Thursday, April 30, 2009



Chuyện Kể Hành Trình Biển Đông :
Cái Chết Của Người Lính


Nếu phân loại theo giới tính của nhóm người trên chiếc ghe này, có thể nói tôi là một người đàn ông trẻ nhất trong nhóm, mặc dù lúc vượt biên tôi tròm trèm mười bốn tuổi. Hay nói cho đúng hơn nữa, có thể gọi tôi là một thằng con nít chưa hiểu sự đời. Thật sự mà nói, tôi chẳng hiểu sự đổi thay của chế độ như thế nào mà rất nhiều người bỏ nước ra đi. Với cá nhân tôi, tôi chỉ biết là tôi rất buồn khi bố mẹ gởi gắm tôi cho một người quen làm chuyến phiêu lưu này. Tôi phải bỏ quên tuổi thơ của tôi, những chiều đá banh, tắm sông, nghịch ngợm chọc phá và hái trộm xoài nhà ông Cả Đậu làng bên. Tôi chỉ có một cảm giác thích thú duy nhất là khi xuống tầu, tàu lướt sóng nhịp nhàng khi lên khi xuống mà tôi gọi là cưỡi ngựa trên biển.
Nhưng cái cảm giác thích thú này chẳng duy trì trong tôi lâu được. Hơn cả tuần vật lộn với sóng biển, giữa phong ba bão táp, ói tới mật xanh, cái sống và cái chết chỉ cận kề trong gang tấc, tôi đã nghĩ là bố mẹ tôi đem sinh mạng tôi đùa giỡn với tử thần.
Chỉ mới ngày thứ hai trên biển, chú thím Bảy - người mà bố mẹ tôi gửi gấm tôi - đã nằm la liệt trên tàu. Chẳng ai còn ngó ngàng chăm sóc đến tôi. Tôi có cảm giác lạc lõng giữa một nhóm người xa lạ. Chiếc tầu thì quá chật. Tôi lâu nay đã quen chạy nhảy, nghịch ngợm, giờ bó gối trên chiếc tầu con chật hẹp tưởng chừng như con chim bị nhốt trong lồng. Tôi chỉ có một may mắn duy nhất là tiêu chuẩn thực phẩm phân phát cho tôi đầy đủ hơn mọi người khác bởi tôi còn quá nhỏ so với những người trên tầu.
Ngày đầu tiên trên biển, cái thích thú cỡi tầu trên sông nước đã đè bẹp cái mệt nhọc, phiền muộn của tôi. Tôi reo mừng nhảy cỡn lên theo cái nhịp nhàng lướt sóng lên xuống của con tầu. Tôi đã tạm quên đám bạn bè cùng trang lứa, những ngày thả diều, đá bóng, bắt dế ... ở quê nhà. Cứ nghĩ như một cuộc du ngoạn xa. Tôi vẫn chưa ý thức được rằng sự ra đi này như đi tìm sự sống trong cái chết. Và cái lạ lẫm thú vị trong tôi đã dần mất hẳn trong hành trình của những ngày cuối cùng.
Tôi bắt đầu thấm nỗi cô đơn và sự nhớ nhung giữa gia đình. Tựa như con chim non vừa rời xa tổ ấm. Những đứa em của tôi, cu Vũ, bé Tý giờ này chắc đã ngủ yên bên mẹ. Tôi đã cảm thấy mệt mỏi và mất đi vẻ linh hoạt vốn sẵn trong tôi. Tôi chẳng còn thấy thiết tha hay thú vị trong hành trình bắt buộc này khi cơn bão ập xuống trong ngày thứ ba trên biển. Mưa tầm tã như trút nước, sấm sét giông gió và cả một khoảng trời trên biển mù mịt mây xám.
Tàu phải bỏ neo giữa biển như một chấp nhận, một chịu đựng không lối thoát. Tôi tưởng chừng như cái chết đang cận kề bên mình. Bão táp làm bầm dập tôi đến tả tơi. Ruột gan như lộn phèo và ói mửa tới cả mật xanh. Tôi ngất đi trong sự khiếp hãi kinh hồn này.
Chẳng biết bao lâu thời gian đã qua, tôi tỉnh dậy. Nắng chiều chiếu trải rộng trên tầu. Tôi nhìn quanh. Mọi người trên tầu cũng tả tơi, rách nát như tôi. Tựa như tất cả từ cõi chết trở về. Tôi đưa mắt tìm chú thím Bảy. Hai người còn nằm thiêm thiếp mê mệt. Tôi gượng dứng dậy. Nhưng sức lực dường như tiêu tán đâu hết. tay châm run rẩy và tôi lại ngã nhào xuống.
Tôi ngã vào vòng tay một người đàn ông. Anh ta chụp lấy tôi và dìu tôi ngồi xuống sàn. Ánh mắt và nụ cười đầy vẻ thân thiện. Tôi nhìn lại anh ta chỉ hơn tôi độ mười mấy tuổi. Làn da rám nắng. Khuôn mặt dày dạn nét phong trần. Tôi như có cảm giác an ủi và đỡ lạc lõng. Tôi đã có người để làm bạn, chuyện trò. Rồi từ hôm ấy, tôi thường xuyên lân la bên cạnh anh ở trên tầu.
Tầu của chúng tôi đã lênh đênh trên biển sang ngày thứ bảy. Trận bão đi qua đã làm thiệt hại nặng nề con tầu. Máy hư, bánh lái gẫy. Tàu hết phương cứu chữa, chỉ còn theo sức gió trôi dạt. Thức ăn đã dần dần vơi và nước uống thì gần cạn. Mỗi người trên tầu bây giờ phải ăn cháo thật lỏng thay cơm và chỉ uống được một ngụm nhỏ nước mỗi ngày.
Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng có lúc cái đói và cơn khát hành hạ tôi như lúc này. Tôi đang sức lớn mà tiêu chuẩn ăn chỉ vừa nhét đủ kẽ răng và nước uống thì chưa đủ thấm giọng. Đêm ngủ lại trăn trở theo tiếng reo của bao tử, tôi tưởng chừng như điên lên được. May mà có người anh tôi mới quen trên tầu, mà trong thân mật tôi quen gọi anh là anh cả. Anh tìm cách xin thêm phần ăn và nước uống cho tôi. Lắm khi thấy tôi quá đói, anh còn nhường luôn phần ăn của anh cho tôi nữa. Bây giờ nghĩ lại tôi vẫn còn thấy thẹn thùng trong lòng. Bởi những lần như vậy tôi chưa bao giờ biết từ chối. Tuổi tôi còn quá nhỏ, tôi chưa cảm nhận được cái hy sinh của người khác dành cho mình.
Qua đi sóng gió bắt đầu cơn nắng cháy cả da. Mọi người chúng tôi được lên hết trên khoang để hưởng chút gió mát của biển. Tôi vẫn lân la theo bên cạnh anh. Anh thường đặt đầu tôi nằm trên đùi anh và kể chuyện của anh cho tôi nghe. Chuyện đời lính. Những lần đụng trận trên chiến trường. Những sự chia sẻ hy sinh của đồng đội. Tôi thấy mắt anh rực lửa và đanh lại. Rồi lần bỏ trận chiến chạy về phố thị Pleiku tìm người thân trong lửa đạn, vợ con anh đã thất lạc phương nào. Anh đã rong ruổi hàng bao năm để tìm tin tức nhưng vẫn hoài công. Nhìn gương mặt anh, nét chua xót ngậm ngùi trong tròng mắt cho tôi cảm nhận được cái đau đớn trong lòng anh. Cũng nhờ những câu chuyện ấy của anh đã đánh lừa ảo giác cho tôi vơi bớt cơn đói khát đang hành hạ.
Ngày thứ mười trôi qua. Mọi người trên tầu gần như kiệt sức. Con tầu vẫn bồng bềnh trên nước chạy theo sức gió đẩy đưa. Chẳng còn biết số mạng mình đang đi về đâu. Chỉ còn chờ đợi một may mắn nào đó xảy đến. Tôi thầm phục ý chí của anh cả. Anh vẫn tìm cách an ủi giúp đỡ mọi người. Rồi sang ngày thứ mười hai. Có vài người trên ghe đã kiệt sức không chịu đựng nổi đã bị chết. Cuối cùng một đời người không được trở về lòng đất mà phải đành gởi thây xuống biển cả.
Bây giờ thì tôi đã thực sự kinh hoàng. Sự sợ hãi đã đi theo cả trong giấc ngủ. Tôi không ngớt mê sảng, cứ mơ thấy bố mẹ và các em tôi. Họ đang vẫy tay gọi tôi. Tôi lơ lửng bay theo mà chẳng thể nào bắt kịp. Anh cả vẫn bên cạnh tôi, mớm cho tôi từng thìa cháo, từng muổng nước.Tôi đã đến giai đoạn không còn cảm nhận sự đói khát nữa, mà chỉ còn mong cho sự chết đến sớm như là một giải thoát còn hơn cứ mãi như thế này.
Chưa hết tai ương này lại đến tai ương khác. Nhưng có lẽ cái tai ương cuối cùng này đã kết thúc cái sự không may mắn của chúng tôi.
... Giữa lúc mọi người hoàn toàn tuyệt vọng thì có tiếng ghe máy tiến lại gần. Như được uống thuốc hồi sinh, mọi người cùng bật dậy. Kể cả tôi. Đến lúc đủ tỉnh táo để nhìn mọi vật chung quanh thì tôi đã suýt rú lên vì sợ hãi. Anh cả đã ôm choàng tôi lại và vỗ nhẹ vào vai trấn an tôi. Tôi nhìn thấy khoảng chừng năm tên cầm giáo mác, mã tấu đang đứng chung quanh trên tầu.
Những khuôn mặt dữ dằn đến ghê sợ. Bọn chúng đang hò hét và ra dấu cho mọi người tháo nữ trang, tiền bạc giao nộp cho chúng. Chúng còn lục soát từng hang hốc, ngõ kẹt quanh tầu. Lúc này chẳng còn ai đủ sức lực để phản kháng. Cho đến khi chẳng còn tìm thấy được gì thêm chúng quan sát một lượt quanh tầu. Tầm nhìn của chúng chiếu vào hai cô gái chỉ hơn tôi độ mấy tuổi đang sợ hãi nép vào lòng mẹ. Chúng tiến đến và nâng mặt hai cô lên. Đầu tóc rũ rượi. Khuôn mặt còn đọng nét kinh hoàng. Nhìn hai cô gái đang sụp lạy như tế sao, chúng cười lên ha hả.
Cuối cùng chúng lôi hai cô gái đứng dậy như chuẩn bị đưa xuống tầu của chúng. Hai người mẹ sợ hãi nhưng vì tình thương con đã nhào tới ghì tay chúng. Có lẽ sợ mất thời gian, tên đứng cạnh tiện tay vung nhát mã tấu lên. Mọi người kinh hoàng đồng kêu rú lên. Nhát mã tấu ngọt xớt hớt một mảng trên đầu người đàn bà. Máu bắn lên có vòi. Người đàn bà gục xuống chẳng kịp kêu lên một tiếng nào.
Tôi run cầm cập trong vòng tay anh cả. Hình như tôi cảm thấy anh cùng độ rung như tôi. Tôi ngước nhìn anh. Khuôn mặt anh đanh lại và rực lửa. Tôi thấy lại lần thứ hai như lần anh kể chuyện lúc trạm trán trước quân thù. Nhưng lần này trước đám cướp biển, nhìn gương mặt anh như vậy tôi có linh cảm không may lẫn khiếp sợ thực sự.
Đúng như tôi dự đoán, khi nhìn người đàn bà giẫy giụa trước lúc xuôi tay, anh đẩy tôi ra khỏi lòng và bật dậy như chiếc lò xo. Anh lao đến bọn chúng và thuận tay giật được chiếc mã tấu trên tay đứa đứng gần nhất. Anh vung đao chém loạn xạ vào bọn chúng. Tôi cũng không tưởng tượng được đột nhiên anh lại khoẻ mạnh đến như vậy. Hai tên đứng bên cạnh anh không dự trù được trước phản ứng đột ngột của anh, lãnh trúng hai nhát vào đầu ngã nhào xuống biển. Ba tên còn lại buông tay hai cô gái và sửng sốt lùi lại thủ thế đứng nhìn anh.
Lúc này anh cũng đã dừng tay lại và cắm thanh mã tấu xuống sàn tầu vịn tay thở dốc. Tôi biết rằng sức lực anh đã kiệt. Những ngày chịu đói khát trên biển đã bào mòn sức lực anh. Cái căm hận trước bạo lực chỉ là một chút kích thích ngắn hạn tăng sức mạnh cho anh trong những nhát dao đầu tiên mà anh đã trút hết trên hai tên cướp biển. Bây giờ sức lực anh đã tiêu tán hết.
Có lẽ ba tên cướp biển đã nhìn thấy điều đó. Nhưng chúng cũng còn dè dặt và từ từ thủ thế tiến lại. Anh cũng run run rút thanh mã tấu lên cầm lại trên tay. Tên cướp đi đầu dừng lại một tích tắc rồi vung dao nhắm vào đầu anh chém tới. Anh ngã người ra sau né tránh. Vừa vặn lúc đó, có âm thanh của ghe máy nổ cách không xa lắm đang xé nước lao tới.
Bọn cướp nhìn thấy và biết không còn đủ thời gian để trả đũa, nhưng trước khi nhảy xuống tầu bỏ chạy, chúng còn cố ném vụt những chiếc mã tấu vào người anh. Có một chiếc cắm phập vào ngay giữa ngực anh. Máu tuôn xối xả và anh đã ngã quị xuống sàn tầu.
Chiếc tầu tuần dương của cảnh sát Thái Lan vừa đến kịp đã cứu chúng tôi nhưng không cứu sống được anh. Vết thương gần ngay giữa tim ra quá nhiều máu. Tôi nắm chặt tay anh và nhìn anh thoi thóp thở. Lần đầu tiên trong đời có lẽ đây là lần tôi biết cảm nhận cái đau đớn và biết khóc thật sự. Tôi muốn nói với anh thật nhiều điều những suy nghĩ của tôi dành cho anh. Nhưng tôi chỉ biết uất nghẹn. Anh đã tắt thở trước khi vào đến đất liền. Cái cuối cùng tôi còn được nhìn thấy ở anh là cái xiết tay nhẹ và nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt anh trước khi nhắm mắt.
Ngôi mộ anh được chôn trên đồi phía sau hàng rào của trại dành cho những người tị nạn. Ở nơi đây cũng có những ngôi mộ nằm san sát với nhau. Những xác người vượt biên trên biển trôi dạt vào đất liền.
Tôi đã được nhận đi định cư ở Mỹ bởi tôi thuộc diện trẻ em dưới tuổi thành niên. Những ngày nằm đợi lên đường, nhớ anh tôi thường thích thơ thẩn ra thăm mộ. Tôi thích hái những hoa tím dại trên đồi đặt lên mộ anh như một ngậm ngùi, thương tưởng.
Đã gần hai mươi năm qua. Tôi bây giờ đã thực sự trưởng thành. Chuyện vượt biển của ngày xưa chừng như nhạt nhòa. Duy chỉ còn hình ảnh của anh đọng mãi trong ký ức. Tôi có thể trả lời cho tôi được một điều đã ấp ủ mãi trong lòng. Cái giá của sự tự do mà mọi người phải đem sinh mạng mình thi gan cùng biển cả. Và với riêng cá nhân anh cả anh không nằm xuống trên chiến trường, nhưng anh đã trọn cái hy sinh đúng nghĩa cho đồng đội là những người vượt biển trên tàu, kể cả hai cô gái bé bỏng trước móng vuốt hung dữ của hải tặc.
Tôi chỉ có mỗi một ân hận duy nhất là chưa được biết tên anh. Hình ảnh anh trong tôi là một anh hùng vô danh không tên tuổi. Cuối cùng tôi đã nghiệm ra ở anh một điều mà cho đền cuối đời chưa chắc tôi đã làm được : Đời sống thì ngắn ngủi. Duy những điều có ý nghĩa để lại cho đời mới thật sự bất tậm. Phải vậy không anh ?
Nguyễn Thanh Phong

ÁO TRẮNG NGUYỄN HOÀNG
( Viết cho Quảng Trị trong mùa Tháng Tư Đen )\



Mỗi lần Tháng Tư trở lại hay bất kỳ lúc nào trong năm, nếu cứ thấy con số 30-4 là lòng tôi lại xốn xang, ray rứt. Hồi ức về những ngày cuối cùng của Miền nam, và trước đó của Mùa Hè Đỏ Lửa, của Tết Mậu Thân, lại dồn dập trở về trong tâm tưởng, sống động như mới xẩy ra ngày hôm qua, với tất cả những nỗi lo sợ, hoang mang, hy vọng rồi tuyệt vọng, uất ức và buồn tủi.
(Trường Trung học Nguyễn Hoàng 1968)
Tháng Ba vừa rồi, tôi được một người bạn cũ từ thời học Đệ Tứ tại trường Trung Học Nguyễn Hoàng niên khóa 1954-55 gửi cho mấy bài thơ liên quan tới một tà áo trắng của một cựu nữ sinh trường này, khiến tôi nhớ tới tỉnh địa đầu nghèo khó và tang thương này vô kể và thôi thúc tôi ghi lại những hồi ức về nơi mà tôi đã sống một thời gian hạnh phúc nhất của thời mới lớn.

Trước khi nói về mấy bài thơ đã ra đời trong tường hợp nào, tôi xin được phép viết về Quảng trị - đặc biệt là trường Nguyễn Hoàng - thành phố đầu tiên tôi tới ở sau khi di cư vào Nam. Thời gian sống ở đây không lâu, nhưng đúng lúc tôi đang tuổi lớn và bắt đầu biết suy nghĩ, nên đã góp tạo nêøn tâm thức tôi, ảnh hưởng tới tôi suốt đời sau này.

(Giáo sư Thái Mộng HÙng)

Lần cuối cùng tôi về thăm Quảng Trị cách đây đã gần năm mươi năm, nên những hồi ức chắc chắn có những chi tiết thiếu chính xác, và dĩ nhiên là rất chủ quan. Do đó, Quảng Trị ở đây không phải là một Quảng Trị có thật, nhưng là một Quảng Trị rất sống động và vô cùng thân thiết của tôi. 20-7-54 : Đất nước bị chia đôi.
Tháng 9 năm đó, ba tôi được sự vụ lệnh thuyên chuyển về Ty Tiểu Học Quảng Trị. Đúng đêm Rằm Tháng Tám , chúng tôi tới Quảng Trị. Cuộc sống gia đình tôi lại trở về nếp cũ. Ba tôi đi làm, mợ tôi tiếp tục đóng vai nội tướng, anh lớn tôi vô Huế học nốt trung học tại trường Khải Định, cũng như khi còn ở ngoài Bắc, anh tôi đi học ở Hà Nội còn gia đình tôi ở Hải Phòng. Tôi được vào học lớp Đệ Tứ trường Trung Học Nguyễn Hoàng, lớp cao nhất của trường thời ấy.
Trường Nguyễn Hoàng cũ thời đó nằm đối diện Đình Thạch Hãn, sát bờ sông Thạch Hãn, cheo chéo bên kia sông xa tít là Làng Ái Tử, nơi năm xưa Chúa Nguyễn đã có thời đóng quân. Ngược dòng sông về phiá tây tận đầu tỉnh, cây cầu sắt độc nhất bắc qua sông dành riêng cho đường xe lửa ra Đông Hà. Giống như những con sông khác ở miền Trung, sông Thạch Hãn không sâu, trừ vài chỗ sát bờ bị lở, còn bên bồi về phía tả ngạn thì thoai thoải. Về mùa khô, lòng sông cạn, nổi lên nào bãi nào cồn. Một trong những cái thú của tôi thời đó là bơi qua cồøn ở giữa sông khi nước cạn, lượm chem chẽm nằm ngổn ngang trên bãi hay dưới một lớp cát mỏng, đem về nấu cháo ăn thoả thích. Nhưng tới mùa lũ khi nước nguồn đổ về thì Thạch Hãn thật hùng vĩ và hoang dại.


Mỗi lần ra đứng bên dòng sông nhìn nước cuồn cuộn chẩy về phía Triệu Phong, là y như tôi lại cảm thấy sợ hãi không đâu. Lúc đó lòng sông nhìn xa mút tầm mắt, làng Ái Tử chỉ còn nhỏ xíu và trông như ngâm mình dưới nước. Nước chẩy thật xiết thành nhiều dòng song song hoặc xuyên chéo nhau, với những thân cây to lớn lao đi vùn vụt, tới những chỗ lõm của bờ sông thì quay vòng vòng trước khi tiếp tục phóng mình về xuôi. Tuy mãnh liệt như vậy nhưng dòng sông không ồn ào như mấy con thác nhỏ.
Nếu rời bờ sông bước qua phía bên kia đường, đứng sát hàng rào Tòa Tỉnh Trưởng, bạn có cảm tưởng dòng sông thật êm đềm. Sau này lớn lên, mỗi lần yêu một người con gái nào, hình như tôi cũng có làm được một bài mà tôi gọi là thơ. Một trong những bài đó, viết cho một cuộc tình tưởng là vĩ đại nhưng cũng chẳng đi tới đâu cả, khi viết mấy câu chót, tôi đã nhớ tới dòng sông thời trẻ dại:


Xin gửi cả cho em
Những tiếng gọi thầm thì
Tự trong lồng ngực mệt
Mảnh hình hài đã hằn dấu vết
Nhưng không dám một lần
Gọi nhỏ
Bằng tên.
Xin gửi cả cho em
Nỗi câm nín
Của Dòng Sông
Tháng Chín.
Thạch Hãn. Tháng Chín .
Mùa lũ.

Bạn hãy đi dọc theo bờ sông về phía Chùa Phật Học để cảm thấy cái cuồng nộ câm nín của Dòng Sông Tháng Chín. Cũng trên con đường bờ sông này,một buổi sớm kia tôi đã chứng kiến buổi lễ xuất phát của tiểu đoàn lính đóng tại Tiểu khu, ly khai lên Ba Lòng lập chiến khu. Tôi chỉ hơi thắc mắc không hiểu sao lính Quốc Gia lại đi lập chiến khu. Mấy ngày sau các bạn tôi bàn tán xôn xao về các tin đồn liên quan tới những hình phạt mà những người lính này dành cho những người muốn đào ngũ hay bị nghi là nội gián cho chính phủ. Bọn tôi còn nhỏ, chỉ thích được nghỉ và nghe chuyện giật gân, náo nức đó rồi cũng mau quên, vài bữa sau coi như không còn nhớ gì nữa.

Trường Nguyễn Hoàng cũ nằm ngay trong tỉnh, gần bờ sông, chứ không phải ngôi trường lớn hai tầng được xây sau này ở ngoài đầu tỉnh, gần Quốc Lộ 1 đi về hướng Huế. Trường tôi chỉ gồm có hai dãy nhà trệt xếp theo hình chữ L, giữa sân có cột cờ, chung quang trường có hàng rào kẽm gai sơ sài. Lớp tôi nằm sát Phòng Giáo Sư và văn phòng thầy Hiệu Trưởng. Không hiểu nhà trường xắp lớp tôi gần văn phòng là vì ít ồn ào hơn mấy chú Đệ Thất hay là để tiện " đáp ứng khẩn cấp."

Thầy cô chúng tôi thuộc hai thế hệ rõ ràng. Thế hệ trung niên gồm thầy hiệu trưởng Tôn Thất Dương Kỳ dạy sử địa, thầy Lê Đình Ngân dạy Pháp văn, thầy Thái Mộng Hùng dạy Việt văn. Thầy Hùng sau này lên làm hiệu trưởng. Thế hệ thanh niên gồm hai cô vừa đậu xong Tú tài 2 ở Huế, cô Bích dạy lý hóa và vạn vật, cô Xuân dạy toán. Thầy Chương mới đậu Tú tài 1 ở Hà Nội, di cư cùng với gia đình tôi. Vì không còn môn nào khác nên thầy phải dạy môn Anh văn, môn sinh ngữ phụ của thầy hồi đi học. Anh văn của thầy vốn liếng ở mấy cuốn Anglais Vivant, nay phải dạy dịch Anh-Việt,Việt-Anh. Vì thuê nhà ở chung và hai gia đình thân nhau nên thầy coi tôi như em, cứ tới ngày phải đi dạy là thầy than khổ. Cũng may thầy có một cuốn bửu bối về luyện dịch mà tôi không nhớ của tác giả nào, nên xài dần cũng đủ hết niên học. Thời giờ tôi học với thầy thì ít, mà ngồi nghe thầy chơi đàn guitare Hạ Uy Di thật mùi, đi câu hay bơi qua cồn bắt chem chẽm về nấu cháo, thì nhiều.

Bạn bè trong lớp theo tuổi tác cũng có thể chia thành ba nhóm : bọn tôi thuộc loại nhỏ nhất, nhóm đông nhất trên chúng tôi hai ba tuổi, nhóm trưởng lão chỉ có hai ba anh, tuổi bằng hoặc hơn cả mấy thầy cô thanh niên. Anh lớn nhất vừa to vừa cao, sống ở nhà quê. Nghe nó anh đã có vợ con, bọn này hỏi, anh chỉ cười. Vì đã lớn tuổi nên anh học rất "gạo", chắc để bù lại thời gian sống ngoài hậu phương không được học liên tục. Bài tập toán lý hóa đem về nhà làm, giải không được là chúng tôi chạy lại anh, bảo đảm là mọi việc đều xong cả.

Sau này anh lên đại học, chọn ngành Sư phạm. Mấy chục năm không gặp nhau, khi gặp lại là vào giữa thập niên 80, khi tôi đi xem đá bóng tại sân Cộng Hòa Saigon. Có vé mà phải chen vô cổng mệt gần chết, lúc vào được trong sân đang đứng thở thì thấy anh.

Trông anh khắc khổ hơn, tôi thấy ngài ngại vì anh đội nón, áo bỏ ngoài quần và đi guốc. Anh cho biết đang làm "giám hiệu" một trường trung học "mũi nhọn" ở thành phố.

Một anh lớn khác nữa là anh Ngại. Nhớ tới anh tôi vẫn cảm thấy bùi ngùi. Anh đi theo kháng chiến cho tới hết chiến tranh, nhưng không tập kết ra Bắc. Anh về nhà, đi học lại. Khi đó anh lớn hơn tôi tới gần chục tuổi, người gầy yếu, môi thâm, da và mắt vàng vì bệnh số rét kinh niên. Anh hay kể cho tôi nghe những ngày ở hậu phương, về các văn nghệ sĩ bạn bè của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ và phản ứng của họ khi người nhạc sĩ này bỏ về thành.

Anh kể cho tôi nghe rất nhiều về nhạc sĩ Hoàng Nguyên, sau này nổi tiếng ở miền Nam với những bài ca sặc mùi "Lãng mạn tiểu tư sản." Thầy Hùng dạy tôi Việt văn, cũng kể cho tôi nghe về nhạc sĩ này khi anh về thành và đi học lại ở Huế. Tuy học cùng lớp nhưng khả năng Việt văn của anh đáng bậc thầy, ngoài giờ học anh thường giảng bài cho các bạn học, nhất là mấy chị. Nhạc sĩ tài hoa này mất rấùt trẻû khi anh là sĩ quan QLVNCH. Trong một lần đi công tác ở Miền Tây, anh đã tử nạn khi chiếc xe jeep của anh bị lật. Dĩ nhiên những gì anh Ngại kể cho tôi nghe về nhạc sĩ Hoàng Nguyên phải là từ trước năm 1954. Anh dạy tôi mấy bài hát của cố nhạc sĩ này, đến bây giờ tôi vẫn còn thuộc gần hết.

Những bài hát này rất hay, và lắm lúc tôi tự hỏi không biết có ai khác còn nhớ hay biết không. Nhừng bài hát phơi phới tuổi thanh niên, tha thiết tình quê hương, xa gia đình đi cứu nước. Những bài hát này làm ở ngoài Khu nên dĩ nhiên không thích hợp để được phổ biến ở miền nam.Sau này nghĩ lại, tôi thấy việc nhạc sĩ Hoàng Nguyên trở về thành là điều cũng dễ hiểu. Bản chất thông minh, đôn hậu và giầu tình cảm buộc anh phải lựa chọn. Nếu ở lại chiến khu rồi tập kết ra Bắc, chắc chẳng bao giờ anh có thể viết ra

" Ôi, mầu hoa đào, mầu hoa đào,
chiều xuân nào.
Ôi, mầu hoa đào, mầu môi hồng người mình yêu."
Xa xóm làng quê hương
Lưu luyến chiều bên đường
Nhớ thương hoài vương vương.

..............................................Anh đi cho lúa xanh mầu
Cho khoai bén ngọn
Cho giàn bầu thêm hoa
...........................................Đây dốc ngược Cầu Nhi
Đây bến đò Ba Lòng
Tiếng ai hò trên dòng.

Niên học sau, bọn tôi kéo nhau vô Huế học tiếp Trung học đệ nhị cấp ở Trường Khải Định, sau là trường Quốc Học Ngô Đình Diệm, cuối cùng là trường Quốc Học. Tết năm đó tôi về Quảng trị ăn Tết, ba tôi nói có người tên Ngại tới Ty Tiểu Học xin dạy, và có nhắc tới thời gian học cùng với tôi. Ba tôi hỏi bạn cùng lớp mà sao lớn tuổi vậy. Thời gian sau đó tôi không gặp lại anh, và năm sau nữa khi về Quảng Trị nghỉ hè, tôi được một chị bạn học cũ tới rủ đi viếng Ngại, vì hôm đó là ngày mở cửa mả của anh! Làng anh là nơi bưng biền với những mái tranh nghèo nằm tản mát bên những bụi cây, đụn cát, giới hạn bơi những cây bần mọc bao quanh vùng sình lầy. Tuy gần Diên Sanh nhưng anh nói trong suốt thời chiến tranh, lính Pháp rất ít khi tới vùng này. Thăm mộ anh xong chúng tôi được chị anh mời về nhà.

Căn nhà ba gian trống trải, gian giữa là bàn thờ, ảnh trên bàn thờ nhiều hơn ảnh treo ở những chỗ khác trong nhà. Chị mở lồng bàn đậy chiếc mâm gỗ đặt trên một cái bàn mộc kê trước bàn thờ. Trên mâm là một điã xôi đậu phọng và dăm đĩa nhỏ bầy thịt, tim gan heo. Chị mời chúng tôi ngồi vào bàn và nói :Chả mấy khi, mời mấy em thời (ăn ) cho vui. Tôi mủi lòng vì vẻ mộc mạc chất phác của chị. Ở vùng đất toàn cát đá này không biết người dân làm gì để mưu sinh. Những điã thịt kia chắc chắn chỉ xuất hiện trong những dịp quan hôn tang tế. Vì quanh năm lo đói, nên cứ có ăn là vui rồi. Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội, nên ngôn ngữ cũng phản ánh xã hội. Tôi không biết ở ngoài Bắc, nhất là ở thôn quê, người ta còn chào nhau bằng cách hỏi, " Bác đã ăn cơm chưa? " hay không.


Hình ảnh của chị làm tôi nhớ tới những người đàn bà ở vùng Gio Linh. Hè 1955, tôi và mấy người bạn đi cắm trại ở vùng gần giới tuyến này. Tuy vùng này đất đỏ phì nhiêu nhung tôi chỉ thấy có khoai với sắn. Đêm nằm trong lều thỉnh thoảng nghe tiếng trẻ con khóc. Sáng ra chỉ thấy những người đàn bà và người già cặm cụi làm việc trên nương rẫy. Đàn ông thanh niên đi đâu hết? Không còn là thời mà tôi có thể gặp được " Bà Mẹ Gio Linh " , nhưng vẫn còn là lúc mà tôi nghe được " Tiếng o nghèo thở dài, vỗ về trẻ thơ bùi ngùi."


Tôi muốn được ở đây cảm ơn nhạc sĩ Phạm Duy đã gieo những hạt giống tình yêu quê hương vào tâm hồn tôi từ trước năm 54 qua những bài Nương Chiều, Về Miền Trung, Tình Ca, Quê Nghèo ...

Thời cuộc đã đưa đẩy tôi tới sống ở vùng này, và cho tôi cơ may được rung động với nhừng cái đã từng làm người nhạc sĩ xúc động và viết ra được một số bài hát bất hủ. Lúc đó là thời vàng son của chúng tôi. Hòa bình. An ninh tuyệt đối. Về mùa nắng, hầu như cuối tuần nào chúng tôi tổ chức đi chơi hoặc đi cắm trại. Mọi thứ cần thiết chất đầy lên ba-lô rồi cả bọn nhẩy lên xe đạp. Chúng tôi về làng của một người bạn nào đó, hoặc chọn một địa điểm nào đẹp có đồi núi, hoặc bờ biển, để cắm trại, như La Vang, Đông Hà, Gio Linh, Cửa Việt...

Sau này,cùng với cổ thành Quảng trị, một vài chỗ kể trên đã là địa danh của những trận đánh long trời lở đất. Có lần chúng tôi cắm trại trên đồi sim còn ngang dọc những giao thông hào ở La Vang. Đêm tối đen nhưng trời đầy sao, nhìn về phía Quảng trị là cả một vùng sáng. Tôi không thể không nhớ tới câu hát " làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói, có những cánh đồng cát dài, có lũy tre còm tả tơi."

Cửa Việt với bãi cát vàng chạy mút tầm mắt. Tiếng sóng biển rì rầm hoà với tiếng phi lao reo vi vu. Hè thì nóng khủng khiếp, nhất là vào lúc có gió Lào. Quê của Đặng Hữu Xứng ỏ đây. Một lần vào muà hè tôi đã ra Cưả Việt ở lại nhà Xứng mấy ngày. Giường phản, cửa vách nhà anh dù làm bằng gỗ mít cũng cong lên vì nóng. Đêm đến gần về sáng chúng tôi mới chợp mắt được một chút. Ai có thể ngờ được là hai mươi năm sau, chính Xứng đã chỉ huy một thiết đoàn, lái M48 quần thảo với T54 cuả Bắc quân ngay trên quê hương mình. Không biết hiện giờ Xứng ở đâu. Lần cuối cùng chúng tôi gặp lại nhau là ở Saigon sau năm 75. Anh là người bạn độc nhất mà tôi biết đã không chịu trình diện học tập cải tạo hoặc là đã trốn trại.


Trong đám học sinh Nguyễn Hoàng là bạn bè của em tôi sau này, có một " nhân vật" rất nổi tiếng. Người to cao, giọng khàn khàn, La Cao, trong thời kỳ đất nước sôi bỏng nhất, đeo lon Trung úy Biệt Kích 81. Tại mặt trận An Lộc,Việt Cộng đã treo giải cái đầu anh hai triệu đồng. Lực lượng anh cũng được phái tới giành lại thành phố Quảng Trị, tiêu diệt hết những tên cố thủ trong cổ thành mà bom laser cũng không làm gì nổi. Sau cái ngày thành phố hoang tàn này hoàn toàn do ta làm chủ và chúng ta hân hoan hát câu " Cờ bay, cờ bay oai hùng trên thành phố thân yêu " một thời gian, La Cao có ghé thăm gia đình tôi tại Saigon. Cao nói với ba tôi: -Thưa cậu, không còn một ngôi nhà nào đứng vững ở Quảng trị. Con nhìn mãi mới nhận ra chỗ trước đây là tiệm thuốc tây Trần Hưng Đạo của cậu ở đầu chợ Quang Trị. Từ đó, con có thể trông thấy một phần còn lại của trường Nguyễn Hoàng ở ngoài đầu tỉnh. Sau này, trong thời gian học tập cải tạo, nghe kể anh có đánh nhau cả với quản giáo. Hiện giờ La Cao đã định cư ở Hoa kỳ theo diện H.O.

Bạn học thân nhất với tôi thời đó là Thái Tăng Huy. Anh là em thầy Hùng dạy tôi Việt văn. Ba anh và ba tôi cùng làm việc tại ty Tiểu Học. Mỗi tháng chúng tôi phải làm hai bài luận, và Huy đã cho tôi một niềm vui đặc biệt là bí mật cho tôi biết điểm trước khi thầy trả lại bài. Huy không thuộc nhóm bạn đi trại với tôi, nhưng chúng tôi lại có một cái thú khác là mấy ngày trước Tết, hai chúng tôi đạp xe về quê anh ở quận Cam Lộ, ở lại đó một ngày một đêm rồi mới trở về thành phố ăn tết. Chúng tôi thường lên đường từ sáng sớm. Đạp một lèo tới Đông Hà, quê của nhạc sĩ Hoàng Nguyên, rồi mới nghỉ chân. Thị trấn toàn gió với cát này chỉ có vài dãy nhà nằm bên Quốc Lộ 1 và Đường Số 9 chạy ngược lên phiá Khai Sanh và Lao Bảo rồi qua Lào. Mùa hè gió Lào nóng như hun ào ào thổi xuống, làm đá chạy cát bay mù mịt trên mặt lộ.


Vì đi vào dịp cuối năm nên dễ chịu hơn nhiều. Nghỉ ngơi ít phút xong, chúng tôi tiếp tục lên đường. Lần này đi theo Đường Số 9 và khoảng gần trưa thì chúng tôi tới Cam Lộ. Trong ký ức tôi, nơi này không có gì đặc biệt. Mật khu Ba Lòng ở gần đó nhưng chúng tôi đã oải quá nên không bao giờ nghĩ tới chuyện đạp thêm một chặng đường nữa để tới thăm. Bù lại, H. dẫn tôi tới một điạ danh nổi tiếng là Tân Sở, nơi vua Hàm Nghi tới lập Chiến Khu chống Pháp. Di tích còn lại là một đoạn tường thấp mà người ta bảo là một phần của chiến lũy, nằm ẩn mình trong đám bụi rậm và cây rừng. Nhìn quang cảnh điêu tàn và nhớ lại hình ảnh quắc thước của vua Hàm Nghi trong cuốùn Việt-nam Sử Lược, tôi thấy bùi ngùi đồng thời lấy làm hãnh diện vì tiền nhân, vì nước mà hy sinh cả ngai vàng, chịu sống kiếp lưu đầy. Cam Lộ ngày đã buồn, đêm lại càng buồn hơn. Cơm nước xong, sau khi lên đèn là cửa đóng then cài, đề phòng " ôøng kễnh " về làng bất tử. Bọn tôi dân thành phố nên không được đi theo mấy người đi săn đêm, sợ làm vướng cẳng. Thay vào đó, sáng sớm ra là chúng tôi đã náo nức đi xem thú rừng săn được. Có lần được rờ bộ lông óng mượt của một chúa sơn lâm to bằng con bê lớn, dĩ nhiên là đã chết từ đêm hôm trước..


Học xong trung học,tôi vào Saigon học tiếp và ít liên lạc với Huy. Tới đầu thập niên 70 tôi mới gặp lại anh. Lúc đó hai đứa cùng đi dạy học và đã có gia đình đùm đề. Rồi tới tháng 4-75, Huy thoát được qua Mỹ, còn tôi kẹt lại thêm 14 năm nữa mới được trở thành "khúc ruột ngoài ngàn dặm."


Thế rồi chúng tôi liên lạc lại được với nhau. Trong dịp Tết vừa rồi, qua điện thoại Huy đã đọc cho tôi nghe mấy bài thơ liên quan tới Quảng Trị. Tôi thật xúc động vì chúng không những gợi cho tôi bao nhiêu kỷ niệm êm đềm về thành phố này, mà còn khơi lại bao nỗi xót xa khi nghĩ tới cảnh tàn phá mà đất nước đã hứng chịu. Tới Tháng 4 thì tôi cảm thấy càng bị thôi thúc phải viết một chút về những kỷ niệm xưa và ghi lại mấy bài thơ thật đẹp và buồn về phần đất này. Tôi điện thoại hỏi xin và được Huy chuyển cho qua điện thư.


Năm 1999, thầy Hùng nhận được thư của một đồng hương chưa quen là Nguyễn Hữu Kiểm. Anh Kiểm, nhân một chuyến đi mua nông sản ở vùng quê Bà Rịa, đi ngang qua một khu vườn, tình cờ trông thấy một tà áo trắng phơi trước sân nhà ai. Lại gần, anh nhận ra đó là áo dài trắng đồng phục có khâu bảng tên của một nữ sinh trường Nguyễn Hoàng ngày xưa.

Chủ nhân chiếc áo này đã là một phụ nữ trung niên nghèo khó. Anh bàng hoàng, vì tuy lam lũ trong công việc ruộng rẫy, sau bao năm gian khổ, người phụ nữ vẫn còn lưu luyến một thời áo trắng. Xúc cảnh sinh tình, trên đường đạp xe về nhà, anh đã hoàn thành bài thơ dưới đây.

Áo Trắng Nguyễn Hoàng
Tuổi dại thuở nào áo trắng bay,
Đi về lướt thướt dưới heo may.
Phố xưa Quảng trị đâu rồi nhỉ?
Bạn cũ Nguyễn Hoàng hỡi có hay!
Sách vở đã xa từ dạo ấy,
Ruộng vườn theo mãi đến hôm nay.
Mái đầu điểm trắng bàn tay trắng,
Áo trắng xưa còn cất mãi đây.

Linh Đan Nguyễn Hữu Kiểm

Thầy Hùng đã làm bài xướng thứ 2 để kể câu chuyện cho có đầu có đưôi.

Áo Trắng Nguyễn HoàngRong ruổi miền quê một sớm mai,
Phất phơ áo trắng giữa vườn ai.
Đôi tà trinh bạch mầu như mới,
Hai chữ Nguyễn Hoàng dấu chửa phai.
Trường cũ đã xa từ dạo ấy,
Áo dài còn giữ đến hôm nay. Xốn xang hồi ức thời thơ mộng,
Thơ thẩn đường về mắt thoáng cay.

Thái Mộng Hùng

Và thầy làm luôn bài họa:

Áo Trắng Nguyễn HoàngThấp thoáng vườn ai áo trắng bay,
Phất phơ theo gió ngọn heo may.
Trinh nguyên mầu trắng em còn giữ,
Phai nhạt tuổi hồng ai có hay?
Man mác u hoài năm tháng cũ,
Ngổn ngang hồi ức buổi hôm nay.
Tha hương mấy độ thu rồi nhỉ,
Áo trắng trường xưa vần trắng đây.

Thái Mộng Hùng

Như đã nói ở trên, nhờ mấy bài thơ này mà tôi có dịp viết về những kỷ niệm và tình cảm của tôi dành cho thành phố nghèo và bị tàn phá thành bình địa trong cuộc chiến. Tỉnh địa đầu này thời nào cũng có địa danh nổi tiếàng, điều đáng buồn là phần lớn chỉ nhờ chiến tranh. Muà Hè Đỏ Lửa, trận đánh giành lại thị xã và Cổ Thành, đoạn đường dài khoảng ba cây số trên Quốc Lộ 1 từ Ga Quảng Trị tới Cầu Nhồng đột nhiên được cả thế giới biết đến với tên Đại Lộ Kinh Hoàng khi trọng pháo và bộ binh Bắc quân say sưa tàn sát, không phân biệt quân đội với thường dân, khi những người này triệt thoái khỏi Quảng trị. Cũng trên Quốc lộ này, cách vài chục cây số về hướng nam giáp với Thừa Thiên, trước năm 54 đã có Dẫy Phố Buồn Thiu nổi danh thế giới qua một ký sự chiến tranh Việt-Pháp của Bernard Fall.

Tôi nghĩ người dân Quảng Trị không muốn nổi danh theo kiểu này. Tôi cũng nghĩ một người Việt lam bình thường ai cũng lấy làm hãnh diện về các vị anh hùng dân tộc từ Trưng, Triệu, tới Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung và biết bao anh hùng liệt nữ vô danh khác đã có công hoặc hy sinh thân mình gìn giữ đất nước, thà chết chứ không chịu để mất một tấc đất đo tiền nhân để lại, chứ chẳng muốn làm dân một nước bị ngoại bang chèn ép mà cứ vỗ ngực " ra ngõ là gặp anh hùng." ! Hiện trạng đất nước là một thực tế buồn.
Những công trình xây cất dầy hào nhoáng quả là một thứ " phồn vinh giả tạo ", càng làm nổi bật lên sự cách biệt khủng khiếp giữa người giầu và người "nghèo, và cái giầu ở đây đi đôi với quyền lực thống trị. Nhưng cái nghèo đáng sợ nhất là cái nghèo tinh thần. Cả một dân tộc mạnh ai người nấy sống, phương tiện nào cũng tốt, miễn sao đừng để "chúng nắm được đầu."

Chỉ cần đơn cử một câu nói trong dân gian, " Lương nào cũng sống được hết, trừ lương thiện ." Căn bản đạo đức không có thì khó có được sức mạnh tinh thần. Vì vậy, khi chính quyền vi phạm nhân quyền, đàn áp tông giáo và ngay cả nhường đất và lãnh hải cho ngoại bang, thì cũng chỉ có rất ít so với toàn thể dân số, lên tiếng và có hành động phản đối. Mà đau đớn hơn nưã là khi có được một nhóm thanh niên và sinh viên biểu tình phản đối gần Sứ quán Trung Quốc thì đã bị công an đàn áp thẳng tay.

Trong nỗi ray rứt đó, bài này được viết ra không phải chỉ riêng cho những người phải bỏ xứ ra đi, hay cho " tà áo trắng năm xưa " đã phải lưu lạc vào Nam làm ruộng rẫy, hoặc cho các tác giả mấy bài thơ trên hiện đang làm kẻ lưu đầy ngay trên quê hương mình, mà cho tất cả các tà áo trắng, áo đen, áo nâu xồng, và cả một dân tộc từ hơn nửa thế kỷ đã chịu bao đau khổ và bị lường gạt, để đến hôm nay vẫn còn phải sống trong một xã hội không xứng với sự hy sinh của mình.

VŨ NHƯ PHONG-CHÂU (Nepean)
NGƯỜI CHIẾN SĨ GIÀ:
MỠ ĐƯỜNG MÁU
Trần Văn, Aug 02, 2008

Cali Today News - Chiến trường Việt Nam năm xưa, những trận đánh khốc liệt giữa ta và địch (bộ đội cộng sản BV), thường xuyên xảy ra. Những đơn vị đóng quân cấp nhỏ từ tiểu đội, trung đội, đại đội đến tiểu đoàn và có khi đến cấp sư đoàn như Sư đoàn 22 Bộ binh bị địch quân bao vây ở căn cứ Tân Cảnh – Dakto thuộc Vùng 2 Chiến Thuật, năm 1972. Đến những giây phút hấp hối cuối cùng của đơn vị bị bao vây, người chỉ huy chiến trường sáng suốt nhận định, dù địch quân siết chặt vòng vây, chắc chắn địch cũng có để khe hở vì nơi đó quân số ít, hỏa lực yếu… đó là nơi mở đường máu thoát hiểm tốt nhất.
Sự phân bố quân số, vũ khí của ta hay địch trong thế phòng thủ hay tấn công đều tùy thuộc vào yếu tố đột phá mạnh mẽ của đối phương. Không có cách nào phòng thủ thêm lâu dài được căn cứ Tân Cảnh vì các trận mưa pháo liên tục ngày đêm và nhiều chiến xa địch T54, tiếng gầm thét vang dội sát các tuyến phòng thủ, máy bay trực thăng không thể đáp xuống sân doanh trại an toàn… Đại Tá Tư Lệnh Sư Đoàn 22 Bộ Binh Lê Đức Đạt đã quyết định mở đường máu vào đêm khuya để hy vọng ông và thuộc cấp có cơ may thoát hiểm thành công.Tất cả hỏa lực cuối cùng còn lại, tấp trung vào một điểm mở đường máu thoát thân. Quả thật. vị Tư lệnh chiến trường gan dạ và tài ba nhận định đúng hướng, quân tấn công yếu và ít hơn các tuyến khác nên vị Tư lệnh SĐ22 BB tung hết hỏa lực còn sót lại vào trận chiến với 2 yếu tố là trừ khử quân chính quy CSBV và dọn sạch các bãi mìn, các chướng ngại vật dày đặc của căn cứ đã được bố trí từ lâu. Theo lời tường thuật của Đại Tá Tôn Thất Hùng trong tác phẩm Người Về Từ Tân Cảnh, Đại Tá Hùng là phụ tá Tư Lệnh chiến trường ở căn cứ Tân Cảnh, số chiến sĩ chưa bị thương tích còn lại tại trung tâm hành quân lúc nguy kịch này không đông lắm. Từ chập tối, địch quân đã chọc thủng nhiều phòng tuyến, xe tăng và bộ đội tùng thiết đã tiến đến gần sân cờ, TOC (trung tâm hành quân) ở cạnh đó, nên tất cả được lệnh mở đường máu thoát hiểm. Với sự tính toán của vị Tư Lệnh chiến trường cũng có sơ hở vì thời gian quá gấp rút, không có nhiều thì giờ để triệt hạ hết những công sự, chướng ngại vật hàng mấy chục lớp hàng rào dây kẽm gai và bãi mìn dày đặc của ta thiết đặt chung quanh căn cứ địa. Lúc nguy khốn này, ai cũng liều chết tìm đường thoát hiểm. Toán cận vệ gan dạ của vị Tư Lệnh chiến trường Tân Cảnh xung phong đi trước, có người vướng mìn tử trận, có người thoát thân được, chẳng may cho vị Đại Tá Tư Lệnh SĐ22 BB Lê Đức Đạt có thể cũng bị vướng mìn và tử trận trong vòng đai phòng thủ. Như vậy, cuộc rút quân bằng cách mở đường máu, thập tử nhất sinh này, trả một cái giá quá đắt, vị Tư Lệnh chiến trường đã anh dũng hy sinh đền nợ nước.
Cuộc chiến mở đường máu nhằm rút ra khỏi bãi chiến trường với bất cứ giá nào, may mắn và rủi ro đều có tỷ số cao thấp như ngang bằng nhau, đạn tránh người còn người rất khó tránh đạn, đó cũng là cái số mạng của mỗi người. Có thể nói mở đường máu là chúng ta đi trong cái chết tìm cái sống vậy.
Qua được đến Mỹ, một đất nước an bình, tự do, dân chủ nhất thế giới, thế hệ chiến sĩ can trường năm xưa, từng dày dạn gió sương trên chiến địa với thâm niên quân vụ, nay đang và đã vào tuổi hoàng hôn của cuộc đời. Quý vị ấy cũng phải vì 3 chữ “Mỡ Đường Máu” (mỡ dấu ngã) mà cần thoát hiểm cũng ác liệt như Mở Đường Máu (mở dấu hỏi) trong các cuộc triệt thoái khi quân ta yếu hơn quân địch hay ngược lại.Với tuổi lục tuần trở lên, nam cũng như nữ, mọi người phải quan tâm lưu ý đến 3 con đường thường đưa đến tử vong: mỡ - đường – máu.Chúng ta sẽ đề cập đên máu, huyết áp trước.Bệnh cao huyết áp là một thứ bệnh mà người lớn tuổi thường mắc phải, dù vậy người nhỏ tuổi cũng có cơ hội mắc thứ bệnh này, nếu sao lãng. Khi áp huyết tăng đột ngột với nhiều lý do khác nhau, làm việc nhiều mệt mõi, ăn mặn, đang đau ốm…có thể làm vỡ mạch máu não đưa đến “chết bất đắc kỳ tử” trong nháy mắt hay nhẹ hơn bị tê liệt nửa người gọi là “bán thân bất toại” hay miệng bị giựt méo, có thể kéo dài suốt đời. Với sự phối hợp của thuốc đặc trị ngày nay cùng với ngành vật lý trị liệu, tập luyện thường xuyên cũng đạt được kết quả tốt là người bệnh cao huyết áp được hồi phục hoàn toàn hoặc hồi phục một phần nào đó để được sống còn.
Tổ Chức Y tế Thế Giới (WHO) cho biết, một người được coi là huyết áp cao khi HA (nôm na gọi là độ máu) tối đa lớn hơn 140 mmHg và HA tối thiểu lớn 90 mmHg. HA của chúng ta, trung bình là 120/80 mmHg.Được biết, người chiến sĩ cao niên có HA 140/90 mmHg là đang ở độ máu bắt đầu cao gọi là bordeline, nghĩa là mới vào “chiến địa” nguy hiểm. Nếu chúng ta có huyết áp vượt qua con số 160/90 mmHg trở lên gọi là đã vào biên giới của tử thần, có thể “đứt bóng” hay bị tật nguyền bán thân bất toại…bất cứ lúc nào.Để phòng bệnh hơn trị bệnh cao huyết áp, người chiến sĩ can trường năm xưa bên mình luôn có khẩu súng và đạn dược…, nay cũng vậy phải “thủ” sẵn trong nhà máy đo huyết áp (mua vài chục đô) như là ông thần hộ mạng báo động nguy hiểm sắp xảy ra hoặc nên thường xuyên đến các nhà thuốc tây như Rite Aid chẳng hạn đo máu cho an toàn xa lộ đề phòng bất trắc cho cuộc đời mình. Hể mỗi khi người chiến sĩ cao niên cảm thấy chóng mặt, nhức đầu hay uể oải, “ấm mỏ ác”, lấy ông thần hộ mạng đo liền như khi xưa lên cò súng sẵn sàng chiến đấu với địch quân, mục đích để coi xem mình có bị thần chết cao huyết áp đến hỏi thăm sức khoẻ?. Nếu sau khi đo huyết áp xong, nên đo cả hai tay phải và trái để cho “chắc ăn” hơn là đo 1 lần 1 tay, thấy huyết áp bình thường thì yên chí lớn. Chỉ uống Tylenol hay thứ thuốc khác trị bịnh cảm cúm thông thường là OK. Khi đau ốm uống thuốc hay sau bữa ăn, chúng ta phải uống nhiều nước, nếu là nước đá chanh càng tốt vì uống nước sẽ làm cho nhu động ruột linh hoạt hơn, tránh được bệnh đau đường ruột và tránh táo bón mà người già thường mắc phải. Trái cây và rau cải, chiến sĩ già càng ăn nhiều càng tốt và sau khi làm việc gì đó cần có thì giờ nghỉ ngơi chốc lát vì sức trâu già nay đã thấm mệt.
Khi người chiến sĩ già có áp huyết cao thì phải uống thuốc hạ áp huyết xuống ngay hoặc đến “hỏi thăm sức khỏe” bác sĩ gia đình gắp.Căn bệnh thứ 2, bệnh tiểu đường, một thứ bệnh không trực tiếp làm chết người nhanh chóng như các thứ bệnh nguy hiểm khác. Không phải là thủ phạm giết người chính thức mà bệnh tiểu đường đi long vòng trong cơ thể, tiếp sức cho các thứ bệnh khác giết người nhanh hơn. Khi bệnh tiểu đường đi vào danh sách loại bệnh mãn tính thì cũng rất khó trị và có nhiều biến chứng sang lục phủ ngũ tạng. Dễ nhận diện nhất của bệnh tiểu đường nặng đưa đến người bệnh bị mù mắt, suy thận và tim mạch, các vết thương không chịu lành…đưa đến tử vong do căn bệnh khác. Sự kiêng cử ăn uống của người bệnh lại rất khó khăn, gần như mọi thứ chất ngọt đều hạn chế tối đa kể cả ăn những loại ngũ cốc, đặc biệt là cơm tẻ hay cơm nếp cũng bị giới hạn nghiêm khắc. Nhưng, ác hại nữa nếu trong người thiếu chất đường làm cho lượng đường trong máu xuống quá thấp cũng làm cho người bệnh đột quỵ và rất nguy hiểm cho tánh mạng, có thể “đi tàu suốt” còn nhanh hơn lượng đường trong máu lên cao.Hiện nay, trên thế giới có trên 200 triệu người mắc chứng bệnh mãn tính tiểu đường và cũng có thể nói, chưa có thứ thuốc đặc trị nào trị dứt điểm mà đòi hỏi người bệnh phải phòng bệnh hơn trị bệnh. Vì vậy, có nhiều người mắc bệnh khó trị này kéo dài vài chục năm cho đến chết rất thường xảy ra. Mỗi ngày người bệnh tiểu đường phải uống thuốc hoặc đến thời kỳ như nhà thơ Thu Phong ở Sacramento phải dùng kim tự chích chất Insulin vào người để ngăn ngừa thứ bệnh khó trị này do bác sĩ ra toa chỉ dẫn. Có cách nào, chúng ta biết mắc bệnh tiểu đường, thông thường nhất?
Khi hồi xửa hồi xưa, các anh lính khai với bác sĩ Quân Y, em uống cà phê đen mà đi tiểu ra cà phê sữa, BS phe ta biết anh lính bị bệnh gì rồi, có cách chữa trị ngay. Còn ngày nay, ta uống nước lạnh mà bắn ra nước đường hay nói cách khác, nước tiểu hơi quánh lại một chút hay như ở VN đi tiểu bên gốc cây mà thấy có kiến bò đến liền, biết chắc là mắc chứng bệnh tiểu đường. Hiện tại, chúng ta có cách thử máu thường xuyên ở Lab hay có máy nhỏ gọn do chúng ta mua hoặc được cấp miễn phí tự chích vào ngón tay thử máu hàng ngày để biết độ đường lên xuống thế nào mà có cách đối phó. Vì vậy, người chiến sĩ cao niên đên tuổi già phải bỏ tánh hảo ngọt, nghĩa đen, để giúp tránh bệnh tiểu đường khó trị này.Theo Hiệp Hội Bệnh Tiểu Đường của HK (American Diabetes Association) định nghĩa mức lượng đường trong máu, nếu là trung bình thì ở giữa từ 90 mg/dl đến 130 mg/dl của độ đọc huyết tương (plasma reading) trước bữa ăn hay dưới 180 mg/dl 2 giờ sau bữa ăn. Như vậy, độ đường trong máu tốt nhất ở biên độ 90-130 mg/dl, nếu trên 180 khi bụng no và dưới 80 mg/dl khi bụng đói là chúng ta đã vướng vào căn bệnh tiểu đường rồi.Trường hợp thứ 3 mà người chiến sĩ cao niên thường mắc phải, đó là vấn nạn cholesterol, gọi nôm na có mỡ trong máu. Nhưng chúng ta phải phân biệt kỹ vì trong cholesterol cũng có nhiều thứ mà 2 thứ cholesterol chính là tốt và xấu cần quan tâm nhất. Cholesterol tốt theo y học gọi là HDL có trong máu lớn hơn 40, rất tốt cho sức khỏe, còn nếu loại cholesterol xấu gọi là LDL phải dưới chỉ số 130, nếu chỉ số này vượt lên cao chiếm thượng phong thì rất nguy hiểm cho sức khỏe.
Theo chỗ tôi hiểu biết, loại mỡ cholesterol xấu có thể đóng thành cục trong mạch máu hay ở van tim, ngăn cản hoặc chận đứng đường máu lưu chuyển điéu hòa nuôi sống cơ thể. Ví vậy, có nhiều người lúc trẻ hay lúc sồn sồn hoặc đã đến tuổi già mà vẫn hảo chất béo hay các thức ăn có nhiều cholesterol xấu thì con đường tất yếu phải đi là “ngất ngư con tàu đi” hoặc “chết không kịp ngáp” nếu không kịp thời đưa đến bệnh viện chữa trị. Điều trước tiên là người bệnh có cholesterol xấu đóng chốt phải được giải phẩu tức thời, cắt bỏ các nơi dẫn máu có chướng ngại vật ngăn chận đường máu lưu chuyển vì bị đóng mỡ làm chốt tử thủ. Nếu các bác sĩ chuyên khoa không nhổ kịp hết một hay nhiều chốt mỡ tử thủ tai hại này thì người bệnh sẽ thăng nhanh về Thiên đàng hay Niết bàn vậy.Tóm lại, hồi xưa người chiến sĩ xông pha ngoài mặt trận, những khi bị bao vây nguy kịch, tứ bề thọ địch, bị cắt đường tiếp viện, cắt đường tiếp tế lương thực, vũ khí, đạn được... Con đường sống còn duy nhất là phải chọn thời cơ tốt nhất mở đường máu thoát hiểm an toàn, nếu thành công và thất bại sẽ đưa đến tử vong hoặc bị bắt làm tù binh. Ngày nay, đến tuổi già mỡ - đường – máu cũng ập đến, nếu chúng ta biết phòng thủ vững chắc nghiã là phòng bệnh hơn trị bệnh cùng kết hợp với chế độ ăn uống kiêng khem và phải năng tập thể dục đều đặn sẽ có nhiều cơ may thoát hiểm an toàn, ngoài các loại thuốc ngăn ngừa hay chửa trị hoặc nhập viện giải phẩu đúng lúc...
Về ẩm thực, ai cũng biết lục phủ ngũ tạng của những chiến sĩ cao niên đã suy thoái nên các chất ngọt, mặn và mỡ là kẻ thù của tuổi già. Vì vậy, khi người lớn tuổi dung nạp các chất này với điều kiện phân lượng tối thiểu để nuôi cơ thể, không nên dùng nhiều chất mỡ đường mặn như hồi còn thanh niên tráng kiện.Một điều kiện khác mà người viết bài này nhận thấy, ngoài thuốc men, chế độ ăn uống kiêng khem ngăn ngừa và chữa trị các loại bệnh mỡ - đường – máu. Điều kiện này mới chỉ là điều kiện cần còn phải có thêm điều kiện đủ cũng như trong toán học muốn chứng minh một định lý đúng, người ta cũng phải có 2 điều kiện cần và đủ (condition nécessaire et suffisante) để chứng minh. Điều kiện đủ đó là thường xuyên chúng ta phải tập thể dục như là việc ăn ngủ hàng ngày vậy.Trên tờ nhật báo The Sacramento Bee ngày 28.7.08 có bài viết với tựa đề: Fitness may slow brain atrophy in Alzheimer’s (trang A6). Bài báo cho biết, ngày hôm qua, chủ nhật 27.7, tại diễn đàn The International Conference On Alzheimer’ Disease ở Chicago có buổi tường trình về sự nghiên cứu luyện tập thể dục thường xuyên ngăn chặn hay làm chậm lại sự thoái hóa của não bộ mà sự thoái hóa đó sẽ đưa đến bệnh Alzheimer.Bệnh Alzheimer là căn bệnh thứ tư mà người chiến sĩ cao niên thường mắc phải, ngoài 3 thứ bệnh tôi đã trình bày ở phần trên: có mỡ trong máu, độ đường cao, và huyết áp cao có thể đưa đến tử vong cho người cao niên.
Thoạt đầu, người lớn tuổi nào cũng bị sụt giảm trí nhớ vì não bộ đã đến thời kỳ suy thoái như nền kinh tế Hoa Kỳ hiện nay. Khả năng của con người, y học chỉ làm chậm sự suy thoái (thoái hóa) này càng lâu dài càng tốt. Vì vậy, trong lãnh vực chánh trị hay tổ chức cộng đồng người Việt, chúng ta nên chọn những nhà lãnh đạo đất nước hay lãnh đạo cộng đồng tuổi càng trẻ càng tốt, nhưng trẻ đến giới hạn nào đó, có kinh nghiệm, có tài về nhiều lãnh vực và đạo đức nữa…Trước khi mắc bệnh Alzheimer, người lớn tuổi thường bị quên lãng, khả năng của trí nhớ bị sụt giảm thấy rõ tữ hơn 60 tuổi trở lên. Từ hay bị lãng quên đến bệnh Alzheimer của người chiến sĩ cao niên chỉ còn là con đường ngắn thôi. Kinh nghiệm bản thân lúc Trần Văn 65 tuổi, cách nay 8 năm, khi lái xe ra khỏi nhà thường quên bấm remote đóng cửa garage hoặc không nhớ mình có đóng cửa garage hay chưa khi có chuyện đi sáng sớm, cả nhà chưa thức giấc. Sực nhớ ra, tôi phải quay xe lại coi xem có đóng cửa chưa? Vì vậy, trong xe, tôi dán cái “khẩu hiệu” trên chỗ gần tay lái cho dễ thấy, dòng chữ: Nhớ Đóng Cửa Garage.Sự thật, Trần Văn “quên bẳng” sự hữu ích của luyện tập thể dục, chơi thể thao thường xuyên mà TV đã được học rất kỹ khi vào học nghề làm huấn luyện viên thể dục thể thao học đường cấp quốc gia từ thập niên 50.Mỗi sáng tôi thức rất sớm, chạy bộ vài kilomét dù vào mùa đông, ở nhà có máy tập thể dục lại cũng ít khi chịu lên máy tập có thời biểu đàng hoàng, khi tập khi không hoặc tập nhiều ít tùy hứng. Dù vậy, sức khỏe và trí nhớ của tôi tốt hơn khi không chịu tập thể dục gì hết, cái vụ dán khẩu hiệu trong xe, tôi gở bỏ.
Tình cờ đọc trên tờ báo Bee, thấy có mục quảng cáo gym tập thể dục 24 Hours Fitness, tôi đến ghi danh đóng tiền đi tập hàng tháng, mỗi tuần chỉ tập có 4 ngày, khoảng $26/tháng. Sau 2 năm, tôi ghi danh lại đóng tiền luôn 3 năm khoảng $700.00 (nay rẽ hơn nhiều khi có quảng cáo sale) và qua năm thứ tư về sau chỉ đóng tiền $25/năm. Tập tại Gym rất tiện lợi, không sợ trời mưa gió, nóng lạnh nhiều hay ít và tránh tai nạn có thể xảy ra khi mình băng qua đường, nếu tập ở ngoài trời. Mua membership 3 năm, mình được hưởng giá rẽ lại tập hàng ngày và tập bất cứ gym nào của hệ thống 24 Hours Fitness trên khắp nước Mỹ. Rất tiện lợi cho cá nhân vì tôi thường xuyên đi ta bà đó đây nên rất thích hợp. Hơn nữa, tại các gym, có hàng trăm đủ thứ máy, dụng cụ để mình tập, nếu cần có người chỉ dẫn, phòng tập được điều hòa không khí kể cả hồ bơi trong nhà, mùa đông mình vẫn bơi lội thoái mái. Còn nữa, có đến hàng trăm người cùng tập, mình không bi boring, nhàm chán như tập thể dục ở nhà, tùy gym, có đến hàng chục tivi cở lớn để người tập xem đủ mọi thứ mà mình thích thứ nào thì đến tập gần cái tivi đó…Trong bài báo nói về ích lợi của sự luyện tập thể dục đối với bệnh Alzheimer nhấn mạnh. Nếu người mới mắc chứng bệnh này ở giai đoạn đầu có thể ngăn chặn hay làm giảm sự suy thoái não bộ, ngoài uống thuốc và điều kiện cần thiết nhất là năng tập thể dục hàng ngày, dự khán hay trực tiếp chơi những môn thể thao mà người bệnh ưa thích. Giai đoạn đầu là giai đọan dễ điều trị nhất bệnh Alzheimer. Chúng ta năng tập thể dục thường xuyên chắc chắn sẽ là liều thuốc hữu hiệu nhất ngăn chặn sự tăng tiến về sự thoái hóa não bộ. Bệnh Alzheimer thường tiến không biết lùi vì não bộ của người càng lớn tuổi càng suy thoái. Nếu không tập luyện thể dục hay chơi thể thao có bài bản, phương pháp (tôi sẽ viết 1 bài khác về cách tập thể dục thế nào mới hữu hiệu), bệnh Alzheimer sẽ tiến qua giai đoạn thứ 2, sự lãng quên sẽ đưa đến người bệnh đi lạc không nhớ đường về, không làm chủ được lời nói hay suy nghĩ… Từ giai đoạn 2 sang giai đoạn 3, người bệnh Alzheimer sẽ không làm chủ được đi đứng, ăn uống, tắm rữa hay nhiều điều khác trong cuộc sống, có thể sẽ nằm 1 chỗ để sang giai đoạn 4. Đây là giai đọan cuối cùng của bệnh Alzheimer và của cuộc đời, người bệnh như là thực vật, không biết ai hết, đó là lúc gia đình, thân nhân, bạn bè đau buồn nhất, nằm 1 chỗ chờ thần chết đến dẫn độ về thế giới khác.Cách đây mấy năm, với nền y học tối tân hiện đại nhất của thế giới cũng đành phải bó tay chờ thần chết dần dần đến dẫn độ về bên kia thế giới vị Tổng Thống tài ba của đất nước Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Chính Tổng Thống Ronald Reagan là vị cứu tinh, đại ân nhân của tập thể gia đình HO và người Việt tỵ nạn cộng sản tại đất nước này cũng trải qua 4 giai đoạn của bệnh Alzheimer và phải ra đi để lại bao tiếc thương cho mọi người và đặc biệt cho người Việt chúng ta.Để kết thúc bài viết này, người viết chỉ mong các chiến sĩ cao niên phe ta phải cần quan tâm tự chăm sóc sức khỏe của mình mà sự luyện tập thể dục thường xuyên thật rất cần thiết như ăn và ngủ vậy.
Trần Văn xin trích dẫn nguyên văn của bài báo viết về ích lợi của sự luyện tập thể dục thường xuyên mà TV tâm đắc nhất:Exercice and physical fitness have been shown to slow down age-related brain cell death in healthy older adults, and a preliminary study published earlier this month showed that exercise may have slow brain shrinkage in people with early Alzheimer’s.Xin quý chiến sĩ cao niên ghi nhớ chỉ có mình mới cứu mình là chính. Người cao niên thường mắc phải 4 chứng bệnh trong đó có 3 loai họ cao: cao mỡ, cao máu, cao đường và thêm bệnh Alzheimer nữa như là 4 món ăn chơi trong bữa tiệc của người chiến sĩ phe ta. Kế đến, người chiến sĩ cao niên còn thưởng thức những món ăn khác về tứ chứng nan y, ung thư các thứ, tai nạn…có như vậy người theo đạo Thiên Chúa mới sớm hưởng được Nhan Thánh Chúa ở Thiền Đàng, còn giới thờ Phật mới được Ngài Tiếp Dẫn Đạo Nhân “nối vòng tay lớn” đưa về tiêu diêu nơi cõi Niết Bàn an lạc./.
NGÀY 30 THÁNG 4

TÂM BÚT CỦA TRẦN TRUNG ĐẠO

Đối với người Việt Tự Do, ngày 30 tháng 4 mang nhiều ý nghĩa. Trên bình diện lịch sử ngày 30 tháng 4 là một ngày đen.
Ngày những chiếc tăng T54 do Liên-Xô chế tạo nghiền nát đường phố Sài Gòn thân yêu rợp bóng me xanh. Ngày những chiếc trực thăng cất cánh từ sân thượng của những cao ốc. Ngày có những tiếng loa phóng thanh ra lịnh các cấp chính quyền miền Nam tập trung, trình diện vang lên trên đường phố. Ngày với những tiếng hát cao the thé của những nữ văn công miền Bắc vọng ra từ đài phát thanh vừa rơi vào tay Cộng Sản.
Ngày những Nguyễn Khoa Nam, Lê Nguyên Vỹ, Lê Văn Hưng, Hồ Ngọc Cẩn, Nguyễn Văn Long và bao nhiêu người con yêu khác của mẹ VN đã dò theo bước chân của Trần Bình Trọng, Hoàng Diệu, Phan Thanh Giản, Nguyễn Tri Phương mà lần lượt ra đi.
Trong bình diện xã hội, 30 tháng 4 là ngày điêu tàn tang tóc. Mẹ mất cha, anh xa em, vợ lạc chồng, những đứa trẻ mồ côi lạc loài trên đường phố, nước mắt ai rơi trên bờ biển, tiếng khóc thét của em bé vừa sinh ra trên những chuyến hải hành vội vã trong đói khát, lo âu, tuyệt vọng. Trong bình diện đấu tranh 30 tháng 4 là ngày quốc kháng. Ngày khởi điểm cho một mặt trận mới vì nhân quyền, tự do và dân chủ. Dù gọi 30 tháng 4 là ngày quốc hận, quốc nạn, quốc kháng hay là ngày gì đi nữa, thì trong tâm tư của mỗi người miền Nam sống trong ngày tháng đó vẫn là một tâm tư hãi hùng, lo sợ, bàng hoàng và đau xót.
Tất cả hình ảnh đó dường như đang xảy ra trong phút giây chúng ta đang thở. Tiếng súng như vẫn còn nghe. Ngọn lửa như vẫn còn đang nóng.
Thế nhưng đã là 32 năm. Đứa bé nằm trên bụng mẹ ngậm núm vú lạnh tanh không còn một giọt sữa mà không biết mẹ mình đã chết từ lâu, trong một bức ảnh đăng trong một tờ báo Mỹ, nay đã hơn 30 tuổi. Và chúng ta, những người VN may mắn còn sống sót, vẫn như em bé kia, đang ngậm nỗi buồn nơi đất khách.
Dù tự an ủi bằng bao nhiêu bài thơ, bài hát chuyên chở niềm tin và hy vọng, bao nhiêu tuyên ngôn, tuyên cáo khẳng định lập trường, thì giấc mơ VN về một buổi sáng đẹp trời cho dân tộc vẫn còn là một giấc mơ thôi. Ba mươi hai năm qua đi. Thế giới đã đổi thay nhanh chóng. Cuộc vận hành của lịch sử văn minh con người không chạy bằng những chuyến tàu điện nhưng đã chuyển sang thời kỳ của những máy bay siêu tốc. Tín hiệu Morse đã được chính thức thành lịch sử. Ông Denis Tito đã mua vé đi du lich trong quỹ đạo trái đất và trở về bình an. Ông Nelson Mandela đã ra khỏi tù và đưa đất nước ông vững tiến trên con đường dân chủ. Anh Ismail Darramy cụt hai tay của xứ Sierra Leon đã cười tươi vì được quyền bỏ phiếu. Những đồ dùng chúng ta đang xử dụng trong nhà từ chiếc máy điện toán, chiếc microwave, DVD v.v. đều không có ba mươi năm trước, hay nếu có, cũng chỉ trong phòng thí nghiệm. Nói chung, tiến bộ và văn minh nhân loại đã bước một bước rất dài.
Nhìn lại đất nước VN, trong mọi lãnh vực, sau 32 năm chẳng những không bước thêm một bước nào; trái lại, về kinh tế, chính trị, đã lùi xa hơn vào quá khứ, và văn hóa đạo đức thì đang trở về gần với thời sơ khai nô lệ, nghĩa là thời kỳ mọi của cải đều có thể mua bán, trao đổi, kể cả mua bán, trao đổi chính con người. Và do đó, vấn nạn lớn nhất mà dân tộc VN đang phải đối diện hiện nay là lạc hậu về kinh tế chính trị và lạc hậu về văn hóa tư tưởng.
Khi nhận xét rằng VN lạc hậu kinh tế, không ít độc giả trong nước chưa có dịp tiếp xúc và so sánh giữa tiến bộ của thế giới và thay đổi tại VN, có thể không đồng ý với tôi. VN có cao ốc mới, khách sạn mới, cầu mới, đường mới, xe mới, nhà mới, số lượng du khách ngày càng tăng. Vâng, không ai chối cãi điều đó. Thế nhưng, trong một nền kinh tế thế giới đang toàn cầu hóa, mức độ phát triển của một quốc gia được xác định không phải bằng các chỉ tiêu riêng của từng quốc gia nhưng bằng sự so sánh với các quốc gia trong cùng khu vực, cũng như trong tương quan kinh tế thế giới. So sánh với đà phát triển của nhân loại, ba mươi hai năm, nền kinh tế VN như người bộ hành già nua đang đếm từng bước thầm trên xa lộ tân thời. Hãy nhìn bầy kiến cõng những hạt gạo nhỏ li ti kia, nếu chúng cõng liên tục ba mươi năm cũng có thể tạo nên một cao ốc đừng nói chi con người. Câu khẩu hiệu "Với sức người sỏi đá cũng thành cơm" không phải nói lên sự cố gắng nhưng phản ảnh sự lạc hậu về kỹ thuật, và cũng tố cáo bản chất bất nhân, tàn nhẫn của một giai cấp thống trị đối với nhân dân VN.
Ba mươi hai năm qua, nếu không có nhiều tỉ đô-la hàng năm gởi về từ những người một thời đã bị chế độ nguyền rủa, trù ẻo để bị chết trôi, chết chìm trên biển Đông thì nền kinh tế VN còn tệ hại đến mức nào. Hai triệu người Việt hải ngoại gởi tiền về để giúp đỡ gia đình, bà con, thân thuộc, trại mồ côi, trại cùi bởi vì họ là những người đã được nuôi dưỡng bằng những lời ru đậm đà tình thương của mẹ, bằng những câu ca dao chan chứa tình đồng bào "Lá lành đùm lá rách", "Chị ngã em nâng". Nếu họ được giáo dục bằng hận thù giai cấp, bằng sắc máu đấu tranh như những người Cộng Sản thì nền kinh tế VN ngày nay có thể vẫn còn đứng đầu bảng xếp hạng các quốc gia nghèo đói hàng năm của Liên Hiệp Quốc.
Khi nhắc đến những đổi thay kinh tế tại VN, một yếu tố quan trọng khác cũng cần lưu ý là những cái mới đó thuộc về ai. Hãy bước ra đường hỏi người lái chiếc xe Nhật đắt tiền kia ông là ai, bà là ai. Hãy bước vào một cao ốc hỏi ông chủ khách sạn năm sao nguy nga tráng lệ kia, trong điều kiện xã hội chủ nghĩa thì tiền ở đâu ông có để xây một khách sạn nhiều tầng như thế.
Hãy bước vào nhà ông Chủ Tịch Huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên hỏi rằng với đồng lương của cán bộ cấp thấp như ông, thì mấy chiếc xe tải và đàn bò mấy chục con của ông từ đâu tới. Hãy bước vào trụ sở Hội Đồng Bộ Trưởng để hỏi các ông bà ủy Viên Trung Ương Đảng, Bộ Trưởng, với cấp số lương Bộ Trưởng mà Chủ Tịch Quốc Hội Cộng Sản Nguyễn Văn An than thở "Lãnh đạo VN là những người nghèo nhất" thì làm sao các ông, các bà có dư hàng trăm ngàn đô-la để lo cho con sang Mỹ học. Sẽ không ai trả lời. Đơn giản bởi vì chẳng một kẻ cướp nào muốn thừa nhận mình là cướp, nhất là cướp từ những người cùng khổ nhất trong xã hội. Tương tự, hãy đi bờ sông Thu Bồn, sông Trà Khúc và hỏi những người đang đào hến, họ đã đào như thế bao nhiêu năm rồi. Hãy bước vào chợ Bến Thành hỏi những đứa bé đang lượm từng con cá ươn trong buổi chợ chiều, cha mẹ em đâu, nhà cửa em đâu, trường học em đâu. Hãy lên bịnh viện Chợ Rẫy hỏi những bà mẹ đang sắp hàng chờ bán máu, trong ba mươi hai năm qua, bà đã bao nhiêu lần bán máu. Hãy bước ra đường hỏi người phu đang cong chiếc lưng hốt từng đống rác, bao nhiêu chiếc chổi đời đã quét xuống lưng ông.
Hãy vào những con hẻm tối hỏi các em thanh niên nam nữ tuổi hai mươi đang bán á-phiện, ma túy, làm điếm trên những công viên tăm tối hay đang tự giết đời mình bằng những cuộc đua xe bạt mạng trên đường phố, hoài bão của các em về cuộc sống hôm qua, hôm nay và mai sau rồi sẽ ra sao. Họ có thể cũng không trả lời; không phải họ không muốn nói, nhưng như một Mục Sư làm công tác thiện nguyện tại VN đã viết: "Tuổi trẻ VN ngày nay không biết định nghĩa của hai chữ hoài bão là gì". Một dân tộc mà thế hệ hai mươi không có một hoài bão cho đời mình, dân tộc đó sẽ đi về đâu ? Một dân tộc với 65 phần trăm tuổi trẻ nhưng không có một cơ hội để tiến thân, sống trong hoang phí, sống như những tử tù đang chờ chết thì tương lai của họ sẽ về dầu Muốn biết đất nước về đâu, hãy nhìn thẳng vào đôi mắt sâu chứa đầy nỗi lo âu, chiếc lưng đầy vết sẹo, bàn tay còn hàng trăm dấu chích của họ để qua đó đọc được cả quá khứ lẫn tương lai của một đất nước. Đất nước của họ không phải là bài ca anh hùng đánh thắng bao nhiêu đế quốc nhưng là một địa ngục đày đọa kiếp con người mấy chục năm qua.
Số lượng du khách đến VN ngày một đông. Vâng. Hãy hỏi một người du khách, phải chăng bà đến đây vì long kính phục VN như một nhà thơ phản chiến Thụy Điển, đã từng viết trong thời kỳ chiến tranh: "Tôi mơ sáng mai thức dậy biến thành người VN", hay chỉ vì VN là một nơi hưởng thụ rẻ nhất Á Châu. Hãy hỏi ông du khách phải chăng ông đến VN để tìm hiểu một dân tộc có hơn bốn ngàn năm văn hiến hay là vì trên quê hương tôi giá trị đồng đô-la còn hấp dẫn hơn nhân cách con người. Hai chữ đầu tiên trên những tờ quảng cáo du lịch VN bao giờ cũng bắt đầu hai chữ Hấp Dẫn và Rẻ Tiền. Hấp dẫn và rẻ tiền chứ không phải nhân phẩm và lịch sử.
Đúng thế. Phóng viên ký tên Tương Lai của báo tuổi trẻ trong bài viết "Nỗi Đau Từ Những Con Số", đăng vào sáng ngày mùng Một Tết vừa qua, mô tả số phận của 65 ngàn phụ nữ VN đang sống với những ông chồng già Đài Loan, bất đồng ngôn ngữ, tuổi tác, học vấn. Họ bỏ gia đình và quê hương đi làm tôi mọi cho ngoại nhân, chỉ vì một vài trăm đô-la. Ngoại trừ VN, có lẽ không có nơi nào trên thế giới, chính phủ lại cho phép mua bán đàn bà, con gái một cách công khai như thế.
Ngoại trừ VN, có lẽ không một quốc gia nào có một bà Bộ Trưởng Lao Động Xã Hội và Thương Binh Nguyễn Thị Hằng miệng cười như hoa nở khi đặt bút ký hợp đồng xuất cảng lao động ra nước ngoài, thực chất là xuất cảng mồ hôi, máu, nước mắt và cả thể diện quốc gia.
Phải chăng, sau 32 năm, những định nghĩa của phẩm cách con người cũng theo đà tiến lên chủ nghĩa xã hội mà thay dần ý nghĩa. Nhắc chuyện đạo đức, tôi chợt nhớ lại một đêm thật khuya của mười hai năm trước, ngồi đọc phóng sự của một nhà báo Mỹ viết về cảnh các cô gái VN vừa mới lớn đang hành nghề mãi dâm trên trên đại lộ Sri Ayuthaya, thủ đô Bankok, Thái Lan. Tôi buồn không ngủ được. Các em đều trong tuổi vị thành niên. Hầu hết chỉ mười sáu, mười bảy tuổi. Lẽ ra giờ này các em phải ngồi trong lớp học, học làm người phụ nữ VN, học chuyện thêu thùa, may vá, trông con và học cả chuyện yêu đương, đẹp như trăng khi tròn khi khuyết. Thế nhưng, nghèo đói đã xô đẩy em khỏi ngôi trường mà em yêu mến. Nghiệt ngã đã xua em ra khỏi vòng tay nuông chiều của mẹ. Lạc hậu đã xô em xuống giòng sông Chao Phraya nước đục quê người. Ngày đó tôi vẫn nghĩ hoàn cảnh như thế là đau thương và bi thảm nhất, như tôi đã viết trong bài thơ:

Sau những lúc đau thương da thịt rã rời
Em có khóc một mình trong bóng tối
Mỗi giọt lệ sẽ mang màu sám hối
Mỗi lời rên chôn giấu những ăn năn
Tóc thu buồn như những sợi oan khiên
Trói lấy cuộc đời em nghiệt ngã
Về đâu em chiều nay trên đất lạ
Về đâu em mưa gió phủ đầy sông
Người con gái VN trên đại lộ Sri Ayuthaya
Đang nhắm mắt nhìn đời trôi vô tận
Lịch sử VN vinh nhục thăng trầm bao nhiêu bận
Nhưng chưa bao giờ đen tối hơn hôm naỵ

Ngày đó Internet chưa thịnh hành như bây giờ, nhưng cũng đã có nhiều khuynh hướng. Có anh chị thích bài thơ, nhưng cũng có người cho rằng tôi đã bi thảm hóa tình trạng VN chỉ nhằm mục đích tuyên truyền chống chế độ.
Theo anh chị đó, đất nước đã chuyển mình sang thời kỳ mới, nghèo đói đã đi dần vào quá khứ, một tương lai tươi sáng đang mở ra, hãy để cho nhà nước một cơ hội thay cũ và đổi mới, v.v.và v.v. Mười hai năm sau, điều mà trước đây tôi bị gọi là đã làm "thảm hóa" thực trạng VN lại càng thê thảm hơn nhiều. Những cô gái 16, 17 tuổi đứng trên đường Sri Ayuthaya hay trên đường phố Nam Vang ngày nào, bây giờ không còn nữa. Các em đã về đâu giữa một thành phố, mà nơi đó, theo thống kê của cơ quan AIDS Liên Hiệp Quốc, UNAIDS, 44 phần trăm gái mãi dâm mang trong người bịnh AIDS. Các em hoặc đã chết trong một trại AIDS ở Bangkok, ở Chiang Mai, hay nếu may mắn sống sót trở về được quê hương cũng chỉ để lây lất ở một góc tối nào đó trong chuỗi ngày tàn tạ của đời mình. Chỗ của em đứng ngày xưa không phải vì em chết đi mà bỏ trống.
Chiếc giường tre nơi em đã nằm chờ khách không phải vì em ra đi mà bỏ trống. Nơi em đứng năm xưa đã có một bàn chân khác vừa đứng đó. Trên manh chiếu em nằm đã có người con gái khác đang nằm. Bàn chân của kẻ đến sau nhỏ nhắn hơn em. Bàn tay như hai búp măng non của kẻ đến sau hồng hào xinh xắn hơn em. Đôi mắt của kẻ đến sau đen và tròn hơn đôi mắt của em. Thân hình của kẻ đến sau không lớn hơn thân hình của những con búp-bê Barbie đang bày trên giá của tiệm bán đồ chơi. Vâng, những kẻ đến sau chính là những Barbie VN. Nói như chị Nam Dao, chúng là những con búp-bê biết khóc tiếng người. Những kẻ đến sau chính là những cháu bé, lẽ ra giờ này đang ngồi trong trường mẫu giáo, học những bài hát tuổi thơ "Kìa con bướm vàng", "Ông trăng xuống chơi" thay vì những tiếng lóng "yum yum", "bom bom" nhục nhã. Nghe các cháu vừa cất giọng bằng tiếng Việt, tôi cảm thấy như đang một viên thuốc đắng vừa vỡ ra trong cổ mình.
Tôi chỉ mong các cháu nói dùm tiếng Thái, tiếng Miên, tiếng Lào. Tôi biết mình nghĩ thế là ích kỷ nhưng vẫn hơn là tiếng Việt. Không, các cháu nói tiếng Việt. Đau xót, nhục nhã, bất hạnh đã không còn đủ nghĩa. Lâu lắm rồi tôi mới cảm thất mất bình tĩnh như thế.
Tôi viết khá nhiều thơ về thực trạng VN, từ những bà mẹ chết trôi sông cho đến những trẻ thơ lạc loài trên vùng Kinh Tế Mới, nhưng tôi không đủ can đảm xem hết đọan phim phóng sự về nạn bán dâm tại Campuchia, đừng nói gì đến chuyện cầm bút viết một bài thơ hay một đoản văn. Tôi sẽ viết gì? Ngôn ngữ dù phong phú bao nhiêu cũng có giới hạn, nhưng sự tủi nhục khi nhìn một đứa bé VN 8 tuổi bán dâm đã vượt qua sức chịu đựng của tôi. Loài cầm thú còn biết chọn nơi, chọn tuổi đừng nói chi là con người. Khi bàn đến sự lạc hậu về tư tưởng tại VN, cũng có thể một số bạn trong nước cho rằng tôi xa nhà lâu năm nên không biết.
VN có tư tưởng chứ. Tư tưởng Mác Lê-Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là những ngọn hải đăng của thời đại. Nhắc đến Mác, tôi chợt nhớ câu chuyện đọc trên báo cách đây không lâu nhân ngày sinh nhật 5 tháng 5 của Các Mác. Sáng ngày đó, một bản tin nhỏ được gởi đi từ nghĩa trang High Gates, nơi có ngôi mộ của triết gia Cộng Sản nàỵ Bản tin không phải trích lời chúc mừng sinh nhật Các Mác của một chủ tịch nước hay một tổng bí thư đảng Cộng Sản nhưng trích lời than thở của người quản lý 166 ngàn ngôi mộ, trong đó có Các Mác, chen chúc nhau trong nghĩa địa thuộc phía đông thành phố London, Anh Quốc. Trong bản tin, người quản lý nghĩa địa High Gates than phiền rằng ông không có một ngân khoản nào để mướn người cắt cỏ hoang trong nghĩa trang rộng 36 mẫu nàỵ Từ sau khi Liên Xô và hệ thống Cộng Sản thế giới sụp đổ không còn ai buồn thăm viếng Mác, và đương nhiên cũng không còn ai đóng góp tiền bạc để chăm sóc mộ Mác. Nghĩa trang High Gates tiêu điều và hoang vu đến nỗi một lần đã được chọn để làm ngoại cảnh cho một cuốn phim ma. Mặc dù nơi chon cất của Mác là nơi dựng phim kinh dị, câu chuyện về thiên đường Cộng Sản đã nhiều lần được viết thành hài kịch, chủ nghĩa Mác đã bị các phần lớn trường đại học thế giới loại bỏ khỏi giáo trình, thành phố Leningrad đã được đổi lại tên cũ Saint Petersburg, có một nơi vẫn còn con đường mang tên Mác, còn công viên mang tên Lênin, và những bài viết đấu tranh giai cấp đầy sắc máu hận thù của Mác, Lênin, Stalin vẫn được xem là kinh điển, vẫn mỗi ngày nhuộm đỏ lên tâm hồn trong như ngọc của tuổi thơ. Nơi đó là VN.
Sau sự sụp đổ của hệ thống Cộng Sản thế giới, giới lãnh đạo Cộng Sản VN không còn chỗ dựa về mặt lý luận nên đã Việt hóa ý thức hệ Cộng Sản bằng việc thêm cụm từ tư tưởng Hồ Chí Minh sau khẩu hiệu chủ nghĩa Mác Lênin đã không còn dụ dổ được ai. Thật sự làm gì có tư tưởng Hồ Chí Minh, một người cả đời không viết được một tác phẩm lý luận hoàn chỉnh, ngoài tác phẩm Những Mẩu Chuyện Về Đời Hoạt Động Của Hồ Chủ Tịch ký dưới tên Trần Dân Tiên.
Hầu hết các tác phẩm gọi là của Hồ Chí Minh được phát hành tại VN luôn bắt đầu với chữ "Về", như "Về Độc Lập Dân Tộc", "Về Chủ Nghĩa Xã Hội". Đó là những lời phát biểu trong các buổi mít-tinh được chép lại. Khi gọi những bài nói chuyện, bài viết không đầu không đuôi của Hồ Chí Minh là tư tưởng độc lập của dân tộc VN, giới lãnh đạo Cộng Sản đã chứng tỏ sự khinh mạn đối với truyền thống lịch sử dân tộc. Ý thức độc lập tự do của dân tộc bắt đầu từ hơn bốn ngàn năm trước chứ không phải từ ngày thành lập đảng Cộng Sản Đông Dương năm 1930.
Quyền tự chủ của dân tộc VN đã được Trưng Trắc, Trưng Nhị, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi và vô số anh hùng dân tộc khẳng định từ nhiều ngàn năm trước chứ không phải từ Hồ Chí Minh.
Giới lãnh đạo Cộng Sản VN đã cướp đoạt không những chỉ tài nguyên của cải đất nước, mà cướp đoạt cả những giá trị tinh thần đã hun đúc nên giòng giống Đại Việt. Mười lăm năm sau ngày đế quốc Cộng Sản Liên Xô sụp đổ, trên đường phố Hà Nội vẫn còn treo khẩu hiệu "Chủ Nghĩa Mác-Lênin Vô Địch Muôn Năm" để mừng ngày đại hội đảng. Thật là chuyện mỉa mai, buồn cười và ngu xuẩn vượt thời gian. Nếu Jay Leno và David Letterman có dịp thăm viếng VN, hai danh hề này sau khi trở về, sẽ làm khán giả cười nghiêng ngửa với những mẫu chuyện có thực trong đời sống tại VN.
Hiểu được điều này chúng ta sẽ thấy tại sao các thế hệ trẻ VN ngày nay không còn quan tâm đến trường học, không biết chọn một hướng đi cho đời mình. Làm sao các em có thể thấy hướng đi khi bị nhồi sọ bằng những lý thuyết viễn vông mà nhân loại đã xếp vào ngăn tủ từ bao nhiêu năm trước. Làm sao các em có thể thấy tương lai, hiểu được tình người, khi cả tuổi ấu thơ đến lúc trưởng thành bị nhào nặn bằng những tư tưởng hận thù giai cấp, bóc lột, đấu tranh. Tuổi trẻ VN thà chọn lựa những trò tiêu khiển hiểm nguy, chọn lựa đời sống ngoài khuôn thước hơn là phấn đấu để vào đoàn, vào đảng.
Chúng ta đều biết đến thảm trạng tại VN nhưng ai sẽ là những người chịu trách nhiệm trước lịch sử và trước tòa án lương tâm của dân tộc VN sau nàỷ Đối với tuyệt đại đa số người Việt yêu chuộng tự do, câu trả lời rất dễ dàng. Thủ phạm đã gây ra những điêu linh tang tóc, nghèo nàn lạc hậu, làm mất nhân phẩm của người Việt, đầu độc các thệ trẻ VN, hủy diệt mọi mầm xanh đang cố gắng vươn lên của dân tộc, không ai khác hơn là giới lãnh đạo Đảng Cộng Sản VN.
Điều đó không sai nhưng tôi vẫn cảm thấy chưa đủ. Một băng cướp ngân hàng không thể di chuyển hàng tỉ đô-la ra khỏi nhà băng nếu không có kẻ đưa đường, người dẫn lối, không có tay trong, tay ngoài, bao che, thờ ơ, dung túng.
Tương tự, đảng Cộng Sản VN sau 32 năm vẫn còn tiếp tục trấn áp nhân dân VN bởi vì, ngoài nhà tù và sân bắn, họ cũng đã được dung túng, bao che, thờ ơ và thỏa hiệp. Và những người đã thờ ơ, dung túng cho Cộng Sản trong 32 năm qua không ai khác hơn là những người VN có quyền hạn tinh thần, có trách nhiệm xã hội, có kiến thức văn hóa, có lương tâm tôn giáo nhưng đã vì quyền lợi cá nhân, tổ chức, tôn giáo riêng mà làm ngơ trước đau thương của đất nước.
Tôi thật sự không tin rằng nhà nước Cộng Sản sẽ bỏ tù Hòa Thượng Thích Chơn Thiện hay Linh Mục Nguyễn Công Danh nếu hai ngài đã từ chối không chịu ra ứng cử dân biểu quốc hội bù nhìn tại VN. Tôi thật sự không tin Cộng Sản VN dám kết án Hòa Thượng Thích Trí Tịnh hay Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn đã "âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân" nếu các ngài gióng lên tiếng nói bất bình trước cảnh những em bé 8 tuổi đã phải làm những việc vô cùng thương luân bại lý tại Campuchia. Cả nhân loại đều phẫn uất khi biết một em bé VN chỉ vỏn vẹn 8 tuổi đầu phải phục vụ nhu cầu sinh lý cho những người bằng tuổi cha, bằng tuổi ông của các cháu. Ký giả Chris Hansen lên tiếng.Bộ Trưởng Ngoại Giao Mỹ lên tiếng. Bộ trưởng Tư Pháp Mỹ lên tiếng. Liên Hiệp Quốc lên tiếng. Đức Giám Mục Agustinus Agus của Nam Dương lên tiếng. Nhưng các ngài thì không. Con biết các ngài có trọng trách đối với giáo hội mà các ngài đang lãnh đạo. Con biết mọi hành vi của các ngài có ảnh hưởng nghiêm trọng đối với tôn giáo mà các ngài đang dẫn dắt tại VN. Vâng, nhưng tôn giáo đó, giáo hội đó, tín đồ đó từ đâu mà có. Phải chăng đã bắt đầu từ những tiếng khóc, tiếng cười, trái tim, bàn tay, khối óc của một giống dân đã vượt qua bốn nghìn năm gian khổ để tạo thành dải đất thân thương hình cong chữ S hiện naỷ Phải chăng đã bắt đầu từ Cha Lạc Long, Mẹ Âu Cơ trong một đêm huyền diệu của đất trời và để lại 80 triệu người con, trong đó có các ngài, hiện diện cùng năm châu nhân loại như ngày naỷ. Trên con đường các ngài đi còn vọng lên tiếng kêu trầm thống của cả dân tộc chịu đựng khổ đau suốt 32 năm qua. Hạt gạo, hạt muối mà các ngài ăn là tích lũy của bao nhiêu hy sinh gian khổ mà dân tộc VN đã đổ xuống trong 32 năm qua. Tất cả đều từ Dân Tộc VN mà có. Các ngài có trách nhiệm với giáo hội của các ngài thì ai sẽ có trách nhiệm với đất nước đâỷ Các ngài quan tâm đến sự thịnh suy của tôn giáo các ngài, thì ai sẽ quan tâm đến sự thịnh suy của dân tộc VN đâỷ Phát triển tôn giáo là trách vụ của các bậc lãnh đạo tinh thần, vâng, nhưng trách vụ đó không nên và ngay cả không được quyền đi ngược lại quyền lợi sống còn và thiêng liêng của dân tộc VN.
Hôm nay, những tiếng kêu của những con búp-bê VN biết khóc ở Campuchia vẫn như những viên sỏi nhỏ rơi vào biển cả, không tạo nên chút sóng lương tâm nào trong lòng những vị lãnh đạo tinh thần cao cấp nhất VN. Trong lời kinh đêm nay, ngoài việc cầu nguyện các đấng thiêng liêng để ban cho các ngài cuộc sống bình an, phò trợ cho tôn giáo của các ngài không ngừng phát triển, xin các ngài dành một lời cầu nguyện cho những đứa bé 8 tuổi bất hạnh kia được có cơ hội trở về với lớp học mẫu giáo của các cháu như hàng triệu trẻ thơ khác trên thế giới. Tôi không tin đảng Cộng Sản VN có thể đồng loạt bỏ tù hàng trăm nhà văn, nhà thơ một lúc nếu họ gióng lên tiếng nói ủng hộ nhà thơ Tiêu Dao Bảo Cự, ủng hộ nhà văn Dương Thu Hương, ủng hộ nhà trí thức phản kháng Hà Sĩ Phu.
Tôi không tin rằng đảng Cộng Sản có thể bỏ tù tất cả trí thức VN vì dám lên tiếng chia xẻ quan điểm dân chủ của bác sĩ Phạm Hồng Sơn, luật sư Lê Chí Quang. Tôi không tin chế độ Cộng Sản VN bỏ tù tất cả những người cầm bút khi họ viết về cuộc sống khổ đau của hàng trăm ngàn phụ nữ VN trên đất Thái, Miên, Đài Loan, Nam Hàn. Cuộc đời họ là những tác phẩm, những vở kịch, những cuốn phim đau thương đang cần được viết lại, chiếu lại cho các thế hệ hôm nay để đọc, để xem và và cho ngàn đời sau để tránh. Im lặng là đồng lõa. Im lặng là dung túng. Nếu một nhà văn, nhà thơ không đủ can đảm nói lên sự thật, viết lên sự thật của xã hội mình đang sống thì liệu có xứng đáng để được gọi là "những phát ngôn nhân thời đại" hay không?
Điều kiện chính trị ngày nay không giống như thời Nhân Văn Giai Phẩm. Để nhận được viện trợ của nước ngoài và được công nhận như một chính phủ trong cộng đồng thế giới, Cộng Sản VN buộc lòng phải tháo lỏng bớt chiếc dây thòng lọng trên cổ văn nghệ sĩ. Nhưng tiếc thay những nhà văn, nhà thơ sĩ khí thời nay lại cũng không nhiều như thời Nhân Văn Giai Phẩm. Một tiếng nói trung thực chưa kịp vang xa đã chìm vào im lặng. Một tác phẩm mang tinh thần cách mạng xã hội vừa ra đời đã bị thu hồi. Tác giả của chúng sau một chuyến được phép tham quan nước ngoài đã tự nguyện biến thành những con cừu non nằm yên trong một góc chuồng để được chờ chủ nhân sai bảo như xưa. Ngày 30 tháng 4, ngoài tất cả ý nghĩa mà chúng ta đã biết, với tôi, còn là ngày để mỗi chúng ta nhìn lại chính mình, ngày để mỗi chúng ta tự hỏi mình đã làm gì cho đất nước, và đang đứng đâu trong cuộc vận hành của lịch sử hôm naỵ Mỗi người VN có hoàn cảnh sống khác nhau, quá khứ khác nhau, tôn giáo khác nhau, bức xúc khác nhau và mang trên thân thể những thương tích khác nhau, nhưng chỉ có một đất nước để cùng lo gánh vác. Đất nước phải vượt qua những hố thẳm đói nghèo lạc hậu và đi lên cùng nhân loại. Không ai có quyền bắt đất nước phải đau nỗi đau của mình hay bắt đất nước phải đi ngược chiều kim lịch sử như mình đang đi lùi dần vào quá khứ.
Sức mạnh của dân tộc VN không nằm trong tay thiểu số lãnh đạo đảng Cộng Sản VN. Tương lai dân tộc không nằm trong tay thiểu số lãnh đạo đảng Cộng Sản VN. Sinh mệnh dân tộc VN do chính nhân dân VN quyết đi.nh. Và do đó, con đường chung để đến một điểm hẹn lịch sử huy hoàng cho con cháu, chính là con đường dân tộc và không có một con đường nào khác.
Trần Trung Đạo

Wednesday, April 29, 2009

Bùn đỏ: là nguy cơ hiện hữu lớn nhất
Một hồ chứa bùn đỏ ở Ấn Độ từ khai thác bô - xít (ảnh: redmud.org)

HÃY CỨU LẤY TÂY NGUYÊN

KHỎI THẢM HOẠ BAUXITE ĐỎ”
- Lm. Lê Quang Uy - 24/04/2009

“HÃY CỨU LẤY TÂY NGUYÊN KHỎI THẢM HOẠ BAUXITE ĐỎ”
Sách Công Vụ Tông Đồ, bài đọc thứ nhất Chúa Nhật thứ 3 Mùa Phục Sinh năm B này có một đoạn làm chúng tôi bàng hoàng. Ông Phêrô một hôm đang ở giữa đám đông đồng bào Do Thái của mình, đã lên tiếng rất mạnh, lật lại vụ án Chúa Giêsu, cật vấn dân Do Thái: “...Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Chính, mà lại xin ân xá cho một tên sát nhân. Anh em đã giết chính Đấng khơi nguồn Sự Sống...” ( x. Cv 3, 15 ).
Không phải đay nghiến chì chiết, nhưng xét ra, lại là một lời da diết với mọi người, với cả chính Phêrô, như thể bản thân Phêrô cũng đã gián tiếp đồng loã trong cái chết oan ức bi thảm của Chúa Giêsu. Mà như thế, Phêrô đâu chỉ nói với dân Do Thái ngày xưa cách đây gần hai ngàn năm, nói với cả chúng ta hôm nay nữa đấy chứ !
Chúng tôi đặc biệt thấm thía cái cách ông Phêrô nói về Chúa Giêsu: “Đấng khơi nguồn Sự Sống”. Và chúng tôi xin vận dụng luôn cụm từ này để đặt vấn đề nóng hổi ngày hôm nay, ngay trên đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta, liên quan đến “Bauxite Đỏ.
Không lúc nào thế giới nói nhiều đến môi trường như lúc này. Chẳng phải chuyện đùa hay xa vời viển vông nữa rồi: Trái đất của chúng ta đang trở thành một... trái đắng ! Hành tinh xanh của chúng ta đang bị đổi thành hành tinh xám ! Môi trường sinh thái thân thiện của chúng ta đang biến thành một môi trường gây tử vong. Hội Thánh Công Giáo sau nhiều năm thận trọng cũng đã lên tiếng chỉ rõ việc phá hoại môi trường chính là một tội trọng.
Trước vấn nạn “Bauxite đỏ”, chúng tôi đọc được trong Học Thuyết Xã Hội của Hội Thánh Công Giáo, một công trình có rất nhiều tâm huyết của Đức cố Hồng Y PX. Nguyễn Văn Thuận, rằng:
“…Con người không được sử dụng trái đất cách tùy tiện, bắt nó tùng phục ý muốn của mình một cách không giới hạn, như thể nó không có những yêu cầu riêng và không có một mục tiêu mà Chúa đã ban cho từ trước, một mục tiêu mà con người thật sự có thể triển khai ra nhưng không được phép phản bội. Khi hành động như thế, con người thay vì thi hành vai trò của người cộng tác với Chúa trong công trình sáng tạo, sẽ tự đặt mình thay thế Chúa và rốt cuộc làm cho thiên nhiên phản lại, vì đã hành hạ hơn là cai trị thiên nhiên” ( trang 319 ).
Quả như thế, phá huỷ môi trường, đối với cộng đồng thế giới là một tội ác, đối với người Công Giáo là một tội trọng. Mà tội trọng chính là tội chống lại Thiên Chúa, chống lại Sự Sống, tội giết chính “Đấng đã khơi nguồn Sự Sống”.
Ở Việt Nam, bao nhiêu năm nay người ta cứ lải nhải tuyên truyền, ấn vào đầu óc mấy thế hệ liên tiếp thời hậu chiến cái luận điệu rằng thì là: đất nước mình còn nghèo, còn đang phải ra sức và từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh.
Thế là người ta “tranh thủ” bóc lột đất đai với những kiểu xen canh, thâm canh tăng vụ hết năm này đến năm khác, làm bạc màu, làm kiệt sức biết bao nhiêu ruộng đất tự bao đời vẫn hào phóng dâng hiến cho chúng ta những hạt ngọc, những hoa trái quý giá.
Người ta biến hàng vạn mẫu thổ canh đang nuôi sống người nông dân nghèo thành những sân golf khổng lồ, rồi rào lưới B40 lại, chỉ dành riêng cho khách ngoại quốc và giới quan chức giàu có đến mà chơi trò học làm sang.
Người ta khuyến khích phá đê ngăn mặn để lấy nước vào hồ nuôi tôm tăng lãi suất để rồi tôm thì chết mà cả một vùng đồng bằng bao la ngày xưa phải khắc phục “ngọt hoá” 50 năm nữa may ra mới trồng lại được cây lúa.
Người ta cho các đội tàu thuyền lớn nhỏ của quốc doanh tung hoành khắp các vùng lãnh hải gần bờ xa khơi, đánh bắt các loại cá vô tội vạ bằng đủ thứ phương tiện, đủ thứ phương cách đến nỗi biển... cạn, biển... khóc, cá thì tuyệt chủng !
Người ta mở ra những xa lộ hiện đại dọc theo chiều dài đất nước bằng một đầu óc duy ý chí, đã tốn kém tỷ tỷ, không ngờ còn phá huỷ vành đai rừng phòng hộ đầu nguồn, khiến những vùng đất bên dưới vốn đã cằn cỗi nay lại phải chịu thêm hết lũ đá lại đến hạn hán kinh hoàng.
Người ta nhắm mắt làm ngơ cho những Công ty nước ngoài tha hồ xả nước thải khí độc, gây ô nhiễm những con sông dài đang là cơ may mưu sinh cho người dân nghèo, gây bụi mù xám xịt cả một vùng trời, chết chim, héo cây và ngộ độc phổi cấp cho trẻ em và người già.
Và hai năm nay thì người ta đã ngang nhiên háo hức, hồ hởi bán đứng Tây Nguyên – nóc nhà Đông Dương – cho việc khai thác Bauxite Đỏ. Người dân tộc thiểu số khốn khổ đã phải ngơ ngác thiên di đi nơi khác, nhường chỗ cho hàng ngàn công nhân Trung Quốc được nhập khẩu ồ ạt. Đất Tây Nguyên đang chảy những dòng nước lầy nhầy đất đỏ, mà dân Việt cũng bắt đầu chảy máu đỏ sau những cuộc xô xát với kẻ cướp đội lốt anh em láng giềng.
Nhiều bài viết đã phân tích những thảm kịch về khoa học, về đời sống, về văn hoá, cả về chủ quyền lãnh thổ... Chúng tôi không dám lạm bàn thêm, nhưng xin được đứng ở góc độ một người Công Giáo, lấy ánh sáng Tin Mừng rọi vào, làm bật lên những lời cảnh báo. ( Ảnh minh hoạ một hồ chứa bùn đỏ khai thác Bauxite tại Ấn Độ )
Vâng, chúng tôi xin được lập lại điều đã nêu từ đầu, đây là một lời cảnh báo, bây giờ và nơi đây ( now and here ) cho chính Hội Thánh Công Giáo Việt Nam chúng ta, chính là: “Người ta đang giết Đấng đã khơi nguồn Sự Sống”.
Tại sao chúng tôi lại dám nói như thế ? Thưa, vì khi người ta vô thần, không chịu tin vào Thiên Chúa thì người ta có thể làm đủ thứ chuyện bậy bạ tồi tệ. Người ta đâu còn tiêu chuẩn nào để lượng định thiện – ác, tốt – xấu. Lương tâm trở thành từ ngữ xa lạ. Lòng thương xót trở thành điều hiếm hoi, thậm chí... có điên mới nói chuyện thật thà lương thiện vào thời buổi này !
Khi lo Mục Vụ Bảo Vệ Sự Sống, chúng tôi từng nhận ra: khi người ta chủ trương hợp pháp hoá phá thai thì không còn gì để nói nữa, đã thản nhiên giết chết các bé thai nhi thì người ta cũng có thể phạm bất cứ tội ác kinh hoàng nào trên đời. ( Ảnh xe cơ giới Trung Quốc đang khai thác Bauxite tại tỉnh Đaknông )
Thì ở đây cũng vậy, một khi người ta đã không chấp nhận tự do tín ngưỡng, tìm mọi cách trù giập các tôn giáo tử tế, thì làm gì còn có chỗ cho Lòng Tin vào một Thượng Đế, một Thiên Chúa, Đấng khơi nguồn Sự Sống cho chính bản thân họ đang được sống, đang sử dụng chính Sự Sống ấy mà chống lại Thiên Chúa. Và từ đó, mọi quyết định vận hành kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục của đất nước này dần dần trở nên hỗn loạn, vô đạo đức, mất tích lương tri !
DCCT Thái Hà mấy ngày nay xôn xao chuyện Hồ Ba Giang lại đang bị ngang nhiên xâm phạm. Vẫn chẳng phải chuyện giành lại sở hữu một cái ao, một vuông đất, mà chính yếu vẫn là đòi Công Lý và Sự Thật phải sáng tỏ cho bằng được, đừng có ai tham lam mờ mắt mà dại dột thò tay vào xà xẻo, chia chác, tư túi, cho dù hậu thuẫn phía sau là đủ loại binh chủng khủng bố và vũ khí bạo lực. Và, may quá, nhạy cảm quá, người Công Giáo Hà Nội cũng đã thức tỉnh trong cả chuyện “Bauxite Đỏ”, lời ca Kinh Hoà Bình của họ cũng đang đòi “đem an hoà vào nơi tranh chấp”.ngọn nến nhỏ xíu trên tay họ không chỉ rọi vào khu Hồ Ba Giang mà còn trở thành những ngọn đuốc rực sáng cả vùng Tây Nguyên đang mịt mù tối tăm vì bụi đỏ cường quyền.
Lúc này đây, tuy đã chậm trễ lắm rồi, chúng tôi vẫn muốn kêu to lên với phía Công Giáo chúng ta, với các vị Giám Mục, các Linh Mục, các Tu Sĩ các Dòng và nhất là với tất cả anh chị em Giáo Dân thân yêu của mọi miền đất nước. Chúng ta là người Công Giáo, chúng ta không thể cứ mãi ở bên lề cuộc sống quê hương trong sự e ngại, do dự. Chúng ta không thể cứ mãi chờ đợi lẫn nhau mà không ai dám quyết định một việc gì thiết thực và can đảm. Chẳng lẽ chỉ vì sợ bóng sợ vía một cái gì đấy mà chúng ta lại không sợ điều đáng phải sợ hơn cả, đó là tiếng lương tâm, tiếng nói của Chúa Thánh Thần.
( Dự án khai thác Bauxite tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, không khí và biến đổi môi trường, khí hậu. Ảnh lấy từ nguồn http://vietnamnet.vn/xahoi/2008/10/810281/ )
Chúng ta biết nhiều tội ác đã và đang hoành hành trên quê hương chúng ta. Phá thai mấy triệu ca một năm suốt nhiều năm qua. Chúng ta đã im lặng. Nay Bauxite Đỏ có tác hại đến Sự Sống con người ra sao, chúng ta đọc và nghe hết, hiểu hết. Chúng ta lại vẫn im lặng. Và như thế chúng ta cũng sẽ rơi vào bi kịch đồng loã với thế gian độc ác, với những kẻ muốn giết chính “Đấng đã khơi nguồn Sự Sống” !
Chúng tôi thấy các nhà trí thức, đa số ở Hà Nội, đã cùng với giáo sư Nguyễn Huệ Chi, viết một kiến nghị, lấy chữ ký mấy trăm kỹ sư, bác sĩ, giáo sư, nhà văn, nhà thơ, nhà báo để gửi cho nhà cầm quyền, đòi ngưng lại mọi sự đang diễn ra ở hai tỉnh Đăknông và Lâm Đồng.
Phải có một kiến nghị của phía Hội Thánh Công Giáo nữa chứ, mặc dù chúng ta dư biết có “kiến” cách mấy thì người ta cũng chẳng thèm “nghị” đâu, nhưng ít ra đây sẽ là tiếng nói của chính lương tâm chúng ta, những người đang tin vào “Đấng đã khơi nguồn Sự Sống” để Sự Sống thiêng liêng ấy không bị làm cho tổn thương trên quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta. Nó cho thấy người Công Giáo Việt Nam cùng trăn trở xót xa với vận mệnh của quê hương và dân tộc.
Chúng tôi kính mong, tiếng kêu này của chúng tôi được mọi người mạnh dạn hưởng ứng. Xin quý Đức Cha, quý Cha, quý nam nữ Tu Sĩ và anh chị em Giáo Dân gần xa, đừng vì chúng tôi chỉ là một Linh Mục quèn của một Hội Dòng thường bị cho là cấp tiến, mà đành bỏ qua không muốn nghe tiếng kêu của chúng tôi.
Chúng tôi chọn cách nói: “HÃY CỨU LẤY TÂY NGUYÊN KHỎI THẢM HOẠ BAUXITE ĐỎ”. Xin gửi ngay về địa chỉ Mail: http://us.mc461.mail.yahoo.com/mc/compose?to=ttmvcssr@gmail.com chúng tôi sẽ cập nhật liên tục trên các websites của chúng tôi như http://www.trungtammucvudcct.com/http://www.dcctvn.net/ và mời gọi các websites khác có thể đăng tải lại cho rộng đường dư luận.
Lm. QUANG UY, DCCT, thứ bảy 25.4.2009
Tái bút:
Sau hơn 8 giờ đồng hồ gửi lời kêu gọi qua Mail và Blog, chúng tôi đã nhận được hơn 60 ghi danh hưởng ứng từ khắp mọi miền đất nước và cả các quốc gia khác nữa. Chúng tôi đã bắt đầu gửi lên các websites để đánh động được dư luận mạnh hơn và rộng hơn. Thật bất ngờ và xúc động, chúng tôi cũng nhận được một số phản hồi muốn vấn đề được lan nhanh đến cả những anh chị em không Công Giáo nữa. Xin chân thành biết ơn sự hiệp thông quý giá này. Vậy chúng tôi xin đưa ra mẫu ghi danh đầy đủ các chi tiết như sau:
Tên Thánh ( nếu có ) – Họ và tên – Nghề nghiệp – Nơi đang sống hoặc quê quán – Quốc gia.
CÙNG NHAU GHI DANH “HÃY CỨU LẤY TÂY NGUYÊN KHỎI THẢM HOẠ BAUXITE ĐỎ”
01. Giuse Lê Quang Uy, Linh Mục DCCT, Sàigòn, VN 02. Giuse Nguyễn Tuấn Chinh, thuyền phó, Sàigòn, VN 03. Phêrô Phaolô Bùi Quang Duy, nhân viên, Sàigòn, VN 04. Maria Chu Thị Thu, nhân viên, Hà Tây, VN 05. Phaolô Nguyễn Đặng Huy Khánh, nhân viên, Sàigòn, VN 06. Catarina Nguyễn Thị Tuyết Xuân, giáo viên, Sàigòn, VN 07. Agata Nguyễn Thị Ly Phương, sinh viên, Sàigòn, VN 08. Têrêsa Nguyễn Thị Tú Anh, nhân viên, Sàigòn, VN 09. Agata Võ Lê Huỳnh Anh, học sinh, Sàigòn, VN 10. Giuse Vũ Quốc Tú, nhà báo, Sàigòn, VN 11. Phêrô Trần Văn Huy, sinh viên, Đăklăk, VN 12. Phanxicô Đỗ Quý Khoa, nhân viên, Sàigòn, VN 13. Têrêsa Dương Ngọc Sương Mai, sinh viên, Sàigòn, VN 14. Dự tòng Lê Ngọc Hồ Điệp, kế toán viên, Sàigòn, VN 15. Phaolô Huỳnh Đức Duy, thiết kế tin học, Sàigòn, VN 16. Giuse Nguyễn Đại Phú, nhân viên, Sàigòn, VN 17. Maria Nguyễn Quỳnh Như, nhân viên, Sàigòn, VN 18. Maria Đỗ Tú Loan, thiết kế nữ trang, Calw, Đức Quốc 19. Giuse Nguyễn Vĩnh Thành, kỹ sư, Sàigòn, VN 20. Gioan Nguyễn Hoàng Long, giáo viên, Sàigòn, VN 21. Maria Nguyễn Hoàng Mộng Diễm, giáo viên, Sàigòn, VN 22. Maria Nguyễn Thị Thu Hồng, nhân viên kỹ thuật, Sàigòn, VN 23. Phêrô Nguyễn Thái Long, nghề tự do, Sàigòn, VN 24. Maria Dương Ngọc Thảo, sinh viên, Sàigòn, VN 25. Maria Vũ Minh Hà, nhân viên, Sàigòn, VN 26. Têrêsa Lương Thị Trang Đài, nhân viên, Sàigòn, VN 27. Maria Nguyễn Thị Thu Quỳnh, sinh viên, Hà Nội, VN 28. Đaminh Đinh Quang Minh, tài xế, Sàigòn, VN 29. Giêrađô Nguyễn Nhất Nguyên, kỹ sư, Sàigòn, VN 30. Lêô Lê Vi Hạ, sinh viên, Sàigòn, VN 31. Anđrê Nguyễn Xuân Vương, sinh viên, Sàigòn, VN 32. Simôn Đoàn Quang Nam, sinh viên, Sàigòn, VN 33. Maria Đoàn Thị Thiên Lý, sinh viên, Sàigòn, VN 34. Maria Nguyễn Ngọc Dung, du học sinh, Melbourne, Úc 35. Giuse Trịnh Ngọc Hiên, Linh Mục DCCT, Sàigòn, VN 36. Phaolô Trần Đào Ngọc Tâm, nhân viên, Sàigòn, VN 37. Têrêsa Nguyễn Thuỳ Ngọc Thảo, nhân viên, Sydney, Úc 38. Phaolô Mai Liên Khương, giáo viên, Đồng Nai, VN 39. Catarina Chế Ngọc Bích, nhân viên, Sàigòn, VN 40. Giuse Võ Minh Thành, bán hàng, Sàigòn, VN 41. Maria Anna Ng. Thanh Bích Trâm, công nhân viên, Sàigòn, VN 42. Damasus Trần Quốc Thiên Ân, kỹ sư tin học, Sàigòn, VN 43. Mađalêna Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, điều hành du lịch, Nha Trang, VN 44. PX. Martinô Lý Hải Triều, học sinh, Sàigòn, VN 45. Gioan Nguyễn Lê Thành Nhân, kỹ sư tin học, Sàigòn, VN 46. Giuse Phạm Tuấn Anh, kỹ sư tin học, Sàigòn, VN 47. Maria Đỗ Thị Thanh Hiên, Nữ tu Dòng Đaminh, Nam Định, VN 48. Anna Ngô Hồng Vy, nhân viên, Bình Phước, VN 49. Maria Vũ Thu Thuỷ, nhân viên, Sàigòn, VN 50. Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh, Linh Mục Dòng Phanxicô, Sàigòn, VN 51. GB. Trần Kim Thông, từ thiện xã hội, Kontum, VN 52. Giuse Trần Kim Bảo Phúc, nhân viên, Sàigòn, VN 53. Clara An Phong Hồ Thị Quỳnh Như, nhân viên, Sàigòn, VN 54. Giuse Hoàng Đức Trọng, sinh viên, Sàigòn, VN 55. Augustin Phạm Sơn Hà, Linh Mục Biển Đức, Augsburg, Đức Quốc 56. Giuse Đinh Hữu Thoại, Linh Mục DCCT, Sàigòn, VN 57. Nicôla Nguyễn Phúc Cường, Sàigòn, VN 58. Giuse Nguyễn Hoàng Mẫn, xây dựng, Khánh Hoà, VN 59. Dự Tòng Tạ Phong Tần, luật sư, Sàigòn, VN 60. Maria Vũ Thị Yên, đang học nghề y tá, Santa Ana, Cali, Hoa Kỳ 61. Giuse Đinh Xuân Long, Linh Mục Giáo Phận Charlotte, North Carolina, Hoa Kỳ 62. Têrêsa Phạm Thị Hồng Hảo, nhân viên xã hội, Garden Grove, Cali, Hoa Kỳ 63. Maria Nguyễn Thị Linh Ngọc, sinh viên, Sàigòn, VN 64. Phaolô Nguyễn Huỳnh Hưng, nhân viên tin học, Sàigòn, VN 65. Augustin Đan Phú Thịnh, luật sư, Sàigòn, VN 66. Giuse Hồ Đắc Tâm, Linh Mục DCCT, đi học, Paris, Pháp 67. Đặng Sỹ Cường, nhân viên xã hội, Garden Grove, Cali, Hoa Kỳ 68. Nguyễn Thị Kim Vĩnh, giữ trẻ, Garden Grove, Cali, Hoa Kỳ 69. Đặng Scott, buôn bán, Garden Grove, Cali, Hoa Kỳ 70. Nguyễn Thị Phương, buôn bán, Garden Grove, Cali, Hoa Kỳ 71. Đặng Quốc Huy, nha sĩ, Garden Grove, Cali, Hoa Kỳ 72. Đặng Quốc Thái, nha sĩ, Garden Grove, Cali, Hoa Kỳ 73. Nguyen Tammy, Garden Grove, Cali, Hoa Kỳ 74. Đặng Quốc An, Garden Grove, Cali, Hoa Kỳ 75. Ha July, Garden Grove, Cali, Hoa Kỳ 76. Đặng Quốc Bình, luật sư, Garden Grove, Cali, Hoa Kỳ 77. Lê Quỳnh Hoa, Garden Grove, Cali, Hoa Kỳ 78. Đặng Quốc Hoà, kỹ sư tin học, Garden Grove, Cali, Hoa Kỳ 79. Cindy, Garden Grove, Cali, Hoa Kỳ 80. Antôn Vũ Cát Long, hưu trí, Santa Ana, Cali, Hoa Kỳ 81. Anna Bùi Thị Dân, thủ công, Santa Ana, Cali, Hoa Kỳ 82. Phêrô Vũ Anh Hiếu, nhân viên vận chuyển, Santa Ana, Cali, Hoa Kỳ 83. Christina Vũ Hạnh, giáo viên, Santa Ana, Cali, Hoa Kỳ 84. Samantha Vũ Hiên, y tá, Santa Ana, Cali, Hoa Kỳ 85. Giuse Maria Trần Đình Văn, Garden Grove, Cali, Hoa Kỳ 86. Nguyễn Minh Quang, giáo viên, Đồng Nai, VN 87. Đaminh Bùi Trọng Biên, Tu Sĩ Dòng Ngôi Lời, Bonn, Đức Quốc 88. Maria BTM, Úc 89. Phaolô Lý Thanh Trực, Goettingen, Đức Quốc 90. Dominic Hoang, kỹ thuật viên hàng không, Dallas, Hoa Kỳ 91. Giuse Nguyễn Văn Thắng, hưu trí Sydney, Úc 92. Phaolô Nguyễn Phúc, xây dựng, Kontum, VN 93. Phaolô Nguyễn Hữu Tạo, giáo viên, Phan Thiết, VN 94. Maria Lưu Thị Ngọc Dung, hưu trí, Sàigòn, VN 95. Tôma Nguyễn Đình Hoàn, nhân viên, Sàigòn, VN 96. Phêrô Ngô Văn Chiên, Bình Dương, VN 97. Nguyễn Duy Tường Hưng, Sàigòn, VN 98. Giêrađô Vũ Phước Thiên, nhân viên văn phòng, Sàigòn, VN 99. Phaolô Nguyễn Văn Sĩ, dịch vụ, Lâm Đồng, VN 100. Antôn Nguyễn Văn Dũng, Linh Mục DCCT, Hà Nội, VN 101. Vinh Sơn Nguyễn Văn Trung, kỹ sư, Sàigòn, VN 102. Giuse Phạm Công Phúc, sinh viên bằng 2, Sàigòn, VN 103. Anh Tran, học sinh, Hoa Kỳ 104. Gioan Nguyễn Ngọc Tâm, Nghệ An, VN 105. Nguyễn Thanh Liêm, Hiền Tài Cao Đài, San Jose, Cali, Hoa Kỳ 106. GB. Hồ Vĩnh Trực, kỹ thuật viên vi tính, Sàigòn, VN 107. Maria Têrêsa Mai Hồng Trang, học sinh, Sàigòn, VN 108. GB. Nguyễn Trường Giang, chuyên viên kế hoạch, Bắc Ninh, VN 109. Tôma Huỳnh Thế Vinh Hiển, nhân viên, Sàigòn, VN 200. Giuse Nguyễn Quang Trí, sinh viên, Sàigòn, VN 201. Maria Nguyễn Thị Đan Chiêu, Đồng Nai, VN 202. Maria Nguyễn Vũ Hồng Phúc, sinh viên, Hoa Kỳ 203. Maria Nguyễn Dung, Sàigòn, VN 204. Têrêsa Trần Cẩm Hường, nhân viên, Đăklăk, VN 205. Phaolô Nguyễn Tiến Hiệp, Sàigòn, VN 206. Têrêsa Phạm Thị Thanh Mai, trợ lý giám đốc, Sàigòn, VN 207. Giuse Đào Trọng Huấn, tu sĩ Dòng Thánh Phanxicô, Nha Trang, VN 208. Trần Ngọc Tá, Sydney, Úc 209. Têrêsa Bùi Phước Khánh Linh, buôn bán, Sài-gòn, VN 210. Phanxicô Xaviê Đỗ Cao Huệ, nhân viên, Sàigòn, VN 211. Têrêsa Võ Thị Kim Liên, hưu trí, Sàigòn, VN 212. Maria Hồng Ngọc Phương Thảo, Sàigòn, VN 213. Maria Nguyễn Thị Vân Anh, kế toán viên, Sàigòn, VN 214. Phanxicô Toan Nguyen, Nashua, New Hampshire, Hoa Kỳ 215. Nguyễn Văn Thuyết, Sàigòn, VN 216. Maria Lưu Ngọc Điệp, công nhân viên, Vũng Tàu, VN 217. Catarina Phạm Thị Ngọc, giáo viên, Sàigòn, VN 218. Đaminh Lê Đình Du, Linh Mục, Huế, VN 219. Giuse Nguyễn Anh Tuấn, kỹ sư, Sàigòn, VN 220. Giuse Lê Giang, nhân viên, Sàigòn, VN 221. Phêrô Trần Văn Thanh, Linh Mục, Bà Điểm, Sàigòn, VN 222. Giuse Nguyễn Thành Tâm, kỹ sư tin học, Perth, Úc 223. Gioakim Ngô Quang Thanh, VN 224. Têrêsa Hồ Hồng Vân, kỹ sư, Cali, Hoa Kỳ 225. Têrêsa Phạm Thanh Nga, Biên Hoà, VN 226. Phaolô Lê Xuân Lộc, Linh Mục DCCT, Sàigòn, VN 227. Gioakim Nguyễn Chí Công, Linh Mục DCCT, Hà Nội, VN 228. Giuse Đinh Tiến Đức, Linh Mục DCCT, Hà Nội, VN 229. Phêrô Nguyễn Văn Khải, Linh Mục DCCT, Hà Nội, VN 230. GB. Hồ Quang Lâm, Linh Mục DCCT, Hà Nội, VN 231. Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong, Linh Mục DCCT, Hà Nội, VN 232. PX. Nguyễn Kim Phùng, Linh Mục DCCT, Hà Nội, VN 233. Mátthêu Vũ Khởi Phụng, Linh Mục DCCT, Hà Nội, VN 234. Giuse Nguyễn Văn Phượng, Linh Mục DCCT, Hà Nội, VN 235. Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, Linh Mục DCCT, Hà Nội, VN 236. Đaminh Cao Thành Thái, Linh Mục DCCT, Hà Nội, VN 237. Giuse Nguyễn Văn Thật, Linh Mục DCCT, Hà Nội, VN 238. Antôn Nguyễn Văn Tặng, Tu Sĩ DCCT, Hà Nội, VN 239. Giuse Võ Văn Tuệ, Tu Sĩ DCCT, Hà Nội, VN 240. Gioan Phạm Anh Tú, kỹ sư Vật Lý, Sàigòn, VN 241. GB. Trần Văn Cảo, nhà báo, Cali, Hoa Kỳ 242. Đaminh Trần Ngọc Vân, nhà văn, Cali, Hoa Kỳ 243. Antôn Phạm Tất Hanh, nhà báo, Cali, Hoa Kỳ 244. Đaminh Nguyễn Mạnh Thường, nhà báo, Cali, Hoa Kỳ 245. Têrêsa Nguyễn Lâm Hương, nhà báo, Cali, Hoa Kỳ 246. Maria Têrêsa Trần Thị Phước, nhà báo, Cali, Hoa Kỳ 247. Maria Têrêsa Trần Ngọc Hồng Châu, nhà báo, Cali, Hoa Kỳ 248. Đaminh Trần Quốc Châu, nhà báo, Cali, Hoa Kỳ 249. Đaminh Trần Mạnh Hà, nhà báo, Cali, Hoa Kỳ 250. Giuse Phạm Bá Cát, bác sĩ, Cali, Hoa Kỳ 251. Đaminh Đoàn Chính Trực, bác sĩ, Cali, Hoa Kỳ 252. GB. Đoàn Thanh Liêm, nhà văn, Cali, Hoa Kỳ 253. Maria Têrêsa Trần Ngọc Huyền Châu, Cali, Hoa Kỳ 254. Maria Têrêsa Trần Diễm Châu, Texas, Hoa Kỳ 255. Nguyễn Xuân Khoa, giáo viên, Nghệ An, VN 256. Vinh Sơn Phạm Thế Điềm, kỹ sư, Hà Nội, VN 257. Micae Cao Tuấn Chu, kỹ sư, Hoa Kỳ 258. Maria Đỗ Thị Thu Hằng, nhân viên, Hà Nội, VN 259. Maria Nguyễn Thị Ngọc Ánh, học sinh, Hà Nội, VN 260. Anna Nguyễn Thu Trang, học sinh, Hà Nội, VN 261. Nguyễn Ngọc Mai, công nhân, Hà Nội, VN 262. Maria Nguyễn Thị Hương, hưu trí, Hà Nội, VN 263. Maria Đỗ Minh Hoa, sinh viên, Hà Nội, VN 264. Phêrô Đỗ Huy Hùng, hưu trí, Hà Nội, VN 265. Cecile Võ Phi Yến, Los Angeles, Cali, Hoa Kỳ 266. Agnes Vũ Thị Vĩnh, nhân viên văn phòng, Sàigòn, VN 267. Maria Phạm Thị Mến, nhân viên xã hội, Sàigòn, VN 268. Maria Đàm Thị Thu Ngân, tu sĩ, Sàigòn, VN 269. Maria Mai Thị Thu Hòa, buôn bán, Sàigòn, VN 270. Cecile Vũ Thị Hằng, nhân viên nhà hàng, Sàigòn, VN 271. Cecile Nguyễn Cát Thu, nhân viên văn phòng, Sàigòn, VN 272. Giuse Nguyễn Văn Sơn, lương y, Sàigòn, VN 273. Raphael Nguyễn Hồng Hải, buôn bán, Sàigòn, VN 274. Martino Nguyễn Hồng Phúc, nhân viên Ngân hàng, Sàigòn, VN 275. Stephan Phạm Minh Công, giáo viên, Pleiku, Gia Lai 276. Giuse Phạm Văn Trí, quản lý, Hà Nội, VN 277. Augustin Lê Văn Thu, nghề tự do, Sàigòn, VN 278. Vinh Sơn Phạm Văn Trường, nhân viên, Hà Nội, VN 279. Gioan Phạm Văn Thiện, Internet, Sàigòn, VN 280. Gioan Phạm Văn Cảnh, nhân viên, Hà Nội, VN 281. Giuse Phạm Nguyễn Quang Minh, học sinh, Hà Nội, VN 282. Anna Nguyễn Thị Kim Lan, doanh nhân, Đồng Nai, VN 283. Giuse Đinh Xuân Tín, giáo viên, Sàigòn, VN 284. Têrêsa Vũ Ngọc Vy An, sinh viên, Texas, Hoa Kỳ 285. GB. Vương Văn Bản, sinh viên, Indiana, Hoa Kỳ 286. Agnes Nguyễn Thị Hợp Nguyễn, nhân viên, Sàigòn, VN 287. Phaolô Đỗ Trí Phong, Lâm Đồng, VN 288. Maria Trần Phạm Quế Trân, sinh viên, Sàigòn, VN 289. Têrêsa Đoàn Thuỵ Nguyên Thảo, nhân viên, Sàigòn, VN 290. Giuse Nguyễn Trung Hiếu, nhân viên, Đà Nẵng, VN 291. Nguyễn Ngọc Trung, nhân viên đồ hoạ, Vĩnh Long, VN 292. Angela Trần Hoàng Thiên Hương, nhân viên, Pleiku, Gia Lai, VN 293. Têrêsa Nguyễn Thị Ngọc Anh, sinh viên, Sàigòn, VN 294. Maria Trần Thị Lan Mai, học sinh, Sàigòn, VN 295. GB. Nguyễn Đỗ Hoàng Vũ, kỹ sư xây dựng, Sàigòn, VN 296. GB. Lê Đức Minh, Huế, VN 297. Têrêsa Nguyễn Thị Huê, Chicago, Hoa Kỳ 298. Phanxicô Lê Minh Hải, học sinh, Huế, VN 299. Phaolô Lê Minh Dương, học sinh, Huế, VN 300. Anna Maria Lê Trương Cẩm Uyên, sinh viên, Sàigòn, VN 301. Lucia Tạ Thanh Lan, chuyên viên, Sàigòn, VN 302. Vinh Sơn Trịnh Minh Đức, nông dân, Đà Lạt, VN 303. Gioan Nguyễn Xuân Trường, Tuyên Quang, VN 304. Maria Nguyễn Thị Mai, Tuyên Quang, VN 305. Giuse Nguyễn Minh Hùng, chuyên viên IT, Sàigòn, VN 306. Maria Mađalêna Trần Kim Liên, Houston, Texas, Hoa Kỳ 307. Anrê Đỗ Anh Tài, cựu giáo chức, Cali, Hoa Kỳ 308. Phaolô Nguyễn Văn Hồng, thủ kho, Sàigòn, VN 309. PX. Lê Nguyễn Hùng, sinh viên, Sàigòn, VN 310. Antôn Trương Đình Công Vũ, sinh viên Sàigòn, VN 311. Gioan Nguyễn Xuân Lộc, chuyên viên kinh tế, Sàigòn, VN 312. Giuse Nguyễn Văn Lợi, Jacksonville, Florida, Hoa Kỳ 313. Têrêsa Nguyễn Thị Thanh, Jacksonville, Florida, Hoa Kỳ 314. Antôn Đinh Văn Hùng, nông dân, Đăklăk, VN 315. Maria Thân Thị Bạch Tuyết, thợ may, Đăklăk, VN 316. Bênêđitô Nguyễn Ty, bác sĩ thú y, Ninh Thuận, VN 317. Têrêsa Mai Nguyen, giáo viên, Worcester, MA, Hoa Kỳ 318. Giuse Tôn Đức Trình, giáo viên, Hà Tĩnh, VN 319. Anna Nguyễn Thị Thu Cúc, cựu giáo viên, Houston, Texas, Hoa Kỳ 320. Tôma Lê Vũ, Hoa Kỳ 321. Joseph T. Cao, kỹ thuật viên, Raleigh, North Carolina, Hoa Kỳ 322. Maria Trần Mai Hiên, nhân viên văn phòng, Hà Nội, VN 323. Augustin Hoàng Văn Thiện, nhân viên, Sàigòn, VN 324. Phêrô Vũ Văn Niên, chuyên viên tiếp thị, Vũng Tàu, VN 325. Phêrô Nguyễn Văn Hùng, Linh Mục, Taoyuan, Bade, Đài Loan 326. Phanxicô Đặng Phước Hòa, Linh Mục DCCT, Tiệp Khắc 327. Phêrô Nguyễn Đình Đoài, nhân viên, Sàigòn, VN 328. Clara Nguyễn Thị Thu Hà, Phoenix, Arizona, Hoa Kỳ 329. Antôn Nguyễn Phúc Thọ, Paris, Pháp 330. GB. Nguyễn Bửu Khánh, Linh Mục Giáo Phận Xuân Lộc, VN 331. Phêrô Lê Dân Việt, bác sĩ, Cali, Hoa Kỳ 332. Clemente Thịnh Đức Nguyễn, chuyên viên tin học, Sàigòn, VN 333. Văn Thu Minh, chuyên viên tiếp thị, Bà Rịa – Vũng Tàu, VN 334. Giuse Lê Hoàng Anh, sinh viên, Đồng Nai, VN 335. Phêrô Lê Viêt Đức, kinh doanh, Santa Ana, Cali, Hoa Kỳ 336. An Phong Trần Ngọc Tá, nhà báo, Sydney, Úc 337. Catarina Đàm Thị Mai, công chức, Sydney, Úc 338. Antôn Trần Đàm Việt Quốc, luật sư, Sydney, Úc 339. Phaolô Trần Đàm Thiên Ân, kỹ sư IT, Sydney, Úc 340. Augustin Tôn Thế Sự, Linh Mục Giáo Phận Xuân Lộc, Đồng Nai, VN 341. GB. Trần Văn Ngọc, công nhân, Nhật Bản 342. Ambroise Lê Thị Tuyết Chinh, Medical Assistant, Hoa Kỳ 343. Phêrô Lưu Mạnh Kiệt, nhân viên, Sàigòn, VN
343 người đã ghi danh sau đúng 1 ngày, tính từ 15g30 chiều thứ sáu 24.4.2009 tới 15g30 chiều ngày thứ bảy 25.4.2009 theo giờ Việt Nam ( Còn tiếp )