Thursday, July 23, 2009


Tâm Tình Người Thiếu Phụ
» Tác giả: Nguyễn Tấn Hưng »
.
Kể từ ngày Xa Cảng miền Tây được thành lập ở mũi dùi Phú Lâm và Xa Cảng miền Ðông được xây cất ở ngã tư Hàng Xanh, ngoài tắc-xi, xích lô máy, xích lô đạp, và Honda ôm, ngành chuyển vận hành khách bằng xe Lam ba bánh đã phát triển mạnh mẽ. Xe đò, xe lô ở miền Trung cũng như ở Lục Tỉnh không còn được phép léo hánh, bẹo hình bẹo dạng trên các nẻo đường hoa lệ dọc ngang, ngang dọc của thủ đô nữa. Quang cảnh xung quanh bến xe An Ðông, bến xe Chợ Lớn càng ngày càng xơ xác, tiêu điều. Mặc dầu Hồ Ðiệp và con nàng, thằng nhóc An, khởi hành từ tờ mờ sáng đầy sương, nhưng sau hơn một tiếng đồng hồ ngồi xe lô từ Mỹ Tho lên Sài Gòn, bây giờ, mặt trời đã lên cao. Những tia nắng chói chang đang rải tung tóe khắp ruộng đồng, phường xóm như muốn báo hiệu là thêm một ngày hè nóng nực nữa lại sẽ đến. Phản chiếu từ góc cạnh của những căn phố lầu mới cất bao quanh vòng đai và những chiếc xe đò sơn đủ màu xanh đỏ trắng vàng, thỉnh thoảng lóe lên một vài ánh hào quang pha sắc tím, sắc hồng vô tình đập mạnh vào những con mắt đang còn gật gù, ngái ngủ vừa mới tỉnh giấc, hoàn hồn bởi những tiếng động ồn ào náo nhiệt, vang dội bên tai. Quả thật chẳng khác nào như một cái chợ, chợ đời. Ðủ hết mọi hạng người. Không thiếu những tay thầy chú mặc trọn bộ veston ba mảnh, những cô nương gấm vóc lụa là, quần nhung áo nhiễu, cùng những hàng túi vải áo ôm, những đứa trẻ rách rưới lang thang không cửa không nhà, cũng như những tên ăn mày run run đói khát, bị mang gậy chống... Có đứng trước cảnh kẻ ở người đi, tới lui nườm nượp như vầy mới thấy hết cái hình ảnh muôn mặt, nghìn phương của cõi ta bà, trần tục này. Ở đây, ngoài khí trời oi ả, nóng bức lại còn thêm nực nồng mùi danh lợi bon chen, giựt giành nhau từng phút từng giây...
.
- Về đâu cô Hai? Lên đây tui đạp cho một vòng khỏi đi bộ mỏi chưn! - Sài Gòn, Chợ Lớn... Sài Gòn, Chợ Lớn hông? Ði xe tui đi, tui tính giá rẻ cho! - Chị Hai về đâu, chị Hai? Lên xe 90 này em chở chị đi lẹ hơn! Mèng ơi, xích lô máy, xích lô đạp thì được chớ xe Honda ôm mà mời mọc cái nỗi gì, Hồ Ðiệp tự nhủ! Chỗ đâu mà ngồi, và chỗ đâu mà chất cho đủ? Bộ không thấy hai giỏ xách đầy ấp đồ đạc và thằng con trai cưng của nàng đang lửng cửng chạy theo mình hay sao, Hồ Ðiệp cười thầm cho mấy chú em còn trẻ dại? Phải chi ai đó có xe nhà, xế hộp thì đỡ cho nàng biết mấy! Cũng tại mình thôi, nàng nghĩ, mấy lần rồi Hiếu bảo đi học lái xe mà nàng cứ vẫn không chịu. Không dám thì đúng hơn. Ðể giờ đây đành phải bỏ chiếc xe La Dalat nằm chèo queo trong sân trước, bước lên xe đò, xe lô đi quá giang với người ta. Không thèm trả lời trả vốn gì với ai hết, Hồ Ðiệp khệ nệ xách hai giỏ đồ tà tà tản bộ đến bến xe Lam đi Xa Cảng miền Ðông.
.
Người chủ xe thân mật đón khách: - Lên đi cô, xe sắp chạy rồi... Nữa, lại nói nghe ngon vậy chớ sắp chạy đâu mà sắp chạy? Mới có nửa xe, bốn người, hai người đàn ông và hai người đàn bà. Kể luôn cả nàng là năm. Xe chạy theo chuyến thì phải đầy khách mới rời bến, ai mà không biết chớ? Hồ Ðiệp đỡ An lên trước, đặt hai giỏ đồ ngay giữa sàn xe rồi mới vén áo dài, đặt mông lên băng ngồi cạnh hai cô gái. Nhìn quanh toàn là người lạ, thằng nhóc An không dám ngồi riêng một mình cho dù kế bên, khe ne khúm núm vạch đùi mẹ xà vô lòng. Ừa, trước sau gì cũng phải vậy thôi, nàng ngẫm nghĩ. Mua thêm một vé nữa cho con thì cũng được nhưng hơi kỳ kỳ, có vẻ... học làm sang không đúng chỗ. Vì nếu là người có tiền thì họ sẽ không đi xe Lam mà gọi tắc-xi trả giá theo giờ hoặc theo cây số. Từ xa bỗng có bà bạn hàng tuổi sồn sồn, mặc bộ đồ bà ba đen, đầu quấn khăn rằn hường, miệng ăn trầu môi hồng cắn chỉ..., bang bang đi tới. Ðặt nhẹ đôi gióng thúng không đang quảy trên vai xuống đất, bà ta mở miệng nói oang oang:
.
- Nè, nhớ ràng cho chặt nghen Bảy! Mầy làm bay lần nữa là tao bắt đền đó! Gặp khách quen, ông tài xế lẳng lặng, nhanh nhẹn làm công việc của mình, bê bộ gióng thúng chất lên mui, ràng rịch cẩn thận cho bà bạn. Trong khi đó, bà ta lại quay sang Hồ Ðiệp, nói tiếp: - Cô làm ơn cho tôi ngồi ngoài bìa nầy đặng tôi dễ phẹt cổ trầu! Lạ lùng chưa, sao băng bên kia còn trống lổng trống trơn mà bả không kêu người ta nhường chỗ? Mình có con nhỏ, ngồi phía ngoài là phải thế rồi! Hừm, hay là bả cũng ngán mấy tay đàn ông? Hoặc giả, bả muốn phẹt cổ trầu vô lề chớ không muốn phẹt ra giữa đường? Thôi kệ, từ đây lên ngã tư Hàng Xanh cũng chẳng bao xa. Nghĩ vậy, Hồ Ðiệp xích xích vào trong. Nhưng mà, tuồng như được nước làm tới, bà bán hàng lại tiếp tục phàn nàn, dạy dỗ: - Sao cô không nói thằng Bảy để mấy giỏ đồ nầy lên mui xe cho trống chỗ? Ðể ở đây làm sao người ta lên .
.
- Dạ, ở trong giỏ toàn là đồ ăn không hà... Ðể ở trên mui gió, bụi... Như bị ai chọt lét, bà bán hàng cười ngất ngất: - Trời đất, dưới thế gian nầy thì ở đâu mà hổng gió, hổng bụi? "Gió bụi hồng trần", Hồ Ðiệp cảm thấy "quê quê" với lời lẽ có vẻ "xác đáng" của mụ bán hàng. Nhưng rồi, cũng may, bả chẳng đòi hỏi gì thêm nên nàng cứ dửng dưng ngồi yên, không thèm đá động gì tới hai giỏ xách... Hừ, phải biết ở trong hai cái giỏ đó toàn là "cao lương mỹ vị" do chính tay nàng lựa chọn, làm lấy. Nào là gà rô-ti cơm nếp, bánh hỏi thịt quay, bánh mì bì xá xíu, tép bạc rang dừa, mắm ruốc xào sả ớt với thịt ba rọi..., rồi hột gà tẩm bổ, trái cây tráng miệng đủ thứ như chuối hương, cam mật, mận hồng đào. Có chắt chiu lo cho chồng mới thấy là quí giá. Bà già bán hàng rong kia đâu có thấu nổi sự tình. Nghĩ cũng hơi "tức tức" vì lúc Hồ Ðiệp cố tình đi một mình để dễ bề tâm sự thì lại bị người ta "bắt nạt, ăn hiếp". Mấy lần trước đi thăm Hiếu, chung với nàng, khi thì có má chàng, bà Ba Ðiểm, khi thì chị chàng, chị Kim Liên, hoặc giả em gái chàng, con nhỏ Kim Yến bạn học của nàng, chẳng thấy ai dám hó hé, xua đuổi một lời. Lần này khác, chỉ vì nàngmuốn có những giây phút riêng tư với Hiếu mà bị người ta nói xéo, nói xiên. Ối, mà tranh hơn tranh thua làm gì với mấy bà dân chợ, tránh voi cũng chẳng xấu mặt nào, nàng nhủ thầm. Thêm một cặp trai gái ra vẻ sang trọng, mô phạm vừa trờ đến. Người thì sơ-mi trắng thắt cà-vạt sọc nghiêng xanh trắng đỏ, kẻ thì mặc áo dài màu hường nhạt, làm nền cho những cánh hoa hướng dương vàng vàng thêu tay tổ bố, không biết là tình nhân hay đã nên vợ nên chồng.
.
Tuy nhiên, Hồ Ðiệp cảm thấy như mình có thêm đồng minh. Vì, không phải là làm cao, song một mình mình... lịch sự, sạch sẽ ngồi giữa những người buôn gánh bán bưng, đầu tắt mặt tối kể cũng hơi lạc lõng. Lịch sự, sạch sẽ ở đây cũng chỉ là bề ngoài thôi, nhờ sáng này nàng chịu khó tròng vô cái áo dài "ba-tít" trơn màu trắng vỏ hột gà. Chẳng lẽ đi thăm chồng mà mặc đại áo bà ba hoặc đồ bộ thì coi sao được? Không kể hai người đến trước, được ưu tiên chiếm chỗ ngồi chung với chủ xe, chỉ riêng hai băng ở đằng sau, rốt cuộc rồi chẳng ai chịu ngồi xen kẽ. Mà là đàn ông ngồi với đàn ông, đàn bà ngồi theo đàn bà. Cái câu "nam nữ thọ thọ bất tương thân" lại được mang ra áp dụng một cách hết sức tình cờ. Bởi, chờ cho người con trai, rồi đến người con gái ngồi vào chỗ trống xong xuôi đâu đó, bác tài liền nổ máy, rồ ga khởi hành ngay. T
.
ất cả mọi người đều vui vẻ bỏ lại sau lưng những náo động, những hơn thua của mảnh đất tứ chiếng, giang hồ. Gió mát len lỏi phả vào lòng xe làm ai ai cũng thoải mái, dễ chịu hơn. Không buồn trao đổi với nhau một câu nào, mạnh ai nấy theo đuổi những ý nghĩ riêng tư của mình. Ngay cả thằng nhóc An cũng vậy, lén lén nhìn người nầy hết đến người khác mà chẳng dám hé môi. Cũng may là hai cô gái ngồi bên trong ốm nhom ốm nhách, dẹp lép như hai con khô cá lẹp nên thằng nhỏ có được một chỗ đứng vừa phải, tiện bề xoay trở. Mãi cho đến khi đi ngang qua chợ cá Trần Quốc Toản mới có người lên tiếng. Chẳng ai khác hơn là bà bán hàng rong. Phẹt xuống lề đường một ngụm cổ trầu đỏ chạch như máu, bả bỗng phát thinh không:
.
- Hổng biết mắc chứng ôn gì mà mấy ổng lại cho lập ra cái chợ cá ở ngay giữa trung tâm thành phố như vầy? Hứ, vậy mà coi được! Ông đi qua bà đi lại, nếu không bịt mũi thì cũng thèm mùi dầu nhị thiên đường! Sau khi quẹt nhanh vào mũi mình một vệt mỏng, cô gái ngồi kế bên Hồ Ðiệp nhanh nhẹn chìa ra chai dầu, mời bà bán hàng:
- Dạ, bác xức một miếng hông? À, thì ra bà già cũng thính mũi thiệt. Bả lại muốn xức dầu ké, không mất tiền mua đây mà. Mặc dầu có nhiều cặp mắt đang ngó về chai dầu, nhưng bà ta vẫn cầm lấy, quẹt quẹt, xức xức rất là tự nhiên:
- Cám ơn cô. Mọi khi tui cũng hay bỏ theo một chai kè kè trong túi, vậy mà bữa nay lại quên. Có lẽ .
.
- Dạ, không có chi bác! Úi chà, bả biết mở miệng nói cám ơn thì cũng là... lịch sự ớn đó chớ, Hồ Ðiệp "khen" thầm. Nhưng ngay sau đó, á, nàng chợt nhận ra dường như mình có chút chút "ác cảm" đối với mụ già vô duyên này. Ấy chết, thân nghiệp hay ý nghiệp gì gì cũng đều mang tội hết. Thôi thì nàng cũng nên bỏ bụng nụ cười làm hòa và gác mọi chuyện liên hệ với bà già qua một bên... Không giống Honda ôm, tắc-xi, xích lô máy hay xích lô đạp, hình như những chiếc xe Lam xuất phát từ Xa Cảng, miền Ðông cũng như miền Tây, đều có một lộ trình riêng biệt. Ngoài những chiếc thay thế những chiếc xe buýt to lớn, cồng kềnh, hao xăng, nặng bảo trì trên những lộ trình cũ, phần lớn số còn lại chạy về các vùng ngoại ô lân cận Sài Gòn như Thủ Ðức, Gò Vấp, Hốc Môn, Chợ Ðệm, Nhà Bè, Cát Lái. Hoặc là nối liền hai Xa Cảng với nhau như chiếc xe Lam mà nàng đang đi. Vì chỉ thấy chạy thẳng một mạch theo đường Trần Quốc Toản, qua Trường Ðua, Ngả Bảy, và tiếp nối sang đường Phan Thanh Giản qua bịnh viện Bình Dân, nghĩa trang Mạc Ðĩnh Chi rồi mon men ra xa lộ mà không ngừng nghỉ hay ghé vào một nơi nào. Xui xẻo gặp chiếc xe cà tàng!
.
Tuy nhiên cà rịch cà tang, ráng è ạch chạy xịt khói, thiếu điều muốn đứt hơi, gần cả tiếng đồng hồ rồi cũng tới nơi. Lại một vùng trời giang hồ, tứ chiếng mới. Lại một cái chợ, chợ đời. Tuy không rộng lớn, sầm uất bằng cái kia nhưng những tiếng rao hàng, tiếng mời mọc khách, cùng những tiếng còi xe bóp inh ỏi liên hồi khắp đây đó cũng dễ làm mọi người nhức óc, điếc tai. Sau cuộc đồng hành ngắn ngủi, tất cả hăm hở xuống xe và cũng theo thường lệ, chẳng ai buồn để ý đến ai. Tự động gom góp hành trang, đảo mắt ngó quanh một vòng tìm phương hướng rồi thẳng một mạch về những điểm đến không hẹn trước của mình. Hồ Ðiệp, cũng trong hoàn cảnh đó, thong thả dắt An đi lần lại một bến xe Lam khác. Người tài xế còn trẻ đã vui vẻ cất tiếng chào từ đằng xa:
.
- Một chỗ nữa thôi, một chỗ nữa thôi... Ði Thủ Ðức hả chị Hai? Lên xe đi, xe chạy liền một khi... Thiệt tình, mình thứ ba mà ai cũng gọi cô Hai, chị Hai! Miệng nói chân chạy, anh ta hối hả đưa tay đỡ nhẹ hai túi xách đem chất gọn gàng trên mui xe. Hồ Ðiệp bồng bé An đặt đứng trên sàn xe trước rồi mới nhóng người, khòm lưng nhấn mông vào chỗ trống hẹp té ngoài bìa. Tuy chật chội nhưng lại dễ thở hơn, nàng tự an ủi rồi ôm chặt con vào lòng. Kéo dây ràng rịch đâu đấy xong xuôi, không chần chờ thêm một phút một giây nào nữa anh tài xế rồ máy xe phóng ra đường cái. Tiếng máy nổ giòn tan... bong bong bong, như muốn chứng tỏ mọi thứ trên chiếc xe này đều còn mới cáu cạnh. Trong im lặng, Hồ Ðiệp đưa mắt nhìn quanh một vòng. Ngoài ông lão râu dài tóc bạc, mặc bộ đồ bà ba nhục nhục tiệp với màu râu ngồi tuốt trong góc, đám còn lại toàn là lũ lốc chốc loai choai, trai có gái có. Dáng dấp sinh viên hoặc học trò nữa thì phải. Vì màu quần sắc áo tuy có phần sai biệt, nhạt phai lợt lạt, nhưng cũng là đồng phục. Áo trắng quần xanh đậm cho bọn con trai. Còn con gái, thông thường vẫn là áo dài trắng quần đen. Có điều không thấy đeo bảng tên. Có lẽ các cô cậu đang trốn học, vọt lên đây dạo mát các vườn cây Thủ Ðức, thăm thú phong cảnh dọc bên suối Lồ Ồ, hoặc ngắm nhìn trời mây trên đỉnh núi Châu Thới? Bỗng, cô gái ngồi kế bên Hồ Ðiệp bạo dạn gợi chuyện, hỏi thăm nàng:
.
- Chắc chị đi lên thăm ai ở quân trường Thủ Ðức? Hồ Ðiệp định nói "cô đi lên thăm thầy", vì hơi hơi quen miệng, nhưng thôi. Nàng từ tốn: - Ừa, chị đi thăm chồng chị! Còn mấy em đi đâu? Ðứa con trai ngồi đối diện với nàng xía vô, nói chồm qua: - Ủa, tụi em cứ tưởng mấy ông sinh viên sĩ quan Thủ Ðức đều là mấy anh chàng độc thân vui tính không chớ. Ai dè, thì ra cũng có người có gia đình... Sẵn dịp có mấy giờ trống hổng có giáo sư, tụi em đi theo mấy cô bạn đây đi lên thăm mấy ông anh bà con của mấy cổ... Cho dù chẳng phải ngụ ý "chọc quê" gì nàng, nhưng lời nói bung khơi đó làm nàng cũng hơi ái ngại. Không riêng gì cho nàng mà cho cả Hiếu nữa. Vì mấy năm trước đây, khi có lệnh học tập quân sự, các giáo sư trung học cũng được gởi về trường Thủ Ðức huấn luyện, song họ không những chỉ học có chín tuần mà còn được bổ sung, thành lập những đơn vị, những đại đội, những tiểu đoàn riêng. Bây giờ thì bất kể giáo sư, thầy bà, sư huynh, nghệ sĩ gì gì đều cùng chung một số phận. Ðộc thân hay có gia đình gì gì cũng đi chung một xuồng. Không phải chín tuần nữa mà là chín tháng chẵn. Kể như hơi non ngày non tháng vì thiếu đi mười ngày, nhưng các "con cá vàng" kia rốt cuộc rồi cũng sẽ được, không phải nở nhụy khai hoa, mà là đứt đuôi thành... Thiếu úy gân. Chẳng biết Hiếu có đủ sức để theo kịp bọn trai trẻ hay không, nàng thầm lo! Ðánh trống .
.
- Dạ có, em đi nhiều lần rồi. Tuy nhiên, thằng nầy mới đi lần đầu. Ðược bạn mở lời giúp, người con trai ngồi kế bên cũng không ngần ngại góp chuyện:
- Tụi em phải đi lên đó thăm dò, tìm hiểu trước. Ðể rủi vài ba năm nữa nếu học lên không xong thì tụi em cũng dễ bề tìm đường đăng lính, nhập ngũ. Cô gái ngồi trong góc xen vào, hỏi cắc cớ:
- Anh đi rồi anh bỏ... con nhỏ hàng xóm cho ai? Ðứa con trai trợn mắt, lườm lườm:
- Bỏ cho ai thì người đó biết, bày đặt hỏi tới hỏi lui... Cô hàng xóm? Cách nhau một giậu mồng tơi hay một dãy bàn đây? Ừa, một lối diễn tả người bạn gái cùng lớp cũng nên! Câu nói liếng thoắng giữa hai cô cậu đã gợi lên trong đầu Hồ Ðiệp nhiều câu hỏi liên quan đến thời mới lớn, tuổi cắp sách đến trường! Tuổi trẻ bao giờ cũng hồn nhiên, vui vẻ cho dù là tuổi "ăn chưa no lo chưa tới" đi nữa. Những tiếng trả treo, cười đùa kia vô tình nhắc lại một thời đã qua của nàng ở thành phố Mỹ Tho bé nhỏ. Giờ chỉ còn đọng lại ở đáy sâu tiềm thức, lâu lâu được khơi dậy một lần. Ở đó, có những đứa bạn rất thân của mình, như Kim Yến, Cẩm Vân, Ngọc Lệ... đã từng gắn bó, sống chết có nhau. Và một lô bạn qua lại nhưng không thân lắm, đám con của các chủ tiệm như tiệm vàng Ngọc Quế, tiệm thuốc bắc Thọ Nam Ðường, tiệm vải Mỹ Ðạt Hàng và Tân Ðạt Hàng, tiệm uốn tóc Ba-Lê, tiệm sách Hoa Việt, tiệm thuốc tây Lê Lợi, tiệm chụp hình Cảnh Trung, tiệm may Văn Minh, tiệm bán phụ tùng máy đuôi tôm Phạm Ðức Nguyên...
.
Sở dĩ không thân lắm có lẽ vì bọn nó con nhà giàu, làm cao nên có phần cách biệt. Với lại, hình như đám con gái con nhà giàu không có đứa nào đẹp đẽ, sắc sảo. Từ thường thường đến coi được mà thôi. Vì, lẽ dĩ nhiên, chỉ có "cha mẹ cú" mới hi vọng "đẻ con tiên". Ðể rồi chẳng biết có phải bởi lý do không ai thèm dòm ngó mà trong số đó có vài đứa lại bỏ đi tu! À, hay là muốn gánh vác phần nào tội lỗi cho cha mẹ mình, đã một thời buôn bán làm ăn không được đàng hoàng, chân thật cũng không biết chừng? Vì miệng thì nói cứu nhân độ thế mà mắt thì chỉ nhìn thấy vàng vòng, hột xoàn. Vì chân thì hay đi chùa chiền mà tay thì lo tóm thâu, thu vén. Một cắc một xu cũng không màng bố thí cho những người nghèo khó, tật nguyền...
/
Xe đã qua ngã ba Cát Lái. Hai bên xa lộ ruộng đồng trống trải mênh mông. Như một tấm thảm xanh nối liền nhau bằng nhiều đường gân sậm. Những đám lúa nở bụi, sắp trổ đòng đòng, nhởn nhơ phơi mình dưới ánh nắng vàng hanh đang từ từ biến sang chói chang, âm ỉ. Từng đợt gió thổi qua, những lượn sóng nổi lên giữa mông lung, đuổi bắt nhau chạy mải đến mút chân trời xa tít. Chìm trong cơn gió vi vu, tiếng máy xe bỗng trở nên rù rì, ru ngủ. Một vài con cò trắng ngưng ngang động tác tìm mồi, ngơ ngác nhóng cổ nhìn quanh... Chợt, An vỗ vỗ nhẹ trên đùi mẹ:
.
- Má, má... coi kìa, coi kìa... Miệng nói tay chỉ, thằng nhóc đã đánh tan bầu không khí im lìm trong xe và làm mọi người để ý đến chiếc xe đò to lớn đang chạy theo phía sau với vận tốc khá nhanh. Ồ, xe Minh Trung chạy đường Sài Gòn - Vũng Tàu. Trong phút chốc đã có tiếng còi tin-tin, rồi... vút, chiếc xe đò phóng qua mặt một cái vù, làm chiếc xe Lam chòng chành như thuyền đi trên mặt nước. Hồ Ðiệp khẽ ôm con, đặt ngồi trên bắp đùi cho đỡ mỏi chân. Một thoáng xôn xao chợt đến chợt đi, để rồi mọi người lại rơi vào cõi riêng với cơn buồn ngủ dâng lên tận mi mắt. Hồ Ðiệp ngẫm nghĩ lại thấy cuộc đời nàng kể ra cũng thuộc loại bình thản, êm đềm như con nước chảy xuôi. Không ồn ào náo động, không trắc trở long đong, không ba đào sóng gió. Ngày nào còn nhỏ đi học, sáng chiều cắp sách đến trường, ê a cùng bè bạn. Ðến tuổi dậy thì, tối tối rong chơi, bồ bịch lăng nhăng qua quít. Yêu người mình yêu và yêu lại mình. Rồi đi đến hôn nhân, sum vầy chồng vợ. .
.
Tiếp đến, còn làm mẹ với đứa con trai đầu lòng. Kể như tông đường bên nội có người nối dõi. Nhìn vào cảnh gia đình nàng êm ấm trong ngoài, dám chắc có nhiều người thèm thuồng, mơ ước. Thực vậy, chẳng mấy khi có chuyện lục đục xảy ra giữa Hiếu và nàng. Vì tánh chàng cũng hay chiều chuộng, nhường nhịn, và biết bổn phận với vợ con. Lại ít bạn bè, không rượu chè hút sách, bê tha trác táng. Chỉ biết chí thú làm ăn, lo lắng cho gia đình. Ðúng là mẫu người đàn ông lý tưởng cho những người đàn bà thích sống trong thầm lặng, cổ tích như nàng. Mà có lẽ nằm trong thông lệ chung, ngoại trừ những người đàn bà thượng hạng ngoại hạng, hầu hết phụ nữ trên cõi đời này đều mong muốn một cuộc sống bình thường như nàng thôi, nàng quả quyết như thế. Kể từ ngày đơn xin hoãn dịch vì lý do gia cảnh bị bác và liền theo đó không bao lâu Hiếu bị động viên vào Thủ Ðức, cảnh nhà nàng bỗng trở nên hoang vắng, buồn tênh.
.
Những tháng ngày đầm ấm, hạnh phúc dường như đã đi qua nhường lại cho những thương nhớ, mong chờ. Cuộc đời bình thản và xuôi chảy trước đây, với hằng ngày Hiếu và nàng cùng đi dạy, tuy cũng xa nhau nhưng biết chắc rằng mình ít ra sẽ còn họp mặt, hội ngộ vào cuối tuần..., giờ chỉ còn là kỷ niệm. Bổn phận làm trai trong thời chinh chiến là phải xông pha ra chốn sa trường và bổn phận người con gái đành phải chấp nhận đóng vai trò chinh phụ ôm con, chờ chồng. Nghĩ đến cảnh đất nước loạn ly, Nam Bắc tận tình chém giết nhau, mà nàng bất giác khẽ thở dài. Nhớ lại ngày tiễn đưa Hiếu lên đường nhập ngũ, bữa tiệc chia tay cũng chỉ là những người thân trong gia đình và lưa thưa một vài đồng nghiệp dạy cùng trường hoặc đang công tác tại thị xã. Vui buồn lẫn lộn, nhưng hiển nhiên, cũng đã làm nàng mấy lần bỗng dưng rưng rưng nước mắt. Và đến lúc đêm về, khi chàng đã đi xa, nàng mới thực sự cảm nhận ra nỗi buồn ly biệt, âm thầm ôm con lặng lẽ khóc suốt canh thâu. Ðể rồi liên tiếp mấy ngày sau, nàng cứ hay dẫn bé An về nhà ông bà ngoại chơi cho vơi bớt nỗi sầu héo, cô đơn.
.
Chính vì vậy mà nàng càng đâm lo chẳng biết rồi đây tánh tình cũng như con người của Hiếu có bị thay đổi hay không, sau khi tốt nghiệp căn bản quân sự tại ngôi trường chuyên môn đào tạo hàng vạn sĩ quan cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa kia? Làm quan làm lính chắc phải khác xa với làm thầy làm trò chớ, nàng tự kết luận suông! Xe trờ đến ngã tư Thủ Ðức. Anh tài xế cẩn thận quẹo phải rẽ vô con đường nhỏ, tuy cũng được tráng nhựa nhưng không bằng phẳng trơn láng như xa lộ, nhấp nhô tiếp tục cuộc hành trình. Hai bên đường, đá và đất đỏ đã bắt đầu pha nhuộm màu không gian, tạo thành một nét lạ đập vào mắt những người dân lục tỉnh mới tới đây lần đầu. Một vài rặng trâm bầu nhô lên giữa khoảng đồng không mông quạnh. Xa xa, đôi ba căn nhà lá khuất bóng dưới rặng cây cao, vườn tược sum xuê... - Ô, ô, ô... Vừa la vừa hoảng sợ, An ôm chặt vào cổ mẹ. Xe vừa sụp ổ gà, chao đảo như muốn lật xuống ruộng. Mọi người lại tỉnh giấc. Ðứa con trai ngồi trong, mới đi lần đầu, nhướng mắt hướng qua đám con gái hỏi trổng: - Sắp tới chưa vậy? Cô gái có vẻ dạn dĩ, rành rẽ đường đi nước bước vội trả lời:
.
- Ðộ năm, mười phút nữa! Chỉ còn khoảng một cây số mà thôi! Hồ Ðiệp ngó ra ngoài và đoán chừng chắc cũng không sai gì cho lắm, vì thấp thoáng trong cánh rừng thưa tiếp giáp với ngọn đồi Tăng Nhơn Phú đã thấy mấy chòm thông ẩn hiện rải rác đó đây. Rất có thể là những bãi thực tập của đám tân binh lẫn alpha mà đôi lần Hiếu đã nói qua cho nàng nghe cũng không biết chừng. Quả thật vậy, độ một chập sau, xe đã băng qua Chợ Nhỏ nằm phía bên tay trái và tấp vô bến. Hơn một tiếng đồng hồ ngồi bó gối trên xe, bây giờ sắp được tự do thong thả cho nên mọi người đều hối hả phóng xuống xe. Như muốn trốn chạy cảnh tù túng, khổ sai. Ðể rồi còn chuẩn bị hành trang tiếp tục... lên đường, vì phải lội bộ thêm vài trăm thước nữa mới đến cổng trường. Cho những ai đã cụ bị sẵn sàng đầy đủ mọi thứ, như Hồ Ðiệp chẳng hạn, không phải mua sắm thêm một món gì ở cái chợ nhỏ xập xệ, tồi tàn đúng như tên của nó.
.
Cũng giống như mọi khi, thủ tục "thăm người thân" chẳng có gì thay đổi. Sau khi trình giấy tờ, ghi tên người mình muốn gặp thì đám thân nhân được hướng dẫn đi đến khu tiếp tân. Theo một lộ trình duy nhất. "Con đường tình sử nằm đây", dành riêng cho những đôi uyên ương, non thề biển hẹn cũng rất hợp lý, hợp tình. Ðộ hơn một trăm thước thì tạt vào khuôn viên chờ đợi, nằm phía bên tay phải. So với những căn nhà dành riêng cho sinh viên sĩ quan ở cũng như các dãy lớp học được lợp ngói Tây đỏ au, ngôi nhà lớn trong khuôn viên này rất khác biệt, vì chỉ được lợp tranh. Do sinh viên sĩ quan làm lấy và hầu như, tùy theo khóa, được tu bổ, thay đổi luôn. Có khóa đắp thêm tượng Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Ðạo... Có khóa đào hồ, dựng hòn non bộ... Và chẳng khác gì... Vườn Tao Ngộ, vì quang cảnh xung quanh kể ra cũng có phần hữu tình, thơ mộng. Với dẫy đầy cây cao bóng cả, hoa lá cành. Ðặc biệt là có nhiều cây bã đậu có lá lớn như lá bồ đề. Và không thiếu những bụi rậm um tùm để có thể... trùm poncho, hôn hít nếu cần. Một cách biểu lộ nồng nhiệt "tâm tình" của những "người lính trẻ". Chớ còn lính già và vợ con đùm đùm đề đề như Hiếu thì chắc cũng không đến nỗi nào, có thể tự kiềm chế ở những gì nhã nhặn thanh tao hơn, thay cho những nóng bỏng bồng bột, Hồ Ðiệp nghĩ.
.
Trên hệ thống loa phóng thanh, tên họ của những "người hùng" đầy may mắn đã được đọc lên trong khoảnh khắc. Tuy nhiên, là một trong những người đã có thừa kinh nghiệm với đợi chờ theo kiểu này, Hồ Ðiệp không nôn nóng gì cho lắm. Vì càng nôn nóng thì chỉ càng tự làm khổ cho mình mà thôi. Bởi, Hiếu đã kể cho nàng biết rằng đoạn đường từ trại chạy ra khu tiếp tân tuy thấy gần như vậy nhưng lắm lúc lại hóa ra xa. Nếu ca-lô, nón nảy không được chỉnh tề. Nếu áo quần không được sạch sẽ, thẳng thớm. Nếu đôi giày bốt-đờ-sô chưa láng đến độ ruồi đứng phải chống gậy. Vì đàn anh hằng hà sa số, lềnh khênh như muỗi Cà Mau, đỉa Năm Căn. Nhứt là mấy anh chàng con bà phước, không ai thân thuộc, ở tuốt ngoài miền Trung hay lạng qua lạng lại để tìm đàn em phạt chơi cho bõ ghét, cũng như... đỡ buồn. Lắm khi thân nhân phải lên khiếu nại đôi ba lần thì anh chàng "lính mới tò te" kia mới được buông tha theo lệnh cán bộ.
.
Vừa rồi Hồ Ðiệp có ý định đi thăm Hiếu bất chợt một lần để xem anh chàng phản ứng ra sao. Biết đâu lại chẳng khám phá ra một vài điều bí mật, riêng tư như... bật mí một vụ lén lút vợ, có "mèo" chẳng hạn. Ðàn bà nào không ghen và nàng, mặc dầu biết chồng mình một lòng một dạ chung tình, nhưng cũng nên nghi ngại phòng xa, ngăn ngừa bệnh hơn là chữa trị bệnh. Vậy mà rốt cuộc rồi sau vài lần đắn đo suy nghĩ, nàng lại viết thư báo trước cho chàng. Nàng không muốn cơm ghe bè bạn, khăn gói lên đây để rồi đánh mất một buổi hội ngộ trùng phùng. Trở về tay không, sau màn mỏi mòn chờ đợi, chỉ vì chàng rời trại thay đổi bầu không khí, về nhà vui chơi với các bạn cùng khóa ở Sài Gòn, Bình Dương, hay Biên Hòa...
.
Kỳ này hên, không bao lâu đã thấy Hiếu lò dò đi ra. Kèm theo, có anh bạn chắc cũng thuộc hàng tứ cố vô thân, chẳng ai quen biết, họ hàng. Thằng nhóc An chỉ chỏ, phát biểu trước: - Ba, ba... Ba kìa má... Hiếu bồng con lên hun hít chùn chụt rồi mới giới thiệu: - Ðây là bà xã tao. Còn đây là anh Lâm, bạn cùng khóa với anh nhưng ở khác đại đội. Ảnh cũng là dân tốt nghiệp Ðại học Sư Phạm, học trước anh một lớp... Lâm tươi cười, đon đả: - Dạ, chào chị... Hồ Ðiệp cũng thân mật: - Dạ, chào anh. Quê anh ở đâu lận? Lâm than thở: - Dạ, ở tuốt ngoài Tuy Hòa chị à. Bởi vậy cho nên, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt, lâu lắm tụi tôi mới có được vài ngày phép về thăm nhà.
/
Nghe qua, Hồ Ðiệp bỗng thấy tội nghiệp cho những kẻ ở xa, định tìm lời an ủi, nhưng đột nhiên anh chàng tưởng chừng như sáng mắt ra, hướng về cái bàn có đông người ngồi trong góc, mừng rỡ: - Úi chà, hình như tao có người quen Hiếu ơi. Thôi, để tao xáp lại đằng đó. Chúc hai vợ chồng mầy vui vẻ, hạnh phúc... Nói chưa xong Lâm đã vội bươn bả phóng đi một nước. Vậy cũng được, yên ổn mọi bề, Hiếu nghĩ. Vì chàng cũng định mời bạn mình thưởng thức qua cái hương vị đậm đà của các món ăn thuần túy miền Nam, thay cho... cá mối chiên, thịt trâu xào triền miên ở những bữa cơm nhà bàn. Nhứt là những buổi cơm trưa ngán ngẩm, nuốt không vô vào cuối tuần như hôm nay. Bây giờ, biết đâu thịt đông, giò thủ, cà pháo, mắm tôm hoặc là bún bò, nem tré, bánh nậm, bánh bèo, bánh bột lọc... lại chẳng hạp khẩu hơn? Hiếu quàng tay ôm vợ, nói nhỏ:
.
- Hay là mình đi thẳng ra ngoài vườn sau đi em. Hy vọng chỗ cũ của mình không bị ai chiếm đóng. Ðặt nhóc An đứng xuống đất, Hiếu tiện tay xách hai túi đồ ăn thay cho vợ. Hồ Ðiệp nắm tay An, lăng xăng dắt con đi theo chồng. Phân tán mỏng khắp các lùm cây bụi cỏ, lính trận và người thân quây quần với nhau từng nhóm nhỏ. Không màng để ý đến ai, hai vợ chồng rảo bước đi xa hơn, ra tuốt ngoài bìa rừng, gần đến hàng rào vòng đai. Nơi đó, ngoài mấy cây thông già khẳng khiu đong đưa theo gió, còn có vài bụi lá duối, lau sậy mọc cao khỏi đầu. Dây bìm bìm bỏ vòi, leo chằng chịt khắp mọi nơi, trổ hoa tim tím như những đóa phong lan. Dưới tàn cây râm mát mà hình như mọi người vẫn cảm thấy nóng nảy có lẽ vì vầng thái dương lên đã quá cao, xéo xéo đỉnh đầu. Hiếu moi trong giỏ, lấy ra tấm ny-lông màu xanh nước biển trải lên thảm cỏ non mới mọc, èo uột và trắng nõn như những cọng giá vì bị thường xuyên che đậy, thiếu ánh sáng mặt trời.
.
Hồ Ðiệp vội bày thức ăn, trước hết, món bánh hỏi mỡ hành, thịt quay vàng ngậy gói trong bọc lá chuối. Vừa múc nước mắm tỏi ớt từ chiếc keo thủy tinh ra cái chén nhỏ, nàng nhìn chồng, âu yếm: - Ăn đi anh, món ruột của anh nè... Hiếu thong thả:
- Ừa, em và con ăn với anh nữa chớ. Anh ăn một mình coi sao được. Với tay lấy mấy trái cam và con dao nhỏ, Hồ Ðiệp buồn buồn: - Ðể đó em. Anh lo đút cho An đi, nó đang dòm miệng kia kìa. Ồ, xấu quá, nhưng chắc đói bụng dữ rồi hả con? Hai cha con đang ăn ngon lành, bỗng Hiếu ngừng đũa: - Ở nhà có gì lạ không em? Bộ có chuyện gì không vui xảy ra hả? Trông em bèo nhèo như người bệnh mới bớt. Ðã vậy, đi đường xa mà cũng chẳng sửa soạn, son phấn gì hết. Phải cho ra vẻ để giữ gìn thể diện với người ta chớ em. Em làm anh "quê, xệ" quá! Hồ Ðiệp cố ngăn tiếng thở dài, tiếp tục cắt trái cam ra làm hai. Vui làm sao được khi hai đứa hai nơi, xa cách ngăn chia? Vui làm sao được khi tình hình tài chánh càng ngày càng eo hẹp? Tiền lính tính liền, đâu làm sao so sánh với lương giáo sư dạy trường công lẫn dạy giờ trường tư thục như ngày trước. Nếu nàng không biết tiện tặn, dành dụm thì lạng quạng cũng có ngày không đủ tiền ăn chớ đừng nói đến có dư để đổ xăng.
.
Rồi còn nữa, nàng có hơi ngạc nhiên, giựt mình khi Hiếu vẫn hay để ý đến diện mạo, dung nhan của nàng. Ðã mang thân phận đàn bà thì ai lại không muốn mình xinh đẹp, nhưng thử hỏi sửa soạn son phấn để làm chi một khi tâm hồn nàng đang mang nặng nỗi niềm người chinh phụ: Nương song luống ngẩn ngơ lòng Vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai?
.
* Phải chi đất nước đang hồi thanh bình, không có chiến tranh thì... buổi họp mặt ngày hôm nay phải là một buổi pinic, cắm trại ngoài trời thật nên thơ, tình tứ. Nàng mỉm cười, giả lả trả lời Hiếu: - Ðâu có chuyện gì không vui xảy ra ở nhà đâu. Chỉ tại em nhớ anh nên tất cả mọi thứ đều buồn lây với em chút chút vậy thôi. Hiếu nhướng mày, thở phào nhẹ nhõm:
.
- Thiệt hả? Em đừng làm anh lo nghen! Rồi chàng nói tiếp một hơi về những dự định tương lai: - Chẳng còn bao lâu nữa tụi anh sẽ ra trường. Việc trước tiên phải lo là xem anh đổi đi đâu. Hy vọng anh sẽ được đổi về gần nhà, vòng vòng các tiểu khu Long An, Kiến Hòa, Mỹ Tho, Gò Công... Mà nói chớ đổi đi đâu thì đổi, thế nào anh cũng tìm cách sắp xếp cho em và con đi theo anh... Ừa, biết đâu anh được biệt phái trở về dạy lại? Biệt phái trở về dạy lại? Một giấc mơ quá lớn, có phải? Vì ngoài việc hội đủ tiêu chuẩn tối thiểu phải dạy trên ba năm còn phải dựa vào thế lực kim tiền hay con ông cháu cha nữa. Hồ Ðiệp tự biết vợ chồng nàng không đủ khả năng, cũng không biết cách chạy chọt, lo lót. Cũng đành phó mặc cho số phần may rủi, hên xui chớ biết làm sao hơn. Nàng cố gắng gượng làm vui:
- Thôi, anh ăn đi,... nguội lạnh hết. Chuyện đó để từ từ rồi hẵng tínhEm đâu làm sao bỏ cha, bỏ mẹ, bỏ sở, bỏ trường cho được? Với lại, hứ, hổng ai thèm đi theo anh đâu mà đòi sắp với xếp... Hồ Ðiệp đặt mấy miếng cam cắt nhỏ vào chiếc dĩa mủ, ân cần đẩy lại gần phía Hiếu... Trên cành thông cao vút, chẳng biết vì mùi thơm nức mũi của thức ăn hay là muốn chia vui xẻ buồn cùng vợ chồng nàng, đôi chim mắt khoen màu hoàng yến vụt xà xuống, đáp nhẹ trên chòm lau sậy gần bên, buông tiếng kêu tíu tít, hồn nhiên...
/
NGUYỄN TẤN HƯNG *
.
Chinh Phụ Ngâm
.,

No comments:

Post a Comment