Friday, May 22, 2009

'PHỤC HỒI BU GI
Chuyện Ngắn
(Bài học vở lòng cho nhân dân
Miền Bắc thời thập niiên 40-50)


'Phục hồi bu-gi'
Đinh Phụng Tiến

Như một định mệnh, Nguyễn Kỳ Cùng lại gặp Hà Văn Bá, người bạn vong niên thuở xưa, tại một địa điểm mới, được gọi là Cơ Sở Phục Hồi Bu-Gi. Câu chuyện ấy phải trở lui về qúa khứ.
Đó là thời kỳ “tiêu thổ kháng chiến.” Chính sách “vườn không nhà trống” thời ấy, cuối cùng đã làm cho nông thôn miền bắc vốn đã tiêu điều, đã trở nên xơ xác nhiều hơn. Đó là lúc trận đói năm Ất Dậu mới dứt. Nguyễn Kỳ Cùng, trong ký ức tuổi thơ của mình, chỉ còn in dấu những con phố xưa rất đìu hiu của thành phố Nam Định, trong những mùa đông rét mướt. Tuổi thơ của Nguyễn Kỳ Cùng được bao phủ bởi những tháng năm buồn bã. Những xác người chỉ còn da với xương chồng chất trên những chiếc xe ba gác do một cái xác khác còn thở, kéo đến một chỗ chôn chung… và khi chiến tranh thế giới kết thúc, lại là lúc Nguyễn Kỳ Cùng phải rời bỏ thành phố để tản cư tới những miền quê hẻo lánh.
Tuổi thơ của Nguyễn Kỳ Cùng là một chuỗi những tháng năm không may mắn. Vì chiến tranh luôn xô đẩy cái gia đình nhỏ bé ấy càng ngày càng đi sâu vào những miền đất xa xôi của đất nước.
.
Năm lên chín tuổi, Nguyễn Kỳ Cùng với gia đình trôi dạt đến một làng quê rất xa. Ngôi trường tiểu học là một căn nhà chứa thóc bỏ hoang của một tay phú hộ đã ra đi. Ở đây Nguyễn Kỳ Cùng có một người bạn vong niên: Hà Văn Bá.
.
Hà Văn Bá hơn Nguyễn Kỳ Cùng sáu tuổi. Nhà nghèo, lại tai trời ách nước, lên bẩy tuổi, Hà Văn Bá đã phải chăn trâu, cắt cỏ, và do đó mà Bá đi học rất trễ. Ngồi chung một lớp với Nguyễn Kỳ Cùng nhưng chênh lệch về tuổi tác không phải là trở ngại để họ không thể kết thân với nhau. Mười lăm tuổi, Bá mới học lớp nhì (sau này gọi là lớp bốn), Hà Văn Bá là một “thanh niên” có chí lớn và có lòng… yêu nước nồng nàn.
.
Tuổi lớn, cùng với sự khôn ngoan và những hành động khác người của Hà Văn Bá từng khiến Nguyễn Kỳ Cùng yêu mến, khâm phục, và tự hào về người bạn vong niên của mình.
.
Thuở ấy, thi thoảng Hà Văn Bá bỏ lớp đi đâu đó một hai ngày, có khi lâu hơn. Những lần ấy học trò trong lớp xôn xao, giống như mặt nước ao bèo bị dao động bởi một cục đất vô tình ném xuống, rồi những mảng bèo ấy khép lại bình yên như chưa từng có chuyện gì xẩy ra, khi Hà Văn Bá trở về lớp học, Bá lại cúi cái đầu trọc nghiêng nghiêng trên trang giấy vở học trò.
.
Hà Văn Bá có nhiều năng khiếu đáng nể. Anh có một cái ống đồng, với vài cục đất vê tròn phơi khô làm đạn, anh có thể thổi chết một con chim, bắn hạ một con gà. Anh có thể bơi qua sông trong mùa mưa lũ. Anh cũng có thể thả lời bông lơn chọc ghẹo gái làng, khiến các cô đỏ mặt. “Nữ thập tam, nam thập lục, sang năm tớ lấy vợ được rồi,” anh nói thế. “Nhưng cứ để đấy, khi nào cách mạng thành công hãy hay,” vẫn lời anh nói. Đó là lần đầu tiên Nguyễn Kỳ Cùng nghe được hai chữ “cách mạng.”
.
Trong lớp học, Nguyễn Kỳ Cùng ngồi cạnh Hà Văn Bá, và nhờ vậy Nguyễn Kỳ Cùng học hỏi được ở người “thanh niên” này nhiều điều. Kể từ ngày quen biết Bá, trí khôn của Nguyễn Kỳ Cùng như được mở rộng thêm ra. Người bạn vong niên này đã khai mở cho Nguyễn Kỳ Cùng những nẻo đường trí tuệ mới mẻ, cùng những chân trời hiểu biết rực rỡ. Tuổi thơ của Nguyễn Kỳ Cùng in đậm dấu ấn về người “thanh niên” lỗi lạc ấy. Tuổi cao, vóc dáng nhỏ thó, mắt láo liên, học hành chậm lụt vì hình như tâm hồn người “thanh niên” ấy bao giờ cũng hướng ra bên ngoài lớp học, ở tận tít tắp chân trời xa, ở những ước mơ…
.
Nhà Hà Văn Bá ở tận cuối thôn, chỉ có hai mẹ con. Nghe đâu, ông bố đã qua đời vào những ngày cuối cùng của nạn đói năm Ất Dậu. Sau khi chôn cất, thật ra là vùi lấp ở một rẻo đất hoang, mẹ Bá tiếp tục cuộc đời cấy thuê, bữa đói bữa no. Bá phụ mẹ những công việc lặt vặt để mưu sinh. Hai mẹ con làm quần quật mà vẫn chẳng đủ ăn. Tuổi thơ của Bá đầy ắp những tháng năm đói lạnh. Bá đến trường học rất trễ trong hoàn cảnh đó. Vậy mà trong cái thôn nghèo xơ xác ấy, một thời từng âm ỉ những lời đồn thổi, những câu chuyện có vẻ như một thứ hoang đường về một cuộc đổi đời. Cuộc đổi đời đã bắt đầu ở một đất nước xa xôi, nơi không có kẻ giầu người nghèo, nơi chỉ có mùa xuân: Trẻ em thì ca hát, uống sữa trước khi đến trường. Người lớn làm việc trong các xưởng máy, trên những cánh đồng mà ở đó không có cai phu, không có phú hào, địa chủ, làm được bao nhiêu, chia đều lợi tức với nhau.
.
Có lần Hà Văn Bá bỏ học năm ngày. Khi trở lại lớp, thầy giáo hỏi lý do thì Bá nói anh đi theo lời yêu cầu của chú Thông Núi. Thầy lặng yên, trên nét mặt của thầy một thoáng âu lo. Từ đó, như là một sự mặc nhiên, Bá có thể đến lớp hay vắng mặt bất cứ khi nào. Thông Núi là ai, mà sao thầy có vẻ e dè? Một lần nọ, Bá lại nhắc đến hai tiếng “cách mạng.” Bấy giờ, ở nông thôn Miền Bắc đâu đó cũng có nghe… nhất là sau cái trận đói năm Ất Dậu 1945…
.
Sau này Bá nói lại, cái nạn đói ấy là do bọn địa chủ, bọn cường hào ác bá, bọn vua quan gây ra, bởi vì chúng đã cướp sạch của mọi người. Cách mạng sẽ lấy lại của cải của chúng để chia cho người nghèo. Người dạy cho Bá biết điều ấy là… chú Thông Núi. Vẫn theo lời Bá, chú Thông Núi đang hoạt động bí mật, và lâu lâu mới về làng một lần để xây dựng phong trào…. Năm ấy Thông Núi đã ngoài hai mươi. Chú Thông Núi thường về làng vào ban đêm. Theo lời Bá kể, chú về một cách âm thầm, khi thì với một cây mã tấu trên lưng, lại có khi với khẩu súng ngắn bên hông. Dạo ấy, các thôn làng chìm đắm trong một bầu không khí hoàn toàn vắng lặng về đêm. Người ta được lệnh phải giết sạch chó mèo để dành sự bí mật, yên tĩnh cho hoạt động cách mạng. Ban đầu người ta giết chó để ăn thịt rất hào hứng vì chỉ có lý do phục vụ cách mạng mà lại được ăn thịt chó thì không có gì chính nghĩa hơn. Nhưng rồi thì nguy cơ đàn chó sẽ… tuyệt chủng là điều có thật. Chuyện ấy mà xẩy ra thì là một đại họa chứ chẳng chơi. Và dân làng lại lén lút gầy dựng lại đàn chó một cách kín đáo, để mặc cách mạng hô hào giết chó, giết mèo.
.
Chú Thông Núi tự nhận mình là người Mác-xít. Người Mác-xít ấy có lần tuyên bố rằng con người là do loài khỉ mà ra. Chú truyền đạt điều này cho Hà Văn Bá. Nói như vậy thì còn Chúa, Phật gì nữa, mẹ Bá kịch liệt phản đối. Bá cũng cảm thấy khó tin… nhưng đó là chuyện xa vời, cái cụ thể của cách mạng là… sẽ được no bụng cái đã.
.
Chú Thông Núi, một vóc dáng uy quyền, một tấm gương sáng chói, một cuộc đời phong phú, một đầu óc uyên bác với súng ngắn bên hông… về làng xây dựng phong trào. Chú thuyết giảng về cách mạng, về nguồn gốc của con người. Một mình chú, chỉ một mình chú dám lên tiếng kêu gọi đấu tranh cho một cuộc đời cơm no áo ấm của dân làng. Chú bảo, Chúa, Phật là do bọn bóc lột bịa ra để kìm kẹp dân chúng. Chú bảo chắc chắn như đinh đóng cột rằng, con người đích thực là do loài khỉ mà ra. Cái này chú nói là… triết học Mác-Lênin. Đối với Hà Văn Bá thì triết học Mác-Lênin khó hiểu qúa nhưng những khẩu hiệu như cơm no áo ấm, làm việc theo năng lực, hưởng thụ theo nhu cầu thì dễ hiểu hơn. Chú Thông Núi từng cắt nghĩa rằng, làm việc theo năng lực tức là sức mình làm tới đâu thì làm tới đó thôi. Còn hưởng theo nhu cầu là mình cần bao nhiêu, cứ hưởng theo bấy nhiêu. Theo Bá, cuộc cách mạng này hay qúa sức tưởng tượng. Vậy mà trên đất nước Liên-Xô xa xôi nọ, Lênin đã làm xong cuộc cách mạng ấy rồi. Lênin là ai? Con người mà mồm ngang mũi dọc như thế nào thì Bá không biết, nhưng người đã là xong cuộc cách mạng như thế thật đáng để mọi người phải biết ơn.
.
Tuổi thơ của Nguyễn Kỳ Cùng được Hà Văn Bá, một người bạn, một người thầy khai mở những bài học đầu đời về cách mạng, và phái tính. Hà Văn Bá bảo phải có cách mạng, phải có đấu tranh thì đời sống mới tốt đẹp hơn được (điều này Hà Văn Bá chỉ nhắc lại lời của chú Thông Núi mà thôi). Cũng như giống đực và giống cái phải có đấu tranh thì mới sinh sôi nẩy nở (điều này thì chắc là Hà Văn Bá đã bịa ra, nhưng để cho có vẻ đáng tin, Bá cũng nói rằng chú Thông Núi bảo thế).
.
Lần ấy, Nguyễn Kỳ Cùng và Bá thấy một con chó đực đang “đấu tranh” với con chó cái ở bờ sông. Có lẽ không nên mô tả lại cuộc “đấu tranh” này, nhưng mà việc ấy đã gieo vào đầu óc Nguyễn Kỳ Cùng biết bao nhiêu là thắc mắc. Sau đó hai con chó cứ dính chặt lấy nhau trông rất tội nghiệp. Bá nói: “Ở đời phải có đấu tranh, phải có âm dương thì mới tiến bộ, chú Thông Núi bảo thế. Đấu tranh cho tiến bộ, đấu tranh để gìn giữ đời sau như ngọn lửa không bao giờ tắt.”
.
Chú Thông Núi đi làm cách mạng. Lâu lâu chú mới về làng, và mỗi lần chú về là có tin vui cho mọi người, cho đại cuộc. Khi thì quân đội đồng minh sắp tiến vào Béc-linh, khi thì những chiến sĩ Hồng quân đang bao vây quân Phát-xít… có khi thì người anh em Liên-Xô đã tìm ra phương pháp nuôi lợn chỉ trong vài tuần có thể to bằng con bò. Béc-linh ở đâu không ai biết, quân Phát-xít là cái gì cũng chẳng ai hay nhưng chuyện nuôi một con lợn to bằng con bò trong vài tuần thì quả là điều phấn khích rất cụ thể. Cái đó là năng suất, Thông Núi nhấn mạnh, và sau đó Hà Văn Bá lặp lại ở bất cứ nơi nào có thể. Thông Núi gào thét giữa đám đông, dưới ánh sáng mờ ảo của những ngọn đuốc hồng, rằng chỉ có cách mạng mới tạo được một năng suất to lớn như thế…
Hà Văn Bá lặp lại, cách mạng là đấu tranh, đấu tranh là năng suất, năng suất là… con lợn to bằng con bò.
.
Như vậy, cứ mỗi lần chú Thông Núi về làng là Hà Văn Bá lại bỏ học mất mấy buổi để đi theo chú trong những kỳ hội họp, mít tinh. Nhiệm vụ của Bá là đến từng nhà để thông báo địa điểm tập họp cũng như làm bất cứ điều gì chú cần. Bá trở thành một người quan trọng của phong trào, cho nên việc Bá đi học hay không đã trở thành chuyện bình thường. Chỉ có cách mạng mới dạy dỗ ta nên người, Bá vẫn nói như thế và còn nhấn mạnh, bọn phong kiến chỉ làm ngu dân, nên càng học theo chúng thì càng ngu… Bá đã tìm đúng con đường để Bá đi theo, đường cách mạng của chú Thông Núi mà ít khi hoặc không cần phải đến trường.
.
Có lần Bá kể cho Nguyễn Kỳ Cùng nghe về một cuộc “đấu tranh” trong một bầu không khí rất cách mạng. Tối hôm ấy, Bá kể, khi chú Thông Núi đang nói chuyện với quần chúng về một thành tựu khoa học ở nước Liên-Xô. Đứng cạnh Bá là con Lựu, đứa con gái cùng thôn và lớn hơn Bá hai tuổi. Cả hai đứa cùng đứng trong góc khuất, nơi những ánh đèn không dọi tới. Khi chú Thông Núi đang say sưa nói rằng ở Liên-Xô, người ta đã chế được cỗ máy mà chỉ cần bỏ một đống cỏ ở đầu vào thì ở đầu kia sẽ ra… một con bò. Mọi người ngơ ngác như nghe một câu chuyện thần tiên. Nhân lúc ấy, Bá nắm tay con Lựu. Nó để yên, thật ra thì nó có rút tay về nhưng rất nhẹ, không đủ để vuột khỏi bàn tay của Bá. Quần chúng đang say sưa đến chỗ chú Thông Núi bàn về năng suất thì Bá thọc tay vào lưng quần nó. Con ranh con khôn bỏ mẹ, Bá nói, nó thót cái bụng lại để bàn tay Bá chui qua lưng quần và xuống… dưới háng. Bản báo cáo tình hình thế giới của chú Thông Núi đến chỗ quân đồng minh tiến chiếm Béc-linh thì bàn tay của Bá đã ướt đẫm… mồ hôi. Cái đó chắc là mồ hôi thôi, Bá qủa quyết như thế, nhưng là mồ hôi… dầu vì nó rất trơn, trơn như mỡ lợn. Chú Thông Núi đang hùng hồn nói về tương lai của cách mạng thế giới, con Lựu bừng bừng trong bóng tối, bàn tay của Bá xông xáo khắp nơi như muốn đưa cuộc đấu tranh từ lượng đến biến thành chất mà chú Thông Núi đang nói. Con Lựu vừa ghì chặt lấy Bá thì chú Thông Núi kết thúc bài nói chuyện bằng một khẩu hiệu được hô rất to và quần chúng đáp trả cũng rất to. Liền đó, quần chúng xô đẩy, nhân dân ồn ào như vỡ chợ để ra về. Bá vội lỉnh vào với đám đông, để con Lựu đứng đó bơ vơ…
Sau cái lần ấy, không hiểu sao, con Lựu cứ đi tìm Bá khắp nơi, lần nào Bá cũng thoái thác là phải hoàn tất công tác do chú Thông Núi giao cho đã. Bá khẳng định rằng anh ta không thích cái mồ hôi dầu của con ranh này.
.Một lần khác, cũng là đêm chú Thông Núi về làng phát động phong trào, nhưng đêm ấy trời mưa to nên quần chúng đến tham gia không đông. Chú Thông Núi bảo Bá đi vận động đồng bào đến tham dự. Nhiều người trong xóm đã đi theo lời yêu cầu của Bá. Sau cùng, Bá tạt vào nhà mụ Tình. Mụ Tình là một người đàn bà góa chồng đã lâu. Cái chết của người chồng có nhiều bí ẩn. Người thì nói ông ta chết vì buồn bực con vợ lăng loàn nên uống độc dược mà tự tử. Người nói ông ta bị thực dân tra tấn rồi mang bệnh mà chết. Lại cũng có người nói ông ta chết vì bị “thượng mã phong.” Thượng mã phong là cái quái gì, Bá không biết nhưng hình như nó có một cái gì đó ghê gớm và bí mật lắm vì người ta chỉ xầm xì nhỏ to như đang nói về những hội kín, những phong trào thì Bá đồ chừng rằng cái này hẳn là phải có liên quan gì đến cách mạng.
.
Khi Bá tới, thấy dưới chuồng lợn có ánh đèn dầu. Với một sự cảnh giác rất cao, Bá núp sau bụi chuối cách đó chỉ mấy bước để nghe ngóng. Lão Lý hoạn lợn và mụ Tình đứng cạnh nhau. Đêm nay cả lão Lý và mụ Tình đều không đi sinh hoạt hẳn phải có lý do. Lai lịch của lão Lý thì làng này ai mà chẳng biết. Lão sống bằng nghề hoạn lợn và thả lợn giống. Thật tình, hai việc này hoàn toàn khác nhau, có khi lại chửi cha nhau, nhưng phải ôm đồm như thế mới sống nổi, lão thường nói như thế. Lão bảo, lão chỉ hoạn con lợn cho người ta để lấy công. Cũng như lão chỉ thả con lợn giống của lão khi con lợn nái của nhà ai đó đòi đực, cũng chỉ để lấy công mà thôi. Việc này hoàn toàn không bóc lột ai, lão Lý nhấn mạnh, không hề mang tính giai cấp. Lão Lý sống đơn chiếc từ hồi nào ít ai nhớ. Hình như con vợ lão đã bỏ nhà đi theo trai ngay từ khi lão mới cưới về. Ngay sau đám cưới, có người kể lại rằng, con vợ mất nết ấy bỏ lão đi theo trai trước lúc… động phòng. Nỗi niềm uất ức này về sau được lão vận dụng vào công việc hoạn lợn rất thành công… và thả lợn giống cũng rất thành công.
.
Bá chú ý quan sát, dưới ánh đèn dầu, lão Lý vừa thả con lợn giống vào với con lợn nái trong chuồng. Con lợn nái đang phá phách điên cuồng bỗng lặng yên. Bá nghe rõ tiếng lão Lý:
“Nhanh nhanh lên mày, đêm nay người ta họp hành mà mày cũng không tha cho ông là làm sao.”
Tiếng mụ Tình: “Ấy chết, cứ từ từ đi ông anh. Nhà em có mỗi con nái này, vội vàng qúa mà nhỡ nó không đậu thì chết em thôi.”
Lão Lý nhấm nhẳng: “Chết thế… đếch nào được, không đậu thì làm lại….”
Mụ Tình dẫy nẩy: “Làm lại, để ông anh lại lấy công lần nữa thì… chết em mất.”
Thình lình lão Lý to giọng: “Kìa, nâng nó lên hộ một tí đi. Cha mẹ cái con nái nhà này to qúa, con giống của tao không tới rồi….”
Bá thấy mụ Tình hốt hoảng cúi xuống, nâng đít con lợn giống lên cho ngang tầm với con nái. Lão Lý giọng lè nhè: “Đằng ấy thạo nhẩy, giúp tớ một tí như vậy được không?”
Mụ Tình: “Rõ nỡm….”
Một cơn gió nhẹ thổi qua, ngọn đèn dầu chợt bùng lên, khu chuồng lợn sáng thêm một tí, Bá thấy lão Lý tay cầm gấu váy mụ Tình kéo lên… mụ hơi hoảng hốt: “Đừng… ông anh, người ta thấy thì….” Lão Lý lè nhè: “Có ai đâu mà thấy với không. Chỉ có đằng ấy với tớ thôi mà….”
Lão kéo gấu váy mụ Tình lên cao hơn nữa, và vẫn lè nhè: “Lẳng lơ thì cũng chẳng mòn, Chính chuyên cũng chẳng sơn son để thờ….”
Mụ Tình lùi lại một tí, tựa lưng vào cây cột chuồng lợn, thoắt mụ ngã sõng xoài trên nền đất ướt… lão Lý đè lên mụ. Mụ Tình rên rỉ: “Chết, chết… em mất…”
Bấy giờ thì Bá hiểu công dụng của cái váy dân miền bắc: .
Cái thúng mà thủng hai đầu, Bên ta thì có bên Tàu thì không.
.
Tai Bá nóng bừng bừng… Bá nhìn thấy rõ họ đang “đấu tranh” với nhau kịch liệt, trong lúc con lợn giống và con nái trong chuồng cũng đang “tranh đấu”… kịch liệt không kém.
Cho đến về sau, con lợn nái của mụ Tình thì không đậu thai. Nhà mụ Tình đã nghèo lại nghèo thêm. Mọi hy vọng về một đàn lợn con đã trôi theo cùng với những nỗi đau buồn khác.
.
Mùa xuân năm ấy, xóm thôn chợt xôn xao về những tin buồn vui lẫn lộn: Mụ Tình chửa hoang và lão Lý thoát ly đi làm cách mạng.

Con người cách mạng ấy đã ra đi với một mối căm hờn con vợ trắc nết bỏ nhà theo trai trước đêm động phòng, và với cả một cuộc “đấu tranh” hùng vĩ bên cạnh chuồng lợn ngày nào. Kết hợp mối căm hờn kẻ phản bội, tình yêu thương người đàn bà cô quạnh, lòng yêu thôn xóm nồng nàn và căm phẫn trước mọi bất công, lão Lý ra đi. Lão Lý đi làm cách mạng cũng không quên dắt theo con lợn giống và bộ đồ nghề hoạn lợn. Con đường cách mạng mà lão Lý đi tuồng như đã được vận dụng một cách khéo léo mang mầu sắc quê hương, bản làng thôn xóm.
.
Về sau, theo lời Bá kể thì chú Thông Núi nói lão Lý mang theo con lợn giống và cả bộ đồ nghề hoạn lợn đi làm cách mạng là phù hợp với chủ trương. Việt Nam ta, chú Thông Núi nói, đang làm một cuộc cách mạng tư sản kiểu mới: Cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dân… cuộc cách mạng này, Bá nhắc lại lời của chú Thông Núi, nhân dân vẫn còn giữ lại được một số tư liệu sản xuất. Bá nhớ, chú Thông Núi nói rằng sau khi làm xong cuộc cách mạng tư sản kiểu mới thì mọi tư liệu sản xuất sẽ đều được công hữu hóa tức là tịch thu, khi tiến lên cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa.
.
Con lợn giống, bộ đồ hoạn lợn của lão Lý là tư liệu sản xuất. Nghe chú Thông Núi giải thích, Bá bứt đầu bứt tai lấy làm khó hiểu qúa… Tư liệu sản xuất là cái… đếch gì, Bá thắc mắc. Chú Thông Núi giải thích là những công cụ có thể sản xuất ra hàng hóa… Vậy thì Bá hiểu và Bá lẩm nhẩm: Bộ đồ hoạn lợn của lão Lý là tư liệu sản xuất vì nó cho ra những con lợn thịt. Con lợn giống của lão Lý là tư liệu sản xuất vì nó sản xuất ra lợn con. Bá thắc mắc: Vậy thì cái… “củ bin” của lão Lý có phải là tư liệu sản xuất không? Cái “củ bin” này trong thời kỳ cách mạng tư sản kiểu mới, lão Lý còn được giữ lại, nhưng sau này, khi làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, Bá nhớ lại lời chú Thông Núi, chắc bị tịch thu. Bá cho rằng cái bi đát của người làm cách mạng là ở chỗ này đây. Hèn gì lão Lý vừa làm nghề thả lợn giống lại vừa hành nghề hoạn lợn. Lão Lý nhìn xa. Phàm là người cách mạng thì phải biết nhìn xa, lời chú Thông Núi.

Càng ngày Bá càng đến lớp học ít hơn vì Bá có nhiều công tác hơn, chú Thông Núi về làng thường xuyên hơn. Bạn bè trong lớp và cả thầy giáo nhìn Bá với một thái độ trân trọng. Hôm nào Bá đi học, ngồi cạnh Nguyễn Kỳ Cùng, Bá nói cho nghe đủ mọi thứ chuyện. Mà chuyện nào cũng hết sức quan trọng và hết sức mới mẻ. Bây giờ thì không úp mở gì nữa, Hà Văn Bá đã trở thành người của cách mạng. Bá theo chú Thông Núi. Bá muốn thoát ly theo chú nhưng chú bảo hãy khoan đã vì địa phương đang cần Bá. Thì Bá ở lại, nhưng tâm hồn lúc nào cũng hướng về nơi rất xa. Đối với Bá, mỗi lần được làm công tác theo yêu cầu của chú Thông Núi là mỗi niềm vui, và mỗi lần như thế, Nguyễn Kỳ Cùng lại được nghe thêm chuyện kể. Những câu chuyện ấy, khi thì liên quan đến những thành tựu rất to lớn từ một đất nước anh em xa xôi. Khi thì nói về những bước tiến của cách mạng thế giới. Khi thì là những kinh nghiệm bản thân với đám đàn bà con gái.
Nhưng câu chuyện mà Bá hay nói tới cùng với những tin thắng lợi của cách mạng trên toàn thế giới vẫn là chuyện… con Lựu. Theo lời Bá kể, sau nhiều lần hụt hẫng, cuối cùng thì Bá cũng gặp nó. Hai đứa chỉ nhìn nhau rồi Bá tìm cách phú lỉnh vì thẹn thùng. Con Lựu cũng chẳng vừa, nó bám theo Bá như Bá bám theo chú Thông Núi, như chú Thông Núi bám theo cách mạng. Một lần tình cờ gặp nó ở bờ sông, dưới một tùm cây, mà những cành lá xanh um mọc vươn trên mặt nước lững lờ. Bá ỡm ờ hỏi con Lựu: “Đằng ấy đi đâu thế?.”
Nó nói:“Bắt cua.”“Làm đếch gì có cua ở bờ sông mà bắt.”“Bắt ở ngoài đồng chứ, nhưng chẳng có mới ra đây… chơi thôi.”
Bá nhấm nhẳng: “Chơi cái… đếch gì…” Hai đứa nói chuyện vu vơ rồi cùng chui vào dưới tùm cây. Khi ngồi trên một vạt cỏ, con Lựu rụt rè hỏi:“Thế… đằng ấy đi… làm cách mạng đấy hử?”“Ừ.”“Làm cách mạng có vui không?”
Bá quen miệng:”Vui cái… đếch gì…”“Đằng ấy đi mãi thôi, không chán sao?”“Chán… thế đếch nào được”Con Lựu ngập ngừng:“Thế thì đằng ấy đi để làm gì…”“Chú Thông Núi bảo là… để giải phóng nhân dân, để… đấu tranh giai cấp…”
Con Lựu hỏi:“Đấu tranh là thế nào?”
.
Nói đến đấu tranh là tai Bá thấy bừng bừng. Hình như con Lựu không hiểu mà cả Bá cũng chẳng hiểu mình nói gì. Bá chỉ nhắc lại lời chú Thông Núi. Con Lựu gác bàn chân lên đùi Bá. Cái ống quần đen kéo lên, bắp chân trắng… và cơn gió rì rào thổi nhẹ. Trong khoảnh khắc, Bá nhớ đến buổi tối khi chú Thông Núi nói tới đoạn quân đồng minh chiếm Béc-linh ở một buổi họp mà con Lựu và Bá đứng trong góc khuất… Bá nhớ tới đoạn lão Lý vén chiếc váy mụ Tình ở cạnh chuồng lợn… mà đến bấy giờ Bá mới thấy rằng nếu con Lựu cũng mặc váy như mụ Tình thì hay hơn là nó mặc quần. Đàn bà, con gái miền bắc đã mặc váy từ thời rất lâu, từ đời ông tổ “tám hoánh” nào rồi. Mãi sau, lớp trẻ lớn lên thì Bá đã thấy bọn con gái mặc quần có ống. Cái này, theo Bá hiểu thì chắc là cách mạng đã “tổ chức” cho nhân dân mặc quần để thay cho những chiếc váy. Vì thế cách mạng mới gọi nhân dân là “quần chúng.” Bá nghĩ, cuộc cách mạng ấy rất là… bất tiện. Bá từng thấy có những người đàn bà đứng đái ngay… giữa chợ. Họ đứng dạng chân tại chỗ, hai tay nắm lấy thân váy kéo rộng ra, cứ thế là đứng đái tự nhiên. Sau này, những đứa con gái mặc quần tức đám “quần chúng” bây giờ không còn được hưởng những tiện nghi như thế nữa. Lão Lý chỉ việc kéo gấu váy mụ Tình để… “đấu tranh.” Chú Thông Núi bảo, nói đến đấu tranh là phải nói tới “Phê bình.” Một lần chú phê bình chiếc váy đàn bà là cổ hủ. Con mụ mắt toét phản động nào đó phản ứng ngay: “Cha bố nó, cách mạng thì cũng chỉ ở trong váy bà mà chui ra, chứ nó ở cái lỗ nẻ nào đây….” “Quần chúng” xúm lại phê bình mụ. Từ đó mụ “câm như hến.”
.
Chú Thông Núi bảo, chú phê bình chiếc váy là cổ hủ, mụ mắt toét nào đó phản ứng lại là mụ ta phê bình sự phê bình của chú. Quần chúng tiến bộ phê bình sự phê bình của phê bình là… biện chứng. Chú bảo, luôn luôn phải có phê bình. Phê bình mới tìm ra sự thật. Biện chứng là vô địch. Chú nhấn mạnh, quần chúng bao giờ cũng sáng suốt. Lẽ phải bao giờ cũng thuộc về quần chúng. Bá không hoàn toàn đồng ý. Bá chỉ thấy rằng “quần chúng” là… rất bất tiện.
Kể đến đây thì dường như Bá có hơi ngập ngừng. Không thấy Bá nói tiếp về vụ “đấu tranh” với con Lựu ở bờ sông hôm ấy. Nguyễn Kỳ Cùng thắc mắc về chỗ… mồ hôi dầu. Bá bảo: “Ở gần háng của nó đấy.”
Nguyễn Kỳ Cùng nhắc lại: “Ở ngay trong háng?.” “Thì cũng… loanh quanh gần đó thôi… chắc là bên trên gối chân,” Bá khẳng định. “Đứa con gái nào cũng có mồ hôi dầu,” Bá nhắc lại chắc như đinh đóng cột.
Rồi Bá kết luận ngắn gọn: “Đếch… chịu được.”
.
Nguyễn Kỳ Cùng cảm thấy hình như có một cái gì đó không ổn, bởi vì khi nói tới chỗ mồ hôi dầu thì Bá phát biểu lung tung, lúc thì ở chỗ này, lúc thì ở chỗ khác…
Lần ấy, Hà Văn Bá đã dành rất nhiều thì giờ để nói cho Nguyễn Kỳ Cùng nghe về những chỗ… “nhược” của đàn bà con gái. Bài học ấy, Nguyễn Kỳ Cùng nhớ suốt đời vì nó không đem đến cho mình bất cứ một sự thành công nào về sau.
.
Hôm ấy, Hà Văn Bá lấy một cây que vẽ trên nền cái sân đất nện. Bá vừa vẽ, vừa cắt nghĩa cho Nguyễn Kỳ Cùng nghe về những chỗ… “nhược” của bọn đàn bà con gái. Nói chung, theo Bá thì đàn bà và con gái cũng không khác nhau bao nhiêu. Như con Lựu và mụ Tình, đứa thì mặc váy, đứa mặc quần vậy thôi. “Nhân dân” hay “quần chúng” thì cũng vậy cả, bọn đó rất bồng bột, cả tin và dễ… nổi hứng vặt. Và, đứa nào cũng có… mồ hôi dầu. Mồ hôi dầu thì có mùi táo Tàu và trơn như mỡ lợn, Bá khẳng định như thế. Bản vẽ của Bá trên nền đất được phóng to ra cho dễ hiểu. Bá đặt tên cho từng chỗ, từng vùng trên thân thể bọn “quần chúng,” bọn “nhân dân” mà về sau, chắc là để củng cố cho khối đoàn kết toàn dân, cách mạng gọi chung là “quần chúng nhân dân.”
.Vậy thì “quần chúng nhân dân,” nó cũng có cái chỗ nhược của nó, Bá xác quyết như vậy. Bá chỉ vào một chỗ trên bản vẽ và giải thích: “Chỗ này là chỗ làm cho nó… vui.”
Đó là vùng nách, Nguyễn Kỳ Cùng cãi: “Chỗ nách của người ta, đụng vào chỉ khiến nó phải bật cười, chứ làm sao vui được?.” “Không vui sao lại cười?”
Bá vặn lại khiến Nguyễn Kỳ Cùng không cãi được nữa. Ừ thì chỗ ấy là chỗ… vui. Bản vẽ của Hà Văn Bá mô tả những chi tiết trên thân thể “quần chúng” rất to nhưng lại rất khó hiểu. “Chỗ này là chỗ để… giải phóng.”
Bá cắt nghĩa tiếp: “Mụ Tình có thể đứng giữa chợ mà giải phóng, nhưng con Lựu thì không,” vì nó mặc quần có ống.
Bá nhấn mạnh:“Bọn ‘quần chúng’ bây giờ thiệt thòi hơn bọn ‘nhân dân’, nhưng đã gọi là cách mạng thì phải như thế, Bá khẳng định một lần nữa.
Nguyễn Kỳ Cùng phát biểu:“Giữa ‘quần chúng’ và ‘nhân dân’ đều là những thứ khó hiểu.”
Bá giảng giải:“Không khó hiểu mà chỉ… bất tiện thôi.”
Rồi Bá cao giọng:“Chỗ này đây….”
Bá chỉ cây que dựng đứng ngay trên bản vẽ: “… là chỗ có mồ hôi dầu….”
Theo cây que mà Bá chỉ, thì chỗ ấy ở… trên đầu gối khá xa. Mồ hôi dầu, theo Hà Văn Bá thì có mùi táo Tàu và trơn như mỡ lợn. Bá buông cây que và đưa cánh tay lên cao như khi hoan hô hay đả đảo trong các cuộc mít-tinh: “Táo Tầu thơm… đếch chịu được!.”
Bá còn nói nhiều lắm, nhưng bài học hôm ấy, Nguyễn Kỳ Cùng chỉ còn nhớ đến khu vực có mồ hôi dầu của “quần chúng,” và bài học này đã đi theo Nguyễn Kỳ Cùng rất lâu cùng với những thất bại của những sai lạc mà Hà Văn Bá đã chỉ dẫn…
.
Thế rồi sau bài học vỡ lòng với người bạn vong niên thuở ấy, Nguyễn Kỳ Cùng phải chia tay với Hà Văn Bá. Bá thoát ly đi theo cách mạng. Thôn xóm bỗng thêm tiêu điều. Từ ngày lão Lý ra đi, cách mạng có thêm một người chiến sĩ, nhưng thôn làng mất một con lợn giống và một tay hoạn mát tay. Từ ngày Hà Văn Bá ra đi, cách mạng có thêm một tay… lý luận, thôn làng mất đi một người liên lạc chuyên cần… và con Lựu ôm một mối nhớ thương cho riêng mình, như mụ Tình với cái bào thai trong bụng.
.
Từ đó, Nguyễn Kỳ Cùng không biết tin tức gì về lão Lý và người thanh niên tên là Hà Văn Bá. Chiến tranh cứ lan rộng dần. Tiêu thổ kháng chiến ở khắp mọi nơi. Gia đình Nguyễn Kỳ Cùng tản cư hết vùng này đến vùng khác, khiến đời sống rất khó khăn. Rồi một ngày cha mẹ Nguyễn Kỳ Cùng quyết định “hồi cư,” bỏ “vùng cách mạng” về với thành phố Nam Định xưa.
.
Sau đó, cách mạng tiến tới giai đoạn bãi bỏ quyền tư hữu để tiến lên chủ nghĩa Xã Hội, là lúc mà những cuộc đấu tố đã lan rộng tới cả thôn làng ngày xưa, nơi mà lão Lý và Hà Văn Bá ra đi. Cuộc cải cách ruộng đất tại miền quê nhỏ bé ấy dường như do chú Thông Núi chỉ đạo, lão Lý về làng với tư cách là đội trưởng cải cách, có Hà Văn Bá đi theo.
.
Nguyễn Kỳ Cùng theo gia đình bỏ chạy thục mạng vào Nam.
Những chuyện ấy, với thời gian đã thành dĩ vãng, nhưng bài học đầu đời mà Hà Văn Bá đã hướng dẫn vẫn làm Nguyễn Kỳ Cùng nhớ như in trong tâm khảm. Ở tuổi mới lớn, tại Miền Nam, Nguyễn Kỳ Cùng đã làm tan vỡ một mối tình do sự hiểu biết lầm lạc mà Hà Văn Bá đã chỉ dẫn. Chuyện ấy không nên mô tả ở đây, nhưng nó đã để lại trong tâm khảm Nguyễn Kỳ Cùng những tiếc nuối và ân hận không cùng… cho đến khi lớn khôn hơn, Nguyễn Kỳ Cùng mới phát giác ra rằng cái bản vẽ và những lờI giải thích về những chỗ nhược của bọn đàn bà con gái của Hà Văn Bá là… sai bét.
.
Thời gian hết sức là vô tình. Nguyễn Kỳ Cùng lâu lâu lại nhớ tới người bạn cũ mà hoàn cảnh đã chia lìa kẻ bắc, người nam. Lịch sử tiếp tục lật qua những trang bi đát trên quê hương. Nguyễn Kỳ Cùng bị đưa vào các trại giam của người anh em vì đã bỏ “vùng kinh tế mới” để về thành phố kiếm ăn. Lần ấy Nguyễn Kỳ Cùng bị ghép vào tội có tham gia vào một tổ chức âm mưu lật đổ chính quyền. Rồi những chuyến dời đổi, Nguyễn Kỳ Cùng qua hết trại giam này đến trại giam khác từ nam ra bắc…
Và một lần, trong một trại giam ở miền trung du, Nguyễn Kỳ Cùng gặp lại Hà Văn Bá ở một hoàn cảnh khác, rất khác ngày xưa. Người đàn ông trung niên ấy bấy giờ mang quân hàm trung tá, trông coi một trại giam với trên một ngàn tù nhân và hàng trăm binh lính, cán bộ dưới quyền.
.
Hôm ấy, Nguyễn Kỳ Cùng được gọi lên văn phòng “Ban Giám Thị.” Những vết bụi phong trần của thời gian tạm đủ xóa đi những nét thân quen của người thủ trưởng trại giam. Nguyễn Kỳ Cùng cố lục trong ký ức nhưng không thể nhớ được người đàn ông có vẻ rất quen đối diện với mình là ai. Nguyễn Kỳ Cùng được mời ngồi trên ghế và uống nước trà xanh. Đó là lần đầu tiên và duy nhất của những năm tù mà Nguyễn Kỳ Cùng được đối xử tử tế. Sau khi cạn tách trà và hút gần hết điếu thuốc lá hiệu Sông Cầu, viên thủ trưởng trại giam lên tiếng:
.“Anh Nguyễn Kỳ Cùng này…”“Vâng. Tôi nghe,” Nguyễn Kỳ Cùng trả lời như trong mọi cuộc thẩm cung mà lòng không hề cảm xúc.“Anh có nhớ tôi không?”
Nguyễn Kỳ Cùng phải lưỡng lự rất lâu để tìm kiếm trong ký ức mình:“Dạ, tôi có ngờ ngợ nhưng thật tình tôi chưa thể nhận ra được cán bộ là ai.”“Anh không nhận ra tôi cũng phải. Chính tôi cũng chẳng nhận ra anh là ai, nếu không xem lý lịch của anh…”“Vâng. Điều này thì tôi thành thực thấy mình thiếu sót qúa.”“Thời gian lâu qúa rồi, mình còn gặp nhau phải nói là còn may mắn. Tôi là Hà Văn Bá đây, người học trò ngồi cạnh anh ở lớp nhì ngày xưa….”
Như một tấm màn sân khấu mở tung. Trong khoảnh khắc, tất cả những hình bóng cũ trở về. Xóm thôn nghèo nàn. Lão Lý, mụ Tình, chú Thông Núi, con Lựu… và cả mùi mồ hôi dầu của qúa khứ…
Bất giác, Nguyễn Kỳ Cùng thốt lên:“Mùi… táo Tàu….”“Đúng, hôm qua ở Hà Nội gửi lên cho tôi vài lạng táo Tàu. Tôi nghĩ bỏ vài trái vào ấm nước trà mời anh.”“Tôi nhớ tới bản vẽ cuối cùng, trước khi anh thoát ly đi theo cách mạng. Tôi nhớ tới một loại mồ hôi dầu….”
Hà Văn Bá xua tay:“Bố láo. Bố láo tất.”“Nhưng tôi nhớ, và tôi tin điều ấy là có thật. Nhất là cái thứ mồ hôi dầu có mùi táo Tàu và trơn như mỡ lợn….”“Bố láo luôn. Tôi đã bịa ra chuyện ấy, không phải để đánh lừa anh mà chỉ muốn chứng tỏ mình là người lịch lãm.”“Nhưng tôi tin, cái ấy mới rắc rối cho tôi sau này.”
.“Lúc ấy anh còn nhỏ tuổi, tiếp thu mà không phê phán nên mới ra nông nỗi. Tôi thì chẳng có ý lừa anh nhưng dù sao thì những cái đó đều là những điều không có thật.”
Đó là một buổi gặp gỡ thú vị. Hai người bạn cũ, bây giờ ở vào những vị trí khác nhau, cùng ôn lại những tháng ngày trong qúa khứ. Rồi Nguyễn Kỳ Cùng trở lại buồng giam, gặm nhấm mãi về “những điều không có thật.”
.Sau đó không lâu, hình như Hà Văn Bá được điều đi một đơn vị khác, Nguyễn Kỳ Cùng cũng chuyển sang một trại giam mới, nghe nói sẽ được đưa về Nam. Lần gặp lại Hà Văn Bá như một vạt bèo trên sông tụ lại rồi thoắt chia tan, nhưng cũng đã giải tỏa được một điều rằng Hà Văn Bá từng xác quyết về cả những điều mà anh ta không biết chứ không có ý lừa gạt bất cứ ai. Đó là một con người có tâm địa tốt, Nguyễn Kỳ Cùng nghĩ thế.Bèo cứ hợp rồi lại tan. Những mảng bèo trên sông tan rồi lại hợp. Rồi cũng có ngày Nguyễn Kỳ Cùng ra khỏi nhà tù, sau gần mười năm qua các trại giam khắp nước.
Vậy mà, một lẫn nữa, Nguyễn Kỳ Cùng lại gặp Hà Văn Bá. Người thủ trưởng trại giam ngày xưa đã nghỉ việc vì những lý do không đâu. Hà Văn Bá lúc ấy hành nghề “phục hồi bu-gi” ở góc đường Lê Văn Tám. Không biết bằng cách nào, sau khi phải thôi việc, Hà Văn Bá lặn lội được tới thành phố Sài Gòn để kiếm ăn. Lần này thì họ nói chuyện với nhau thoải mái hơn, không còn có gì ngăn cách nữa.
.
Thành phố ấy, sau mười năm tiến lên chủ nghĩa Xã Hội, đã để lại những điêu tàn, xơ xác giống như thời “tiêu thổ kháng chiến,” giống như thời triệt hạ địa chủ, phú nông. Theo lời Hà Văn Bá nói lại thì nghe đâu lão Lý cũng vào đến tận Sài Gòn. Cách mạng không dùng lão ta nữa. Thuở ấy, những ngày đầu thoát ly khỏi làng đi theo cách mạng, con lợn giống đã lao động vượt chỉ tiêu qúa sức trong các phong trào thi đua mà chết rất sớm. Nó chết vinh quang như một anh hùng lao động ở nông trường. Con lợn giống ấy đã hy sinh. Bộ đồ nghề hoạn lợn mà lão Lý mang đi theo cách mạng chẳng bao lâu sau cũng bị bỏ xó vì ít có nơi nào còn lợn để hoạn nữa. Lão Lý bị bỏ rơi sau khi đã cống hiến hết của cải và sức lực cho cách mạng. Thời cơ đem đến cho Lão dịp may để vào nam. Lão vào Sài Gòn với nỗi uất hận con vợ trắc nết đi theo trai trước khi động phòng như sự uất ức bọn vắt chanh bỏ vỏ. Niềm tiếc thương con lợn giống như gợi lại những cảm giác cháy bỏng với mụ Tình ngày ấy bên chuồng lợn ở quê nhà. Sau này, lão Lý tâm sự rằng đã có lần lão trở lại vùng quê ấy với ý định kết nghĩa với người đàn bà nọ, nhưng mụ Tình đã chết cùng với cái bào thai sau những đợt thi đua trên những cánh đồng năm tấn. Hỏi về chú Thông Núi, Hà Văn Bá nói rằng ông ta đã chết trong tù, thời vụ án xét lại chống Đảng hồi đó.
.
Cách mạng bây giờ đổi mới.
Đó là lúc sau khi đã triệt hạ và loại trừ xong bọn đảng viên ít đáng tin cậy. Đó là lúc “đảng ta” đã đưa hết những kẻ phản động vào các trại giam. Đưa đám dân cùng khốn đến các vùng kinh tế mới. Những thành phần còn lại đến các nông trường, công trường sản xuất. Đảng noi gương người anh em, lấy tài sản của toàn xã hội, chia cho đảng viên trung thành.
.
Cách mạng chống chủ nghĩa bình quân. Người có công nhiều thì được chia nhiều, người có công ít thì được chia ít. Đó là công bằng xã hội.
Hà Văn Bá không còn đường sống. Cũng còn may, trong thời kỳ đổi mới, cán bộ đảng viên có tiền, học đòi đi xe Honda Nhật, đeo đồng hồ nhiều cửa sổ của Thụy Sĩ… mỗi chiếc xe có một cái bu-gi, chùi bu-gi cho sạch sẽ thì xe chạy tốt hơn. Hà Văn Bá treo bảng “Phục Hồi Bu-Gi.”
Bá nói: “Bu-gi thằng nào teo, Bu-gi thằng nào hỏng, Bu-gi thằng nào chết… cứ mang đến đây, ông phục hồi tuốt luốt.”
Khi con người cách mạng xông vào lãnh vực phục hồi Bu-gi thì chắc chắn là phải thành công.
.
Bươn trải một thời gian sau khi ra khỏi nhà tù, Nguyễn Kỳ Cùng cũng hết đường sống. Thỉnh thoảng đến thăm “cơ sở” Phục Hồi Bu-gi của bạn mà thấy nghẹn ngào vì Hà Văn Bá cũng khó có con đường để sống sót. Đã đến lúc Nguyễn Kỳ Cùng phải quyết định xuống thuyền vượt biên. Nhưng trước khi đi, Nguyễn Kỳ Cùng phải gặp Hà Văn Bá như một lần từ biệt. Lần ấy Bá bảo:“Hồi xưa tớ bịa ra chuyện mồ hôi dầu là chỉ có ý khoe khoang, bốc phét tí thôi, đâu dè cậu lại tin.”
Rồi Bá thủng thẳng nói:“Dẫu sao, dù cậu tin nhiều hay ít thì cái tai hại của nó cũng chỉ hạn chế trong cái phạm vi… mồ hôi dầu. Nhưng tớ đây, nghe lời Thông Núi thì tai hại hơn rất nhiều. Tôi biết, Thông Núi cũng không có ý định nói dối ai. Cuối cùng ông ấy cũng chỉ là nạn nhân, và ông ta đã rũ xương trong tù khi biết được rằng mình đã bị lừa. Đó là qủa lừa ngày xưa. Bây giờ khổ qúa rồi. Nó đang bày trò… đổi mới, tức là nó quay lại cái chỗ nó khởi hành, sau khi đã làm một qủa gọi là… cách mạng để cướp bóc sạch sẽ của mọi người. Đó là qủa lừa ngày nay.”
.
Nguyễn Kỳ Cùng nhắc lại:“Cái chỗ nhược của bọn ‘quần chúng nhân dân’ là rất bồng bột, cả tin, mau quên và dễ… nổi hứng vặt.”
Hà Văn Bá nói:“Bây giờ sau những qủa lừa, ‘quần chúng nhân dân’ tê liệt hết rồi, làm sao phục hồi lại được lòng tin?…”
Nguyễn Kỳ Cùng gợi ý:“Như… phục hồi Bu-gi !”
Hà Văn Bá bảo”“Bu-gi đã chết, phục hồi… thế đếch nào được!. Cơ sở phục hồi Bu-gi của tớ lại chỉ là… bịp bợm ở trên con đường Lê Văn Tám, tên của một thằng nhóc con… không có thật…”
.
Đinh Phụng Tiến
.

No comments:

Post a Comment