Tuesday, June 9, 2009

NGƯỜI THIẾU PHỤ VÕNG LA
Và THIẾU PHỤ NAM SƯƠNG
Cuối Bài : Nhạc sầu tương tư _ Lam Trường
.
Kính thưa thầy !
.
Con thật tình không biết phải giải bầy như thế nào về việc không nộp bài luận văn kỳ này. Thay vào đó là lá thư, mà ngay khi đặt bút xuống đây, con cũng không chắc sẽ viết thế nào để thầy hiểu cho những thôi thúc lạ kỳ trong lòng con. Thôi thì, con chỉ biết, lòng nghĩ sao thì viết ra như thế, và lá thư này hẳn sẽ có nhiều lủng củng. Vì những băn khoăn trong lòng con khởi đi từ những điểm mơ hồ mà kết thúc thì lại.... không biết tới đâu!!!
.
Thưa thầy,
Ðề tài thầy cho kỳ này tương đối không khó: "Viết về một nữ lưu trong lịch sử Việt Nam mà trò ngưỡng mộ nhất". Chúng con có quá nhiều lựa chọn. Từ những liệt nữ dũng cảm, xông pha trận mạc như Bà Trưng, Bà Triệu, đến những bậc anh thư thông minh xuất chúng, tài thi phú từng làm khiếp đảm bao tướng Tầu như bà Ðoàn Thị Ðiểm, hoặc lưu lại đến nay cho hậu thế như bà Huyện Thanh Quan. Rồi bao nàng công chúa đã hy sinh tình riêng, rời xa Quốc Tổ để đổi lấy đất đai, mở rộng bờ cỏi như công chúa Huyền Trân, Ngọc Vạn... Gần gủi với nhân gian thì ai không yêu mến bà Tú Xương, một người đàn bà điển hình Việt Nam, suốt một đời tận tụy "Lặn lội thân cò khi quãng vắng. Eo sèo mặt nước buổi đò đông", để "Nuôi đủ năm con với một chồng"... Lịch sử cách mạng cận đại thì có biết bao anh hùng liệt nữ đã đứng lên chống ngoại xâm mà điển hình là Cô Giang, Cô Bắc, Cô Tâm của Việt Nam Quốc Dân Ðảng, những phụ nữ chân yếu tay mềm nhưng đứng trước kẻ thù, họ là những thành trì sắt thép, can trường.
.
Giải giang sơn Việt Nam tuy nhỏ bé nhưng nhiều ưu điểm cả về địa thế chiến lược lẫn thuận lợi sông ngòi, nên từ ngày lập quốc đã thường xuyên là sự thèm thuồng của các cường quốc lân bang. Ðó chính là nguyên nhân nỗi bất hạnh của dân tộc Việt, hết bị Tầu cai trị lại tới Pháp đô hộ. Nhưng phải chăng vì những bất hạnh triền miên đó mà mỗi con dân Việt đều được tôi luyện ý chí dũng cảm, kiên cường. Ý chí đó nảy sinh tự nhiên như hạt mầm gieo xuống đất, tất sẽ đâm chồi, nở hoa như khi đã có áp bức tất phải có đấu tranh, bị dồn tới khốn cùng, tất phải nảy sinh cách mạng. Vì người dân nghe lời núi sông kêu gọi như một bổn phận tự nhiên mà đáp đền theo hoàn cảnh riêng mình, tự nhiên đến độ, đôi khi, chính họ không ý thức là họ đang "xả thân vì đại nghĩa". Và, ở một nghĩa nào đó thì sự xả thân đó có kém chi hành động hiên ngang của dũng tướng chốn sa trường!
.
Kính thưa thầy,
Con muốn nói đến cái đẹp tuyệt vời của sự hiến dâng vô thức, phát xuất từ bản năng, mà bản năng đó hẳn phải có từ tình yêu quê Cha đất Tổ. Thưa thầy, con muốn nói đến những "Anh Hùng Vô Danh". Họ thầm lặng, thấp thoáng, bàng bạc suốt chiều dài lịch sử. Vận mệnh lúc thịnh, khi suy, song anh hùng thời nào cũng có mà "Anh Hùng Vô Danh" lại càng không thiếu trong từng phút giây, ở bất cứ địa danh nào trên suốt giải giang sơn gấm vóc, nếu đôi mắt hạn hẹp của chúng ta có thể nhìn suốt được!
.
Khi cảm nghĩ được như thế, con muốn thưa cùng thầy là con hãnh diện biết bao, sung sướng biết bao, vì đã được làm người Việt Nam!
.
Sau mỗi giờ học Việt sử, con thường đắm mình trong suy tưởng, trở ngược giòng thời gian, thử tự đặt mình ở hoàn cảnh đó, thời điểm đó, rồi cố vận dụng trí tưởng tượng xem mình có thể hành xử được bao nhiêu phần trăm như bao tiền nhân vô danh đã làm để chúng ta còn có được những giòng sử Việt hào hùng, rực rỡ, sẽ còn tiếp nối bất tận và bất diệt...
.
Kính thưa thầy,
Thật là khó khi những cuộc trắc nghiệm chỉ do tưởng tượng, xoay quanh mớ kiến thức hạn hẹp, mơ hồ của một cô học trò lớp Ðệ Tứ như con! Mới đây, khi học về lịch sử cách mạng cận đại với những người trẻ tuổi đứng lên thành lập Việt Nam Quốc Dân Ðảng chống ngoại xâm Pháp, con đã bất ngờ bị chấn động vì một chi tiết nhỏ, một chi tiết mà con chắc rằng hầu hết, các bạn con đều đọc luớt qua, rồi quên đi! Thưa thầy, chi tiết đó nằm trong sự việc xảy ra tại làng Võng La, khi các yếu nhân của Việt Nam Quốc Dân Ðảng như Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Phó Ðức Chính tới họp tại nhà đồng chí Lê Cả thì bị tên Việt gian Phạm Thành Dương dẫn bọn mật thám đến vây bắt. Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu, nhờ phản ứng thần tốc nên sau đó thoát thân. Nguyễn Khắc Nhu chạy ra bờ sông, được một đồng chí trực thuyền sẵn, chở đi. Nguyễn Thái Học thì chạy băng ra đồng, gặp một nông dân đang cuốc đất. Thấy Nguyễn Thái Học, anh nông dân vội cởi áo choàng lên người ông, lại chụp lên đầu ông chiếc nón lá và ấn thêm cái cuốc vào tay. Nguyễn Thái Học vờ vừa cuốc đất vừa lẩn dần sang làng bên. Riêng Phó Ðức Chính, bị trúng đạn dưới ngực, được một đồng chí cõng, chạy vào nhà một đồng chí khác và, nhanh như chớp, giấu ông dưới ổ rơm, nơi mà người vợ trẻ của đồng chí đó vừa ở cữ đứa con trai đầu lòng, đang nằm cho con bú!...
Bọn Việt gian và mật thám Pháp lục xét từng nhà trong làng, không chừa một nơi nào. Chúng đã không chút nghi ngờ khi mở cửa buồng người đàn bà đang nằm cho con bú. Người anh hùng Phó Ðức Chính được cứu thoát lần đó để lại cùng Nguyễn Thái Học và các đồng chí xả thân vì đại nghĩa cho tới ngày đầu lìa khỏi cổ tại pháp trường Yên-Bái!...
.Thưa thầy,
Sau giờ sử ký đó, nhiều buổi chiều, con đã ngồi hàng giờ sau bậc thềm rêu sau vườn, nghe gió lá rì rào ru lại khúc hùng ca thuở trước mà lòng không ngớt bị thôi thúc bởi niềm mơ ước không tưởng! Mơ ước nghe được tiếng lòng của người thiếu phụ Võng La. Sức mạnh nào đã giúp nàng bình tĩnh dâng hiến con mình và lòng trung trinh cho đại cuộc?!?! Trời ơi, thưa thầy, đối với con, nàng chói lòa hào quang trong phút giây lịch sử đó. Phút giây đó, ngắn ngủi thôi, nhưng có thể là trăm năm với người mẹ yêu con, với người vợ yêu chồng! Phút giây đó, chỉ một chút sơ sẩy, đứa bé có thể bị giật khỏi tay mẹ, có thể ngừng thở trước khi bị tàn sát. Và nàng, nếu sự việc bị phát giác, thật, chẳng có phép lạ chi giúp nàng thoát thân. Nhưng thưa Thầy, con lại trộm nghĩ, xả thân, chưa phải là điều khó khăn tột cùng đối với nàng. Cái điều kinh hoàng hơn sự chết mà nàng phải vượt qua chính là tình huống lúc đó. Trong buồng riêng, chỉ qua một lớp rơm mỏng phủ sơ sài vội vã, nàng phải, mở ngực trần, nằm khít khao với một người đàn ông không phải là bạn trăm năm!
.
Nàng nằm đó, chờ bọn hung thần ập tới. Nhưng liệu chúng có tới? Và bao lâu thì tới? Nàng không biết được. Nhưng nàng phải nằm đó, phải tràn trề hạnh phúc trong động tác tuyệt vời của người mẹ đang truyền sự sống sang con mình. Qua sợi rơm mỏng còn thơm ngát hương đồng cỏ nội, nàng hẳn nghe được tiếng rên, tiếng thở và ngay cả, cảm được hơi ấm từ người đàn ông nằm dưới, người đàn ông không phải bạn trăm năm!...
.
Thưa thầy,
Trở lại hơn bảy chục năm về trước, với tinh thần đạo lý và bối cảnh xã hội nông thôn Việt Nam, có phải phút giây lịch sử đó, nàng đã vô cùng dũng cảm, vô cùng can trường mới đạt tới sự hy sinh lớn lao là dâng hiến con mình và lòng trung trinh cho đại cuộc hay không? Nàng đã dâng hiến hai điều quí báu nhất, thiêng liêng nhất của một người đàn bà trong sự bình tĩnh, ý thức minh bạch, rõ ràng những điều đang xảy ra. Hình ảnh đó, đối với con, cũng hiên ngang, hào khí như khi Cô Giang kê súng vào đầu tự kết liễu đời mình trước làng Thổ Tang sau khi chứng kiến Nguyễn Thái Học và mười hai đồng chí bị hành hình tại pháp trường Yên-Bái. Hai tình huống khác nhau nhưng tấm lòng liệt nữ, một hữu danh, một vô danh, hẳn cùng hướng về một lý tưởng "Hoàn ngã sơn hà" (Trả ta sông núi), bằng tất cả những gì có thể, đạt tới mục đích tối hậu là đòi lại núi sông.
.
Thế rồi, thưa thầy, hàng năm, khi các đoàn thể tổ chức những ngày kỷ niệm của Việt Nam Quốc Dân Ðảng thì những băn khoăn về nàng thiếu phụ Võng La thuở nào lại bồi hồi, quẩn quanh trong tâm trí con. Nàng có như Nguyễn Thị Giang, tới Yên-Bái rạng ngày 17 tháng 6 năm 1930? Nguyễn Thị Giang tới đó để nhận nỗi đau xé gan, nát thịt khi Nguyễn Thái Học bước lên đoạn đầu đài. Còn nàng, có tới để hãnh diện nghe Phó Ðức Chính từ chối bịt vải đen ngang mắt và yêu cầu được nằm ngửa "xem lưỡi đao máy chém bén thế nào". Và nàng, có như người nông dân năm nào từng cứu Nguyễn Thái Học, ngửa mặt lên trời mà than trong uất nghẹn "Ta đã không cứu được Người cho trọn". Rồi cậu bé năm xưa, vừa chào đời đã được cùng mẹ góp phần đền đáp núi sông, cậu bé đó có bao giờ băn khoăn hỏi mẹ về phút giây lịch sử xưa kia? Từ giòng sữa mẹ thiêng liêng đó, cậu đã khôn lớn như thế nào?...
.
Những câu hỏi như những trục bánh xe quay đều, quay đều trong tâm tưởng con. Con chưa từng một lần tâm sự với bạn bè về những băn khoăn đó vì con có thể phần nào đoán được phản ứng của bạn: "Mi điên hả? Ai mà đi thắc mắc những chuyện không biết được như thế". Hoặc có nghiêm túc hơn một chút thì: "Mi hết chuyện để thắc mắc rồi sao? Anh hùng vô danh hàng hàng lớp lớp, đã là vô danh, tên còn không biết huống chi những tình lý sâu xa đó".
.
Thưa thầy, con thật tình không biết động lực nào đã khiến con giải bày cùng thầy hôm nay. Vì nội dung đề tài thầy cho? Vì thời điểm kỷ niệm ngày thành lập Việt Nam Quốc Dân Ðảng? Hay vì những đau đớn tột cùng ngày tiễn đưa cha già về lòng đất đã khiến lòng con ý thức sâu xa hơn về sự sống đáng quí đến chừng nào! Nhưng hẳn có những điều còn quí hơn sự sống khiến ta, vì đó, mà sẵn sàng hy sinh sự sống! Nghĩ tới đó thôi, câu chuyện về nàng thiếu phụ Võng La hơn bẩy thập niên qua lại trở về cùng với con với những xúc cảm vừa tràn đầy dịu dàng, vừa rực lửa bi tráng.
.
Thưa thầy,
Xin thầy tha thứ con, đã làm mất thì giờ của thầy, và con xin nhận điểm xấu về bài luận văn lạc đề này.
.
Học trò của thầy, Hoàng Lan.
.
Thầy Nghiêm ngồi lặng thật lâu, lâu lắm, rồi từ từ để bài viết của Hoàng Lan xuống bàn. Thầy lại ngồi lặng một lúc nữa, rồi chậm rãi gỡ cặp kính cận, rút khăn tay lau nhẹ. Thầy bỗng mĩm cười một mình. Kính đâu có ướt mà lau kính, mắt mới ướt! Thầy nhẹ nhàng dùng khăn tay chậm những giọt nước mắt nóng đang lăn xuống trên đôi má gầy. Thầy vẫn ngồi đó, bồi hồi gấp chiếc khăn tay mầu nâu non làm tư, rồi lại trải ra, rồi lại gấp vào...
.
Chiếc khăn này, Bà Cụ đã khâu cho thầy. Chiếc khăn này, đường kim mũi chỉ vụng về, nhưng là chính tay bà cụ khâu cho con trai. "Cậu giữ luôn trong túi nhé, khăn và lọ dầu cù là này, cậu hay bị sổ mũi lắm". Trời, Bà Cụ đó, Bà Cụ một đời tận tụy không phải chỉ vì chồng vì con mà còn vì non vì nước. Bà Cụ vừa ra đi. Bà Cụ vừa nằm xuống, không lâu. Quan tài Cụ được phủ Quốc Kỳ và Ðảng Kỳ. Hẳn Cụ không muốn thế, nhưng những người yêu thương, kính trọng Cụ đã làm thế. Vì họ đã từng nhìn thấy, suốt cuộc đời Cụ, Cụ sống bằng lẽ đơn thuần, "Còn Nước mới có Nhà, còn Chúa mới có Tôi", sống thuần đạo Trời như thế giản dị quá, sao phải gọi là hy sinh, là dũng cảm?... Tội nghiệp Mẹ, gần trăm tuổi ra đi, vẫn đau lòng không hiểu, sống thuần đạo Trời giản dị thế, sao nhiều người không làm được?
.
Một tuần sau, giờ trả bài Việt văn lớp Ðệ Tứ B-5, Hoàng Lan nhận lại bài mình, không có điểm, mà kẹp giữa những trang giấy là chiếc khăn tay màu nâu non, tơ không còn óng nhưng lụa vẫn mềm, như hồn tằm man mác với nương dâu...
.

Linh Linh Ngọc
.
.
Người thiếu phụ ở Nam Xương
Truyện Cổ Tích.

Ở huyện Nam Xương tỉnh Hà Nam, ngày xưa có một người con gái xinh đẹp, nết na, tên là Vũ Thị Thiết, chồng là Trương Sinh, người cùng làng. Hai vợ chồng rất yêu nhau, tuy trong cảnh túng thiếu nhưng hai người không bao giờ có lời qua tiếng lại. Chỉ có một điều là Trương hay đa nghi, làm cho vợ lúc nào cũng phải ý tứ, giữ gìn.
.
Lấy nhau chưa được bao lâu thì Trương bị gọi ra lính.
.
Lúc ấy, vợ chàng có mang sắp đến ngày sinh. Trương Sinh đi chưa được nửa tháng thì nàng sinh được đứa con trai rất kháu khỉnh. Một nách con mọn, lại có mẹ chồng già, nàng thay chồng làm đủ mọi việc. Mẹ chồng ốm nặng, nàng hết sức chạy chữa trong nửa năm trời, nhưng bà cụ không qua khỏi được. Nàng làm ma cho mẹ chồng rất chu tất, xóm làng ai cũng khen.
.
Hơn một năm sau, quân lính đều được trở về làng. Trương Sinh về thì đứa con trai đã bập bẹ nói. Trương giơ tay bế con thì thằng bé không chịu theo.
Anh hỏi nó:
- Bố đây mà, sao con lại không cho bế?
Thằng bé bập bẹ nói:
- Bố đến tối mới đến kia.
Trương Sinh tính đa nghi, trong lòng bực tức, nhưng không nói ra. Ðợi khi đứa bé ngồi một mình, chàng gạn hỏi thì thằng bé lại nói:
- Ðến tối, bố mới đến. Hễ mẹ đi, bố cũng đi theo sau; mẹ ngồi, bố cũng ngồi...
.
Nghe con nói, Trương Sinh yên trí vợ mình đã tằng tịu với một kẻ nào trong khi mình đi vắng và kẻ ấy rất say mê vợ mình, nên mới không rời được ra như thế! Thấy vợ xinh đẹp, tươi giòn, "gái một con trông mòn con mắt", máu ghen của chàng lại càng xung lên. Trương tra hỏi vợ và giữ kín là không phải do con nói. Nàng một mực chối cãi; nhưng chàng không tin, mắng chửi, đánh đập vợ tàn nhẫn.
.
Làng xóm, họ hàng biết chuyện đều đến can ngăn, chàng nhất định không nghe, cho là vợ khéo đon đả cái mồm, nên mới được lòng mọi người.
.
Người thiếu phụ phẫn uất quá, ôm con khóc nức nở, rồi thừa lúc chồng sang hàng xóm, chị đặt con xuống giường, chạy ra sông đâm đầu xuống dòng nước chảy xiết.
Chồng về, biết sự chẳng lành, vội chạy ra sông, nhưng mò mãi không tìm thấy xác vợ. Ðến tối đứa trẻ khóc, Trương bế con, thắp đèn dỗ cho nó nín. Thốt nhiên đứa trẻ chỉ vào cái bóng của Trương trên vách và nói:
- Bố kia kìa!
Thì ra trong những ngày Trương đi vắng, buổi tối đứa trẻ hay hỏi mẹ: "Bố đâu?", người thiếu phụ thường chỉ vào cái bóng của mình trên vách, nói đùa với con: "Bố kia kìa!".
Bấy giờ người chồng mới hiểu lời con nói. Về sau, nhân dân dựng miếu thờ nàng họ Vũ, gọi là: "Miếu vợ chàng Trương".

Suu tầm.

Nhạc sầu tương tư - Lam Trường

No comments:

Post a Comment