Tuesday, December 21, 2010

NGƯỜI LÍNH ẤY CỦA TÔI…

MINH HÒA


Tôi quen anh năm 17 tuổi, khi còn cắp sách đến trường. Lúc ấy anh là sinh viên sĩ quan năm thứ ba,hai mươi tuổi đời, nhưng dạo đó trong mắt tôi anh thật chững chạc, lại tài hoa, và cũng không thiếu… si mê.

Anh nhất định đòi cưới tôi ngay sau khi ra trường, nói rằng Thầy Mẹ anh sẽ ưng ý, không thể phản đối. Tôi hình như có hơi ngạc nhiên và hơi… sợ sợ, vì tuổi 18, 19 thời đó còn nhỏ lắm, chẳng biết gì, chỉ biết rằng tôi hình như cũng… yêu anh nhiều lắm. Tôi còn nhớ, tuy còn nhỏ và ngây thơ lắm, nhưng những ngày giữa năm thứ tư của anh, từng đêm tôi đã thổn thức một mình.

Cảm giác lúc ấy là chỉ sợ mất anh vào nơi gió cát mịt mù mà biết bao người trai đã ra đi không hẹn ngày về. Và tôi nhất quyết lấy anh, tuy anh làm phiền lòng Ba Má tôi không ít, khi anh dứt khoát từ chối mọi công lao chạy chọt của song thân tôi ngay từ truớc ngày anh tốt nghiệp. Anh gần nổi giận cả với tôi, anh nhất định đi Nhảy Dù. Bao nhiêu giòng nước mắt cũng không cản được con người ấy. Gia đình tôi ngần ngại, nhưng tôi là con gái út, được cưng nhất nhà, vả lại cả nhà ai cũng quý mến anh…
Thế là tôi rời ghế nhà trường năm 19 tuổi, lên xe hoa mà tưởng như đang trong giấc mộng tình yêu thời con gái. Rồi thì giã từ quê huơng Đà lạt yêu dấu, giã từ những kỷ niệm yêu đương trên từng con dốc, từng vạt nắng xuyên cành trong hơi lạnh thân quen, từng hơi thở thì thầm trong ngàn thông thương mến, tôi theo anh về làm dâu gia đình chồng ở Sài Gòn. Tôi chưa hề được chuẩn bị để làm dâu, làm vợ, đầy sợ hãi trong giang sơn nhà chồng, còn chưa biết ứng xử ra sao, nhưng được cha mẹ và các em chồng hết lòng thương mến. Các chú em chồng nho nhã luôn luôn hoan hô những món ăn tôi nấu nướng.

Tuần trăng mật thật vội vã nhưng vô cùng hạnh phúc, chỉ vỏn vẹn trong thời gian anh nghỉ phép ra trường, rồi trình diện đơn vị mới, Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù ở Tam Hiệp. Mùng sáu tết Tân Hợi 1971, Sư đòan Dù của anh đi mặt trận Hạ Lào. Hôm ra đi anh vui tưng bừng như con sáo sổ lồng, trong khi tôi thẫn thờ… Anh siết tôi thật chặt, không cho tôi khóc, nói rằng ra đi trong giòng nước mắt vợ hiền là điều xui rủi.

Tôi vội vã gượng cười, để rồi từng đêm thổn thức một mình trong căn phòng lạnh vắng, run rẩy lắng nghe từng tin chiến sự miền xa. .. Thư anh từ mặt trận toàn những điều thương nhớ ngâp tràn, pha lẫn những lời như những tràng cười say sưa của người tráng sĩ đang tung mình trên lưng ngựa chiến. Mẹ chồng tôi chẳng vui gì hơn tôi. Hai mẹ con buôn bán xong thường đi lễ chùa, khấn nguyện. Bà cụ bảo tôi “phải khấn cho nó bị thương nhẹ để mà về, chứ vô sự thì lại không được về, vẫn còn bị nguy hiểm”… Tôi càng hoang mang, thảng thốt, quỳ mãi trong khói hương với đầy nước mắt, chẵng khấn được câu nào… Má tôi trên Đà lạt cũng vội lặn lội lên tận cốc xa, thỉnh cho được tượng ảnh Bồ Tát Quán thế Am để chồng tôi về sẽ đeo vào cổ.

Sau trận đầu tiên ở Hạ Lào anh trở về với cánh tay trái treo trước ngực. Tôi run run dội nước tắm cho anh để nước khỏi vào vết thương, mà không dấu được nụ cười đầy sung sướng, pha lẫn… đắc thắng, cảm ơn Trời Phật linh thiêng…

Rồi anh lại ra đi. Tây Ninh, Cam Bốt, cùng những địa danh trong các giòng tin chiến sự mà tôi thuộc nằm lòng. Trảng Bàng, Trảng Lớn, Suông, Chúp, Krek, Đam Be… Anh đi toàn những trận ác liệt một mất một còn với quân thù quái ác. Vừa lành vết thương là lại ra đi. Tôi thành người chinh phụ, thao thức từng đêm, vùi đầu vào gối khóc mùi trong lời khấn nguyện Phật Trời che chở cho sinh mạng chồng tôi. Còn anh, anh cứ đi đi về về trong tiếng cười vui sang sảng, hệt như các bạn chiến đấu trong cùng đơn vị, mà nay tôi vẫn còn nhớ tên gần đủ: các anh Tường, Hương, Trung, Dũng, Sinh, Chiêu, anh Sĩ, anh Tâm, anh Quyền….

Mỗi lần trở về bình an là một lần cả nhà mở hội, và mỗi khi nhận lệnh đi hành quân là một lần tôi thờ thẫn u sầu trong lúc anh hăng hái huýt gió vang vang khúc hát lên đường. Con người ấy không biết sợ hãi là gì, không cần sống chết ra sao, và không hề muốn nghe lời than vãn, chỉ thích nụ cười và những lời thương yêu chiều chuộng. Anh nói không biết tại sao anh có niềm tin kỳ lạ là không có việc hiểm nguy nào hại đựơc thân anh. Tôi chỉ còn biết chiều theo ý chồng, không bao giờ dám hé môi làm anh buồn bực, vì thời gian gần nhau quá ngắn ngủi, tôi chỉ lo chiều chuộng và đem lại cho anh những phút giây hạnh phúc hiếm hoi của người lính chiến, không muốn để anh bận lòng vì những nỗi lo âu. Lấy chồng hơn hai năm sau mà tôi vẫn chưa có cháu, vì anh cứ đi, đi mãi đi hoài, những ngày gần nhau không có mấy.

Rồi mùa hè đỏ lửa nổ ra lúc Tiểu Đoàn 5 Dù đang đóng quân ở vườn Tao Đàn. Anh nhảy vào An Lộc, lăn lóc đánh dập đánh vùi với địch quân đông gấp bội trong gần ba tháng trời, mất cả liên lạc bưu chính, ở nhà không hề nhận một chữ một lời. Người hạ sĩ quan hậu cứ mỗi tháng ghé lại gia đình thăm hỏi đều phải vẫy tay tươi cười ngay từ đầu ngõ. Anh về được đúng một tuần, thì lại lên đường đi Quảng Trị. .. Rồi anh lại bị thương ở cửa ngõ Cổ thành, trở về trong phòng hồi sinh Tổng y viên Cộng Hòa. Trên đướng tới bệnh viện cùng với gia đình, tôi ngất xỉu trên xe của người anh chồng…
Nhưng rồi anh vẫn đứng dậy, lại khoan khoái cất bước hành quân. Ôi, không biết tôi mang nợ anh từ tận tiền kiếp xa xôi nào, mà tôi yêu thương đến thế cái con người dường như chỉ biết miệt mài say mê chiến trận. Tôi chỉ biết ước nguyện của anh là trở thành một tướng Patton của Việt Nam, “…Rồi nước mình sẽ phải tự chủ hơn lên, mấy năm nữa phải khác hẳn đi chứ. Nền nếp quân đội sẽ phải thay đổi. Anh muốn làm iư lệnh đại đơn vị, để anh điều động liên quân chủng, cả thiết giáp, máy bay, đánh giặc như Patton cho mà coi. Cam bốt, Hạ Lào Trung Thượng Lào ăn nhằm gì… Hà hà” Tôi chỉ ậm ừ vì chẳng hiểu gì, khi anh thì thầm bên tai tôi vào một đêm tôi dần thiếp đi trong đôi cánh của hạnh phúc, một lần anh về phép hành quân…

Sinh cháu gái đầu lòng năm 1973 ở Đà Lạt, anh về thăm mẹ con tôi và trường cũ, xong lại bay đi trấn thủ đường ranh giới ngưng chiến ở vùng Tây Nam Huế. ..

Tháng tư năm 1975, đơn vị anh đóng quân ở Thủ Đức, chuẩn bị tử chiến với quân thù. Chú em chồng là sĩ quan chuyên vận tàu HQ505. Tàu ghé Sài Gòn để chuẩn bị đi công tác Phú Quốc. Chồng tôi bảo cả gia đình, gồm Thầy Mẹ, các chú và cả mẹ con tôi, xuống tàu đi Phú Quốc lánh nạn chiến sự, rồi khi yên sẽ lại trở về. Tôi tưởng anh cũng định ra đi, nhưng anh quắc mắt nói tại sao anh lại phải bỏ đi lúc quân lính của anh vẫn còn chưa nao núng, “bọn nó làm gì thắng nổi khi cả Sư Đoàn Dù đầy đủ bung ra phản công, cho nó ăn một cái Mậu thân nữa thì mới hết chiến tranh, quân Dù đánh giặc một chấp bốn là thường, còn trận cuối này là xong.…” Anh hăng say như sắp xung trận, nhưng rồi anh quay lưng lại, run giọng bảo tôi hãy bế con theo xe của ông anh ra bến tàu. Đến nước đó tôi không còn gì sợ hãi, ôm con nhảy xuống, nhất định đòi ở lại. Vợ chồng sống chêt có nhau...

Ba lần toan vượt thoát từ đầu đến giữa tháng 5 đều thất bại não nề. Anh lên đường đi trại tập trung vào tháng 6, khi tôi đang mang bầu cháu thứ nhì… Bé Dung ưỡn người đòi theo bố. Anh quay lại, vẫy tay cười với mẹ con tôi. Vẫn nụ cười ấy, anh vẫn chẳng nệ âu lo sống chết là gì, nhưng còn mẹ con em, anh ơi??? …

Gia đình nhà chồng tôi thiệt có phước, hầu hết đã theo tàu 505 đi Phú Quốc rồi sang Mỹ, kể từ hôm tôi ôm con ở lại với chồng. Gia đình tôi từ Đà lạt chạy về Sài Gòn, sống chen chúc quây quần đùm bọc lẫn nhau. Hàng quán của gia đình chồng tôi bị tịch biên hết. Tôi nhất định giữ chặt ngôi nhà của cha mẹ chồng để lại, đuổi mấy cũng không đi. Chị ruột tôi bỏ dấn vốn ra mua được ngôi nhà khác, vì ông chồng ôm vợ bé chạy mất, nhà cửa xe cộ bị tịch biên hết. Tôi và các anh chị em tôi chạy vạy đủ điều để lo sinh kế, nuôi con thơ cha già mẹ yếu. Chồng tôi mịt mù tăm tích, chỉ có đôi ba lá thư viết về từ trại Long Giao. Lên Long Giao cũng không gặp được, rồi anh bị đưa ra Bắc.

Năm đó tôi tròn 25 tuổi, dung nhan tuy tiều tụy nhưng vẫn khiến nhiều kẻ phải suýt soa dòm ngó. Biết bao người mai mối thì thầm bên tai tôi, thôi hãy lo cuộc đời mới, sĩ quan ngụy đi Bắc chẳng có ngày về... Bao nhiêu nỗi khổ đau dồn nén đôt nhiên bùng phát. Tôi vùng lên như một con cọp cái: bác thử nghĩ coi cả bọn cả lũ tụi nó đó có đáng xách dép cho chồng tôi không!!! Rồi ba mẹ con tôi ôm nhau khóc vùi trong tủi hận.
Không, không, một ngàn vạn lần không. Quanh tôi chỉ còn toàn rác rưởi. Toàn bọn cán ngố từ Bắc vào và từ trong khu ra, và không kể các bậc trưởng thượng cùng anh em chiến sĩ miền Nam đang khổ sở, thì đàn ông ở miền Nam khi ấy cũng chỉ còn bọn người không đủ điều kiện để phải đi tù cải tạo, dù chỉ có ba ngày.

Vâng, những người đàn ông ở miền Nam mà đang đi tù Cộng Sản mới là những người xứng đáng với đàn bà con gái miền Nam ở lứa tuổi tôi. Chị em chúng tôi gọi đó là “tấm bằng tù cải tạo” của các ông để chọn gửi cuộc đời, dù là trao gửi vào một nơi bất định…. Còn gì nữa mà chọn lựa! Thà vậy, đành thôi. Tôi đã là vợ anh, tôi vẫn tôn thờ anh trong tim óc, làm sao khỏi lợm giọng trước bọn người lường lọc, bướm ong, hèn hạ bợ đỡ kẻ thù, thấp kém từ kiến thức đến tư cách.

Chị em tôi buôn bán từ thuốc lá đến bánh cuốn, bánh ướt, bánh mì, thuốc tây, thuốc nam, kiêm luôn cắt chải gội uốn tóc, làm móng tay … nhưng luôn tránh chỗ công quyền và nơi phồn hoa nhan nhản những con mắt hau háu của bọn cướp nước và bọn trở cờ. Mấy anh chị em tôi đồng lòng, đùm bọc lẫn nhau, nên áo rách nhưng một tấm lòng son tôi vẫn vẹn với câu thề…

Vượt qua được thời gian khó khăn cực khổ nhất lúc ban đầu, sau ba mẹ con tôi được gia đình chồng từ Mỹ chu cấp, tuy không dư dả nhưng cũng đủ gửi quà ba tháng một lần, rồi lại dành dụm cho môt chuyến thăm nuôi….

Anh từ miền cực bắc bị đưa về Thanh Hóa chừng một năm, thì tôi xin được giấy phép đi thăm nuôi. Tôi và chị tôi chạy đôn chạy đáo mua đủ một trăm năm chục ký quà để tôi đem ra Bắc cho chồng. Bà cụ buôn bán quen ngoài chợ lại nhờ đem thêm năm chục ký thăm dùm con trai, vì con dâu cụ đã vượt biên. Cháu Dung đã lên 6, em Long nó 4 tuổi và chưa lần nào thấy được mặt cha. Tôi đem cả hai con đi cho anh gặp đứa con trai.
Xuống ga Thanh Hóa, cả đoàn quân khuân vác vây quanh gọi mời giục giã. Tôi và mấy chị cùng thăm chồng chia nhau giữ chặt hàng hóa không cho ai khiêng vác, rồi tự mình kéo lê kéo lết đi thuê nhà trọ. Không cho khiêng bọn chúng trở mặt chửi liền. Có người đã đi về kể rằng cứ sơ ý là bọn dân này vác hàng chạy mất. Chúng tôi cũng phải chia nhau ở lại nhà trọ coi chừng hàng và đi chợ. Tôi nhờ một chị mua thêm được ký mỡ, về rang tóp mỡ ngoài sân nhà trọ. Nghe con khóc, tôi vội vã chạy vô nhà. Chưa kịp dỗ con thì nghe tiếng ồn ào. Quay ra, hai kẻ cắp đã bưng chảo tóp mỡ ù té chạy, chị bạn rượt theo không kịp. Tôi khóc thầm tiêc hoài, cứ nghĩ những tóp mỡ kia đáng lẽ đã giúp chồng mình đỡ bao đói khát.
Xe đò đi Thanh Cẩm chật ních những bà thăm chồng. Chúng tôi năm người lớn và hai cháu xuống ngã ba Nam Phát để vô Trại 5. Tôi lê từng bao hàng rồi lại quay lui kéo lê bao khác, chừng hơn nửa cây số mới đến trạm xét giấy tờ vào trại, hai cháu còn quá nhỏ chẳng muốn chúng đụng tay . Cô Út thiệt giỏi, xong phần mình lại xông xáo giúp hết người nọ tới người kia.

Xong giấy tờ, chờ một lát thì một người tù hình sự đánh xe trâu đến. Hàng hóa và hai con tôi được lên xe trâu, tôi và chị Phước, chị Điệp cùng hai mẹ con cô Út lẽo đẽo theo sau. Đường đi xuyên trại xuyên rừng dài tám cây số. Chúng tôi chưa biết lúc trở ra mới càng thê thảm.

Chân tay rã rời, tới chiều tối mới thấy cổng trại 5 Lam Sơn. Đêm xuống bé Dung còn phải phụ tôi gom lá mía cho tôi vội nấu hết gạo thành cơm, nắm lại từng vắt, vì nghe nói công an không cho tù chính trị đem gạo sống vô, sợ các anh âm mưu trốn trại. Đêm chờ sáng để thăm chồng, nhìn hai con thơ ngây ngủ say sưa vì mỏi mệt, tôi rời rã vô cùng nhưng không sao ngủ được. Hằng trăm hình ảnh chồng tôi nhảy múa trong đầu… Chồng của tôi, người lính dù hăng hái húyt sáo mỗi khi nhận lệnh hành quân ấy, nay đã ra sao???

Sáng, đến lượt ra nhà thăm nuôi ngong ngóng chờ chồng, tôi không được phép ra khỏi cửa căn buồng nhỏ xíu, kê một bàn gỗ dài và hai ghế băng dọc hai bên. Đột nhiên một ông lạ hoắc đứng lù lù ngay cửa. Tôi ngỡ ngàng chưa biết điều gì. Cô nữ công an nhìn chòng chọc, hằn học, đợi chờ như con gà đá sắp tung đòn. Tôi không thể hiểu người con gái Bắc cỡ cùng tuổi tôi kia thù hằn tôi điều gì. Tôi ngó lại, lát sau cô ta coi sổ xong, mới nói đây là anh Đức mà bà cụ nhờ tôi đi thăm dùm. Mất nửa tiếng giao quà và kể chuyện gia đình cho anh Đức nghe, tôi được biết chỉ còn một tiếng rưỡi gặp chồng. Thế là tôi bắt đầu ôm mặt khóc, càng lúc càng nức nở vì tủi cực, không thể nào cầm được.

Trên thế giới này có ai phải lặn lội hằng ngàn cây số để chỉ được gặp chồng có một giờ ba mưới phút không hả Trời?!!

Hai cô công an lớn tiếng dọa dẫm, những là phải động viên học tập tốt, không lau sạch nước mắt thì không cho ra thăm… Nhưng kìa, ai như chồng tôi vừa bước ra khỏi cổng trại. Tôi không còn nhớ quy định luật lệ gì nữa, vùng đứng dậy chạy nhào ra như một tia chớp. Hai đứa nhỏ vừa khóc vừa chạy theo. Hai công an nữ bị bất ngờ không cản kịp, đứng nhìn.
Tôi chạy tới ôm anh, và càng khóc dữ, đôi chân khụyu xuống, không còn sức lực. Trời ơi, chồng tôi ốm yếu đến nỗi tôi ôm không trọn một vòng tay. Người anh nhỏ thó hẳn lại, chỉ có đôi mắt sáng với tia nhìn ngay thẳng là vẫn hệt như ngày nào, nhưng nay đượm nét u buồn khiên tôi đứt ruột. Anh vẫn không nói được lời nào, chỉ bặm môi nhìn tôi nhìn con thăm thẳm. Tôi biết anh đang cố trấn tĩnh, vì không muốn rơi nước mắt trước mặt bọn công an.

Anh dìu tôi và dắt con trở vào nhà thăm nuôi. Anh nắm chặt tay tôi, đưa vào chiếc ghế băng. Cô công an lạnh lùng chỉ anh bước sang chiếc ghế đối diện, rồi ngồi sừng sững ở đầu bàn, cứ chăm chăm nhìn vào sát tận mặt tôi. Anh khuyên tôi ở nhà ráng nuôi dạy con cho giỏi. Rồi thật nghiêm trang, anh bảo tôi phải đưa con đi vùng kinh tế mới, về tỉnh Mỹ Tho chỗ bác Chánh với chú Cương và cô Huyền đã xung phong đi khai khẩn rồi, đang chờ vợ chồng mình lên lao động sản xuất.

Tôi hơi sững sờ, rồi chợt hiểu, đang khóc lại suýt bật cười hân hoan, khi thấy nét khôi hài tinh anh của chồng tôi vẫn còn nguyên vẹn. Bác Chánh là tên gọi của Thầy mẹ chúng tôi, chú Cương và cô Huyền chính là chú Cường, chú em chồng đã đưa cả nhà xuống tàu HQ 505 đi lánh nạn.

Cô công an có vẻ rất đắc ý, nhắc tôi:
- Chị phải nói gì động viên anh ý đi chứ.

Anh nhìn mắt tôi, cười thành tiếng. Tôi chợt cười, nhưng lại chợt giận hờn. Tôi cúi mặt giận dỗi:
- Em không đi đâu hết, em chờ anh về đã rồi muốn đi đâu cũng được …

Tôi lại khóc, hai tay nắm chặt tay anh, chỉ sợ phải xa rời. Cô công an cứ quay nhìn hết người nọ đến người kia, lên tiếng:
- Chị này hay nhỉ! Phải đi kinh tế mới, lao đông tốt thì anh ấy mới chóng được khoan hồng chứ! Trại giáo dục anh ý tiến bộ thế đấy, còn chị thì cứ…. Chỉ được cái khóc là giỏi thôi!!

Anh không nhịn được, lại cười khanh khách và nói:
- Đó em thấy chưa, cán bộ ở đây ai cũng sáng suốt như vậy hết, em phải nghe anh mới được… Em cứ thấy anh bây giờ thì biết chính sách Nhà nước ra sao, cũng đừng lo gì hết, ráng nuôi dạy con cho nên người đàng hoàng đừng học theo cái xấu, nghe…

Tôi dở khóc dở cười, chỉ nắm chặt tay anh mà tấm tức, dỗi hờn. Anh gọi hai con chạy sang ngồi hai bên lòng. Cô nữ công an do dự, rồi để yên, lại tiếp tục nhìn sững vào mặt tôi. Anh ôm hôn hai cháu, nói chuyện với hai cháu. Đôi mắt chúng tôi chẳng nỡ rời nhau. Mắt tôi nhòa lệ mà vẫn đọc được trong mắt anh những lời buồn thương da diết. Tội nghiệp hai con tôi đâu biết chỉ được gần cha trong giây lát nữa thôi.

Tôi như một cái máy, vừa khóc vừa lay lay bàn tay anh, nhắc đi nhắc lại, em sẽ đợi anh về, anh đừng lo nghĩ gì nghe, em sẽ đợi anh về, em nhất định đợi anh mà.. anh về rồi mình cùng đi kinh tế mới… anh ráng giữ gìn sức khỏe cho em và con nghe… Em thề em sẽ đợi anh về…. Em không sao đâu… Anh đừng lo nghĩ, cứ yên tâm giữ gìn sức khỏe nghe, em thề mà, anh nghe…

Tôi chợt thấy chồng tôi nhòa nuớc mắt. Cô công an lúng túng đứng dậy, bỏ ra ngoài nhưng lại trở vào ngay, gõ bàn ra hiệu cho người ở ngoài. Người nữ công an kia chẳng biết núp ở đâu, lập tức xuất hiện, báo hết giờ thăm… Vợ chồng tôi lại ôm chặt nhau ở đầu bàn bên kia ngay trước cửa phòng, bất chấp tiếng gõ bàn thúc giục. Anh nắm chặt hai bàn tay tôi, chỉ nói được một câu: Anh sẽ về đưa em và con đi, không thể quá lâu đâu, đừng lo nghe, cám ơn em … đã quyết đợi anh về… Rồi anh nghẹn ngào…
Tôi bị ngăn lại ngay cửa nhà thăm nuôi, cháu Dung chạy đại theo cha, cu Bi nhút nhát đứng ôm chân mẹ cùng khóc . Tôi ôm cây cột gỗ nhìn dáng anh chậm chạp buớc tới hai cánh cổng gỗ to sầm, mà không thể nào ngưng tiếng khóc. Anh ngoái đầu nhìn lại hoài, bước chân lảo đảo, chiếc xe cút kít một bánh mấy lần chao nghiêng vì hàng quá nặng…

Sáng hôm sau tôi như người mất hồn. Các chị bạn cũng chẳng hơn gì . Mây chị em và bà bác dắt díu nhau ra, mới biết không được về lối cũ, mà phải đi vòng bên ngoài trại cả gần hai chục cây số nữa để trở lại chỗ ngã ba Nam Phát.

Đường xuyên rừng, rồi lại ra đồng trống, nắng hanh chang chang như muốn quật ngã ba mẹ con tôi. Cu Bi mệt lắm, có lúc ngồi bệt xuống, áo quần mồ hôi ướt nhẹp. Tôi phải đứng giữa nắng đem thân mình che nắng cho hai con, dỗ dành chúng, rồi lại bế cu Bi, lầm lũi bước thấp bước cao. Bà bác và hai chị cùng cô Út cứ phải đi chậm lại chờ mẹ con tôi. Bao nhiêu cơm gạo đã giao cho chồng hết, chúng tôi không còn gì ăn uống. Dọc dường mua được mấy cây mía, tôi róc cho các con ăn cho đỡ đói. Hai đứa không khóc lóc một lời. Bé Dung thiệt ngoan, luôn miệng dỗ em cố gắng. Bụng đói, chân mỏi rã rời trong lúc chiều cứ xuống dần.

Đám người lang thang trong những cánh rừng tre nứa âm u, trên miền đất không một chút tình thương. Ai cũng lo sợ, dớn dác nhìn trước ngó sau, tự nhiên túm tụm lại mà đi, càng mệt lại càng như muốn chạy. Tôi bế cu Bi, mỏi tay quá lại xoay ra cõng cháu, vừa mệt vừa đói vừa sợ, lếch thếch vừa đi vừa chạy, không biết sẽ ngã gục lúc nào. Cháu Bi nhìn thấy mẹ mệt quá, đòi tuột xuống, rồi lại hăng hái tiến bước. May sao, đến hơn 6 giờ chiều, trời gần tối hẳn, thì trở lại được ngã ba Nam Phát. Hai công an dắt xe ra đạp về nhà, dặn chúng tôi ở đó đón xe đò ra Thanh hóa.

Đám người ngồi bệt xuống bên đường. Lâu lắm mới có một xe chất đầy người chạy qua, nhưng đều chạy thẳng, không ngừng. Đã hơn chín giờ đêm. Dáng cô Út cao mảnh rắn chắc đứng vẫy xe in lên nền trời đêm đầy sao như một pho tượng thần Vệ Nữ. Một xe lớn có hai bộ đội chở đầy tre nứa, từ xa chiếu đèn pha sáng lòa trên dáng người con gái đảm đang ấy, từ từ dừng lại. Chúng tôi xúm lại hứa trả thật nhiều tiền, rồi bà bác cùng hai con tôi được lên ngồi ca bin, còn tôi với hai chị và cô Út đẩy kéo nhau leo lên ngồi nghiêng ngả trên tre nứa, tay bám, chân đạp chặt vô thành xe, qua năm tiếng đồng hồ trên con đường đất dằn xóc kinh hồn, nhiều lần tưởng đã văng xuống đất. Ra đến Thanh hóa là hai giờ sáng. Các chị đi thăm chồng xuống tàu đêm thật đông, thăm hỏi tíu tít, trả lời không kịp. Khi ấy sao mà chị em chúng tôi thương nhau quá sức.

Vé về Nam không có, phải mua vé ra Hà Nội rồi mới đi ngược trở về. Đêm hôm sau mới đến ga Hàng Cỏ, mấy bà con ra đường đang ngơ ngác thì các chị đằng xa đã đôn đáo vẫy chào, kéo chúng tôi tới chỗ… lề đường, đầy những chiếu với tấm ni lông, nơi tạm trú mà các bà “vợ tù cải tạo” gọi là… Hotel California. Vâng, chúng tôi nghiễm nhiên nhận chồng chúng tôi là “các ông cải tạo” như người miền Nam vẫn kêu với tấm tình trân quý, để phân biệt với những người tù hình sự. Cho nên danh từ thường đi theo với ý nghĩa nào mà người ta hiểu với nhau, không còn giữ được nguyên cái nghĩa mà nó được đặt cho vì mục đích chính trị xâu xa.

Ngủ lề đường nhưng chẳng ai thấy khổ, vì gần nhau thấy ấm hẳn tình người đồng cảnh. Các chị em thì thầm trò chuyện suốt đêm, kẻ thì khóc rấm rứt, người lại cười khúc khích. Tôi vừa ôm con ngủ gật vừa quạt muỗi cho hai cháu, hình ảnh chồng tôi quay cuồng mãi trong đầu, khi anh nói, khi anh cười, lúc anh đầy nước mắt… Sau những nguồn cơn cực nhọc và xúc động mạnh này, về nhà tôi bị thương hàn nhập lý, rụng hết mái tóc dài, gần trọc cả đầu, tôi đã trối trăn cho bà chị nuôi dạy hai cháu, tưởng không còn được thấy mặt chồng tôi lần nữa…

…Chín năm sau, đúng ngày giỗ đầu Ba tôi, anh đột ngột bước vô nhà. Tôi suýt té xỉu vì vui mừng, cứ ôm chặt anh mà.. khóc ngất. Anh cười sang sảng:

- Cái chị này chỉ được cái khóc là giỏi thôi, phải động viên cho chồng đi sang Mỹ đi chứ … Hà hà..

Các chị em tôi từ Đà Lạt tất bật xuống thăm. Vừa xong ngày đám giỗ thì cả nhà đã vui như hội. Tất nhiên tôi là người mừng vui nhất….

Hạnh phúc đã trở về trong vòng tay tôi. Tôi sẽ ôm thật chặt lấy nguồn hạnh phúc này, không bao giờ để cho đi đâu xa mất nữa…

MINH HÒA (Virginia)

Sunday, December 12, 2010

Ngôi mộ sĩ quan Biệt Ðộng Quân không người nhận
Saturday, December 11, 2010

Mộ phần Trung Úy Nguyễn Văn Quý chôn từ tháng 4, 1975
Huy Phương
PLEIKU - Một vị linh mục ở Pleiku, 35 năm trước, đã chôn thi hài một sĩ quan biệt động quân, và trong suốt 35 năm từ đó tới nay cố gắng tìm thân nhân người này nhưng không thể được.
Chú thích ảnh: Mặt tiền của nhà thờ Thanh An. Ngay tảng đá dưới gốc cây hoa sứ già trên 35 năm này là mộ của trung úy BÐQ Nguyễn Văn Quý.



Ðó là tin do một người có dịp đi Pleiku mang về, và vào tối Thứ Năm, chúng tôi đã liên lạc được với nhà thờ ở đó và được xác nhận tin trên là đúng sự thật.

Trong ngày tàn cuộc chiến, từ ngày 13 tháng 3, 1975, quân đội bỏ Pleiku, Kontum, dân chúng di tản để lại cảnh vật vườn hoang nhà trống.

Ngày 20 tháng 4, 1975, khi cha xứ nhà thờ Thanh An, huyện Chư Prong là cha Ða Minh Mai Ngọc Lợi (anh của Linh Mục Mai Thanh Lương hiện nay ở quận Cam) trở về thì cha chứng kiến một cảnh hoang tàn, thương tâm: Xác chết của bảy người lính Biệt Ðộng Quân VNCH và mười mấy người lính Bắc Việt chết nằm ngổn ngang từ trong nhà thờ ra đến ngoài sân, chưa được chôn cất. Ðiều đau đớn là những xác thối rữa này đã bị thú rừng và bầy chó hoang vô chủ ăn thịt đã gần hết, chỉ còn thi hài của một Trung Úy Biệt Ðộng Quân mang bảng tên Nguyễn Văn Quý. Chính tay cha đã chôn cất thi hài vị sĩ quan này dưới gốc một cây sứ trước nhà thờ. Năm ngoái, bảng tên của Trung Úy Quý đã bị thất lạc khi nhà thờ được xây dựng lại.

Ba mươi lăm năm qua, nhiều phái đoàn đi cứu trợ đã ghé qua đây, được cha trình bày câu chuyện, mong mỏi một lời nhắn tin nào đó mang về miền xuôi hay ra hải ngoại, sẽ tìm ra thân nhân của Trung Úy Quý, nhưng từ đó đến nay, không hề có ai gọi cho cha để hỏi tin tức về người sĩ quan bất hạnh này. Cha nói rằng nơi đây, các quân nhân thuộc SÐ23BB và BÐQ chết rất nhiều nhưng không có ai đến hỏi tìm.

Nấm mồ của Trung Úy BÐQ Nguyễn Văn Quý cho đến nay vẫn còn nằm lạnh lẽo dưới gốc cây sứ già trước nhà thờ Thanh An, bây giờ là giáo xứ Ðức Hưng, thôn 1, xã Thắng Hưng, huyện Chư Pprong, tỉnh Gia Lai.

Nhiều câu hỏi được đặt ra nhưng không có câu trả lời. Trung Úy Nguyễn Văn Quý đã có gia đình chưa? Vợ con hiện xiêu lạc nơi nào? Song thân của người chiến sĩ hiện nay vẫn còn hay đã mất? Bạn bè, chiến hữu của anh còn ai nhớ đến lai lịch của anh không? Nếu có ai biết hay còn nhớ đến người sĩ quan BÐQ tên Nguyễn Văn Quý có thể tìm hỏi Linh Mục Ða Minh Nguyễn Xuân Hùng (số điện thoại gọi từ Mỹ: 011.84.91. 865.772) để xin gặp Cha Cố Mai Ngọc Lợi. Tuổi đời đã cao, nay Linh Mục Lợi đã 87 tuổi, sợ rằng vài năm nữa, khi cha mất, không còn ai có thể chỉ ra nơi chôn cất các chiến sĩ này một cách rành rẽ.
(Nguồn báo Người Viêt)

Monday, December 6, 2010

phiếm luận
Chân ngụy, giả ngụy
Phong Trần


“…Không có cái bất hạnh nào bằng cái bất hạnh làm đầy tớ cho những kẻ bán nước …”



CSVN chiếm được miền Nam, một phần cũng nhờ công lao hãn mã của một số không nhỏ cán bộ nằm vùng, chui sâu, trèo cao tới tận thượng tầng quyền lực VNCH. Sau cái gọi là “Đại thắng mùa Xuân” thì đa số “nghịch thần” bị Đảng ta vắt chanh bỏ vỏ nên ngậm đắng nuốt cay sống âm thầm kiếp “Nguỵ giả”.

Chuyện đời chẳng khác gì chuyện “Tái Ông Thất Mã”. Cái mất ngày hôm nay có thể là cái được ngày mai và ngược lại. Chuyện “Chân Nguỵ, Giả Nguỵ” cũng vậy. Lúc miền Nam mới bị nhuộm đỏ thì dân miền Nam đi đâu cũng phải cúi mặt vì cái nhãn Nguỵ mà Đảng dán vào trán phe thất trận. Nhưng dần dà thì son phấn “Giải Phóng Miền Nam” từng lớp rơi rụng để lộ bộ mặt thật của giai cấp thống trị mới. Người dân bắt đầu tiếc nhớ “Mỹ-Nguỵ”, và “Nguỵ” trở thành cái tên gọi mà ai cũng thích được gọi vì nó là sự tương phản của “cách mạng”. Rồi cả Đảng ta cũng làm lành với Nguỵ, dĩ nhiên là Nguỵ hải ngoại đô-la đầy túi kia, còn Nguỵ thương phế binh, Nguỵ nghèo, không có cái bát mẻ mà ăn thì bị Đảng gạt xuống tầng tận cùng của xã hội XHCN.

Năm nay Đảng ta lại lôi các đào kép cũ ra diễn trò Hoà Giải-Hoà Hợp cuội. Đặc biệt ông tướng nằm vùng Bất Hạnh, người đã được tướng Big Minh phong chức Phụ tá Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH vào giờ thứ 25 để đầu hàng quân đội Bắc Việt. Tướng Bất Hạnh kể công rằng nhờ tài “điều binh khiển tướng” của ổng mà quân dân miền Nam tránh được cảnh xương chất đầy núi, máu chảy thành sông. Thưa tướng công, quân đội ta lúc đó như rắn mất đầu, ngoại trừ cái đầu quay lại mổ vào mình, thì còn đánh đấm gì nữa mà tướng công phải nhọc lòng điều binh khiển tướng!

Trong ngày lễ kỷ niệm 35 “Đại Thắng Mùa Xuân” vừa qua tướng Bất Hạnh mắt rưng rưng lệ vì được các tướng “ngoài là địch trong là ta” ôm hôn thắm thiết.

Nếu chỉ có thế thì chẳng có ai thừa giấy thừa mực viết làm gì. Nhưng ngày 10 tháng 5 vừa qua, khi được đài BBC phỏng vấn về việc bảo vệ biển đảo Việt Nam trước đe doạ của ngoại bang (tại sao BBC không dám nói toạc móng heo ra là trước sự đe doạ của Tầu nhỉ?) thì tướng Hạnh trả lời như người mất trí: “Cần phải xem lại lịch sử cái thời mà chính quyền Nguyễn Văn Thiệu làm mất Hoàng Sa (1974). Mỹ cũng ở đó mà có giúp gì không? Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đánh nhau với Trung Quốc rồi để mất đảo là như thế nào, vai trò các nước ra sao, phải xem lại”.

Tướng Hạnh có biết ai viết sớ dâng Hoàng Sa cho Trung Quốc không? Các ông chủ ở Bắc Bộ Phủ của tướng công đấy! Lúc các chiến sĩ hải quân VNCH hy sinh tính mạng chiến đấu chống lại bọn xâm lược TQ thì tướng Hạnh ở đâu? Ông có thấy được lòng dũng càm và tinh thần hy sinh cao cả của hải quân VNCH để bảo vệ Hoàng Sa không? Sự dè bỉu một cách bất cận nhân tình như vậy là điều không nên có ở một người mang quân hàm tướng dù là một tướng nằm vùng.

Người Việt Nam dù ở chiến tuyến nào trước năm 1975 cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ tinh thần chiến đấu bảo vệ Hoàng Sa năm 1974 của Hải quân miền Nam cũng như dũng cảm của hải quân miền Bắc bảo vệ Trường Sa năm 1984. Họ không bảo vệ nổi Hoàng Sa và Trường Sa vì “thế nước yếu” chứ không phải lòng dũng cảm của quân dân hai miền yếu. Ông Hạnh nói “chính quyền Nguyễn Văn Thiệu làm mất Hoàng Sa”, thế có ai nói “chính quyền CSVN làm mất Trường Sa” không? Thật khó tưởng tượng nổi một ông tướng lại có thể ngậm máu phun người thô bỉ như vậy được.

Vi Tiểu Bảo, tuy xuất thân hèn hạ, thất học, nằm vùng cho Thiên Địa Hội, nhưng không bao giờ phản bội vua Khang Hy, người đã ban nhiều ân sủng cho mình. Người miền Nam không hận việc ông Hạnh nằm vùng cho chính quyền miền Bắc vì nghĩ ông “chọn mặt gửi vàng” lầm lỡ. Nhưng khi nghe ông tuyên bố với đài BBC như trên thì bất cứ người Việt, sống ở bất cứ nơi nào cũng cảm thấy khó chịu.

Ai làm cho đất nước ta ngày nay đến nông nỗi này? Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu hay đảng CSVN mà ông đã phục vụ? Người ta hận ông phản bội chính quyền miền Nam thì ít mà giận ông u mê phản bội dân tộc thì nhiều. Ông cũng như mọi người đều biết rõ ràng ai dâng đất dâng biển đảo VN cho các đồng chí phương Bắc nhưng ông lại muối mặt đổ tội cho quân dân miền Nam. Đó là do ngu dốt hay vô liêm sỉ?

Không có cái Bất Hạnh nào bằng cái Bất Hạnh làm đầy tớ cho những kẻ bán nước.
Phong Trần
Quán chủ Phong Trần quán


Ghi chú: Nhóm LTLN mạng phép Tiên-sinh Phong Trần hiệu đính về nhân vật Vi Tiểu Bảo.

Monday, November 22, 2010

NHÂN MÙA TẠ ƠN TRÊN ĐẤT MỸ (2010),
XIN ĐƯỢC CÁM ƠN CÁC ANH : NGƯỜI TPB/VNCH
Mường Giang
Kính tặng tất cả TPB/VNCH


Những ngày tháng Tư năm đó, không biết sao mà trời bỗng đổ mưa thật sớm và lớn hơn bao giờ hết. Mưa làm ngập những chiếc hố tránh đạn và giao thông hào của những người lính trận, tại các chiến trường máu lệ Phước Long, Phan Thiết, Long Khánh, Hậu Nghĩa, Long An, Phước Tuy, Biên Hòa và Sàigòn.

Trong cơn mưa nước mắt năm ấy, có máu, thây người và xác của những cánh hoa học trò, làm nhuộm hồng áo người lính và đồng bào chiến nạn, chạy theo cơn mưa, mịt mù đạn pháo.

"Bồ Đào mỹ tửu, dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà, mã thượng thôi
Tuý ngọa sa trường, quân mạc vấn?
Cổ lai chinh chiến, kỹ nhân hồi"

Bốn câu thơ cổ trong bài "Lương Châu Từ" của Vương Hàn (687-726) đã nói lên thân phận của người lính chiến, sống và chết không có biên giới, nên mấy ai dám nghỉ tới chuyện trở về? Và giọt mưa nào đây vừa lăn trên má, đã khiến cho người lính già bồi hồi nhớ lại, một thời chinh chiến cũ, những căn hầm tránh pháo ngập mưa, những nấm đất đào đấp vội vàng, để vùi bạn vữa ngã gục và những thương binh rên xiết, đang chờ cấp cứu.

Tất cả đã thành cổ tích. Giờ chỉ còn biết ngồi đây mà nhớ lại những ngày xa cũ. Chúng ta, tất cả đều là những người VN tội nghiệp, trót đầu thai lộn trong thế kỷ này, nên đã cùng nối vai lần lượt bước lên những giàn lửa đỏ. Cuối cùng, kẻ chết thì bị dầy mồ, tan xác, còn người sống, nếu không sống kiếp mây chiều lang thang, thì cũng lết lê phận bèo trong vùng giặc chiếm, để gục đầu thương hận, mà khóc cho quê hương vì đâu máu xương chất ngất, vì đâu mà kiếp sống của con người, tới nay vẫn không bằng cây cỏ bên đường.

Tất cả chỉ còn là kỷ niệm trong nhớ, vào những ngày đầu đời, mẹ bỏ con trong gánh, dầm mưa chạy loạn, giữa tiếng bom đạn, máy bay gầm thét, của Việt Minh và Pháp. Tóm lại, chúng ta đều ra đời và trưởng thành trong tiếng súng, cùng với bom đạn làm rách vỡ da thịt của quê hương. Rồi cũng vì người, vì tang bồng hồ thỉ nam nhi trái, mà giốc cả tuổi trẻ, đời trai, vào cốc men đắng cay, uống cạn hạnh phúc của chính mình.

Đất nước hai mươi năm chinh chiến, hai mươi năm dài hờn hận, đã dày vò người lính miền Nam, trong mưa bom đạn xéo trùng hằng. Rốt cục những người nằm xuống, những kẻ ra đi hay ở lại chịu cảnh ngục tù khổ sai của VC, ai nấy cũng đã trả xong cái nợ "da ngựa bọc thây", tủi nhìn từng trang lịch sử của nước nhà, bị giặc thù bôi nhọ và khép kín.
Trưa 30-4-1975 Sàigòn thất thủ, miền Nam VN từ bên này cầu Hiền Lương, trên sông Bến Hải, chạy ngang vĩ tuyến 17, tới mũi Cà Mâu, đã chính thức thuộc về lãnh thổ Xã Hội Chủ Nghĩa đệ tam quốc tế cộng sản, có tổng đài ở tận Nga Sô. Cũng từ giờ phút đó, khi mà chiếc mặt nạ hòa bình của người cộng sản đã cởi, để lộ những khuôn mặt thật của các thây ma vô hồn, lạnh băng và hung hiểm, thì cũng là lúc, đồng bào mới sực tỉnh và thương tiếc người lính VNCH. Nhưng than ôi tất cả đã muộn rồi, họ đã ngã gục không phải tại chiến trường vì đạn pháo của VC, mà ngay trên hè phố Huế, Đà Nẵng, Phan Thiết, Sàigòn... bởi chính những viên đạn ích kỷ, hám danh, những miệng lưỡi ngòi bút, của chính phe mình.

Ai chẳng một lần về với đất? khác chăng là sớm hay muộn, vinh với nhục và sống chết sao cho ý nghĩa của một kiếp người. Chỉ tội nhất là những người lính chưa chết nhưng coi như đã chết vì thương tật chiến trận và những vết thương lòng. Họ không chết mà chỉ bị thương nặng và tất cả đã gởi lại chiến trường một phần thịt da của mẹ, ở Khánh Dương, Tháp Chàm, Phan Thiết, Xuân Lộc... và ngay tại Sàigòn, vào lúc mà cây cột đèn cũng muốn chạy, để khỏi bị VC nhổ đem đi bán. Họ ở lại làm vật hy sinh cản xe tăng, hứng đại pháo của giặc thù, để kiếm thêm một chút thời gian, một bầu trời an toàn, một dòng sông lặng sóng, giúp cho mọi người từ dân tới lính, bình yên di tản ra nước ngoài, để tiếp tục sinh con đẻ cháu, ăn học thành tài và thành người ngoại cuộc..

Nay thì từ quan tới lính, ai cũng kiếm cách đi khỏi quê nhà, bỏ lại những bóng ma của quá khứ và những người thương phế binh sống sót, tủi hờn, đang lê lết phận bèo khắp đầu đường xó chợ. Thời gian có thay đổi, lịch sử cũng sang trang nhưng thân phận của người thương binh và gia đình của họ, chẳng có gì mới lạ, vẫn lấy nước mắt làm mưa rửa mặt hằng ngày. Buổi trước, khi VC tràn vào, họ bị bỏ lại ở những quân y viện, làng phế binh, không còn đại bàng, đồng đội và hậu phương. Bây giờ thì dần hồi chết đói, chết nhục trong thiên đàng xã nghĩa, trước sự xa hoa thừa mứa của VC, Việt Gian và Việt kiều muôn phương, vinh quy bái tổ, áo gấm về làng, mà trong dòng người đổi đời này, không làm sao mà đếm hết, những cấp chỉ huy và đồng đội cũ.

Có làm lính mới cảm thông cho kiếp lính nghiệt ngã đoạn trường. Có làm dân thời ly loạn mới biết được thế nào là mạng sống của con người, giữa bom đạn vô tình, héo úa còn thua cây cỏ. Có là người thương phế binh sau khi xuất viện, bỏ lại một phần cơ thể, mới thật tội nghiệp cho tuổi trẻ bạc phước vô phần. Thê thiết tận cùng là đời của người lính về chiều lại còn mang thương tật. Hỡi ôi những mảnh đời cùng khốn ấy rồi sẽ đi về đâu, trong cảnh mưa gió phũ phàng của cuộc đời? "ngày xưa, là lính vì đời chiến đấu là cầu đem người sang sông, hôm nay làm ma cô đơn, gục chết bên vệ đường..."

1.Thân Phận Người Lính VNCH :

Đọc Congressional Record, một trong những tài liệu tuyệt mật của Tòa Bạch ốc vừa được công bố, đã làm cho những lính già của VNCH phải cười ra nước mắt và thương xót cho những đồng đội, đồng bào, suốt hai mươi năm qua, vì chiến đấu chống sự xâm lăng của Bắc Việt, mà chết oan hay bị mang thương tật do đạn bom và bàn tay VC gây ra. Những luật lệ kỳ quái như Lính Mỹ không được bắn VC, trừ phi chúng tấn công trước. Không lực Mỹ không được dội bom vào xe của VC khi chúng ở cách đường mòn Trường Sơn 200m. Phi cơ Mỹ không được tấn công phi cơ Mig nếu chúng không gây hấn, không dội bom các phi cơ VC đậu yên tại phi trường. Cuối cùng, nghiêm cấm quân Mỹ truy đuổi VC, khi chúng chạy sang Lào và Kampuchia.

Chính phủ Hoa Thịnh Đốn, chẳng những cấm Quân Lực Mỹ, Đồng Minh, VNCH không được thẳng tay tiêu diệt kẻ thù, mà còn báo trước những bí mật quân sự, quốc phòng cho VC biết trước, qua những lần oanh tạc tại miền Bắc, trên đường mòn HCM, hành quân Lam Sơn 719... Đó là tất cả những sự kiện lịch sử có thật, được Thứ Trưởng QP Mỹ Phil Golding, thời TT. Johnson, trả lời thắc mắc của hàng ngàn gia đình tử sĩ Hoa Kỳ: "Chúng ta đang tham gia vào một cuộc chiến giới hạn, với những mục tiêu hạn chế. Nói chung đây là một cuộc chiến vì chính trị, nên không thể tiêu diệt VC được".

Do sự phản ứng càng lúc càng đông của người Mỹ, trước cái gọi là "đánh không cần thắng", nên dân chúng đã xuống đường, đả đảo mà báo chí thời đó, gọi là do phản chiến giựt dây. Thật sự, người Mỹ đã quá chán ngấy cái trò đem con bỏ chợ, đem trứng cho ác, dai dẳng từ thời Kennedy, Johnson, kế đó là Nixon, nên đã giận dữ đòi Hoa Thịnh Đốn "Hãy cút khỏi VN ngay, hãy chấm dứt cái trò chiến tranh nướng thịt dai dẳng vô ích này."

Tóm lại qua cuộc chiến VN, do đầu óc con buôn, người Mỹ đã đánh mất tất cả mọi ý thức về trách nhiệm và danh dự, làm tiêu tốn hơn 150 tỷ mỹ kim tiền đóng thuế của dân chúng, hại cho 55,000 chiến sĩ bị chết oan và hơn 300,000 quân nhân các cấp bị thương tật. Trong khi đó, người lính VNCH, dù là một quân đội bất hạnh nhất thế giới, theo báo cáo của MACV, Command History hay Dwight Owen, một cố vấn Mỹ tại VN, thì đối với các quân nhân VNCH, Chỉ Có Chết, Tàn Phế Hay Đào Ngũ, mới mong giải thoát được cái thân phận bọt bèo của người Lính chiến trong thời loạn lạc.

Ngoài ra, tài liệu cũng có nói tới việc lính Nam VN đào ngũ, nhưng không phải họ đầu hàng VC, mà trở về quê nhà gia nhập lực lượng ĐPQ+NQ, để được chiến đấu bên cạnh vợ con, gia đình. Sau rốt, tính đến đầu năm 1975, QLVNCH đã có 231,508 tử sĩ và 95,371 phế binh. Thương tủi nhất là những ngày tháng sau đó, cho tới khi Nam VN sụp đổ vào ngày 30-4-1975, đã có hằng vạn dân lính vô tội gục ngã trên chiến trường và khắp các nẻo đường chạy loạn. Nhiều tử sĩ cũng như thương binh đã bỏ thây, bỏ xác tại chỗ, vì đồng đội không thể làm gì hơn giữa chốn loạn quân. Chính Nhảy Dù từ ngày thành lập cho tới khi tan hàng, cũng đã phải nuốt lệ, bỏ lại xác đồng đội, tại Mặt Trận Xuân Lộc tháng 4-1975, như Phạm Huấn đã viết, khi được lệnh rút quân bất ngờ trong đêm, mịt mù lửa đạn.

Trước sự sụp đổ nhanh chóng và vô lý của Nam VN không phải tại chiến trường, mà ngay ở các thành phố lớn Ba Lê, Hoa Thịnh Đón, New York, Luân Đôn, La Mã, Huế-Đà Nẵng và Sàigòn, khiến cho nhiều trí thức ngoại quốc đã phẫn nộ và bày tỏ thái độ khinh miệt, đối với một số người trong cũng như ngoài nước, một thời lợi dụng tự do, dân chủ và nghề nghiệp, để bẻ cong ngòi bút, xuyên tạc sự thật, phỉ báng đồng bào và quân đội Nam VN với mục đích đầu độc dư luận thế giới, giúp Bắc Việt cưỡng chiếm VNCH. Đề tài quen thuộc, được một số báo chí Hoa Kỳ và Tây Phương viết lách, đem lên truyền thanh truyền hình, đó là người lính VNCH hèn nhát không chịu chiến đấu nên bị mất tự do và bị người Mỹ khinh miệt.

Hai câu hỏi trên cách đây vài chục năm được bịa chuyện là có, nhưng bây giờ sự thật đã xác nhận "Không". Hoa Kỳ khi tới chiến đấu tại Nam VN, có đủ phương tiện tinh thần cũng như vật chất, vẫn nhiều lần bị thương vong, bại nhục, vẫn không thiếu những binh sĩ đào ngũ, bỏ chạy khi trận địa hỗn loạn, vẫn có tham nhũng và chính cựu TT. Bill Clinton, vì hèn nhát nên đã trốn quân dịch pháp định. QLVNCH chỉ mới thành lập, được coi là một quân đội nghèo nhất trên thế giới, lại bị chiến đấu trong một cuộc chiến không có giới hạn chiến trường, hậu phương, bạn địch.

Thế nhưng những người lính nghèo đó, mà lương năm cộng với tiền tử tuất, phế tật, không bằng một cuốc rượu của những ca ve, me Mỹ, vậy mà họ vẫn một đời đem máu đào xương trắng, phụng sự chính nghĩa, bảo vệ màu cờ, sắc áo và từng sinh mạng cũng như tất đất của quê hương. QLVNCH là sinh mạng của muôn người, nên khi thiếu vắng hay không còn họ, mạng người Nam VN chỉ còn là lá rụng, đã gục ngã tại Mậu Thân Huế-Sàigòn, trên các đại lộ kinh hoàng quốc lộ 1, Kontum, An Lộc mùa hè đổ máu và sau rốt là cùng nhau chết tập thể vào ngày 30-4-1975. Như sử gia Edward S. Creasy viết trong tác phẩm nổi tiếng "Fifteen Decisive Battle Of The World" năm 1851 "Tầm quan trọng của một cuộc chiến, là những gì ta có hôm nay, đối với người thắng cũng như kẻ bai". Những gì đã xảy ra tại Nam VN, sau 35 năm bị cộng sản cưỡng chiếm, đã đủ trả lời về tấn thảm kịch của VN, mà lần nữa Robert S. McNamara, cựu bộ trưởng QP. Thời TT Kenedy, đã giải thích một chiều, trong hồi ký của mình "In Retrospect-The Tragedy and Lesson of VN".
Nhưng không phải tất cả người Mỹ đều mù quáng và tin tưởng vào truyền thông báo chí lúc đó. Chính những giờ phút cuối cùng, nhìn cảnh đời bi thảm của phận lính bọt bèo Nam VN trên màn ảnh, tờ The New York Times Service, đã thay thế người nhược tiểu, giận dữ tố cáo chính quyền Mỹ là hèn nhát, bỏ đồng minh tháo chạy về nước trước sự tấn công của VC. Họ cũng nêu đích danh Henry Kissinger là kẻ bán đứng VNCH cho VC khi bắt ép họ ký vào bản hiệp ước giả mạo 1973, sau đó tàn nhẫn cúp viện trợ, phủi tay đứng nhìn miền nam sụp đổ.

Không có gì tồn tại với thời gian trừ chân lý. Vì vậy những câu chuyện hề của Henry Winston chủ tịch đảng cộng sản Mỹ, đem diễn tại Hà Nội vào tháng 5-1975, hay lời tuyên bố vung vít của Nguyễn Hữu Thọ, chủ tích bù nhìn của Mặt Trận Ma giải phóng tại Mạc Tư Khoa, ngay khi Sàigòn thất thủ: "cám ơn báo chí và ký giả Tây Phương, đã góp phần lớn cho chiến thắng của Hà Nội, trong số này đáng kể là người Mỹ".

Đây là tất cả sự thật, vừa được một cựu chiến binh Không Quân Hoa Kỳ là Harry H. Noyes, thay mặt những người lính VNCH, qua tác phẩm "Heroic Allies" nói lên vinh quang và sự hãnh diện của một quân lực, từ lâu đã bị bọn trí thức vô liêm sỉ, tước đoạt một cách hèn hạ, bất nhơn và vô nhân đạo. Sự tuyên truyền lố lăng và cuồng ngạo của Hà Nội cùng những mặt mo bưng bợ, làm cho thiên hạ năm châu chán ghét, sau khi cái thây ma VNCH chỉ còn trơ lại bộ xương gầy đét, không còn gì để cho Huỳnh Liên, Ngô Bá Thành, Huỳnh Tấn Mẫm, Chân Tín và một số quạ đen, diều hâu, bu tới rỉa rói như lúc chợ còn đông khứa.

Trong tài liệu đặc biệt "How Media Bias Distorts Our View of the World" của ký giả Allan Brownnfiels, nói rằng vì hầu hết giới truyền thông Tây Phương, quá mù quáng, ca tụng một chiều về Mao Trạch Đông và Fidel Castro, trong lúc thẳng tay sỉ nhục bôi nhọ Tưởng Giới Thạch và chính phủ CuBa lúc đó, tuy vô tình nhưng đã làm cho cộng sản tại hai nước này chiến thắng mau lẹ. Bài học của lịch sử sau đó lại tái diễn ở Nam VN. Lần này do chính những thành phần được ưu tiên trạng trọng trong xã hội lúc đó, là những công tử tiểu thư đài các của giới địa chủ, địa hào, thương gia, chủ vựa nước mắm, nhờ cha mẹ tổ tiên theo thực dân Pháp bóc lột đồng bào, nên có tiền, có thế, cho con trai, con gái qua Pháp, Mỹ du học thành luật sư, bác sĩ, giáo sư, những thành phần mà Hồ Chí Minh và đảng VC ở miền Bắc, chém giết và khinh bỉ tận tuyệt, sau khi được làm chủ nửa miền đất nước vào năm 1954.

Nhờ cái mặt nạ trí thức và sự tự do quá trớn của Nam VN, những thành phần ăn chén đá bát này, luôn bẻ cong ngòi bút, làm cho thế giới tự do lầm lạc, nghĩ rằng giặc Cộng tại Nam VN là những người bình thường, yêu nước, nên nổi dậy chống lại sự độc tài tham nhũng của chế độ. Tóm lại nhờ những trí thức này, mà VC nằm vùng sau ngày tập kết 1954, VC chính thống từ Miền Bắc xâm nhập, kể cả Tàu Cộng, Liên Xô, Cu Ba, Đông Âu... trong bộ đội Hà Nội đang chiến đấu tại Nam VN, đều không có dính líu tới Hồ và cộng sản đệ tam quốc tế. Sự độc ác trên, nhờ tuyên truyền ngay ở miền Nam và các mạng lưới quốc tế, khiến cho cuộc chiến chống xâm lăng cộng sản, của người Việt quốc gia Nam VN, mất đi cái ý nghĩa chính thống, làm cho Hoa Kỳ cũng gặp nhiều khó khăn khi sang chiến đấu bảo vệ tiền đồn chống cộng ở Đông Nam Á. Rốt cục, cả Mỹ lẫn Việt đều đại bại trước mặt trận thông tin ca ngợi VC, của báo chí, truyền thông ngoại quốc và ngay trong nước.

Từ năm 1965, Hoa Kỳ bắt đầu đổ quân dồn dập vào Nam VN, cũng là thời kỳ lửa máu ở hậu phương. Đây cũng là thời kỳ ăn nên làm ra, của những thông tín viên, ký giả ngoại quốc, qua những bài tường thuật, có kèm hình ảnh, không phải để phổ biến những sự thật, mà chỉ để tuyên truyền một chiều, nhằm bôi nhọ những quân đội, đang trực diện với cộng sản Bắc Việt, trên chiến trường Nam VN. Có thể nói bài phóng sự chiến trường đầu tiên, của thông tín viên đài CBS tên Morley Safer, viết về cuộc hành quân của một đơn vị TQLC Mỹ, tại một làng xôi đậu, đã trở thành những mẫu thông tin "ăn khách", theo đơn đặt hàng của thị trường Mỹ và Tây Phương lúc đó. Cũng nhờ báo chí phản tuyên truyền về cuộc chiến Tết Mậu Thân 1968 “ VC chết thảm khắp nơi, đã thành chiến thắng, chiếm được ngay cả Tòa Đại Sứ Mỹ ở Sàigòn “. Tàn nhẫn và đáng khinh tởm nhất, là báo chí Tây Phương, trong suốt cuộc chiến Nam VN, đã không hề có một chữ tường thuật những hành vi khủng bố, giết người tàn bạo của VC trong trận Mậu Thân 1968 tại Huế, năm 1972 trên Đại Lộ Kinh Hoàng tại KomTum, Bình Đinh, An Lộc, Quảng Trị và những ngày di tản máu lửa hận hờn.

Người lính VNCH vừa đánh giặc phương Bắc, vừa chống đỡ búa rìu truyền thông báo chí trong nước cũng như phong trào phản chiến tại Mỹ và tây phương, được liên kết bởi trí thức, sách báo và tuyên truyền. Đó cũng là lý do đưa đến sự sụp đổ tất yếu của một dân tộc hiền hòa, lễ nghĩa nhưng bất hạnh vì mang thân phận nhược tiểu

2. Thương Quá Người Phế Binh VNCH:

Tất cả hình như chỉ còn có kỷ niệm sau cuộc đổi đời. Là định mệnh mà chúng ta, những kiếp trai thời loạn phải gánh chịu theo vòng đời nổi trôi của dòng sông lịch sử, dù vô lý, dù hờn căm, dù bất công thương hận.

Mất nước nhà tan, nguời lính sống sót sau cuộc chiến, rã ngũ tan hàng đầu sông cuối bể, tha phương thì dần chết trong men đời cay đắng, còn tù ngục chịu cảnh nhục hờn. Nhưng tất cả giờ cũng đã đi hết rồi, chỉ còn ở đây là những thương phế binh xa cũ, những hồn ma cô quạnh, sống với quá khứ liệt oanh, qua những vết thương đời không hề hối hận:

"Di tản khó, sâu dòi lúc nhúc
Trong vết thương người bạn nín rên
Người chết mấy ngày không lấy xác
Thây sình mặt nát, lạch mương tanh..."
(Tô Thuỳ Yên)

Ta thán phục, ta hãnh diện biết bao, khi đọc được những trang sử cũ. Sẽ vui cười hớn hở cùng với tiền nhân qua những lần giết đuổi giặc Tống, Mông, Minh, Thanh..tận ải Chí Lăng, trên sông Bạch Đằng, đốt tàu Pháp tại Vàm Nhật Tảo. Không biết những trang quân vương dũng tướng thời xưa, hành xử thế nào mà muôn người như một, khiến cho người trong nước, già trẻ lớn bé, đều nguyện một lòng giết giặc cứu nước tại Hội Nghị Diên Hồng. Sau này mới vỡ lẽ, thì ra đó là tinh thần trách nhiệm, cũng như bổn phân của kẻ sĩ thời tao loạn. Hay đúng hơn, đó là đức tính cao quí của thanh niên-sĩ phu, dù họ chỉ là những người bình dân ít học.

"Tôi không là tôi nữa,
Từ khi được xuất ngũ
Có quạ đen đậu trên đầu
Có bao nhiêu đợi chờ đau khổ.
.."
Thanh niên VN thời nào cũng vậy, tất cả đều đặt trách nhiệm làm trai trên hết, nên chúng ta ngày nay mới còn có đất nước, để mà vui sướng, đau khổ. Hỡi ơi, có làm lính mới hiểu phận bèo của lính, có là thương phế binh, sau khi được xuât ngũ, mới thấm thía được nỗi buồn của một kẻ tàn tật, mất tất cả, ngoài người mẹ già từ quê xa, đang đợi con trở về. Thê thiết quá cũng như đau đớn tột cùng, kiếp lính chiều tàn là thế. Sự thật là vậy, có khi còn đau đớn trăm chiều. Ai đã tùng thấy chưa, cảnh vợ lính hay người yêu, chỉ một lần vào thăm người thân nơi quân y viện, rồi chẳng bao giờ quay lại, ngoài những giọt lệ cá sấu, vô tình còn vương vãi đó đây. Ai có một lần ngược xuôi trên các nẻo đường thiên lý, tình cờ hội ngộ những chàng trai tàn tật còn rất trẻ, những người mù, què, mặt mày in đầy thương-sẹo bởi đạn bom, đang lần mò ngửa tay chờ bố thí của mọi người. Họ là lính chiến của một thời oanh liệt, là thương phế binh QLVNCH đó, họ đau khổ mang thương tật không phải do bẩm sinh, mà vì đời, vì người gánh chịu:

Theo sử liệu, ta biết Nha Cựu Chiến Binh và Nạn Nhân Chiến Cuộc, trưc thuộc Bộ Quốc Phòng. Đầu tiên Nha này là một Bộ được thành lập vào tháng 8-1952, có một An Dưỡng Đường dành cho Thương Phế Binh. Sau đó, bộ này bị hủy bỏ, tất cả các vấn đề liên quan tới cựu chiến binh, đều giao cho Bộ Y Tế, với một Nha riêng gọi là Nha Tổng Thư Ký, Cưu Chiến Sĩ và Phế Binh đãm trách.

Thời VNCH, qua một Đại Hội Cựu Chiến Sĩ toàn quốc tại Toà Đô Sảnh Sàigòn. Ngày 29-5-1955, Nha Tổng Giám Đốc CCB và NNCC được thành lập, trụ sở ở đường Đoàn Thị Điểm. Sau Tết Mậu Thân 1968, Nha được cải thành Bộ, gồm các Nha Sở Trung Ương và các Ty trực thuộc.

Năm 1969, một biến cố lớn đã xảy ra tai thị xã Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Đó là vụ Y Sĩ Đại Uý Hà Thúc Nhơn, trưởng trại 12 tai, mắt, mũi, họng, thuộc Quân Y Viện Nguyễn Huệ. Vì dám tố cáo Chỉ Huy Trưởng QYV là Thiếu Tá Phùng Quốc Anh, với sĩ quan hành chánh Đặng Mai, toa rập tham nhũng, ăn xén tiền ẩm thực của thương bệnh binh, cũng như mờ ám trong các vụ cứu xét, phân loại trợ cấp, miễn dịch. Đại Uý Nhơn đã cầm đầu các bệnh binh nổi loạn, nên bị Tỉnh trưởng Khánh Hòa lúc đó là Đại Tá Lý Bá Phẩm, nguyên Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 43 Biệt Lập, ra lệnh cho ĐPQ bắn trọng thương và đã chết khi chở vào cấp cứu tại Cam Ranh.

Ngày đưa tang người xấu số, cũng là thời điểm Phế Binh Khánh Hòa đứng dậy đòi quyền sống. Taị Sàigòn, Trung Úy mù BĐQ Đỗ văn Lai cùng một số phế binh nặng, đang dưỡng thương tại Trung Tâm Chỉnh Hình đường Bà Huyện Thanh Quan, cũng biểu tình, cắm dùi khắp Đô Thành, đòi Chính Phủ phải cứu xét lại quyền lợi của họ, trước vật giá leo thang đắc đỏ, do sự hiện diện của Mỹ và Đồng Minh, vung đô la xanh đỏ qua cửa sổ như khói thuốc. Phong trào tranh đấu bùng nổ khắp nước, làm cho chính quyền trung ương cũng như tại các tỉnh bối rối, vì không thể dùng bạo lực để chèn ép hay khóa miệng, bởi phế binh cũng là lính, nên ai nỡ xuống tay.

Rồi Tổng Hội Thương Phế Binh ra đời tại Sàigòn, bầu PB Nguyễn Đinh làm Hội Trưởng, PB Nguyễn Bính Thịnh, tức nhà văn An Khê, làm phó và PB Đinh Trung Thu, tổng thư ký. Ngoài ra còn có một Hôi Ái Hữu Thương Phế Binh, do cựu Thiếu Tá Nguyễn Văn Hàng thành lập.

Thời Đệ Nhị Cộng Hòa (1967-1975) bắt đầu năm 1969 trở về sau, quyền lợi của Phế binh, cô nhi quả phụ càng ngay càng được cải tổ, chăm sóc và dễ thở hơn trước. Nạn chèn ép, dìm sổ trợ cấp để làm tiền cũng chấm dứt. Từ năm 1972, chính phủ cho thành lập Ty Cựu Chiến Binh tại các Tỉnh, có quyền hạn rất rộng rãi, ngoại trừ sổ trợ cấp đầu tiên được ký cấp từ Bộ. Cũng từ đó, người cô nhi, quả phụ và thương phế VNCH, được sống an nhàn hơn trước, với các quyền lợi thiết thực, tương xứng, từ trợ cấp, xin việc làm, y tế, cho tới các kỳ thi, tất cả đều ưu tiên cho họ.

Rồi thì hằng loạt Làng Phế binh, lần lượt ra đời tại quận cũng như thị xã. Riêng những phế binh đã có nhà, không muốn vào Làng, được trợ cấp một ngân khoản 60,000 đồng. Tất cả các làng trên, đều bị VC cướp giựt sau ngày 30-4-1975.

Làm người bình thường, sống trong thời loạn, đã phải khốn khổ vì miếng cơm manh áo, huống chi phận lính nghèo, lãnh đồng lương chết đói, vậy mà còn bị trí thức nguyền rủa, là lính đánh thuê cho Mỹ.
"Giọt mưa trên lá, nước mắt mặn mà, thiếu nữ mừng vì tan chiến tranh chồng về..."
"Mẹ lần mò, ra trước ao, nắm áo người xưa, ngỡ trong giấc mơ, tiếc rằng ta, đôi mắt đã lòa vì quá đợi chờ..."
(Phạm Duy).
Nhưng chiến tranh chứa dứt và vẫn còn khốc liệt, nhưng người xưa nay đã thành tàn phế, vô dụng, lê lết đời tàn xuân héo, lần mò trở về làng xưa, với những kẻ thân yêu, mong chút tình thân đùm bọc.

Ai có cảm thông chăng người lính mù trẻ tuổi vì đạn B40, lần mò trên chiếc xe lăn, quanh bến phà, bến xe, miệng hát tay đờn kiếm sống? Có thương không những người lính trận, bán thân bất toại, lê lết khắp các nẻo đường phố thị, để bán vé số, sách báo, đắp đổi qua ngày. Và còn nữa, còn trăm ngàn thảm kịch của tuổi thanh niên thời loạn, chân gỗ tay nạng, mắt mũi vàng khè, khô nám, luôn đau đớn bởi những hậu chứng, sau khi giải phẫu. Nhưng họ vẫn lao động để sinh tồn, đi biển, làm nông, lết lê trên ruộng trên sóng, đội nắng tấm mưa. Kiếp sống phận bèo của người phế binh là thế đó, nên phải chiếm đất cắm dùi, cũng là chuyện bình thường.

Hai mươi năm chinh chiến, dù có gọi bằng một thứ danh từ gì chăng nữa, thì xác của nam nữ thanh niên hai miền đất nước, cũng đã chất cao như núi, máu chảy thành sông. Rốt cục chỉ có cái vỏ độc lập, hòa bình, tự do, thống nhất. Người cả nước đói vẫn đói và đời sống càng bị tù hãm tứ phiá, bởi cổ được mang nhiều thứ gông, cả cộng sản, lẫn tư bản và đảng cầm quyền.

Nhưng thê thiết nhất vẫn là những người phế binh VNCH. Ngày xưa lúc chế độ cũ còn, được nói, được hưởng đủ thứ quyền lợi, thế nhưng họ vẫn sống bèo bọt, cực nghèo. 30-4-1975, VC vào tóm thu tất cả, thêm vào đó là chuyện trả thù. Lính sống thì đi tù, lính chết thì cầy mộ, còn lính què đui tàn phế, thì bị xua đuổi ra khỏi các quân y viện, làng phế binh và ngay cả ngôi nhà của mình.

19-4-1975 tại Quân Y Viện Đoàn Mạnh Hoạch, Phan Thiết. 30-4-1975 tại Tổng Y Viện Cộng Hòa-Sàigòn. Thảm họa gì đã đến với các thương bệnh binh còn đang điều trị, khi giặc về? Có ai cầm được nước mắt trong cảnh đoạn trường máu lệ, khi từng đoàn thương binh, nối gót đắt dìu ra cổng. Người sáng dắt kẻ mù, kẻ bị thương nhẹ cõng người trọng bệnh. Khắp lối ra vào, máu me vương vãi với nước mắt đoanh tròng của những nạn nhân bị bỏ rơi, không đại bàng, chẳng đồng đội và cũng hết hậu phương. Một số chết vì vết thương quá nặng, số khác sống trong cảnh tàn phế vĩnh viễn, vì vết thương không được tiếp tục điều trị. Đời thê thảm quá, cũng may lúc đó quanh họ, còn có những cô gái bán phấn buôn hương ở Ngã ba Chú Iá, Gò Vấp, những người xích lô ba gác, kẻ cho tiền, người giúp công, đưa hết những bệnh nhân xa xứ, tới bến xe về quê sống tiếp kiếp lính bèo.

Cuộc đổi đời nay đã xa lắc nhưng mỗi lần nhớ cứ tưởng mới hôm qua hôm nay. Ba mươi lăm năm rồi ta còn sống được, để nói chuyện văn chương chữ nghĩa trên đất người, đã là điều đại phúc. Trong lúc đó nơi quê nhà ngàn trùng xa cách, những người phế binh năm nào, không biết nay ai còn ai mất. Nhưng chắc chắn một điều, dù họ có sống hay đã chết, thì hận nhục, thương đau cũng đâu có khác gì bóng ma trơi, những mảng đời nghèo hèn tăm tối. Đâu có ai muốn nhắc tới những thân phận hẩm hiu trong vòng đời tục lụy, kể cả những cấp chỉ huy cũ, hiện đổi đời giàu sang, mồm to miệng thét ở hải ngoại.

- Xin hãy thương lấy họ, hãy cứu vớt họ đang trôi nổi trong ngục tù nghiệt ngã.
- Phế binh cũng là một phần của tập thể cựu quân nhân hải ngoại.
- Hãy rớt một chút ân thừa cho những thây người còn sống sót trong bể hận trầm luân.
- Hãy cho họ một chút tình thương trong cơn hấp hối.
- Hãy dành cho họ một chút không gian nho nhỏ, trong căn nhà VN to lớn, đã được các cộng đồng tị nạn hoàn thành trên khắp nẻo đường viễn xứ, để họ an tâm chờ đợi luân hồi và một vòng hoa tặng người chiến sĩ ca khúc khải hoàn, mà chắc chắn phải có trong thời gian gần.

Ngày xưa người chinh phụ, giữ sạch tâm hồn và băng trinh tuổi ngọc, để đợi chồng ngoài quan tái, hy vọng cuộc chiến mau tàn, để phu phụ trùng phùng, kết lại mối duyên xưa:

"Xin vì chàng xếp bào cởi giáp
Xin vì chàng giũ lớp phong sương
Vì chàng tay chuốc chén vàng
Vì chàng điểm phấn, đeo hương não nùng
Liên ẩm, đối ẩm, đòi phen
Cùng chàng lại kết, mối duyên đến già..."
(Chinh Phụ Ngâm)

Nhưng người chinh phụ VNCH lại không có cái diễm phúc đó, vì khi quê hương vừa ngưng tiếng súng, lập tức từ quan quân cho tới sĩ thứ, những người bại trận, lớp lớp vào tù. Lính chết đã rục tử thi vẫn bị dầy mồ, lính bị thương tàn phế bị xua đuổi ra khỏi cuộc sống. Thử hỏi trên thế gian này, có kiếp người nào, đáng thương hơn người lính VNCH?

"Dấu binh lửa nước non như cũ,
Kẻ hành nhân qua đó chạnh thương"
(Chinh Phụ Ngâm)

Cuộc đời thanh niên thời loạn ly, rốt cục chỉ còn lại nỗi buồn thiên cổ, xin hãy nâng ly rượu sầu lên môi mà nhớ. Nghiêng mình, cúi đầu cảm tạ những vị ân nhân, đã và đang hết lòng cưu mang, giúp đỡ tận tình "Thương Phế Binh, gia đình kể cả cô nhị quả phụ VNCH", hiện đang sống kiếp trầm luân rách đói, trong địa ngục VN.




Xóm Cồn Ha Uy Di
Tháng 11-2010


Saturday, November 13, 2010

Người tù không án
TônThất Đàn

Con người ta vừa sinh ra khỏi lòng mẹ, ai cũng phải cất tiếng khóc chào đời ! Chứng tỏ rằng cuộc đời nầy chẳng có gì là sung sướng cả? Vì thế Đức Phật đã bảo :”Đời là bể khổ ”.Nhưng khổ thì cũng vừa phải thôi, chứ sao cuộc đời tôi lại phải khổ nhiều như thế nầy ! Ông Trời có bất công xử tệ với tôi không? Nói về cuộc đời của tôi thì nhiều lắm, có thể viết thành một cuốn truyện dài. Tuy nhiên, để ngắn gọn tôi xin trích ngang một đoạn để kể về hai lần tù tội của đời tôi trong hai giai đoạn vừa qua, dưới chế độ bạo tàn của Cọng Sản cho quý vị độc giả nghe.

Người ta thường nói :”Họa vô đơn chí”. Đúng thế, cái sự rủi ro không bao giờ đến với mình một lần thôi đâu ! Đó là trường hợp của tôi : Lần thứ nhất, “ Mùa Hè đỏ lửa “ năm 1972. Sau khi tỉnh Quảng Trị bị thất thủ vào tay Cọng Sản Bắc Việt, đơn vị tôi là chiến xa M.48 phải rút về tại Cầu Dài ( trên Đại lộ kinh hoàng) để di tản vào Mỹ Chánh. Vì chúng tôi là Thiết Giáp, “mình đồng da sắt”, nên được lệnh phải đi sau cùng để chận đứng mọi sự truy kích của địch quân. Vì thế, khi đến Cầu Dài, Chiến xa M.48 của chúng tôi không thể nào lội qua sông được, (vì cầu đã bị phá sập) chúng tôi đành phải bỏ xe, chạy bộ để vào Huế. Nhưng vì lực lượng của đối phương mạnh gấp bội phần, hơn nữa bị lâm vào trận địa pháo và địch quân bao vây tứ bề. Đến khi chạy đến đê Cù Hoan thuộc Huyện Hải Lăng (Quảng Trị) chúng tôi liền bị một đơn vị của đối phương phục kích. Chúng chỉa súng AK vào chúng tôi và bảo :”Hàng sống, chống chết” . Khi đó đơn vị cũng đã tan rã rồi, chúng tôi đành phải đưa hai tay lên đầu hàng thôi ! Đó là vào sáng ngày 2/5/1972 ngày mà tôi bắt đầu bước vào cuộc đời “tù binh” đầy gian nan và nhiều nước mắt !...

Đầu tiên, chúng tập trung chúng tôi vào một ngôi làng (sau nầy tôi biết đó là làng Trung Đơn,Quảng Trị). Đợi đến khi trời tối, chúng mới trói thúc ké hai tay tôi lại và cột dính chùm với nhau cùng những tù binh khác, và cứ thế chúng đưa chúng tôi đi bộ ròng rã hơn một tháng trời mới ra đến Hà Nội. Cứ ban ngày thì nghỉ, nằm dưới những rừng cây già để tránh máy bay Mỹ ném bom, đêm xuống thì lại tiếp tục đi. Ngày nầy qua ngày khác, ăn uống thì không có gì, ngoài mỗi bữa chúng phát cho mỗi người hai tép lương khô của Trung Cộng ăn cầm hơi, uống nước suối để đi đường. Không bao giờ nấu nướng gì được vì sợ lộ mục tiêu, máy bay Mỹ sẽ ném bom xuống. Vì lo sợ chúng tôi trốn chạy, nên chúng lột giày chúng tôi ra hết, và bắt chúng tôi đi chân không, nên người nào người nấy chân cẳng đều bị ứa máu te tua ! Phần thì ăn uống không có gì, phần thì uống nước suối, và bị muỗi rừng đốt, nên nhiều người bị bệnh sốt rét và kiết lỵ, chết rơi rớt dọc đường rất nhiều! Hồi đó tôi không ngờ địch quân lại đưa chúng tôi ra giam giữ tại Cao Bắc Lạng đâu ? Tôi nghĩ rằng, chắc chúng chỉ đưa chúng tôi vào một “mật khu” nào đó của chúng mà thôi. Ai ngờ, sau một tuần lễ đi đến Quảng Bình, chúng bèn thanh lọc ra những Sĩ Quan có cấp bậc từ Chuẩn Úy trở lên đều phải tiếp tục đi ra Hỏa Lò (Hà Nội) hết. Ra đén Nghệ An, chúng bắt buộc mỗi người chúng tôi phải cùi thêm sau lưng một bao gạo 25 ký để ăn dọc đường cho đến tận Hà Nội. Vì những bao gạo đó mà suýt nữa tôi đã bỏ mạng ở thành phố Vinh rồi! Số là đoàn tù binh của chúng tôi đông lắm, mà người nào cũng có cùi gạo trên lưng. Khi đó gặp lúc máy bay Mỹ ra ném bom miền Bắc, bay ngang qua tưởng chúng tôi là đoàn “dân công”, một chiếc F.5 liền sà xuống rất thấp trên đầu, khiến tôi nhìn thấy được cả viên phi công nữa. Khi đó chúng tôi biết rằng thế nào cũng sẽ bị ăn bom chết rồi, bèn liều mình đưa hai tay quơ qua quơ lại làm dấu đại vậy thôi. Không ngờ, chắc viên phi công đó đoán biết chúng tôi là đoàn “tù binh” nên không đánh bom nữa và bay thẳng ra hạm đội. Còn những tên cán bộ áp giải chúng tôi quá sợ hải trốn đâu mất tiêu. Sau khi máy bay qua rồi, chúng mới ló mặt ra điểm danh chúng tôi lại, rồi tiếp tục giải chúng tôi ra tới Hà Nội.

Đúng 30 ngày sau (2/6/1972) chúng tôi đén Hỏa Lò (Hà Nội). Tôi nghĩ rằng chắc phải nằm ở đây với tù binh Mỹ rồi ! Nhưng không, mới tờ mờ sáng hôm sau, chúng phân phát cho mỗi người chúng tôi một vắt cơm có muối ở trong ruột, và ra lệnh tất cả đều lên xe Môlotova trực chỉ hướng Tây Bắc mà lên đường. Qua khỏi cầu Long Biên (sông Hồng) , vượt rừng núi Tây Bắc cho gần đến chiều tối mới địa điểm cuối cùng giam giữ tù binh. Đó là làng Thất Khê (thuộc tỉnh Lạng Sơn) mà đối phương đặt tên là trại T.H . Đặc biệt vùng nầy dân địa phương hoàn toàn là dân tộc Tày, nằm sát bên bờ sông Kỳ Cùng. Ở đây thì đành chịu thôi, không biết đường đâu mà vượt ngục. Ra ngoài mà gặp người Tày thì họ cũng bắt và giao lại cho trại tù thôi. Suốt ngày chúng tôi cứ ở trong bốn bức hàng rào , mỗi lần nghe báo động có máy bay Mỹ đến là tất cả đều xuống giao thông hào ẩn núp theo lệnh của trại.

Thú vị nhất là những chiều nắng ấm, chúng tôi được Trại hướng dẫn cho ra tắm ở bờ sông Kỳ Cùng .Đặc biệt giòng sông nầy có hai màu nước : giòng bên kia bờ là nước đục, còn bên nầy bờ của chúng tôi thì nước trong. Riêng tôi nghĩ rằng : Biết bao giờ tôi mới gặp lại được gia đình? Chắc “ngàn năm mây bay” phải ở lại nơi xứ nầy rồi! Cho nên chúng tôi thường nói đùa với nhau rằng : “Bao giờ hai giòng nước nầy hòa thành cùng một giòng nước trong, thì chúng tôi mới được về”! Mà thật vậy, không hiểu sao qua năm sau (1973), môt buổi chiều chúng tôi ra bờ sông tắm thì bỗng nhiên thấy cả giòng sông Kỳ Cùng nước trong xanh vắt một màu. Chúng tôi mừng quá, không biết hiện tượng gì đây? Chắc lời nguyền của chúng tôi được Thần linh báo ứng ? Đúng thế, khoảng một tháng sau chúng tôi được nghe tin trên loa phóng thanh của Trại là Hiệp Định Paris được ký kết, chấm dứt chiến tranh, đó là ngày 27/1/1973, và chúng tôi sẽ được “trao trả tù binh”. Chúng tôi mừng quá đến rơi cả nước mắt. Sau đó chúng tôi chờ đợi mãi cho đến tháng 3/1973 chúng mới đưa chúng tôi về Hà Nội để chuẩn bị “trao trả tù binh” . Riêng tôi thì chỉ còn hai ngày nữa là hết hạn “trao đổi tù binh”, thì tôi mới được đưa đến trao trả tại bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị). Đó là ngày 23/3/1973, cái ngày mà nó đã ăn sâu vào tâm khảm tôi đến chết vẫn không bao giờ quên. Chúng tôi có mặt bên bờ Bắc sông Thạch Hãn đã hơn một tuần lễ nay để chờ đợi được gọi tên trao trả qua bên bờ Nam sông Thạch Hãn. Ngày nào tôi cũng sống trong sự hồi hộp lo âu, không biết mình có được trả về hay không? Có nhiều người đến giờ phút chót vẫn không được trao trả theo Hiệp Định Paris, vì bị đối phương lật lọng. Thế rồi, vào một buổi sáng đẹp trời ngày 23/3/1973 ấy, tôi được Trưởng đoàn “trao trả tù binh” của đối phương gọi lên cùng một số anh em tù binh khác, cho biết rằng hôm nay chúng tôi được “trao trả tù binh”. Thật không bút mực nào tả xiết nổi sự vui mừng của chúng tôi trong lúc nầy. Riêng tôi vì quá mừng mà suýt nữa phát khóc trước sự chứng kiến của đối phương, nhưng tôi cố gắng nén lệ vào lòng, để dành khóc với thân nhân của mình đang ngóng chờ bên kia bờ sông Thạch Hãn !

Thật vậy, khi chiếc cano đưa chúng tôi từ bờ Bắc cập bến bờ Nam sông Thạch Hãn , tôi nhận thấy có rât nhiều quân nhân các cấp ra đón tiếp, kèn trống nổi lên khúc ca khải hoàn, trong đó có bà con thân hữu của tôi đã có mặt ở đấy suốt cả mấy tuần nay nhưng chẳng thấy bóng dáng tôi đâu? Nhất là bà mẹ già của tôi, ngày nào cũng lặn lội từ đèo Hải Vân (Lăng Cô) ra đến Quảng Trị để chờ mong gặp được đứa con trai trở về từ cỏi chết ! Đến ngày hôm nay bà mẹ của tôi mới được thỏa lòng mong đợi. Mẹ tôi đã ôm con trai của bà vào lòng và khóc nức nở trong sự vui mừng! Riêng tôi, có cảm tưởng rằng như mẹ tôi đã tái sinh tôi ra lần thứ hai.

Thế rồi, qua một thời gian ngắn ở “Trung Tâm An Dưỡng”, tôi lại được trở về đơn vị cũ phục vụ như hồi trước. Cấp bậc và chức vụ vẫn như xưa, không có gì thay đổi. Tôi tưởng rằng cuộc đời tôi rồi đây sẽ lên hương, vì tôi sẵn sàng chiến đấu và phục vụ lại quân đội cho đến cùng. Nhưng than ôi ! Chữ “nhưng” quái ác nầy đã làm cho cuộc đời tôi lại phải vào tù một lần thứ hai nữa.!...
Đó là ngày 30/4/1975. Sau khi miền Nam bị bức tử, đối phương một lần nữa lại bắt tôi trình diện để đi “lao cải” tức là đi ở tù lần thứ hai ! Lần nầy chúng giam tôi hơn 6 năm vì cái tội “ngoan cố”, đã được “trao trả” về rồi mà vẫn còn tiếp tục đánh phá chúng. Âu cũng là số phận thôi !

Trong suốt hơn 6 năm trời ở tù lần thứ hai nầy, tôi đã phải trải qua rất nhiều trại từ Bình Thuận ra đến Tuy Hòa (Phú Yên). Trại giam cuối cùng của tôi là “Trại A.30” (ở Thạch Thành, Tuy Hòa) . Qua nhiều trại, nhưng cái trại nầy do Công an trực thuộc Bộ Nội Vụ quản lý, nên chúng hành hạ và bắt chúng tôi lao động rất khổ sở. Vì ăn uống thiếu thốn, mà lao động thì quá sức người, nhất là vấn đề thăm nuôi chưa có, nên sức khỏe của hầu hết anh em tù “cải tạo” đều bị sa sút.

Cho đến một hôm, vào tháng 12/1978 chúng tôi nhận được lệnh cho phép viết thư về gia đình báo tin cho thân nhân được phép ra thăm nuôi, đồng thời cho gia đình biết địa điểm nơi đến gặp gỡ. Tôi cũng không ngoài ngoại lệ, liền viết thư báo tin cho vợ con biết để đi thăm. Khi vợ tôi nhận được thư thì mừng quá, vì lâu ngày không được gặp mặt, nhất là 3 đứa con rất nhớ Ba chúng nó, và tôi cũng vậy! Vì thế, “bà xã” tôi đã dắt díu luôn cả 3 đứa con từ Phan Rang (Ninh Thuận) ra đến Tuy Hòa để thăm Ba. Khi ra đến nơi, vợ chồng, cha con gặp nhau rất mừng rỡ, thỏa lòng nhớ mong, tưởng rằng sẽ còn có ngày gặp nhau nữa ! Ai ngờ !!!...Đó là lần cuối cùng tôi gặp đứa con trai đầu lòng yêu dấu của tôi !!! Số là , sau khi ra thăm nuôi xong, trên đường trở về, khi xe đò xuống đèo Cả (Nha Trang), xe bị đứt thắng, tài xế không làm chủ được tốc độ, nên cho xe húc vào thành núi làm cho trên xe chết 6 người trong đó có một đứa con trai đầu lòng của tôi. Còn vợ và hai đứa con còn lại của tôi đều bị thương rất nặng. Đứa thì bị gãy chân, đứa thì bị sứt trán. Riêng vợ tôi thì bị mê man bất tỉnh, tất cả đều được đưa vào bệnh viện Nha Trang. Còn đứa con trai đầu lòng bị tử nạn đó đã được một người bà con ởNha Trang đưa về chôn cất tại quê nhà.

Tất cả những sự việc xãy ra đó, tôi ở trong trại hoàn toàn không hay biết gì hết. Sau khi ở quê nhà , thân nhân có báo ra cho “trại cải tạo” biết tình trạng bi đát của gia đình tôi như vậy, nhưng trại cũng đã dấu luôn không cho tôi biết gì hết! Mọi người lo sợ tôi bị giao động tinh thần trong lúc nầy không có lợi cho bản thân, nên đều giữ kín không cho tôi biết. Sau đó một thời gian, có vài gia đình ở quê vợ ra thăm nuôi thân nhân , họ có cho bạn bè tôi biết, nhưng khi đến tai tôi thì mọi sự đã quá muộn ! Chuyện xãy ra như vậy mà mãi 3 tháng sau tôi mới hay tin .Lòng tôi như rối bời, thân xác kiệt quệ. Mấy lần tôi đã ngã quỵ, tưởng không thể sống nổi. May nhờ bạn bè an ủi, giúp đỡ về vật chất cũng như tinh thần, tôi đã qua khỏi. Tôi quá đau buồn , và nghĩ rằng cuộc đời tôi sao cứ khổ mãi thế nầy? Tôi liền lên trình bày hoàn cảnh bi đát của tôi cho Ban Chỉ Huy trại và xin phép được về nhà ít ngày để thăm gia đình. Nhưng làm gì có chuyện được phép về thăm nhà trong lúc nầy? Chúng bảo : “Ráng “cải tạo” tốt thì sẽ được về với gia đình.” Ôi ! Thế nào là tốt? Đến khi nào thì tốt? Đối với tôi, tôi thấy chuyện đó rất mơ hồ và quá viễn vông, và mãi mãi sẽ không bao giờ tốt nổi với lủ Cọng Sản. Tôi nghĩ, riêng tôi chắc phải ở nơi rừng thiêng nước độc Thạch Thành nầy “mút mùa lệ thủy” rồi ! Vì chúng đã xếp tôi vào loại “ngoan cố”, khó cải tạo, nên đã vào tù lần thứ hai.

Thế rồi, một hôm chúng tôi nhận được một tin vui do những người đến thăm nuôi cho biết là tất cả các Sĩ quan dưới chế độ cũ, ở tù trên 3 năm đều được đi định cư ở Mỹ cùng với gia đình. Tôi mừng quá, nhưng vẫn còn bán tín bán nghi, cho đến một hôm tôi được gọi ra thăm nuôi, nhưng chỉ có vợ tôi và bà mẹ già thôi ! Mấy con tôi, đứa thì ra đi vĩnh viễn, hai đứa còn lại thì vẫn đang còn nằm trong bệnh viện. Ôi ! Tình Mẹ thật là bao la ! Nghĩa vợ chồng thật là thắm thiết ! Trong hoàn cảnh khắc nghiệt nào, người Mẹ bao giờ cũng nghĩ đến đứa con trai của mình. Trong đau thương, khó khăn nào , người vợ cũng chung thủy với chồng mình ! Ôi ! Tình yêu thật là cao cả và nhiệm mầu ! Gia đình cũng cho biết tình hình như vậy, và khuyên tôi cứ hy vọng mà sống, và nhất là ráng giữ gìn sức khỏe , bảo toàn mạng sống để về sum họp với gia đình. Những lời vàng ngọc đó như một liều thuốc hồi sinh vực tinh thần chúng tôi dậy. Chúng tôi rất phấn chấn và sống trong sự hy vọng…

Người ta thường nói: “Tam thập nhi lập” , nghĩa là tuổi đời sung mãn nhất, tạo dựng nên được sự nghiệp huy hoàng nhất là ở độ tuổi từ 30 đến 40. Nhưng trong cái độ tuổi ấy của tôi, đều đã phải trải qua trong trại tù Cọng Sản từ Bắc chí Nam. Chúng vắt kiệt hết sức lực của tôi rồi! Đế khi về được với gia đình sau 7 năm trời tù tội thì thân tàn ma dại, sức khỏe đã mất hết rồi ! Cọng thêm 10 năm ở tù ngoài đời nữa, (trong tù là trại tù nhỏ, ra ngoài đời ở VN là traị tù lớn) thì còn gì nữa là sức trai trẻ? Cả cuộc đời vừa qua, tôi chưa làm một điều gì nên nổi để đền đáp công ơn sinh thành và sự hy sinh của Mẹ tôi. Đến khi có được điều kiện để lo cho Mẹ, thì Mẹ đã ra người thiên cổ . Hôm nay ngồi viết những dòng nầy như một nén hương lòng kính dâng lên Mẹ, con luôn luôn nhớ về Mẹ và rất biết ơn Mẹ ! Con rất hối hận vì chưa làm tròn được bổn phận hiếu thảo của một thằng con trai đối với Mẹ. Xin Mẹ hãy tha thứ cho con, và xin Mẹ phù hộ cho gia đình con, cũng như cháu chắt của Mẹ được mọi sự an lành.!

Viết đến đây vì quá xúc động ! Tôi không tài nào viết tiếp được nữa ! Nếu những dòng chữ nầy vô tình lọt vào mắt những bạn nào đã từng bị bắt làm tù binh, ở chung cùng trại T.H (Lạng Sơn , năm 1972 – 1973 ) với tôi . Hoặc những bạn nào đã từng ở tù “cải tạo” cùng với tôi tại Trại A.30 (Thạch Thành, Tuy Hòa) 1975 – 1981 . Nếu được, thì xin liên lạc với tôi qua số điện thoại : (908) 810 – 8057
Hoặc Email : tonthatdan@yahoo.com
Chúng ta cùng nhau hàn huyên tâm sự, để ôn lại những kỷ niệm đau thương trong cuộc đời trầm luân và ô trọc nầy ! Mong vậy thay !.

Sunday, November 7, 2010

Kissinger nhìn nhận :
“Sự thảm bại tại Việt Nam năm 1975 là do Hoa Kỳ chớ không phải do VNCH.”


ĐÃ ĐẾN LÚC PHẢI ĐÒI LẠI DANH DỰ CHO QUÂN DÂN VNCH -
Le thanh Nhan


Date: Friday, November 5, 2010, 9:02 PM
Đã đến lúc Kissinger thành khẩn nhận tội !...
KMT.


ĐÃ ĐẾN LÚC PHẢI ĐÒI LẠI DANH DỰ CHO QUÂN DÂN VNCH
Lê Thành Nhân


Trong vòng chỉ 3 tháng nay một loạt biến động lớn lao về chánh-trị, ngoại-giao và quân-sự đã dồn dập diễn ra trong khu vực Á châu và Thái Bình Dương.

- Ngày 23-7-2010 Nữ Ngoại-trưởng Hilary Clinton nhân danh đại cường quốc Hoa Kỳ long trọng khẳng định tại Hội-nghị ASEAN ở Hà Nội: ”Hoa Kỳ xem Đông Nam A là khu vục thuộc lợí ích quốc gia của Hoa Kỳ về các phương diện anh ninh, kinh-tế, thương mại.”

- Ngày 24-9-2010, Tổng thống Obama đích thân triệu tập và chủ tọa Hội-nghị thượng-đỉnh tại New York (Second ASEAN Leaders Meeting) với các người đứng đầu các nước ASEAN để chủ động kết hợp các nước ấy trong một thế chiến lược mới. Một bản Tuyên bố chung (Joint Statement) quan trọng đã được công bố, và Tổng thống đã bỗ nhiệm ngay một Đặc sứ thường trực bên cạnh ASEAN tại Trụ sở của ASEAN tại Djakarta .

- Chỉ 5 ngày sau: ngày 29-9-2010: Bộ Ngoại-giao Hoa Kỳ tổ chức một cuộc hội-thảo ngay tại Bộ Ngoại giao tại DC dưới sự điều hợp của Đại-sứ Brynn với đề tài “Kinh nghiệm Hoa Kỳ tại Đông Nam Á” (The American Experience in Southeast Asia : Historical Conference) trong đó diễn giả chính là Henry Kissinger.

- Trong khi chúng tôi đang viết bài nầy thì các đại diện ngoại giao, quân-sự cao cấp của các nước thuộc ASEAN và Hoa Kỳ, Nhựt, Úc, Ấn-độ, v.v...đã bắt đầu Hội nghị các Tổng-trưởng Quốc-phòng (ADMM plus) tại Hà Nội từ ngày 12-10-2010 rồi tiếp tục với những phiên họp riêng giữa các thành viên ASEAN và các cường quốc trong vùng: Hoa Kỳ, Nhựt bản, Ấn độ, Úc, v.v...Phiên họp ngày 28-10-2010 là một phiên họp cao cấp quan trọng với sự tham dự của NT Clinton.

Giữa lúc đó thì chiến hạm Hoa Kỳ tiến sát và tập trận dọc thềm lục địa Á Châu từ Biển Nhựt Bản xuống Ấn-độ dương…có lúc vào tận cảng Tiên Sa (Đà Nẳng) của Việt Nam .

Tất cả những diễn biến đó không phải là những điều ngẫu nhiên.

Trong bài nầy chúng tôi chỉ chú trọng đến cuộc hội-thảo tại Bộ Ngoại-giao ngày 29-9-2010 để tìm hiểu ý nghĩa và tầm quan trọng của các lời phát biểu của Henry Kissinger tại cuộc hội-thảo này (Đọc giả có thể tham khảo bài tường trình ngày 6-10-10 của Người Việt Online)

Các ý-kiến của Kissinger phát biểu trong cuộc hội-thảo nói trên được tóm gọn như sau: “Sự thảm bại tại Việt Nam năm 1975 là do Hoa Kỳ chớ không phải do VNCH.”

Nhân dân Việt Nam và thế giới công chính đã chờ đợi câu nói đó từ 35 năm rồi, nay mới được thốt ra từ chính cửa miệng của Henry Kissinger, vào một thời điểm và tại một địa điểm có tính toán. Bởi vậy, nó có một giá trị vô cùng quan trọng. Nó trả lại danh dự cho hàng triệu chiến sĩ tự do của VNCH, từ nguời dân đen đến cấp lãnh-đạo cao nhứt. Nó giải oan cho hàng triệu linh hồn người Việt đã hi sinh cho Tự do. Nó trả lại DANH DỰ VÀ CHÍNH NGHĨA cho toàn thể Quân Dân VNCH từng bị bọn phản chiến và truyền thông bất lương bôi lọ.

Xin nhắc lại: Henry Kissinger là người chịu trách nhiệm về chánh sách ngoại giao của Hoa Kỳ từng đưa đến việc bán đứng VNCH cho Bắc Việt qua Hiệp-định Paris 1972, sự rút lui của Hoa Kỳ khỏi Đông dương 1975, và giao cho Trung Cộng làm “cai thầu khu vực” với bản Tuyên ngôn Thượng Hải (1972.)

Nixon và Kissinger bị mù mắt vì cái thị-trường khổng lồ béo bỡ của Hoa Lục, không ngần ngại phản bội lại đồng minh của mình. Cảnh tượng xót xa, bẽ bàng nhứt là Đệ 7 Hạm đội Hoa Kỳ nhẫn tâm án binh bất động, đứng nhìn hải quân TC cưỡng chiếm Hoàng Sa của đồng minh VNCH hồi tháng Giêng 1974. Ngày nay, khi Trung cộng trở mặt, sử dụng Hoàng Sa làm pháo đài khống chế Đông Nam Á và Thái Bình dương thì nước Mỹ mới mở mắt và nhận thấy hối hận về sự phản bội đồng minh VNCH của mình 35 năm trước.

Thực vậy, dân tộc Việt Nam là nạn nhân gánh chịu hậu quả thảm khóc nhứt của chánh sách Nixon-Kissinger với “Ngày 30 tháng 4 năm 1975.” Chính chánh-sách đó đã đưa gần 30 triệu nhân dân Miền Nam tự do vào cảnh điêu linh, thống khổ, nhà tan cửa nát, con mất cha, vợ mất chồng, kẻ thì bỏ xác trong ngục tù CS, người thì làm mồi cho hải tặc hoặc vùi thây dưới đáy biển. Không bút mực nào tả hết những tội ác của cộng đảng VN đối với gần 30 triệu dân Miền Nam từ 1975 đến nay.

Lời tuyên bố của Kissinger hôm nay, tuy rất ngắn, nhưng có một ý nghĩa vô cùng quan trọng: “Sự thảm bại tại Việt Nam năm 1975 là do Hoa Kỳ chớ không phải do VNCH.”

Bằng những lời phát biểu ngày 29-9-2010 tại ngay thủ đô nước Mỹ, lãnh đạo nước Mỹ hiện nay dường như muốn nhờ Kissinger thay mặt nước Mỹ (Bộ Ngoại giao tổ chức) nói lên lời tạ tội và sám hối của nước Mỹ đối với gần một triệu sinh linh của chế-độ VNCH đã chết oan uổng, trong đó hơn nửa triệu đồng bào vượt biên chìm dưới đáy biển, hàng trăm ngàn Dân Quân-Cán-Chính VNCH chết trong các trại tập trung lao-động khổ sai, cộng với hàng trăm ngàn vợ con họ chết trong các “vùng kinh-tế mới” vì đói rét, bệnh tật và rắn rết.

Tại hội-nghị các Bộ-trưởng Quốc-phòng ASEAN (ADMM Plus) họp sau đó tại Hà Nội ngày 12-10-2010, Bộ-trưởng Quốc-phòng Hoa Kỳ Robert Gates đại ý tuyên bố ngay trước mủi của tên BTQP Trung cộng: ”Hoa Kỳ sẽ nhận trách nhiệm bảo đảm an ninh và tự do cho tất cả các quốc-gia ĐNA, nhứt là hải lộ xuyên Biển Đông, vì khu vực nầy thuộc quyền lợi quốc-gia của Hoa Kỳ về các phương diện an ninh, kinh-tế và thương mại.” Trong khi đó thì tàu chiến Hoa Kỳ trang bị vũ khí nguyên-tử đang tập trận với hải quân Nam Hàn ngoài khơi vùng biển của Trung cộng.

Gần hai tỷ dân trong khu-vực Á châu –Thái-Bình-dương thở phào, nhẹ nhỏm! Vì, từ nay, cái “lưỡi bò” hung hăng của tên bá quyền Hán tộc bổng teo lại thành……cái lưỡi gà bé tí tẹo! Không ai còn nghe các tướng lãnh TC khoác lác vung vít về sức mạnh quân sự của CHNDTQ và tham vọng độc chiếm Biển Đông của chúng. Không ai còn nghe cái loa khoác lác của Bộ Ngoại giao TC hàng ngày bô bô lên tiếng đe dọa các quốc gia tiếp giáp với “cái lưỡi bò đói khát”, nhứt là Việt Nam, Nam Dương, Phi-luật-tân, Brunei. Ngay sau khi Bộ-truởng QP Hoa Kỳ tuyên bố như trên, phát ngôn nhân của con cọp giấy Trung cộng bèn rêu rếu thông báo trả tự do vô điều kiện cho 9 ngư dân của đảo Lý sơn/Quảng Ngải bị chúng bắt giữ gần đảo Hoàng Sa cả tháng trước đó.

Các sự kiện trên đây chứng minh là vì cả tin nơi những tính toán sai lầm của tên con buôn chính-trị Kissinger, nước Mỹ phải để gần 40 năm (1972-2010) mới học được cái chân-lý đơn giản: Người CS marxist dù Nga hay Tàu hay Việt, chúng đều phản phúc như nhau. Nhờ sự giúp đỡ trong 40 năm qua của Hoa Kỳ nước Tàu mới thoát khỏi tình-trạng đói khát, lạc hậu và bắt đàu hơi khấm khá. Nhưng chưa chi thì chúng đã quay lại định ăn tươi, nuốt sống người thi ân cho mình. Đó là bản chất của người Cộng-sản Marxist. Hai dân tộc Đức và Nhật cũng được Hoa Kỳ giúp đỡ tái thiết sau chiến tranh, nhưng họ không mang tính phản phúc đó.

Vấn đề mà chúng ta muốn bàn hôm nay là: vì cần mua bán, đổi chác với Trung cộng để trục lợi, bọn chánh khách vô liêm sĩ ở Hoa Thạnh Đốn, đã ra sức gán cho VNCH đủ thứ tội: nào là quân đội không chịu chiến đấu, nào là công chức tham nhũng, v.v…Bọn chánh khách bất lương Âu châu thì kết tội VNCH là tay sai Mỹ chỉ vì ganh ghét với Hoa Kỳ. Nếu quân dân VNCH không chịu chiến đấu thì làm sao giữ vB0ời Việt Quốc-gia càng sáng tỏ hơn bao giờ hết. Bây giờ thì không một ai còn nghi ngờ nữa: VNCH còn là còn tất cả! VNCH mất là mất tất cả! Chúng ta đòi hỏi lịch sử và nhân dân thế giới phải trả lại sự công bằng và danh dự cho Quân Dân VNCH, từ người thứ dân cho đến các cấp lãnh đạo Quốc-gia. Trong nội bộ người Việt, yêu cầu những kẻ vô ý thức hay bị CS tuyên truyền tẩy não trong 35 năm qua hãy chấm dứt những luận điệu tự phỉ nhổ mình bắng cách gọi các vị lãnh đạo Quốc-gia, các tướng lãnh của VNCH bằng thằng nọ, thằng kia. Cái cuộc “đổi đời” năm 1975 đã biến “THẰNG thành ÔNG” và đem “ÔNG xuống làm THẰNG” nay đã chấm dứt rồi, vì đó là cái thang giá trị Marxist trong đó “trí thức không bằng cục phân” (lời Mao Trạch Đông.) Thang giá trị (échelle des valeurs) của một xã hội Việt Nam văn minh đạo đức truyền thống phải được tái lập để làm nền tảng cho một nước Việt Nam hậu Cộng-sản. Chúng tôi sẽ bàn đến “hệ thống giá trị chân chính” của người Việt trong một bài khác. Hải ngoại, ngày 28-10-2010 Lê Thành Nhân - Ngày 23-7-2010 Nữ Ngoại-trưởng Hilary Clinton nhân danh đại cường quốc Hoa Kỳ long trọng khẳng định tại Hội-nghị ASEAN ở Hà Nội: ”Hoa Kỳ xem Đông Nam A là khu vục thuộc lợí ích quốc gia của Hoa Kỳ về các phương diện anh ninh, kinh-tế, thương mại.” - Ngày 24-9-2010, Tổng thống Obama đích thân triệu tập và chủ tọa Hội-nghị thượng-đỉnh tại New York (Second ASEAN Leaders Meeting) với các người đứng đầu các nước ASEAN để chủ động kết hợp các nước ấy trong một th�=E1��ng được Miền Nam đến 1975, khi mà Mỹ và Trung cộng ngã giá xong vụ buôn bán bẩn thỉu trên đầu nhân dân Việt Nam?

Ngoài ra, sau tháng 4, 1975, nhiều tướng lãnh liêm sĩ Hoa Kỳ đã viết lại hồi ký công nhận tinh thần dũng cảm và khã năng chiến đấu xuất sắc của QL/VNCH. Chúng ta không cần lặp lại ở đây. Còn nếu nói: vì tham nhũng mà chánh quyền VNCH sụp đỗ thì cứ hỏi chả lẽ nhà nước CHXHCN hiện nay ở VN ít tham nhũng hơn VNCH ngày trước? Thế tại sao nó còn nguyên đó hơn 35 năm nay? Cũng trong cùng thời gian với VNCH ai cũng biết ở các lân bang như Thái Lan, Phi Luât Tân, Nam Dương tình trạng tham nhũng trầm trọng hơn cả chục lần, nhưng có nước nào sụp đổ đâu!

Tóm lại, các chánh khách thiển cận, mù quáng của nước Mỹ lúc bấy giờ đã “hi sinh” quyền lợi của đồng minh VNCH với ảo tưởng đổi lấy một thị-trường béo bỡ của nước Tàu. Nhưng sự thật phủ phàng hôm nay là chính cái nước Tàu mà nước Mỹ vỗ béo đó đã đang quay lại ăn thịt nước Mỹ để giành ngôi vị đệ nhứt cường quốc trên thế giới. Và nước Mỹ ngày nay đã tỉnh ngộ, đang trở lại làm y chang cái công việc mà Quân Dân VNCH đã làm trước 1975, tức là chiến đấu chống đế quốc CS Trung quốc. Thế thì VNCH đã bị bức tử một cách oan uổng. Nhờ giương cao ngọn cờ chống lại bá quyền Trung cộng, bảo đảm an-ninh và tự do cho khu vực nên hiện nay Hoa Kỳ đang được nghênh đón trở lại Việt Nam như là môt “hiệp-sĩ.” Như vậy bọn CSVN không còn coi Hoa Kỳ là “đế-quốc xâm lược” nữa. Trái lại chúng coi Hoa Kỳ là vị cứu-tinh, và trả lại danh dự cho nước Mỹ.

Thế còn công lao hi sinh chiến đấu của Quân Dân Miền Nam để ngăn chận làn sóng đỏ của Nga, Tàu trong hơn 50 năm thì sao?

Vì thế, Quân Dân VNCH đòi hỏi nước Mỹ và thế giới phải trả lại danh dự cho họ vì họ đã hi sinh chiến đấu cho Tự do và An ninh của cả thế giới mà đã bị đối xử bất công bằng sự phản bội và bức tử oan uổng năm 1975.

Trên thực tế thì nhân dân Việt Nam trong nước đã làm việc nầy từ khi bọn “cách mạng” đặt chân vào Miền Nam vì, đối với mọi người dân trong nước thì cái gì của “ngụy” cũng tốt hơn “cách mạng”: bác sĩ “ngụy” cũng giỏi hơn, nhạc “ngụy” cũng hay hơn, nhân bản hơn, nếp sống “ngụy” cũng văn minh hơn, người dân “ngụy” cũng ấm no, hạnh-phúc hơn, v v...

Cuối cùng, sau khi chiếc mặt nạ của đảng CSVN kể công đánh ngoại xâm Pháp, Mỹ để giành độc lập bị rơi xuống đất, để lộ cái mặt thật của những kẻ bán nước đem tổ quốc dâng cho Tàu thì cái chính nghĩa bảo quốc của Quân Dân VHCN, của Người Việt Quốc-gia càng sáng tỏ hơn bao giờ hết. Bây giờ thì không một ai còn nghi ngờ nữa:

VNCH còn là còn tất cả!
VNCH mất là mất tất cả!

Chúng ta đòi hỏi lịch sử và nhân dân thế giới phải trả lại sự công bằng và danh dự cho Quân Dân VNCH, từ người thứ dân cho đến các cấp lãnh đạo Quốc-gia. Trong nội bộ người Việt, yêu cầu những kẻ vô ý thức hay bị CS tuyên truyền tẩy não trong 35 năm qua hãy chấm dứt những luận điệu tự phỉ nhổ mình bắng cách gọi các vị lãnh đạo Quốc-gia, các tướng lãnh của VNCH bằng thằng nọ, thằng kia. Cái cuộc “đổi đời” năm 1975 đã biến “THẰNG thành ÔNG” và đem “ÔNG xuống làm THẰNG” nay đã chấm dứt rồi, vì đó là cái thang giá trị Marxist trong đó “trí thức không bằng cục phân” (lời Mao Trạch Đông.) Thang giá trị (échelle des valeurs) của một xã hội Việt Nam văn minh đạo đức truyền thống phải được tái lập để làm nền tảng cho một nước Việt Nam hậu Cộng-sản.

Chúng tôi sẽ bàn đến “hệ thống giá trị chân chính” của người Việt trong một bài khác.

Hải ngoại, ngày 28-10-2010

Lê Thành Nhân

Sunday, October 31, 2010



Tâm Tình Người Lính VNCH Tỵ Nạn Thái Lan
( Trích trong hồi ký : Cuộc Đời Đổi Thay )
Mũ xanh Nhuyễn Minh Châu

Thưa quý vị,
Mỗi năm tới ngày lễ Halloween là tôi nhớ đến ngày đầu tiên tôi bước chân đến mảnh đất tự do để tạm dung thân. Tôi đã được may mắn vô cùng, trong khi có hàng vạn người thật vô phước đã không bao giờ tìm được hai chữ Tự Do. Một số người đã bỏ mình vì bị chìm ghe bởi sóng to gió lớn của biển cả và một số người khác bị hải tặc hãm hại đến chết hoặc bị tàu của hải tặc đánh chìm. Trong số những người bất hạnh nầy có ông Cảnh, Phó quận hành chánh của tôi ở Đức Hoà bị chết chìm khi lội vào bờ biển của xứ Thai Lan và một ông Phó quận hành chánh khác của tôi bị bọn cướp Thái Lan ném xuống biển lúc ông đã chống đối lại khi chúng làm hại vợ ông. Vì tôn trọng người quá cố và không muốn gợi lại nỗi buồn và đau khổ cho gia đình ủa ông nên tôi không tiện nêu tên ra.

Hai ông Phó quận nầy là hai vị Đốc sự hành chánh có khã năng nghề nghiệp và rất giỏi giắn. Hai ông đã giúp tôi tôi rất nhiều về việc điều hành cơ quan hành chánh quận, xã và ấp. Tôi rất buồn vì Hai ông đều vắn số, nhưng tôi được nghe những cựu viên chức của quận Đức Hoà và Dĩ An cho biết là vợ con của các ông ấy đã có cuộc sống rất ổn định nơi xứ người. Vợ chồng chúng tôi xin chia mừng cùng các bà và các cháu. Chúng tôi nghĩ là hai ông cũng yên phận nơi chín suối.

Lộ trình vượt biển.

Trong những tháng dài hơn một năm sống ẩn dật vì trốn việt cộng địa phương bắt tôi lại để trả thù khi tôi được miền Bẳc thả ra sớm hơn vì lý do tàn phế, vợ tôi đã tìm đường và đưa tôi đi vượt biển hai lần tại Nha Trang, nhưng bị bại lộ phải trở về Saigon và một lần thứ ba tại Cà Mau mà chuyến đi bị đình hoản quá lâu nên chúng tôi đành bỏ cuộc.

Nhưng rồi cuối cùng lần thứ tư, tôi đi lọt trên chiếc thuyền con chỉ dài có hơn chín thước do người em trai của vợ tôi tổ chức đi ra cửa Vàm Láng Gò Công. Tôi chỉ tốn tiền mua một cái hải bàn của ghe đánh cá thường dùng đi biển và tôi làm hoa tiêu để hướng dẫn con thuyền đi đến vùng vịnh Thái Lan.

Tất cả phụ nữ và co nít đều được dấu dưới khoan ghe, còn vài người đàn ông chúng tôi giả dạng dân đánh cá ngồi phía trên và thay phiên nhau lái ghe và tát nước khi những lượn sóng to đưa nước vào thuyền.

Chúng tôi xuất phát bằng xe đò từ bến Xóm Củi Chợ Lớn đến quận lỵ Cần Giuộc, rồi đi bộ đến bờ sông Cần Giuộc để lên ghe nhỏ và bắt đầu chuyến đi giữa ban ngày. Khi chiếc thuyền của chúng tôi bắt đầu nổ máy thì tên du kích trong làng phát giác biết được là ghe vượt biên bèn bắn mấy phát súng AK 47 để chận chúng tôi lại, anh tài công xả hết ga và chạy thoát.

Chúng tôi ra khỏi cửa biển lúc trời sẫm tối và còn thấy lờ mờ những ánh đèn của Thị xã Vũng Tàu. Nhưng, ánh đèn pha thật sáng trên đỉnh núi Lớn vẫn còn hiện rõ phía sau lưng chúng tôi. Nhờ cái đèn pha nầy mà tôi dễ định được vị trí của con thuyền và nhắm hướng ra khơi dễ dàng.

Tuy ghe nhỏ nhưng dùng đầu máy mạnh và chở ít người nên thuyền của chúng tôi đã mau đến vùng hải phận quốc tế rất an toàn vào lúc lúc trời ẩm tối ngày hôm sau. Tất cả trên ghe ai cũng đều thở phào nhẹ bổng vì chúng tôi đã thoát khỏi bàn tay khát máu của cộng sản.

Lúc bấy giờ tôi nghĩ rằng nếu có chết chìm trong chuyến hành trình trên biển chúng tôi cũng được chết giữa dòng nước trong lành hơn là chết tức tửi trong dòng nước hôi tanh mùi máu của bọn cộng sản Việt Nam. Bây giờ tôi cứ giữ con thuyền cho đúng hướng mà đi tiếp giữa vùng trời biển cả bao la rất đẹp. Chúng tôi đã qua khỏi những giờ phút sợ hãi và không còn :

Phập phòng bao nỗi lo âu
Bôn ba trốn chạy, trông mau thoát nàn
Có đâu tâm trí ngắm nhìn
Trăng sao, mây nước, để làm thành thơ

( Trich trong bài thơ Vượt Biên thơ của vợ tôi )

Bây giờ chúng tôi đang lênh đênh trên vùng biển quốc tế, tâm trí được thảnh thơi, tôi nghĩ ngay tới cái đèn pha Vũng Tàu và cám ơn nó đã giúp tôi làm điểm chuẩn để ra khơi.

Rồi một vài kỷ niệm vui buồn thoáng qua trong tâm tôi vì tôi đã nhớ lại là tại đỉnh núi Lớn nầy tôi đã lái chiếc xe Jeep lên đó vài lần để ngắm nhìn cảnh bình minh của biển Vũng Tàu thật là ngoạn mục. Lúc bấy giờ là đầu năm 1965, thời gian Tiểu đoàn 3 TQLC được nghỉ dưởng quân tại Bải Dâu Vũng Tàu một tuần lễ sau cuộc hành quân mệt mỏi tại đảo Phú Quốc khoảng ba tháng và hành quân tại vùng núi rừng Bình Gỉa hai tháng.

Từ cuối năm 1964 chiến trường miền Nam bắt đầu gia tăng khi Cộng sản đã cho xâm nhập các đơn vị của chúng từ cấp Trung đoàn để mở các cuộc hành quân đánh phá các đơn vị của chúng ta. Bắt đầu là trận Bình giã ( 31/12/1964 ) rồi các trận Ba Gia, Phụng Dư, Đồng Xoài, Đức Cơ, Bố Đức, Pleime, …TĐ3 TQLC đang hành quân tại đảo Phú Quốc được cấp tốc không vận tiếp cứu cho TĐ4 TQLC tại Bình Gỉa.và hành quân truy kích các Trung đoàn Q761 và Q762 tại vùng Xuyên Mộc, Long Lễ, Bà Rịa. Xong được không vận ra vùng 2 Chiến thuật để giải tỏa áp lực của SĐ 3 Sao vàng CSBV đang uy hiếp các quận Bồng Sơn, Tam Quan, An Lão, Phù Cát, Phù Mỹ vv…thuộc tỉnh Bình Định. Nơi đây Trung tá Nguyễn Thành Yên chỉ huy Chiến đoàn TQLC gốm có TĐ2, TĐ3 và TĐ4 làm cho SĐ 3 Sao vàng phải chịu nhiều tổn thất rất nặng nề tại các trận đánh đèo Bình Đê, Chợ Bộng thuộc quận Bồng Sơn…và chúng phải nể danh các đoàn quân TQLCVN.

Các đơn vị tổng trừ bị và thiện chiến phải hành quân liên miên trong những năm dài gian khổ để truy lùng và tiêu diệt quân Cộng sản hoăc mở các cuộc hành quân tiếp viện. Tôi bèn nhớ lại những thuở mà anh em chiến sĩ chúng tôi đã tung hoành trên bốn miền Chiến thuật và được dịp nhìn thấy nhiều cảnh rất đẹp của quê hương Việt Nam mà ngày hôm nay tôi bắt đầu phải bỏ xứ để ra đi không biết ngày trở về.

Đến khoảng 1 giờ sáng ngày thứ nhì, ghe nhỏ vẫn tiếp tục lướt sóng ngoài biển khơi thì bị một cơn mưa bảo với sóng to gió thổi mạnh. Nước vào ghe nên mọi đàn ông thanh niên phải rán sức mà tát nước. Chúng tôi thấy cái chết trong gang tất. Nhưng tôi vẫn bình tỉnh điều khiển ghe cố gắng lướt sóng ngang mà đi tới.

Thật là may mắn, sau bốn ngày đêm lênh đênh trên biển chúng tôi vừa cạn hết nước uống thì được tàu đánh cá Thailand cứu vớt vì ông thuyền trưởng nhìn thấy chiếc ghe nhỏ quá mà có phụ nữ và trẻ con, nếu ông không giúp thì chắc chắn ghe không chịu nỗi những lượn sóng to của đại dương, chúng tôi sẽ là mồi ngon của loài cá mập. Toán người vượt biển chúng tôi phải theo tàu họ đánh cá suốt hai tuần lễ rồi họ chở cá bán cho Singapore và luôn tiện thả thuyền nhân vào bờ. Trong hai tuần lễ trên tàu chúng tôi được họ nuôi ăn ở rất thoải mái và đối xử rất tử tế.

Lúc tàu đánh cá chạy gần tới bờ biển Singapore thì phi cơ tuần biển của nước nầy phát giác ra một số thuyền nhân nên báo cáo về nhà cầm quyền Singapore. Chúng tôi hồi họp và nôn nóng cả ngày chờ đợi sự chấp thuận của chính quyền cho nhập cư hay không. Nhưng sau rốt Singapore chẳng cho tàu Thái vào hải cảng bán cá lại còn cho một chiếc tuần dương hạm kè chiếc tàu Thái trở về tới biên giới Thái và Mã Lai.

Ông thuyền trưởng không dám cho tàu đánh cá vào sát bờ để thả chúng tôi xuống đất liền và ông cũng căn dặn kỷ là không cho chánh quyền Thái biết là tàu của ông đã giúp chúng tôi. Ông cũng không cho biết danh tánh và địa chỉ của ông để sau nầy chúng tôi có thể liên lạc. Ông đích thân điều khiên thuỷ thủ đóng một chiếc bè cho chúng tôi đẩy vào. Phụ nữ và trẻ con ngồi trên bè, đàn ông và thanh niên cặp theo bè lội vào bờ.

Vì tay và chân mặt tôi bị yếu nên tôi đã đánh rớt chiếc túi nhỏ trong đựng bộ đồ tôi mặc lúc vượt biên và vài bộ đồ lót. Khi lên tới bờ thân tôi chỉ còn mỗi một chiếc quần đùi rách mông để che thân.

Tôi còn tiếc mãi bộ đồ tây nầy mà tôi đã từng mặc đi tù từ Nam ra Bắc, rồi mặc từ Bắc trở về Nam và mỗi lần chuyển trại tù cũng với bộ đồ nầy. Ba lần tìm đường vượt biển cũng bộ đồ nầy, rồi lần cuối cùng đi vượt biển lọt tôi cũng đã mặc lấy nó. Tôi dự định khi qua tới nước Mỹ sẽ giữ lấy bộ đồ phong trần nầy làm vật kỷ niệm qúi giá vô cùng, như một kỷ vật lịch sử của đoạn đường đời của tôi đầy gian truân.

Tới bến bờ tự do.

Chúng tôi đến bến bờ Thái Lan an toàn và cảm thấy vui sướng vô cùng đến xúc động vì biết là tôi còn sống. Tôi bèn hít một hơi thở thật dài và rất khoan khoái trên mảnh đất không có cộng sản. Từ nay tôi sẽ được sống an toàn và tự do mặc dù nơi vùng trời xa lạ. Tôi nghĩ chắc mọi thuyền nhân khác cũng như tôi rất vui mừng như được tái sinh vì đã thoát chết lúc đi biển.

Số phận tôi đã yên, nhưng vợ con tôi còn bị kẹt lại nên lòng vẫn ưu phiền vì nỗi nhớ vợ thương con và nỗi nhớ quê hương không biết bao giờ được trở lại. Tôi buồn lắm ! vì :

Mang Thân mất nước lưu vong
Lạc loài xứ lạ kiếm tìm tự do
Nước ta xứ bé nhỏ nghèo
Nhưng không đâu sánh cho bằng Việt Nam
Và :
Gẫm thân xa xứ lạc loài
Buồn nhiều vui ít ôi đời ly hương .
(Thơ Bơ Vơ. TN)

Nơi chúng tôi đổ bộ vào bờ là một quận ở tận cùng phía Nam của đất Thái, bên kia con sông thuộc vùng đất Mã Lai. Chính quyền địa phương cho toán thuyền nhân tạm trú trên một sân khấu công cộng dùng để trình diễn văn nghệ cho dân chúng xem vào những dịp lễ hay ngày cuối tuần và sân khấu nầy nằm ngay trung tâm quận lỵ.
Nghe tin đồn thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam mới tới đây, dân Thái Lan nơi quận gồm có đàn ông, đàn bà và con nít lũ lượt đến xem chúng tôi mỗi lúc càng đông. Họ xí xô xí xào bằng tiếng Thái, chỉ chỏ đoàn người tỵ nạn và cười thích thú mà tôi không biết họ nói những gì. Tôi cũng bật cười vì tưởng chừng như họ đi xem chúng tôi như xem đoàn khỉ của một gánh xiệc. Chắc là dân nơi đây họ chưa thấy người Việt Nam bao giờ.

Từ người lớn tới đứa bé gái nhỏ hai tuổi trong toán thuyền nhân chúng tôi đều bơ phờ và hốc hác vì thiếu ăn, thiếu ngủ và thiếu nước uống. Thời tiết thì ngày thật nóng bức, đêm lại lạnh căm. Riêng tôi làm hoa tiêu nên phải ngồi trên mũi ghe suốt bốn ngày đêm dưới ánh mặt trời nóng cháy da và đêm lạnh nên mặt tôi bị nứt nẻ và nám đen như anh Chà Ấn Độ.

Một chuyện buồn cười mà tôi không bao giờ quên là mỗi khi tôi di chuyển qua lại trên sân khấu tôi phải lấy tay bụm cái mông lại vì cái quần càng rách to ra mỗi lần tôi xê dịch. Một cô giáo Thái ở nhà bên cạnh thấy tôi như vậy cô cười thương hại nên mang qua cho tôi cái quần tây cũ của cô màu vàng sáng chói, nhưng tôi cắt hai ống dài bỏ ra thành một cái quần short mặc vào cũng thoải mái.

Tôi cảm thấy tủi thân lắm ! vì mới năm nào trước đây mình là một cấp chỉ huy trong binh chủng TQLC, và một quận trưởng đã chỉ huy một cơ quan hành chánh và đã từng chỉ huy bao nhiêu chiến sĩ thuộc quyền mà bây giờ tôi chỉ là một kẻ vô quốc tịch, vô gia cư và vô nghề nghiệp. Tôi không còn một manh áo để che thân. Nhưng, tôi hy vọng người Mỹ sẽ chấp nhận tôi vào đất nước của họ theo diện tỵ nạn và rồi từ đây tôi sẽ cố gắng vươn lên để tạo dựng lại cuộc sống mới.

Tại vùng đất hứa nơi tôi sẽ tới
Quyết vượt khó khăn dựng lại cuộc đời
MC

Trại tỵ nạn Songkhla, Thailand.

Trong thời gian ở quận Tarkpay, Thailand, mỗi ngày toán thuyền nhân chúng tôi được chính quyền quận cung cấp thức ăn và chúng tôi cũng được dân chúng lai rai tiếp tế nên không sợ bị đói khát. Nhưng chúng tôi rất lo âu chờ đợi quyết định cho nhập cư hay không của chính quyền cao cấp hơn.
Sau ba tuần lễ ăn ở và làm trò vui cho dân chúng địa phương trên sân khấu công cộng của quận Tarkpay, đoàn thuyền nhân chúng tôi được chánh quyền Thái cho phép vào trại tỵ nạn Songkhla nằm phía Nam của Thủ Đô Bangkok. Thật là mừng vui không thể tả vì trước khi chúng tôi tới trại nầy cơ quan chánh quyền quận định cho chúng tôi tháp tùng một chiếc tàu chở chật ních người đi theo diện đăng ký để kéo ra khơi, vì lúc nầy họ không được phép nhận thuyền nhân nữa.


Số hồ sơ Tỵ nạn - 60-662

Trại Songkhla trước đây mấy năm nằm trong đất liền, nhưng nay vì dân số thuyền nhân càng ngày càng đông nên nhà cầm quyền Thái cho dời ra vùng đất trống nằm sát bờ biển có vị trí rộng rãi hơn. Những dảy nhà tôle không đủ để cho mấy thuyền nhân tới sau ở nên chúng tôi phải xin hoặc mượn tiền của những người tới trước có thân nhân trợ giúp để mua tre và lá xây dựng tạm những mái che mưa nắng và làm sạp để ngủ.

Điều kiện sống thật là dơ bẩn nên ruồi lằn đầy dẫy khắp nơi dễ sanh ra nhiều thứ bịnh cho thuyền nhân. Trại không đủ nhà vệ sinh cung ứng cho số người quá đông đảo. Tội nghiệp cho một số người vì không thể sắp hàng dài lê thê phải đứng xa tít phía sau mà chờ đợi lâu, nên bất cần sự kín đáo riêng tư, họ ngồi đại ngồi càng ngoài đồng trống trải không có gì để che thân, trông thật là kỳ cục nhưng thật tội cho họ, không biết làm gì hơn trong lúc khẩn cấp quá đi.

Mỗi ngày những thuyền nhân được Cao Uỷ Tỵ Nạn cung cấp thức ăn như thịt cá và đường cát trắng tương đối đủ sống hằng ngày. Gạo Thái Lan trắng thơm ngon thì được cấp quá dư thừa. Tôi nhìn những đống cơm thừa cá cặn bị đổ bỏ phung phí mà cảm thấy tội nghiệp cho vợ con tôi bên nhà phải ăn bo bo cứng như đá và thiếu thức ăn để dinh dưởng.

Tôi đã từng sống trong cảnh nghèo khổ lúc còn thơ ấu, nhưng chưa bao giờ thấy cái nạn thiếu ăn, thiếu mặc và thiếu mọi nhu cầu cho cuộc sống của đồng bào Việt Nam quá khổ sở dưới sự thống trị của bọn cộng sản vô lương tâm.

Trong thời gian chờ đợi để được phỏng vấn tôi tận lực trao dồi Anh ngữ qua sách báo để ôn lại và học hỏi thêm từ ngữ Anh văn. Khả năng Anh văn của tôi chỉ có thể nói chuyện thông thường được chút ít nhờ trong thời gian làm việc phải tiếp xúc với cố vấn Mỹ. Nhưng dù sao đi nữa tôi cũng có chút căn bản hơn nhiều người không biết một chữ sinh ngữ Anh và Pháp. Có một số người mang sách vở Anh văn đến nhờ tôi giảng nghĩa và tôi rất sẵn lòng giúp đở đồng thời để học ôn lại luôn thể và họ quí trong tôi như một ông thầy dạy học.

Bây giờ tôi nhớ lại mà buồn cười cho cái thân tôi vì không khác gì câu chuyện mà người đời hay nói rằng “ giữa một nhóm người mù tôi là thằng chột được làm vua “.

Ngoài ra tôi cũng có dạy kèm Pháp văn mà tôi còn chút vốn vì lúc xưa đã học chương trình Pháp. Nhờ dạy kèm Anh và Pháp ngữ mà tôi được cung cấp mỗi ngày hai bưa cơm cũng đở đói lòng trong hoàn cảnh cô đơn nơi trại tỵ nạn.

Trong thời gian sống nơi trại Songkha tôi có viết thơ cho vài bạn bè để báo tin mừng và thăm hỏi cùng với dụng ý muốn xin tiền để sắm một bộ đồ mặc đi Mỹ mà ngại ngùng không dám nói ra. Tôi rất vui mừng nhận được một bức thư đầu tiên với số tiền $50.00 của Thượng sĩ Nguyễn Văn Phẳng, trước là Hạ sĩ quan thường vụ của Bộ chỉ huy Chi khu Dĩ An. Ông mừng rỡ khi nhận tin tôi nhắn trong báo Việt ngử bên Mỹ gởi qua cho dân tỵ nạn đọc. Trong thư ông có lời xin lỗi tôi vì ông đã không tuân lịnh tôi ở lại cố thủ mà đào ngũ để xuống tàu di tản trước ngày 30 tháng 4.

Tôi rất thông cảm ông vì các nhà Lãnh đạo cùng nhiều Tướng lãnh và nhiều sĩ quan Cao cấp đã bỏ biết bao lính tráng dưới quyền để bỏ nước ra đi. Chi khu của chúng tôi có mất đi một Thượng sĩ mà nhằm nhò gì ? Lý do mà ông Phẳng phải bỏ tôi ra đi mặc dù ông rất quí mến tôi là vì ông đã biết rõ sự gian manh của bọn Việt Minh mà ông thường hay kể cho vợ chồng chúng tôi nghe những gì ông đã chứng kiến vào những ngày cuối cùng của thời hạn di cư vô miền Nam sau Hiệp định Génève năm 1954. Lúc đó ông còn là binh sĩ của đơn vị Commando của Pháp ở ngoài Bắc.

Tôi cũng có nhận được năm mươi dollars của cựu Đô Đốc Cang gởi cho và $20.00 của anh Trung tá Nguyễn Thế Thứ, người đã thay thế chức Quận trưởng Dĩ An khoản một năm và vào lúc cuối tôi lại trở về Dĩa An từ quận Đức Hoà. Một trăm hai mươi dollars bên Thái lúc bấy giờ là một số tiền khá lớn đủ cho tôi sắm sửa và may quần áo.
Ngoài ra tôi chẳng được một chữ hồi âm nào của một vài anh bạn rất thân với vợ chồng chúng tôi và rất kính nể chúng tôi trước kia. Thật buồn ! Lúc mình sa cơ rồi mới thấy rõ tình đời bạc trắng như vôi.

Ông Thượng sĩ Phẳng đã mất vì bịnh tim hơn mười năm nay tại thành phố Denver tiểu bang Colorado. Tôi vẫn còn nhớ thương ông rất nhiều vì lúc xưa ông rất gần gủi vợ chồng chúng tôi, và ông là cứu tinh của tôi trong lúc túng thiếu nơi trại tỵ nạn. Tôi cũng nhớ ơn cựu Đô đốc Cang và anh Thứ đã sốt sắn giúp đở tôi.

Phong trào phục quốc.

Lúc nầy mọi người dân trong nước đều rất mong chờ một phong trào phục quốc từ bên ngoài về để quang phục quê hương đang sống dưới sự cai trị độc tài của loài quỉ đỏ. Đã có rất nhiều tin đồn trong nước rằng nơi nầy có ông Đại tá …đã trở về nước và đang chỉ huy một đoàn quân tại núi Bà Đen, Tây Ninh, nơi kia có một ông Tướng… về nước chỉ huy Sư đoàn TQLC tại khu rừng Sát vv…

Tôi là một cựu Trung tá với 21 năm trong quân đội và đã làm Quận trưởng tám năm nên tôi biết rất nhiều cấp chỉ huy trong quân đội và trong cơ quan hành chánh. Mặc dù một số đã di tản trước 30 tháng 4, nhưng cũng còn rất nhiều cấp chỉ huy ở lại trong nước. Riêng trong binh chủng TQLC mà tôi đã từng phục vụ, từ vị Tư Lịnh Phó Sư đoàn đến vài Lữ đoàn trưởng và Tiểu đoàn trưởng hầu hết đã vào rọ rồi, còn ai đâu mà chỉ huy binh lính. Khu rừng Sát sình lầy có vị trí nhỏ hẹp chổ đâu mà cho binh lính của một Sư đoàn đóng quân. Chỉ có người thường dân không hiểu biết về quân sự mới tin những lời đồn nhảm đó mà thôi.

Trước khi vượt biển vợ chồng chúng tôi đã biết trước là thế nào cũng có phong trào nầy phong trào nọ và phục quốc vv…bên các trại tỵ nạn. Vợ tôi đã tiên đoán chuyện sẽ xảy đến, nên có khuyên tôi rằng : Em thấy cuộc đời nhà binh của anh đã quá gian khổ, nào là thương tích bị tàn phế, đi tù rồi về nhà bị bắt lại thoát chết và sau đó sống ẩn dật quá khổ sở. Mấy đứa con nhỏ của chúng mình thì sống nheo nhóc, con đau em phải bán từ cái quần cái áo để mà lo thuốc men cho con. Anh thấy không ? bây giờ gia đình mình tự gánh chịu đủ thứ vất vả trong cuộc sống đau đớn ê chề. Em nghĩ là bổn phận của anh với đất nước cũng là tạm đủ rồi. Hậu quả là nay anh và vợ con anh được cái gì ? bây giờ có ai giúp gì cho gia đình mình không ?. Hơn nữa anh chỉ còn lại cái thân tàn ma dại. Nếu anh qua tới trại tỵ nạn họ có lôi kéo anh vào con đường phục quốc nữa thì anh nên dứt khoác đi. Anh không còn sức để mà chiến đấu nữa đâu. Qua tới Mỹ anh lo tìm việc làm để ổn định cuộc sống và gởi tiền về lo cho các con anh.

Khi anh đã vượt biển lọt rồi, em cũng sẽ tìm cách dẫn con rời bỏ cái quê hương nầy mà theo anh để cho con chúng mình có một tương lai vững chắc. Em biết bọn cộng sản chúng nó không bao giờ cho con mình ngóc đầu lên nổi.

Tôi nghe những lời vợ tôi khuyên răn và giải thích mà cảm thấy thấm thía cho cuộc đời mình đã dấn thân 21 năm trong binh nghiệp và buồn rũ rượi muốn rơi nước mắt.

Thật đúng như sự tiên đoán của vợ chồng tôi, khi tôi mới bước chân vào trại Songkhla vài ngày thì có ông Lê Quốc Tuý từ bên Pháp qua, ông mời tôi và một số cựu sĩ quan, công chức và giáo chức đến Ban chỉ huy trại nghe ông ấy nói về tổ chức phục quốc của ông. Ông Tuý tự giới thiệu ông là cựu sĩ quan Không quân của thời Pháp và theo thành phần của chánh phủ Trần Văn Hữu sống lưu vong bên Pháp từ khi cố Tổng thống Ngô Đình Diệm về nước. Ông Tuý cũng cho biết là ông lãnh đạo phong trào nầy và lo về mặt ngoại giao, nên ông đi đến các trại tỵ nạn vận động và tuyển mộ binh lính. Ông cũng cho biết sẽ có hai cựu Tướng lãnh lo về việc chỉ huy mặt trận. Ông nầy nhờ quen biết với em của Phó Thủ tướng Thailand giới thiệu nên ông được tự do vào các trại tỵ nạn Thailand dễ dàng để mộ quân.

Vì ông được biết tôi là cựu Trung tá Quận trưởng ra tù từ Yên Bái nên ông đưa ra vài hình ảnh của hai cựu Tướng lảnh mà tôi thường tiếp xúc trước kia và hình của hai cựu Đại tá bạn của tôi để chứng minh và để lấy lòng tin của đồng bào trong trại.

Tôi có hỏi ông Lê Quốc Tuý về thể thức đưa quân trở về Việt Nam bằng ngỏ nào và nước nào đứng ra yểm trợ phong trào nầy. Ông Tuý trả lời rằng : quân sẽ được đưa về từ ngả Cambodia và phong trào nầy do Trung cộng yểm trợ. Tôi có ý kiến sơ qua với ông ấy là hiện nay đã có cả chục Sư đoàn cộng sản Việt Nam đang chiếm đóng trên đất Miên thì không dễ gì những toán quân phục quốc qua lọt được cái hành lang đó. Một điều nữa mà tôi không đồng ý là miền Nam đã bị bọn cộng sản Việt Nam cưởng chiếm bây giờ lại nhờ thằng cộng sản Tàu giúp thì không khác nào chạy ô mồ lại mắc ô mả.

Sau đó vài tuần ông Tuý và anh cưu Đại tá bạn tôi đã bắt đầu trở vào trại Songkhla nhận người tình nguyện gia nhập phong trào và lập danh sách.

Lúc bấy giờ trong trại Songkhla rất sôi nổi về chuyện phục quốc. Có đa số ghi danh gia nhập là thanh niên, một ít cựu quân nhân các cấp mà lúc đó chỉ có vài cựu Đại uý còn đa số là Hạ sĩ quan và Binh sĩ. Mấy em thanh niên nầy chưa bao giờ đi lính và rất hãnh diện và hãn iện với cái tiếng “ người hùng sắp trở về cứu nước “.

Tôi đã trả lời dứt khoát là tôi không tham gia, tuy nhiên các ông Tuý và Đại tá bạn tôi nhờ tôi trả lời dùm nếu anh em có hỏi thì tôi cho họ biết rằng mấy ông nầy là người của quốc gia thật sự để anh em đừng có nghi ngờ họ là những người do Việt cộng gài vào để bắt bớ ai có tinh thần phục quốc.

Có một số anh em cựu quân nhân hỏi tôi rằng : Ông thầy nhận xét thế nào? Tụi em rất muốn tham gia phong trào nầy và xin cho tụi em biết ý kiến là có được hay không?
Vì việc phục quốc là một cuộc chiến đấu có chính nghĩa cao cả mà tôi chưa biết hư thực ra sao nên tôi không có ý kiến là nên hay không nên tham gia. Nhưng tôi cảm thấy xót xa cho sự trở về của anh em và tôi chỉ nói với mấy em ấy rằng công cuộc phục quốc là đại chính nghĩa của người có lòng yêu nước nhưng mấy em cũng phải biết rằng con đường phục quốc sẽ đầy cam go và gian khổ lắm. Tuỳ sự lựa chọn của mấy em, tôi không khuyến khích mà cũng không ngăn cản.

Sau khi lập danh sách rồi hai ông trong tổ chức phục quốc thông báo ngày giờ họ sẽ cho xe vào trại để rước đoàn quân phục quốc xuất trại và lên đường. Tới ngày đã được ấn định, họ mang xe GMC vào trại và loa phóng thanh kêu gọi những người đã ghi tên lên trình diện tại Ban chỉ huy để được di chuyển ra khỏi trại Songkhla đi đến một nơi khác. Nhưng loa phóng thanh cứ gọi mãi mà chỉ có khoảng hơn một tiểu đội cựu quân nhân trình diện tại sân cờ, còn mấy trăm người khác trốn tránh không chịu ra trình diện.

Sau khi chính thức được nhận nhập cư tại Mỹ tôi được đưa về Bangkok để làm thủ tục và khám sức khoẻ trước khi sang Hoa Kỳ. Tôi có đến thăm hai anh cựu Đại tá trong Ban tham mưu phục quốc đang tạm trú tại một ngôi biệt thự ngay trung tâm Bangkok. Họ có cho tôi biết là một ngày nữa một vi cưu Tướng lãnh sẽ đến và ông nầy sẽ là Tư lịnh chỉ huy trực tiếp lực lượng phục quốc. Tôi có gặp lại mấy anh em đã sống trong trại Songkhla với tôi đã được đưa đến tạm đóng quân tại đây để chờ ông Tuý đến các trại tỵ nạn khác ở vùng biên giới Thái Miên tuyển thêm quân.

Lúc ấy tôi rất cảm thương mấy anh em nầy vì biết rằng anh em sẽ rất gian khổ và tôi kính phục vô cùng sự hy sinh lớn lao của anh em với tấm lòng yêu nước cao cả. Sau khi tôi qua Mỹ vài tháng thì hay tin ông Tuý và Bộ tham mưu hành quân gồm có hai cựu Tướng lãnh và các cựu Đại tá bạn của tôi đã bất đồng chánh kiến và tan rã. Tất cả những người trong mặt trận nầy đã trở về Mỹ.

Vài năm sau tôi nghe tin là phòng trào nầy đã về Việt Nam hoạt động với những nườc từ bên Pháp và bị bại lộ nên đại sự không thành. Tuy nhiên tôi rất khâm phục tấm lòng của ông Tuý cùng những vị hết lòng yêu nước đã can đảm dấn thân vào cuộc quang phục quê hương. Tôi đã nghe tin tinh buồn là ông Tuý đã qua đời tại nước Pháp trong nhiều năm qua và ông Trần Văn Bá đã bị tử bọn Việt cộng xử tử hình. Tôi kính cẩn nghiêng mình tưởng mộ chiến sĩ Trần Văn Bá và một số chiến sĩ nữa không nhớ rõ tên đã anh dũng hy sinh vì tổ quốc .


Khi mới vào trại Songkhla tôi đã nghe nói rằng bên xứ Mỹ nầy : Nhứt là phái nữ, hai con nít, ba là … rồi mới tới bọn đàn ông chúng tôi là hàng thứ kế.

Mà quả thật như vậy, trong hai tháng ở Songkhla tôi nhận thấy những người phái nữ có chút nhan sắc mặn mà và dễ coi qua cặp mắt xanh của các anh Chờ đợi phỏng vấn.

Mỗi thuyền nhân phải qua cuộc phỏng vấn của các phái đoàn của nước mình muốn xin định cư tỵ nạn. Có người được đi theo diện bảo lãnh từ các nước mà thân nhân đang sống. Còn những cựu quân nhân như chúng tôi thì được người Mỹ chấp nhận cho định cư theo điều kiện ba.

Một điều làm tôi chán ngán và bất mãn vô cùng là những anh trong phái đoàn Mỹ phỏng vấn có những thái độ rất là bất công và không còn coi chúng tôi là những ngưới lính đồng minh của quân đội Mỹ đã chiến đấu sát cánh bên nhau trong thời chiến tranh Việt Nam trước đây.
phỏng vấn cũng là yếu tố để được chấp thuận cho định cư dễ dàng. Xin lỗi có thể mấy chị em ăn chơi nét đẹp duyên dáng còn có giá hơn chúng tôi.

Trong khi đó những anh em cựu quân nhân bị hạch hỏi đủ điều mà tôi cho là quá đáng. Có những anh em sĩ quan trẻ bị mấy anh Mỹ trong ban phỏng vấn hạch hỏi rằng cây súng lục hiệu Colt 12 cân nặng bao nhiêu và dài mấy inches ?

Tôi nghĩ thật cho buồn tủi cho người lính bại trận mất nước lưu vong. Thuyền nhân mới vừa bước chân tới bến bờ đất Thái như chết đi sống lại, thể xác và tinh thần còn tả tơi, tên tuổi của vợ con mình chưa chắc còn nhớ hay không mà làm gì nhớ những cái thứ lẩm cẩm nầy ? Có một em cấp Thiếu uý than thở với tôi rằng : ông thầy ơi! họ bảo em tả hình dạng cây súng Colt thì em còn nhớ được, nhưng khi ông Mỹ hỏi em sức nặng và kích thước em nói trật nên họ nói em khai gian, họ nói em là sĩ quan tại sao không biết rõ kích thước của cây súng lục. Họ bảo em về chờ để xét lại rồi sẽ quyết định. Và mỗi lần được phỏng vấn lại phải mất mấy tháng nữa nên em nản quá !

“ Những điều nầy làm cho tôi có nỗi suy tư và rất buồn cho thân phận của một nước Việt Nam nhỏ bé phải chịu biết bao ảnh hưởng của chính trường quốc tế “.

Sau cuộc chiến mà dồng minh đã tháo chạy và bỏ lại một miền Nam đau khổ và chúng tôi, những cựu quân nhân và công chức của chế độ cũ bị đày đoạ trong các trại tù khổ sai, mất cả nhân phẫm của con người. Các vị cựu lãnh đạo của miền Nam, các vị chỉ huy Cao cấp cũ trong Quân đội của chúng tôi có lẽ vì bận lo ổn định cuộc sống mới nơi xứ người nên không có thì giờ mà nghĩ đến việc cứu sống sống sinh mạng anh em trong tù .

Nước Mỹ đồng minh và cả thế giới đều bỏ mặc hay quên lãng chúng tôi ?, mặc tình cho bọn cộng sản tha hồ đày đoạ.
Chúng tôi đã từng ngày mong ngóng và lắng nghe những tiếng nói của các vị đã bỏ nước đi trước và thế giới bên ngoài với lương tri nhân loại sẽ binh vực và cứu giúp chúng tôi. Nhưng niềm mong đợi của chúng tôi chỉ là sự tuyệt vọng. Tôi tưởng chừng như Việt Nam lúc bấy giờ bị bức màn sắt ly cách với thế giới bên ngoài. Tha hồ cho bọn cộng sản là kẻ chiến thắng mặc tình thao túng.

Người dân Việt không thể sống nổi dưới chế độ của chúng phải đánh liều mạng sống mà vượt trùng dương bằng những chiếc thuyền con để đổi lấy hai chữ tự do.

Chúng tôi là cựu quân nhân đã bị tù đày cộng sản thật là nhục nhã, bây giờ cũng cảm thấy nhục lắm vì phải xin xỏ để được một nước thứ ba chấp nhận cho định cư tỵ nạn. Khi lên gặp phái đoàn Mỹ phỏng vấn vài em chiến sĩ trẻ nhẹ dạ cũng muốn xón đái lên rồi, bởi vì nếu bị bác lần phỏng vấn nầy là phải chờ đợi thêm một thời gian mấy tháng dài mới được gọi phỏng vấn lại.

Tôi may mắn được anh cựu Thiếu tá Mỹ giúp đở tận tình. Lúc bấy giờ ông ấy là Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc tại Thailand. Lúc xưa ông không có phục vụ tại Việt Nam, nhưng ông có làm cố vấn cho Quân đội Cao Miên. Ông nghe nói có một cựu Trung tá của QLVNCH đã đi tù ngoài Bắc mới vào trại. Ông ta đã mời tôi lên văn phòng để hỏi tình hình trại tù ra sao. Tôi kể lại rõ ràng tất cả những tình trạng mà tôi đã sống ngoài Yên Bái. Tôi có khai cấp bực và chức vụ cũ, khai cả ba huy chương Mỹ mà tôi nghĩ rằng cũng là yếu tố để chứng minh. Tôi cũng có cho biết rằng trong thời gian tôi làm Quận trưởng Dĩ An, Biên Hoà, ông Đại sứ hiện tại tên White House tại Bangkok là Lãnh sự tại Biên Hoà trước năm 1975. Vị Cao uỷ nầy rất tin lời khai của tôi và ông đã tận tinh giúp tôi. Tôi vẫn còn nhớ chiếc áo thun TQLC mà ông đã tặng tôi. Ông cũng giúp tôi ưu tiên được phỏng vấn thật sớm.

Trong thời gian khoảng hai tháng tại trại Songkha tôi đã chứng kiến tận mắt và nghe tận tai những hành động man rợ của bọn hải tặc Thái. Lúc đó có vô số người đã chết vì bị hảm hiếp hoặc bị đấm chìm giữa lòng đại dương thật quá đau thương chỉ vì hai chữ Tự Do.

Trong những năm chiến tranh, các chiến sĩ đồng đội của tôi đã phải bỏ nhiều xương máu trong chiến cuộc vì chiến đấu cho chính nghĩa tự do, nhưng nay cũng vì đi tìm một cuộc sống tự do mà anh em đồng đội chúng tôi lại tiếp tục hy sinh máu xương thêm nữa trên đường vượt biển. Những hậu quả nầy là do bọn cộng sản bạo tàn gây ra cho một dân tộc triền miên đau khổ.

Sau cùng tôi được một gia đình Mỹ bảo trợ và lòng tôi cảm thấy vui, buồn và lo âu lẫn lộn. Tôi rất vui là sắp bước chân lên vùng đất tự do. Tôi lo là vì qua xứ Mỹ văn minh mà không có một cái nghề nghiệp gì và chân tay lại không được khoẻ mạnh như người bình thường. Tôi vẫn còn nỗi ưu phiền là vì vợ và con còn kẹt lại bên nhà mà đến nay đã xa nhau mấy tháng rồi vẫn chưa có tin tức. Tôi không biết được chuyện gì lại xảy ra cho vợ con tôi bên nhà ?

Và tôi không quên những anh em chiến hữu của tôi còn lại trong trại tỵ nạn đang hồi họp chờ đợi phái đoàn Mỹ chấp thuận cho định cư càng sớm càng tốt. Nếu vì lý do gì mà họ bị kẹt lại sáu tháng, một năm hoặc hai năm thật là thời gian uổng phí cho cuộc đời.

Thân tôi đã yên phận rồi
Nhưng còn bao nỗi âu sầu đắn đo
MC

Kỷ niệm ngày mới bước chân lên đất Mỹ tỵ nạn đúng lễ Hallowen.