Sunday, February 14, 2010

Hội Thân Hữu Ninh Thuận - Chương Trình Tân Xuân Hội Ngô - 2010






TRỞ VỀ ĐẦU TRANG

Thursday, February 11, 2010

CHÚC NHAU TRĂM TUỔI ĐỀU LÀ TUỔI XUÂN



Nguyên Minh


Những lời chúc tốt đẹp đầu xuân là điều hầu như không thể thiếu được ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, và lại càng không thể thiếu được trong những xã hội Á Đông, nơi vốn có truyền thống xem trọng những giá trị tinh thần hơn là vật chất.

Thật vậy, ngay cả khi ta đang sống giữa bộn bề những khó khăn vất vả, chỉ cần nghe được những lời chúc xuân của người thân và bè bạn là cứ tưởng như mình rồi sẽ lập tức vượt qua được tất cả mọi khó khăn, và cũng tin tưởng rằng trong năm mới mọi thứ đều sẽ mới, sẽ tốt đẹp hơn và hoàn hảo hơn rất nhiều so với năm cũ!

Nhiều người cho rằng những lời chúc quá tốt đẹp dành cho nhau trong dịp xuân về thường là sáo rỗng vì không hợp với thực tế và thường có đến chín phần mười là không thể đạt được! Nào là sống lâu trăm tuổi, vạn sự như ý, an khang thịnh vượng, phát tài phát lộc... Thôi thì đủ cả mọi điều tốt đẹp, cứ như mặt đất này phút chốc đã biến thành thiên đường với toàn những điều mà ai ai cũng luôn mơ ước! Biết là không thể có được mà vẫn cứ nói ra, vẫn cứ chúc cho nhau, vẫn cứ hy vọng hão, như vậy chẳng phải chỉ là những lời sáo rỗng đó sao?

Tuy nhiên, mọi truyền thống đều có những ý nghĩa tốt đẹp nhất định của chúng. Chỉ sợ rằng chúng ta không hiểu được thâm ý của người xưa nên đôi khi vô tình đánh mất đi những ý nghĩa sâu xa trong đó mà thôi.

Những lời chúc tốt đẹp mà chúng ta dành cho nhau, xét cho cùng chính là sự biểu lộ mối quan tâm đến nhau và sự khao khát vươn đến mọi điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống. Vì thế, điều quan trọng ở đây là chúng ta nên hiểu về ý nghĩa của chúng như thế nào, và thể hiện chúng theo cách nào để phù hợp với những ý nghĩa đích thực đó. Nếu bạn cầu chúc cho một người nào đó với mức độ tình cảm dành cho người ấy được đo bằng số không, thì chắc chắn lời chúc ấy cho dù có văn hoa, tốt đẹp đến đâu cũng sẽ chỉ là những lời sáo rỗng! Nhưng nếu bạn thực sự gửi gắm tình cảm chân thành của mình dành cho ai đó trong lời cầu chúc của mình, thì điều chắc chắn là cho dù bạn có thể hiện một cách vụng về đến đâu đi chăng nữa, những lời cầu chúc ấy vẫn sẽ được trân trọng.

Vì thế, cho dù chúng ta luôn sẵn có rất nhiều lời chúc xuân hết sức tốt đẹp để chọn lựa và gửi đến cho những người thân quen của mình, nhưng có hai điều mà tự thân bạn nhất thiết phải có được để mang lại giá trị chân thật cho những lời chúc tốt đẹp ấy.

Điều thứ nhất muốn nói đến ở đây chính là tình cảm chân thật. Khi xuất phát từ tình cảm chân thật, mọi lời cầu chúc đều có thể xem là tốt đẹp, không chỉ vì nội dung tốt đẹp hàm chứa trong từng câu chữ, mà chính là do nơi tình cảm chân thành được gửi gắm vào trong đó.

Trong mối quan hệ đa dạng với nhiều người khác nhau trong xã hội, điều tất nhiên là chúng ta không bao giờ có thể dành cho tất cả mọi người một tình cảm đồng đều như nhau. Ngay cả với những thành viên trong cùng một gia đình thì sự khác biệt về mức độ tình cảm mà chúng ta dành cho mỗi người cũng vẫn có những khác biệt nhất định nào đó. Tuy nhiên, tình cảm chân thật không phụ thuộc vào mức độ tình cảm mà chúng ta dành cho mỗi người. Điều quan trọng nhất là, cho dù trong tình yêu, tình bạn hay tình gia tộc, những tình cảm mà chúng ta dành cho nhau phải hết sức chân thật, được xuất phát từ chính những cảm xúc thật có trong lòng ta mà không phải gượng ép tạo ra bởi một lý do hay động lực nào khác.

Trong thực tế, bất cứ quan hệ giao tiếp nào trong xã hội cũng đều bao gồm hai yếu tố: một là nhu cầu giao tiếp thuần túy và hai là tình cảm nảy sinh trong quá trình giao tiếp. Lấy ví dụ thật đơn giản như khi bạn ghé vào hiệu sách để chọn mua một quyển sách chẳng hạn. Điều tất nhiên là bạn cần có sự giao tiếp với một nhân viên bán hàng. Người ấy sẽ giới thiệu với bạn về những tựa sách hiện có trong nhà sách, sẽ gợi ý với bạn về những cuốn sách hay đang được nhiều người ưa chuộng, hướng dẫn bạn trong việc tìm kiếm cuốn sách mà bạn cần... Bạn đang có nhu cầu mua sách và nhân viên bán hàng có trách nhiệm bán sách. Vì thế, giữa hai bên nảy sinh một quan hệ giao tiếp thuần túy. Tuy nhiên, trong quá trình giao tiếp, có thể là sự tinh tế và chu đáo với nụ cười duyên dáng đầy thiện cảm của cô bán hàng sẽ làm nảy sinh nơi bạn một mức độ tình cảm nhất định. Đồng thời, phong cách giao tiếp lịch sự, cử chỉ nhã nhặn của bạn cũng làm nảy sinh nơi cô bán hàng một tình cảm tích cực nào đó. Do yếu tố tình cảm nảy sinh này, đôi bên có thể sẽ tiếp tục trao đổi thêm một vài vấn đề nào đó ngoài quan hệ thuần túy của việc mua bán, cũng có thể sẽ mời nhau một ly nước giải khát hoặc thậm chí một bữa cơm làm quen...

Nhưng ngược lại, nếu bạn bắt gặp một khuôn mặt khó đăm đăm và luôn cau có, chỉ trả lời từng tiếng một nhát gừng, thì có lẽ số đo của yếu tố tình cảm nảy sinh sẽ chỉ là số không, hoặc thậm chí có thể xem là số âm nếu như nó đủ để làm cho bạn bực bội rời khỏi cửa hàng ấy ngay tức khắc!

Suy rộng ra một cách tương tự thì tất cả mọi quan hệ khác cũng đều như thế. Quan hệ giữa người bán hàng và người mua hàng, giữa người chủ thuê và người làm công, thậm chí cho đến giữa vợ chồng với nhau cũng đều như thế.

Chính vì thế mà luôn có những người bán hàng dành được tình cảm của người mua, có được những khách hàng sẵn sàng ủng hộ lâu dài cho họ. Hoặc có những người làm công vẫn chấp nhận gắn bó với chủ thuê ngay trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, cho dù có thể dẫn đến sự thiệt thòi về vật chất. Bởi vì giữa họ với nhau không chỉ có thuần túy mối quan hệ giao tiếp qua công việc, mà còn có sự nảy sinh những tình cảm chân thật.

Tương tự như vậy, khi hai người kết hôn với nhau, quyết định cùng nhau chung sống để tạo dựng một gia đình, họ sẽ ràng buộc với nhau trước hết bởi yếu tố thuần túy là mục đích tạo dựng gia đình. Nhưng trong quá trình giao tiếp và chung sống, chính sự quan tâm lẫn nhau, giúp đỡ và hy sinh cho nhau sẽ ngày càng làm nảy sinh giữa đôi bên những tình cảm gắn bó thắm thiết bền vững. Ngược lại, cho dù đã chung sống với nhau đến mười năm, hai mươi năm, nhưng nếu không có sự quan tâm lo lắng cho nhau, không cùng nhau chia sẻ những buồn vui, sướng khổ, thì yếu tố tình cảm chắc chắn sẽ không thể được nuôi dưỡng đủ để gắn kết đôi bên trong hạnh phúc.

Khi chúng ta biết phân biệt giữa nhu cầu giao tiếp thuần túy và yếu tố tình cảm nảy sinh, chúng ta sẽ dễ dàng hiểu được thế nào là tình cảm chân thật. Đó chính là sự tách rời khỏi nhu cầu công việc, được thể hiện bởi những cảm xúc thật có trong lòng ta mà không do bất cứ một sự tính toán lợi dụng hay áp lực nào từ bên ngoài. Chẳng hạn, khi bạn mua một món quà cho sếp với hy vọng là những ngày làm việc sắp tới ở văn phòng sẽ được “dễ thở” hơn, thì điều đó hoàn toàn không thể xem là tình cảm chân thật. Điều này thật dễ hiểu, bởi vì trong trường hợp này thì chỉ cần sếp chuyển công tác sang một bộ phận khác không trực tiếp chi phối công việc của bạn, chắc chắn bạn sẽ quên ngay cả tên gọi của sếp, nói gì đến chuyện quà biếu! Ngược lại, nếu bạn thực sự biết ơn vì những quan tâm giúp đỡ tận tình của sếp trong suốt thời gian qua, đã giúp bạn vượt qua được nhiều khó khăn trong công việc, thì sự thể hiện tình cảm của bạn là chân thật. Trong trường hợp này, cho dù sếp có chuyển công tác đi nơi khác, chắc chắn bạn cũng sẽ không ngại bỏ công tìm đến cơ quan mới của sếp để bày tỏ tình cảm của mình. Trước khi bạn gửi lời chúc xuân đến với ai đó, hãy chắc chắn là bạn đã có được tình cảm chân thật với người đó.

Như đã nói, không cần thiết phải đạt đến mức độ “đồng sinh cộng tử” hay “chia ngọt sẻ bùi” với nhau mới gọi là có tình cảm chân thật. Cho dù chỉ là những tình cảm vừa nảy sinh qua sự giao tiếp ngắn ngủi, nhưng nếu thực sự là những cảm xúc thật có trong lòng bạn, được nảy sinh một cách hoàn toàn tự nhiên mà không có bất cứ sự tính toán lợi dụng nào, thì đó chính là những tình cảm rất chân thật! Bạn có thể phân vân rằng khi đặt ra tiêu chí này phải chăng có thể sẽ giới hạn số lượng những người mà bạn muốn chúc xuân? Điều này thật ra không hẳn thế. Tình cảm chân thật của chúng ta không phải là một kiểu “tài nguyên” có giới hạn, vì thế mà cho dù bạn có dành tình cảm chân thật của mình cho bao nhiêu người cũng không hề sợ... thiếu.

Vấn đề đối với hầu hết chúng ta là, khi tập thành thói quen bày tỏ tình cảm với người khác một cách không chân thật, chúng ta không chỉ đang dối gạt người khác mà còn là đang dối gạt chính bản thân mình. Những cách nói “xã giao” thân mật một cách giả tạo không phải là “vô thưởng vô phạt” như nhiều người lầm tưởng, mà thực sự là một thói quen tai hại có thể làm chai lỳ những cảm xúc chân thật trong lòng ta. Vì thế, để có được mối quan hệ giao tiếp tốt với tất cả mọi người, trước hết chúng ta cần phải biết chân thật với chính mình.

Khi chúng ta chân thật với chính mình, chúng ta sẽ nhận ra rằng không cần thiết và không nên thể hiện tình cảm một cách giả tạo, không chân thật với bất cứ ai. Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn không có nghĩa là giới hạn những đối tượng tình cảm của chúng ta, mà có nghĩa là hãy cố gắng tập thói quen luôn quan tâm đến người khác một cách chân thật. Khi ta quan tâm đến người khác một cách chân thật, ta sẽ luôn dễ dàng tìm thấy những điểm đáng yêu, dễ mến ở bất cứ ai, và điều đó giúp ta nảy sinh tình cảm chân thật, không giả tạo.

Hãy mở rộng tình cảm chân thật của bạn đến với tất cả mọi người trong cuộc sống này bất cứ khi nào có dịp, bởi vì cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi ta có được mọi người quanh ta để thương yêu và được thương yêu. Tuy nhiên, hãy tập thói quen chỉ bày tỏ tình cảm củabạn một cách thật lòng. Sự chân thật sẽ được đáp lại bằng chân thật, và vì thế mà cuộc sống của chúng ta mới thực sự có ý nghĩa, thực sự là một mái nhà chung ấm áp cho tất cả mọi người chứ không phải là một “đấu trường” mà trong đó ai ai cũng luôn phải hoài nghi, dò xét lẫn nhau.
\
Khi bạn đã có được tình cảm chân thật với một người, lời cầu chúc của bạn sẽ không bao giờ có thể bị xem là sáo rỗng, bởi vì nó luôn được xuất phát từ tình cảm chân thật ấy. Hơn thế nữa, tình cảm chân thật bao giờ cũng dẫn đến sự quan tâm lẫn nhau, nhờ đó chúng ta sẽ có thể hiểu được nhiều điều về mức sống cũng như hoàn cảnh hiện thời của người kia. Vì thế mà bất cứ lời chúc nào khi được chọn gửi đến cho người khác đều sẽ không chỉ là những nội dung sáo rỗng.

Điều cần thiết thứ hai để mang lại giá trị chân thật cho lời cầu chúc của bạn là những giá trị thật có của chính bản thân bạn. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Cũng giống như khi bạn dẫn đường cho một ai đó, bạn nhất thiết phải tự mình thông thạo đường đi thì những chỉ dẫn của bạn mới thực sự có giá trị. Nếu chúng ta thực lòng mong muốn cho những lời chúc tốt đẹp của mình trong dịp xuân về sẽ trở thành hiện thực, thì nhất thiết bản thân ta phải thực sự có được những giá trị nhất định nào đó.

Bạn không thể cầu chúc, mong muốn cho người khác được an vui hạnh phúc nếu như bản thân bạn chưa từng trải nghiệm một cuộc sống an vui hạnh phúc hoặc ít ra cũng là đang hướng đến một đời sống như thế. Bạn không thể cầu chúc, mong muốn cho người khác dồi dào tiền của nếu như bản thân bạn không có bất cứ biểu hiện nào của sự siêng năng cần mẫn, tích cực trong công việc.
Bạn cũng không thể cầu chúc, mong muốn cho người khác được dồi dào sức khỏe nếu như bản thân bạn không biết tự giữ gìn sức khỏe, rơi vào cảnh nghiện ngập, rượu chè be bét...
Những điều đó nghe qua có vẻ như chẳng liên quan gì đến nhau, nhưng thực ra lại là những giá trị luôn gắn bó mật thiết. Một lời cầu chúc chân thành không chỉ đơn thuần là sự bày tỏ niềm mong ước của bạn về những điều tốt đẹp cho ai đó. Trong thực tế, nó còn có một sức mạnh động viên, khích lệ, có thể giúp cho người nhận được lời cầu chúc đó tăng thêm sức mạnh, niềm tin và nghị lực để hướng đến những thành quả tốt đẹp thực sự. Và vì thế mà nhân cách và những giá trị tinh thần của mỗi người luôn là nền tảng để tạo ra giá trị đích thực cho lời cầu chúc mà họ đưa ra.

Bạn có thể tự mình nhận ra điều này bằng cách phân tích những cảm xúc của chính bản thân khi nhận được một lời cầu chúc từ ai đó. Bạn sẽ dễ dàng nhận ra sự khác biệt giữa lời chúc xuân của một người này khi so với một người khác. Điều gì đã tạo ra sự khác biệt đó? Chính là sự khác biệt về nhân cách của họ, là những giá trị tinh thần mà mỗi người đã tạo ra trong đời sống. Điều này giải thích một tập tục có từ rất xa xưa của người Việt, mỗi dịp xuân về luôn mong muốn sẽ được một vị đạo cao đức trọng trong thôn xóm, hoặc một người có những đức tính như hiền hậu, siêng năng, tử tế... đến viếng thăm nhà mình trước tiên để chúc Tết. Ý nghĩa tích cực này đã bị rất nhiều người hiểu sai, để rồi đâm ra phê phán cho đó là một sự mê tín, hủ tục.

Thật ra, không chỉ là những lời chúc xuân, mà ngay cả những lời khuyên bảo hoặc an ủi thường ngày trong cuộc sống của chúng ta cũng luôn gắn liền với giá trị tự thân của người đưa ra những lời khuyên bảo hoặc an ủi đó. Có những người chỉ cần nói ra một lời động viên khuyến khích là đã khiến cho người nghe như được tăng thêm sức mạnh bội phần, nhưng ngược lại cũng có những người mà cho dù có nói ra toàn những lời văn hoa tốt đẹp cũng chỉ bị người khác xem như gió thoảng, không một chút lưu tâm! Khi thấy được sự khác biệt này là có thật, chúng ta sẽ dễ dàng hiểu được vì sao người xưa rất xem trọng những ai sẽ đến chúc Tết cho gia đình mình.

Nói một cách khác, nếu chúng ta thực sự muốn cầu chúc những điều tốt đẹp cho người khác, thì điều trước tiên là chúng ta phải hiểu và trân trọng những giá trị tốt đẹp đó, cũng như tự mình có được những nỗ lực hoàn thiện bản thân để hướng đến chính những điều tốt đẹp đó.

Khi bạn thực sự có tình cảm chân thành với ai đó và tự xét mình có được những giá trị tự thân nhất định, thì lời chúc xuân mà bạn dành cho người ấy chắc chắn sẽ luôn có những giá trị tích cực mà không chỉ là những lời mang tính xã giao, sáo rỗng.

Trong chu kỳ vận chuyển của thiên nhiên, mùa xuân luôn mang đến nguồn sinh lực lớn lao cho hết thảy muôn loài. Cho dù không hề biết đến việc chúc xuân nhưng muôn loài vẫn đua nhau sinh sôi nảy nở, vẫn náo nức hân hoan khi khởi đầu một chu kỳ mới với những điều kiện ưu ái mà thiên nhiên ban tặng trong dịp xuân về. Con người chúng ta không chỉ nhận được nguồn sinh lực tự nhiên từ thiên nhiên, mà còn muốn tạo ra và dành cho nhau những nguồn sức mạnh tinh thần khác trong dịp xuân về để cùng hướng đến những điều tốt đẹp hơn trong năm mới.

Việc dành cho nhau những lời chúc xuân là một phong tục tốt đẹp và mang nhiều ý nghĩa tích cực. Khi chúng ta có thể hiểu đúng những ý nghĩa này, chúng ta không chỉ mang đến nguồn động lực tích cực cho người khác mà còn là tạo ra được khuynh hướng tốt đẹp cho chính bản thân mình. Vì thế, xét cho cùng thì những sự cầu mong, những niềm mơ ước lúc xuân về thực sự là những nỗ lực tích cực để cùng nhau vươn lên hoàn thiện. Trong ý nghĩa đó, những sự tốt đẹp trong cuộc sống thực sự đang được chúng ta chủ động tạo ra mỗi ngày chứ không phải là sự mong chờ dựa vào nội dung của những lời cầu chúc.

Khi hiểu theo ý nghĩa này, chúng ta sẽ thấy những nỗi khát khao, những niềm mơ ước được thể hiện qua lời chúc xuân của mọi người trong dịp xuân về không phải là những nội dung được cường điệu đến mức hão huyền, mà chỉ đơn giản là một sự biểu hiện của tinh thần lạc quan, luôn cố gắng vươn đến những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống. Bởi vậy, cho dù biết chắc là tất cả đều sẽ già suy theo thời gian nhưng chúng ta vẫn không hề thiếu sự chân thành khi cầu chúc cho nhau một tuổi xuân mãi mãi tồn tại:

Xuân là xuân khắp mọi nhà,
Chúc nhau trăm tuổi vẫn là tuổi xuân!

Và thật ra thì cái tuổi xuân khi trăm tuổi ấy vẫn là một điều hoàn toàn có thể đạt được!

Nguyên Minh (Hoằng Pháp)

TRỞ VÊ ĐẦU TRANG

Tuesday, February 9, 2010


"HÒA BÌNH" ƠI ! VĨNH BIỆT CHÀO MI

Vào những ngày cuối tháng 1 năm 1973 trước khi Hiệp Định Paris được ký kết.. Lúc đó Liên đoàn 3 BĐQ vừa trở lại Bình Long để tiếp tục trấn giữ phòng tuyến mà mấy tháng trước đây Liên đoàn đã hãnh diện được sát cánh cùng nhiều đơn vị ưu tú của QLVNCH quyết tử thủ để giữ vững tỉnh lỵ này,đã cùng quân dân cả nước viết lên thiên hùng ca BÌNH LONG ANH DŨNG, KONTUM KIÊU HÙNG, TRỊ THIÊN VÙNG DẬY

Chiều ngày 26 tháng 1 năm 1973, vừa mới về đến căn cứ Lam Sơn sau hai ngày đại đội hành quân đơn độc thăm dò họat động địch cách căn cứ Tống Lê Chân khoảng 5 km về hướng đông, chưa kịp tắm rửa thì được gọi lên BCH/TĐ họp, vừa vào đến tôi đã thấy đầy đủ mặt bá quan văn võ, tiểu đoàn trưởng thiếu tá Trần Đình Nga, tiểu đoàn phó thiếu tá Huỳnh Công Hiển, trưởng ban 3 thiếu tá Nguyễn Thế Kỳ,đđt/ đđ1 đại úy Phạm Bá Thọ, đđt/đđ2 trung úy Nguyễn Văn Phú, đđt/đđ3 đại úy Nguyễn Văn Huy và đđt/đđ4 là tôi trung úy Đoàn Trọng Hiếu cùng các sĩ quan tham mưu khác. Sau khi trưởng ban 3 thuyết trình hành quân nêu rõ mục đích của cuộc hành quân là ''dành dân chiếm đất" mở rộng vùng hoạt động trước khi Hiệp Định Paris sẽ được thực thi vào 8 giờ sáng ngày 28 tháng 1 năm 1973, đại đội 2 và đại đội 4 của chúng tôi được giao nhiệm vụ tham dự cuộc hành quân này duới sự chỉ huy của thiếu tá Hiển tiểu đoàn phó, đại đội 4 được giao nhiệm vụ làm nỗ lực chính hay nói nôm na là húc và đại đội 2 đi sau với bộ chỉ huy nhẹ, nói là bộ chỉ huy nhẹ cho nó oai chứ vỏn vẹn chỉ có tiểu đoàn phó và hai người mang máy truyền tin PRC25 , cùng hoạt động song song với chúng tôi là hai đại đội của tiểu đoàn 31 BĐQ do thiếu tá Đào Văn Năng chỉ huy.
Sau khi báo cáo khả năng tham chiến của đại đội là 73 người , đây là con số khá cao của một đại đội BĐQ, lần cao nhất là 89 khi tôi dẫn đại đội nhảy vào tử thủ 3 tháng cũng tại Bình Long này vào ngày 6 tháng 4 năm 72 trước đây. Tôi nhận một bản photo Hiệp Định Paris và gần chục lá cờ VNCH và toan đứng dậy trở về phòng tuyến đại đội thì thiếu tá Hiển gọi tôi lại và kéo tôi về hầm của ông
- Vào đây làm ly cà phê đã mày, để tao nói tụi nó gọi thượng sĩ Thóc (thường vụ đại đội) lên cho mày.

Nói xong ông kêu anh đệ tử làm hai cái phin và bước sang hầm truyền tin bảo gọi th/s Thóc, trong lúc chờ đợi tôi leo lên nóc hầm ngồi và châm điếu Bastos xanh hít một hơi dài rồi lãng đãng nhả khói thành từng chữ O nhỏ, lúc phin càphê vừa ngưng chảy thì th/sThóc đến,tôi bảo ông mang ngừơi lên lãnh hai ngày lương tươi và gọi các trung đội trưởng nửa tiếng nữa lên gặp tôi tại ban chỉ huy đại đội .Nhắp từng ngụm càphê , tôi tận hưởng mùi vị thơm và đắng của càphê và vị cay nồng khét lẹt của thuốc lá Bastos xanh quen thuộc từ ngày còn đi học, tôi chợt cất tiếng
- Thiếu tá gọi tôi lại có chuyện gì không vậy ?
- Thì mày cứ uống càphê đi có gì gấp gáp đâu, tao biết dạo này mày có phần hơi buồn vì ông Dậu không đề nghị thăng cấp đại úy cho mày trong trận Bình Long lý do lúc đó mày mới lên trung úy , kể ra thì cũng thiệt thòi, đám sư đoàn 5 và các đơn vị khác nó đều lên hết , tao đéo hiểu mất mát gì mà ổng làm như vậy, ông Thiệu đã tuyên bố mỗi người thăng một cấp thì cứ đề nghị thăng một cấp.
- Đó cũng là lý do thằng Đỗ Mạnh Trường sau khi xuất viện không trở về nữa, thôi chuyện cũ qua rồi quẳng nó sang một bên để vui sống, có điều tôi thắc mắc nhưng không tiện nêu ra trong buổi họp,tại sao không là đại đội nào khác húc ngày mai mà lại là đại đội tôi, thiếu tá cũng biết đại đội tôi vừa mới lội về,tôi thì không sao nhưng anh em lính tráng nó sẽ cho rằng tôi bị đì dễ nảy sinh bất mãn.
- Đây không phải là ý của anh Nga mà là ý của tao, mấy đại đội trưởng kia mới quá ,thằng Huy và thằng Thọ lại vừa từ BB chuyển sang,tao đi với mày từ ngày còn bên Campuchia, rồi về giải tỏa Bình Ba Bình Giả, Hưng Lộc, Trảng Bom, có mày tao yên tâm hơn.

Tôi chợt nói đùa với ông như chúng tôi vẫn thuờng đùa như vậy.

- Chứ không phải ông lùa tôi ủi để ông bắt cái tiểu đoàn trưởng 36, đại tá Biết biết ông nhắm cái đó nên cứ nhử ông hoài , hai lần ở Hưng Lộc và Trảng Bom tí nữa chết vì ông may nhờ có cái bùa "lỗ mãng" nên thoát nạn, mẹ kiếp đúng là vô chiêu phá hữu chiêu chẳng có bài bản gì cứ nổ một cái là xung phong, mấy cái chốt hãi quá bung nóc hầm mà chạy, kiểu đánh giặc của các đàn anh Trần Thanh Thủy và Đào Văn Năng vậy mà vẫn còn hiệu quả, cái đám vịt con (VC) của hai trung đoàn 33 và 274 chủ lực miền chỉ ngửi cứt cọp 52 Sấm Sét Miền Đông là lo chém vè. Thôi tôi về cho em út chuẩn bị rồi làm một giấc cho tỉnh táo, đêm qua có ngủ gì đâu, đámVC cứ nhá đèn hiệu ở xa, mẹ !cứ sợ chúng tập trung để tấn công nên cho báo động ứng chiến cả đêm.

Về đến phòng tuyến, vừa chui vào hầm đã thấy thiếu úy Vũ văn Nghị đại đội phó, chuẩn úy Thập Lở trung đội trưởng tr/đ 1,chuẩn úy Nguyễn Minh Châu trung đội trưởng tr/đ2,thượng sĩ I Thanh trung đội trưởng tr/đ 3, cả ba trung đội trưởng này trước đây đều ở trong các đơn vị dân sự chiến đấu sau cải tuyển sang BĐQ năm 1970, thượng sĩ Thóc thường vụ cũng đã có mặt. Trải tấm bản đồ lên bàn tôi chậm rãi.

- Ngày mai 7 giờ sáng mình sẽ tập trung tại sân bay An Lộc, từ đây sẽ đi dọc theo các chốt của tiểu đoàn 36 đến tuýên xuất phát là ấp Bemoi, đại đội mình đi đầu theo sau là đại đội 2 lấy Quốc lộ 13 làm trục tiến quân, mục tiêu A,B,C và D là cầu Cần Lê, bên trái mình bên kia QL13 là hai đại đội của tiểu đoàn 31 với các mục tiêu song song là 1,2,3 và 4. Vẽ cho đẹp mắt vậy thôi chứ chưa chắc gì đã qua được cái A vì chúng sẽ chốt dầy đặc, còn nếu đến được cái D thì coi như đã gần tái chiếm lại Lộc Ninh. Ngày mai trung đội 1&2 sẽ đi cùng thiếu úy Nghị bên cánh phải dọc theo dưới suối để tạo bất ngờ, điều này có hơi nguy hiểm nên cố nương theo các lùm tre hạn chế tiếng động và coi chừng bị phục kích, khoảng cách giữa các ông và tôi trên 200 mét rừng tre nên không thấy nhau được, nếu thấy sột soạt ở bên cạnh là cứ việc nổ, đoạn đường trên 500 mét rừng tre không đáng ngại lắm nhưng khi vào tới bìa rừng cao su thì phải thật cẩn thận, lúc đó các ông sẽ ép trái để dễ quan sát và yểm trợ cho nhau, nhớ dặn anh em tuyệt đối giữ im lặng và cấm hút thuốc, luôn sẵn sàng tác chiến. Đại đội 2 sẽ có một trung đội bảo vệ phía sau cho các ông.. Có ông nào có ý kiến gì không? thiếu úy Nghị thế nào?
- Tôi đề nghị mình nên mang theo cây cối 60 để có thể yểm trợ cấp thời, nếu được thì xin phở bò làm cho vài quả sâu bên trong bìa rừng cao su 100 mét trước khi mình vào mục tiêu A.
- Tôi sẽ gặp sĩ quan đề lô yêu cầu tác xạ vào các mục tiêu trước khi mình vào, nhưng điều này coi bộ khó quá, từ xưa đến giờ họ chỉ bắn cho mình khi chạm địch, ước gì mình có pháo binh cơ hữu như thằng dù thì hay biết mấy, thứ con ghẻ như bọn mình nó chỉ biết xài như cái mền rách còn quyền lợi thì đíu có, kiếp này lỡ yêu cái mũ nâu rồi kiếp sau xin tởn tới già. Thôi các ông lấy mỗi người 3 lá cờ về nghỉ ngơi chuẩn bị cho ngày mai .

Mọi người đứng dậy về vị trí. Sau khi tắm sơ một cái và ăn tạm gói mì, tôi quay điện thoại lên tiểu đoàn xin gặp sĩ quan đề lô pháo binh yêu cầu tác xạ các mục tiêu ngày mai, viên sĩ quan cho biết sẽ chuyển yêu cầu của tôi về pháo đội, mẹ kiếp cả mặt trận Bình Long do hai liên đoàn 3 và 5 và hai tiểu đoàn địa phương quân hoạt động mà chỉ có một pháo đội 105 và hai khẩu đội 155.

Mờ sáng hôm sau anh em đã dậy chuẩn bị cơm nước cho cả ngày, tôi nhắc các trung đội kiểm tra đạn dược cho đầy đủ và yêu cầu hạ sĩ 1 Sơn Lót cho khẩu đội súng cối mang theo 3 thùng đạn đồng thời 2 hộp đạn cho cây XM202, đây là loại vũ khí chống chiến xa rất hiệu quả. Châm điếu thuốc và nhìn đồng hồ 6:45, tôi nốc cạn ly càphê và lệnh cho đại đội di chuyển theo đường tắt đến sân bay An Lộc, đại đội 2 cũng lục tục theo sau, từ sân bay sau khi tiểu đoàn liên lạc hàng ngang với tiểu đoàn 36 BĐQ để yêu cầu xác nhận lần cuối mọi mìn bẫy đều đã được gỡ, chúng tôi đi dọc theo các chốt của TĐ36 để đến tuyến xuất phát, khai triển đội hình xong tôi gọi các trung đội trưởng và thiếu úy Nghị lại gặp trước khi xuất phát.
- Các ông phải tuyệt đối thi hành những điều đã trao đổi hôm qua, đây là cuộc hành quân quan trọng hơn tất cả các cuộc hành quân trước, vì ngày mai là ngày ngưng bắn, tôi không muốn có những khinh xuất có hại cho đại đội , nói đúng hơn là không muốn có những cái chết lãng nhách do sự tắc trách của chúng ta, trongtrường hợp chạm địch phải bám chặt lấy địa thế và xử dụng tối đa phi pháo có được, an toàn cho đơn vị là ưu tiên hàng đầu, mình có thể còn phải đánh giặc cả đời chứ không phải chỉ còn có hôm nay, thôi các ông về vị trí chuẩn bị Zulu.

Lồng ngực tôi căng phồng như muốn vỡ ra, không phải vì lạnh cẳng, vì suốt mấy năm qua rong ruổi hành quân tôi chưa hề cảm thấy sợ sệt, mặc dù tôi cũng có vợ con, cha mẹ anh em như nhiều người khác, tôi vẫn yêu đời lính trận, và gắn bó với đơn vị như một phần của gia đình tôi, nếu muốn có một cuộc đời an nhàn "sáng vác ô đi tối vác về" thì tôi cũng đã có thể có được sau khi tham dự "Mùa Hè Đỏ Lửa" tại mặt trận Bình Long, vì một lần vào thăm ông chú tôi tại cư xá Trần Hưng Đạo trong Bộ TTM, tôi có gặp đại tá C là bố vợ chú tôi , ông từng có thời gian là trưởng phòng TQT/BTTM, ông ngỏ ý nếu tôi muốn ông có thể giúp tôi về một đơn vị không tác chiến, tôi đã cám ơn vì tôi bay nhảy quen rồi. Hít một hơi thật sâu rồi bảo hai người mang máy .
- Lệnh cho các thằng em xe pháo (xuất phát) và báo cho 522 (tiểu đoàn phó) rõ.

Chúng tôi di chuyển thật chậm, vì rừng tre gai dầy đặc nhiều chỗ phải bò, các toán khinh binh đi đầu không được phát quang vì sẽ gây tiếng động, những con vắt trên những lá tre đang ngo ngoe đánh hơi người nhẩy xuống, không khí thật ngột ngạt, dường như mọi người đều căng thẳng không ai dám bật tiếng ho, chưa bao giờ căng thẳng như vậy, 3 tháng tử thủ Bình Long những lúc bị chiến xa tấn công, hay ngày triệt thoái khỏi Dambe sau khi tướng Đỗ Cao Trí tử nạn cũng chưa căng thẳng như bây giờ, gần một tiếng đồng hồ chỉ nhúc nhích được hơn trăm thước, thêm hai tiếng đồng hồ nữa trôi qua, chỉ còn hơn trăm thước nữa là chúng tôi sẽ bám vào bìa rừng cao su, tôi nói hạ sĩ Vinh mang máy nội bộ gọi Thái Thanh (th/u Nghị),Thanh Lan(Th/u Thập Lở) ,Khánh Ly (Ch/u Châu) và Lệ Thu (Th/s Thanh) vào đầu máy gặp tôi.

Âm thanh lần lượt trả lời thật nhỏ vang trong ống liên hợp của Thiếu úy Nghị và các trung đội trưởng.Tôi chậm rãi ra lệnh
- Khi gần đến bìa rừng cao su Thanh Lan và Lệ Thu cho con cái dừng lại bố trí rồi cho một tổ khinh binh bò vào quan sát trước, nhớ nhắc tụi nó thật cẩn thận, nếu có gì khả nghi đích thân các anh phải lên kiểm tra và báo cho tôi ngay,tuyệt đối tránh gây tiếng động,nhận rõ chưa
Tôi nghe trong ống liên hợp cùng trả lời
-Nhận rõ Minh Hiếu 5 .

Thời gian qua đi thật chậm, cả đại đội lại nhúc nhích từng bước một, bỗng có dấu hiệu dừng lại truyền từ đằng trước xuống, hơn mười phút sau thiếu úy Thập Lở báo cho biết đã phát hiện một toán việt cộng ở bên trái khoảng cách gần trăm mét ở hàng cao su thứ hai nhưng vì cỏ tranh cao nên không rõ quân số bao nhiêu. Tôi cho gọi các trung đội trưởng vào đầu máy.
- Thái Thanh (đđ phó) cho thằng 1 dàn phía trước, tìm vị trí tốt cho con gà cồ M 60, thằng 2 lên cao bảo vệ hông phải cho thằng 1, thằng 3 cũng dàn về phía trước,địch đang ở bên phải của anh, nhớ khai hỏa đồng loạt,khi tất cả vào vị trí Thái Thanh sẽ hạ lệnh khai hỏa. Tất cả thi hành.

Tôi báo cho th/t Hiển biết là đã phát hiện địch và đang cho khai triển đội hình tấn công, yêu cầu đề lô cho pháo binh chuẩn bị tác xạ vào tọa độ X, hạ sĩ nhất Sơn Lót đã đặt xong cây cối 60. Không đầy 5 phút sau mọi trung đội đã vào vị trí thì lệnh khai hỏa bắt đầu, hỏa lực của hai trung đội 1&3 được tập trung bắn chéo cánh sẻ đan thành lưới đạn khiến bọn VC bị bất ngờ hoảng hốt, vài tên bị đốn ngã, gần chục tên khác bỏ chạy về phía sau, đơn vị VC ở phía sau bắt đầu đáp trả bằng nhiều loại vũ khí cá nhân cũng như cộng đồng, tôi ra lệnh cho các trung đội tiến chiếm lấy 3 hàng cao su để có chỗ che chắn tránh thiệt hại bởi B40, yêu cầu pháo binh tác xạ khẩn cấp vào tọa độ đã yêu cầu trước, vì tác xạ qua đầu và khoảng cách giữa ta và địch chỉ hơn trăm thước nên sau 3 lần điều chỉnh cắt đoạn để tránh tản đạn tôi yêu cầu bắn hiệu quả trung đội 10 quả, bọn VC cũng chẳng vừa cối 82 và 107 của chúng từ trong phía đông Quản Lợi bắt đầu rót vào trận địa nhưng không chính xác, pháo 130 từ hướng Lộc Ninh cũng rót vào thành phố để quấy rối,lúc này nhiều đơn vị cũng đã chạm địch, đạn nổ từ phía Quản Lợi, phía Phú Lô, phía nam Xa Cam, phía bên trái chúng tôi là đơn vị của tiểu đoàn 31 cũng bắt đầu chạm phía cao hơn chừng vài trăm thước, mẹ kiếp đụng khắp nơi mà chỉ có vài khẩu pháo thì thằng nào ăn thằng nào nhịn, khẩu đội súng cối 60 bắt đầu yểm trợ nhỏ giọt cho tuyến trên rất hịệu quả. Hơn một giờ giao tranh đã có 4 binh sĩ bị thương được chuyển ra phía sau nhờ đại đội 2 tải thương,bỗng có đại úy Khuê phụ tá ban 3 liên đoàn cần gặp, tôi vội cầm ống liên hợp
- Minh Hiếu tôi nghe đây Kinh Kỳ
- Có mấy con đại bàng lên, giành mãi mới được, tao giao nó cho mày, con Loan 19 nó sẽ liên lạc với mày trong vòng dăm phút nữa khi nó vào vùng, nhớ đánh cho có hiệu quả hàng đang khan hiếm đừng phung phí, ông già (đại tá Biết liên đoàn trưởng) gởi lời thăm nhắc mày cẩn thận.

Bọn VC có lẽ đã ước đoán được lực lượng của chúng tôi nên chúng đột nhiên nổ súng dữ dội để áp đảo rồi cho một lực lượng khoảng 30 tên xuất kích chọc thẳng vào khoảng cách giữa hai trung đội, có lẽ chúng muốn đánh thẳng vào ban chỉ huy đại đội, hoặc sẽ đánh bọc đít cánh quân bên phải, mặc dù tuyến trên cũng xử dụng tối đa hỏa lực ngăn cản nhưng chỉ gây thiệt hại và làm chậm sức tiến của chúng, những tên đi đầu đã lọt được vào khu rừng tre, tôi vội vàng xin đại đội 2 dâng lên cao hơn gần tôi để dễ tiếp cứu. May mắn vừa lúc đó chiếc L19 đã quần trên đầu
- Mũ nâu đây Loan mắt nhung nghe được tôi không trả lời.
Cầm ống liên hợp do Hạnh đưa tôi vội trả lời:
- Mũ nâu tôi nghe bạn rất tốt,tôi cần mấy đứa em bạn đánh liền
- OK chúng đang chờ, tôi chỉ cho bạn một nửa vì còn dành cho đơn vị khác, xin chỉ định mục tiêu ngay.

Tôi quyết định thật nhanh nhưng cũng thật táo bạo và nguy hiểm
- Tôi sẽ quăng trái khói đỏ,từ đó bạn đánh về đông 50, bắc 50, Xin đánh theo trục nam-bắc vì chúng tôi đang ở hai bên của mục tiêu không đầy 100 thước.
- OK nhận bạn rõ, bạn yên tâm đây là bọn A 37 nên rất chính xác, cho quăng trái khói liền.
Tôi rút vội trái khói đỏ dùng hết sức ném về hướng đông, và lệnh cho các trung đội nằm rạp xuống để tránh bom
- Thấy rồi,sẽ làm đúng ý bạn , xin cho con cái cẩn thận. Từ đằng sau chiếc A37 xuống thật thấp trút bom, hai tiếng nổ tưởng như rách màng tai, sức chấn động nhấc người tôi lên khỏi mặt đất làm rơi chiếc mũ sắt, chưa kịp nhặt lên thì chiếc thứ hai đã lao xuống, hai trái napal tạo thành một biển lửa nóng rát mặt, gần chục tên may mắn sống sót sau trận bom chạy thục mạng về, có vài tên sợ quá đã la lên:
- Đừng bắn nữa các anh Biệt Động Quân ơi! mai hòa bình rồi.

Chiếc L 19 cho biết đã đánh rất chính xác theo yêu cầu, chào tạm biệt và rời vùng. Thêm 3 binh sĩ bị thương nhẹ vì chấn động và đất đá văng vào, phi tuần A37 với hai pass bom liều mạng đã xoay chuyển tình hình, đám VC có lẽ đã xuống tinh thần sau thất bại thảm hại của lần xuất kích, cường độ của trận đánh cũng bắt đầu giảm dần theo ánh chiều tà, mới 4 giờ chiều trong rừng cao su đã không còn ánh nắng, súng nổ cũng đã ngớt dần rồi im hẳn, th/u Nghị hỏi tôi có cho lục soát mục tiêu không, tôi gọi th/u Nghị vào máy dặn dò.
-Tao nghĩ thế đủ rồi, không cần thiết phải lục soát, đám VC chắc không dám phản công nữa đâu, mày có nghe tụi VC bỏ chạy chúng la cái gì không? chẳng biết hòa bình hư thực thế nào nhưng thằng lính đéo nào mà chả mong, rất may mình chỉ có 7 em bị thương nhưng không nặng lắm chỉ đủ để về quân y viện nằm ít ngày, mày cho anh em thay phiên canh chừng và cho lui về bìa rừng tre đào hố phòng thủ hai người, tối đến trước khi lui về tuyến phòng thủ cho anh gài hết đồ chơi, đêm nay tuyệt đối không ai đuợc cởi giầy, hai người một hố thay nhau thức, ráng sống đến ngày mai để nhìn hòa bình,bên đây tao và thằng 3 cũng làm như vậy.

Nói xong tôi cho gọi th/s nhất Thanh và th/s Thóc đến dặn dò, rồi gọi cho thiếu tá Hiển tiểu đoàn phó trình bày ý định và được ông đồng ý, ông cũng cho biết ông và đại đội 2 sẽ đóng quân tại tuyến xuất phát ,nhưng vẫn để một trung đội nằm đằng sau cánh quân bên phải chừng 200 thước. Sau khi khai triển hệ thống phòng thủ,tôi thiết lập các điểm tiên liệu pháo binh và gởi cho sĩ quan đềlô, hơn một giờ sau th/u Nghị báo cáo hệ thống hầm hố phòng thủ đã xong, mọi hố đôi đều được đào đủ sâu và rộng cho hai người,tôi cũng đích thân kiểm tra phòng tuyến bên này, quả thật khác với những lần đóng quân đêm trước, lần này chẳng cần đôn đốc nhắc nhở, ai cũng muốn mình còn sống để sáng sớm mai đây được nhìn thấy hòa bình nên hố nào cũng đạt yêu cầu.

Mẹ kiếp ! ngày mai hòa bình thằng đếch nào mà chẳng muốn sống.Tôi cũng thế, sau hơn 4 năm quen đời lính trận, vẹt gót giày sô từ chiến trường nội địa đến ngoại biên, chưa một lần đi phép thường niên để có đủ 7 ngày phép bù khú với vợ con, bạn bè đồng đội nhiều thằng đã thành tàn phế, cũng có nhiều thằng đã về vùng 5 miên viễn chiêm bao, lớn lên và trưởng thành trong chiến tranh tôi cũng khát khao được sống để nhìn cuộc chiến tàn lụi, trên cương vị đại đội trưởng tôi cũng không muốn bất cứ thuộc cấp nào phải chết trong ngày và đêm hôm nay, làm sao tôi có thể trả lời khi có người hỏi tôi "trung úy ơi! hòa bình rồi mà sao chồng con tôi lại chết?" vâng chết vào giờ thứ 23,24 hoặc 25. Đám cán binh VC kia dù có bị nhồi sọ điên cuồng đi "giải phóng miền Nam ", dù có bị mang ra phê bình kiểm thảo thanh trừng, cũng không đứa nào muốn phải chết hôm nay, chúng cũng còn muốn nhìn thấy hòa bình, ngay kể cả các cấp chỉ huy cấp thấp hay cao hơn nữa của chúng cũng còn muốn thấy như vậy. Chỉ có đám lãnh đạo chóp bu của Hà Nội và đám đầu cơ làm giàu trên thân xác người lính VNCH mới ghét hòa bình và cổ võ chiến tranh.

Trải tấm poncho bên cạnh cái hố, nhai vội vài miếng cơm vắt với con khô sặc, từ sáng đến giờ chưa ăn gì nhưng không cảm thấy đói, tôi vẫn có thói quen ăn ít uống nhiều, càphê ngày cũng dăm bảy cữ , vừa ngả lưng gối đầu lên chiếc nón sắt thì th/s Thóc thường vụ mang đến ca càphê nóng hổi, tôi biết tỏng là lại dùng C4 để nấu, ông ngồi xuống và rót cho tôi một nửa và thắc mắc hỏi tôi
- Mai hòa bình thiệt rồi hả trung úy, cả ngày nay tôi chỉ sợ trung úy cho xả láng như những lần trước, tôi lo quá mà không dám hỏi.
- Ừ thì ngày mai thi hành hiệp định Paris, ai ở đâu ở đó, chắc rồi sau đó sẽ có hòa bình, còn hòa bình kiểu nào thì tôi cũng chịu, đêm nay ông cùng th/sThanh chịu khó đi kiểm tra thường xuyên cho tôi, có thể chúng không tấn công đâu, nhưng chúng sẽ pháo. Này ông Thóc ,nếu hòa bình rồi thì ông làm gì ?
- Tôi hiện dịch không biết có cho giải ngũ không, quê tôi ở Sađéc nếu được giải ngũ tôi sẽ theo nghề ông già là làm bánh phồng tôm.
- Ông còn có nghề chứ như tôi rời ghế nhà trường là vào lính, học hành dang dở, nửa thầy nửa thợ, mà thôi hơi sức đâu lo xa, tới đâu hay tới đó.

Con trăng non đã lú qua đầu ngọn tre gai, nay đã khoảng mùng mười tháng chạp , chỉ còn độ hai chục ngày nữa là lại Tết, cả hai chúng tôi bắt đầu im lặng, mỗi người theo đuổi ý nghĩ riêng tư, hình ảnh của thời còn đi học lúc ẩn lúc hiện xen lẫn với hình ảnh của những ngày giầy sô áo trận cứ lởn vởn trước mắt, cái quán cà phê chồm hổm đối diện trường Văn Học trên đường Phan Thanh Giản chúng tôi thường ngồi mỗi buổi sáng trước khi vào học, bắt chước mấy ông đạp xích lô đổ càphê ra dĩa vừa thổi vừa uống, hay những hôm trốn giờ luận lý học của LM Trần Văn Hiến Minh cả bọn kéo xuống Cà phê Thư Hương đối diện trại hòm Tobia ở Tân Định, hay những ngày đóng quân ở Mimot mỗi chiều về mấy thằng lại cùng nhau cưa một bình 5 lít với soài xanh và khô sặc dầm nước mắm ớt trước khi đi kích đêm trong khu rừng cao su âm u bạt ngàn...

Đang mơ màng thì lại nghe tiếng đề pa, chụp vội chiếc nón sắt lăn xuống hố, không nghe đạn rít trên đầu, vậy là không phải mình, hơn chục quả nổ trong thành phố, nhìn đồng hồ mới hơn 10 giờ, không biết đêm nay sẽ phải nhẩy xuống hố bao nhiêu lần đây (sau này tôi đuợc biết đợt pháo này đã liếm mất một cái chân của trung tá Ngô Minh Hồng liên đòan trưởng LĐ5, và một đại tá cố vấn Mỹ hy sinh). Tôi nghiệm ra rằng tiếng đề pa từ phía bắc tức là pháo vào thành phố, còn từ phía đông tức là pháo vào chúng tôi, hồi chiều chúng đã gởi đến mấy chục trái nhưng đều vọt qua đầu, không biết có dính vào TĐ31 không ?

May mắn thay đựơc yên đến gần sáng, khoảng gần 6 giờ sáng tiểu đoàn cho biết đúng 8 giờ chuông nhà thờ trong thành phố và trong Quản Lợi sẽ đổ một hồi dài, các đơn vị cho bắn mấy trái signal để làm hiệu bắt đầu thi hành hiệp định, tôi báo cho các trung đội rõ để thi hành, rồi gọi hạ sĩ Tào Khén nấu cho ca càphê. Thời gian chờ đợi để đón hòa bình sao trôi qua thật chậm, thỉnh thoảng lại nhìn đồng hồ, chiếc kim dài làm như không chạy nổi, sự bồn chồn nôn nóng chờ đợi khiến tôi đâm lo lắng, e có điều gì bất trắc sẽ xảy ra, linh tính có gì không ổn và điều này vẫn thường xảy ra và đúng, tôi lệnh cho đại đội báo động trong tư thế sẵn sàng tác chiến, không đầy mười phút sau những tiếng đề pa từ hướng đông vọng đến, gần hai chục quả nổ sát phòng tuyến không đầy 50 thước, mẹ cha nó chỉ còn non nửa giờ nữa mà chúng cũng còn cố vớt vát cú chót, chuẩn bị hòa bình kiểu này thì đíu khá được, chẳng biết hòa bình rồi sẽ tồn tại bao lâu.

Đúng 8 giờ khi chuông nhà thờ đổ, các đơn vị đều cho giựt signal lên,tôi lệnh cho các trung đội vẫn phải đề cao cảnh giác, cho đặt các vọng gác cẩn thận rồi cho căng cờ lên, mười lá cờ vàng trải dọc theo bìa rừng cao su đánh dấu vị trí gần nhất đối diện với tuyến VC, gần một tiếng sau từ bên phía VC có tiếng la to
- Cấp chỉ huy bên đây muốn nói chuyện với cấp chỉ huy bên đó.
Thiếu úy Nghị gọi máy hỏi tôi tính sao , tôi trả lời
- Tao sẽ sang gặp tụi nó, mày cho em út gỡ đồ chơi dọn một lối đi và cho tụi nó sẵn sàng, có gì bất trắc tao la lên thì cứ nổ.

Tôi cũng báo cho th/tá Hiển là tôi sẽ đi gặp tên chỉ huy đơn vị Việt cộng. Lấy chiếc beret nâu đội lên, tôi đi người không tiến ra khỏi phòng tuyến của đơn vị hơn năm mươi thước rồi dừng lại, từ phía bên kia một tên trong bộ kaki Nam Định, vai đeo cái sắc cốt, cây K54 ngang hông tiến đến, tôi đưa bàn tay cho hắn bắt và tự giới thiệu:
- Tôi là trung úy Hiếu cấp chỉ huy Biệt Động Quân.
Tôi không nói tôi là đại đội trưởng vì e hắn sẽ đoán được lực lượng của mình, hắn cũng tự giới thiệu
- Tôi là Cao, chính trị viên tiểu đoàn,là đơn vị đối đầu với đơn vị của trung úy, ngày hôm qua bên ấy có ai bị gì không, nếu có tôi xin chia buồn.
Thấy thái độ "nhân nghĩa bà tú Đễ"của hắn tôi cuời thầm trong bụng
- Cám ơn anh, rất may chỉ có vài anh em bị thương nhẹ, còn bên anh thì sao ?
- Chúng tôi có mười sáu chiến sĩ hy sinh trong đó có thiếu úy Phú đại đội trưởng. Tôi muốn gặp trung úy để thứ nhất trung úy cho chúng tôi nhận lại số anh em chết còn ở phía bên khu vực của anh. Thứ hai là chúng ta bàn về lệnh ngừng bắn. Thấy không thể giải quyết yêu cầu đầu tiên của hắn liền ngay được, và khả năng về chính trị của mình thật sơ đẳng nên tôi trả lời:
- Đầu tiên xin anh cứ gọi tôi là Hiếu cũng như tôi gọi anh là anh Cao, yêu cầu thứ nhất của anh tôi sẽ xin chỉ thị ở cấp trên, nếu cấp trên đồng ý tôi sẽ cho mang số anh em đó ra đây và gọi anh đến nhận, điều thứ hai là bản hiệp định đã được hai chính phủ ký chúng ta không có điều gì phải bàn, để thực thi hiệu quả và dễ nhất là nếu anh thấy chúng tôi vượt qua hàng cao su mà anh và tôi đang đứng đây thì anh cứ cho nổ súng, và chúng tôi cũng vậy mong rằng chúng ta hãy tôn trọng để tránh đổ máu vô ích.Giờ thì chúng ta hãy nói những chuyện khác.
- Nếu anh không muốn bàn về Hiệp Định thì thôi, cứ tạm chấp nhận giải pháp của anh, thỉnh thoảng chúng ta nên gặp nhau để thiết lập quan hệ bình thường, có điều tôi thắc mắc là dường như đa số sĩ quan trong quân đội miền Nam đều là người Bắc.
Chẳng biết hắn căn cứ vào đâu để nói như vậy, tuy nhiên tôi cũng nói thêm để hắn tin rằng điều hắn nói là đúng.
- Có thể điều anh nói là đúng, vì ông bà cha mẹ chúng tôi đã phải di cư vào Nam vì không sống được với Cộng Sản, giờ các anh lại vào đây để quấy phá dĩ nhiên là chúng tôi cũng như con cháu chúng tôi sau này phải chống lại.

Đang nói đến đây thì có một người đàn ông tưổi ngoài bốn mươi mặc chiếc quần đen và cái áo sơmi trắng đã ngả sang màu cháo lòng đi chân đất tiến đến, theo sau là hai tên cận vệ đeo AK47,Cao bèn chỉ tay vào người đàn ông giới thiệu.
- Đây là đồng chí Nam Bộ Tư Long,tiểu đoàn trưởng, còn đây là trung úy Hiếu

Tôi bắt tay hắn ta, nhận thấy hắn ta mặt rỗ và nước da vàng vọt có lẽ vì sốt rét kinh niên. Sau vài câu xã giao tôi tìm cách kiếu từ vì chẳng còn gì để nói.

Tôi trình lên thiếu tá tiểu đoàn phó về việc họ muốn xin lại số bị chết nằm trong khu vực kiểm sóat của mình,đồng thời cũng để tránh phải lo chôn bọn họ nên được chấp thuận ngay, tôi cho lục soát và tìm thấy 9 xác cùng một số vũ khí, cho khiêng số xác này đến lằn ranh và gọi họ sang nhận còn số vũ khí thì chuyển giao lên tiểu đoàn.

Ngày đầu tiên thi hành Hiệp Định Paris, tạm thời không còn tiếng súng, chúng tôi ai cũng thấy hân hoan tuy có pha lẫn đôi chút ngỡ ngàng, hòa bình gì mà đến thật kỳ quái, mới hôm qua đây còn tìm mọi cách để giết nhau, thậm chí sáng nay chỉ trước giờ ngưng bắn mấy chục phút mà Việt cộng còn cố pháo vớt vát cú chót, rồi đây không biết tồn tại được bao lâu, nhưng thôi được ngày nào hay ngày nấy. Tuy nhiên dù có hòa bình thì cũng vẫn phải cảnh giác, các chốt tiền đồn được tung ra, hệ thống phòng thủ được củng cố cho vững chắc, phát quang xạ trường, tăng cường hệ thống mìn claymore tự động và trái sáng.

Chỉ sau ngày thi hành hiệp định hơn một tuần đã bắt đầu nghe tiếng súng nổ ở phía đông và phía nam, nhưng ở phía bắc của chúng tôi vẫn hoàn toàn yên tĩnh, tôi và Cao thỉnh thoảng cũng vẫn gặp nhau trao đổi chuyện trò hoàn toàn đề cập về thăm hỏi gia đình, cho đến khi trước tết vài ngày một sự việc xảy đến để rồi sau đó chúng tôi không còn gặp lại nữa.

Câu chuyện xảy ra như sau, còn khoảng gần một tuần thì Tết Nguyên Đán, đơn vị VC cho dựng một cái cổng bằng vỉ sắt trên Quốc Lộ 13 xế bên tay trái chúng tôi, họ lấy lý do là đón tiếp phái đoàn Ủy Hội Quốc Tế. Tôi trình lên trên và nhận được chỉ thị không cho họ được dựng gần mình, tôi có gặp Cao yêu cầu dời xâu về hướng bắc 500 mét, ngày hôm sau Cao cho tôi biết là cấp trên không đồng ý, tôi hạn cho anh hai ngày nữa để anh lo liệu, nếu không tôi sẽ phải hạ nó xuống, lại một lần nữa Cao trả lời trên không thuận. Sáng sớm hôm sau tôi cho đại đội ứng chiến rồi cùng khẩu đội XM202 tiến đến gần cái cổng và phóng vào một bên trụ một trái đạn, chất lân tinh bám vào trụ sắt cháy nóng trên 3000 độ khiến trụ sắt chảy ra và đổ gục xuống cháy luôn cả lá cờ "giải phóng".

Sau Tết ít ngày bọn VC bắt đầu pháo vào thành phố, hòa bình đã dần dần bị chúng phá vỡ dưới sự bao che của đám Ba Lan, Hungary và Indonesia trong Ủy Hội Quốc Tế, mặc dù bọn chúng nằm ngay trong Bình Long đã cùng hứng chịu những đạn pháo này. Cao nhiều lần muốn gặp tôi tôi đều từ chối, lần sau cùng tôi nhờ thiếu úy Nghị nói với hắn là tôi đã chết trong lúc đi vào thành phố thì bị trúng pháo của Việt cộng. Đơn vị tôi nằm tại đây thêm hai tháng nữa, nhưng cũng vẫn không xảy ra chuyện gì.

Dù sao thì chúng tôi cũng đã có một thời gian ngắn hòa bình, dù chỉ là hòa bình giả tạo. Vì thế sau này chúng tôi không còn tin có thể có hòa bình với Việt cộng nữa, ngày 30/4/75 giao tranh với bọn chúng tại Bà Hom dọc theo xa lộ Đại Hàn, bị chiến xa của chúng truy kích chúng tôi phải triệt thoái vào Tân Phú, ngang qua một đồn canh, anh em nghĩa quân đeo băng xanh hô lớn " hòa bình rồi các anh Biệt Động Quân ơi", lại hòa bình hai chữ này chẳng còn ý nghĩa gì vì tôi đã chào vĩnh biệt nó chỉ sau ngày thi hành hiệp định Paris không lâu.
Đoàn Trọng Hiếu
52 Biệt Động Quân

Sunday, February 7, 2010

Chủ đề : Mẹ = Bốn chuyện ngắn 100 chữ - nhạc nền : Lòng Mẹ

Slide show : Huỳnh ChiẾu Đẳng (Chủ Quán Ven đường)

TRỞ VÊ ĐÂU TRANG

Thursday, February 4, 2010

Hành Trình Viễn Xứ
( Tiếp theo truyện Khát
Vọng Tự Do )
Huyên Chương Quý .



Kỷ niệm 35 năm người Việt tị nạn tại hải ngoại. Kính tưởng niệm tất cả vong linh đồng bào Việt Nam đã tử nạn trên biển Đông hay nơi rừng sâu trong cuộc Hành Trình Tìm Tự Do từ sau tháng 4 năm 1975 .


Chào Biệt Quê Hương.
Sau ba năm thi hành “nghĩa vụ quân sự”, tôi được đơn vị cho xuất ngũ nhờ thi đậu vào trường đại học Tổng hợp, phân khoa Văn. Tôi ở nội trú trong trường, ăn uống miễn phí và được cấp mỗi tháng 18 đồng. Vì chống lại ý ban giám hiệu trường đại học bắt tôi chuyển qua học phân khoa Sử, tôi bị tống cổ ra khỏi trường. Tôi quyết định tiếp nối bước chân những người đi trước tìm tự do bằng con đường vượt biên đường bộ để có thể học hành theo ý thích.

Buổi tối trước ngày đi, tôi về nhà Khánh Hội từ giã anh chị Hải Vân, bác Tươi và các anh chị trong gia đình. Chị Mai, vợ anh Vân, và chị Năm, chị vợ anh Vân, mỗi người cho tôi 75 đồng. Nhờ số tiền này, tôi có thể đi xe đò và ăn uống dọc đường.

Sáng sớm ngày 29 / 11 / 1980, tôi mặc đồ bộ đội ra bến xe miền Đông đi Tây Ninh. Xe ra khỏi ngã tư Bảy Hiền và vụt chạy nhanh trên đường lộ nhựa. Tôi ngoái đầu nhìn lại thành phố lần cuối.

Lần cuối ! Nghe thê lương quá. Rời khỏi quê hương, cảm giác buồn rười rượi. Biết ngày nào trở lại Sài Gòn. Phan Rang, quê sanh đẻ của tôi nữa. Nơi đã cho tôi biết bao kỷ niệm đẹp thời thơ ấu. Kỷ niệm thời thanh niên ở Sài Gòn với những người thân cũng đầy ấp trong tim. Anh Phùng, anh Thiện, em Hỷ ruột thịt của tôi. Giờ đây các anh em của tôi đã vĩnh viễn nằm sâu dưới lòng đất lạnh

Tôi sẽ không còn dịp đi thăm mộ nữa. Chị Mùi có còn sống không ? Có về Sài Gòn tìm tôi không ? Còn anh chị Hải Vân, anh chị Hồ Đấu cũng thương tôi lắm. Và những cô gái xinh đẹp: Bạch, Thủy, Loan, bạn học lớp 12A Hưng Đạo, và Trang, Phượng, Đức, Linh, Hồng ở thương xá Rex coi tôi như người anh, đặc biệt là Diệu “hiện sinh” thời ở Thị Nghè đã cho tôi nụ hôn đầu đời ngọt lịm, thiết tha. Những tình thân thương ơi....Từ nay sẽ xa cách nghìn trùng ! Tôi chợt nhớ đến vài câu trong nhạc phẩm “Sài Gòn vĩnh biệt” đã nghe được trên đài VOA hay đài nào đó ở hải ngoại trong thời gian đầu mất miền Nam ( Ban đầu, người Sài Gòn đồn nhau là của Phạm Duy. Khi đến Mỹ, tôi mới biết là của nhạc sĩ Nam Lộc ) :

Sài Gòn ơi, tôi đã mất người trong cuộc đời.
Sài Gòn ơi, thôi đã hết thời gian tuyệt vời.
Giờ còn đây những kỷ niệm sống trong tôi
Những nụ cười nát trên môi
Những giọt lệ ôi sầu đắng….

Những lời nhạc rất thấm thía với tâm trạng tôi bây giờ. Tôi cảm thấy trên hai má nong nóng hai dòng lệ. Vĩnh biệt Sài Gòn từ đây !. Xế chiều, xe đến thị xã Tây Ninh. Tôi mướn một khách sạn rẻ tiền ở qua đêm. Thị xã này cũng có nhiều kỷ niệm giữa tôi với chị Mùi, anh Vọng, và Trung sĩ John, trung sĩ Munoz của Lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ B16. Thời tôi ở trại Biệt kích Mỹ Bến Sỏi, từ giữa năm 1969 đến giữa năm 1970, vẫn thường cùng các anh chị đi ăn uống và dạo chơi vòng vòng thị xã. Buổi tối một mình trên sân thượng khách sạn, tôi lặng lẽ nhìn sao trời lấp lánh trong gió đông lành lạnh. Ngôi sao nào là của đời tôi lận đận, cùng tôi đi đến phương trời xa lạ.? Làm cuộc hành trình viễn xứ, tôi sẽ thực hiện được điều gì khi được định cư trên đất nước tự do của trời Âu Mỹ, để có thể góp phần nào đó tâm sức giúp ích cho quê hương mình ngày trở lại ? Trong bóng tối mông lung, hiu quạnh, tôi cảm khái ngâm lên mấy câu thơ Tống Biệt Hành của Thâm Tâm :

Ly khách ! Ly khách ! con đường nhỏ
Chí lớn không về, bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại
Ba năm mẹ già cũng đừng mong…
Người đi ? Ừ nhỉ, người đi thật
Mẹ ! thà coi như chiếc lá bay
Chị ! thà coi như là hạt bụi
Em ! ừ xem như hơi rượu cay….
Tôi cũng đang là một ly khách với ý chí nung nấu trong lòng như nhà thơ Thâm Tâm. Ngày ly biệt của tôi không một người thân đưa tiễn. Và mai này tôi sẽ độc hành trong gió bụi đường xa !

Hôm sau, tôi chờ từ sáng đến trưa mới đón được một chiếc xe nhà binh GMC chở hàng đi Kampongcham. Nhờ mặc đồ bộ đội, xuất trình tờ giấy phép của đơn vị cấp hồi tháng bảy cho tôi về Sài Gòn học thi đại học, tôi được tài xế cho quá giang. Con đường từ thị xã Tây Ninh đến Kampongcham đã quen thuộc với tôi trong cả năm qua khi mấy lần được đơn vị cho đi phép về Sài Gòn. Lúc xe chạy qua khỏi biên giới Việt – Miên, tôi quay nhìn các ngôi nhà tranh lẫn trong các vườn chuối, vườn cau của xóm làng người Việt đang xa dần, xa dần trước mắt tôi. Tôi bùi ngùi rơi nước mắt. Xin chào biệt quê hương Việt Nam thân yêu !

Dọc Đường Gió Bụi
Xe đến Kampongcham lúc trời hoàng hôn. Cảm ơn anh tài xế, tôi vác ba lô đi vòng vòng thành phố. Dấu tích chiến tranh giữa bô đội Việt Nam và Khmer Đỏ vẫn còn đầy nơi những dãy nhà loang lổ vết đạn. Người đi thưa thớt. Tôi mua ít thức ăn ở một sạp hàng trên phố vắng. Thời gian cộng sản Việt Nam chiếm đóng Campuchia, người dân Miên mua bán bằng tiền Việt, hoặc trao đổi hàng hóa bằng vàng cắt vụn. Xong bửa ăn tối, tôi lần đến một nhà dân xin ngủ nhờ qua đêm. Người dân Miên rất sợ bộ đội Việt, nên việc xin ngủ nhờ rất dễ dàng. Sáng hôm sau, ăn miếng xôi lót dạ, phì phà hết điếu thuốc, tôi lần mò ra bến sông Mê kông. Khúc sông này rất rộng, chờ phà sốt cả ruột. Đến 9 giờ sáng, tôi mới qua được bên kia sông. Trước mặt là ngã tư, tôi hỏi một người dân Miên đường nào đi PhnomPenh ( Nam Vang ), họ chỉ tay về con đường hướng Tây. Tôi liền đi bộ theo con đường đó. Đường nhựa lồi lõm nhiều ổ gà, leo teo vài người dân chạy xe đạp hay ngồi xe bò ọc ạch đi ngược chiều. Có vài xe đò cũ kỹ từ thời nào chở đầy người chạy về hướng Nam Vang, tôi vẫy vẫy tay, nhưng xe nào cũng thản nhiên chạy luôn. Bụi tung mù mịt cả con đường. Đi bộ hai tiếng đồng hồ vẫn chưa xin được xe nào cho đi ké. Trời nóng như đổ lửa. Mồ hôi tuôn chảy trên mặt và ướt hết áo ở vùng ngực và lưng. Tôi vào một bóng cây nghỉ mệt, lấy bi đông nước uống vài ngụm. Đường còn xa vời vợi, lội bộ kiểu này biết chừng nào đến Nam Vang. Vừa than thầm thì hên thiệt, có chiếc xe GMC từ xa chạy tới. Tôi nhào ra quơ tay loạn lên. Thiệt may, xe ngừng lại. Trên xe toàn lính Hensamrin. Tôi hỏi tài xế bằng tiếng Miên:
- Bòn tu PhnomPenh ? ( Anh đi Nam Vang ? )

Người tài xế Miên nhe hàm răng có mấy cái răng vàng, cười, gật đầu. Mừng quá, tôi nhảy ngay lên xe. Chiếc xe phóng ào ào về phía trước. Mấy người lính Hensamrin cùng gật đầu chào tôi. Tôi cũng cười thân thiện, gật đầu chào lại. Hồi còn ở bộ đội, có thời gian tôi làm Văn thư Tiểu đoàn huấn luyện tân binh Campuchia. Những tân binh này rất hiền hậu, dễ dạy. Họ tùng phục bộ đội Việt Nam có lẽ vì thù hận Khmer Đỏ hung tàn đã giết hại người thân của họ. Họ vào lính để trả thù. Mọi người thường gọi họ là lính Hensamrin vì thời kỳ này, Hensamrin là Chủ tịch Hội đồng nhân dân cách mạng nước Cộng hòa nhân dân Campuchia do cộng sản Việt Nam lập lên, sau khi đánh đuổi Khmer Đỏ của tên đồ tể Polpot chạy tuốt về biên giới Miên – Thái.

Xe tới Nam Vang. Nhìn đồng hồ, đã 3 giờ chiều. Tôi bắt tay từng người lính trên xe, cảm ơn tài xế rồi tà tà đi vào phố. Thấy phiá trước có chợ, tôi lò dò đi tới kiếm món gì ăn qua bửa. Sinh hoạt mua bán của người dân còn vắng vẻ. Trên nét mặt của nhiều người vẫn còn in đậm nét khắc khổ, hoảng loạn vì bốn năm bị đầy ải kinh hoàng trong chế độ Khmer Đỏ. Khi Khmer Đỏ do Polpot lãnh đạo tiến vào Nam Vang chiếm chính quyền, tất cả người dân đủ mọi thành phần bị lùa ra khỏi thành phố. Thủ đô Nam Vang trở nên một thành phố chết, không có cư dân sinh sống. Với quyết tâm nhanh chóng xây dựng chủ nghĩa xã hội, Khmer Đỏ đã cai trị người dân Campuchia bằng phương cách tàn bạo “vô tiền khoáng hậu”.

Họ thành lập các công xã, nông xã, cưỡng ép người dân lao động khổ sai suốt đêm ngày. Bệnh tật, đói khát và bị Khmer Đỏ ác độc thanh trừng, hành hình, người dân Campuchia đã bị chết hết phân nửa dân số thời bấy giờ. Khoảng hai triệu người dân Campuchia có lẽ không tiêu tán linh hồn vì chết đi trong sự sợ hãi, căm hận, uất ức tận cùng. Họ bị giết hại bằng nhiều cách dã man : búa đập vào đầu, mã tấu cứa cổ từng nhát, hay bị quật mạnh thân người vào cây cho đến chết. Sọ người, xương trắng chất đầy đồng. Từ khi bộ đội Việt Nam chiếm lại Nam Vang, ngày 7 / 1 / 1979, người dân mới tứ phương lục tục về lại thủ đô. Đến nay, chỉ hơn năm rưởi, nên thành phố vẫn chưa kịp hồi sinh để trở thành môt thủ đô có sinh hoạt đông vui, nhộn nhịp.

Ăn xong tô hủ tíu ở chợ, tôi đi vòng vòng. Đường phố vắng ngắt. Những dãy nhà hai bên đường im lìm không có bóng người. Thấy chán, tôi trở lại khu chợ tìm phương tiện đi Batambang. Tôi đã nghiên cứu kỹ bản đồ Campuchia từ hồi còn làm nhân viên Đồ bản ở Tiểu ban tác chiến, Trung đoàn bộ trung đoàn 55. Vì có ý định sẽ vượt biên đường bộ, tôi đã vẽ sẵn và cất kỹ sơ đồ lộ trình từ thành phố Kampongcham đến Poipet, một thị trấn sát biên giới Miên – Thái. Gần chợ có ga xe lửa, nhưng không thấy bán vé cho khách. Một xe lửa đang chuẩn bị khởi hành. Vài người Miên đang chất hàng lên toa xe. Ở một toa khác, một số lính Hensamrin cũng xục rục khiêng các kiện hàng chất lên, rồi cùng nhảy lên toa. Tôi đến hỏi đại, cũng vẫn câu đơn giản : “Bòn tu Batambang ?” ( Anh đi Batambang ? ). Hên quá, họ gật đầu. Tôi định nhảy lên toa của họ nhưng đã chật cứng hàng và người. Tôi liền chạy dọc theo các toa khác. Thấy một toa có nhiều lồng tre nhốt heo, gà, vịt, tôi nhảy lên đại, vừa lúc xe lửa chuyển bánh. Tôi phải chịu đựng mùi hôi của các gia súc này suốt ba tiếng rưởi mới tới Batambang. Trời đã hoàng hôn. Đi vào một dãy phố vắng, còn vài đồng, tôi mua mấy củ khoai mì, khoai lang, ăn hai củ, còn lại cất vào ba lô. Theo lộ trình, phải đi Xixiphon rồi đến thị trấn Poipet.

Hay bây giờ, từ Batambang này cứ lội bộ nhắm hướng Tây đi mãi cũng tới Thái. Nghĩ vậy, tôi rời khỏi phố đi dần ra ngoại ô, qua nhiều xóm dân, băng ngang cánh đồng thì một con sông hiện ra trước mắt. Nước sông đen ngòm trong bóng tối. Sông chắc lớn lắm vì không thấy bờ bên kia. Trở ngại rồi đây. Đứng lưỡng lự một hồi, tôi quay về Batambang. Trở lại khu phố vắng, trời đã khuya.

Tôi vào một nhà dân Miên xin ngủ nhờ. Người đàn bà Miên lắc đầu từ chối. Chà ! Ở đây dân Miên không sợ bộ đội Việt Nam. Tôi vội lấy ra cái mùng lính đưa cho bà. Có sự trao đổi, bà mới chịu để tôi vào nhà. Nằm trên cái võng mắc giữa hai cột nhà, tôi ăn hết mấy củ khoai rồi ngủ ngon lành tới sáng. Thức dậy, tôi lấy một bộ quần áo dân sự trao đổi với chủ nhà một dĩa cơm ăn tại chổ và một phần cơm mang theo.

Rời nhà bà Miên, tôi thong thả ra khỏi phố và đi theo đường lộ nhựa hướng về Xixophon. Nửa tiếng sau đến một trạm kiểm soát của bộ đội Việt. Tôi hồi hộp xuất trình giấy tờ cho kiểm soát viên. Anh xem tới, xem lui, hỏi :
- Anh đi phép gì lâu dữ, từ tháng bảy tới giờ là cuối tháng 11 mới về đơn vị ?
Tôi hơi bối rối nhưng kịp bịa chuyện :
- Tại má tôi bệnh nặng, tôi phải lo chăm sóc má. Bây giờ về trình diện đơn vị. Đành chịu kỷ luật thôi.
- Được rồi. Anh đi đi.
Vừa lúc đó, có chiếc xe GMC của bộ đội Việt chạy tới ngừng trước trạm. Tôi hỏi anh tài xế :
- Các anh đi về đâu vậy ?
- Về Siêm Riệp. Anh đi đâu ?
- Tôi đi Xixophon.
Anh tài xế cười :
- Vậy cũng đỡ cho cái chân anh một đoạn đường dài. Leo lên. Nhanh đi.

Tôi mừng, leo lên xe ngay. Xe chạy ào ào, gió thổi mát rượi. Một tiếng sau tới ngã ba, xe ngừng lại cho tôi xuống rồi chạy tiếp về hướng Siêm Riệp. Hồi nãy cũng may, kiểm soát viên xem tờ giấy đi phép, chẳng biết trung đoàn 55 đóng quân ở đâu. Nếu anh biết đơn vị tôi đang ở Kampongcham thì sẽ đoán ra ngay tôi đang đi vượt biên.

Đi bộ trên con lộ lồi lõm ổ gà thêm một tiếng thì đến Xixophon. Trời đã trưa. Tìm một chổ kín đáo, ngồi ăn nốt phần cơm xong, tôi cởi bỏ đồ bộ đội, mặc vào bộ quần áo dân sự. Chỉ một chặng đường vài chục cây số nữa là tới thị trấn Poipet. Ở đây gần biên giới có nhiều đơn vị bộ đội, không thể mặc quân phục và dùng tiếp tờ giấy phép cũ nữa. Sẽ lộ tẩy. Quăng luôn cái ba lô, tôi nhẹ người, đi theo con đường đất rộng hướng đến Poipet. Mười lăm phút sau, trước mặt tôi có trạm kiểm soát của bộ đội Việt. Chung quanh là đồng ruộng mênh mông. Tôi vòng ra thật xa, cách trạm kiểm soát khoảng 300 mét, rồi lội ruộng lúa, nhắm hướng Tây đi tới. Bì bõm trên ruộng nước ngập đầu gối được nửa tiếng, tôi vòng lại con lộ đất. Đường rộng thênh thang, tôi mãi miết đi. Chẳng biết bao lâu, hai chân rã rời mà chưa thấy thị trấn Poipet đâu. Mặt trời đã ngã hẳn về Tây. Con đường vẫn xa hun hút trước mắt. Tôi rán tiếp tục bước. Trời nhá nhem tối. Đi thêm một quãng nữa, thấy có vài người dân Miên phía trước chạy ngược lại, tôi kêu lên :
- Bòn. Bòn. Bòn tu na ? ( Anh. Anh. Anh đi đâu ? )
Anh dân Miên đến gần tôi, chỉ tay về hướng Poipet, trả lời :
- Polpot chờ rờn, chờ rờn ( Lính Polpot nhiều lắm, nhiều lắm )

Lại trở ngại ! Biết đi ngã nào nữa bây giờ. Đứng tần ngần giữa lộ một hồi lâu, tôi quyết định vòng ra cánh đồng ở bên trái đi tiếp. Lại bì bõm từng bước chân trên ruộng. Bụng đói cồn cào. Thấy có con cò trắng sa dưới nước, tôi chộp ngay. Tiếp tục lội ruộng một lúc nữa thì lên được bờ ruộng. Trong cơn đói, nhìn con cò trên tay thấy thèm. Nhưng giữa đồng không mông quạnh, không có lửa, không biết cách nào để ăn thịt, tôi lại quăng con cò. Đi hết thửa ruộng, trước mắt tôi lại hiện ra con sông lớn, nước chảy cuồn cuộn. Hết cách, tôi buồn rầu quay trở lại con đường đất. Màn đêm buông xuống. Tôi ngồi bệt bên lề đường, gục đầu, lòng rối bời. Mệt mỏi, tôi nằm dài xuống đất. Chẳng biết bao lâu, bổng có tiếng gọi bên tai : “Bòn. Bòn”. Cùng với tiếng gọi là bàn tay ai cầm cánh tay tôi lay mạnh và gọi nữa : “Bòn. Bòn”. Tôi lồm cồm ngồi dậy. Người đàn ông nhìn mặt tôi cùng cách ăn mặc : áo sơ mi trắng sọc xanh và quần Jean ống loa, đoán ra tôi là người Việt. Anh hỏi bằng tiếng Việt :
- Anh sao vậy ? Phải anh đi vượt biên không ?
Biết không thể nào chối, lại thấy anh biết tiếng Việt, tôi mừng, gật đầu :
- Vâng. Tôi đi đến đây thì nghe phía trước có lính Polpot cản đường, đi vòng thì có sông chắn lối. Tôi mệt quá nên nằm đây. Anh. Anh đừng cho ai biết nhen.
Người đàn ông nở nụ cười hiền hậu :
- Anh đừng lo. Tôi là người Việt gốc Hoa. Chuyện người Việt vượt biên đi qua đường này thì tôi gặp nhiều rồi. Về nhà tôi đi.
Tôi lẽo đẽo theo anh. Nơi anh ở là căn nhà mái tôn xập xệ ở ven đường. Vào nhà, anh ân cần hỏi :
- Chắc anh đói bụng lắm phải không ? Không đợi tôi trả lời, anh nói :
- Anh ngồi đi, tôi lấy cơm cho anh ăn.
Mười phút sau, anh đem ra cho tôi một dĩa cơm có hai con cá khô. Tôi cảm ơn anh rồi bưng dĩa cơm, ăn ngấu nghiến thoáng cái đã hết sạch. Anh rót nước trà cho tôi, nói :
- Khoảng đường phía trước thường bị lính Polpot mò ra quấy nhiễu, anh không đi được đâu. Nhiều người vượt biên đến đó bị chúng bắt, trấn lột hết vàng, bạc. Con gái thì bị chúng hãm hiếp thê thảm lắm. Ngày mai, tôi sẽ giúp anh đi con đường khác.
Tôi nắm tay anh lay lay :
- Được anh giúp đỡ, tôi biết ơn anh lắm. Anh cho tôi biết tên anh được không ?
- Tôi tên Cheng. Tôi sanh ở Miên nhưng má tôi người Việt, cha người Hoa. Rồi anh chỉ về cái giường tre ở sát vách đất, nói tiếp : - Thôi, anh ngủ đi cho khỏe. Mai tôi chở anh đi.
- Dạ. Cảm ơn anh.
Sau một ngày rã rời đôi chân, nằm xuống cái giường tre ọp ẹp, tôi ngủ ngay. Sáng dậy, anh Cheng cũng cho tôi dĩa cơm cá khô. Chờ tôi ăn xong, anh lấy ra một bộ đồ, nói :
- Anh phải mặc đồ cũ này. Chứ mặc đồ thời trang mới toanh vầy, bộ đội Việt hay lính Polpot biết ngay anh là dân vượt biên, bắt giữ ngay.
Nghe lời anh, tôi thay đồ, mặc cái quần sọt cũ màu xanh rêu đậm rách tưa hai ống và cái áo thung cũ màu xám lốm đốm vết bùn đen. Trông ra vẻ dân Miên lắm. Anh đạp xe chở tôi chạy về lại thị trấn Xixophon, rồi quẹo qua một con đường đất khác. Anh ngừng xe lại, chỉ tay về phía trước :
- Anh cứ đi theo đường này, khoảng mười mấy cây số thì gặp một làng dân ở bên phải. Nơi đó thường tụ tập dân buôn qua Thái. Anh cứ đi theo họ.
Tôi ôm choàng qua hai vai anh, nói trong xúc động :
- Thật là Ơn Trên thiêng liêng phù hộ tôi nên mới có anh Cheng tận tình giúp đỡ. Tôi sẽ luôn nhớ ơn anh.
- Không có gì đâu. Mình cùng là người Việt mà. Chúc anh đi bình an.
- Dạ. Tôi cũng chúc anh luôn mạnh khoẻ, nhiều may mắn trong đời sống.

Đã 12 giờ trưa. Theo lời dặn của anh Cheng, tôi rảo bước đi nhanh dưới trời nắng chang chang. Hai bên đường là đồng ruộng mênh mông. Dù mệt, mồ hôi nhễ nhại, tôi vẫn rán bước. Đến xế chiều, quả nhiên có làng dân ở bên phải. Tôi đi vòng vòng trong làng tìm đám dân buôn. Vào khu chợ làng, thấy có đông người tụ tập trao đổi hàng hóa và ăn uống, tôi ngồi ở một mái hiên nhà dân chờ đợi.

Trời chạng vạng. Từng người, từng người tản đi hết, mỗi người một hướng. Tôi chẳng biết ai là dân buôn và cũng chẳng biết nên theo ai. Khi chợ làng không còn bóng người, tôi lủi thủi ra khỏi làng. Gặp một đường đất nhỏ, tôi đi đại theo hướng Tây. Tới một khu nhà tranh, chợt nghe có giọng người nói tiếng Việt ở phía trước, tôi đứng lại lắng tai nghe :
- Ê Trung. Con “ghệ” mày còn chung tình với mày không ?
- Chung tình mẹ gì ! Vừa rồi về phép Sài Gòn, rủ đi chơi, nó nói có người yêu mới rồi.
- Sao mày không cho nó vài tát, thoi nó vài thoi cho bỏ ghét.
- Thôi, mình là bộ đội nghèo rớt mùng tơi, nó bỏ cũng phải. Không tiền thì không tình !

May nghe họ nói chuyện mới biết có bộ đội Việt đóng quân nơi đây. Tôi quẹo qua hướng khác. Trời tối hù, lại đổ mưa. Tôi chạy thật nhanh về phiá trước, gặp được một xóm lều. Chui đại vào một căn lều lụp xụp, tôi gặp một ông già. Nhìn mặt tôi, ông biết ngay tôi là người Việt nên hỏi :

- Cháu vượt biên phải không ?

Thêm một lần may mắn nữa khi gặp người biết nói tiếng Việt, tôi mừng rỡ trả lời :
- Dạ. Dạ. Xin bác cho con trú mưa, ngủ qua đêm, mai con đi.
- Ờ. Nhưng không có giường cho con nằm. Bác chỉ có cái chõng tre này vừa đủ mình bác.
- Dạ không sao. Con ngồi ngủ cũng được. Sao bác biết tiếng Việt hay vậy ?
- Cha bác người Việt, mẹ người Campuchia
- Dạ. Bác ơi, bác có gì cho con ăn không ? Con đói bụng lắm.
Ông già lom khom đến giở nồi vét hết cơm, cũng được một tô đầy đưa cho tôi. Ông niềm nở nói :
- Cháu ăn đỡ cơm với muối trắng nhen. Bác đang tị nạn chiến tranh.nên nghèo lắm. Họ đánh nhau làm cháy hết nhà cửa. Bác và nhiều người phải ở tạm nơi đây chờ nhà nước giúp đỡ. Thôi, bác đi ngủ đây.
- Dạ. Con cảm ơn Bác.

Đói bụng, dù cơm muối trắng ăn vẫn ngon. Trong một thoáng, tôi đã ăn hết tô cơm. Mưa trút nước như thác đổ. Căn lều chao qua, chao lại theo từng cơn gió rít lên trong mưa. Ông già vẫn tỉnh bơ nằm trên cái chõng tre ngáy khò khò. Trên người ông chỉ đắp một cái mền mỏng. Tôi ngồi dựa vào chõng của ông. Thỉnh thoảng có cơn gió mạnh, nước mưa tạt vào ướt cả người. Lạnh buốt. Gần sáng, trời tạnh mưa. Tôi ngồi ngủ luôn một giấc đến trưa. Ông già đã nấu cơm xong, bới cho tôi một tô. Ăn xong, tôi hỏi ông đường đi đến Thái. Chỉ tay về hướng rừng, ông nói ở đó thường có dân buôn tụ tập, đi theo họ sẽ tới Thái. Tôi vòng tay cảm ơn ông rồi vội vã chạy ra khu bìa rừng. Nhiều dân buôn đang đứng tụm lại thành mấy nhóm, cười nói ồn ào. Vài người ngồi chồm hổm ăn uống ở hai gánh hàng rong. Tôi đứng xớ rớ gần đó. Một tiếng sau, vài người nói :
“ Tu. Tu “ ( Đi. Đi ). Dân buôn lũ lượt kéo nhau vào con đường mòn trong rừng. Tôi trà trộn vào đoàn người, lầm lủi đi theo. Tiếng rưởi sau, bổng nhiên mấy tốp dân buôn phía trước hốt hoảng chạy ngược lại, vừa chạy vừa la : “Bòn oanh, bòn oanh…Polpot… Polpot chờ rờn, chờ rờn” ( Anh em, anh em…Lính Polpot…Lính Polpot nhiều lắm, nhiều lắm. ). Cả đoàn dân buôn quay người bỏ chạy. Tôi cũng chạy theo họ. Một tiếng sau mới về lại nơi xuất phát. Rồi từng tốp, từng tốp tản mác đi.vào làng. Còn lại một mình tôi chơ vơ ở bìa rừng. Làm sao đây ? Phía trước có lính Khmer Đỏ cản lối, về lại Sài Gòn thì không tiền đi đường. Rối trí quá, tôi nằm dài ra trên đất. Đi đã khó mà về lại cũng khó. Không tiền đi đường đã đành, còn có thể bị bộ đội Việt bắt giữ. Hoàng hôn dần buông. Tới lúc phải dứt khoát định đoạt vận mạng cuộc đời mình. Đã ra đi không thể trở về, phải tiếp tục đi. Hoặc chết, hoặc có được tự do. Nếu trên đường mòn có lính Khmer Đỏ trấn giữ thì nên băng rừng đi, sẽ né được chúng. Tôi đứng dậy, đi qua, đi lại suy nghĩ thêm quyết định vậy có đúng không. Sau cùng, mặc kệ, ra sao thì ra, tôi liều mạng đi thẳng vào rừng. Lúc đó là 7 giờ tối ngày 4 / 12 / 1980.

Vượt Biên Giới
Nước Thái ở hướng Tây Campuchia. Khi mới vào rừng, tôi cứ nhắm hướng Tây đi tới, gần gần con đường mòn, để tránh bị lạc hướng. Lần lần, có nhiều cây rừng rậm rạp che khuất, hoặc nhiều vũng bùn lầy rộng chắn lối, tôi phải đi vòng đến những nơi thưa cây nên xa dần đường mòn, bị lạc luôn trong rừng. Trời không trăng. Trong đêm tối, tôi phải vẹt cây gai, cây dại dầy đặc nên tốc độ đi rất chậm. Thời khắc trôi qua theo từng bước chân, tôi chẳng biết đi được bao xa rồi. Nếu muốn quay về cũng không biết đi theo hướng nào. Thôi, cứ bước tới. Tối nay tìm chổ ngủ sớm, đợi ngày mai xem mặt trời, sẽ dễ định ra hướng Tây. Rán đi tiếng nữa, bụng cồn cào. Tôi chợt nhớ từ xế chiều đến giờ chưa ăn gì. Nhịn đói thôi. Mai tìm trái cây rừng để ăn. Đến một vũng nước, tôi vốc nước uống đầy bụng rồi đi tiếp. Hai năm trước theo đơn vị hành quân, vài lần đóng quân trong rừng, nhưng có đồng đội chung quanh, nên không có gì sợ hay buồn. Bây giờ, một mình trơ trọi, chung quanh là màn đêm thăm thẳm, tôi thấy sợ sợ. Thêm cái cảm giác thật cô đơn, buồn bã khi nhìn lại mình như một bóng ma trơi trong rừng đêm. Thấm mệt rồi, nhịn đói ngủ thôi.
bứng nhiều bụi cỏ đem đến lót nơi một lùm cây rậm rạp. Tiết trời mùa đông ban đêm, lúc đi không thấy lạnh, nhưng khi nằm xuống cỏ, thấy lạnh kinh khủng. Chỉ mặc cái quần sọt và áo thun ngắn tay mỏng manh, nên cả người tôi run lên cầm cập. Tôi nằm co quắp người lại cố dỗ giấc ngủ. Cái lạnh, cái đói hành hạ, lại có nhiều tiếng ù u, ù u vang vang ở xa xa, và tiếng sột soạt của thú rừng đi ăn đêm, tôi không thể nhắm mắt. Thao thức đến trời tờ mờ sáng, tôi ngủ luôn một giấc say sưa. Thức dậy, đã 12 giờ trưa. Nắng chang chang chói hai con mắt. Tội tìm vũng nước rửa mặt và vốc nước uống. Mặt trời ngay trên đỉnh đầu. Thế này, biết hướng nào là hướng Tây ? Giải quyết cái đói trước đã. Tôi đi vòng vòng tìm trái cây rừng. Tìm cả tiếng vẫn không thấy một loại cây nào có trái. Mặt trời đã hơi nghiêng về phía Tây. Nhịn đói đi vậy. Tôi phải luồn lách qua nhiều khu cỏ gai, tránh những đám cây rậm, vòng qua những đầm nước rộng, nên có lúc phải rẽ sang Nam, lúc quẹo qua Bắc, rồi mới tiếp tục đi theo hướng Tây. Mệt thì ngồi nghỉ chút, thấy đói thì uống nước vũng cầm hơi. Đi sáu tiếng rồi vẫn không thấy biên giới Thái đâu.

Mặt trời dần tắt nắng. Bóng tối dần phủ xuống cả khu rừng. Tôi lại phải dò dẫm đi từng bước. Gai cào sướt khắp tay, chân, đau buốt. Bao tử, ruột, gan muốn nát vụn vì sự cào cấu của cơn đói. Hai ngày rồi không ăn gì. Lần đầu tiên tôi mới thấm thía cái đói thật sự như thế nào. Thèm cho vào bụng bất cứ cái gì, dù là vỏ cây, lá cây hay cỏ dại để có thể qua được cơn đói. Tôi còn đủ lý trí không làm như vậy vì sợ bị trúng độc, sẽ ngã bệnh. Bệnh nặng trong cảnh một thân, một mình nơi rừng sâu lạnh lẽo thế này đồng nghĩa với cái chết. Sẽ bỏ xác trong rừng sâu không ai biết đến. Chỉ còn biết uống nước vũng dằn bụng. Rán đi thêm hai tiếng nữa, tôi lại bứng cỏ lót chổ nằm trong lùm cây rậm. Vừa chợp mắt ngủ được một chút thì mưa gió trùm phủ khu rừng. Tôi ngồi dậy, co rúm người vì lạnh. Nước mưa tạt xối xả lên người. Tôi chui vào một bụi cây rậm nhất, vẫn không tránh được nước mưa. Người tôi run lên từng hồi như bị mắc kinh phong. Mưa càng lúc càng to. Gió rít liên hồi, cây rừng nghiêng ngã. Đến sáng, mưa bớt dần, không dứt hẳn. Suốt đêm không ngủ, phải chịu đựng mưa gió, tôi mệt quá, nhưng cũng cố gắng lên đường. Đi loanh quanh suốt buổi trong trời mưa rỉ rả. Lại xui, đôi dép bị đứt quai. Đành đi chân không. Rừng thẳm âm u trong cảnh trời tù mù không thấy mặt trời kéo dài năm ngày liền. Tôi không phân biệt được phương hướng, cứ đi lòng vòng mãi. Chỉ thấy rừng tiếp nối rừng. Đi chân không trong rừng là cả một cực hình. Hai chân chảy máu, bắt đầu sưng lên. Tôi đi cà nhắc từng bước một. Nhịn ăn bảy ngày rồi. Bao tử đã tê liệt nên tôi không còn cảm giác biết đói nữa. Nước vũng kéo dài sinh mạng tôi. Thân xác rã rời, nhiều khi ngất xỉu, không biết bao lâu, tỉnh dậy lại loang choạng bước đi. Tôi không còn ý thức ngày và đêm nữa, có lúc cảm thấy tuyệt vọng lắm. Quý ơi ! Mày không thể chết lặng lẽ trong rừng sâu thế này. Phải sống, phải tiến tới để tìm được bến bờ tự do. Tôi quỳ xuống khấn nguyện Ơn Trên thiêng liêng phù hộ cho tôi vượt thoát khu rừng. Với ý chí sinh tồn mạnh mẽ, cùng với niềm tin có Ơn Trên cứu độ, tôi cứ cà nhắc từng bước đi tới.

Mưa đã dứt hẳn. Tôi có được một đêm ngủ thật say đến 2 giờ trưa hôm sau. Có sức lực, thêm trời nắng tốt và mặt trời chỉ hướng Tây, tôi lần ra được dấu vết xe bò hằn trên cỏ. Đi theo đường xe bò bốn tiếng, rừng thưa dần, và trước mặt tôi là một khu vườn chuối. Đã ra khỏi rừng. Tính ra, tôi bị lạc trong rừng tám ngày, đêm. “Được sống rồi…Được sống rồi !” Tiếng reo to của tôi đem đến sự hiểm nguy. Hai tên lính Polpot không biết từ đâu lù lù hiện ra. Tôi bị chúng chỉa súng đưa đến một căn nhà tranh lụp xụp trong vườn chuối. Lúc đó, có sáu người vượt biên khác cũng đang bị một toán lính Polpot dẫn tới. Chúng tôi bảy người, bốn đàn ông và ba phụ nữ trẻ đẹp bị chúng bắt cởi hết quần áo. Hai tên đứng chỉa súng, bốn tên lục các quần áo tìm vàng, bạc. Còn ba tên lần lượt khám xét từng người chúng tôi để lấy nữ trang, đồng hồ. Tôi chỉ có cái đồng hồ đeo tay bị chúng lột ngay. Ba người phụ nữ bị hai tên lính vừa khám xét lấy nữ trang vừa mò mẫm khắp chổ kín. Lục xét xong, chúng cho bốn đàn ông được mặc đồ lại và ngồi xuống một góc nhà, còn ba phụ nữ vẫn bị bắt đứng trần truồng như nhộng trước mắt mọi người.

Trời chạng vạng, bọn lính Polpot tụm lại ăn cơm. Họ không cho chúng tôi ăn uống gì. Cơm nước xong, ba tên cầm súng ra đứng canh trước cửa, sáu tên còn lại trong nhà kéo ba cô gái nằm xuống đất để thỏa mãn dục vọng. Các cô dẫy dụa, la hét, van xin. Nghe tiếng nói, tôi nhận ra một cô người Việt, hai cô người Tàu. Mặc cho các cô kêu gào, khóc lóc thảm thiết, chúng vẫn thay phiên nhau hãm hiếp. Thừa lúc lộn xộn, tôi rón rén chui ra một lổ hổng nơi xó nhà và từ từ bò ra vườn chuối. Khi bò khá xa căn nhà tranh, tôi đứng dậy đi cà nhắc theo đường xe bò. Nhiều tiếng súng nổ sau lưng. Với lòng cầu sống, dù chân bị sưng, tôi vẫn chạy thục mạng, nhanh như gió. Không biết bao lâu, đuối sức, tôi nằm ngã ra trên một bãi cỏ. Máu chảy dầm dề ở hai bàn chân, nhức nhối không
tả xiết. Trời tối đen. Chung quanh yên tĩnh. Giờ này cũng khuya. Tôi cố gắng vẹt cỏ tranh bò tới. Đường xe bò được tiếp nối bằng một con đường đất khá rộng. Tiếp tục bò theo con đường đất, khoảng tiếng sau, trước mắt tôi hiện ra một bờ hào cao, dài tít tắp, có bóng người lính cầm súng đứng trên một vọng gác. Tôi đoán đây là biên giới Thái. Lòng mừng rỡ như được thấy cha mẹ sống lại, tôi chậm chạp bò đến gần bờ hào. Nhờ trời tối, lính Thái không nhìn thấy, tôi vượt qua biên giới Thái dễ dàng. Con đường dẫn đến bến bờ tự do đang thênh thang phía trước. Tôi không ngờ… vẫn còn nhiều hiểm nguy đang chờ đón tôi !

Vướng Cảnh Lao Tù
Qua khỏi biên giới, trước mắt tôi là đường lộ nhựa. Quên hẳn cơn đau của hai bàn chân, tôi đứng dậy đi tới. Khoảng 30 phút sau, thấy có nhiều ánh đèn leo lét trong những ngôi nhà ở xa xa hai bên đường, tôi đoán là nhà dân nên quẹo vô một lối mòn, đi đến khu nhà bên trái. Tôi vào trúng một căn nhà bếp, có sẵn cơm, thức ăn trong vài cái nồi trên bếp. Đã nhịn đói suốt tám ngày, nên quên chuyện phải xin phép chủ nhà, tôi vội lấy dĩa, muỗng bới cơm, lấy thức ăn. Trong lúc vội vàng, tôi làm rớt cái nắp nồi gây nên tiếng động lớn trong đêm. Có tiếng người chạy đến. Tôi nhảy ngay xuống đường mương sau bếp. Vài phút sau, một họng súng M16 chỉa xuống đầu tôi. Thì ra đây là trại lính Thái. Tôi bị bắt, đưa vào một ngôi nhà rộng. Tôi nói bằng tiếng Anh là tôi đói bụng lắm, họ lấy cho tôi dĩa cơm với trứng chiên. Tôi ăn ngấu nghiến thoáng cái đã sạch dĩa. Vừa ăn xong, tôi bị một anh lính Thái chỉa súng lục vào đầu, tra khảo :
- Are you vi xi ? ( VC )
Hiểu họ đoán tôi là bộ đội Việt cộng, tôi vội trả lời :
- No vi xi. I am student from Saigon.
- Why you coming here ?
- I looking for freedom. I just want to go to America
Anh lính Thái gằn giọng :
- I don’t believe. You are vi xi. Ngay sau câu nói là anh đấm vào mặt tôi, và hét lớn : - You, vi xi., vi xi.
Tôi cũng hét lên :
- No ! I am not a vi xi.
Người lính Thái càng tức giận, đấm, đá tôi liên tục, còn lấy súng lục nện vào đầu tôi. Vừa khi thấy máu đầu chảy xuống lênh láng trên mặt, trên áo thì tôi ngất xỉu. Sáng tỉnh dậy, đã thấy một người lính Thái già đứng trước mặt. Ông nói tiếng Việt :
- Tôi là trung tá, tư lệnh ở đây. Sao em bị đánh như vầy ?
Tôi mếu máo :
- Dạ. Họ nói em là Việt cộng nên đánh em. Em là sinh viên ở Sài Gòn đi tìm tự do. Vừa nói, tôi vừa lấy ra bọc ni long có vài hình ảnh người thân và thẻ sinh viên đưa cho ông, nói tiếp :
- Ông xem giùm, em là sinh viên trường đại học Văn khoa. Em vượt biên qua đây để xin đi Mỹ.
Ông trung tá Thái xem qua giấy tờ, gật đầu :
- Được rồi. Em chờ đây, chút có xe đến chở em vào trại tị nạn. Hồi trước tôi có tham chiến tại miền Nam Việt Nam. Tôi có vợ Việt ở Gia Định. Em an tâm nhé.
Mừng quá, tôi yên trí ngồi chờ. Khoảng nửa tiếng sau, xe đến chở tôi đi, nhưng không chở đi trại tị nạn mà chở đến Ty công an A Ran. Công an Thái tịch thu hết giấy tờ, hình ảnh trong bọc ni long của tôi và tống tôi vào nhà tù. Sau ba ngày giam giữ, họ chở tôi vào trại lính Khmer Tự do ở trên phần đất Campuchia sát biên giới Thái. Tôi cứ đinh ninh đây là thủ tục phải như vậy trước khi được cho vào trại tị nạn. Ngờ đâu, lính Khmer Tự do đem nhốt tôi vào một cái chuồng gỗ thấp lè tè, phải khom khom người khi xê dịch. Trong chuồng gỗ đã có hai thanh niên người Việt gốc Hoa. Một người có vẻ lớn tuổi hơn cho biết họ là anh em ruột, ở Chợ Lớn, bị bắt nhốt vào đây nửa tháng rồi. Hàng ngày, chúng tôi bị lính Khmer Tự do bắt đi lao động, đào hầm, hố, đốn cây, chẻ củi. Họ cho chúng tôi ăn ngày hai bửa cơm trắng với muối. Mỗi cuối tuần được ăn một bửa cơm với cá hộp. Tôi lo lắng, không biết phải chịu đựng kiếp lao tù này đến lúc nào ?!. Một buổi trưa, sau khi đào xong cái mương, được cho ngồi nghỉ, tôi hỏi một anh lính Khmer Tự do biết tiếng Việt :

- Anh có biết chúng tôi chừng nào được cho vào trại tị nạn không ?
- Không biết nữa. Khi nào “ông lớn” thấy vui thì thả các anh.
Tôi than thở :
- Tôi bị nhốt ở đây gần tháng rồi. Biết chừng nào “ông lớn” vui đây ? Anh có thể thả tôi đi không ?
- Đâu được. Anh muốn tôi bị nhốt như anh hở ? Ông lớn nghiêm lắm.
Tôi hỏi dò :
- Hình như trại tị nạn ở gần đây phải không anh ?
- Ừa. Có trại tị nạn NW9 cách đây hai cây số.
Tôi chỉ ra hướng con đường ở xa xa ngoài trại lính, hỏi :
- Thỉnh thoảng tôi thấy có xe Jeep cắm cờ thập tự đỏ chạy ngang. Họ là ai vậy ?
- Là Hồng thập tự Quốc tế. Họ lo cho dân tị nạn trại NW9, và cũng thường cung cấp gạo cho trại lính chúng tôi để đổi lấy người tị nạn bị “ông lớn” bắt giữ.
- Vậy sao “ông lớn” các anh không trao đổi chúng tôi ?
- Thì vừa rồi tôi có nói, khi nào ‘ông lớn” vui sẽ trao đổi các anh để lấy gạo.
Được anh nói chuyện cởi mở, tôi hỏi thêm :
- Các anh có phải lính của chế độ Lonnol không ?
- Phải, nhưng bây giờ là lực lương Khmer Tự do của tướng Sonsann.
- Tôi cũng có người anh rễ phục vụ trong chế độ Lonnol từ năm 1970. Anh rễ tôi tên Thạch Vọng, cấp bực sau cùng là thiếu tá.
Anh lính Miên ngạc nhiên :
- Hả ? Thiếu tá Thạch Vọng hả ? Phải ổng có vợ người Việt không ? Bả tên Mùi, có hai con trai.
Tôi muốn hét lên, nhưng kịp ngăn lại, nói trong xúc động :
- Đúng rồi. Đúng rồi…Anh chị của tôi đó. Rồi tôi hỏi dồn dập :
- Anh quen với ảnh chỉ hở ? Bây giờ ảnh chỉ ở đâu ? Có ở đây không ?
Người lính Miên lắc đầu :
- Chết hết rồi. Khi Polpot vào Nam Vang, đơn vị do ông Vọng chỉ huy rút vào rừng kháng chiến, đóng trại gần biên giới Thái. Được một thời gian, lính Polpot tấn công vào trại, tiêu diệt tất cả. Ông bà thiếu tá Vọng và hai con trai đều bị chúng giết.

Tôi sững sờ trước cái tin buồn bất ngờ này. Niềm hy vọng có ngày anh chị em được trùng phùng đã tan thành mây khói ! Tôi bật khóc nức nở. Tối hôm đó, tôi không ngủ được. Hình ảnh chị Mùi, anh Vọng và hai cháu cứ chập chờn trong đầu tôi. Vậy là hết, anh Phùng, anh Thiện, em Hỷ đã mất vì đất nước, bây giờ thêm tin chị Mùi chết thảm cùng với gia đình, tôi thật sự không còn người thân ruột thịt nào nữa ở trên đời !

Biết được ngoài trại có xe Hồng thập tự thường chạy ngang qua, tôi lập kế hoạch trốn thoát. Sau hơn một tháng bị nhốt, lao động khổ sai, tôi không thể chờ đợi thêm cái ngày được “ông lớn” của trại Khmer Tự do này vui vẻ tha cho. Một buổi chiều, sau giờ lao động gần con đường lớn ngoài trại, tôi giả vờ đau bụng và xin phép người lính Miên cho tôi đi giải quyết. Người lính Miên đứng chờ. Tôi chui vào một lùm cây rậm. Khi thấy người lính Miên châm thuốc hút và lơ đãng nhìn đi nơi khác, tôi vụt chạy ào ào một quãng xa rồi phóng ra khỏi hàng rào trại. Vài tiếng súng nổ ở phía sau, nhưng tôi đã chạy tới đường lớn cách trại khoảng trăm mét. May mắn thay, từ xa có xe Jeep cắm cờ Hồng thập tự chạy tới. Tôi đứng giữa đường, giơ hai tay lên. Xe ngừng lại trước mặt tôi. Hai người Mỹ xuống xe hỏi :







(Tượng Đài tưởng niệm Thuyền Nhân tại Đức )


- Are you Vietnamese ?
Tôi mau mắn trả lời :
- Yes ! I am Vietnamese. I came from Saigon. I looking for freedom. Please help me.
- OK ! We help you.

Tôi mừng rỡ như chết đi sống lại, nhảy lên xe Jeep. Nghe tôi khai bị đói, lạnh trong rừng suốt chín ngày đêm, Hồng thập tự chở tôi vào một bệnh viện dã chiến trong vùng Khmer Tự do, nằm dưỡng bệnh ba ngày. Tôi được cho uống thuốc, ăn cháo và các trái cây bổ dưỡng. Đươc sự che chở và chăm sóc của Hồng thập tự, tôi đã thật sự hồi sinh, nhìn thấy trước mắt một tương lai tươi sáng.




Tôi thầm cảm tạ Trời cao thiêng liêng và Ông Bà , Cha Mẹ, Anh Chị Em linh hiển đã phù hộ cho tôi được chuyển nguy thành an. Sau khi khỏe mạnh, tôi được Hồng thập tự chở vào trại tị nạn NW9. Bấy giờ là giữa tháng 1 / 1980. Tôi mừng rơi nước mắt. Cảm ơn Hồng thập tự Quốc tế. Cảm ơn những tấm lòng nhân ái của nhân viên Hồng thập tự và Cao ủy Liên hiệp quốc.

Tình Đầu Đời Tị Nạn

Trại NW9 là trại tị nạn dành cho người vượt biên đường bộ. Trại nằm trên lãnh thổ Campuchia nhưng ở sát bờ hào biên giới Thái. Một cây cầu nhỏ bắc ngang từ bờ hào biên giới qua đến cổng trại. Hàng ngày, nhân viên Hồng thập tự từ bên đất Thái chỉ bước vài bước trên cầu nhỏ này là vào trại để làm việc. Ngày đầu được vào trại, lòng rộn ràng vui sướng, tôi hớn hở nhìn những người tị nạn khác đang tập trung ở gần văn phòng trại xem bảng niêm yết tin tức hay thư từ. Đồng bào Việt Nam tôi đây. Tôi có cảm giác thân thiết với tấtcả mọi người, luôn miệng cười với người này, người nọ. Tôi được xếp cho một chổ ngủ trong một dãy lều dài thuộc khu dân sự. Vài hôm sau, được vài thanh niên cho biết, nếu là bộ đội Việt cộng tị nạn chính trị sẽ được cứu xét cho đi Mỹ nhanh hơn.
(Tượng đài tuởng niệm thuyền nhân tại Úc )

Tôi lên văn phòng khai mình đã từng là bộ đội, được chuyển ngay qua một dãy lều trong khu bộ đội. Tất cả bộ đội nơi đây đều từ các đơn vị Việt cộng ở gần biên giới đào ngũ chạy qua Thái.
Dân tị nạn trong trại sinh hoạt rất vui vẻ. Dù việc ăn uống có hơi thiếu thốn, nhất là nước, mỗi người chỉ được bốn lít mỗi ngày để uống và tắm rửa, nhưng ai ai trong trại cũng được yên ổn sống qua ngày. Vài ba tối thì có nhiều người tụ tập liên hoan đưa tiễn người được xuất trại. Chỉ với nước trà và bánh, kẹo đơn sơ, họ mời nhau và đàn ca, nhảy nhót với nhau thật vô tư. Họ an tâm từ nay không còn phải sống với cộng sản nữa. Qua những buổi liên hoan đó, tôi quen thân với một người bạn tên Khúc Duy Viễn, cũng là bộ đội tị nạn chính trị.

Tôi viết thư thăm anh chị Hải Vân và các cô bạn thân ở thương xá Rex như Phuợng, Đức, Linh… Một tháng sau, nhận được thư anh Vân và các bạn, tôi nhảy tưng tưng. Ở trại tị nạn, người ta rất khát khao thư từ người thân. Nhận được thư là người ta vui lắm. Vui nhất là những người có thân nhân ở các nước tự do gửi cho tiền. Nhờ đọc báo Văn nghệ tiền phong, tôi liên lạc được một hội thiện nguyện ở bang Kansas, xin hội làm hồ sơ bảo lãnh. Tháng rưởi sau, tôi nhận được giấy tờ bảo lãnh của bà hội trưởng Mai Liên. Nhờ có hồ sơ bảo lãnh này, sau bốn tháng ở trại NW9, tôi được chuyển đến trại Sikiu, cũng là trại tị nạn đường bộ nhưng ở sâu trong đất Thái.

Trại Sikiu được chia thành hai khu. Khu gia đình và phụ nữ ở chung. Khu khác dành cho thanh niên độc thân, có hai building giống như nhà tù, bị cách biệt với khu gia đình bằng một vòng rào kẻm gai cao lút đầu. Building 1 gồm nhiều thanh niên ở trại trên một năm vì không có thân nhân bảo lãnh, là building nhà giàu, có bàn đánh ping pong và ai cũng có máy hát nghe nhạc, tiền bạc tiêu xài rủng rỉnh. Đời sống họ sung túc trong hoàn cảnh tị nạn nhờ họ, ai cũng giả tên con gái đăng báo Văn nghệ tiền phong, mục tìm bạn bốn phương, dụ dỗ đàn ông độc thân ở Mỹ gửi tiền, quà cho họ. Tên cô “đực rựa” nào cũng đẹp : Hồng Ngọc, Thu Thảo v.v… Rồi họ gửi hình của thiếu nữ xinh đẹp nào đó mà họ có được, làm cánh đàn ông ở Mỹ chết mê, chết mệt. Thời đó, đàn ông độc thân bên Mỹ chịu cảnh khan hiếm đàn bà, khao khát tình cảm lắm, nên dốc túi gửi tiền và quà lia chia cho các cô bạn “đực rựa’ này, hy vọng sẽ bảo lãnh được một cô vợ đẹp như tiên. Building 2 là building nhà nghèo gồm những bộ đội tị nạn chính trị mới đến như tôi. Đa số là dân bộ đội có gốc rễ ở Sài Gòn hay miền Tây, trong hoàn cảnh tị nạn nghèo rớt mùng tơi vẫn còn tánh ăn chơi. Hàng đêm các chàng ta tụ tập thành từng nhóm ca hát, ôm nhau nhảy đầm, rồi kết bè, kết đảng quánh lộn, thường bị an ninh trại kéo ra ngoài building đánh cho một trận. Tôi cứ an phận sống qua ngày tháng. Ban ngày thì lặng lẽ đi vòng vòng trong khu độc thân, nhìn cảnh sinh hoạt mua bán nơi cổng trại, hoặc trò chuyện với Viễn. Mỗi tối, tôi thui thủi một mình trên cái chiếu trải trên sàn nhà ở một góc building. Đi tìm đời sống tự do, không phải là tự do kết bè đảng để đánh người hay bị người đánh !.

Hai tháng sau, tôi được phái đoàn Mỹ vào trại làm hồ sơ phỏng vấn, chụp hình. Thêm ba tháng rưởi nữa, tôi được chuyển đến trại Phanatnikhom. Được rời trại Sikiu, tôi mừng như người vừa ở tù ra. Trại Phanatnikhom là trung tâm tị nạn lớn nhất ở Thái Lan, gồm người vượt biên từ các trại đường bộ và đường biển đã có hồ sơ bảo lãnh của thân nhân hay hội đoàn. Họ được chuyển đến đây để chờ được phái đoàn các nước thứ ba phỏng vấn chính thức, quyết định cho đi định cư hay không. Ở trung tâm này có Thủ đô Bangkok, Thái Lan đủ các sắc dân tị nạn : Việt, Miên, Lào. Vì quá đông nên trại không tổ chức phát cơm canh nấu sẵn cho người tị nạn, mà mỗi tuần phát thực phẩm cho từng tổ độc thân hay từng gia đình để tự nấu ăn. Tổ độc thân tôi có năm thanh niên. Cả tổ lãnh thực phẩm về rồi chia nhau ai muốn nấu ăn sao thì tùy. Sinh hoạt ở trung tâm vui nhộn như trong một thị trấn. Có chợ bán đủ loại hàng hóa và nhiều hàng quán bán thức ăn, thức uống như cơm dĩa, hủ tíu, cà phê, bánh mì, nước sinh tố… Dân tị nạn có thân nhân gửi tiền thì tha hồ vui chơi, tiêu xài ở chợ và các hàng quán này. Phượng, Đức ở thương xá Rex giới thiệu tôi với người bạn của hai cô ở bang California tên Nguyễn ngọc Lưu. Tôi được Lưu gửi cho 50 dollars. Nhờ vậy, thỉnh thoảng tôi cũng vào quán phong lưu chút đỉnh sau gần một năm gian truân khổ ải trong hành trình viễn xứ. Giữa tháng 11 / 1980, tôi được phái đoàn INS Mỹ chính thức phỏng vấn và chấp thuận cho tôi đi Mỹ. Nhìn hai chữ OK của nhân viên INS phê vào hồ sơ, tôi mừng quá cỡ, cả người nhẹ hẫng như muốn bay lên trời.

Nỗi mừng được phái đoàn Mỹ chấp thuận chưa tiêu hóa xong thì qua hôm sau tôi lại có thêm một niềm vui khác không thể nào ngờ trước được. Tôi từ cửa phòng thư tín chen ra khỏi đám đông, vừa đi vài bước thì gặp một thiếu nữ đang đi tới. Cô mặc áo thun trắng ngắn tay bó sát thân mình và cái quần Jean xanh. Nhìn phục sức trẻ trung và khuôn mặt kiều diễm của cô, trông quen quá. Tôi ngẩn người nhìn cô một thoáng và bật reo lên :
- Trời ơi…Diệu !
Cô gái ngỡ ngàng nhìn tôi rồi cũng reo lên :
- Anh Quý ! Sau tiếng reo là Diệu nhào tới quàng hai cánh tay qua hai vai tôi, ôm chặc lấy tôi và nói trong xúc động :

- Anh Quý. Em không ngờ được gặp anh ở đây.
Tôi cũng ôm chặc cô, lòng bồi hồi, vui sướng. Trong hoàn cảnh tị nạn xa xứ này lại được gặp cố nhân.

Người con gái xinh đẹp ở Thị Nghè ngày nào có với tôi tình thân thiết, và một thời gian tôi đã nhớ nhung cô muốn phát điên vì ám ảnh nụ hôn đầu đời do cô chủ động ban cho. Buông nhau ra, tôi mời Diệu vào quán. Chúng tôi ngồi sát bên nhau, vừa ăn uống vừa chuyện trò vui vẻ. Tôi nói :
- Từ sau tháng 4 / 1975, không còn gặp Diệu, anh nhớ quá chừng.
- Sao anh không đến gặp em ?
- Ngay ngày 1 tháng 5 anh có đến tìm Diệu mà cả nhà Diệu đi vắng. Sau đó, phải lo toan đời sống mới nhiều khó khăn, anh không có dịp đến thăm em. Khoảng tháng 11 / 1975, anh nhớ em quá nên đến nhà em ở xóm chợ Thị Nghè thì em đã dọn nhà đi đâu rồi. Thấm thoát đã năm năm rưởi rồi hở Diệu.
- Đời sống mới trong chế độ Việt cộng khó khăn thiệt. Bố em bị đi tù “cải tạo”. Mẹ bán nhà để lấy tiền nuôi Bố, nên dọn đến căn nhà nhỏ khác. Em sống đời con gái nhà nghèo, hết vui chơi phóng túng như trước.
Tôi nhìn Diệu mỉm cười :
- Đời sống con gái nhà nghèo mà Diệu vẫn đẹp. Bây giờ Diệu đẹp hơn xưa nhiều lắm.
Diệu cũng mỉm cười, không phủ nhận sắc đẹp của mình :
- Có đẹp hơn mà tình thì thiếu vắng. Sau câu nói, Diệu nhìn tôi với ánh mắt long lanh. Ăn uống xong, Diệu nói :

- Thôi, mình đi anh. Về chổ em chơi nhé. Gặp mẹ em luôn. Mẹ em cũng hay nhắc đến anh.
Ra tới đường, Diệu nói :
- Anh nắm tay em đi. Như hồi ở Thị Nghè vậy.
Tôi nắm lấy bàn tay mềm dịu, mịn màng của Diệu, lòng lâng lâng vui sướng. Trời buổi chiều mùa Đông se se lạnh. Diệu đi nép vào tôi như người tình bé bỏng. Diệu hỏi :
- Anh Quý đã có vợ chưa ?
- Đã ai yêu anh đâu mà có vợ.
- Vậy anh đi Úc với em nhé.
- Hôm qua, anh mới được INS phỏng vấn cho đi Mỹ.
- Tiếc quá ! Em cũng thích đi Mỹ lắm. Nhưng em có người chị ruột ở Úc, nên mẹ muốn đi Úc. Vài ngày nữa mẹ và em sẽ được phái đoàn Úc phỏng vấn.

Về tới chổ Diệu ở, dì Sáu, mẹ Diệu, cũng vui mừng khi bất ngờ gặp lại tôi. Nói chuyện một hồi, dì Sáu nói :

“ Hai con cứ nói chuyện đi, mẹ qua thăm bà bạn mới đến trại”.


Khi dì Sáu đi rồi, Diệu kéo tấm màn che chổ ngủ của cô. Hai đứa tôi có khoảng không gian riêng tư để tâm tình. Tôi hỏi : -
- Còn bố đâu Diệu ?
Diệu buồn rầu trả lời :
- Bố em mất rồi. Bố chết rất thảm trên biển. Diệu lấy tay dụi đôi mắt vì xúc động rồi kể cho tôi nghe hành trình vượt biển của cô :
“Bố em đi tù cải tạo về vài tháng thì cùng mẹ và em vượt biên. Thuyền em có 43 người, gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Đi được sáu ngày, tàu chết máy, lênh đênh trên biển. Rồi một tàu hải tặc Thái áp sát. Chúng 13 tên trang bị nhiều vũ khí nhảy sang tàu em. Chúng lục soát tất cả mọi người, cướp hết mọi thứ vàng, bạc, nữ trang. Sau đó, chúng lôi các cô trẻ đẹp ra để thỏa mãn thú tính. Em cũng …
” Diệu ngập ngừng không nói tiếp, rồi gục vào vai tôi. Tôi hiểu chuyện gì đã xảy ra cho Diệu. Tôi xúc động nắm chặc bàn tay Diệu, im lặng. Vài phút trôi qua, Diệu kể tiếp “ Bố thấy em bị làm nhục thì nhào tới chống cự, bị hai tên hải tặc túm đánh, lấy súng nện liên tục lên đầu bố rồi ném xác bố xuống biển. Sau khi thỏa mãn, chúng về lại tàu rồi cho tàu húc lủng thuyền em. Nước tràn vào và thuyền lật. Em và mẹ mỗi người may mắn bám được một mảnh gỗ trôi vào bờ, được người Thái đưa vào trại Songkhla. Vào trại rồi em mới được gặp lại mẹ. Nghe mẹ nói, số người trên thuyền bị chết hết 23 người “. Kể xong chuyện buồn, Diệu im lặng, mắt có ngấn lệ. Tôi không biết nói gì để an ủi (Hình Minh Hoạ)
Diệu, chỉ biết nắm chặc tay Diệu, im lặng cảm thông. Một lát sau, bổng Diệu ôm chặc lấy tôi, đôi mắt lá răm tuyệt đẹp nhìn sâu vào mắt tôi như hớp hồn tôi, rồi hôn tôi say đắm. Lần thứ hai tôi được Diệu chủ động hôn. Nụ hôn lần này kéo dài càng ngọt lịm bờ môi, truyền dẫn vào người tôi cảm giác đê mê, ngây ngất. Không tự chủ được trước hương sắc và sự nồng nàn của Diệu, tôi cũng ôm chặc cô, say sưa hôn lại. Diệu thỏ thẻ ngọt ngào bên tai tôi :

- Anh Quý. Em đã yêu anh từ hồi còn ở Thị Nghè.
Tôi cảm động :
- Sao em không nói cho anh biết ?
- Tại em thấy anh có vẻ không yêu em. Anh chỉ coi em như bạn. Anh có hỏi em, người em thật sự yêu là ai. Em không nói vì… chính là anh đó.
Lòng xao xuyến, tôi nói với giọng run run :
- Anh cũng yêu em…Chẳng qua hồi đó… anh có nhiều mặc cảm…
- Vậy bây giờ… anh yêu em đi… Diệu vừa nói với giọng nhiều cảm xúc vừa quàng hai cánh tay trắng nõn nà quanh cổ tôi, kéo tôi cùng nằm xuống. Đôi môi son đỏ mọng cong cớn của Diệu khe khẽ thốt : - Yêu em đi anh Quý…
Tôi rạo rực rơi vào lửa tình với Diệu…Đã 27 tuổi, lần đầu tiên tôi mới được biết mùi vị ái ân…Từ hôm đó, tôi luôn khăng khít bên Diệu. Một tuần sau, tôi có tên trong danh sách xuất trại đi đảo Galang, Indonesia. Ngày cuối ở bên nhau, Diệu tha thiết nói :
- Dù tình yêu đến muộn màng, nhưng muộn còn hơn không. Chúng mình đã có với nhau kỷ niệm đẹp tuyệt vời. Mai đây mỗi người một phương trời, chúng mình sẽ vẫn luôn nhớ đến nhau. Nha anh. Em không ràng buộc gì anh cả, miễn trong tim anh luôn có em
Tôi xúc động :
- Anh sẽ luôn nhớ đến em. Em là ngưòi đã cho anh có được tình yêu đầu đời nồng cháy.
Chúng tôi lại đắm đuối trong biển tình. Hôm sau, Diệu tiễn tôi lên đường.
Tượng Nữ Thần Tự Do, New York , USA
Phút biệt ly giữa hai người yêu nhau buồn não nuột. Diêu rươm rướm nước mắt. Chúng tôi ôm chặc nhau thật lâu lần cuối. Tôi hôn lên hai má Diệu rồi lặng lẽ đi theo đoàn người chuyển qua Transit Center, đối diện với Trung tâm Phanatnikhom. Ngoái nhìn lại, thấy Diệu vẫn còn đứng nhìn theo với đôi mắt buồn vời vợi, tôi giơ tay vẫy, Diệu vẫy tay lại. Chào biệt Diệu. Chào biệt cuộc tình đầu đời tị nạn !…

Tự Do Ơi…Tự Do !

Sau bốn ngày ở Transit Center, tôi và nhiều người được xe Bus chở đến một trạm chuyển tiếp gần thủ đô Bangkok, nằm chờ ba ngày. Khi có chuyến bay, chúng tôi được phát mỗi người một túi thức ăn và lên xe Bus đến phi trường Bangkok. Cảnh đêm thủ đô Bangkok thật đẹp với muôn ánh đèn màu. Ngồi chờ ở phi trường hai tiếng thì đoàn người tị nạn lần lượt lên máy bay. Nửa tiếng sau, máy bay cất cánh..Lòng tôi phơi phới, vui như ngày lễ hội. Khoảng ba tiếng sau, máy bay đáp xuống phi trường Singapore. Hôm sau, chúng tôi được chuyển đến đảo Galang, Indonesia bằng thuyền lớn. Tại đảo, tôi gặp lại Viễn, đến trước tôi một tháng. Chúng tôi càng chơi thân với nhau. Rồi Viễn cũng lên đường đi Mỹ trước tôi. Nghe theo lời Viễn, tôi chuyển hồ sơ đi theo bảo lãnh của người anh bà con Viễn là anh Dương minh Hiệp ở bang South Dakota. Sau bốn tháng rưởi ở Galang 2 học văn hóa Mỹ và thêm chút tiếng Anh, tôi được rời đảo ngày 21 / 4 / 1982. Ở thêm ba ngày trong trạm chuyển tiếp Singapore, tôi chính thức được lên đường đi định cư tại Hoa Kỳ ngày 24 / 4 / 1982.

Hành trình viễn xứ của tôi đã tới đích.

Tôi đã thật sự được đặt bước chân lên miền đất Tự Do mà tôi hằng mong ước từ bao năm qua. Xin chào UNITED STATES Of AMERICA - Đất nước tự do, dân chủ, văn minh, nhân bản và giàu mạnh nhất thế giới. Một lần nữa, tôi thầm cảm tạ Trời cao thiêng liêng, Ông Bà, Cha Mẹ, Anh Chị Em linh hiển đã phù hộ cho tôi, trong hành trình nhiều gian truân, trắc trở, được may mắn chuyển nguy thành an. Tự Do ơi…Tự Do ! Tôi đã có được Người !
Xin cảm ơn Chính phủ Mỹ, Nhân dân Mỹ đã nhân ái dang rộng vòng tay đón nhận tôi và cưu mang tôi 28 năm qua.
Trưa nay, trời cuối thu se se lạnh, tôi đến viếng Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam trong khuôn viên nghĩa trang Westminster, tọa lạc trên đại lộ Bolsa góc đường Hoover, quận Cam. Tôi cúi đầu thật lâu trước Tượng Đài để tưởng niệm tất cả vong linh Đồng bào Việt Nam đã bỏ mình trong Hành Trình Tìm Tự Do. Đã có khoảng 200 ngàn người Việt tử nạn trên biển cả
Lễ khánh thành Tượng Đài Thuyền Nhân tại Westminster
trùng khơi hay nơi rừng sâu, nước độc bởi đói khát, bão tố, biển động, hay hải tặc hãm hiếp, giết chết. Trước Tượng Đài có tấm bảng đồng ghi : “ Tưởng niệm đến hàng trăm ngàn Thuyền Nhân, Bộ Nhân Việt Nam đã chết trên đường tìm Tự Do, Nhân Phẩm, Nhân Quyền. Gợi nhớ về cuộc hành trình đầy đau thương và khổ nạn của hàng triệu người Việt rời bỏ Quê Hương sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 vì không chấp nhận chế độ Cộng sản. Lưu truyền chứng tích đến các thế hệ mai sau về nguyên nhân sự hiện hữu của người Việt tại Hoa Kỳ và các quốc gia Dân Chủ, Tự Do trên thế giới”.
Tôi lại cúi đầu thật lâu trước Tượng Đài. Những Thuyền Nhân, Bộ Nhân đã chết trên đường vượt biển hay đường bộ để cho nhiều người thân ruột thịt được sống, được đến bến bờ Tự Do an toàn. Nhờ đó, ngày nay đã có hơn ba triệu người Việt được sống đời an bình, thăng tiến tại hải ngoại. Và mai đây, sẽ có biết bao nhiêu người con ưu tú của Tổ quốc Việt thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba trở về quê hương Việt không cộng sản, đem tài năng, kiến thức học được nơi xứ người để xây dựng nước Viêt nhanh chóng trở thành cường quốc. Cá nhân tôi ngày rời xa quê hương, hành trang lên đường là ý chí của Tống Biệt Hành : “Ly khách ! Ly khách ! con đường nhỏ. Chí lớn không về, bàn tay không. Thì không bao giờ nói trở lại…”. Nên tôi cũng đang âm thầm hoạt động trong một tổ chức chính trị, với hoài bão được đóng góp tất cả tâm trí, tài sức vào công cuộc đấu tranh chung của toàn dân Việt trong và ngoài nước, nhằm xoá tan bóng tối đêm đen trên quê hương Việt Nam. Cho những đau thương, thù hận của một thời nô lệ ngoại bang sẽ bị nhạt nhòa, tiêu tán vào dĩ vãng của lịch sử đã sang trang. Cho những xiềng xích, chuyên chế, hung tàn, bạo ác của cộng nô phải bị sụp đổ, tiêu vong. Cho viết lên trang sử mới của bình minh nước Việt ngày xanh tươi rạng rỡ, huy hoàng, kiến tạo nên một xã hội mới thật sự dân chủ, tự do, văn minh, nhân bản, công bình, bác ái để toàn dân Việt mãi mãi được sống an hòa, vui sướng, hạnh phúc.

Kính nguyện cầu Đấng Thiên Thựợng Đế tối cao và Hồn thiêng sông núi phù hộ cho toàn dân Việt sớm có ngày “đắc lộ thanh vân”, đưa nước Việt lên đỉnh đài vinh quang thịnh trị ngàn đời.

- Ghi dấu 30 năm rời xa quê hương : 1980 – 2010

HUYÊN CHƯƠNG QUÝ ( Lý Nguyễn Thiên Quý )

Đã đăng trên các Website : - Ánh Sáng Mới 2015 Online - Vietnamlibrary.net - Ánh Dương Online
huyenchuongquy@yahoo.com