Thursday, June 4, 2009

Chuyện của tui
.
Ông Nguyễn Hữu Huấn ơi!
Tui vừa mới đọc xong bài viết của Ông. Chèn đét ơi, sao tui khoái câu chuyện tình của ông quá xá! Ðọc một lượt từ đầu đến cuối, tui cười rung rinh cả sofa luôn. Cũng may là nhà đi vắng hết, nếu không vợ con họ tưởng tui sắp khùng đến nơi! Ðọc truyện tình của ông xong tui bèn nghĩ là tại sao mình không bắt chước ổng, viết câu chuyện tình của chính mình? Vì nó cũng hao hao giống câu chuyện của ông dzậy. Sở dĩ có cái màn dạo đầu dài dòng này là vì mai mốt lỡ “Quán Văn” của ông PQBác “thương tình” mà đăng bài của tui, ông có đọc được thì không cho tui là cầm nhầm bản quyền, cầm nhầm ý tưởng của ông. Mà lỡ ra câu chuyện của tui không hay và không hấp dẫn bằng chuyện tình của ông thì ông và quý độc giả cũng xin miễn chấp.
.
Trong lúc ông là con trai Bắc Kỳ chính hiệu bà lang trọc, đã đi một đường lăng ba vi bộ “tránh” mấy cô em Bắc kỳ nho nhỏ để giao duyên cùng với cô em Nam Kỳ “cao xấp xỉ 1.70 mét, quê Cái Bè, nội Cái Răng, ngoại Cái Dồn” thì tui đây, quê hương vốn là vùng đất đã hơn một lần đi vào văn học và âm nhạc “Quê hương em nghèo lắm ai ơi. Mùa Ðông thiếu áo, Mùa Hè thiếu ăn” tui lại phải lòng một cô em Bắc Kỳ, sau nầy là mẹ của hai đứa con tui! Thôi thì để tui kể lại từ đầu cho có ngọn có nguồn nghe!
.
Theo bản “lý lịch tự khai”, ông được sinh ra “tại miền Bắc, nhưng học hành và lớn lên cùng với gia đình ở miền Nam, để rồi trưởng thành tận ngoài Trung” thì tui là dân Trung Kỳ, sinh ra và lớn lên tại Ðà Nẵng, nơi có một bãi biển đẹp nổi tiếng vì cát trắng mịn màng, bãi biển Mỹ Khê.
.
Phía Nam thành phố là Cổ Viện Chàm, nơi trưng bày những cổ vật, những chứng tích của dân tộc Chiêm Thành ngày xưa. Những hình tượng đầu voi, mặt khỉ hay những pho tượng thiếu nữ Chàm múa hát đã làm chúng tôi hồi nhỏ vừa sợ vừa thích thú mỗi khi vào đó chơi để tránh cái nóng thiêu người của những ngày có gió Lào thổi qua. Chắc ông cũng đã từng nghe qua về Cổ Viện Chàm ở quê tui?
.
Ðược ngồi dưới những gốc cây sứ nhìn ra bờ sông Hàn, ngắm những con thuyền với những cánh buồm trắng hoặc nâu qua lại trên sông thật là thú vị. Giống những thành phố khác, Ðà Nẵng của tui cũng có những con đường dễ thương, tình tứ, một bờ sông nên thơ, nơi tuổi học trò tụi tui còn để lại biết bao nhiêu là kỷ niệm. Những chiếc ghế đá dọc theo bờ sông là những nơi đám học sinh ham chơi hơn ham học thường cúp cua ra ngồi hóng mát. Ðám bạn tui thường hay đạp xe lượn vòng trên các con đường đi Sơn Chà, Tiên Sa, Non Nước, Nam Ô, Khuê Trung, Cẩm Lệ, những “địa danh” thân thương của đám nhất quỷ nhì ma tụi tui! Vẫn còn nhớ những quán cà phê Diệp Hải Dung, Hạ Trắng, Ngọc Lan, cà phê Thông Tin nơi tui đã ngồi hàng giờ với đám bạn bè thời Trung Học, tập tành hút thuốc (mặc dầu thấy đắng nghét, chẳng ngon lành gì!), nhìn theo bóng dáng những tà áo dài qua lại thướt tha trước mắt. Nhiều đứa bạn tui bỗng nhiên trở thành thi sĩ nhờ trồng những gốc cây si to tổ bố trước nhà các nữ sinh!
.
Nói đến Ðà Nẵng, người ta thường hay có khuynh hướng gắn liền nó với Quảng Nam. Cũng đúng thôi, vì Ðà Nẵng với Quảng Nam dính liền với nhau như thân cây dính liền với gốc, có chung một phong tục tập quán, văn hóa, xã hội. Nhất là cái tính hay cãi thì y chang như nhau. Bởi vậy mới có câu: “Quảng Nam hay cãi” để nói về người dân quê tui! Ðể trả lời cho những câu hỏi “móc họng” của bạn bè là tại sao quê tui lại nghèo đến thế, tui cũng bèn “dốc tổ” trả lời: “Thì tại quê tui nhân tài nhiều quá nên lúa mọc lên không nổi” chớ sao?
.
Gia đình tui có ba chị em, cha mất sớm, chỉ còn bà mẹ nuôi cả ba ăn học. Me tui là một bà giáo, nên công việc dạy dỗ rất nghiêm khắc. Ðậu Tiểu Học xong bà gửi tui ra Huế học một trường Dòng rất nổi tiếng do các linh mục người Pháp giảng dạy. Bốn năm học nội trú tại trường Providence, tui thi đậu Brevet về lại quê hương xứ sở để lên Ðệ Nhị Cấp. Cũng phải học “trầy da tróc vảy” mới lấy được cái bằng Tú tài 2 Ban Khoa Học Thực Nghiêm (vì tui vốn ham chơi hơn là ham học!)
.
Thế rồi “công tử vườn” là tui đây bèn nổi máu giang hồ vặt, nhất định làm một chuyến “dế mèn phiêu lưu ký” nên bèn năn nỉ ỉ ôi bà già cho vào Sài gòn học, mặc dù năm đó ở Huế đã bắt đầu mở đại học. Bà già tui lấy lý do là không kham nổi chi phí quá cao so với lương của một bà giáo nếu tui vào học Sài Gòn. Nhưng hồi đó không hiểu tại sao tui lại có thể uống thuốc liều như vậy? Tui “dõng dạc” xin bà già chỉ cần “chi viện” cho 2 tháng đầu tiên, rồi sau đó là tui sẽ... tự túc tự cường! Nói vậy cho oai thôi, chứ chưa hề biết Sài gòn như thế nào thì làm sao mà “tự túc tự cường” được sau hai tháng!?
.
Vào Sài Gòn tui ở trọ phía sau quán ăn Thanh Bạch, nơi các công- tư chức dưới miền Tây lên làm việc cũng đến đó ở trọ như tui. Lý do rất đơn giản là vì chỗ đó ăn ở giá cả phải chăng và lại gần trường nữa! Tui ghi danh học Dự Bị Văn Khoa khi ngôi trường đầu tiên còn nằm ở góc Nguyễn Trung Trực và Lê Thánh Tôn. Học thì ít, cúp cua ra Ciné Lê Lợi để xem mấy cuốn phim xưa (nhưng thật hay và thật giá trị) thì nhiều. Năm sau đó, nghe theo lời dụ dỗ của mấy thằng bạn, tui nộp đơn thi vào Ðại Học Sư Phạm. Vừa đi học vừa đi dạy, “kèm trẻ em tại tư gia”, tui đã thực hiện đúng như giao ước với Me tui là tự túc tự cường được rồi (nhưng phải gần cả năm sau chớ không phải là hai tháng như đã giao ước!). Thêm vào cái học bổng khá hậu hĩnh của sư phạm, tui tậu được chiếc Mobylette màu vàng nhạt mới tinh để đi học và đi dạy. Cũng đã có dáng công tử Sài Gòn lắm rồi! Chỉ có mấy đứa bạn thân mới dám nói tui vẫn còn là công tử vườn thôi: “Vì giọng nói của mầy khó nghe quá! Vẫn còn mang nặng mùi nước biển và nhất là mùi nước mắm Nam Ô!” Tui nghe vậy tự ái lắm, nên quyết chí chỉ nói rặt giọng Nam Kỳ không thôi! Có cô em họ giới thiệu cho tui mấy cô bạn Gia Long để cuối tuần ông anh mình đưa đi ciné, bát phố hay ăn kem cho đỡ nhớ nhà “và cũng là để anh luyện nói tiếng miền Nam!!!!”
.
Nhưng rồi chẳng đâu vào đâu, vì mấy cô em Gia Long chê tui thẳng thừng luôn. Khi cô em tui hỏi ý kiến mấy nàng bạn học của mình, mấy nàng trả lời: “Ông anh mầy nhà quê quá! Chỉ biết nói toàn chuyện sách vở, đưa tụi tao vào thư viện giới thiệu sách này sách nọ và khuyên tụi tao nên chăm chỉ học hành để lấy cho được cái Tú Tài 2!” Tui nghe thấy thật “nản lòng chiến sĩ” quá nên chỉ còn biết đâm đầu vào thư viện (lại thư viện nữa!) đọc sách cho quên nỗi buồn nhược tiểu! Rồi cũng xong bốn năm đại học.
.
Tốt nghiệp, ra trường, nhận nhiệm sở tại một tỉnh miền Tây mà lúc đó ai nghe cũng đều sợ: “Bộ mầy khùng hay sao mà đi về đó? Mầy không nghe là chỗ nào mà có chữ Kiến là ‘ổ kiến lửa’ hay sao?” Thì biết làm sao được khi tui không phải là dân CÔCC để có được một nhiệm sở tốt hon?
Ðầu tuần ra bến xe miền Tây, leo lên xe đò, xuống Mỹ Tho, qua phà Rạch Miễu, leo lên xe lam về đến bến, rồi lên xe lôi hay đi Honda ôm về nhà trọ. Cuối tuần thì làm cuộc hành trình ngược lại để về Sàigòn. Và cứ thế cuộc sống của một thầy giáo tỉnh lẻ trôi qua đều đều hết năm nầy sang năm khác. Sau nầy, mỗi lần nghe Phi Nhung hát:
.
“Bậu qua phà Rạch Miễu,
Qua lẽo đẽo theo sau”,
.
Tui cứ tủm tỉm cười hoài khi nhớ lại khoảng thời gian nầy! Mòn hết mấy đôi giày không phải để “lẽo đẽo theo chân bậu... dzìa cho biết nhà!” mà để xuống với đám học trò của tui!
.
Bảy năm trời dạy học trò miền Nam, chơi với các đồng nghiệp cũng là dân miền Nam nên tui đổi giọng hồi nào hổng hay! Mỗi lần Hè về Ðà Nẵng thăm bà già, bà nói:
.
“Thằng nầy bây giờ bày đặt nói giọng Sè gòn nữa!”
“Mà Me thấy con nói dzậy nghe có được không?”
“Ờ, Me thấy cũng hay hay!”
“Dzậy sau nầy con lấy dzợ Nam Kỳ, Me có chịu không?”
“Thì con chịu là Me chịu chớ sao lại không?”
“Còn nếu con lấy vợ Bắc Kỳ thì sao đây?”
.
“ Í, coi chừng nghe con trai? Con gái Bắc Kỳ dữ lắm đó! Ủa, mà sao Me không nghe con nói lấy con gái miền Trung, con gái Ðà Nẵng của mình vậy? Mấy bà bạn của me có con gái nhiều lắm, cứ hỏi thăm con hoài!”
Tui chỉ cười không trả lời, chỉ dám nói thầm trong bụng: “Thôi Me ơi, con đã khổ sở vì bị dân Sài gòn tụi nó ‘kỳ thị’ giọng nói của con rồi! Lấy vợ Trung Kỳ mai mốt phải mất công học nói tiếng Nam lại!”
.
Tui cũng nghĩ là sẽ lấy vợ Nam Kỳ, vì mấy năm đó tui có quen với một cô bé Sài gòn, học trường Hưng Ðạo, sau lên học Văn Khoa giống tui hồi trước.
.
Còn nhớ sau Tết Mậu Thân, công chức và quân nhân trong tỉnh bị “giới nghiêm”, bị “cắm trại” 100%, nhất là vào những dịp Lễ, Tết. Cái Tết năm 1969 là cái Tết buồn nhất của mấy ông thầy tỉnh lẻ tụi tui, những công tử từ Sài gòn xuống dạy, chỉ chờ dịp cuối tuần là vù về thăm gia đình. Huống hồ gì là dịp Tết? Ðang buồn quá xá thì cô em “người dưng khác họ” từ Sài gòn đem quà Tết xuống để “ủy lạo” ông anh thầy giáo là tui. Ôi thôi hầm bà làng đủ thứ: mứt, bánh, bánh chưng, bánh tét, tôm khô củ kiệu, hột dưa, và cũng không quên một chai rượu để ông anh và mấy ông bạn nhấm nháp. Mấy ngày Tết cô nàng cứ nhất định bắt tui đưa đi chơi khắp phố xá Kiến Hòa để xem cho biết đó biết đây. Nhưng thật ra thì cô “em người dưng khác họ” muốn cắm bảng Stop trước mấy cô học trò của tui.
.
“Cho chắc ăn”, sau nầy cô nàng mới nói với tui như vậy!
Chắc cô em khác họ của tui bị ảnh hưởng cuốn truyện đang ăn khách hồi đó, cuốn “Vòng tay học trò” chăng? Con gái Nam Kỳ ghê gớm thật.
.
Ðám đệ tử của tui, đám mà các cụ ngày xưa đã cho lên bảng phong thần ở hàng thứ ba sau “quỷ và ma”, lấy cớ mấy ngày Xuân ngày Tết, kéo đến nhà hà rầm để chúc Tết các Thầy (thì ít) mà để “xem mắt Cô (thì nhiều!). Làm cô em của tui mắc cỡ quá phải vù về Sài Gòn ngay hôm mồng 4.
.
Nhưng sau vì có chút hiểu lầm giữa hai gia đình nên tui và cô em người dưng khác họ đành chia tay để trở thành (như tên một bài hát) “Chuyện tình không đoạn kết” (nghe cải lương và mùi tận mạng phải không?) Xem như là tui hổng có dziên với con gái Sè gòn rồi!
.
Dạy học ở Kiến Hòa gần mười niên khóa, tui xin đổi về Ðà Nẵng. Tại đây, tui đã làm quen được một “cô em Bắc Kỳ” nho nhỏ từ Sàigòn ra chơi thăm ông Bác làm Tuyên Úy Không Quân và Tổng Y Viện Duy Tân.
.
Ðời tui bắt đầu “gian nan” từ đây! Gia đình cô em Bắc Kỳ là Công Giáo “thứ thiệt” gốc Bùi Chu Phát Diệm, lại có ông Bác là Tuyên Úy nữa! Còn bên tui, bà già ngày rằm mồng một đi chùa, ăn chay mỗi tháng tám ngày, tui thì theo Gia Ðình Phật Tử sinh hoạt từ nhỏ. Năm cô nàng ra Ðà Nẵng thăm ông Bác, thôi thì mấy anh chàng “ôi phi công danh tiếng muôn đời” với đầy đủ áo bay, khăn quàng tím, súng ống dao găm kè kè bên hông cứ chiều chiều lái xe Jeep hay đi Lambretta vào thăm Cha Tuyên Úy! Lại thêm mấy ông Y sĩ ở Duy Tân nữa, ông nào ông nấy lon lá và bằng cấp cao như núi cứ theo ông Cha năn nỉ xin học đạo. Vì đã “ngộ” được Chân Lý hay vì đã tìm thấy Chúa trong đôi mắt cô em Bắc Kỳ?
.
Giữa những anh chàng hào hoa phong nhã đó, tui thấy mình lép vế thật sự. Ðã thế ông Bác lại còn phán một câu xanh dờn khi biết tôi đang làm quen với nàng: “Bộ con hết người để quen hay sao mà lại quen với một ông thầy giáo tỉnh lẻ không có đạo?”
.
Còn bà già tui chỉ phán một câu thôi nghe cũng đã thấy thua đến nơi: “Con lấy nó về rồi sẽ quên ông bà, quên ngày giỗ ngày kỵ. Bên đạo họ đâu có cúng kiếng ông bà gì đâu? Con nhớ con vừa là trưởng nam vừa trưởng tộc nữa đó nghe. Trách nhiệm con nặng nề lắm đó.”
.
Nhưng đã nói là tui thuộc loại cứng đầu cứng cổ (tuổi Kim Ngưu mà!), điếc không sợ súng nên đã đến gặp ông bác của nàng, trao đổi với ông về chuyện Công Ðồng Vatican 2 cho phép hai người khác tôn giáo cưới nhau và được làm phép chuẩn, đạo ai nấy giữ. Nhưng con cái khi sinh ra thì phải được rửa tội. Không phải là tui giỏi giang gì, nhưng cũng nhờ quen với vài ông Cha khác, trình bày câu chuyện khó xử của tui và xin ý kiến. Mấy Cha nói về Công Ðồng Vatican 2 cho tui nghe, về phép chuẩn giữa hai người không cùng tôn giáo nên tui mới có một “bụng kiến thức” để đến gặp Bác của nàng! Sau nầy tui nghe nàng nói lại với tui khi cả hai đã thành vợ chồng:
“Bác tưởng là em đưa sách vở của Bác cho anh đọc để đấu lý với ổng!”
.
“Rồi em nói sao?”
.
“Em nói là anh từ nhỏ học trường đạo và quen với rất nhiều linh mục, nên kiến thức về công giáo anh cũng thuộc loại có hạng lắm!”
.
Sau đó là cả một “đoạn đường chiến binh” dài thăm thẳm! Tui phải đi học giáo lý, rồi học lớp Dự Bị Hôn Nhân mà tui “diễn nôm” cho nàng nghe là lớp dự bị hôn nhau! Ðể rồi sau đó bị nàng ngắt cho bầm mình bầm mẩy vì cái tội ăn nói chẳng ra làm sao, không biết tôn trọng nàng vân vân và vân vân. Nhưng tui may mắn đã gặp được một Linh Mục Dòng Tên dạy Giáo Lý. Mà quý vị chắc cũng đã biết là các Linh Mục Dòng Tên thì ông nào ông nấy, 3 bằng Tiến Sĩ. Không phải chỉ Tiến Si Thần Học không thôi mà còn Tiến Si Triết học hay Văn chương nữa! Thì đã nói là tui rất ư hâm mộ những ai học giỏi cơ mà! Có lẽ tại hồi xưa tui học “không được giỏi” cho lắm!
Ông Cha chỉ nói với tui một câu thôi, nhưng đủ để làm tui tâm phục khẩu phục: “Cha sẽ Rửa tội cho con khi nào con tin Chúa bằng con tim, chứ không phải con theo Chúa chỉ vì muốn lấy được vợ. Cha không bắt buộc con phải học thuộc lòng kinh sách. Ðức Tin không phát xuất từ đó mà từ bên trái lồng ngực con”.
Tui đã tin, đã được rửa tội và sau đó là được làm phép hôn phối. Cô em Bắc Kỳ và tui đều đồng ý chọn ngày cưới đúng vào ngày Lễ Giáng Sinh 25 tháng 12. Ðể sau nầy cho dễ nhớ!
.
Hôn lễ được cử hành tại một nhà nguyện nhỏ rất dễ thương nằm trên đường Tú Xương, nhà nguyện Regina Pacis. Hai năm sau vợ chồng tui sinh con trai đầu lòng, và cũng vào Mùa Hè năm đó, tui được đổi về dạy tại một trường trung học ở Ðà Nẵng. Vợ chồng con cái sống thật hạnh phúc vì đi đâu cũng có nhau. Xem Lễ ở nhà thờ Chánh Tòa mỗi sáng Chủ Nhật, đi ăn uống, xem chiếu bóng hay tắm biển Mỹ Khê vào Mùa Hè, tụi tui luôn luôn là ba người.
.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, cũng như bao nhiêu người khác, tụi tui phải bươn chải làm đủ thứ nghề, có tên và không tên! Giáo sư như tụi tui đều bị xuống cấp gọi là giáo viên, hoặc bị cho nghỉ việc hoặc là phải làm những công việc linh tinh khác. Vì sợ bị tịch thu nhà cửa (nếu trong gia đình không có ai là “công nhân viên nhà nuớc”) nên tui phải đi dạy với đồng lương “chết đói” chưa đủ uống cà phê trong vòng một tuần lễ (không ăn sáng)! Cô vợ Bắc Kỳ của tui phải chạy đôn chạy đáo buôn hàng chuyến, mỗi ngày lặn lội theo xe lửa từ Ðà Nẵng ra Huế đổi tiền Nam ra tiền Bắc kiếm ít tiền lời lo gia đình. Cực khổ nhưng vẫn vui vì vợ chồng con cái luôn quây quần bên nhau.
.
Ðến đầu năm 1979, gia đình tui nhận được giấy tờ bảo lãnh của người chị từ Mỹ gửi về. Tui chạy ngược chạy xuôi để hỏi thăm phải nộp đơn ở đâu? Không ai biết, và cũng chẳng có ai dám biết để trả lời cho thỏa đáng. “Ðất nước mình thống nhất rồi, anh lại có công ăn việc làm tử tế, tại sao lại phải bỏ nước ra đi?” là lập luận của rất nhiều người khuyên tui lúc bấy giờ! Mòn mỏi chờ đợi gần như tuyệt vọng, đến giữa năm 1984 vợ chồng tui mới sinh thêm đứa con gái thứ hai, cách ông anh đúng một giáp!
.
Khoảng đầu năm 1989 thì “nhà nuớc” mới mở các văn phòng Dịch Vụ lo chuyện giấy tờ xuất nhập cảnh. Tụi tui nộp hồ sơ và sau cùng cũng được lên phi cơ qua Mỹ sau mười hai năm ròng rã chờ đợi thủ tục. Qua Mỹ vào một thời điểm khá muộn màng: tuổi của tui lúc đó chưa đủ già để hưởng tiền trợ cấp, nhưng cũng không còn trẻ để tìm những công việc thích hợp với khả năng chuyên môn nên cả hai đứa tui phải lao vào đủ các loại công việc kiếm sống để hai con được đi học toàn thời gian. Có những hôm đi làm về, vợ chồng đều mệt nhoài, nhưng khi nhìn thấy hai con cặm cụi học hành chăm chỉ và cơm nước cũng đã lo xong chờ bố mẹ về cùng ăn, tụi tui cảm động muốn khóc và tất cả mệt nhọc đều tan biến! Mấy năm sau đứa con trai đầu lòng tốt nghiệp B.S. Bio. Chem. Trong ngày lễ tốt nghiệp, vợ chồng tụi tui đã vừa cười vừa khóc: Cười vì quá sung sướng, khóc vì giấc mơ của mình phần nào đã thành hiện thực.
.
Nhưng “điều gì vuông tròn quá cũng không tốt”. Tui đã từng nghe nhiều người lớn tuổi nói thế lâu nay, và mãi đến bây giờ tui mới tin!
.
Hai năm sau bỗng nhiên bà xã tui lâm trọng bệnh, một căn bệnh ngặt nghèo. Các Bác si điều trị nói với cha con tui: “Căn bệnh nầy đàn bà hiếm khi mắc phải, nhưng nếu đã bị thì luôn luôn là ở vào tình trạng cuối.” Ðiều làm vợ chồng con cái tui không hiểu được là cả nhà không ai hút thuốc, không ai uống rượu mà sao vợ tui lại bị căn bệnh quái ác nầy? “Chúa đã trao thánh giá, thôi thì mình cũng ráng mà vác chứ biết làm sao giờ?”, tui đã nói để vừa an ủi vợ con, vừa để lên tinh thần cho chính tui nữa. Ðã rất nhiều lần, nửa đêm thức giấc, tui tâm sự với Chúa: “Chúa ơi, tại sao Chúa lại trao cho chúng con Thánh Giá quá nặng nầy?” .

Hằng tháng, rồi hằng tuần, tui lái xe đưa vợ vào bệnh viện để thử máu và vào chemo. Hết đợt chemo nầy đến đợt chemo khác, tóc cứ rụng rồi lại mọc, mọc rồi lại rụng. Mười sáu tháng liên tục truyền và thay đổi các loại thuốc khác nhau, căn bệnh chỉ chậm phát triển nhưng không dứt hẳn. Vào những tháng sau cùng thì Bác sĩ đã phải điều trị bằng radiation. Những ngày tháng đó, tui chỉ ngủ mỗi ngày khoảng hai, ba tiếng. Thời gian còn lại tui ngồi bên giường bệnh, cầm tay vợ cầu nguyện vì biết rằng cha con tui sắp sửa mất đi một cái gì quí giá nhất trên đời. Sau hai mươi tháng điều trị, cô em Bắc Kỳ nho nhỏ ngày xưa đã rời bỏ cha con tui đi về miền vĩnh hằng ấy.
.
Ba cha con bỗng trở nên hụt hẫng. Thiếu vắng một hình bóng thân thương, căn nhà bỗng dưng rộng rãi nhưng trống vắng hẳn! Nhìn hai con ngơ ngác vì thiếu Mẹ, tui thấy lòng đau nhói, và thấy mình phải làm thế nào để trụ thật vững vàng làm gương nếu không muốn thấy hai con bỏ dở việc học hành. Cậu con trai chỉ còn một năm nữa là xong chương trình Pharmacy ở USC, cô con gái chỉ mới học lớp 10!
.
Lo đám tang cho vợ xong, tui ghi danh vào College đi học lại sau hơn ba mươi năm rời xa đèn sách. Vừa để quên đi nỗi đau buồn mất mát, vừa để cho hai con thấy phải làm thế nào để đương đầu với sóng gió cuộc đời và không bỏ dở việc học. Bài vở ở trường đã chiếm trọn thời gian làm tui không còn giờ để suy nghĩ vẩn vơ buồn bã hay chán nản nữa. Tui vẫn thường khuyên hai con sau những buổi đọc kinh cầu nguyện chung: “Me đã được Chúa gọi về, đó là một điều diễm phúc. Phần ba bố con chúng ta phải làm sao để Me ở trên đó vui lòng. Ðiều mong ước lớn nhất của Bố Me là thấy các con ngoan ngoãn và học hành thành đạt”. Tui đã bật khóc khi nhìn thấy hai cháu đem tất cả các tấm khen thưởng và bằng tốt nghiệp để trên bàn thờ Mẹ như một lời tạ ơn sinh thành dưỡng dục.
.
Bây giờ thì tui thấy cũng hơi khỏe rồi khi con cái đã tốt nghiệp và đã đi làm. Cũng báo cho ông biết tin vui là tui đã lên chức ông nội. Cháu đích tôn đàng hoàng đó nghe ông?
.
Thăm ông mạnh giỏi. Nếu ông thấy bài của tui không hay bằng bài của ông thì cũng xin ông cùng quý vị độc giả vui lòng bỏ qua, và cũng ráng đọc giùm cho hết bài nghen?

P.N.T.
.

No comments:

Post a Comment