức khỏe yếu kém mà lết được ra đến đây quả thật là chuyện lạ !  Mình  chưa biết sống chết như thế nào, số phận  rất là bấp bênh, ngày trở về thì quá mờ mịt, thế mà chúng bảo sống là sống như thế nào không biết? 

Chúng tôi đành phó  thác cho định mệnh an bài ! Qua ngày hôm sau, chúng lại tiếp tục di chuyển chúng tôi lên đến tận tỉnh Lạng Sơn bằng xe Môlôtôva. Đây là làng Thất Khê, trại giam cuối, nằm gần bên  sông Kỳ Cùng.  Ở đây thuộc miền Thượng du Bắc Việt, hoàn toàn là người dân tộc Tày sinh sống. Khí hậu rất là khắc nghiệt, gió núi sương mù bao phủ quanh năm. Mùa đông thì giá rét cắt da cắt thịt, chúng tôi phải lót rơm, và đốt lò sưởi  lên mới ngủ được. Đây là trại giam cuối cùng, nơi nầy đầy sơn lam chướng khí, thời tiết khắc nghiệt, chúng tôi phải chống chọi với thời tiết thất thường. Ngoài ra ngày đêm còn phải lo sẵn sàng xuống hầm trú ẩn để tránh bom của Mỹ dội xuống trên đầu. Vào mùa Giáng Sinh năm 1972, lúc nào chúng tôi cũng  nghe  tiếng máy bay B.52 và bom đạn của Mỹ dội xuống  từ Hà Nội vọng về. Chúng tôi luôn phập phồng  lo sợ, không biết lúc nào  lại đến nơi  giam giữ của chúng mình?  Chúng tôi đều có đào giao thông hào rất sâu xung quanh trại, và mỗi lần báo động có máy bay Mỹ, chúng tôi tất cả đều xuống hầm ẩn núp. Chúng tôi luôn sống trong lo âu và sợ hãi. Phần thì đói khát, phần thì bị khủng hoảng tinh thần, vì bị đối phương khai thác để lấy tin tức bất cứ lúc nào. Lại có những ngày phải đi chặt  tre trên rừng, mỗi người phải đủ chỉ tiêu một vác, thả xuôi theo dòng sông Kỳ Cùng về trại để làm nhà và rào xung quanh. Đêm về thì nằm co ro trên hai liếp rơm không đủ ấm, áo quần thì quá mỏng manh, nên phần đông  anh em tù  binh bị sưng  phổi và sốt rét nhiều lắm!  Chúng tôi sống trong tuyệt vọng và đầy lo âu, chỉ chờ một ngày nào đó gởi cái thân xác gầy còm nơi vùng rừng thiêng nước độc nầy mà thôi !

               Thế rồi, đùng một cái. Sáng ngày 27/1/1973 tất cả những loa phóng thanh mắc trên các cành cây trong trại đều phát oang oang lên  rằng “hiệp định Paris”  đã được ký kết, lệnh ngưng bắn trên toàn cõi miền Nam VN được thi hành, tất cả tù binh đều được trao trả về với gia đình. Ôi, không còn gì vui sướng cho bằng ! Chúng tôi  ôm nhau mà mừng đến rơi lệ!  Giấc mơ của chúng tôi đã trở thành sự thật. Kể từ bây giờ cửa buồng giam ban đêm không còn bị khóa nữa, chúng tôi được thoải mái ra vào, để rồi một tháng sau thì chúng tôi được đưa về Hà Nội để “bồi dưỡng” sức khỏe, chờ ngày “trao trả tù binh”. Trong thời gian nầy, đối phương lại rất  o bế chúng tôi, luôn chiêu dụ những người có thân nhân ngoài Bắc nên ở lại với chúng, để chúng có lý do tuyên truyền cho chế độ Cọng Sãn là tốt đẹp, nên mới có những người xin tình nguyện  ở lại, nhưng chẳng có một ai xin ở lại bao giờ. Trong thời gian nầy, chúng tôi được nhận mỗi người một đôi  “bata” và áo quần mới, để rồi có cán bộ hướng dẫn  chúng tôi đi “tham quan” Hà Nội. Có hôm thì đi xem chiếu bóng, bữa khác lại đi  xem “đại nhạc hội”  tại nhà  hát  lớn, hôm sau nữa lại đi  xem “viện bảo tàng” lịch sử  v.v… Rồi ngày nào cũng được bồi dưỡng thức ăn đầy đủ. Mục đích là  để tuyên truyền cho chế độ của chúng là, nhân đạo, là  khoan hồng  và  ưu việt, để lôi kéo anh em tù binh chúng tôi ở lại, hoặc ít ra cũng làm cho anh em chúng tôi có cảm tình với chúng sau nầy. Nhưng theo tôi nhận xét thì điều đó rất khó xãy ra, vì chúng tôi là nạn nhân, nên  rất  rõ âm mưu thâm độc của chúng. Trong số anh em tù binh được đưa về Hà Nội để chuẩn bị trao trả, tôi thấy rất là đông, có cả những sĩ quan bị bắt trong trận Hạ Lào năm 1971 (Lam Sơn 719) nữa. Nhưng  khi về đến “ trại  an dưỡng”  ở huyện Thạch Thất  (Hà Tây) để chờ ngày vào Nam, thì chúng tách số tù binh Hạ Lào  ra  ở riêng  một nơi khác. Sau nầy được nghe chúng bảo, số tù binh ở mặt trận Hạ Lào là do nhân dân Lào gởi cho chúng  giam  giữ. Khi nào có sự đồng ý của  chính phủ Lào thì chúng mới có quyền  trao trả, vì đó là cuộc chiến  ở ngoài  lãnh thổ quốc gia ! Đúng  là những luận điệu xảo trá, lật lọng  cố hữu muôn đời của  bè lũ Cọng sãn !

               Rồi ngày trao trả cũng đã đến. Một sáng mùa Xuân năm 1973  chúng tôi được một đoàn xe chở lên ga Hàng Cỏ (Hà Nội)  để đáp xe lửa vào Nam. Chúng tôi rất mừng rỡ ! Mặc dầu chúng nhồi nhét chúng tôi rất chật cứng vào mỗi toa, mọi người mồ hôi  đều thấm ướt, nhưng ai nấy  đều chấp nhận , miễn sao mình về  được với gia đình là quý  hóa lắm rồi. Khi xe lửa vào đến sân ga Thanh Hóa, thì ngưng không  chạy tiếp được nữa, vì đường sắt bị hư hỏng  trong chiến tranh chưa sữa chữa kịp. Chúng bèn phân chia, cứ 2 người vào ở một nhà mà chúng đã sắp đặt trước để ngủ qua đêm. Sáng mai lại tiếp tục chuyển qua xe  môlôtôva để lên đường. Chúng tôi phải mất hai đêm ngủ lại ở nhà dân dọc đường nữa  mới đến nơi địa điểm trao trả tù binh. Đó là làng Nhan Biều  bên bờ Bắc sông Thạch Hãn (Quảng Trị). Cứ mỗi lần ngủ tạm qua đêm tại  nhà dân, chúng tôi đều bị  những người  địa phương  móc nối, dụ dỗ  ở lại với ngụy quyền Cọng sãn Bắc Việt  với  nhiều  hứa hẹn tốt đẹp. Nhưng tất cả chúng tôi đều biết âm mưu thâm độc và xảo trá của chúng, nên không một ai bị mắc lừa, cho dù có thân nhân ở ngoài Bắc đến  lôi  kéo chăng nữa. Đó là những ngón đòn chính trị cũ  rích mà chúng thường đem ra áp dụng, nếu chúng tôi có người mắc bẫy thì xem như mình đã tiếp tay cho chúng trên mặt trận tuyên truyền. Tôi còn nhớ trước đó một tháng, vào ngày 2/4/1972 tại “căn cứ Carroll “(Đông Hà), Trung tá Phạm văn Đính, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 56 Bộ binh của Sư đoàn 3 Bộ binh  treo cờ trắng đầu hàng Cọng sãn, vỏn vẹn chỉ  có một số ít trong Bộ chỉ huy  Trung đoàn thôi, thế mà chúng lại hô hoán lên cho cả thế giới biết rằng, nguyên cả một Trung đoàn quân đội VNCH đã trở về với chúng. Đúng là những luận điệu tuyên truyền xảo trá, bóp méo sự thật trước sau như một của bè lũ Cọng sãn không bao giờ thay đổi. Trên đường  trở về Nam, chúng tôi lại được chứng kiến những tù binh Cọng sãn được chính quyền miền Nam trao trả về miền Bắc nhiều lắm. Chúng tôi vẫy tay chào nhau lần cuối, nhưng  thấy  vẻ mặt trở về của họ sao mà buồn thế? Chắc họ nghĩ chưa biết số phận của  mình  như thế nào sau khi trở về với miền Bắc Xã hội chủ nghĩa chăng !?

               Thế rồi ngày trao trả tù binh cũng phải đến. Chúng tôi lần lượt  từng đợt được trao trả qua bên bờ Nam sông Thạch Hãn để trở về sum họp với gia đình. Chúng tôi bước lên bờ với nhiều tiếng trống kèn của ban quân nhạc, cùng với những cái ôm siết chặt mừng  vui trong nước mắt của  những người thân!  Nhưng ngày trở về của người tù  binh cũng có nhiều éo le chua xót ! Chiến tranh quá tàn nhẫn đã gây biết bao cảnh tan thương cho những người gặp nhiều đắng cay !  Có  người trở về trên đôi nạng gỗ, vì một phần thân thể đã gởi lại nơi núi rừng!  Có người trở về với một tâm hồn tan nát, vì qua một  thời gian quá dài, người vợ không còn  kiên nhẫn đợi chờ người chồng trở về, nên đã ôm cầm sang  thuyền khác!  Có người trở về với hy vọng có bà mẹ già run run ra đứng đón con về ! Nhưng ngờ đâu, người mẹ già quá  mõi mòn  chờ đợi đứa con trai, nên đã vĩnh viễn ra đi về bên kia cõi đời!  Ôi, cuộc đời  sao mà nhiều nước mắt !!!.  Nhưng cũng có bà mẹ già suốt  một thời gian dài nằm trên giường bệnh không đi đứng gì được, chỉ chờ thần chết đến gọi! Thế mà khi người con trai của bà được trở về từ nguc tù Cọng Sãn, bà ta liền ngồi dậy được và đã chạy đền ôm chầm đứa con trai của mình mà khóc trong sự vui mừng!  Ôi tình mẫu tử thật là thiêng liêng và quá kỳ diệu, đã cho người mẹ  một sức mạnh thật  phi thường !  Riêng tôi, ngày trở về, nhìn ảnh mình với bình nhang khói hương , và hai cây nến leo lét  cháy  trên bàn thờ  linh vị…tôi khóc lặng người đi !!!  Nào là truy thăng truy tặng, nào là “bảo quốc huân  chương”, nào là “anh dũng bội tinh” và  nhiều đặc ân nữa mà quân đội đã dành cho tôi trên bàn thờ!  Tất cả  đều xem tôi như không còn có mặt  trên cõi đời nầy nữa!  Nhưng hôm nay tôi được trở về !!! Trở về từ cõi chết !!! Đó là điều  may mắn và một diễm phúc thật lớn lao mà Thượng đế đã ban cho tôi và gia đình. Tôi xin tạ ơn Trời! Tạ ơn Người!

               Hôm nay ngồi viết những dòng nầy như để ôn lại một vài kỷ niệm đau thương trong cuộc đời mình!  Điều tôi rõ nhất  là hạnh phúc thì không bao giờ trọn vẹn.Trời cho mình cái nầy, thì nhất định sẽ lấy đi của mình cái khác. Trời không cho tôi tiền bạc, của cải, nhưng cho tôi sống sót đến bây giờ là quý lắm rồi! Cho tôi còn có một gia đình đầy đủ  trong  tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau  là tôi mãn nguyện rồi, chẳng còn mong gì hơn nữa. Những ai đã trải qua cuộc sống trong ngục tù của Cọng Sãn rồi, thì tất cả mọi sự trên cõi đời nầy đều….nhẹ như  lông  hồng !  Trong thời kỳ hoàng hôn của cuộc đời, nhờ Thượng đế  thương,  gia đình tôi được an cư trên “vùng đất hứa”  nầy  là cả một diễm phúc lớn lao mà  Ông Trời đã ban cho.  Đúng là : “tiền hung hậu kiết”  vậy.  Xin tạ ơn Trời ! Tạ ơn đời ! ./.

Tôn Thất Ðàn

Mục Lục

                                                                                                            


                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                        

              




Tình Nghĩa Anh em
                                                                                                                                                              ;                    Tôn Thất  Đàn
Kính cẩn dâng lên hương
  hồn người anh thân yêu!
                                                                                                                                                                                    
              
               Cuộc sống đúng là “vô thường”, rủi  ro  không biết trước được. Có đó rồi mất đó. “Sinh, bệnh, lão, tử” con đường đó ai cũng phải đi qua. 70 năm cuộc đời tưởng là dài, nhưng cũng chóng qua như một giấc mơ!  Tiền tài, danh  lợi chỉ là phù du như nước chảy mây trôi. Khi buông xuôi hai tay không mang theo được gì, chỉ còn lại, phải chăng đó là lời thương tiếc và tấm lòng của những người còn ở lại ?

                 Hôm nay, nhân ngày  giỗ “mãn tang”  đánh dấu  3 năm ngày mất của anh, em  xin viết  những dòng nầy như một nén hương lòng dâng lên hương hồn anh, người anh trai thân yêu độc nhất của em hiện đang nằm yên nghỉ bên kia bờ Đại dương, đó là làng quê  Lập An (Thừa Thiên)  của nước Việt Nam thân yêu của chúng ta. Thật vậy, người ta thường nói :”Anh em như  thể tay chân”, thế mà nay anh đã ra đi vĩnh viễn, bỏ lại em một mình bơ vơ trên cõi đời nầy ! Ngặt một nỗi là anh em mình mồ côi cha quá sớm, mà mẹ sinh ra chỉ có hai anh em mình thôi, nên một đời chúng mình sát cánh bên nhau, khi nghèo khổ cũng như lúc thịnh vượng , anh em mình vẫn chia sẻ cùng nhau.

                 Anh thân yêu, em còn nhớ hồi em còn nhỏ dại, anh chỉ có một mình em là đứa em độc nhất của anh, nên anh cưng chìu em nhiều lắm ! Đến năm lên 10 tuổi, em được mẹ cho lên tỉnh học tiếp bậc Trung học, còn anh là anh trai lớn phải ở lại nhà để đỡ đần  công việc cho mẹ. Thế mà anh cũng vui vẻ, sẵn sàng hy sinh cho em mình được ăn học hơn mình, còn anh phải chịu  thiệt  thòi vì gia đình còn nhiều khó khăn! Tuy vậy, thỉnh thoảng anh  cũng còn lặn lội lên tỉnh để thăm em và cho em tiền nữa . Anh thật thương em nhiều quá! . Không những thế, có những lần anh dẫn em đi chơi cùng chúng bạn qua những khe suối ở quê mình, qua những hồ nước sâu, mặc dầu em cũng có thể lội qua được, thế mà vì thương em, anh không ngần ngại cõng em trên lưng băng qua hồ nước để cho em khỏi  ướt áo quần. Những cử chỉ tuy nhỏ nhặt như thế, mà nay mỗi lần nhớ lại, em thấy thương anh vô cùng ! Người ta thường nói :”Những gì  khi mất đi rồi, thì mình mới thấy quý!”. Đúng như vậy, em rất trân trọng những kỷ niệm của anh em mình !  Còn nhiều nữa anh à ! Anh và em còn rất nhiều kỷ niệm mà em không bao giờ quên được. Anh còn nhớ không? Hồi đó nhà mình nghèo lắm, một mình mẹ không thể xoay xở cho em ăn học đến nơi đến chốn được. May nhờ có người giới thiệu cho em vào Đà Nẵng , làm “gia sư” cho mấy đứa con của một gia đình khá giả để có chút tiền tiếp tục học cho hết cấp 3. Ngày đó anh đã vào quân ngũ và đang phục vụ ở tận miền Tây nam vùng sông nước Hậu giang, thế mà anh cũng lặn lội bay ra tới Đà Nẵng thăm em cho bằng được trước khi về quê gặp mẹ, chỉ ngắn ngủi trong mấy ngày phép. Tiền lương của lính hồi đó quá ít ỏi, thế mà anh cũng dành dụm được để chia sẻ cho em chút đỉnh để em tiêu dùng. Ôi, tình huynh đệ thật là thắm thiết !
               Sau ngày học hết cấp 3, em cũng đã đến tuổi trưởng thành. Em đã tình nguyện vào trường “Võ khoa Thủ Đức” để theo nghiệp đao binh. Em nhớ hồi đó em đang thụ huấn tại trường “Bộ binh Thủ Đức”, còn anh thì đang đồn trú trên miền cao nguyên Ban Mê Thuột  gió núi mưa mùa. Thế mà anh cũng xin được phép bay về Sài Gòn, ghé  vào Thủ Đức để thăm em. Nhưng xui cho anh em  mình là hôm đó đại đội sinh viên của em đang học môn “chiến thuật”  phải ở lại  “bãi”  tại đồi “Tăng Nhơn Phú”. Thế  nhưng,  anh xin  thế nào mà quân trường cũng đã cho anh “quá giang”  theo xe  tiếp tế cơm nước cho sinh viên ăn trưa ngoài  “bãi” để gặp em bằng được. Anh em gặp nhau mừng  mừng  tủi  tủi, ngồi bên nhau khóc suốt  trong một  tiếng đồng hồ ngắn ngủi. Hồi giữa thâp niên  1960  - 1970  chiến trường miền Nam đang đến hồi khốc liệt, anh em gặp nhau đó, rồi không biết còn có ngày gặp lại nhau nữa không?

               Đúng như những suy tư của những người lính đã lên đường vì lý tưởng bảo vệ quê hương. Qua 10 năm chinh chiến trong quân ngũ, em đã 4 lần bị thương phải vào quân y viện. Đến lần sau cùng năm 1972, khi tỉnh Quảng Trị bị mất vào tay Cọng Sãn Bắc Việt thì em cũng bị Cộng quân bắt làm tù binh  và đưa ra giam giữ  tại “Cao Bắc Lạng”. Mẹ chỉ còn một mình anh như “ngọn đèn trước gió”, không biết ngày nào mẹ trở thành “mẹ liệt sĩ” nữa đây? Còn em, thì xem như không còn trên cõi đời nầy nữa rồi ! Vì biết bao giờ em mới trở về với gia đình được?

               Nhưng ông Trời còn thương anh em mình !  Em vẫn còn sống sót đến ngày “trao trả tù binh”  sau khi hiệp định Paris được ký kết vào ngày 27/1/1973. Em nhớ một kỷ niệm khó quên trong đời của anh và em, là ngày Mẹ và anh đã ra tận bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị) để chờ đón em trong suốt hai tuần lễ  “trao trả tù binh”. Hồi đó anh đang đóng quân ở Phú Bài (Huế), thế mà ngày nào anh cũng chạy xe vào tận Lăng Cô (Hải Vân),  đưa mẹ ra đến bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị) để chờ ngóng đứa con trai của mẹ, và đứa em trai độc nhất của anh trở về từ ngục tù Cọng Sãn!  Trong suốt thời gian “trao trả tù binh”, ngày nào cũng như ngày nào, mẹ và anh đều  kiên  trì có mặt ngồi chờ em bên bờ Nam sông Thạch Hãn , chờ đợi trong sự  lo âu, phập phồng  không biết con em mình có được trao trả về không?  Cho đến ngày cuối cùng, đó là ngày 23/3/1973, em mới được trả về trong sự hân hoan  và nhiều nước mắt của mẹ và anh!  Mẹ và anh đã ôm chầm lấy em và khóc trong sự vui mừng, vì đã gặp được người con đã chết đi, nay đã được sống  lại trở về ! Em nghe mẹ nói : “Cám ơn Trời Phật đã cho con trai của con sống sót trở về!”. Còn anh thì  lo ra ngoài  mua bánh mì, nước ngọt, trái cây cho  em, anh thì lúc nào cũng  lo cho em bị đói khát, thiếu thốn lâu ngày trong ngục tù Cọng Sãn mà thôi ! Em rất cảm động trước tấm lòng chân thành và tình thương của anh đã dành cho  em !  Anh ơi, tình huynh đệ đó biết bao giờ mới phai mờ được? !
               Rồi tưởng rằng anh em mình lại được gần nhau.  Ai ngờ ngày đen tối 30/4/1975 lại ập đến, nhấn chìm tất cả miền Nam Việt Nam dưới bàn tay sắt máu của Cọng Sãn Bắc Việt. Em cũng như tất cả các Sĩ quan dưới chế độ cũ đều phải tập trung đi  tù “cải tạo”, còn anh thì may mắn được “cải tạo” ngắn ngày tại địa phương, nhưng cũng đói rách, khổ sở không thua gì những người như chúng em phải bị đọa đày nơi rừng thiêng nước độc. Đó là dã tâm của Cọng Sãn  để trả thù những tầng lớp Sĩ quan QLVNCH  làm cho họ  phải chết dần chết mòn nơi rừng hoang mà không tốn một viên đạn nào của chúng, và khỏi phải  mang tiếng  là  bọn “diệt chủng”  trước mắt quốc tế!  Nhưng lần tù thứ hai nầy em lại phải phấn đấu lâu dài hơn những 6 năm để được sống còn mà trở về với gia đình!  Sau 10 năm sống ở ngoài trại tù lớn (trong tù là trại tù nhỏ, ra ngoài đời là trại tù lớn) , mặc dầu trong thời kỳ “bao cấp”  ăn bo bo, cơm độn khoai sắn, nhưng anh em mình vẫn thấy vui, vì lâu lâu còn được gặp lại nhau trong những dịp chạp, giỗ  hoặc những  lần tang, hôn,  tương tế trong dòng tộc mình. Nhớ lại những ngày đó thấy cũng vui vui anh nhỉ !
               Rồi thời gian qua mau, ông Trời vẫn còn thương  mình !  “Sau cơn mưa trời lại sáng”, em cùng gia đình được đi định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Em và gia đình lại phải vất vả phấn đấu để làm lại từ đầu. “Vạn sự khởi đầu nan”, sau hơn 20 năm sống đời tỵ nạn trên xứ người, cám ơn Trời, nay gia đình em cũng đã ổn định, con cái đều đã thành đạt. Riêng gia đình anh, nhờ có vài người con vượt biên được ra nước ngoài, nên kinh tế cũng  có phần khả quan hơn.

               Nhưng than ôi, ông Trời không chìu lòng người, lại để cảnh đau đớn xãy ra cho  anh!  Mấy năm sau nầy em được tin anh đã quá yếu, ra vào bệnh viện liên miên vì bệnh “tiểu đường” quá nặng, và chứng biến “ung thư ruột già” đã đến giai đoạn cuối !   Em  ngỡ chắc cũng còn thời gian, thế nào em cũng sẽ về để thăm anh một lần cuối ! Nhưng không, anh đã ra đi quá bất ngờ ! Em không được gặp mặt anh một lần cuối, không nói với anh được một lời sau cùng ! Em đã khóc thật nhiều vì quá thương anh!  Em hối hận vì hồi anh còn sinh tiền nhiều lúc em đã làm cho anh buồn lòng, nay anh không còn nữa để cho em nói một lời xin lỗi!  Em vội mua vé phi cơ gấp, để bay về VN cho kịp nhìn mặt anh lần cuối!  Nhưng khi đến nơi thì thân xác anh đã được“ liệm”  trong quan tài, nhưng nắp hòm chưa đậy lại, vì gia đình đang  đợi  em về để cho em được nhìn mặt anh một lần sau cùng !  Anh nằm đó như đang ngủ, nhưng đôi mắt anh vẫn khép hờ như  đang còn mong đợi một điều gì đó !  Em đưa tay vuốt mắt cho anh và nói với anh vài lời từ biệt, khi đó đôi mắt anh mới thật sự nhắm lại vĩnh viễn!  Anh ơi, tình huynh đệ sao mà thiêng liêng quá!  Vì anh chỉ có một mình em là em ruột của anh thôi, nên anh đã đợi  em về với anh, rồi anh mới thật sự ra đi phải thế không anh?!

               Anh thân yêu, anh nằm đó với đại gia đình ruột  thịt của anh, đang khóc thương về anh, và nguyện cầu cho anh sớm được siêu thoát !  Còn em, thì tim em như quặn thắt lại vì nỗi cãm thương cho số phận của anh đã trải qua biết bao đắng cay vất vả của cuộc đời nầy ! Như anh đã từng nói với em nhiều lần rằng:”Trần gian nầy là cõi tạm, là “vô thường”,  phải thế không anh?  Và em nhớ, cũng có lần anh đã kể cho em nghe câu chuyện của Ngài Đại Đế  Alexander  khi sắp chết  đã trăn trối với các quan trong Triều rằng : ”Khi Ta chết, Ta muốn hai bàn tay của Ta lắc lư đong đưa trên không, thò ra khỏi quan tài để cho mọi người thấy rằng, chúng ta đến với thế gian nầy với hai bàn tay trắng, và khi rời khỏi  thế  gian nầy, chúng ta cũng chỉ có hai bàn tay trắng mà thôi ! ”. Vậy anh cứ thanh thản ra đi mà không còn phải luyến tiếc một  điều  gì trên cõi đời  ô trọc nầy nữa anh nhé !  Vì chúng ta chỉ là khách du lịch qua cuộc đời nầy thôi ! Rồi anh em mình cũng  sẽ  có ngày gặp lại nhau ở một nơi vĩnh hằng nào đó ! Phải thế không anh ?

               Giờ đây em tiễn đưa linh cữu  anh ra nghĩa  trang, nơi an nghỉ cuối cùng của anh!  Đó là làng Lập An (Thừa Thiên), nơi quê cha đất tổ, và là quê hương nhỏ bé của anh em mình!  Đó là nơi mà anh và em đã sinh ra, và cất tiếng khóc đầu đời !  Và đó cũng là nơi mà anh  em  mình đã  từng nghe  tiếng  ru  à  ơi  của mẹ bên vành nôi  tự  thuở mới  lọt  lòng ! Và giờ đây, nơi đó đã có một  “lăng mộ quy”  của  dòng  tộc mình, mà hồi còn sinh tiền  anh đã dày công xây dựng. Chung  quanh đã được  anh cho xây tường thành bao bọc rất vững chắc. Nơi mà  ông  bà, cha mẹ và tất cả con cháu trong dòng  tộc mình đều đã được quy về một mối, và đều được tráng  ciment,  ốp đá, trông rất mỹ  thuật. Phong cảnh ở đây  thật hữu tình!  Sau  khi  an táng xong phần mộ của anh,  em đứng đây cảm khái nhìn ra biển xanh, núi  biếc  với  những  rặng cây “bạch đàn”  thẳng  tắp vi vu  trong chiều gió lộng !  Ôi, cảnh vật thiên nhiên ở đây sao mà đẹp quá !  Em hứa với anh rằng , em sẽ về lại chốn nầy, nơi mà em đã đặt sẵn một ngôi mộ cho chính mình tại “lăng mộ quy” nầy của dòng  tộc! “Tro bụi, trở về với bụi tro”. Ước nguyện của em  là sau khi chết,  thân xác em sẽ được “hỏa  thiêu”, tro cốt được đem về nằm ở  “lăng  mộ  quy” nầy để được gần với ông bà, tổ tiên và để được trở về với cội nguồn !  Đó là ước nguyện của em, nhưng không biết  mai nầy có được toại nguyện hay không ? !

               Anh thân yêu !  Em biết anh thương em nhiều  lắm, vì mẹ chỉ sinh ra được có hai anh em mình !  Vì thế, lắm lúc em cũng ưa nũng nịu với anh để được anh nuông chìu vậy thôi !  Nhưng  cũng có lúc em đã làm nhiều điều lỗi lầm để cho anh phải buồn  lòng !  Anh ơi, em xin lỗi anh rất nhiều và thật nhiều hơn cả những gì  đong  đếm được  anh nhé !  Những dòng nầy  như một nén hương  lòng  kính cẩn dâng lên hương hồn người anh  thân yêu của em !  Ở một nơi nào đó  trên cõi vĩnh hằng, xin anh hãy luôn nhớ đến đứa em độc nhất của anh đang sống  đơn  côi  trên cõi đời nầy, và phù hộ  cho  nó thật nhiều anh nhé !  ./.

Tôn Thất Ðàn

Mục Lục