Sunday, May 30, 2010

CHÀO LỄ MEMORIAL DAY 2010

HƯƠNG KHÓI ĐỪNG QUÊN NẤM MỘ NÀO
Trần Củng Sơn, May 28, 2010

Cali Today News - Hàng năm cứ đến ngày lễ Memorial Day – Chiến Sĩ Trận Vong của Hoa Kỳ, lòng tôi chợt bồi hồi nhớ đến hòan cảnh đất nước Việt Nam dù cuộc chiến đã chấm dứt nhiều năm rồi. Năm nay lễ nhằm Thứ Hai cuối tháng 5 tức là ngày 31-5-2010, người dân Mỹ được nghỉ ba ngày thứ bảy, chủ nhật và thứ hai, không khí lễ hội rộn ràng khắp nước.

Những lá cờ Hoa Kỳ được cắm trên các ngôi mộ nói lên sự kính nhớ những người chiến sĩ đã hi sinh cho tổ quốc này trong các cuộc chiến tranh. Cho dù những cuộc chiến tranh đã xảy ra đúng hay sai, vô lý hay hữu lý, thắng hay bại thì những người đã chiến đấu vì lý tưởng của họ đều được đồng bào cùng chiến tuyến vinh danh.

Cuộc nội chiến của hai miền Nam và Bắc của Hoa Kỳ xảy ra vào tháng 4 năm 1861 và kết thúc vào tháng 4 năm 1865 khi tướng Ulysses S Grant đánh bại tướng Robert E. Lee ở Virginia. Mặc dù thua trận nhưng sau này quốc hội Hoa Kỳ cũng đã công nhận đại tướng Lee là anh hùng của dân tộc, và nước Mỹ đã thóat khỏi ám ảnh của quá khứ nội chiến để tòan dân đồng lòng xây dựng trở thành siêu cường của thế giới.

Cuộc nội chiến Việt Nam đã chấm dứt vào tháng 4 năm 1975 nhưng vết thương chiến tranh cùng hận thù vẫn còn ray rức.

Lịch sử ghi lại vào thời nhà Trần khi đuổi được quân nhà Nguyên ra khỏi bờ cõi thì vua đã ra lệnh đốt hết tất cả các giấy tờ có liên quan đến những người đã cộng tác với giặc ngọai xâm, nói lên sự độ lượng tha thứ để mọi người cùng đòan kết tái thiết lại quê hương, cũng giống như trứơc đó vua đã mở hội nghị Diên Hồng để các bô lão đồng lòng nói lên tiếng nói chống giặc xâm lăng.

Trong hòan cảnh hiện nay khi mà mối nguy cơ bành trướng của đế quốc Trung Cộng qua việc lấn chiếm đất, rừng, đảo, biển của Việt Nam thì việc đòan kết tòan thể dân tộc mang dòng máu Lạc Hồng rất cần thiết để tạo nên sức mạnh để phát triển và sống còn trước các thế lực quốc tế xâm lấn.

Người Cộng Sản Việt Nam, kẻ chiến thắng trong cuộc nội chiến vừa qua, đã từng gọi quân đội Việt Nam Cộng Hòa là Ngụy nhưng mới đây thi sĩ Trần Mạnh Hảo đã viết bài thơ Người Anh Hùng Họ Ngụy ca ngợi trung tá hải quân Ngụy Văn Thà, hạm trưởng đã hi sinh trong trận hải chiến tháng 1 năm 1974 giữa hải quân Việt Nam Cộng Hòa và hải quân Trung Cộng tại đảo Hòang Sa: “Người yêu nước không thể nào là ngụy. Người chết vì nước như anh không thể nào là ngụy. Nhưng anh là Ngụy Văn Thà… Tên anh là lời thề độc. Phải dành lại Hoàng Sa.”

Luật sư Cù Hà Huy Vũ, con trai của thi sĩ Cù Huy Cận, ngày 5 tháng 3 đã phổ biến một bản Kiến Nghị Xây Dựng Đài Liệt Sĩ Hi Sinh Vì Sự Nghiệp Bảo Vệ Hòang Sa Và Trường Sa Của Việt Nam, trong đó có 58 công dân Việt Nam phục vụ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã anh dũng hi sinh trong chiến đấu chống ngọai xâm để bảo vệ quần đảo Hòang Sa. Kết thúc trận chiến, tòan bộ quần đảo Hoàng Sa đã bị nước ngoài xâm chiếm.

Người Cộng Sản Việt Nam lúc nào cũng nói câu hòa hợp hòa giải dân tộc nhưng thực tế họ chưa bao giờ thật tâm làm điều này. Trong một lần trao đổi câu chuyện với một nhà báo, anh này nói một ý tưởng đáng chú ý. Anh nói là ông Nguyễn Cao Kỳ, cựu Phó Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa, khi về cộng tác với với chế độ hiện tại, đã có ước muốn là được Hà Nội cho phép công khai thắp nén nhang tưởng niệm các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa tại nghĩa trang quân đội Biên Hòa. Dĩ nhiên đây là chỉ là một giả thuyết, có thể là tưởng tượng.

Nhưng nếu điều này xảy ra trong tương lai thì cũng là một điều nói lên sự thật tâm muốn hòa giải dân tộc của kẻ đang nắm quyền ở Hà Nội. Ngày đó đóa hoa đoàn kết dân tộc nở rộ. Nước Mỹ cả trăm năm trước đã làm được để hàn gắn cuộc nội chiến. Nước Đức đã làm được mặc dầu Tây Đức đã chịu nhiều thiệt thòi để bảo trợ cho Đông Đức khi cả hai miền thống nhất, bức tường Bá Linh xây năm 1961 đã bị đập bỏ vào năm 1989.

Mới đây nhất, Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn là Kenneth Fairfax cho biết là tình hình đấu tranh dân chủ nhân quyền tại Việt Nam sẽ còn tồi tệ cho đến khi nào đại hội đảng Cộng Sản lần 11 năm 2011 chọn được lãnh tụ mới. Trong lúc này, không cán bộ cao cấp nào muốn bày tỏ lập trường cởi mở vì khí thế bảo thủ đàn áp đang mạnh mẽ với sự ủng hộ của thế lực Trung Cộng. Mười mấy năm trước, ủy viên bộ chính trị Trần Xuân Bách, ứng viên sáng giá của chức tổng bí thư, người có đầu óc cởi mở đã bị hạ bệ, tiêu tan sự nghiệp chính trị.

Phong trào cởi mở và đổi mới từ thời Nguyễn Văn Linh năm 1986 đưa đất nước phát triển một phần và người tiếp tục phong trào này là Võ Văn Kiệt. Khi ông này chết một cách bí ẩn hai năm trước thì phong trào dân chủ bị đàn áp dữ dội, chủ quyền dân tộc bị đe dọa từ vụ bô xít tây nguyên đến việc ngư dân miền Trung bị Trung Cộng bắt giết ngoài khơi gần đảo Hòang Sa…

Câu nói dân gian thật chí lý: “Đi với Mỹ thì mất Đảng, đi với Tàu thì mất nước”. Lịch sử dân tộc đang đến một bước ngọăc quan trọng.

Đang là ngày thứ sáu, Rằm Tháng Tư Canh Dần, ngày Phật Đản, không khí hòa dịu lan khắp với tinh thần từ bi hoan hỉ của đạo Phật. Ngày Lễ Chiến Sĩ Trận Vong- Memorial Day 2010 đang tới.

Vẫn nhớ tới bài thơ thật cảm động, bài thơ này đọat giải ba trong một cuộc thi của báo văn nghệ quân đội thập niên 90 tổ chức, tình cờ đọc trên báo mua được từ trong nước gởi ra. Dù đọat giải ba, nhưng bài thơ thật hay, nhớ tới bây giờ hơn là hai bài giải nhất giải nhì kia.

Xin chép lại để cùng thưởng thức:

Vạt đồi yên nghỉ bao đồng đội.
Nhang còn một thẻ biết làm sao.
Thắp lên đành cắm nơi đầu gió.
Hương khói đừng quên nấm mộ nào”.

Người bạn nhớ ý thơ này, trong một lần về quê tảo mộ miền Trung, chỉ có trong tay một thẻ nhang và đã theo cách làm của tác giả bài thơ, cắm tất cả nhang ở đầu gió để hương thơm tỏa khắp các ngôi mộ.

Cũng mong là hương khói nhang thơm tỏa khắp các ngôi mộ của các chiến sĩ hai miền Nam Bắc trong chiến tranh Việt Nam vừa qua, tỏa khắp các ngôi mộ từ ngàn năm trước của những chiến sĩ vô danh đã hi sinh để bảo vệ giang sơn tổ quốc được như ngày hôm nay trên mảnh đất hình chữ S.

Xin cám ơn tác giả không nhớ tên của bài thơ bốn câu, tạo thi vị cho mấy dòng chữ này nhân mùa lễ Memorial Day 2010.

San Jose, 28-5-2010

Niềm đau sau cuọc chiến

Wednesday, May 26, 2010

Khi Bài Hát Trở Về :
Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ
KHI BÀI HÁT TRỞ VỀ
Trần Trung Đạo

Nếu phải xếp hạng những bài hát được sinh ra và lớn lên cùng với thăng trầm của đất nước, với thao thức của thanh niên, sinh viên, học sinh, với tâm trạng của những người lính trẻ trong cuộc chiến tranh tự vệ đầy gian khổ ở miền Nam trước đây, tôi tin, Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ của nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang sẽ là một trong những bài ca được xếp hàng đầu.

Không giống như một số hành khúc quen thuộc trong giới trẻ trước 1975 như Dậy Mà Đi của Nguyễn Xuân Tân, Tổ Quốc Ơi Ta Đã Nghe của La Hữu Vang thiết tha, mạnh mẽ nhưng chỉ giới hạn trong các phong trào sinh viên tranh đấu và ngay khi ra đời đã bị Đảng sử dụng cho mục đích tuyên truyền trong các trường đại học, các đô thị miền Nam, hay Việt Nam Việt Nam của Phạm Duy chan chứa tình dân tộc, kêu gọi người người thương mến nhau nhưng thiếu đi cái hùng khí, sôi nổi của tuổi trẻ, Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ của Nguyễn Đức Quang không dừng lại ở nỗi đau của đất nước mà còn nói lên cả những bi thương, công phẫn, thách đố của tuổi trẻ Việt Nam trước những tàn phá của chiến tranh và tham vọng của con người. Trong vườn hoa âm nhạc Việt Nam, Việt Nam quê hương ngạo nghễ nổi bật lên như một biểu tượng cho khát vọng của một dân tộc đã vượt qua bao nhiêu gian nan khốn khó để tồn tại và vươn lên cùng các dân tộc khác trên mặt đất nầy.

Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn
Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang
Lê sau bàn chân gông xiềng của thời xa xăm
Đôi mắt ta rực sáng theo nhịp xích kêu loang xoang.

Lời nhạc của Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ tương đối khó nhớ nhưng nhờ cách sử dụng ngôn ngữ trẻ trung, mạnh mẽ, tượng thanh, tượng hình như “tiếng cười ngạo nghễ”, “xích kêu loang xoang”, “trên bàn chông hát cười đùa vang vang” hay “Da chân mồ hôi nhễ nhại cuộn vòng gân trời” đã làm cho Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ trở thành độc đáo, không giống như những bài ca yêu nước khác với những ý tưởng quen thuộc và lời ca phần lớn là lập lại nhau. Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ đẹp tự nhiên như một đoá lan rừng, không mang màu sắc chính trị, không nhằm cổ võ hay biện minh cho một chủ nghĩa nào, không cơ quan nhà nước nào chỉ đạo thanh niên sinh viên học sinh phải hát và bài hát cũng chẳng nhằm phục vụ lợi ích riêng của chính quyền, tôn giáo hay đảng phái chính trị nào.

Trước 1975, từ thành phố đến thôn quê, từ các trường trung học tỉnh lẻ đến đại học lớn như Huế, Sài Gòn, từ các phong trào Hướng Đạo, Du Ca đến các tổ chức trẻ của các tôn giáo như Thanh niên Công giáo, Gia đình Phật tử, từ các quân trường Đà Lạt, Thủ Đức, Quang Trung, Nha Trang đến các tổ chức, đoàn thể xã hội từ thiện đều hát Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ.

Sau 1975, bài hát theo chân hàng trăm ngàn sĩ quan và viên chức miền Nam đi vào tù. Nhiều hồi ký, bút ký kể lại Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ đã được hát lên, kín đáo hoặc cả công khai, ở nhiều trại tù khắp ba miền đất nước. Trong tận cùng của đói khát, khổ nhục, đớn đau, Việt Nam quê hương ngạo nghễ đã hoá thành những hạt cơm trắng, hạt nếp thơm nuôi sống tinh thần những người lính miền Nam sa cơ thất thế.

Những năm sau đó, bài hát, như tác giả của nó và hàng triệu người Việt khác lên đường ra biển tìm tự do. Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ lại được hát lên giữa Thái bình dương giông bão, hát lên ở các trại tị nạn Palawan, Paula Bidong, Panat Nikhom trong nỗi nhớ nhà, hát lên ở Sungai Besi, White Head trong những ngày chống cưỡng bách hồi hương, hát lên ở San Jose, Santa Ana, Boston, Paris, Oslo, Sydney trong những cuộc biểu tình cho tự do dân chủ Việt Nam, hát lên ở các trại hè, trại họp bạn Hướng Đạo, các tổng hội sinh viên Việt Nam tại hải ngoại.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, trong buổi phỏng vấn dành cho chương trình Tiếng Nói Trẻ đã kể lại câu chuyện ra đời của Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ trong âm nhạc Việt Nam: “…Thế bài Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ cũng vậy, nó không phải là một bài ca tôi nghĩ là quá lớn, nhưng lúc bấy giờ khi tôi kết thúc tập Trường Ca vào năm 1965, cuối 1965 hay đầu 1966 gì đó, khoảng thời gian đó, 10 bài trường ca, những bài như Nỗi buồn nhược tiểu, Tiếng rống đàn bò, Lìa nhau, Thảm kịch khó nói v.v. những bài nói về đất nước của mình rất là khổ sở, tôi nghĩ nên kết nó bằng một bài hát có tiếng gọi hùng tráng và tha thiết hơn. Thành ra tôi viết bài Việt Nam quê hương ngạo nghễ một cách rất là dễ dàng. Tất cả những ý đó tôi đem vào hết trong bài hát đó để nó vượt qua cái khốn khó, vượt qua cái quê hương nhỏ bé, nhược tiểu mà trở thành một nước to lớn, và lòng người cực kỳ dũng mãnh.

Viết xong bài đó tôi nghĩ chỉ kết thúc tập Trường Ca mà thôi, không ngờ về sau càng ngày đi các nơi càng thấy nhiều người ưa thích bài đó, có lẽ đáp được ước vọng của nhiều người, tôi nghĩ tiếng gọi đáp ứng đúng được tiếng của nhiều người, không riêng gì giới trẻ đâu, cả người lớn tuổi ở các hội đoàn về sau này, rồi đi vào trong quân đội, đi rất nhiều nơi. Thành ra, tôi cho đó là một bài hát tự nó trưởng thành nhưng khi viết tôi chỉ đúc kết cho tập Trường Ca lúc đó mà thôi.”

Thật đơn giản và tự nhiên như thế. Không một ông bộ trưởng Bộ Chiêu Hồi nào đặt hàng hay một ông tổng ủy trưởng Dân Vận nào chỉ thị anh phải viết. Anh viết không phải để thi đua sáng tác hay mong mang về giải thưởng, huân chương. Trong tâm hồn của một nghệ sĩ chân chính, tình yêu nước bao giờ cũng là sự thôi thúc tự nguyện. Anh viết Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ để kết thúc tập trường ca của riêng anh nhưng cũng nối tiếp tập trường ca lớn hơn của đất nước.

Sau ba mươi năm, nhiều nhạc sĩ, ca sĩ đã trở về qua nhiều ngã, trong nhiều tư cách khác nhau, một số tình ca sáng tác trước 1975 đã được nghe lại trong nước, nhưng đây là lần đầu tiên một bài hát đã về lại quê hương qua ngã của trái tim, trở về trong vòng tay nồng ấm của tuổi trẻ Việt Nam.

Bất ngờ và cảm động, một buổi sáng tuần trước, khi đi dạo một vòng qua các blog Việt ngữ, tôi bắt gặp không chỉ những mẩu tin nóng viết vội vàng trên đường phố, những đoạn phim biểu tình vừa mới đưa lên YouTube, những tấm hình ghi lại cảnh xô xát giữa đồng bào, sinh viên với công an, nhưng còn được nghe lại bài hát quen thuộc Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ. Tôi cảm nhận qua lần gặp gỡ đó một niềm vui chung khi có một bản nhạc mà các em sinh viên Việt Nam ở California, Washington DC, Oslo, Paris, Hà Nội, Sài Gòn cùng hăng say hát trong những cuộc biểu tình chống Trung Quốc bành trướng bá quyền mà không cảm thấy ngần ngại, nghi ngờ, xa cách.

Ta khua xích kêu vang dậy trước mặt mọi người
Nụ cười muôn đời là một nụ cười không tươi
Nụ cười xa vời nụ cười của lòng hờn sôi
Bước tiến ta tràn tới tung xiềng vào mặt nhân gian.

Trong số một trăm em đang hát trong nước hôm nay có thể hơn chín mươi em chưa hề nghe đến tên Nguyễn Đức Quang lần nào, và nếu có nghe, có đọc qua bộ máy tuyên truyền của Đảng, cũng chỉ là một “nhạc sĩ ngụy đã theo chân đế quốc”. Biết hay không biết, nghe hay không nghe không phải là điều quan trọng. Điều quan trọng là bài hát đã đáp ứng được ước vọng về tương lai và tình yêu tổ quốc của tuổi trẻ. Tổ quốc, vâng, không có gì lớn hơn tổ quốc.

Văn hoá không phải chỉ là đời sống của một dân tộc mà còn là những gì giữ lại được sau những tàn phá, lãng quên. Việt Nam quê hương ngạo nghễ sau 30 tháng Tư 1975 hẳn đã nằm trong danh sách các tác phẩm “văn hoá đồi trụy” mà Đảng tìm mọi cách để xóa bỏ, tận diệt.

Thế nhưng, như giọt nước rỉ ra từ kẽ đá và như bông hoa mọc giữa rừng gai, bài hát đã sống sót, đã ra đi và đã trở về. Để tồn tại, một bài thơ, một bản nhạc cũng phải trải qua những gạn lọc, những cuộc bỏ phiếu công bằng không chỉ của người nghe, người đọc dưới một chế độ chính trị nào đó mà còn của cả lịch sử lâu dài. Bài hát phát xuất từ tình yêu nước trong sáng như Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ sẽ ở lại rất lâu trong lòng tuổi trẻ Việt Nam hôm nay và nhiều thế hệ mai sau.

Là một người thích tham gia các sinh hoạt văn nghệ cộng đồng, bài hát mang tôi về thời trẻ tuổi của mình. Tôi còn nhớ, mùa hè 1973, khi còn là sinh viên năm thứ nhất, Việt Nam quê hương ngạo nghễ cũng là nhạc sinh hoạt chính của trại hè sinh viên toàn quốc quy tụ đại diện sinh viên các trường đại học và cả sinh viên du học về nghỉ hè, do Bộ Giáo Dục Và Thanh Niên tổ chức lần đầu và có lẽ cũng là lần cuối tại trường Thiếu Sinh Quân, Vũng Tàu. Đêm trước ngày chia tay, chúng tôi không ai ngủ được. Ngày mai sẽ mỗi người mỗi ngả, chị về Huế, anh về Đà Lạt, em về Cần Thơ và đa số chúng tôi sẽ trở lại Sài Gòn. Cùng một thế hệ chiến tranh như nhau, khi chia tay biết bao giờ còn gặp lại. Những ngày tháng đó, cuộc chiến vẫn còn trong cao điểm.

Mỹ đã rút quân nên máu chảy trên ruộng đồng Việt Nam chỉ còn là máu Việt Nam. Thảm cảnh của mùa hè đỏ lửa chưa qua hết. Trên khắp miền Nam, đâu đâu cũng có đánh nhau, đâu đâu cũng có người chạy giặc. Mơ ước của tuổi trẻ chúng tôi là được thấy một ngày đất nước hoà bình, một ngày quê hương không còn nghe tiếng súng. Đêm cuối trại hè, chúng tôi ngồi quây quần thành một vòng tròn rộng quanh cột cờ trường Thiếu Sinh Quân và hát nhạc cộng đồng như để vơi đi những vương vấn, lo âu đang trĩu nặng trong lòng. Bài hát được hát nhiều nhất trong đêm đó là Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ, và khi điệp khúc cất lên cũng là khi chúng tôi hát trong nước mắt:

Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại
Xương da thịt này cha ông miệt mài
Từng giờ qua cười ngạo nghễ đi trong đau nhức không nguôi.
Chúng ta thành một đoàn người hiên ngang
Trên bàn chông hát cười đùa vang vang
Còn Việt Nam triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng.

Những giọt nước mắt của tuổi sinh viên nhỏ xuống xót thương cho dân tộc mình. Tại sao có chiến tranh và tại sao chiến tranh đã xảy ra trên đất nước chúng tôi mà không phải tại một quốc gia nào khác?

Mấy tháng sau, tháng Giêng năm 1974, bài hát Việt Nam quê hương ngạo nghễ đã được hát vang trên đường phố Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, Cần Thơ sau khi Hoàng Sa rơi vào tay Trung Quốc. Những bản tin đánh đi từ Đà Nẵng, danh sách những người hy sinh được đọc trên các đài phát thanh làm rơi nước mắt.

Và hôm nay, ba mươi ba năm sau, trong cái lạnh mùa đông trên xứ người, những lời nhạc Việt Nam quê hương ngạo nghễ từ YouTube phát ra như xoáy vào tim. Tôi lại nghĩ đến các anh, những người đã hy sinh ở Hoàng Sa tháng Giêng năm 1974, ở Trường Sa tháng Ba năm 1988. Các anh khác nhau ở chiếc áo nhưng cùng một mái tóc đen, một màu máu đỏ, một giống da vàng, cùng ăn hạt gạo thơm, hạt muối mặn, cùng lớn lên bằng giòng sữa mẹ Việt Nam, và cùng chết dưới bàn tay hải quân Trung Quốc xâm lăng.

Việt Nam, sau ba mươi ba năm “độc lập, tự do” vẫn chưa thoát ra khỏi số phận nhược tiểu bị xâm lược, vẫn chưa tháo được cái vòng kim cô Trung Quốc trên đầu. Việt Nam có một lãnh hải dài trên ba ngàn cây số nhưng thực tế không còn có biển. Cả hành lang Đông hải rộng bao la từ Hải Nam đến Hoàng Sa và xuống tận Trường Sa đã bị Trung Quốc chiếm. Nếu vẽ một đường cung dọc theo lãnh hải đó, ngư dân Việt Nam chỉ còn có thể đi câu cá ven bờ chứ không thể đánh cá như ngư dân Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan hay các quốc gia khác trong vùng biển Đông. Phía sau tấm bảng in đậm “mười sáu chữ vàng” hữu nghị thắm thiết giữa hai Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc là thân xác của ngư dân Việt Nam trôi bềnh bồng dọc các hải đảo của tổ tiên mình để lại.

Trong suốt dòng lịch sử, hoạ xâm lăng từ phương Bắc vẫn là mối đe doạ thường xuyên. Khác với các thời đại trước đây, cái bất hạnh của Việt Nam ngày nay không phải chỉ là mất đất nhưng mất đất mà không đòi lại được ngay. Cuộc kháng Nguyên lần thứ nhất trong hàng vương tước nhà Trần chỉ có mỗi Trần Nhật Hiệu chủ trương “Nhập Tống” và lần thứ hai chỉ có Trần Ích Tắc và đám hầu tước Trần Kiện, Trần Văn Lộng, Trần Tú Viên chủ trương “Hàng Nguyên” nhưng ngày nay, về mặt lập trường quan điểm, Việt Nam có đến 14 Trần Ích Tắc và 160 Trần Kiện. Trận đụng độ giữa Việt Nam và Trung Quốc diễn ra tại Trường Sa năm 1988 theo tác giả Daniel J. Dzurek trong biên khảo “Xung Đột Trường Sa: Ai có mặt trước?” (The Spratly Islands Dispute: Who's on First?) chỉ kéo dài vỏn vẹn 28 phút và Việt Nam chịu đựng hầu hết thương vong. Với một giới lãnh đạo tham quyền cố vị và sự chênh lệch quá xa về kỹ thuật chiến tranh như thế, cuộc đấu tranh giành lại hai quần đảo sẽ vô cùng khó khăn.

Dù sao, tuổi trẻ Việt Nam, khác với các thế hệ Tân Trào, Pác Bó trước đây, thế hệ Hoàng Sa, Trường Sa ngày nay có nhiều cơ hội tiếp xúc, học hỏi và so sánh giữa chế độ các em đang sống với các tư tưởng tự do dân chủ, khoa học kỹ thuật tiên tiến, nhờ đó, hy vọng các em sẽ có những chọn lựa đúng cho mình và cho đất nước phù hợp với dòng chảy của văn minh nhân loại.

Trong cuộc chiến Việt Nam dài mấy mươi năm Đảng đã sản xuất ra không biết bao nhiêu bài hát, bài thơ kích động lòng yêu nước nhưng tại sao các em không đọc, không hát nữa? Như một độc giả trong nước đã trả lời, đơn giản chỉ vì chúng nhạt nhẽo. Ý thức sâu sắc đó đã được thể hiện không chỉ trong khẩu hiệu các em hô mà ngay cả trong những bài hát các em hát. Sau những “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, “Dậy mà đi”, “Nối vòng tay lớn” của những ngày đầu phong trào, các bạn trẻ trong nước đã đi tìm những nhạc phẩm nói lên lòng yêu nước trong sáng, tích cực, không bị ô nhiễm, chưa từng bị lợi dụng và họ đã tìm được Việt Nam quê hương ngạo nghễ.

Ta như giống dân đi tràn trên lò lửa hồng
Mặt lạnh như đồng cùng nhìn về một xa xăm
Da chân mồ hôi nhễ nhại cuộn vòng gân trời
Ôm vết thương rỉ máu ta cười dưới ánh mặt trời.

Mỗi khi nhắc đến những khó khăn đất nước, chúng ta thường nghe đến những "bất hạnh”, "nỗi đau", "tính tự ti mặc cảm", vâng đó là một thực tế hôm nay, thế nhưng dân tộc Việt Nam “vốn xưng nền văn hiến đã lâu, nước non bờ cõi đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác” như Nguyễn Trãi khẳng định, không phải chỉ biết đau, biết tự ti mặc cảm mà thôi nhưng từ những nỗi đau đã biết lớn lên bằng tự hào và kiêu hãnh làm người Việt Nam. Chỗ dựa tinh thần của tuổi trẻ Việt Nam hôm nay không có gì khác hơn là lịch sử. Không thể làm nên lịch sử mà không cần học lịch sử. Lịch sử sẽ là vũ khí, là hành trang trong hành trình tranh đấu cho một nước Việt Nam mới, cũng như để xây dựng một Việt Nam tươi đẹp sau nầy.

Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người
Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam
Làm người ngang tàng điểm mặt mày của trần gian
Hỡi những ai gục xuống ngồi dậy hùng cường đi lên.

Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ như giọt nước mắt bi tráng của tuổi trẻ Việt Nam ngày nào nhỏ xuống trên quê hương chiến tranh khốn khổ, đã bốc thành hơi, tụ thành mây và sau bao năm vần vũ khắp góc bể chân trời đã trở về quê hương qua ánh mắt của em, qua nụ cười của chị, qua tiếng hát của anh, hồn nhiên và trong sáng. Từ “vết thương rỉ máu” của một dân tộc đã từng bị nhiều đế quốc thay phiên bóc lột, lợi dụng và hôm nay còn đang chịu đựng trong áp bức của độc tài đảng trị, Việt Nam quê hương ngạo nghễ cất lên như một lời khuyên, hãy sống và hãy vững tin vào lịch sử, sẽ có một ngày, sẽ có một ngày.

Trần Trung Đạo

Tuesday, May 25, 2010

Người Đàn Bà Trên Tàu HQ 502


Mời đọc một truyện cảm động Người Đàn Bà Trên Tàu 502 Chuyến di tản của Dương Vận Hạm Thị Nại, HQ 502, một con tàu hỏng máy, đang trong thời kỳ sửa chữa, chở theo trên 5000 người, rời cầu tàu trong Hải Quân Công Xưởng đêm hôm 29 tháng 4 năm 1975 với bao nhiêu là khó khăn, hãi hùng, nguy hiểm. Hầu như trên mười năm sau đó, đã định cư ở Mỹ an toàn, nhiều đêm ngủ, thần trí tôi vẫn bị trôi theo cơn hốt hoảng kinh hoàng bởi chuyến đi này.

Trong những giấc mơ kinh dị đó, tôi vẫn thấy rất rõ rừng người đặc nghịt ở trên sàn tàu. Bầu trời thì đen thẫm, những ánh đèn xanh đỏ của những chiếc trực thăng vần vũ, nặng nề bay qua bay lại. Những đám cháy sáng rực bùng lên ở mấy góc trời. Kho xăng Nhà Bè trắng xoá, lấp loáng dưới ánh lửa đang cuồn cuộn bốc cao từ Căn Cứ Hải Quân .Những tiếng nổ oà vỡ bên tai, kéo theo những tiếng rít của những trái đạn rời nòng từ hai khẩu đại bác của Đặc Khu Rừng Sát. Con tàu ôm sát bờ lửa đạn ấy để vào nhánh sông Soi Rạp, bò ra cửa biển. Sáng ngày 30 tháng tư, con tàu liệt máy, buông trôi ở cửa sông. Biển ở trước mặt, sóng trắng xô xô từng đợt. Lại những đợt máy bay từ phía Sài Gòn túa ra. Nhũng chiếc trực thăng bay thấp, dọc theo hông tàu, thấp hơn chiều cao của đài chỉ huy chiến hạm. Cửa máy bay mở rộng. Chúng tôi thấy trong lòng máy bay chật ứ những đàn bà, trẻ con. Mấy bà già hướùng về chiến hạm, quy,ø cúi gập người, chấp hai tay mà lễ.

Trong khi đó viên phi công rà được tần số của chiến hạm. Bằng một giọng nói đầy khấp thiết :" Anh em Hải Quân ơi, cứu chúng tôi với. Chúng tôi được lệnh bay ra biển để đáp xuống tàu Mỹ. Nhưng tới điểm hẹn chỉ thấy biển mông mênh, tàu Mỹ đâu không thấy, nên phải quay về. Tàu tôi chỉ còn 5 phút xăng. Xin cứu chúng tôi, gia đình tôi, mẹ tôi..."Không cầm lòng được, Hạm Trướng Nguyễn văn Tánh và " Ban Tham Mưu " chấp nhận những khó khăn, bất chắc, đồng ý là cho trực thăng đáp xuống sân chiến hạm. Sân chiến hạm đông đặc những người, lùng nhùng những chiếc mền đủ màu căng ra che sương gió qua đêm. Nắng bắt đầu oi ả. Tất cả phải giải toả cấp kỳ. Mọi người phải xuống hết sân chiến xa. Sân tàu trống vắng. Chiếc trực thăng từ từ đáp xuống. Một chiếc. Lại một chiếc nữa. . .
Tới gần trưa ngày 30 tháng 4, ông Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng. Cả tàu mấy ngàn người xốn xang, cuống quýt. Có những tiếng khóc vỡ oà đâu đó. Một buổi họp khẩn cấp để đi đến quyết định : Bằng mọi giá phải thoát ra khỏi lãnh hải Việt Nam . Phải ra đi cho bằng được. Toán thợ máy kết hợp lạ lùng cố sửa chữa. Máy tàu nổ, một máy. Tàu ra được ngoài khơi, lết đến gần Côn Sơn, gặp được hạm đội mình ở đó. Lệnh từ Soái Hạm HQ 3 chỉ thị cho HQ16 tới kéo HQ502 đi.

Những đêm lừ đừ ở ngoài khơi, đoàn tàu vừa đi vừa đợi nhau. Những chiếc ghe đầy ứ người sáp vào chiến hạm. Không thể làm ngơ, tàu thả thang giây, lại vớt thêm người. Đêm xuống, hải đăng Vũng Tàu loé lên từng đợt như thách thức, như mời gọi,như những vẫy tay giã từ. Bờ biển quê hương đấy mà giờ đã trở nên kinh khiếp, chia lìa, đớn đau. Ngày đêm, qua làn sóng điện của đài Sài Gòn, không còn là những giọng nói thân quen, mà là những lời kêu gọi chát chúa, đe doạ của kẻ thù : ". . . quân, cán chính của nguỵ quân Sài Gòn mau mau ra trình diện ". Những ngày thiếu thốn, chật chội, chia nhau từng ngụm nước, từng nắm cơm chỗ sống, chỗ khê, chỗ thì thiu chua. Mấy ngày sau, bờ biển Phi Luật Tân hiện ra, núi non chập chùng đen thẫm. Lễ chào và hạ Quốc Kỳ VNCH lần cuối được diễn ra, đơn giản nhưng vô cùng nghiêm trang mà rất đớn đau. Lá Quốc Kỳ nền vàng ba sọc đỏ bacï màu từ từ được kéo xuống, cùng với hàng ngàn giọng hát, gìa, trẻ, nam, nữ cất lên, vừ a hùng tráng, vừa chất chứa những nghẹn ngào.

Những lời hát như trùm kín cả vùng trời biển nước mênh mông. Lời ca dứt. Những tiếng kêu khóc bỗng bùng vỡ. Nhìn đâu tôi cũng chỉ thấy những cặp mắt đầm đầm nước mắt. Trong những tiếng kêu khóc thảng thốt ấy, tôi thấy có tiếng kêu của một người đàn bà :" Oái, con ơi, con ơi. .

." . Trong tập bút ký viết về cuộc di tản này, tôi đã không quên ghi lại tiếng kêu thảng thốt, lạ lùng này. Taiï sao tôi lại không ghi những tiếng kêu khóc khác tràn ứ quanh tôi trên con tàu Thị Nại HQ 502 lúc đó. Tôi không trả lời đươc. Vì khi viết lại giây phút xúc động lịch sử này, tay tôi như chỉ tuân theo những gì mà thần trí tôi đã ghi dấu mà tự động viết ra. Viết ra như vẽ lại rất tự nhiên, không có một sự lựa chọn nào.

Nhưng bây giờ thì tôi hiểu. Tình cờ tôi đã hiểu . Có những hình ảnh tuy mờ nhoà, khi ẩn khi hiện, nhưng không bao giờ biến mất trong trí nhớ của tôi. Tôi không bao giờ quên. Tôi nhớ lại rồi. Tôi nhớ thật rõ. Tôi hiểu tại sao tôi lại ghi lại tiếng kêu này. Xin hãy cho tôi từ từ nhớ lại. Tôi bỏ chiếc xe hơi nhỏ ở ngoài cửa Hải Quân Công Xưởng, sát bên Bệnh Xá Bạch Đằng. Tôi đi đầu, hướng dẫn cả gia đình trên mười người, theo đoàn người lũ lượt chạy bộ dọc theo chiều dài của Hải Quân Công Xưởng. Vừa chạy vừa ngoái cổ nhìn trở lại để kiểm soát đoàn " rồng rắn" của gia đình. Chỉ sợ có người bị lạc. Lạc là vô cùng khốn khổ, khó khăn. Tìm đến cầu tàu trước Bộ Tư Lệnh Hạm Đội. Con tàu Thị Nại, HQ 502 nằm đó, vị trí một.
Bên ngoài con tàu này còn ba con tàu khác cặp song song. Tất cả bốn con tàu xám ngắt, hướng mũi phía hạ giòng. Người từ phía sau tràn tới. Như đã hẹn, tôi sẽ phải lên cho được con tàu này. Con tàu do bạn thân cùng khoá với tôi làm Hạm Trưởng, Hải Quân Trung Tá Nguyễn văn Tánh. Chúng tôi cũng đã hùn tiền mua thêm nhiều gạo, mì và những thức ăn khô chất sẵn ở tàu này. Nước lấy tối đa. Lúc này nước thuỷ triều dâng cao, bắt đầu xuống. Người ken sát nhau như gạch trên cầu tàu, nhích tới, nhích tới. Cái thang dài độc nhất dựng dốc ngược bên hông tàu. Tôi biết rằng khi khẩn cấp, chỉ cần thả hai mối dây là cái thang tự động tuồi xuống cầu tàu, lăn theo hai bánh xe ghì trên mặt đất, không một chút khó khăn. Tàu sẽ tách bến dễ dàng. Nhưng bây giờ rừng người đang ùn ùn tiến tới.

Những quân nhân, trai tráng thì tìm mọi cách bám vào thành tàu mà lên. Gia đình tôi tất cả mười ba người, con số tình cờ không vui, trong đó có hai ông bà nhạc tôi ốm yếu, bốn đứa con nhỏ dưới mười tuổi. Chúng tôi không có cách nào khác là phải leo ngược cầu thang nhỏ, dốc ngược này để lên tàu mà thôi. Tôi lên đầu tiên, bế trên tay thằng con út hai tuổi bụ sữa, nặng chĩu. Trên lưng đeo một ba-lô quần áo và các thứ cần dùng. Một tay sách cái va-ly nhỏ đựng đầy giấy tờ, bản thảo và hình ảnh. Rất nhiều hình ảnh. Cầu thang dốc và trơn, tôi khiến trượt chân. Cái va-ly trở nên nặng quá bung ra phía ngoài. Tôi buông tay, nắm vội vào sợi giây cable, cái va-ly rơi tòm xuống nước, mất tăm. Hai tay ôm chặt thằng nhỏ trong lòng.

Tôi cúi người xuống để ghì lấy mặt thang. Trong phút chông chênh đó có bàn tay ai rất mạnh giữ chặt lấy cánh tay tôi. Chỉ trong một sát na kinh khiếp đó, tôi gượng lại được và bò lên sàn tàu. Không biết cánh tay ấy của ai. Ai đã cứu bố con tôi. Đặt con xuống sàn tàu tim tôi còn đập bập bùng hồi hộp. Tôi quay lại cùng các em tôi kéo vợ tôi, hai ông bà nhạc lên tàu. Kiểm điểm lai " quân số " gia đình. Đủ cả. Tôi quay lại cầu thang, đứng chân trước chân sau thật vững trên sàn tàu. Một tay vịn vào hàng rào chắn, một tay chìa ra kéo những người đang trèo ngược thang lên. Bao nhiêu bàn tay tôi đã nắm. Có bao nhiêu bàn tay bè bạn thân quen, nắm chặt tay nhau kéo lên, buông ra với những nụ cười. Anh Trần văn Tâm, ( nhà văn Trần quán Niệm ), anh Nguyễn hưng Quảng, anh Nguyễn đa Phúc và bao nhiêu người nữa. Chúng tôi xúm nhau ở đó để tiếp tay, đỡ đần những người yếu đuối. Có bao nhiêu là những bàn tay già nua, hay non dại của những ai tôi chưa bao giờ gặp gỡ. Tất nhiên chúng tôi cũng đã chuyền, bế bao nhiêu là con trẻ ở tuổi các con tôi. Lúc kéo người lên như thế, cũng là lúc tôi nhìn xuống khoảng trống giữa thành tàu và cầu tàu, tôi không còn thấy cái va-ly của tôi đâu cả. Nước đã cuốn nó đi trôi nổi ở góc kẹt nào. Khoảng trống dọc theo thân tàu chỉ độ bốn mươi phân thôi, là bề dày của trái độn cao-su. Cái khe này hun hút đen thẳm dọc theo thân tàu dài hàng trăm thước. Dưới sâu là mặt nước, những làn sóng nhỏ, lấp lánh ánh đèn trôi đi, trôi đi. Tôi biết sức nước trông thế nhưng thật là mạnh mẽ.

Chân cầu tàu lù xù những vết xò hến, tác rưởi bám đầy. Nếu ban nãy tôi không có cánh tay nào bám lấy, ngã xuống đây. . .Mới thoáng nghỉ thế, toàn thân tôi như lạnh buốt. Tôi nghĩ đến con tôi. Đứa con út của tôi. Rời cầu thang quay gót trở lại với gia đình, tôi vừa quay gót, có tiếng người đàn bà thảng thốt kêu lên : " Con tôi, con tôi rơi . . . rồi. Oái con ơi là con ơi..." . Tôi quay phắt lại, người ta đen đặc, đang kéo người đàn bà vào sàn tàu. Ở phía cầu thang người vẫn cứ ùn tấn lên không dứt. Người đàn bà khốn khổ, mất con như mê đi, đang được người ta xúm lại chữa chạy, giựt tóc, bôi dầu. Hình như không ai quan tam gì đến số phận của đứa nhỏ vừa rời tay mẹ rơi xuống cầu tàu, mất tăm. Vô phương cứu tìm. Mà ai còn có thì giờ đâu để ngó xuống cái khe đen thẳm đó. Người càng lúc càng lên thêm, đứng đen đặc cả sàn tàu. Không ai biết, chẳng ai quan tâm đến cảnh huống bi thảm vừa mới xẩy ra. Đêm mỗi lúc mỗi sâu. Nỗi khốn khổ của người mẹ mất con như bay theo, mất hút giữa đêm đen mỗi lúc mỗi thêm kinh sợ.

Lên được trên tầu, tìm gặp bạn tôi, HQ Trung Tá Nguyễn văn Tánh, Hạm Trưởng, anh nhường phòng của anh cho gia đình tôi. Tôi ngần ngại, nhưng anh bảo : tôi còn cái phòng nhỏ trên Trung Tâm Hành Quân. Tạm yên tâm, tôi sát cánh cùng anh, tập họp tất cả những quân nhân có mặt, tìm mọi cách để đem tàu ra khơi. Người thì chật cứng ở sân boong chính, ở hầm chiến xa, và la liệt cả hành lang, mọi chỗ. Nhưng như anh Tánh sau này cho biết thì " nhân viên cơ hữu trên 100 nay
chỉ còn có 9 người..." Tình trạng chiến hạm thì còn đang sửa chữa : " Hai máy chánh ráp xong, nhưng chưa thử tại chỗ. Hai máy điện chưa được ráp song song. Bơm nước ngọt và bôm cứu hoả chưa ráp. Bình cứu hoả CO2 còn nằm trên Hải Quân Công Xương. Hai máy neo trước và sau bất khiển dụng. Sàn tàu cắt mở lối đem máy chánh lên chưa hàn lại". Biết bao nhiêu la trở ngại, khó khăn, nguy hiểm. Khi khởi động được máy thì tay lái bất khiển dụng. Giây cable lái bị cắt đứt. Nói ra không hết những nguy khốn của cuộc đi này. Bao nhiêu điều, bao nhiêu hình ảnh vẫn đầy ắp trong trí nhớ của tôi. Nhưng hình như tiếng kêu vô vọng, thảng thốt của người đàn bà khốn khổ đó đã thấm nhập sâu đậm vào trí não tôi. Lúc mờ lúc tỏ, nhưng tiếng kêu đó không bao giờ mất được trong tiềm thức của tôi. Khi có những sự tương quan, hình ảnh ấy sẽ tự động hiện ra mà lý trí tôi hình như không thể can dự vào. Và sự việc đã được xẩy ra rất tình cờ mới đây, gần 30 năm xa cách.

Trong một buổi gặp gỡ thu hẹp của mấy bà bạn cựu nữ sinh Trưng Vương của bà xã tôi tại San Jose , chuyện trò đang nổ như cái chợ, bỗng khựng lại, khi tình cờ chị D. N. nói : " Thế ra gia đình tao cùng di tản trên con tàu Thị Nại HQ 502 với tụi mày à. A, sao cả tuần lễ trên tàu mà mình không gặp được nhau. Ừ, người đông như kiến. Trên 5000 người. Khiếp thật !". Anh Ng., chồng chị N. nói:" Khi ở trên tàu tôi xung phong trong toán nhà bếp, nóng như cái hầm. Lúc có điện lúc không. Cơm nấu suốt ngày mà không đủ. Lúc sống, lúc khê.

Khi ra đi đại gia đình chúng tôi có 20 người. Nếu kể cả thằng cháu P. bị rơi ở cầu tàu là 21. Bây giờ tổng số đã là 40. . ." Lòng tôi như có điện giựt. Cả một khung trời kinh khiếp đêm 29 rạng 30 tháng 4 năm cũ lại hiện ra rõ ràng. Cái khe sâu dài dọc theo cầu tàu đen thẫm, lấp lánh những lượn sóng trôi đi, trôi đi. Tiếng kêu thảng thốt của người đàn bà :" con tôi, con tôi rơi rồi. . Oái con ơi là con ơi." Lạ nhỉ. Quả đất tròn thật. Tôi phải tìm gặp cho đươc người đàn bà ấy. Bà D. t. L, qua điện thoại kể lể :". . .một tay tôi cầm cái túi. Một tay tôi dắt thằng cháu P. bước lên cầu thang dốc ngược của con tàu. Người từ phía dưới cứ nống lên. Mà là người nhà mình cả chứ đâu. Gót giày tôi như kẹt vào khe cầu thang, chân tôi bỗng nghiêng đi, lao chao muốn ngã. Thế là tôi buông tay thằng nhỏ ra. Nó rơi ngay xuống khe tàu, mất tiêu. Tai tôi như chỉ còn thấy tiếng cháu kêu : mẹ L. . .. Tôi kêu lên, nhưng có ai giúp được gì đâu. Mà có ai thấy gì đâu mà giúp. Tay tôi bỗng trống không. Tôi được người ta kéo lên sàn tàu. Tôi mê đi chẳng còn biết gì nữa sất. Bên tai tôi cứ như loáng thoáng tiếng kêu của nó. Từ đó, nói ông bỏ quá đi cho, tôi cứ ngơ ngẩn, chả còn thiết gì nữa cả. Tôi nằm như chết ở sàn tàu, chả thiết ăn uống gì .

Khi đoàn tàu sửa soạn vào cảng ở Phi Luật Tân, mọi người lên sân chính để chào quốc kỳ lần cuối, trong tai tôi vẫn vang vang lời kêu của cháu : Mẹ L. ơi ... Vì thế, trong giờ phút ấy tôi bỗng oà khóc và kêu lên . . ."Vẫn lời kể của bà L. :" Lúc ấy cháu T t. P. được 6 tuổi rưỡi. Cháu nhờ trời cũng chịu ăn, chịu chơi nên cũng có da có thịt, chắc nịch. Mỗi khi cháu trái nắng, trở trời cháu cứ hay kêu : Mẹ L. ơi cứu P. Tôi không quên được tiếng kêu ấy của cháu, ông à. Tiếng kêu ấy cứ vang vang ở trong đầu tôi, hình như không lúc nào dứt. Lúc thức, lúc ngủ, lúc tụng kinh, không lúc nào tôi không nghe thấy tiếng kêu ấy của con tôi, nên tôi nghĩ rằng con tôi còn sống. Vì thế suốt mấy chục năm, ngày nào tôi cũng thắp hương cầu Phật Bà Quan Aâm cứu khổ cứu nạn phù hộ độ trì cho cháu. Sau này chúng tôi trở lại đạo, tôi hàng ngày lại cầu xin Đức Mẹ Maria che chở cho cháu. Tôi tin tưởng hoàn toàn vào đấng thiêng liêng và tôi vẫn tin rằng cháu còn sống ông à." Vẫn lời kể của bà L. :

"Rồi cách đây ít năm, người Việt Nam từ hải ngoại về nước mỗi lúc mỗi đông. Tôi cũng về thăm lại làng xóm, thăm thân nhân. Trong câu chuyện qua lại giữa bà con, có người nhắc rằng : nếu chị tin là cháu còn sống, thì phải có người vớt được cháu. Chị thử đăng báo tìm xem thế nào. Không thiếu những trường hợp thất lạc con cái, rồi người ta cũng tìm lại được đấy. Thế là tôi nhờ đăng tin tìm cháu ở báo Tuổi Trẻ, thì có 6 người cùng tuổi với cháu liên lạc với tôi. Người thì ở ngay trong thành phố Sài Gòn, người thì ở dưới quê. Cũng là người tử tế cả. Có anh nói : thôi con không qua Mỹ đâu. Đã có vợ con và sống ở đây quen rồi, mẹ có thương con thì cho con ít cây (vàng), con mua mấy mẫu ruộng.

Thì nghe thế biết thế, tôi cũng chưa có gì đích xác để quyết định cả. Trong 6 người nhận là con tôi, có một anh cao, giống thằng con tôi hiện ở Mỹ. Anh này hiện học nghề Đông Y, chưa vợ con gì cả. Với tôi anh ấy đối sử lịch sự, bình thường, không vồn vã mà chẳng đề nghị xin sỏ gì. Vì theo bà mẹ nuôi của anh kể lại thì câu chuyện khá dài, nhiều uẩn khúc lắm". Vẫn theo lời kể của bà L. : " Bà này giầu có lắm. Trước 75 bà là dược sĩ, có tiệm thuốc tây rất lớn. Bà đã có gần 10 người con do bà đẻ ra. Nhưng trong hoàn cảnh tang thương của thời loạn lạc, có mấy người không nuôi được con, đem cho bà, bà đều nhận hết. Bà săn sóc trên mười đứa con, con đẻ cũng như con nuôi, như nhau.

Đứa nào học được bà cho đi học. Nhiều đứa thành tài là kỹ sư, bác sĩ. Có đứa lớn lên xin về nhà bố mẹ đẻ, bà cũng vui lòng, còn cấp vốn liếng cho để làm ăn. Có đứa làm ăn thất bại lại bò lên xin ở lại với bà, bà lại nhận nuôi nấng cả gia đình vợ con nó như xưa. Bây giờ trong thời đổi mới, bà đang kinh doanh về ngành du lịch. Bà mua cả một khu rừng xây khách sạn, đắp núi non, vườn cảnh.

Trong đó có những nhánh sông, bà cho xây cây cầu qua lại thật là đẹp. Nói ra có lẽ khó ai tin được. Thật cái nhà của tôi bên Mỹ không bằng cái nhà xe của bà ấy. Bà ấy nói với tôi rằng thằng Mỹ do một bà bán chè ở bến sông Sài Gòn cho bà ấy. Thằng nhỏ này trôi trên sông Sài Gòn, có một người lái đò vớt được, đưa lên bờ. Thằng bé bơ vơ, rét mướt khóc quá xá, nên cho đứng tạm cạnh bà bán xôi chè, đợi bố mẹ nó tìm đến.

Nhưng chả thấy bố mẹ nó đâu, bà hàng xôi tìm đến bà dược sĩ bảo rằng : bà làm phước nuôi dùm thêm đứa nhỏ này. Hỏi bố mẹ con đâu, nó nói trong nước mắt : đi Mỹ rồi. Do đó bà dược sĩ mới đặt tên nó là Mỹ." Vẫn lời của bà L. :"Cái anh tên Mỹ này lớn lên trong gia đình bà dược sĩ. Dù không ai nhắc nhở, nhưng anh ta vẫn tin rằng sẽ có lúc anh ta phải qua Mỹ đoàn tụ với cha mẹ ruột. Thời gian vùn vụt trôi, gần ba mươi năm cơ hội chưa đến. Trong khi chờ đợi, anh ta quyết không lập gia đình, sợ lôi thôi khi đi đoàn tụ. Và để có một nghề qua Mỹ không cần học lại, anh ta học nghề đông-y-sỹ. Bà dược sĩ nói với tôi rằng, tuy là con nuôi, nhưng tôi thương thằng Mỹ như con ruột. Nó muốn gì, tôi không tiếc. Đấy cái cửa hiệu đông y đấy, rất khang trang, đủ mọi thứ thuốc, từ sâm nhung hảo hạng, đến các thứ quế đắt tiền, thứ gì tôi cũng đặt mua đầy đủ. Nó vừa sửa soạn là thầy lang vừa làm người bào chế, rất mát tay tuy chưa ra trường nhưng cũng đông khách lắm. Sang Mỹ chưa chắc gì đã có một cơ sở vững vàng như thế. Nhưng nó biết, nó tin là nó không ở đây lâu đâu.

Thế nào nó cũng qua Mỹ đoàn tụ với bố mẹ ruột của nó. Nó muốn thế, tôi cũng sẵn sàng giúp nó được toại ý khi cơ hội đến. Nếu nó thực sự là con bà, bà chứng minh được nó là con bà, tôi sẽ cố gắng tìm mọi cách để nó về với bà." Vẫn lời của bà L. :" Tôi trở lại Hoa Kỳ, tôi cứ nhớ cái thằng Mỹ này quá. Chắc chắn nó là con tôi. Nhưng bảo rằng chứng minh cụ thể thì tôi chưa có cách. Tôi có đem chuyện này hỏi ông bác sĩ gia đình. Oâng bác sĩ nói rằng : Dễ lắm.

Nếu nó là con bà, chỉ đem đi thử máu, thử DNA là ra ngay. Thì cái vụ thử nghiệm này thì chắc rồi. Nhưng tôi lại không muốn làm thế. Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng, nhờ tôi thành tâm lễ bái, khẩn cầu, nên đấng thiêng liêng đã đưa đẩy cho tôi tìm thấy cháu. Bây giờ lại đem thử nghiệm thì có khác gì không tin vào đấng linh thiêng nữa, nên tôi không làm. Nghe thế, ông bác sĩ ngồi thừ ra hồi lâu rồi hỏi tôi. Nếu nó là con bà, thì nó không giống ông bà cái tai, cũng phải giống cái tóc chứ Bà nhìn nó bà có thấy nó giống ai trong nhà không, chắc là phải giống ông nó nhà tôi. Khốn nỗi ông nhà tôi sang bên Mỹ được ít năm thì mất. Oâng mất cũng là tại tôi một phần. Oâng cứ cằn nhằn tôi bao nhiêu năm : sao đang nắm tay nó bà lại buông tay ra. Làm gì cũng phải có ý có tứ chứ. Nắm thật chặt tay thì nó đâu có rơi được. Đành rằng thế, nhưng nào tôi có muốn buông tay ra đâu. Trời xui đất khiến nó hoá như thế, chứ có người mẹ nào lại nỡ buông con ra cho nó rơi xuống sông hở ông. Thế là bao nhiêu năm đằng đẵng xót sa, rồi ông ấy mất. Lúc mất hình như ông ấy còn gọi trên nó trong phút lâm chung. Thế là bao nỗi cay đắng đổ cả trên đầu tôi. Thôi thì trăm sự tôi trông vào đấng linh thiêng, Đức Quan Thế Aâm khi trước và bây giờ là Đức Mẹ Maria. Đêm nào tôi cũng thắp hương, cầu khẩn." Vẫn lời bà L. :

"Tôi thẫn thờ đau khổ, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến nó. Còn thằng em nó hầu như tôi quên bẵng để mặc cho ông nhà tôi trông nom. Nhà tôi mất đi, trên bàn thờ bây giờ có hình ông ấy nhà tôi nữa. Hàng ngày khi đọc kinh, nhìn hình ông nhà tôi trên bàn thơ,ø tôi bảo : Ông có khôn thiêng thì ông mách bảo cho tôi tìm ra thằng P. Một hôm, em thằng P. đi đánh banh về, từ trong nhà tắm đi ra, nó ngồi trước mặt tôi, lấy khăn lông lau đôi bàn chân. Nó lau kỹ lắm, khiến tôi chú ý. Sao mà hai ngón chân cái của nó lại xoè ra như người Giao Chỉ ngày xưa. Tôi hỏi nó sao thế. Nó bảo thì ngón chân con nó thế. Đi giầy thì hai ngón chân cái ép lại. Để chân không, nó lại xoè ra. Tôi trở lại Việt Nam , trở lại nhà bà dược sĩ. Bà vẫn ân cần, niềm nở đón tôi, và vẫn một mực nói : tôi sẽ trả con cho bà, với điều kiện bà phải chứng minh được nó địch thực là con bà.

Thì cũng là tình cờ thôi, hôm ấy thầy-lang-Mỹ lội xuống khúc sông trước nhà, bơi, tắm. Tắm xong, lúc ngồi ở nhà ngang anh ta ngồi lau chân, trời ơi, hai ngón chân cái của thằng Mỹ cũng xoè ra như thằng con tôi, em nó ở bên Mỹ. Không sai được nữa rồi. Tôi bỗng bật khóc và kêu lên P. ơi, con ơi. Thầy-lang-Mỹ trố mắt nhìn tôi. Bà dược sĩ cũng thảng thốt, đứng lên. Ba chúng tôi ôm choàng lấy nhau, nước mắt chan hoà. Thằng P. ôm tôi và nói : con là P. của mẹ đây, mẹ L. ơi. Bà dược sĩ thì bảo : " Sao trước đây bà không cho tôi biết tên nó trước đây là P.." Vẫn lời bà L. :" Bà dược sĩ nói rằng : hàng ngày chúng tôi kêu nó là Mỹ.Nhưng những khi đau ốm, mê sảng, nó đều kêu : Mẹ L. ơi cứu P.

Nhưng quả đúng 100% nó là con bà, bà dược sĩ lại hỏi tôi, vừa cười vừa nói, trong người nó có vết tích gì đặc biệt không. Tôi đáp ngay : mông đít nó có một vết chàm. Thế là chúng hai chúng tôi lại ôm lấy nhau lần nữa. Và lần này thì bà dược sĩ dành dọt nói : Đúng thằng Mỹ đây, khi bé có trên là P. Nó đích thực là con bà. Tôi dàn dụa nước mắt xà lại ôm lấy P. Hai mẹ con chúng tôi ôm nhau thật chặt. Tôi bấu vào vai nó. Tôi nắm chặt cánh tay nó. Không rời ra được nữa đâu. Và trong lúc xúc động này, tôi lại hốt hoảng kêu lên : Oâi, con ơi, con ơi. . ." Tôi buông P. ra, buông con tôi ra, tôi chấp tay, đọc thầm một đoạn kinh tạ ơn Chúa, tạ ơn Trời, Phật .Nước mắt tôi tuôn như mưa.

Tôi quỳ xuống, tôi vái tứ phương. Tôi gọi tên nhà tôi. Oâng ơi, tôi tìm thấy con. . . rồi. Hai mẹ con tôi quay lại, thấy bà dược sĩ đứng nhìn chúng tôi, mếu máo với hai hàng lệ chảy. Chúng tôi, mẹ con tôi tiến tới, choàng tay ôm chặt bà vào lòng. Tôi nói : Bà ơi! Bà là ân nhân của chúng tôi, bà mới thật là mẹ nó. Trời, Phật đã dẫn dắt nó là con bà. Con tôi cũng nói : Con xin đa tạ mẹ…. .

Thật, chưa bao giờ tôi vui sướng như thế mà cũng khóc nhiều như thế. Và cũng chưa bao giờ tôi tin tưởng mạnh mẽ như thế vào sự huyền diệu của các đấng thiêng liêng." Cho đến khi chúng tôi viết những giòng này thì Bà L. dã hoàn tất mọi thủ tục để đưa người con trai tên P. sang Mỹ đoàn tụ với gia đình. Khi mọi việc đã xong, tên tuổi những người liên hệ sẽ được in đầy đủ trong bài viết. Gần 30 năm đã qua. Một thời gian đủ dài để một thế hệ được sinh ra, lớn lên và trưởng thành.
Những con em chúng ta khi ra đi còn bé dại, nay đã không thiếu những người thành tài, có mặt trong hầu hết những sinh hoạt cao cấp nơi quê hương mới, là niềm vui sướng và hãnh diện cho cha mẹ, cho cộng đồng. Nhân câu chuyện trên, người viết đang thu thập những gương thành công của con em những gia đình ra đi trên Dương Vận Hạm Thị Nại, HQ 502, để viết thêm vào phần cuối cuốn bút ký di tản này, như phần thưởng cho lòng can trường, liều chết ra đi vì Tự Do, vì tương lai của con cái. Rất mong được đón nhận những kết quả đẹp đẽ của những ai cùng đi trên chuyến tàu trên.

Mọi liên lạc xin gửi về cho người viết, PO Box 888 , La Jolla , Ca 92088. Đt : (858) 484-9193 E Mail tphan2@san.rr. com
Bài viết có thể viết bằng tiếng Việt hay tiếng Anh.
Nếu không có gì trở ngại, cuốn bút ký di tản của tác giả và những gương thành công của con cái chúng ta di tản trên Dương Vận Hạm Thị Nại, HQ 502 sẽ được xuất bản để kỷ niệm 30 năm di tản.

Phan lạc Tiếp ------------ --------- --------- ---

Vài hàng về nhà văn Phan lạc Tiếp Ông Phan lạc Tiếp nguyên là một Hạm Trưởng, một nhà văn. Đêm 29 rạng ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông đã tận lực hỗ trợ vị Hạm Trưởng chiến hạm HQ 502, rời bến đem theo trên 5000 đồng bào thoát được ra khơi. Cuối năm 1979, khi làn sóng người vượt biển lên cao, và thảm nạn của thuyền nhân trở nên khủng khiếp nhất, ông đã cùng Giáo Sư Nguyễn hữu Xương thành lập Uỷ Ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển ( Boat People SOS Committee ). Liên tục trong 11 năm hoạt động, Uỷ Ban này hợp tác với những tổ chức nhân đạo thế giới, đem tàu ra Biển Đông, cứu vớt được 3103 thuyền nhân, và xin định cư cho hàng ngàn đồng bào tại các quốc gia đệ tam. Mới đây Quốc Hội Tiểu Bang California , Hoa Kỳ đã gửi đến tặng nhà văn Phan lạc Tiếp một bằng tưởng lệ, viết : California State Assembly Certificate Of Recognition presented to TIEP LAC PHAN In honor of Your Hard Work and Accomplishments in becoming a Proud Member of our community. Your Dedication to your Community is Greatly Apprreciated

Monday, May 24, 2010



Vi Nhân: Tôi Là Người Việt Nam
Tôi là người Việt Nam!
Tôi là người Việt Nam!
Tôi là người Việt Nam!

Lặp đi lặp lại câu này ba bốn lần trong đầu và tôi cảm thấy đau lòng. Đau đứt ruột.

Tôi vừa xem xong Thúy Nga Paris by Night 99, chủ đề “Tôi là người Việt Nam“. Rất nhiều người Việt Nam thành đạt trong mọi lãnh vực, chính trị, khoa học, kinh tế, tôn giáo, v.v… trên khắp thế giới Mỹ, Úc, Gia Nã Đại, Âu Châu được tuyên dương trong chương trình này. Những cá nhân đó với những thành tựu liệt kê xem ra đáng khâm phục. Họ đã vượt qua bao khó khăn cực nhọc trong tiến trình di cư hội nhập và sinh sống ở xứ người để có ngày hôm nay. Sức phấn đấu, trí sáng tạo, lòng tự tin, tính kiên nhẫn, tinh thần tự lực cánh sinh đã giúp họ đạt những thành quả vượt bực. Đó là những tấm gương sáng chói về thành công đường đời trên phương diện cá nhân.

Tôi là người Việt Nam. Nhưng sao lời khoa trương “tự hào dân tộc” hoặc hãnh diện là người Việt Nam này cũng làm tôi cảm thấy ngượng ngùng khi ngắm nhìn các thành tích của các cá nhân đó trong chương trình này. Có lẽ tôi lại thêm một chút gì xấu hổ thì đúng hơn khi “thấy người sang bắc quàng làm họ”. Vì những thành đạt của họ đâu ăn nhập gì đến cá nhân tôi! Tôi cũng chưa nhìn thấy những thành công với kích cỡ này đã mang lại ảnh hưởng tích cực gì cho dân tộc Việt Nam.

Ngược lại, ở xứ người này “một người làm quan cả họ được nhờ” thì cũng chẳng phải là một điều gì hay ho cho lắm. Hoa Kỳ, Úc, Gia Nã Đại, Pháp, Anh, Đức có chắc hãnh diện vì có những gương công dân di dân gốc Việt sáng chói đem lại thịnh vượng cho đất nước của họ? Hay lại trở thành oan khiên của diễn luận và huyền thoại “tấm gương dân thiểu số” (model minority), và là tấm bia gián tiếp dẫn đến những vụ giết người vì phân biệt ghen ghét (hate crime)? Chất xám của những người di dân đến các nước này có điều kiện để phát huy, và giúp tài năng họ nẩy nở tạo ra những thành tựu xuất chúng thì cũng là tất nhiên, nhưng dựa vào đó mà ôm lấy làm tự hào dân tộc Việt Nam ư?

Tôi là người Việt Nam. Rất nhiều lời kêu gọi “Tràng pháo tay cho mẹ Việt Nam”, “Yêu tổ quốc, dân tộc Việt Nam” trong chương trình này. Quả là những lời kêu gọi tình tự ngọt ngào đứt ruột! Khúc ruột ngàn dặm này chẳng đã từng bị cắt vất bao năm, sình chướng ở xứ người. Người Việt nào chẳng yêu mẹ Việt Nam. Nhưng thôi, đừng bắt mẹ Việt Nam phải hy sinh mãi mãi. Đừng bắt chị, bắt em bán thân đợ nợ. Đừng bắt trẻ, bắt già học giáo điều thối rữa. Chúng đã cắt da xẻ thịt mẹ đem cho kẻ “lạ”. Chúng từng thế chấp mẹ cả trăm năm ở rừng đầu nguồn. Chúng không ngừng đào bới lưng còng mẹ, rút tủy tài nguyên. Chúng còn đè lưng cưỡi cổ anh em con, mẹ Việt Nam ạ. Tất cả cho kẻ “lạ”! Còn anh em thì sống chết mặc bay. Chúng lại hành hung, khủng bố, giam cầm người con nào muốn bảo vệ mẹ. Mẹ là mẹ của tất cả các con chứ đâu phải riêng gì của chúng! Chúng lại bảo các con cần đóng góp nuôi dưỡng mẹ. Và cũng chính chúng trâng tráo hàng ngày rút máu mẹ bán trước đã. Các con càng thương mẹ bao nhiêu, thì chúng càng bòn rút mẹ bấy nhiêu. Chúng giết mẹ rồi. Con sói lang lấy chăn phủ người, lấy khăn che mặt.Nhưng chúng con dù là cô bé quàng khăn đỏ ngây thơ cũng biết mẹ là mẹ. Mẹ đâu có mắt lồi hung dữ, mẹ đâu có răng nanh nhọn hoắt, còn hôi mùi thịt, còn tanh mùi máu. Chúng bảo “Trung với Đảng!” Không! Một trăm lần không, một ngàn lần không. Đảng không là tổ quốc! Đảng chẳng bao giờ là tổ quốc.

Tôi là người Việt Nam.Những câu ca dao, tục ngữ “lá lành đùm lá rách”, “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy là khác giống nhưng chung một giàn” lan chảy trong huyết quản, nằm lòng từ thuở cắp sách tới trường qua các bài học đức dục. Ai mà không yêu tổ quốc, dân tộc. Tuy nhiên, lòng yêu tổ quốc không thể để bị bán tráo cho một chủ thuyết lai căn vô nhân bản.

Tình đồng hương, đồng bào, nhân loại hiện nay đang được khai hoa, rộ trái qua các tổ chức thiện nguyện và bất vụ lợi. Hoạt động của khá nhiều đoàn thể này tạo một cơ cấu, một thuật loại tổ chức sinh hoạt tạo thuận lợi cho các đóng góp giúp đỡ từ mọi người. Họ làm với mục tiêu chuyên biệt và tập trung trong một lãnh vực. Thật đáng quý, đáng trọng biết bao. Mục tiêu của các tổ chức thiện nguyện này nhằm nâng đỡ người nghèo khổ, hoạn nạn, bất hạnh. Đó là cơ chế giảm, bù trong xã hội với nhiều hố cách biệt. Giảm đói, giảm nghèo; bù thiệt thòi, thiếu thốn. Tuy nhiên, các tổ chức thiện nguyện và bất vụ lợi thật ra chỉ là một cơ chế phụ trong một quốc gia, nhà nước. Vì sao?

An sinh xã hội trước hết phải phát xuất từ chính sách của quốc gia và trách nhiệm của nhà cầm quyền đương thời. Quốc sách “cơm no, áo ấm” cho toàn dân bao giờ cũng phải thật sự là điều nằm lòng trong tiềm thức và chủ tâm của người lãnh đạo. Chứ không phải trên đầu môi, chót lưỡi của cái loa tuyên truyền thuộc một nhà nước “xã hội chủ nghĩa” nhưng chẳng màng gì đến phúc lợi xã hội. Giáo dục công cộng đã bị lụn tàn và giờ đây lại đẻ ra vô số khoản “lệ phí” đòi hỏi từ cha mẹ học sinh. Y tế công cộng thì trở chiều bệnh hoạn một khi giới “lương y như từ mẫu” lúc nào cũng hạnh hoẹ “đầu tiên” (tiền đâu?) trong từng khâu, từng phòng.

Tôi là người Việt Nam. Bản thân tôi cũng đã đóng góp gián tiếp, trực tiếp ở các tổ chức thiện nguyện địa phương cũng như các hội xuyên quốc gia về đến Việt Nam. Điều này không mấy phiền khó. Thật dễ để đóng góp tài chánh cho tổ chức thiện nguyện, và cũng không lắm nhọc khi bỏ chút công sức tham gia quyên tiền, hoặc trực tiếp đến tận nơi giúp đỡ người hoạn nạn. Các tổ chức thiện nguyện luôn tạo điều kiện dễ dàng cho mọi người đóng góp—gián tiếp hoặc trực tiếp. Kiểu nào cũng có cả. Ai cũng có thể cảm thấy tâm hồn mình yên ổn trong nghĩa cử nhỏ đó. Làm việc phước đạo hạnh thì được phước. Chúa Giê-su đã phán, Phật đã dạy thế kia mà.

Ở các nước phương Tây và Bắc Mỹ, cơ chế vô vụ lợi này đã được sản sinh đi song song với dòng tư hữu hóa các hoạt động công ích cho phúc lợi của người dân. Chính quyền tự động hết phải lo nhiệm vụ gánh vác phúc lợi xã hội và để cho cả hai khối “tân bảo thủ” (neo-conservative) và “tân tự do” (neo-liberal) đảm nhiệm việc xã hội nhưng đi theo luật thị trường. Chưa kể hết là những tệ nạn cấp mới của thành phần tự xưng thiện nguyện tốt bụng vô vụ lợi để che giấu những động cơ hám danh, thủ lợi đằng sau tấm màn sân khấu vì trò chơi chính trị của tranh giành ngân quỹ. Tệ nạn này được gọi chung là “hội chứng tập đoàn kỹ nghệ vô vụ lợi” (the non-profit industrial complex) giống như tệ nạn “hội chứng tập đoàn kỹ nghệ nhà tù” (the prison industrial complex) từ thế kỷ trước vẫn đang tiếp diễn.

Ca dao Việt Nam có câu “dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phước cứu cho một người”. Công việc thiện nguyện thật ra có tính chất xoa dịu tạm thời vết thương cấp bách, giảm bù những thiếu sót của xã hội mà thôi. Y thể như một nhà phát chẩn ở đâu đó đến cho những người nghèo đói tạm qua bữa, qua ngày. Xã hội nào mà người đứng xếp hàng trước nơi phát chẩn càng ngày càng dài và khi nhu cầu phát chẩn càng ngày càng tăng thì cái phước huệ đóng góp đó cần phải được suy nghĩ lại. Nhắm mắt làm phước thì dễ, nhưng mở mắt để nhìn bất công tạo đau khổ khốn cùng thì khó. Sao không ai chất vấn nguyên do gì số người đó càng ngày càng tăng trong khi cũng một số không ít người nhà sang cửa rộng, đô thị cao lớn, xe bóng loáng, tiệc tùng hoành tráng, áo xiêm lộng lẫy?

Đang còn biết bao những người “rơm” ngủ rừng ngủ bụi xứ người, những người lao động không tên tuổi chết vùi trên đất khách, những em thơ làm nô lệ tình dục khi chưa biết mộng mơ. Cơ chế nhà nước thế nào thì kết quả cho con dân của xã hội thế đó. Giàu nghèo là chuyện đương nhiên, nhưng làm gì mà một bên thì giàu nứt vách đổ tường, và còn lại thì nghèo rớt mồng tơi phải là một câu hỏi lớn.

Những tên trưởng giả mới này là ai? Là con ông cháu cha, là con cháu các cụ.[1] Họ cũng xếnh xáng để “tên tuổi” nằm đầu bảng đóng góp thiện nguyện, nhưng trước đó thì họ đã vơ vét vào riêng, để rồi chỉ thí “cô hồn” chút ít hầu đánh bóng tín chỉ đạo đức của mình.

Những người nô lệ mới này là ai? Là nông dân mất ruộng, là công nhân mất việc, là ngư dân mất thuyền. Như trong chuyện ngụ ngôn về người ở cuối nguồn, chúng ta phải hỏi xem “Chuyện gì xảy ra ở đầu nguồn? Nguyên do nào mà các thi thể trôi dạt từ thượng nguồn xuống hạ lưu?” Khi hiểu và giải quyết được nguyên nhân từ thượng nguồn thì không còn vấn đề xẩy ra dưới cuối nguồn.

Tôi là người Việt Nam. Một đất nước bị đô hộ ngàn năm giặc Tàu, làm thuộc địa thực dân Pháp trăm năm, làm công cụ và lệ thuộc Mỹ, Nga, Tàu nhiều thập niên kéo dài cho đến hiện tại. Đã có một thời, toàn dân đã đứng lên trong phong trào giải thực với tinh thần dân tộc để giành lại độc lập. Nhưng vô số những người yêu nước đó, cha ông chúng tôi, đã bị bán đứng, bị thủ tiêu, bị kết án, bị đấu tố, bị kềm kẹp. Họ bị kẻ lừa bịp treo đầu dê bán thịt chó. Chúng đã treo bảng “Việt Nam Dân chủ Cộng hoà” nhưng bán ép chủ nghĩa “cộng sản” độc tài Stalinist, Maoist vô thần, bất nhân. Nay chúng lại treo bảng “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” nhưng món hàng thực chất là độc tài đảng trị, tư bản bè phái, đặc quyền, đặc lợi cho thiểu số cầm quyền và những kẻ quỳ lụy ăn theo.

Tôi là người Việt Nam. Chúng tôi được mang kèm thêm tên “tị nạn cộng sản”. Bây giờ chúng tôi lại “được” dán mác “khúc ruột ngàn dặm”, “kiều bào”, “Việt kiều yêu nước”. Họ bảo chúng tôi thiếu thông tin, thiếu hiểu biết. Họ bảo chúng tôi đừng mặc cảm nữa. Tại sao mặc cảm? Mặc cảm gì? Mặc cảm phe chiến bại ư? Mặc cảm bọn “phản quốc” bỏ nước ra đi ư? Làm gì có! Chúng tôi chẳng có mặc cảm, và luôn tự hào đã dám bỏ tất cả, chấp nhận tù đày và hiểm nguy trên biển cả sống vất vưởng để đi tìm tự do. Một tự do mà chính quyền nhà nước cộng sản đã tước đoạt, không cho phép. Tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do đảng phái, tự do báo chí, tự do công đoàn. Chúng tôi không chấp nhận thứ tự do trong cũi, tự do đi lề bên phải, tự do làm con vẹt theo “chỉ đạo” của Đảng Cộng sản trong một nhà tù lớn.

Họ ve vãn bảo muốn hoà hợp, hoà giải với chúng tôi. Dân tộc, đồng bào, anh em của chúng tôi thì chẳng có gì để sinh ra phải hoà giải với nhau vì chúng tôi tự nhiên thương yêu nhau. Riêng với Đảng CSVN, chúng tôi cũng có thể sẵn lòng gạt bỏ mọi chuyện trong quá khứ để tiến tới tương lai. Nhưng chúng tôi không thể quên dĩ vãng này.Vì chúng tôi cần phải nhớ, phải mở mắt để thấy và kiểm định những việc đang xảy ra trong hiện tại và diễn tiến vào tương lai. Khi Đảng CSVN còn độc tôn lãnh đạo, cố bám chặt đặc lợi, đem đặc quyền cho bè nhóm thì những lời kêu gọi hoà hợp, hoà giải thật ra chỉ là một trò bịp. Tôi không thể nhắm mắt tự hào mình là người Việt Nam như thể trò bịp ấy không hề xẩy ra.

Tôi là người Việt Nam. Tôi sẽ hãnh diện là người Việt Nam với tự hào dân tộc khi đất nước dân tộc tôi thay đổi và phát triển theo chiều cấp tiến xã hội – mọi người được cơm no áo ấm, các trẻ em có tuổi thơ mơ mộng trong hệ thống giáo dục phổ thông miễn phí, những nông dân có ruộng để cày cấy, những công nhân được công đoàn lao động và luật pháp bảo vệ, các văn nghệ sĩ được tự do sáng tác và xuất bản, người khuyết tật, già nua được an sinh xã hội và y tế công cộng chăm lo, và trên hết mọi công dân được tự do bình đẳng dưới một nhà nước dân chủ pháp trị trong tinh thần dân tộc, nhân bản.

© 2010 Vi Nhân
© 2010 talawas

[1] Vietnam’s New Money (BILL HAYTON JANUARY 21, 2010, Foreign Policy)

Nguồn: Talawas.org

Saturday, May 22, 2010


NIỀM ĐAU SAU CUỘC CHIẾN

Linh Vũ : Mar 19 - 2008



Cali Today News - Phải chăng cuộc sống chỉ là những chuỗi ngày của khổ đau và con người thì ngụp lặng trong vô thường không biết thế nào là hạnh phúc, yêu thương. Nhìn bức hình của nhiếp ảnh gia Jonh Moores đoạt giải thưởng Pulitzer trong ngày lễ chiến sĩ trận vong, với hình ảnh người con gái nằm úp mặt bên bia mộ người hôn phu đã làm lòng tôi chùng xuống một nỗi buồn. Tôi chợt nhớ về những tháng ngày trong quân đội, những lao đao của tuổi trẻ trên đất nước nghèo nàn, những tình yêu vỡ vụn đầy xót xa thời chinh chiến. Hôm nay đã hơn ba mươi năm, kỷ niệm chiến tranh đã mờ dần theo năm tháng, còn nhớ chăng cũng chỉ là những xót xa cho thân phận một kiếp người. Chiến tranh mãi mãi là điều phi lý, có lẽ những người lính sau cuộc chiến đều nhìn thấy rõ bề trái của chiến tranh và câu trả lời chính xác cho chính họ và lịch sử.

Chúng ta hãy nhìn bức ảnh một cô gái trẻ với đôi vai trĩu nặng niềm đau và nỗi chết, nằm úp mặt trong một nghĩa trang vắng lặng bên bia mộ người hôn phu với hai dòng nước mắt. Đó có phải là hào quang chiến thắng hay chỉ là sự phi lý và cay nghiệt của chiến tranh?

Theo nhà văn danh tiếng Benjamin Disraeli đã viết: “Mọi người sinh ra là để yêu thương. Đó là nguyên lý và là cứu nhân của cuộc sinh tồn” Nếu trên địa cầu này ai cũng hiểu như vậy thì làm gì trên quả đất có những hố bom, có xe tăng, hỏa tiễn, có đầu rơi máu đổ, có hằng triệu vành khăn tang và tiếng kêu khóc thảm thiết trong suốt 21 thế kỷ qua.

Tình yêu luôn gắn liền với cuộc sống, có yêu thương con người mới tìm được nguồn hạnh phúc. Chiến tranh là hành động của tội ác, là sự phi lý và tàn phá trên địa cầu. Từ lúc có chiến tranh con người luôn gánh chịu nhiều khổ đau hơn là hạnh phúc, hỗn loạn hơn là bình an.

Anh hùng cố Trung Sĩ James Regan đã nói lời rất khí khái đậm tình tổ quốc sau vụ 911 “ Nếu tôi không đi lính thì ai đi?” anh đã không đi học khóa sĩ quan mà vào trường HSQ để nhanh chóng qua Iraq chiến đấu. Anh là người thanh niên đầy nhiệt huyết sống vì người khác nhiều hơn là ích kỷ cá nhân. Anh là một sinh viên năng động với tương lai đầy hứa hẹn. Nhưng sau khi James Regan hứa hôn với cô sinh viên Y Khoa xinh đẹp Mary McHugh trường Đại Học Emory. Anh lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi bảo vệ quê hương chống khủng bố. Tình yêu chưa trọn vẹn, ngày về của anh không phải là vòng hoa chiến thắng của người yêu nơi hậu phương mà là màu cờ phủ chiếc áo quan. Anh tử trận tháng 02/2007 bởi một quả bom oan nghiệt bên lề đường ở chiến trường Iraq.

Rất tiếc, anh James Regan và nhiều người lính khác chỉ có quyền tuân theo mênh lệnh mà không có quyền nói lên tiếng nói đúng sai. Anh vì tự ái dân tộc, vì muốn bảo vệ quê hương mà không cần tìm hiểu nguyên nhân ai là người đã gây nên cảnh kinh hoàng trong ngày 911 và lý do tại sao họ phải hy sinh mạng sống để làm những việc như vậy trên quê hương anh, câu hỏi được đặc ra và hình như đã có câu trả



Chiến tranh là lý do ngụy biện là sự kiện liên kết trong mưu đồ chính trị và chiến lược trên lợi ích Quốc Gia và tham vọng bá vương. Điều đó ai cũng biết, nhưng đến khi nào thì lịch sử sẽ trả lời đây?

Anh James chết đi với những tấm huy chương lóng lánh, với những phát súng lệnh, với lá cờ danh dự, với bản tuyên dương cao quí, nhưng những thứ đó không thể nào lau khô được giọt lệ trên đôi má người hôn thê thanh xuân cô Mary McHugh. Còn nỗi đau nào hơn khi cô mất đi người yêu vĩnh viễn và có ai thấy được giấc mơ nhỏ nhoi trong cuộc đời người con gái đã tan theo dòng lệ khổ đau. Cô đã sụt sùi thốt lên “ Thôi rồi còn đâu nữa những ước mơ là sáng thức dậy thấy anh vẫn nằm bên em”Than ôi ! ước mơ thật bình thường nhưng đó là một sự thật của cuộc đời, sự cần có trong đời sống thật đơn sơ nhưng đủ để cho con người hạnh phúc.
Anh James ra đi đã bỏ lại sau lưng người hôn thê trẻ đẹp, anh hy sinh cho Tổ Quốc vì lý tưởng làm trai. Nhưng sự hy sinh đã đổi lại bằng những dòng lệ xót xa trong mắt Mary. Anh sẽ không bao giờ nghe được tiếng bước chân buồn bã của Mary mỗi ngày trên khuôn viên trường Đại Học. Và hôm nay bên nấm mộ tiêu điều vắng vẻ ở nghĩa trang đang có người con gái úp mặt trước mộ, gọi tên anh nức nở. Anh James có nhìn thấy người con gái với chiếc áo đầm trắng mỏng lớm chớm những đóm hoa mà vài tháng trước đây anh đã từng sánh bước bên nhau trong những ngày hè nắng ấm. Chiếc áo còn đó, mớ tóc búi cao với chiếc cỗ trắng nõn nà đang nằm trước mộ anh hôm nay, nhưng anh không còn thấy nữa. Bây giờ là nghĩa trang tĩnh mịch, chỉ còn lại Mary với bó hoa đã héo khô, một chiếc ví tay quen thuộc chứa ngập nỗi buồn, một vài cọng cỏ úa vàng bay lơ thơ theo chiều gió bên cạnh bia mộ thật vắng lặng của ngày cuối đông.

Khi người yêu đã chết tức là chiến tranh cho cá nhân McHugh đã kết thúc mà tàn tích còn lại chính là nỗi đau, là nỗi buồn, là nỗi xót xa cắt xén con tim qua từng ngày tháng của cuộc đời nàng. Con người chỉ muốn được sống trong một thế giới đơn giản, an bình với tình yêu thương. Vinh danh và lý tưởng phải chăng là ngôn từ lừa đảo đầy hào nhoáng để đẩy con người vào hố sâu tuyệt vọng.

Hạnh phúc đến từ bên trong của mọi người và hạt giống hạnh phúc chính là tình yêu thương. Thật vậy, không ai có thể mang đến cho chúng ta niềm hạnh phúc ngoài con tim chúng ta. Chiến tranh không mang đến cho con người những điều mong muốn. Hay nhìn lại hai cuộc thế chiến, chúng ta thấy nhân loại có thật sự hạnh phúc không!

Tôi biết thời gian sẽ trôi qua, mặc dù con người đang sống trong chiến tranh, sau chiến tranh hay trong nỗi khổ đau đến dường nào thì con người vẫn sống, vẫn tiếp tục hành trang cho hết cuộc đời mình. Điều đáng sợ nhất là họ không làm sao ngăn cản được sự tàn phá trong tâm hồn với nỗi tuyệt vọng, hãi hùng, bi thảm, đớn đau. Thử hỏi ngôi mộ nào sẽ chôn lấp hết những niềm chua xót đó.
Cuộc sống, cõi chết và chiến tranh là tác phẩm của đớn đau, tàn khóc và mất mát của những thế hệ trẻ, nhưng họ biết làm gì hơn để thoát khỏi bàn tay quyền lực và sự phi lý của chiến tranh.

Chiến tranh đã cướp mất một hạnh phúc đang nở hoa trong đời Mary McHugh, đã xé nát tuổi xuân thì của cô trong những tháng ngày còn lại. Ngày mai đây trên sân trường đại học không còn bóng dáng người tình đứng đợi, quán cà phê không còn chiếc ghế trống đợi chờ James trở lại. Rồi khi màn đêm buông xuống, Mary sẽ nhìn thấy gì xung quanh mình trong căn phòng buồn tẻ cô đơn, rồi những bữa ăn cuối tuần có còn bốc mùi hương thơm hay nhạt nhẽo trên môi của người ở lại. Có ai hiểu được rằng cuộc sống của Mary sẽ bi thảm từng giờ và ngu ngơ trong từng ảo giác.

Dù cô Mary có khóc đến bao nhiêu đi chăng nữa, thì anh James không bao giờ sống lại. Trong tình yêu có vị ngọt và vị đắng, khi mất đi con người mới thấy được trong nước mắt mình có nhiều vị đắng. Sự vinh danh hay tôn vinh anh hùng James Regan không phải là điều cần thiết cho cuộc sống của Mary hôm nay. Cô cũng biết, thời gian có thề thay đổi con người và vạn vật nhưng chắc chắn không thay đổi được tình yêu trong cô. Đứng bên xác người hôn phu, cô không biết phải trách ai, phải oán hận nơi nào, cô đành phải thốt lên lời ai oán thống thiết: “Chỉ có Chúa Trời là người duy nhất biết được tại sao chúng tôi bị tước mất cơ hội của tình yêu và hạnh phúc, nhưng điều này sẽ không bao giờ thay đổi được tình cảm của tôi yêu anh ấy”. Đúng vậy, con người không cãi lại quyền lực của Thượng Đế, nhưng con người vẫn có quyền giữ lại một tình yêu trong trái tim. Cuộc sống không có tình yêu, khác nào là những viên đá cuội nằm bên đường hoang lạnh. Tình yêu thương sẽ làm cuộc sống nhiều ý nghĩa và sự sống tồn tại.

Hình ảnh cô Mary nằm một mình trước mộ người hôn phu trong nghĩa trang Arlington, đây có phải là sự đau lòng và phi lý của chiến tranh?. Cô Mary không cần vị hôn phu của cô mang đạn bom đi giải phóng xứ người, không cần xe tăng hay máy bay để chở độc lập, tự do để đổi lấy hàng ngàn, hàng vạn xác người bị chết oan mỗi ngày.

Chúng ta hãy quay về với cuộc chiến Việt Nam trước kia, nào là đồng minh, nào là chiến lược (Domino) da beo, nào là thành trì chống cộng của phe tự do.vv và .v.v, nhưng bây giờ thì sao! Cộng Sản vẫn còn đó, thương hiệu tiếng Mỹ, tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Nga, tiếng Hoa quảng cáo đầy đường, đầy phố. Lý tưởng gì đây, mục đích gì đây hay chỉ cần vài triệu xác người Việt Nam làm phân bón cỏ, lót đường.

Với thân phận một người lính già hôm nay, tôi đọc được trong lòng cô Mary nghĩ gì, nỗi uất ức trong lòng cô đến độ nào. Cô mất tất cả niềm hy vọng và hạnh phúc trong giấc mơ đầu đời, trong tình yêu vừa mới trổ hoa. Bây giờ chỉ còn lại cô đơn với những tiếng thở dài mỏi nản. Nơi đây chỉ còn là đất đá vô tri, vô giác của bia mộ lạnh lùng, những hẹn hò ngày xưa trong phút chóc đã trở thành kỷ niệm. Những chiều bên nhau, những lời hẹn ước trăm năm đã xa bay theo vùng trời miên viễn, bây giờ chỉ còn lại vành khăn tang oan nghiệt quấn chặt cuộc đời. Mary không còn gì để giữ lại ngoài tấm bia tô màu sơn trắng và một khoảng cách rất gần mà cô không bao giờ vói tới.

Nhìn tấm hình cô Mary McHugh làm tôi nhớ đến hình ảnh đứa em gái của tôi năm xưa cũng một lần đột quỵ khi nghe tin người chồng tử trận. Ngày đó em tôi cũng trạc tuổi như Mary, giấc mơ của em rất mộc mạc như nải chuối, buồng cau. Nhưng chiến tranh đã cướp đi người chồng yêu quí, đã bóp nát tình yêu và hạnh phúc của em khi vừa mới có đứa con đầu lòng.

Sau hơn ba mươi năm, tôi gặp lại em trong chuyến công tác từ thiện ở quê nhà. Nhìn em tôi sững sờ đến rơi nước mắt, người con gái xinh đẹp ngày xưa là một góa phụ già nua sống trong nỗi cô đơn đến ghê sợ. Em lạnh lùng không còn nước mắt để khóc mừng ngày gặp lại người anh. Em tôi bây giờ không còn là người em của ngày xưa! Đó phải chăng là hậu quả của chiến tranh? là ác nghiệt của đạn bom. Nếu ngày xưa không hận thù chinh chiến thì ít nhất hôm nay em tôi vẫn còn giữ lại một nụ cười thanh thản.

Chiến tranh đã chấm dứt sau ba mươi năm, nhưng lòng em càng dày thêm trăm nỗi buồn chua xót. Gia tài là một đứa con và tấm ảnh trắng đen của người chồng vắn số. Em tôi sống vì tình yêu năm xưa còn giữ lại, vì kỷ niệm ngàn năm không thể nhạt phai của buổi tình đầu. Những tấm huân chương đóng đầy lớp bụi gần như hoen rỉ, những thứ vô nghĩa đó có làm cuộc đời em tôi hạnh phúc, những miếng kim loại đó có ai biết đó là vật gì, hay chỉ là một miếng kẽm, miếng sắt vô tri đã đánh đổi một mạng người.

Tấm huân chương của anh James Regan hôm nay cũng vậy, sẽ là kỷ vật sau cùng vấy đầy máu và nước mắt.

Em tôi và cô Mary McHugh đâu cần tấm huân chương, đâu cần vinh danh anh hùng hy sinh vì Tổ Quốc, họ chỉ muốn sống một đời sống bình thường bên chồng con không hận thù, không chiến tranh, không ôm bom tự sát. Cô Mary hôm nay chỉ mong muốn trả lại cho cô anh James Regan bằng xương bằng thịt như thuở nào.

Con người luôn lý tưởng hóa cuộc đời qua nhiều màu sắc để tự đánh lừa chính mình rồi cuối cùng tự chôn mình vào thế giới thầm lặng để chết dần mòn. Mặc dù thời gian trôi qua con người đã ngụy biện nhiều cách, nhưng tình yêu thương vẫn là điều trăn trở, thao thức trong trái tim. Tình yêu là sự thật hiện hữu trong mỗi chúng ta, nó sống trong ký ức và kỷ niệm. Tình yêu là sức mạnh của tinh thần để thấy cuộc đời đáng sống là tia sáng để chiếu rọi trên vẽ đẹp, để thấy cuộc đời nhiều ý nghĩa. Chiến tranh chỉ là những quả bom giết chết tình yêu, giết chết tình người.

Nói đến chiến tranh có lẽ không ai muốn mong đợi, nhưng chiến tranh vẫn đến, vẫn tiếp diễn nhiều hơn theo năm tháng. Đất nước Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc chiến, đã để lại bao cảnh đổ nát, điêu tàn, biết bao xương máu trên mảnh đất nhỏ bé mà mãi đến hôm nay vẫn chưa thấy sự yên bình hay mầm hy vọng mọc lên giữa trời Tổ Quốc. Chúng ta đã có hơn 1000 năm bị lệ thuộc Tàu, 100 năm đô hộ giặc Tây và hơn 30 năm chiến tranh tương tàn với cùng màu da, huyết thống. Chúng ta thử nghĩ xem còn gì bất hạnh cho bằng với một Quốc Gia nhỏ bé, nghèo nàn như thế!

Chúng tôi xin xếp lại mọi quan điểm chính trị, mọi đúng sai hận thù, lý tưởng. Tôi muốn nói lên sự đổ nát của chiến tranh và nỗi khổ đau của giống dòng dân Việt, sự mất mát mẹ cha, anh chi, vợ chồng, con cái, bạn bè thử hỏi còn đau đớn nào hơn cho số phận dân tộc Việt Nam.

Có nhiều người sau cuộc chiến đã tự hỏi chính mình trong những suy nghĩ của chiến tranh, câu trả lời cuối cùng chính là sức ép đẩy con người vào thầm lặng và giết lần mòm số phận một kiếp người với muôn ngàn trăn trở.

Cũng có người quay về với dĩ vãng, để tự hào, để phân vân, để tự hỏi. Người lính chiến đấu trên chiến trường vì lý tưởng gì? cho ai? cho lợi ích cá nhân? cho tập đoàn? Có người trả lời vì Tổ Quốc, có người trả lời vì niềm tin, có người nói vì quyền lợi.v.v

Tất cả chỉ là những lý do để an ủi chính mình, nhiều người không dám sống với sự thật của chính mình mà chỉ dựa trên nhân danh, trên bánh vẽ của lý tưởng để tự lừa đảo, để cho những người quyền lực thực hiện những tham vọng cuồng ngông, những ác tâm hung bạo, những thủ đoạn đê hèn để chiến thắng.

Người lính Palestine thì cho là vì Tổ Quốc, người Taliban thì vì niềm tin, người Việt Nam thì chiến đấu vì muốn gia đình của họ sống trong hạnh phúc, hòa bình.v.v.

Người Pháp, người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh Quốc, Spain, Nga Sô trước đây vì tham vọng thâu gồm thuộc địa đã gây nên bao cảnh máu xương, hãy nhìn lại lịch sử loài người qua 15 thế kỷ với chế độ quân chủ ở Âu Châu (Đức, Áo Nga, Thổ) đã giết chết biết bao con người, tạo khổ đau cho bao nhiêu dân tộc. Hãy nhìn lại quân phiệt Nhật đã giết bao sinh mạng con người, bao nhiêu quốc gia Á Châu điêu linh khốn khổ. Hôm nay người Al Queda chiến đấu để khi chết sẽ mau lên Thiên Đàng. Người Hoa Kỳ chiến đấu để bảo vệ đất nước, để truyền bá chủ nghĩa dân chủ, tự do, nhân quyền trên toàn cầu. Người Trung Hoa hôm nay đủ mạnh để bành trướng bá quyền, để cướp đất, cướp tài nguyên của các Quốc Gia nhược tiểu. Người Nga trước kia chiến đấu để truyền bá thuyết Cộng Sản vô thần để thống lãnh toàn cầu, để cai trị dưới xiềng xích búa liềm.v.v. Nhưng kết quả sau cùng là gì ! Con người đã bị lợi dụng và hy sinh một cách oan uổng. Trước đây người lính Đức quan niệm sự chiến đấu của họ vì Tổ Quốc, cho dân tộc chứ không cho Đức Quốc Xã Hitler, nhưng họ đã bị lãnh tụ biến thành công cụ để phục vụ tham vọng của họ từ danh xưng bảo vệ thành kẻ xăm lăng, dân Do Thái đã bị họ tàn sát gần như diệt chủng thành kẻ mất quê hương. Lịch sử hãy nói đi, ai là kẻ tôi đồ nhân loại?

Thế chiến thứ I, thứ II đã giết chết hằng trăm triệu người, đã làm cho nhiều Quốc Gia phải điêu đứng, đổ nát mà mãi cho đến hôm nay chưa ngoi lên được. Thế kỷ hôm nay con người thông minh hơn, tiến hóa hơn họ đã chọn chiến tranh bằng nguyên tử, bằng vi trùng để thanh toán lẫn nhau, nếu một ngày nào đó cuộc chiến xảy ra, thì liệu loài người có thể tránh được hiểm họa diệt vong?

Nhìn bức hình cô Mary McHugh trước bia mộ người tình tôi thấy xót xa cho thân phận con người nhiều hơn là hào quang của anh hùng, là chiến thắng, là tư do dân chủ. Tất cả chỉ là những điệp khúc ru ngủ con người để phụng sự, để hy sinh.

Hãy nhìn lại cuộc chiến Việt Nam có biết bao người con gái, người vợ, người mẹ đã dìu dắt nhau tránh lằn bom đạn, có biết bao tiếng khóc, tiếng kêu gào thảm thiết trên mọi miền đất nước vì mất chồng, mất con, mất người yêu thương nhất. Chúng ta hãy trở lại thành phố Huế năm xưa, hãy tưởng tượng lại hình ảnh người con gái Việt Nam ôm xác người yêu với viên đạn còn ghim sâu trong lồng ngực.

Hãy nhìn những người vợ đầu chít vành khăn tang, tay chưa lấp hết đất cho mộ chồng thì một loạt pháo rơi xuống tung tóe thịt xương. Hãy tưởng tượng một chiếc xe đò bị mìn gữa chợ, một khu trường học với hằng trăm quả pháo gầm thét banh xé thân xác những em học sinh vô tội. Đó phải chăng là sự tàn ác của chiến tranh hay đó là hạnh phúc ấm no, hòa bình độc lập?

Nhìn bức ảnh cô Mary McHugh tôi càng thấy thương cho thân phận những người đàn bà Việt Nam. Dù sao sau những tháng ngày đau khổ của Mary, cô còn có thể đứng dậy để bước đi trong một đất nước giàu có. Nhưng với những người đàn bà Việt Nam thời ly loạn đó chỉ có con đường tối tăm thênh thang trước mặt.

Chiến tranh có thật sự mang lại cơm no áo ấm cho con người, chủ trương chiến tranh có thật sự mang đến tự do dân chủ với thật lòng họ mong muốn? hay chỉ là những mỹ ngữ, là bức bình phong che dấu dã tâm của lãnh tụ, của Quốc Gia giàu mạnh, của quyền lực đầy tham vọng. Chiến tranh có phải vì quyền lợi, vì tranh giành ảnh hưởng, hay vì muốn làm bá quyền trên quả đất?

Kosovo, chechnya mong mỏi được độc lập hòa bình, nhưng tại sao không được chấp nhận. Việt Nam muốn độc lập hòa bình nhưng sao phải trải qua hơn ba mươi năm cốt nhục tương tàn, Việt Nam đâu cần người Pháp bảo hộ, người Tàu anh em môi hở răng lạnh, người Mỹ đồng minh, người Cộng sản giải phóng!

Người Iraq đâu cần dân chủ với giá hằng trăm ngàn người dân vô tội chết oan trong bao năm qua. Người Hồi Giáo có thấy Thiên Đàng chưa sao mỗi ngày cứ ôm bom tự sát để mau về với Thượng Đế. Phải chăng con người đang sống trong ảo tưởng đầy tối tăm, đang sống trong tuyệt vọng. Hay con người sinh ra trong thế giới đầy tương phản của tạo hóa giống như Đại Văn Hào Leo Tolstoy viết trong quyển “ Chiến Tranh & Hòa Bình” sung sướng với khổ đau, vui với buồn, tinh thần với vật chất, ích kỷ với nhân đạo, hy vọng với thất vọng, vô luân với đạo đức với yêu thương.

Con người chỉ còn một chút nghị lực để thay đổi cuộc đời, con người là sự chịu đựng là sự hy sinh. Mặc dù có những hy sinh vô lý nhưng con người vẫn phải làm, như vậy anh hùng là gì, hành động ra sao, vĩ nhân như thế nào? Hãy ngược thời gian thử đặt câu hỏi, Hoàng Đế Napoleon là tượng trưng cho tự do nhân loại hay là mối đe dọa hòa bình ở Âu Châu? Ở Việt Nam người ta thường tranh luận về lãnh tụ Hồ Chí Minh, có người cho là Cha già dân tộc, có kẻ cho là tội đồ dân tộc, Lịch sử sẽ tìm hiểu để trả lời ư ?

Hôm nay nhìn bức ảnh của Mary McHugh nằm trước bia mộ của người tình lòng tôi đã thật sự chùng xuống, những vết thương từ trái tim khổ đau của một giống dân nhược tiểu như bị xé toẹt ra từng mảnh. Ngồi nhớ lại những đồng đội năm xưa, những thân xác phủ lấp lá cây rừng trên dốc núi, đèo cao, những bạn bè chết chưa kịp vuốt mắt, tôi thấy quá ư ngậm ngùi thương xót.

Đối với Cố Trung Sĩ James Regan còn quá nhiều may mắn, anh được yên thân trong khu nghĩa địa xinh đẹp có vòng hoa đưa tiễn, có người tình thầm gọi tên anh, có thân nhân thăm viếng mỗi năm, có đèn hương ấm mộ. Chứ không như những chiến hữu của tôi đã hơn ba mươi năm không được yên thân dưới huyệt sâu. Họ đang bị cày xới lên để làm khu qui hoạch, để thỏa mãn hận thù. Những mộ phần đã lạnh lẽo hằng bao năm qua không một nén hương tưởng nhớ trong những ngày xuân về hay lễ giỗ. Những tấm mộ bia xiêu vẹo, bể nát dưới những vũng nước sình lầy không có ai tu sửa, chiếc cổng nghĩa địa đã khóa chặt với xích sắt, với kẽm gai không còn lối vào thăm viếng.

Nhìn bức hình nghĩa trang Quốc Gia Arlington nơi an nghỉ cuối cùng của những người lính anh hùng trong chiến trường Afghanistan và Iraq tôi thấy đau xót cho thân phận những người lính VNCH năm xưa. Thân xác họ hôm nay đã thành cát bụi, thế mà vẫn chưa được một chỗ nằm lại bình yên. Cuộc chiến dù đúng hay sai những người sống không có quyền trút đổ hận thù lên bia mộ họ. Trong những cuộc chiến trải qua hằng bao thề kỷ dù tàn bạo như các vương triều Hohenzollern, Habsburg, Romanov hay Ottoman họ vẫn còn chút lương tâm tôn trọng những nấm mồ liệt sĩ. Ngoài trừ bàn tay khát máu Stalin đã giết chết trên 35 triệu người không chút tiếc thương, không cần nấm mồ chôn cất .

Bức hình dự thi của Jonh Moores trong giải thưởng Pulitzer trong ngày lễ chiến sĩ trận vong đã làm cho nhiều người rơi lệ, bức hình tuy chỉ lớn bằng một bàn tay nhưng đã nói lên sự tột cùng đau khổ của người con gái mất người yêu. Bức hình đã nói lên hậu quả của chiến tranh, sự mất mát của con người, sự ghê tởm của chiến tranh. Bức hình tuy đơn sơ nhưng nói lên cả niềm quặn đau từ trái tim của những người mất chồng, mất con, mất cha, mất mẹ. Không phải chỉ bức ảnh của John Moorre là lần đầu tiên ghi lại những hình ảnh đau thương sau cuộc chiến, mà đã từng có hằng trăm, hàng ngàn bức ảnh đau thương khác đã ghi lại những bi thương trên thế giới trong suốt chiều dài lịch sử chiến tranh.

Dĩ nhiên chiến tranh là máu lửa, là khổ đau, là tan nát không có giấy bút nào tả hết, hay có những thước phim nào có thể ghi lại đầy đủ. Mới đây hội nhà báo thế giới đã tổ chức cuộc thi ảnh cho năm 2007 với 125 Quốc Gia tham dự với số lượng 80.536 ảnh của 5.019 nhíp ảnh gia, giải nhất thuộc về Tim Hertherington Anh Quốc với bức hình diễn tả nỗi chán chường của người lính đồn trú ở chiến trường Afghanistan. Trong cuộc thi còn nhiều hình ảnh khác nữa, nhưng dù có cố gắng phơi bày sự thật về hệ lụy chiến tranh thê thảm đến đâu, cũng không đánh động được lương tâm của nhân loại. Có nhiều nhà làm phim muốn cảnh báo cho nhân loại sự tàn phá và chết chóc của chiến tranh nhưng không ai muốn đoái hoài quan tâm đến.

Trong lịch sử nhân loại có rất nhiều tội ác chiến tranh, nhưng con người vẫn giấu kín trong ngăn tủ tối mật của Quốc Gia, có những hành vi núp bóng nhân đạo để mưu đồ lợi ích, ngụy tạo chính nghĩa để chém giết lẫn nhau. Tất cả cũng chỉ là mưu đồ bá chủ, quyền lợi Quốc Gia, sức mạnh vô địch mà họ không cần quan tâm đến sinh mạng của tuổi trẻ đã hy sinh một cách vô lý. Họ vô cảm trước những dòng lệ khổ đau, những giọt máu tươi tuôn chảy từ trái tim của những người lính trẻ. Họ không nhìn thấy sự xót xa trong lòng người mẹ khi nhận được tin con tử trận ngoài chiến trường. Tôi nhớ một đoạn phim “Saving Private Ryan” Steven Spiellerg 1998 với hình ảnh người mẹ quị ngã trước thềm nhà khi nhận tin ba người con đã tử trận cùng một lúc ngoài chiến trường. Chúng ta hãy tưởng tượng xem còn nỗi xót xa nào bằng, còn khổ đau nào hơn trong trái tim người mẹ ngày đêm mong ngóng những người con trở lại.

Dù là lý tưởng cao đẹp hay sự bù đắp to lớn cũng không lấp hết hố sâu buồn đau trong tim người ở lại, hay dù có ban thưởng những huân chương vinh danh cao quí, cũng không thể nào xóa được vết thương hay sự mất mát to tát trong lòng những người mẹ, người góa phụ trong nỗi lặng lẽ nhớ thương.

Bức ảnh cô Mary McHugh trước bia mộ người hôn phu là hình ảnh khổ đau của những người đàn bà, con gái trên địa cầu trong oan nghiệt của chiến tranh. Tiếng khóc, tiếng thở dài là hồi chuông cảnh tỉnh cho nhân loại hãy vì tình yêu thương mà sống, hãy san sẻ, hãy cảm thông đừng gây thêm đổ nát, hoang tàn.

Mary McHugh bị chiến tranh cướp mất người hôn phu, bị dập tắt lửa tin yêu trong trái tim thanh xuân, đó là nỗi xót xa chung cho những nạn nhân chiến tranh trên thế giới mà nhân loại hôm nay đã quay măt trên sự phi lý của chiến tranh, sự ác độc của kẻ nhân danh và lợi dụng sự văn minh để hủy diệt con người.

Friday, May 21, 2010

Bệnh Anh Hùng

Ðinh Từ Thức



Anh hùng không phải là điều xấu, nhưng khi nó trở thành một ám ảnh thường trực, đã biến thành bệnh. Ví dụ, giữ gìn cơ thể sạch sẽ để phòng bệnh, là thói quen tốt. Nhưng sợ vi trùng đến nỗi bị ám ảnh như nhà kỹ nghệ nổi tiếng Howard Hughes, là người bị bệnh hiểm nghèo, tiếng chuyên môn gọi là hypochondriac. Theo triệu chứng tỏ tường, Việt Nam đã mắc "bệnh Anh hùng".

Mười năm qua, tôi đã lui tới Singapore bốn lần, nhưng các lần trước ít chú ý về tình hình tại đây. Một tháng ở đó trong lần chót vừa rồi, gặp đúng dịp đảo quốc này kỷ niệm bốn mươi năm ngày độc lập. Cũng trùng với dịp Việt Nam kỷ niệm sáu mươi năm cuộc Cách mạng tháng Tám, khiến tôi có ý định nêu ra mấy nhận xét đáng chú ý giữa Singapore và Việt Nam.

Không phải chỉ riêng tôi muốn so sánh Singapore với nước mình. Trong thời gian bão Katrina tàn phá, nhà bình luận thời sự nổi tiếng của báo New York Times là Thomas Friedman cũng có mặt ở Singapore. Ông đã viết hai bài trên trang bình luận của New York Times, và có những nhận xét về Singapore. Trong bài báo ngày 14-9, ông viết:

-“Nếu phải chọn bất cứ nơi nào ở Á châu để trải qua một trận bão, thì nơi đó nên là Singapore”.

Friedman nói như vậy, vì so sánh với nỗ lực của Mỹ cấp cứu nạn nhân bão Katrina, Singapore mau mắn và hữu hiệu hơn nhiều khi cứu nạn nhân sóng thần ở Nam Dương vào cuối năm ngoái. Được như vậy, vì trong việc chọn người vào các chức vụ then chốt ở Singapore, người ta không chọn theo tiêu chuẩn bồ bịch, như ông Bush chọn cựu giám đốc cơ quan cấp cứu liên bang (FEMA) Michael Brown, hay “hồng hơn chuyên” theo kiểu Việt Nam. Singapore chọn người theo tiêu chuẩn có khả năng nhất, và ít tham nhũng nhất. Để xứng đáng với khả năng và tránh tham nhũng, họ trả lương rất cao. Thủ tướng lãnh lương gần gấp ba lần tổng thống Mỹ, mỗi năm 1,1 triệu Mỹ kim; nhân viên chính phủ và thẩm phán Tối cao Pháp viện gần một triệu.

Friedman nhận xét rằng, vào buổi đầu, việc cai trị tốt rất quan trọng tại Singapore:

-“Vì đảng cầm quyền phải giành giựt tâm trí người dân với cộng sản, những người được tiếng là không tham nhũng và ân cần – khiến nhà nước phải cũng như vậy, hay khá hơn”.

Thật may mắn cho Singapore, cả phía cộng sản và không cộng sản. Nhờ những người không cộng sản nắm chính quyền mà Singapore được như ngày nay, và phe cộng sản nhờ không cướp được chính quyền nên ngày nay vẫn còn được tiếng là thân dân và không tham nhũng.

Trong bài thứ nhì vào ngày 16-9, Friedman viết về tình hình giáo dục tại Singapore. Theo ông, “chính quyền tại đây hiểu rằng, trong một thế giới phẳng (cả thế giới có thể thu gọn trong chiếc màn ảnh phẳng của máy computer), công việc có thể chạy đi bất cứ đâu thì khá hơn láng giềng chưa đủ. Cần phải đứng trên mọi người – kể cả chúng ta (Mỹ)”. Một hiệu trưởng cho biết:

-“...Chúng tôi đã nới lỏng đôi chút để cho phép học sinh nuôi dưỡng ý tưởng riêng của mình”, và “kiến thức có thể được tạo ra tại lớp học, chứ không phải chỉ đến từ thầy giáo”.

Vẫn theo Friedman, các học sinh lớp bốn và lớp tám tại Singapore đã đạt được điểm cao nhất trong các kỳ thi quốc tế về toán và khoa học do Timss tổ chức. Và sách toán của Singapore đã được trường Mỹ, nơi con gái ông theo học, sử dụng tại Maryland. Trong khi Singapore cố gắng vượt Mỹ về giáo dục, Việt Nam vẫn bắt buộc học sinh từ nhỏ đến lớn, muốn ra trường, phải học những môn “thầy không muốn dạy và trò không muốn học”, là môn “tư tưởng Hồ Chí Minh” và “lý thuyết Mác-Lê”. Ngoài ra, Việt Nam còn phí phạm nhân tài như kiểu tuyển những sinh viên ưu tú, gửi đi nước xã hội anh em Cuba, chịu cảnh đói rách, học những môn không phải sở trường của họ, như kinh tế và computer (theo phóng sự của báo Tiền phong, Hà Nội).

Bây giờ, xin trở lại âm vang hai lễ lớn của Singapore và Việt Nam. Cùng vào tháng Tám, một bên kỷ niệm 40 năm ngày độc lập (9-8), một bên kỷ niệm 60 năm ngày cướp được chính quyền (19-8). Việt Nam đi trước Singapore đúng 20 năm. Ngoài khác nhau về thời gian, còn khác nhau về người cầm quyền: Việt Nam có Đảng Cộng sản, với lãnh tụ Hồ Chí Minh; Singapore có Đảng Nhân dân Hành động (PAP – People’s Action Party), với lãnh tụ Lee Kuan Yew (Lý Quang Diệu).

Dân số Việt Nam hiện có 83 triệu rưỡi người. Dân số Singapore chỉ bằng số lẻ của Việt Nam, công dân thực thụ có ba triệu rưỡi, cộng với 700 ngàn người ngoại quốc tới làm việc, là 4,2 triệu. Nhưng Singapore đang sử dụng ba triệu rưỡi máy điện thoại di động, hơn Việt Nam một triệu đơn vị. Số ngoại tệ và vàng dự trữ của Singapore vào năm ngoái là 112,8 tỷ Mỹ kim, trừ đi số nợ phải trả cho ngoại quốc là 19,4 tỷ, nếu chia đều cho dân, mỗi đầu người được khoảng 26 ngàn Mỹ kim. Trong khi ấy, số dự trữ của Việt Nam là 6,51 tỷ MK, nếu trừ đi số nợ ngoại quốc là 16,55 tỷ, tính đổ đồng mỗi người dân phải mang nợ chừng hơn 100 MK. Bao giờ dân Việt Nam đông bằng dân Trung Quốc, số nợ mỗi đầu người phải gánh sẽ giảm xuống còn khoảng 10 MK.

Singapore chỉ cách Việt Nam hơn một giờ bay, tương đương khoảng cách Sài Gòn đi Hà Nội. Người dân Singapore cùng thuộc giống da vàng, chắc không thể thông minh và chịu khó hơn dân Việt. Singapore lại bị những điều kiện kém Việt Nam, như đất hẹp, không có tài nguyên thiên nhiên, và phải dùng tới bốn ngôn ngữ chính. Nhưng tại sao, độc lập sau Việt Nam 20 năm, ngày nay Singapore nằm trong số những quốc gia đứng đầu danh sách các nước trên thế giới, trong khi Việt Nam nằm chung với các nước dưới cuối? Hình như câu trả lời là chỉ vì hai tiếng “anh hùng” mà thôi.

Theo dõi Việt Nam kỷ niệm 60 năm Cách mạng tháng Tám, hai chữ “anh hùng” được nhắc tới nhiều hơn cả. Trước hết là diễn văn của Chủ tịch nước Trần Đức Lương tại Quảng trường Ba Đình vào sáng 2-9:

-“Nhìn lại những thành tựu vẻ vang của cách mạng Việt Nam 60 năm qua, chúng ta vô cùng tự hào về dân tộc ta, một dân tộc anh hùng... truyền thống yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân Việt Nam chính là những nhân tố cơ bản, cốt lõi làm nên sức mạnh vô địch của nhân dân Việt Nam trong thời đại mới”.

Rồi Chủ tịch:

-“vô cùng biết ơn và cảm tạ các bậc lão thành cách mạng, các bà mẹ Việt Nam anh hùng”,

trước khi kết luận:

-“Dân tộc Việt Nam anh hùng, nêu cao truyền thống tự tôn dân tộc, nhất định sẽ lập nên những kỳ tích mới...”

Báo Nhân Dân ngày 2-9, qua bài “Hà Nội, 60 năm nhìn lại” viết:

-“Trải qua 60 năm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, Hà Nội đã vươn lên mạnh mẽ, xứng đáng là thủ đô Anh hùng của nước Việt Nam Anh hùng”.

Và viết tiếp:

-“Ghi nhận những thành tựu của Hà Nội trong hơn nửa thế kỷ qua, Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu cao quý Thủ đô Anh hùng”.

Bài báo kết luận:

-“...với truyền thống lịch sử nghìn năm văn hiến, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thủ đô phấn đấu hơn nữa, đưa thành phố Hà Nội trở thành thành phố hiện đại, là trung tâm chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật của cả nước, xứng đáng là thủ đô Anh hùng của nước Việt Nam Anh hùng.”

Sài Gòn, đã mất địa vị thủ đô từ hơn ba mươi năm, cũng được tặng danh hiệu anh hùng. Báo Tiền phong Online ngày 2-9 tường thuật:

-“Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã thay mặt Đảng, Chính phủ trao danh hiệu ‘Thành phố Anh hùng’ cho lãnh đạo TP.HCM. Tổng Bí thư nhắc đến truyền thống anh hùng của thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu”

Tự ca tụng mình là anh hùng chưa đủ, mạng lưới chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 30-9 đã phổ biến lại bài bình luận của đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) ngày 29-8, mượn lời báo Mỹ để tự ca anh hùng:

-“Ngay ở Mỹ, Báo Bưu điện Washington, một trong những tờ báo có đông độc giả cũng vừa có bài khẳng định, chủ nghĩa anh hùng của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh giải phóng này đã khích lệ và tạo nguồn cho hàng triệu người trên khắp địa cầu, kể cả tại Mỹ, đấu tranh chống lại chiến tranh và cường quyền” (“Báo Bưu Điện Washington”, có lẽ là Washington Post, nhưng không nói rõ bài báo xuất hiện ngày nào, nên người viết không thể kiểm chứng).

Theo dõi Singapore kỷ niệm 40 năm lập quốc, không nghe thấy ai nhắc tới hai tiếng anh hùng. Thủ tướng Lee Hsien Loong (Lý Hiển Long, con Lý Quang Diệu), trong cuộc nói chuyện lâu hai tiếng rưỡi, [1] không có lần nào ông trực tiếp hay gián tiếp nhắc tới công nghiệp của bố Lý, cũng không hề đả động gần xa tới Đảng Nhân dân Hành động, là đảng cầm quyền từ năm 1959. Trong khi ấy, Chủ tịch Trần Đức Lương của Việt Nam, trong bài diễn văn quốc khánh, đã hãnh diện:

-“Tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, tư tưởng và cuộc đời vẹn toàn của người mãi mãi là ngọn đuốc soi đường, là kho tàng vô giá của dân tộc ta cho hôm nay và cho cả mai sau. Sự cộng hưởng vĩ đại của tư tưởng Hồ Chí Minh, sứ mệnh lịch sử của Đảng Cộng Sản Việt Nam...”

Chính Hồ Chí Minh khi còn sống, cũng tự nhận mình là anh hùng. Trong dịp viếng đền Kiếp Bạc, nơi thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, họ Hồ đã xuất khẩu thành thơ:

-“Bác anh hùng, tôi cũng anh hùng”.

Trong hai cuối tuần lễ lạt ăn mừng độc lập, Singapore không nói tới thắng lợi, không nhắc tới kẻ thù. Thủ tướng Loong nhấn mạnh:

-“Được như ngày hôm nay là nhờ “nhân dân chúng ta, tư tưởng chúng ta, và hành động của chúng ta. Điều quan trọng hơn cả là chúng ta đã tạo được một tinh thần Singapore. Chúng ta can đảm nhưng nhân đạo, chúng ta tự tin nhưng không bao giờ tự kiêu”.

Trong khi đọc diễn văn, có lúc thủ tướng Singapore đã rưng rưng nước mắt, khi nhắc lại kỷ niệm khó quên, xảy ra trong dịp lễ độc lập năm 1968. Thời gian này, Việt Nam đã nổi tiếng thế giới với trận Tổng công kích Mậu Thân, với quyết tâm “giải phóng Miền Nam”, dù phải san phẳng dãy Trường Sơn và hy sinh hàng triệu người. Trong khi ấy Singapore đang bơ vơ, không biết sẽ làm gì để sống. Nước Anh, tuy đã trả độc lập cho Singapore, vẫn còn giữ lại căn cứ quân sự ở Seletar Air Base, hẹn đến năm 1971 mới ra đi. Nhưng đầu năm 1968, Anh quyết định rút sớm, khiến khoảng 150 ngàn dân trực tiếp hay gián tiếp làm cho quân đội Anh bị mất việc. Thu nhập của những người này bằng 20% tổng số lợi tức quốc gia. Singapore họp nhau kỷ niệm lần thứ ba ngày độc lập trong tình huống lo lắng như vậy. Sáng ngày 9-8, trời quang mây tạnh, nhưng trước khi cuộc lễ bắt đầu, mưa đổ tầm tã. Tất cả mọi người cố giữ nguyên hàng ngũ. Đó là niềm hãnh diện về sự quyết tâm, cũng là nỗi xót xa của Singapore trong lịch sử lập quốc của mình. Báo chí Singapore năm nay đã dành nhiều trang lớn, đăng bài vở, hình ảnh và phỏng vấn về lễ kỷ niệm mưa gió này. So với những trận mưa bom đạn mà dân Việt Nam phải chịu từ Bắc tới Nam, trải qua một trận mưa rào nhiệt đới, không bằng chuyện muỗi cắn. Nhưng với những người không muốn làm anh hùng, muỗi cắn cũng đau.

Trong khi Việt Nam sợ “diễn biến hòa bình”, Singapore chủ trương phải thay đổi, hay là chết. Thủ tướng Loong khẳng định:

-“Vì thế giới sẽ thay đổi, nếu Singapore vẫn như hiện nay, chúng ta chết”.

Trong khi Việt Nam cảnh giác về “bọn phản động trong nước”, và những “thế lực thù địch bên ngoài”, Singapore chủ trương xây dựng một “xã hội hợp quần” (inclusive society), thúc đẩy sự tham gia của mọi người trong nước, và sẵn sàng học hỏi từ các nước, kể cả Việt Nam. Thủ tướng Loong kể chuyện:

-“Tôi gặp một nhà vô địch Võ Nam Dương (silat), hỏi ông ta ai là đối thủ đáng sợ nhất tại cuộc tranh tài Á Châu SEA Games? Ông ấy nói Việt Nam. Tôi sốc. Tôi nói Việt Nam biết gì về Võ Nam Dương. Thái cực đạo, Kong fu, hay mấy môn võ cổ truyền Đông phương thì họa may, nhưng silat? Ông ấy nói đúng đấy. Từ con số không, họ bắt đầu học vào năm 1993, với hai huấn luyện viên Nam Dương. Mới đầu, không cơ sở, không vận động trường, không dụng cụ tối tân. Họ lấy mấy ống kim khí, buộc vào nhau thành khung, bọc lại, làm đệm, đấm đá, luyện tập vất vả. Sau vài năm, họ biết khá rồi, cho huấn luyện viên về, tự lo lấy. Bây giờ, họ là vô địch Đông Nam Á, đang nhắm chức vô địch thế giới. Và thứ võ này là môn thể thao hàng đầu ở Việt Nam”.

Ông Loong kết luận:

-“Chúng ta cần có một tinh thần như thế”.

Học võ mà bắt chước Việt Nam, đúng quá!

Singapore không có tài nguyên, một chút đất trồng rau cũng không có, ngay nước dùng hàng ngày còn lo thiếu. Tất cả mọi thứ đều phải nhập cảng. Chỉ còn vốn liếng đáng quý hơn cả là con người. Thay vì hy sinh con người để làm anh hùng, hay làm “nghĩa vụ quốc tế vẻ vang” như lời ông Trần Đức Lương, Singapore đã cố gắng chăm sóc và xây dựng người dân của mình để tạo một thành phố tiến bộ kiểu đệ nhất thế giới, nằm trong thế giới thứ ba. Singapore hiện nay là thành phố sạch sẽ vào hàng nhất thế giới. Người ta có thể đi bộ vẹt gót giày khắp phố lớn phố nhỏ, mà không sợ đạp cứt chó như ở Paris. Singapore cũng an ninh vào hạng nhất thế giới. Thẩm phán Tối cao Pháp viện David Souter bị tấn công khi đang chạy bộ gần nhà ở Washington DC, mới 9 giờ tối, vào cuối tháng Tư năm ngoái. Tôi từng bị móc túi ở New York, Paris, và bị người lái taxi lừa khi vừa ra khỏi phi trường Roma, nhưng hoàn toàn yên tâm khi di chuyển ngày hay đêm, đi bộ hay taxi tại Singapore.

Tuy tinh thần phục vụ của người Singapore hiện nay rất cao, ví dụ người tính tiền tại các chợ hay cửa hàng, mỗi khi trao đổi với khách, đều dùng cả hai tay và kính cẩn cúi đầu, miệng nói cám ơn, nhưng Thủ tướng Loong vẫn chưa hài lòng. Ông than rằng Singapore thiếu văn hóa phục vụ tự nhiên. Ông so sánh với người Thái, người Ấn, người Nhật, người Úc, mỗi khi gặp khách đều có lời chào trước khi vào việc, trong khi người Singapore hỏi ngay là mình có thể giúp gì, hay tệ hơn, là ông hay bà muốn gì. Ông đã coi việc phục vụ như một danh dự, và quyết định nâng cao phẩm chất phục vụ lên hàng quốc sách, trao cho một tổng trưởng chịu trách nhiệm. Trong khi Việt Nam nêu cao khẩu hiệu: “Noi gương Bác Hồ đời đời kính yêu”, khẩu hiệu mới của Singapore là “GST”, chữ đầu của “Greet, Smile and Thank” (CCC – Chào, Cười và Cảm ơn).

Giống như ông Reagan làm trong mỗi dịp đọc Thông điệp Liên bang, ông Lý Hiển Long đã giới thiệu, và kể những câu chuyện về mấy thường dân đặc biệt. Một trong những người được ông đề cao, là bà cựu thư ký 63 tuổi. Bà này vì hoàn cảnh, đã phải đổi nghề nhiều lần. Cuối cùng, nhận việc lau chùi cầu tiêu, kiếm thêm tiền để dành cho con đi hoc. Con bà không muốn, hỏi bà: Sao má hạ mình quá thấp như vậy? Bà trả lời, chùi cầu tiêu không làm mất nhân phẩm. Làm để sống, đâu có trộm cắp ai. Kết thúc câu chuyện, ông muốn mọi người “biết và tin rằng phục vụ là việc làm danh dự. Không phải là những việc thấp hèn”.

Qua việc Thủ tướng Singapore đề cao người chùi cầu tiêu, khiến tôi liên tưởng tới chuyện mới xảy ra tại trụ sở Liên Hiệp Quốc. Trong phiên họp thượng đỉnh cấp quốc trưởng tại Hội đồng Bảo an của khóa họp thứ 60, Đại Hội đồng LHQ ở New York vào ngày 14-9-05, ký giả của hãng Reuters, dùng ống kính nhìn xa, đã chụp được tay tổng thống Bush đang viết một cái note cho Ngoại trưởng Condoleezza Rice ngồi cạnh. Phóng ảnh to lên, đọc được mấy chữ của ông Bush, không phải chuyện sống còn của thế giới, mà là:

-“Tôi nghĩ rằng tôi cần đi cầu. Liệu có được không?” (I thinhk I may need a bathroom break. Is this possible?).

Điều này nhắc nhở mọi người một thực tế là, dù có quyền lực lớn chưa từng ai có được trong lịch sử loài người như ông Bush ngày nay, cũng không thể cưỡng nổi tiếng gọi của thiên nhiên. Vậy thì, hạnh phúc trong cuộc sống thường ngày, không nên đo bằng tiền bạc hay quyền cao chức trọng, hãy đo bằng chỉ số cầu tiêu.

Singapore là nơi nhiều cầu tiêu và sạch sẽ nhất thế giới. Washington, DC. nhờ có nhiều bảo tàng viện và đài kỷ niệm, nơi nào cũng đầy đủ cầu tiêu, nên cũng đỡ. Paris tệ nhất, vừa ít, thiếu vệ sinh, lại phải trả tiền. London khá hơn, nhưng vẫn không có nhiều. Tại New York, năm 1990, Trung tâm Công lý Đô thị (Urban Justice Center) đã kiện thành phố vì không cung cấp đủ nhà vệ sinh công cộng. Dù vậy, trải qua ba đời thị trưởng, kể cả thị trưởng nổi tiếng thế giới Giuliani cũng không thỏa mãn được nhu cầu này. Mới đây, ông thị trưởng Bloomberg đã chọn công ty Cemusa của Tây Ban Nha để thiết lập 20 nhà cầu trên đường phố.

Trong khi ấy, tại Singapore, nhìn chỗ nào cũng thấy dấu hiệu nhà vệ sinh. Tại các tiệm bán hàng lớn, nhà vệ sinh nhiều gấp hai gấp ba lần so với bên Mỹ. Ví dụ tại Tyson Corner, khu thương mại lớn nhất ở ngoại ô Washington, DC., khách của nhà bán hàng vào loại sang Nordstrom, nhiều khi từ tầng này phải qua tầng khác, kiếm mãi mới thấy WC. Tại Singapore, tiệm Takashimaya ở đường Orchard, trong cả 7 tầng, mỗi tầng đều có bốn nhà vệ sinh, hai nam, hai nữ. Ngoài số lượng, nhà vệ sinh Singapore còn có phẩm chất cao, chỗ nào và lúc nào cũng sạch sẽ. Lần đầu tiên tới Singapore, thấy ở đây đôi chỗ vẫn còn dùng loại bàn cầu kiểu cổ như ở Việt Nam, tuy cũng tráng men sạch sẽ, tôi bèn tìm hiểu, mới biết rằng, vì công chúng có nhiều người vẫn còn thích xài kiểu cổ. Vệ sinh hơn kiểu mới và đỡ phải lót giấy khi ngồi. Ngoài ra, còn cái thú hồi hộp khi sử dụng, phải tính toán, cân nhắc như một cao thủ thể thao, hay một nhà thiện xạ, rót sao cho trúng mục tiêu. Lần chót vừa rồi ở Singapore, tôi vào chỗ đi tiểu tại một tiệm bán hàng trên đường Orchard. Vừa đứng trước bồn, đang còn sửa soạn, chưa kịp trình diễn, đã thấy nước trong bồn tự động xịt cái ào. Nghĩ bụng chắc có trục trặc kỹ thuật. Trình diễn xong, nước tự động xịt lần nữa. Bán tín bán nghi, bèn đứng thử trước mấy bồn khác, thấy cái nào cũng xịt hai lần trước sau như vậy. Tuy đã ở Mỹ ba mươi năm, lúc ấy tôi có cảm tưởng mình như anh nhà quê lần đầu ra tỉnh.

Bây giờ, xin ghé qua “nước Việt Nam Anh hùng”. Rất tiếc, tôi đã không có mặt tại Việt Nam, để có thể nhận xét tại chỗ, như đối với Singapore. Tuy nhiên, những gì nêu ra sau đây, đều là những tài liệu chính thức đã công bố từ Việt Nam. Theo báo DanTri.com.vn, du khách ngoại quốc đã phiền hà rất nhiều, vì Việt Nam thiếu nhà vệ sinh công cộng. Những nơi có nhà vệ sinh thì bị đòi tiền quá giá chính thức. Những nơi không nên có nhà vệ sinh, thì lại có, như cạnh chỗ nấu ăn, khiến thực khách từ chối không ăn. Vẫn theo báo này, một doanh nhân đã khuyên:

-“Khoan hãy nói tới những chuyện to tát khác, khoan hãy tốn tiền cho những chuyến đi quảng bá hình ảnh du lịch ở nước ngoài, nếu chưa lo được... cái W.C cho du khách!”

Trong khuôn khổ kỷ niệm 60 năm Cách mạng tháng Tám, ngày 18-8, Bộ Ngoại giao Việt Nam long trọng công bố cuốn sách “Thành tựu bảo vệ và phát triển con người ở Việt Nam”, dư luận quen gọi là Sách trắng về Nhân quyền. Cuối mục “Bảo đảm quyền về y tế”, sách ghi nguyên văn:

-“Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng hố xí hợp vệ sinh năm 1995 là 27,33% (thành thị 54,9%, nông thôn 17,3%), năm 2000 là 44,07% (thành thị 81,77%, nông thôn 32,49%).”

Những con số này nói gì? Con số đầu cho biết trong nửa thế kỷ dưới quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chỉ có hơn một phần tư trong số gần 80 triệu nhân dân Việt Nam anh hùng được sử dụng hố xí hợp vệ sinh, còn hơn 50 triệu dân vẫn phải bài tiết một cách thiếu vệ sinh. Con số thứ nhì cho thấy, 55 năm sau khi cách mạng thành công, hơn một nửa nhân dân anh hùng vẫn chưa có được cái hạnh phúc nhỏ nhoi là sử dụng hố xí hợp vệ sinh.

Năm ngày sau lễ Độc lập 2-9, từ “thủ đô Anh hùng của nước Việt Nam Anh hùng” (chữ của báo Nhân Dân), trong khi trả lời một bài phê bình, nhà văn Dương Thu Hương, mới đi ngoại quốc về, nói rằng:

-“Tôi trở lại Việt Nam là để ỉa vào mặt kẻ cầm quyền”.

Thú thật, lúc đầu tôi hơi bị sốc khi đọc câu này. Nhưng nghĩ lại, tôi thấy chẳng qua cũng chỉ là phản ứng tự nhiên của nhà văn. Đảng đã cầm quyền 60 năm, hy sinh xương máu của vài ba triệu người, hy sinh hạnh phúc của vài ba thế hệ. Kết quả: hơn nửa số nhân dân vẫn không có nổi một hố xí hợp vệ sinh. Vậy, chỉ còn cách dùng ngay mặt kẻ cầm quyền làm hố xí. Chỉ e rằng cách giải quyết này cũng không hợp vệ sinh.

Sự khác nhau giữa Singapore và Việt nam đã phản ảnh rõ qua lời tuyên bố tiêu biểu của nhà lãnh đạo hai quốc gia trong lễ độc lập của mình. Tuy được xếp ngang với các nước hàng đầu thế giới về nhiều phương diện, Thủ tướng Lý Hiển Long vẫn tuyên bố:

-“Singapore chúng ta không có một văn hóa phục vụ tự nhiên...chúng ta còn phải cố gắng nhiều để đạt trình độ thế giới...” (In Singapore, we don’t have a natural service culture... we have a long way to go to reach world class...).

Trong khi Việt Nam xếp hàng với những nước cuối danh sách về nhiều phương diện, Chủ tịch Trần Đức Lương tuyên bố:

-“Dân tộc Việt Nam anh hùng, nêu cao truyền thống tự tôn dân tộc, nhất định sẽ lập nên những kỳ tích mới...”

Anh hùng không phải là điều xấu, nhưng khi nó trở thành một ám ảnh thường trực, đã biến thành bệnh. Ví dụ, giữ gìn cơ thể sạch sẽ để phòng bệnh, là thói quen tốt. Nhưng sợ vi trùng đến nỗi bị ám ảnh như nhà kỹ nghệ nổi tiếng Howard Hughes, là người bị bệnh hiểm nghèo, tiếng chuyên môn gọi là hypochondriac. Theo triệu chứng tỏ tường, Việt Nam đã mắc “bệnh Anh hùng”. Tiếng chuyên môn viết tắt là HOC, do ở tiếng Anh Heroic Obsessive-Compulsiv e disorder. Bệnh HOC hay “bệnh anh hùng” đáng sợ hơn tất cả các chứng bệnh khác. Người bị các bệnh khác, bao giờ cũng mong được chữa khỏi, và chịu khó chữa trị. Trái lại, người mắc bệnh anh hùng luôn tự hào về căn bệnh của mình, nên không thể chữa.

Nhiều người thắc mắc, tại sao dân tộc Việt Nam thông minh, cần cù và hy sinh nhường ấy, vẫn không thể tiến bộ? Nhưng thử hỏi lại, mang trọng bệnh 60 năm, chưa chết đã là may, còn mong chi tiến bộ? Trong dịp kỷ niệm 40 năm độc lập, báo chí Singapore phỏng vấn nhà lãnh đạo lão thành Lý Quang Diệu về tương lai đất nước, ông trả lời:

-“Chúng ta đã không phung phí 40 năm qua và không lý nào chúng ta không thể phát lên được.” (We’ve not wasted the last 40 years and there’s no reason we can not make this breakthrough) .

Việt Nam đã phí phạm 60 năm qua, làm sao để phát lên được?



Ðinh Từ Thức