Wednesday, July 29, 2009


Dấu hiệu hy vọng của Biển Đông yên bình?
25/07/2009 06:18 (GMT + 7)
.TuấnViệtNam)
.
- Dấu hiệu Hoa Kỳ tăng cường quan hệ ngoại giao với Ấn Độ và giúp đỡ đất nước này xây dựng năng lượng hạt nhân. Và việc Ngoại trưởng Clinton đã ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác với ASEAN mà ông Bush từng từ chối trước đây phải chăng đó là dấu hiệu của hy vọng cho một Biển Đông yên bình? - Ailien T. Tran.
.
Xung quanh những tranh chấp về chủ quyền biển đảo ở khu vực Biển Đông, đã có rất nhiều những bài viết bày tỏ quan điểm, ý kiến của giới học giả trong và ngoài nước.
.
Để đảm bảo tính đa chiều của truyền thông, Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết của độc giả Ailien T. Tran hiện đang là nghiên cứu sinh của chương trình Fulbright Fellow 2009 và trước đó là Đại Học UC Berkeley.
.
Để giải quyết tranh chấp biển, đảo phải có đồng minh chiến lược. Trong những bài hát “Không tên” đã đi vào lòng người của Vũ Thành An, giới hâm mộ từng thấm thía câu: “Triệu người quen có mấy người thân, khi lìa trần có mấy người đưa.” Câu hát này làm chúng ta suy ngẫm về quan hệ quốc tế của Việt Nam.Từ khi mở cửa, Việt Nam khá thành công trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao với bạn bè năm châu.
.
Từ việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Nhật, rồi việc Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết đi Mỹ đã chứng tỏ một sự quyết tâm theo đuổi chủ trương mở cửa và làm việc với thế giới. Nhưng liệu Việt Nam có thể khẳng định một mối quan hệ “đồng minh chiến lược” với một cường quốc nào chăng? Những hành động trong quá khứ gần và xa của Trung Quốc đều để lại những câu hỏi đầy thách đố trong quan hệ Việt – Trung. Từ trận hải chiến Hoàng Sa 1974, tới sự lấn chiếm biên giới 1979, và cuộc tấn công Trường Sa 1988, Trung Quốc đều tỏ ra không e ngại công luận thế giới, vì nói đúng hơn là công luận thế giới không có sự bênh vực mạnh mẽ nào dành cho Việt Nam vào lúc đó.
Thành viên một tàu đánh cá Trung Quốc đang sử dụng lưỡi câu sắt nhằm làm thủng một lưới định vị âm thanh của tàu USNS Impeccable hôm 8/3/2009. Ảnh: AFP

Gần đây, Trung Quốc phản đối hồ sơ thềm lục địa của Việt Nam và Malaysia, rồi ngang nhiên đưa bảng đồ “lưỡi bò” mà không hề hổ thẹn về tính thiếu cơ sở lịch sử và pháp lý của bản đồ này. Như TS. Dương Danh Huy, “đây là sự leo thang về ngoại giao”. Nhưng rõ ràng đây cũng không phải là bước đi mới của Trung Quốc. Việc Trung Quốc phản đối hồ sơ của Việt Nam và Malaysia là chuyện không ai mà không đoán ra được, nhưng phản đối ra sao mới là vấn đề cần được thảo luận.
.
Tôi cho rằng việc Trung Quốc đưa ra bản đồ “lưỡi bò” đính kèm với thư phản đối đến Liên Hiệp Quốc chứng tỏ sự yếu kém về ngoại giao và khả năng phản ứng với thay đổi tình thế trong quan hệ quốc tế. Bản đồ này đã được Trung Quốc đưa ra một cách thiếu khẳng định trước đây, nay Trung Quốc lại dùng bản đồ này dù rằng nó không có cơ sở và không có tính thuyết phục. Rõ ràng Trung Quốc không phản ứng “kịp” với sự thay đổi tình thế nên đã không có một phản ứng tế nhị hay quyền biến.
.
Ngược lại, việc Việt Nam nộp hồ sơ chung với Malaysia là một hành động khôn khéo và nó làm thay đổi “phương hướng của cuộc tranh chấp”, vì Trung Quốc đã nhiều lần chỉ muốn đàm phán song phương và luôn luôn tránh các đề nghị đàm phán đa phương trong khu vực. Việc nộp chung hồ sơ là một cố gắng quốc tế hóa và đa phương hóa vấn đề, và điều này có thể đã làm Trung Quốc bị bất ngờ.
.
Điểm yếu của Trung Quốc Như tác giả Lạc An nói trong bài “Khoảng cách giữa Trung Quốc và thế giới”, mặc dù Trung Quốc đang vươn lên với thế mạnh về kinh tế và quân sự, “quyền lực mềm” về ngoại giao vẫn còn là điểm yếu của Trung Quốc. Vì vậy, dù tôi hoàn toàn đồng ý với Dương Danh Huy là Trung Quốc đang “leo thang về ngoại giao”, nhưng tôi cho rằng Trung Quốc chưa chứng tỏ được một sức mạnh ngoại giao hiệu quả và khôn khéo. Kế hoạch ngoại giao của Trung Quốc thiếu sức thuyết phục, không những mâu thuẩn giữa hành động và lời nói mà còn thiếu căn bản pháp lý và bằng chứng lịch sử.Vậy nếu quyền lực mềm là điểm yếu của Trung Quốc, thì liệu Việt Nam có đủ mạnh để lợi dụng điều này chăng? E là khó khẳng định vì “vấn đề là ai sẽ ủng hộ Việt Nam?” theo như Giáo sư Vladimir Kolotov, một chuyên gia người Nga chuyên nghiên cứu về Việt Nam.


Ngư dân Việt Nam vẫn còn lo ngại khi cho tàu ra khơi,
nhất là đi vào những vùng biển chồng lấn. Ảnh: VNN


Gần đây, những hành động có tính phối hợp về mặt ngoại giao và truyền thông cho thấy Việt Nam có nỗ lực trong lãnh vực “quyền lực mềm”. Ngoài việc thành lập huyện đảo Hoàng Sa và bổ nhiệm viên chức hành chánh, trung ương còn “bật đèn xanh” cho truyền thông trong nước được đăng tải tin tức hay tổ chức hội thảo về vấn đề Biển Đông. Cùng lúc, cũng có tin cho hay Việt Nam đã tăng cường khả năng quốc phòng trên biển, cũng như tăng cường quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, Ấn Độ, và Thái Lan về chính trị và quân sự, dù chưa phải ở cấp tối cao. Điều đáng ngại là những cố gắng ngoại giao của Việt Nam có nhanh đủ để bắt kịp với tiến độ leo thang về cả quân sự và ngoại giao của Trung Quốc hay không? Phải luôn tỉnh táoTrung Quốc thường hay lợi dụng tình thế và bất ngờ tấn công và đó là điều đáng ngại cho Việt Nam trước cuộc khủng hoảng Bắc Hàn và suy thoái kinh tế toàn cầu.
.
Ngày 19/1/1974, Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa. Ngày 17/2/1979, Trung Quốc bất ngờ tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Ngày 14/3/1988, Trung Quốc bất ngờ dùng vũ lực tấn công đảo Gạc Ma thuộc huyện Trường Sa của Việt Nam. Trong sự kiện 1974, Trung Quốc lợi dụng tình thế Hoa Kỳ rút quân khỏi sự sa lầy ở Việt Nam và không còn tâm trí để ủng hộ cho chính quyền Sài Gòn. Tương tự, Trung Quốc tấn công biên giới phía Bắc khi Việt Nam vướng bận chiến trường Campuchia. Và sự kiện 1988 cũng là một sự bất ngờ khi cả thế giới đang theo dõi sự xụp đổ của khối Đông Âu.
.
Xét lại những sự kiện này, chúng ta không khỏi lo ngại cho tương lai của Việt Nam trong bối cảnh cả thế giới đang bận rộn tập trung vào cuộc khủng hoảng hạt nhân Bắc Hàn. Trung Quốc có thể lợi dụng tình thế này để tăng cường áp lực ở Biển Đông và nhất là đối với Việt Nam. Hành động Trung Quốc cấm đánh bắt cá trong ba tháng hè, lúc mà ngư dân Việt Nam kiếm được nhiều cá nhất trong năm. Tàu lạ tông bể thuyền của ngư dân Việt Nam cùng lúc trên một số website và blog Trung Quốc tuyên bố một cách rất tự hào là đã đuổi được thuyền đánh cá nước ngoài cũng như bắt giữ ngư dân Việt Nam. Tất cả những động thái này tạo ra nghi vấn là Trung Quốc đang lợi dụng “lỗ hổng” địa chính trị trong khu vực.
.
Trước những thử thách này, nếu Việt Nam không lên tiếng mạnh mẽ và tranh thủ dư luận thế giới bằng nhiều cách và phương hướng, thật khó mà lường trước được số phận của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc trong những bước kế tiếp. Để làm điều này, Việt Nam cần nắm lấy cơ hội ngoại giao trong tay khi làm Chủ Tịch Luân Phiên của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vào tháng 10 năm nay 2009, cũng như cơ hội làm Chủ Tịch Luân Phiên của Liên Hiệp Các Nước Đông Nam Á (ASEAN) vào năm tới 2010. Với tư cách là Chủ tịch luân phiên, Việt Nam có thể đưa vấn đề Biển Đông vào các cuộc hội đàm vì đây là vấn đề ảnh hưởng đến toàn thế giới và khu vực, chứ không phải chỉ ảnh hưởng các nước tranh chấp như vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa.
,
Đây là cơ hội hiếm có cho Việt Nam vì nó xảy ra ngay sau khi Ngoại Trưởng Hoa Kỳ, Hillary Clinton, vừa tuyên bố tại Thái Lan về “sự trở lại Châu Á” của Hoa Kỳ trong chuyến công du vừa qua. Châu Á luôn luôn là khu vực có tính chiến lược trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ. Theo chuyên gia nghiên cứu về An Ninh Quốc Phòng của Hoa Kỳ, Giáo Sư Michael Nacht tại Đại Học UC Berkeley, Hoa Kỳ đã bắt đầu quan ngại về sự gia tăng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đối với sự ổn định của Á Châu từ cuối thập niên 1990, nhưng sự kiện khủng bố ngày 9 tháng 11 năm 2001 đã làm thay đổi chiều hướng tập trung sang Trung Đông. Song, thay đổi này chỉ có ý nghĩa phản ứng tạm thời và những chuyên gia hàng đầu về an ninh quốc phòng vẫn khuyến cáo về sự bất ổn tiềm ẩn ở Á Châu mà Hoa Kỳ cần quan tâm.
.
Từ ngày có sự thay đổi nhân sự trong Nhà Trắng, giới quan sát cũng thấy được sự thay đổi về đường lối ngoại giao của Hoa Kỳ, đó là sự trở lại của mối quan tâm về an ninh Châu Á với sự giảm bớt quân đội ở Iraq và tăng cường lực lượng ở Afghanistan. Những sự lên tiếng về cuộc đụng độ của hải quân Trung Quốc với tàu thăm dò của Hoa Kỳ trong năm nay không phải ngẫu nhiên vì trước đây nó đã từng xảy ra, nhưng tại sao đến bây giờ Hoa Kỳ mới lên tiếng. Thêm vào đó là dấu hiệu Hoa Kỳ tăng cường quan hệ ngoại giao với Ấn Độ và giúp đỡ đất nước này xây dựng năng lượng hạt nhân. Ngày 23 tháng 7 năm 2009, Ngoại trưởng Clinton đã ký Hiệp Ước Hữu Nghị và hợp tác với ASEAN mà ông Bush đã từng từ chối trước đây. Phải chăng đây là dấu hiệu của hy vọng cho một Biển Đông yên bình?
.
.Ailien T. Tran (Fulbright Fellow 2009, Đại Học UC Berkeley)

No comments:

Post a Comment