Friday, May 15, 2009

Đào và Đào Nguyên.
Một trong những áng văn chương nổi tiếng đề cập đến hoa đào là bài Đào Hoa Nguyên Ký, tức “chép chuyện suối hoa đào”, của Đào Tiềm (365-427), nhà thơ sống đời nhà Tấn.
.
Trong Đào Hoa Nguyên Ký, Đào Tiềm thuật chuyện một ngư phủ đời nhà Tấn (245-419) tình cờ trông thấy những đóa hoa đào theo dòng nước trôi ra từ khe núi. Ông bơi thuyền ngược dòng tìm chỗ hoa phát xuất, đi mãi thì gặp một thôn xóm ở giữa rừng đào có đông dân cư đang sống cuộc đời thanh bình nhàn hạ. Người ngư phủ hỏi chuyện mới biết tổ tiên của họ vốn người nhà Tần, nhưng không chịu nổi sự hà khắc của Tần Thủy Hoàng nên rủ nhau lên chốn ấy lập nghiệp đã nhiều đời. Ngư phủ ở lại chơi mấy ngày rồi trở về. Sau một thời gian, ông quay lại để tìm chốn đào nguyên ấy nhưng không tìm thấy. Bài ký của Đào Tiềm đã tác động mạnh đến các văn thi nhân đời sau, đặc biệt là những người chán ngán hư danh và cõi đời đầy tục lụy. Đối với những người này, chốn Đào Nguyên trong bài ký của Đào Tiềm trở thành một ám ảnh thường trực trong tâm trí họ. Đến đời nhà Đường, Trương Húc (713-763), người nổi tiếng nhất Trung Hoa về thư pháp nhất là lối thảo thư, trông thấy hoa đào trôi theo dòng nước, đã nhớ đến Đào Hoa Nguyên Ký mà cảm xúc viết nên bài Đào Hoa Khê (Suối Hoa Đào) sau đây:

.Ẩn ẩn phi kiều cách dã yên,
Thạch ky tây bạn vấn ngư thuyền.
Đào hoa tận nhật tùy lưu thủy,
Động tại thanh khê hà xứ biên?
Thấp thoáng cầu treo cách khói đồng,
Bờ tây ghềnh đá hỏi ngư ông.
Hoa đào trôi mãi theo dòng nước,
Động ở bên nào mé suối trong?
(Khương Hữu Dụng dịch)
.
Sau khi bài ký của Đào Tiềm được truyền tụng, người đời sau thường dùng chữ đào nguyên hoặc động đào để chỉ chốn tiên cảnh, hay những nơi con người sống an nhàn, hạnh phúc.
Trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du đã dùng điển tích vừa kể khi tả cảnh Kiều nằm mộng thấy Đạm Tiên:
.
Chào mừng đón hỏi dò la:
Đào nguyên lạc lối đâu mà đến đây ?
.
Nhà thơ Tản Đà cũng đã mượn hình ảnh hoa đào để diễn tả cuộc tương duyên kỳ ngộ của Lưu Thần và Nguyễn Triệu với hai tiên nữ Ngọc Kiều và Giáng Tiên nơi chốn Thiên Thai:
.
Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai
Suối tiễn, oanh đưa, luống ngậm ngùi
Nửa năm tiên cảnh
Một bước trần ai
Ước cũ, duyên thừa có thế thôi
Đá mòn, rêu nhạt
Nước chảy, huê trôi
Cái hạc bay lên vút tận trời
Trời đất từ đây xa cách mãi
Cửa động
Đầu non
Đường lối cũ
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi !
.
Điển tích Thiên Thai cũng được cụ Nguyễn Du sử dụng khi tả cảnh Thúy Kiều vạch hàng rào chui sang tình tự với Kim Trọng (thật là táo bạo):
.
Xắn tay mở khóa động đào,
Rẽ mây trông tỏ lối vào thiên thai. Đào và Mỹ Nhân
.
Hoa đào có sắc phơn phớt hồng như mầu má thiếu nữ nên thường được cổ nhân dùng để chỉ người con gái đẹp. Bài thơ dân gian Đào Yêu do đức Khổng Tử ghi lại khi san định Kinh Thi có những câu:
.
Đào chi yêu yêu,
Chước chước kỳ hoa,
Chi tử vu qui,
Nghi kỳ thất gia.
Mơn mởn đào tơ,
Rực rỡ nở hoa,
Cô ấy lấy chồng,
Êm ấm cửa nhà.
.
Lịch sử Trung Hoa có câu chuyện sau:
.
Vào thời Xuân Thu, nước Sở là một cường quốc nên các tiểu quốc ở những vùng chung quanh đều phải phục tùng cống lễ. Trong số này có nước Tức. Tức hầu kết hôn với một phụ nữ nước Trần gọi là Tức Vĩ. Tức phu nhân có nhan sắc tuyệt trần, dáng người tha thướt, tính tình lại đoan chính. Đặc biệt, nàng có đôi má thắm hồng như mầu hoa đào nên được người đời tặng cho danh hiệu “đào hoa phu nhân”.
.
Vì tư thù với Tức hầu nên Sái hầu của nước Sái tán dương sắc đẹp của Tức phu nhân với Sở Văn Vương, cốt để vua Sở chiếm đoạt nàng. Nghe Tức hầu tả người đẹp “mắt như thu thủy, má ửng hoa đào, mình mai vóc liễu, uyển chuyển gót sen”, vua Sở động lòng, giả kế đi tuần du qua nước Tức để gặp Tức Vĩ. Khi vua Sở đến, Tức hầu ra nghênh đón rồi mở đại tiệc tiếp đãi. Trong tiệc, Sở Văn Vương truyền Tức Vĩ ra dâng rượu. Không dám trái ý, Tức Vĩ ra rót rượu nhưng lại trao cho một cung nữ dâng lên vua Sở. Trông thấy người ngọc, vua Sở muốn chiếm đoạt nên giả cớ tức giận truyền bắt Tức hầu. Được tin, Tức Vĩ đau đớn than “Ôi, rước cọp vào nhà nên mới sinh họa” rồi chạy ra vườn hoa định nhẩy xuống giếng tự trầm. Tướng nước Sở là Đấu Đan kịp ngăn cản và bảo: “Phu nhân không muốn sống để cứu mạng chồng sao?”. Tức Vĩ nghe nói mà lặng thinh, không quyết đoán được. Đấu Đan dẫn nàng vào nạp cho Sở Văn Vương. Vua Sở liền phong nàng là phu nhân. Tức hầu bị đầy ra một một vùng đất gọi là Nhữ Thủy rồi qua đời vì đau buồn sau một thời gian ngắn.
.
Túc Vĩ về với vua Sở, sinh được hai con là Hùng Hi và Hùng Vận. Sau khi Sở Văn Vương mất, Hùng Vận lên nối ngôi lấy hiệu là Sở Thành Vương. Tuy được Sở Văn Vương sủng ái nhưng Tức Vĩ vẫn còn phẫn uất nên suốt đời không nói lời nào với vua. Có lần vua hỏi vì sao nàng im lặng, nàng trả lời: “Tôi thân đàn bà mà thờ hai chồng, đã không chết được thì còn nói năng gì nữa”. Sau khi Tức Vĩ mất, người nuớc Sở cảm thương tấm lòng trung trinh của nàng nên lập miếu thờ, gọi là Đào Hoa Phu Nhân Miếu.
.
Về sau, Vương Duy, một thi sĩ nổi tiếng vào đời Đường, đã có bài tuyệt cú “Tức Phu nhân“ để ca ngợi Tức Vĩ:
.
Mạc dĩ kim thời sủng,
Năng vong cựu nhật ân.
Khán hoa mãn nhãn lệ,
Bất cộng Sở Vương ngôn.
Đâu phải vì sự sủng ái bây giờ,
Mà có thể quên được ân tình ngày xưa.
.
Ngắm hoa mà lệ chứa chan đôi mắt, Không nói một lời nào với vua Sở.
Cũng vì câu chuyện Đào Hoa Phu Nhân, người đời sau thường dùng chữ “số hoa đào” để ám chỉ những phụ nữ có sắc tài nhưng bạc mệnh. Trong Đoạn Truờng Tân Thanh, cụ Nguyễn Du đã tả cảnh Thúy Kiều bị đẩy vào thanh lâu lần thứ hai qua hai câu sau:
Chém cha cái số hoa đào
Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi!
Trong Cung Oán Ngâm Khúc, cụ Nguyễn Gia Thiều đã mượn hoa đào để tả nhan sắc khuynh thành của người cung nữ:
Áng đào kiểm đâm bông não chúng,
Khoé thu ba dợn sóng khuynh thành.
Bóng gương lấp ló trong mành,
Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa

Bài Thơ Của Thôi Hộ:

.Một Giai Thoại Tuyệt Đẹp .
.
Người Trung Hoa có cả một kho tàng về điển tích. Những điển tích này không những chỉ làm giầu cho văn học nước họ mà còn làm phong phú thêm nền văn chương bác học Việt Nam vốn chịu ảnh huởng nhiều từ Trung Hoa. Có thể nói, Truyện Kiều khó trở thành một tác phẩm bất hủ của dân tộc Việt nếu cụ Nguyễn Du không sử dụng một cách tài tình những điển tích từ văn học Trung Hoa. Trong số những điển tích ấy, có lẽ điển tích về mỹ nhân và hoa đào sau đây là đặc sắc hơn cả.
.
Thôi Hộ, người quận Bắc Lăng, nay thuộc tỉnh Trực Lệ, Trung Hoa, sống dưới thời vua Đường Đức Tông (780-805), vốn là người phong lưu, tuấn nhã, và giỏi thơ phú. Một hôm, nhân tiết Thanh Minh, chàng cất bước dạo chơi ở phía Nam thành Lạc Dương. Trông thấy một khuôn viên trồng đào, hoa đương độ nở rất đẹp, Thôi Hộ đến gõ cổng để xin nước uống. Chốc sau, có một thiếu nữ nhan sắc diễm lệ bước ra, đứng vịn cành đào, e ấp trao chàng cốc nước. Uống xong, chàng ngẩn ngơ ra đi.
Năm sau, cũng dịp tiết Thanh Minh, Thôi Hộ trở lại chốn cũ nhưng chỉ thấy cổng đóng then cài, gọi mãi mà chẳng ai đáp lại. Lòng âu sầu tưởng nhớ bóng hình xưa, chàng lấy giấy bút viết bài thơ dán trên cánh cổng rồi bỏ đi.
.
Vài ngày sau, không cầm đuợc nỗi nhớ nhung, Thôi Hộ trở lại chốn cũ. Vừa đến cổng, chàng đã nghe tiếng khóc than vẳng ra từ trong nhà. Chàng tần ngần gõ cổng. Một ông lão bước ra và hỏi có phải chàng là người đề thơ trên cổng. Nghe Thôi trả lời, ông lão kể cho chàng là ngày hôm ấy hai cha con đi viếng chùa. Khi trở về, con gái ông đọc bài thơ xong, sinh lòng tương tư đến mất ăn, mất ngủ nên đã lâm bệnh nặng rồi qua đời, xác đang quàn trong nhà. Thôi Hộ đau đớn xin gia chủ cho vào thăm nàng lần cuối. Vào đến nơi, Thôi thấy người con gái tuy đã tắt thở nhưng da thịt còn ấm và sắc mặt vẫn tươi mầu hoa đào. Chàng quỳ xuống bên xác nàng khóc than, kể lể. Bỗng dưng người con gái sống lại. Sau đó, hai người kết duyên chồng vợ và sống hạnh phúc đến trọn đời. Đến năm Trinh Nguyên thứ 12 (796), Thôi Hộ thị đậu tiến sĩ, được phong chức tiết độ sứ Lĩnh Nam
Bốn câu thơ của Thôi Hộ nhuốm mầu sắc của một huyền thoại, thật nên thơ và lãng mạn. Người đời sau đặt tên cho bài thơ là “Đề đô thành Nam Trang”, tức “Đề (thơ) ở trang viện phía Nam thành Đô”. Có người lại đặt là “Đề tích sở kiến xứ”, tức “Đề nơi gặp gỡ năm trước”.
.
Nguyên văn bài thơ như sau:
.
Khứ niên kim nhật thử môn trung,
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.
Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.
Dịch nghĩa:
Năm ngoái, hôm nay tại cổng này,
Mặt người và hoa đào phản chiếu sắc hồng lẫn nhau.
(Bây giờ) Mặt người không biết đã về chốn nào,
(Chỉ còn) Hoa đào vẫn cười với gió đông như cũ.
Cụ Trần Trọng Kim đã chuyển dịch bài thơ bằng những vần lục bát:
Hôm nay, năm ngoái, cửa cài,
Hoa đào ánh với mặt người đỏ tươi.
Mặt người chẳng biết đâu rồi,
Hoa đào còn đó vẫn cười gió đông
Các cụ Đỗ Bằng Đoàn và Bùi Khánh Đản thì dùng tứ tuyệt như nguyên tác để dịch :
Năm ngoái ngày này dưới cánh song,
Hoa đào ánh má mặt ai hồng?
Mặt ai nay biết tìm đâu thấy,
Chỉ thấy hoa cười trước gió đông.
.
Bài thơ của Thôi Hộ thật hay, dù rằng người đọc có thể hiểu câu cuối theo những cách khác nhau. Có người bảo chữ “tiếu” trong câu này thật đắc, khiến chàng Thôi có cảm tưởng như rừng đào đang mỉm cười chế nhạo nỗi tình si của mình. Có người cho rằng hình ảnh hoa với gió trong câu thơ đã tô đậm thêm nỗi cô đơn của chàng. Hoa còn có gió để cười, còn chàng thì đang buồn bã vì chẳng gặp được người năm cũ.
.
Chúng ta có thể không hiểu rõ ý của tác giả trong câu thơ cuối. Dù là ý nào đi nữa, bài thơ cũng là một tuyệt tác.
.
Tuy nhiên, có một chữ mà có lẽ đa số đã hiểu không đúng khi đọc bài thơ được phiên âm theo tiếng Hán Việt. Đó là chữ “đông” trong câu cuối. Chữ “đông” ở đây không phải là “mùa đông” (冬) mà chính là “hướng đông” 東). Cổ nhân vẫn dùng chữ “đông phong” để chỉ gió xuân vì ở Trung Hoa và Việt Nam, chỉ mùa xuân mới có gió từ hướng đông, tức từ biển, thổi đến. Chữ “đông” trong bài thơ không thể là mùa đông vì tiết Thanh Minh là tiết thuộc mùa xuân, khoảng giữa tháng ba âm lịch: “Thanh minh trong tiết tháng ba, Lễ là tảo mộ, hội là Đạp thanh” (Truyện Kiều). Thêm nữa, mùa đông thì làm gì có hoa đào. Cũng vì vậy, hầu hết những bản in bài thơ chữ Hán của Thôi Hộ người viết đã từng đọc đều ghi “đông phong” (東 風) theo nghĩa gió hướng đông. Một số bản, ở cả Trung Hoa lẫn Việt Nam, trong đó có bản đăng trong tập Đường Thi của cụ Lệ Thần Trần Trọng Kim, lại ghi “xuân phong” (春 風) theo nghĩa gió mùa xuân. Tuy nhiên, mặc dù bản chữ Hán ghi “xuân phong” nhưng cụ Trần Trọng Kim vẫn dịch là “Hoa đào còn đó vẫn cười gió đông” như đã nêu ở trên. Đối với nguyên tác bài thơ của Thôi Hộ, có lẽ “đông phong” hợp lý hơn “xuân phong”. Lý do là cổ nhân thường gọi gió theo phương hướng chứ không theo mùa màng. Theo cách thức này, bốn ngọn gió chính của bốn mùa là gió Đông vào mùa xuân, gió Nam mùa hạ, gió Tây mùa thu, và gió Bắc mùa đông. Những câu thơ nêu sau là những thí dụ điển hình:
.
“Đông phong” bất dữ Chu Lang tiện,
Đồng Tước xuân thâm tỏa nhị Kiều.
(Đỗ Mục, Xích Bích Hoài Cổ)
Gió đông ví không thuận tiện cho Chu Du,
Thì đài Đồng Tước đã khóa hai nàng Kiều trong mùa xuân muộn.
Ngũ nguyệt “nam phong” hưng,
Tư quân há Ba Lăng.
Bát nguyệt “tây phong” khởi,
Tưởng quân phát Dương Tử.
(Lý Bạch, Trường Can Hành)
Tháng năm khi gió nam thổi,
Thiếp nghĩ chàng đang đi xuống huyện Ba Lăng.
Tháng tám khi gió tây thổi,
Thiếp nghĩ chàng đang từ sông Dương Tử ra đi.
Thiên lý hoàng hôn bạch nhật huân,
“Bắc phong” xuy nhạn tuyết phân phân.
(Cao Thích, Biệt Đổng Đài)
Nghìn dặm hoàng hôn, ánh chiều tắt bóng,
Gió bắc thổi, đàn nhạn bay trong trời tuyết rơi
.
Ở nước ta, gió đông còn gọi là gió chướng, gió nam là gió nồm, gió tây là gió
lào, và gió bắc là gió bấc.
.
Khi viết Đoạn Trường Tân Thanh, cụ Nguyễn Du đã mượn điển tích Thôi Hộ để tả cảnh chàng Kim Trọng, sau khi hộ tang chú từ Liêu Dương trở về, sang vườn Thúy tìm Kiều thì mới hay nàng đã phải bán mình để chuộc cha:
.
Trước sau nào thấy bóng nguời,
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.
.
Một điểm nữa đáng lưu ý là cổ nhân thường dùng chữ “đông quân”, tức thần phương đông hay thần mặt trời, với nghĩa “chúa xuân” như hai câu sau của cụ Nguyễn Du:
.
Đào hoa mạc trượng Đông quân ý
Bàng hữu phong di tính tối toan.
Hoa đào chớ cậy chàng xuân quý
Dì gió hay ghen ở rất gần.
(Đông A dịch)
.
Nhân bàn về “đông phong” và hoa đào, người viết chợt nhớ là trong ngôn ngữ của Trung Hoa và Việt Nam, ta cũng không nói "đông đào" với nghĩa "đào mùa đông", mà với nghĩa "đào hướng đông". Về thuật phong thủy, tức khoa địa lý, ngày trước các cụ tin rằng không nên trồng đào ở hướng đông và liễu ở hướng tây. Vườn mà có đào và liễu trồng ở hai hướng này thì đàn bà con gái trong nhà sẽ trở nên đa tình, lãng mạn, và dễ hư hỏng. Vì vậy, chữ “đông đào” thường được dùng chung với tây liễu" để chỉ những cô gái có nếp sống phóng túng trong tình cảm. Ca dao mình có câu:
.
Nghĩ xa thôi lại nghĩ gần,
Làm thân con nhện mấy lần vương tơ.
Biết đâu trong đục mà nhờ,
Hoa thơm hết tiết nương nhờ vào ai?
Khi vin cành trúc, lúc dựa cành mai,
Đông đào tây liễu biết ai bạn cùng?
Đào và Thiền
.
Tuy hoa có nét đẹp thanh tao và đời sống ngắn ngủi, nhưng đào lại là loại cây chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết. Vì vậy, hoa đào đã được nhiều thiền sư Việt Nam, Trung Hoa, cũng như Nhật Bản sử dụng như những công án về Thiền. Không những thế, có những thiền sư đã nhờ hoa đào mà ngộ đạo. Trong những thiền sư này, vị được đề cập nhiều nhất có lẽ là thiền sư Linh Vân, người tỉnh Phúc Kiến, sống vào đời nhà Đường trong thế kỷ thứ 9. Thuở ấy, khi đang tu ở núi Đại Quy, bỗng một hôm thiền sư thấy hoa đào nở mà ngộ đạo. Từ đó, người chốn thiền lâm thường ví von ngài là “Linh Vân kiến đào hoa ngộ đạo”. Sau khi ngộ, ngài đã làm bài kệ sau đây:
.
Tam thập niên lai tầm kiếm khách,
Kỷ hồi lạc diệp hựu trừu chi.
Tự tùng nhất kiến đào hoa hậu,
Trực chí như kim cánh bất nghi.
Kiếm khách bao năm mãi đợi chờ,
Từng mùa lá đổ vẫn trăng mơ.
Một phen chợt thấy hoa đào nở,
Nghi sạch tiêu tan, sáng chẳng ngờ.
(Trí Không dịch)
.
Chùa Pháp Bảo ở Hội An, Quảng Nam hiện treo một một bức tranh diễn tả cảnh ngộ đạo của thiền sư Linh Vân. Trên bức tranh có khắc nguyên văn bài thơ chữ Hán nêu trên.
.
Thiền sư Linh Vân thấy hoa đào nở mà ngộ đạo. Đến hơn hai thế kỷ sau, thiền sư Thủ Tuân (1079-1134), lại thấy hoa đào rơi mà chứng ngộ. Hẳn là khi trông thấy hoa rơi, ngài nhận thức rõ rệt được quy luật “sinh, trụ, dị, diệt” của vũ trụ và kiếp người. Sau đó, thiền sư có viết bài kệ kể lại chuyện ngộ đạo của mình:
.
Chung nhật khán thiên bất cử đầu,
Đào hoa lạn mạn thủy đài mâu.
Nhiêu quân tiện hữu già thiên võng,
Thấu đắc lao quan tức tiện hưu.
Ngày trọn nhìn trời chẳng ngẩng đầu,
Ngước trông lả tả cánh hoa đào.
Che trời quanh bạn đều giăng lưới,
Chẳng vượt lao quan chẳng chịu nào.
(Nguyễn Khuê dịch)
.
Bài thơ của Thủ Tuân mang ý nghĩa thật thâm sâu. Câu đầu có vẻ nghịch lý vì làm sao có thể nhìn Trời mà không ngẩng đầu. Tuy nhiên, chữ Trời ở đây phải hiểu là Đạo. Trong biết bao năm dài, thiền sư đã học hỏi và suy ngẫm về Đạo. Có lẽ những cánh hoa đào rơi chỉ là cái duyên giúp ngài chứng ngộ. Trong câu thứ ba, thiền sư có ý nói con người chúng ta bị che phủ bởi tấm lưới vô minh của thất tình lục dục. Câu cuối cho thấy ngài quyết tâm phá lưới vô minh hầu có thể vượt qua được lao quan (thiền môn có ba cửa ải phải vượt qua là bản tham quan, trùng quan và lao quan).
Một thìền sư nổi tiếng của Việt Nam là sư tổ phái Trúc Lâm, tức vua Trần Nhân Tông, vị vua lừng lẫy trong lịch sử với hai lần đại thắng quân Nguyên. Năm 1293, ngài nhường ngôi cho con, lên làm thái thượng hoàng. Sáu năm sau, ngài lên núi Yên Tử tu. Khi ngộ đạo, ngài đã đi nhiều nơi để truyền bá Thiền tông. Một lần nọ, có vị tăng hỏi ngài:
.
- Thế nào là gia phong Phật quá khứ ?
Ngài trả lời:
Vườn rừng vắng vẻ ai chăm sóc,
Lý trắng đào hồng hoa tự nhiên.
Vị tăng hỏi tiếp:
- Thế nào là gia phong Phật hiện tại ?
Ngài đáp:
Gia phong sóng bạc mê yến sớm,
Tiên uyển đào hồng say gió xuân.
Lại hỏi:
- Ngài Linh Vân khi xem hoa đào ngộ thì thế nào ?
Ngài bảo ngay:
Tự nở tự tàn theo thời tiết,
Đông quân bị hỏi cũng khôn lời.
.
Rõ ràng là qua những câu trả lời nêu trên, có lẽ hoa đào đã chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc đời ngài.
***
Với những người yêu hoa đào, có lẽ một trong những cảnh đẹp nhất nhưng cũng não nề nhất là hình ảnh những cánh hoa rơi đầy mặt đất hoặc trôi theo dòng nước chẩy. Nhìn những xác hoa ấy, người yêu hoa không khỏi chạnh lòng khi cảm nhận bản chất phù du của kiếp hoa và cả kiếp người, như những câu thơ sau trong bài Mạn Hứng Thứ IX của Đỗ Mục:
.
Trường đoạn giang xuân dục tận đầu,
Trượng lê từ bộ lập phương châu.
Điên cuồng liễu nhứ tùy phong khứ,
Khinh bạc đào hoa trục thủy lưu.
Đau lòng vì xuân trên sông đã sắp hết,
Chống gậy đi dạo, đứng trên bãi sông hoa cỏ thơm.
Bông liễu bay điên cuồng theo gió,
Hoa đào trôi man mác theo dòng nước.
.
Ở nước ta, cụ Nguyễn Du cũng ngắm hoa đào mà cảm thán cho thân phận bằng những vần thơ mang âm hưởng khá yếm thế trong bài Hành Lạc Từ II như sau:
.
Sơn thượng hữu đào hoa,
Xước ước như hồng ỷ.
Thanh thần lộng xuân nghiên,
Nhật mộ trước nê trĩ.
Hảo hoa vô bách nhật,
Nhân thọ vô bách tuế.
Thế sự đa suy di,
Phù sinh hành lạc sự.
Tịch thương hữu kỹ kiều như hoa,
Hồ trung hữu tửu như kim ba.
Thuý quản ngọc tiêu hoãn cánh cấp.
Đắc cao ca xứ hảo cao ca.
......................................... Cổ kim hiền ngu nhất khâu thổ,
Sinh tử quan đầu mạc năng độ.
Khuyến quân ẩm tửu thả vi hoan,
Tây song nhật lạc thiên tương mộ.
Trên núi có hoa đào,
Tươi đẹp như lụa đỏ.
Sớm mai giỡn mầøu xuân
Chiều tối lăn bùn nhọ.
Hoa đẹp không trăm ngày,
Người sống không trăm tuổi.
Việc đời thay đổi luôn,
Kiếp người vui có hội Trên tiệc có gái đẹp như hoa,
Trong hũ có rượu như vàng pha.
Tiếng quản tiếng tiêu khoan lại nhặt,
Được lúc hát ca cứ hát ca.
............................................ Hiền ngu xưa nay một nấm mồ,
Con đường sống chết ai tránh khỏi.
Khuyên anh uống rượu rồi vui chơi,
Bóng xế hiên tây trời sắp tối.
(Nguyễn Thạch Giang dịch) .
.
Những câu thơ của cụ Nguyễn Du thật hay (thơ cụ bao giờ lại chả hay), nhưng “khuyên anh uống rượu rồi vui chơi” e không phải là lời khuyên tốt đẹp dành cho mọi người. Trong cõi nhân sinh, mấy ai được như cụ, thích thì cứ đối ẩm với gái đẹp, cứ hát, cứ ca. Tối về chong đèn làm thơ, dệt những vần như hoa như gấm để làm đẹp thêm tấm lòng bao thế hệ. Chúng ta không có tài như cụ, nghe lời cụ khuyên trong Hành Lạc Từ thì chắc chắn sẽ nhận lấy kết cục cay đắng trăm đường đấy.
Đồng ý là “Con đường sống chết ai tránh khỏi” nhưng hoa phải sống sao cho đẹp đời hoa, người sống sao cho đẹp kiếp người, dù đời sống chỉ vọn vẹn dăm ngày, nửa tháng, hay cả đến trăm năm. Trước cái bao la của vũ trụ và vô hạn của thời gian, dăm ba ngày hay trăm năm cũng chẳng có gì khác biệt. Điều quan trọng là sống sao cho xứng đáng.
.
Như những cánh hoa đào trong bài thơ Haiku, một lối thơ cô đọng nhưng hàm súc, của nhà thơ Nhật Bản Chora:
.
Gió và mưa
Giữa những cơn cuồng dại
Những cánh hoa đầu mùa
.
Đến mùa xuân, hoa đào nở. Gió và mưa không cản ngăn được điều này. Hoa tuy mong manh nhưng cũng vô cùng mãnh liệt, tuy đẹp dịu dàng nhưng cũng thật dũng cảm. Hoa vượt qua mọi thử thách sương hàn nắng gió để cống hiến vẻ đẹp cho đời. Chúng ta cũng phải như thế!
.
Và đến khi chúng ta phải ra đi, thì ra đi thanh thản và an nhiên tự tại.
An nhiên tự tại vì mình đã sống một đời đáng sống, một cuộc đời đẹp như kiếp hoa đào.
Nguyễn Ngọc Bảo
24/1/2007


No comments:

Post a Comment