Saturday, March 20, 2010

Xuôi dòng Mê Kông.

Mê Kông là một trong những con sông dài nhất trên thế giới, nuôi sống 70 triệu người từ vùng núi cao tỉnh Thanh Hải, băng qua Tây Tạng, theo suốt chiều dài tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, tới Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia rồi đổ ra Biển Đông ở Việt Nam.

Gần một nửa chiều dài con sông này chảy trên lãnh thổ Trung Quốc. Ở đoạn đầu nguồn nằm trên tỉnh Thanh Hải, nó được gọi là sông Dzachu theo tiếng Tây Tạng và Lan Thương Giang theo tiếng Hán (có nghĩa là "con sông cuộn sóng”). Đây là vùng đất tuyết vĩ đại với những ngọn núi cao hơn 5.000m – nơi vẫn chưa có đường sá và nhiệt độ thấp, nơi truyền thống Tây Tạng vẫn còn tinh tuyền. Chính vị thế cô lập của cao nguyên Tây Tạng cho đến những năm gần đây đã giúp giấu che nguồn cội của dòng Mê Kông.
Sông Mê Kông bắt nguồn từ Dzado thuộc khu vực Kham của Tây Tạng.
Người Tây Tạng cho rằng thượng nguồn sông Mê Kông chia ra hai nhánh: nhánh tây bắc và nhánh bắc. Những cuộc thám hiểm cho đến năm 1999 dưới sự hợp tác các nước Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã chính thức xác minh nguồn mạch sông Mê Kông thuộc nhánh Bắc.. Các con số về độ dài của sông dao động trong khoảng 4.200 km đến 4.850 km.
Các chuyên gia về khí hậu ước tính rằng trong 50 năm qua có đến 82% lượng băng tại cao nguyên Tây Tạng đã tan chảy. Tình trạng này có tác động ngay tức thời đối với những quốc gia dưới hạ nguồn. Các nhà nghiên cứu về băng hà đưa ra cảnh báo chỉ trong vòng 40 năm tới, sẽ có đến 2/3 băng hà trên cao nguyên Tây Tạng sẽ tan chảy. Như thế nguồn sông sẽ cạn đi dẫn đến tình trạng dòng chảy thay đổi hoàn toàn.

Đàn gia súc của người du mục bên sông.
Xuôi dòng Lan Thương Giang, ra khỏi nơi nguồn cội xuất phát dòng sông, cao nguyên Tây Tạng ngập tràn bóng dáng Đạo Phật. Khắp dọc ven sông, mọi nơi đều thấy những dấu hiệu tháp, cờ, đền thờ, tu viện; cả trên núi, ngoài thảo nguyên. Bộ tộc người du mục Khampa chăn thả đàn gia súc của họ trên những cách đồng cỏ quanh thượng nguồn Mê Kông từ hàng ngàn năm nay. Dường như đây là một lối sống chưa hề bị cuộc sống văn minh chạm đến. Tuy nhiên, khi Trung Quốc chuyển đổi từ một quá khứ nông nghiệp sang tương lai công nghiệp hóa, những thay đổi đáng kể đã xảy đến cho dòng sông cũng như người dân sống ven sông khi những dự án thủy điện và đập nước được dựng lên.
Đập Tiểu Loan ở đoạn sông qua tỉnh Vân Nam.Hết lãnh thổ Trung Quốc, đoạn sông Mê Kông dài khoảng 200 km tạo thành biên giới giữa hai nước Myanmar và Lào. Tại điểm cuối của biên giới, con sông này hợp lưu với sông nhánh Ruak tại Tam Giác Vàng. Ở đây, bên bờ con sông phía Lào lại tấp nập không khí giao thương. Một biểu tượng rõ nét nhất của hoạt động đầu tư là một mái vòm vàng của sòng bài nhô cao lên từ phía bờ sông thuộc địa phận nước Lào. Bên phía bờ Mianma là Phức hợp Thiên Đàng cực lớn, trong đó có sòng bài Win Win Win. Phức hợp Thiên Đàng này sẽ chẳng bao lâu nữa phủ sang bờ phía Lào, trở thành trung tâm của một khu kinh tế đặc biệt rộng 20 km, và một cụm công- nông nghiệp.
Toàn cảnh Tam Giác Vàng.Sông Mê Kông sau đó tạo thành biên giới của Lào và Thái Lan, trước khi dòng chảy chạy vào đất Lào. Nó được người Lào và người Thái và gọi là Mènam Khong (Mènam nghĩa là "sông"), còn sử Việt Nam thì gọi là Sông Khung. Khoảng sông ở Lào đặc trưng bởi các hẻm núi sâu, các dòng chảy xiết và những vũng nước sâu khoảng nửa mét vào mùa khô. Nó mở rộng ra ở phía nam Luang Prahang, ở đó nó có thể rộng tới 4 km và sâu tới 100 mét, mặc dù dòng chảy của nó vẫn rất trái ngược nhau.Con sông này sau đó lại làm biên giới của Lào và Thái Lan trong đoạn chảy qua Viêng Chăn, sau đó lại là một đoạn ngắn chảy trên đất Lào. Ở đoạn này, nó bao gồm cả khu vực Si Phan Đôn (bốn ngàn đảo) phía trên thác gần biên giới Campuchia. Thác nước này dài 15 km, cao 18 m, khá hùng vĩ và gần như không thể vượt qua đối với giao thông bằng đường thủy
Cảnh sông Mê Kông trước hoàng hôn tại biên giới Lào-Thái Lan.Đây cũng là khúc sông nổi tiếng với loài cá tra khổng lồ có chiều dài đến 3m, nặng có con trên 300kg. Tuy nhiên loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới này nay chỉ còn là một động vật quí hiếm. Những con cá lớn mà ngư dân bắt được hiện không thấy ở khu này nữa. Một số các nhà bảo tồn thiên nhiên cho rằng việc đánh bắt quá mức là nguyên nhân khiến số lượng cá tra khổng lồ trên sông Mê Kông giảm đi, và rằng những thay đổi trên thượng nguồn không có mấy tác động đến nơi sinh đẻ của loài cá này. Trong khi đó, những người dân địa phương khẳng định chính tình trạng phá đá trên sông và thay đổi thất thường của mực nước khiến cho cá tra khổng lồ giảm sút.
Con cá tra khổng lồ dài 3m, nặng 300kg đánh được tại hạ nguồn sông Mê Kông.
Tại Campuchia, con sông này có tên là sông Mékôngk hay Tông-lê Thơm (Sông Lớn). Vùng nước chảy xiết Sambor phía trên Kratie là cản trở giao thông cuối cùng. Ở phía trên Phnom Penh nó hợp lưu với Tônglê Sáp, con sông nhánh chính của nó ở Campuchia. Vào mùa lũ, nước chảy ngược từ sông Mê Kông vào Tông-lê Sáp.

Đồng bằng sông Cửu Long.Bắt đầu từ Phnôm Pênh, nó chia thành 2 nhánh: bên phải là sông Bassac (Ba Thắc) - sang Việt Nam gọi là Hậu Giang hay sông Hậu; và bên trái là Mê Kông - sang Việt Nam gọi là Tiền Giang hay sông Tiền. Cả hai đều chảy vào khu vực đồng bằng châu thổ rộng lớn ở Nam Bộ, dài chừng 220-250 km mỗi sông. Tại Việt Nam, sông Mê Kông còn có tên gọi là sông Lớn, sông Cái, hay sông Cửu Long, tức "sông chín rồng".
Nguyễn Viết
Sưu tầm