Sunday, April 12, 2009



Đầu năm tản mạn về chữ Hiếu…
·
Nguyễn Minh Kiều

Người ta thường nói, kỳ quan lớn nhất trong vũ trụ này chính là Mẹ. Nhất là bài hát Lòng Mẹ Bao La của nhạc sĩ Y Vân càng khiến cho kỳ quan Mẹ thêm mênh mông thăm thẳm nhiệm màu. Hình tượng Mẹ còn được ví von với rất nhiều những hình ảnh ngọt ngào như mía ngọt, khế ngọt, quê hương, dòng sông, biển cả… Điều đó được thể hiện rất nhiều qua tục ngữ ca dao như:


Còn cha gót đỏ như son
Đến khi cha chết, gót con đen sì.
Chết cha ăn cơm với cá,
Chết mẹ liếm lá gặm xương.
Thuyền không bánh lái thuyền quay
Con không cha mẹ, ai bày con nên.
Đói lòng ăn đọt chà là
Nhịn cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng…


Có thể nói rằng, cái tình mẹ, tình cha nó ăn vào máu, nó nhập vào xương, nó thấm vào tủy con người Việt Nam đến nỗi hễ có đứa nào con nào đi ngược lại truyền thống thờ ông bà tổ tiên của dân tộc là y như rằng hắn ta bị kết án tử hình và được thích lên trán hai chữ Bất Hiếu Bất Nhân. Tuy nhiên, cái ơn nghĩa sinh thành, làm con phải hiếu trong cái xã hội ngày nay chỉ còn là một lớp bỏ tô son trát phấn bên ngoài. Còn cái tinh hoa thâm mật thật thà, lòng con báo hiếu cha già nắng mưa thì đã bị rêu phong phủ kín muôn trùng, thành sa mạc hóa hết vùng nước non, thượng thừa hiếu đạo vô ngôn, chân như hiếu tử đã thành nhà ma. Bởi đâu mà đạo hiếu mất đi cái thượng thừa chon von liễu thúy vậy? Vì sao mà hiếu nghĩa chỉ còn là lớp vỏ bọc bên ngoài? Bài viết lan man này xin được tìm lại một chút tinh anh sơ thủy trong ngần, cái con hiếu đạo dạn dày sương mai, lạc từ hôm sớm ban mai, ngã năm ngã bảy ngày dài lang thang, máu da xương tủy phai tàn, ngụy trung ngu hiếu lan tràn quê hương.


Hình ảnh người mẹ người cha hôm sớm tảo tần, đường khuya lầy lội chẳng ngần ngại chi, mong con lớn nổi thành người. Cái công lao trời biển đó tôi có đi hết quãng đường đời, cũng không đi hết bờ vai mẹ gầy. Xét cho cùng, cái bổn phận, cái yêu sách tối hậu của chúng ta, những người làm con, là phải lên đường trở về lòng Mẹ. Chỉ khi nào yên nghỉ vĩnh viễn trong lòng Mẹ, ta mới đạt được giác ngộ thiên thu. Nhưng muốn trở về, ta không thể ngồi yên được, cần phải ra đi thật xa, cần phải cất cánh bay vào giông bão cuộc đời, cần phải vục mặt vào nhầy nhụa kiếp người, cần phải lặn sâu xuống ao tù nước đọng rồi vươn lên nở hoa như những bông sen tinh khiết, thì ta mới có thể trở về được. Đó cũng chính là huyền nghĩa của câu nói “con không xa mẹ biết đời nào khôn.”Do vậy, muốn thấu thị được huyền nghĩa của chữ hiếu, cách dễ dàng nhất và phù hợp nhất với bản chất vô minh của đa số con người chính là nẻo đường tự hủy, tự biến mình ra không, hay nói cụ thể là muốn giữ được chữ hiếu, bước chân đầu tiên trên nẻo đường tự hủy của ta là phải "bất hiếu". Ở đây, bất hiếu không nên hiểu theo nguyên lý đồng nhất có là có, không là không của triết học Tây phương, nhưng cần phải hiểu bất hiếu theo nghĩa ra đi. Bất hiếu ở đây có thể sánh ví như tiếng khóc chào đời của trẻ thơ ngay khi ra khỏi lòng mẹ. Chính tiếng khóc ấy giúp cho buồng phổi đứa bé hít thở khí thiêng sông núi đất trời, vươn vai thẳng đứng giữa đời bể dâu. Tiếng khóc ấy chính là Thần khí mà Thượng Đế trong sách Sáng Thế Ký thở vào Adam. Không có tiếng khóc, con người không thể sống được. Cũng thế, bất hiếu tức là ra đi, phủ định chính mình, cho đến khi nào không còn thấy hình, không còn thấy tiếng; cho đến khi tiếng cũng chẳng còn, hình cũng tiêu ma; và cho đến khi khi không còn tiếng của không tiếng, không còn hình của không hình, nói theo Trung luận là dứt bặc tứ cú bách phi, thì lúc đó ta mới thênh thang theo gió bay về, bên tai nghe tiếng ầu ơ ví dầu…
Thế tại sao muốn hiếu nghĩa, thường nhân chúng ta lại phải bất hiếu?


Trước tiên, chữ hiếu ngày nay đã thất truyền do nạn tam sao thất bản. Huyền nghĩa của nguyên ngôn đã bị học giả phân tích theo thể điệu đười ươi man rợ rừng rú, chứ không phải theo thể điệu của Đười Ươi Tinh Thể thâm u ẩn tàng, tiếng lời mai mối sang ngang, em huyền thể mật bẽ bàng bủa vây, nhục thân tê tái hao gầy, bởi phường hương nguyện lời đầy đếm đo. Cái chân tâm diệu tưởng thơ mộng của chữ hiếu đã bị những câu chuyện lố bịch đến nỗi trở thành phi nhân bất nghĩa của bọn nho gia đời Hán và sau này bịa đặt thêm thắt vào làm cho tinh mật đổ xiêu, quê hương cố quận tiêu điều máu xương. Cụ thể là chuyện Lão Lai người nước Sở đã 70 tuổi mà cha mẹ còn sống nên vẫn mặc quần áo rằn ri để làm trẻ con cho cha mê vui thích. Một câu chuyện nữa kể rằng có người quá nghèo, chỉ có thể nuôi mẹ khi con còn bú, nhưng khi con thôi bú thì không thể nuôi được nữa, chị phải buộc lòng phải chôn con để khỏi mất phần cơm của mẹ già. Lúc đang đào lỗ chôn con thì lấy được hũ vàng. Đó là trời thưởng đức hiếu. Có thể nói, chính họ đã đánh mất nguyên ngôn, xóa nhòa nguyên nghĩa để người sau không còn vết tích quy hồi suối mộng hồn thơ, lạc vào điên đảo giữa dòng vô minh. Và cũng chính cái ngu hiếu này đã biến con người thành những kẻ giả hình, chuyên môn lợi dụng danh nghĩa chữ hiếu để mưu cầu lợi ích cho riêng mình.


Đến đây, ta có thể thắc mắc, tại sao lại không nói hiếu theo nghĩa trung dung mà lại nói bất hiếu để làm gì? Không khéo lại đẩy con người vào nẻo đoạn trường lưu lạc trăm năm, còn đâu sơ thủy ăn nằm bên hiên.


Có thể xác quyết rằng, ngoại trừ các vị thần thánh tiên phật đã tu tâm dưỡng tánh từ muôn kiếp trước thì hầu hết chúng sinh hữu tình như ta còn phải trả nghiệp rất nhiều. Nghiệp trần đeo đẳng khôn khuôi, trả cho hết kiếp mới vơi cấu trần. Quy luật nhân quả là lẽ tất nhiên của vũ trụ phổ quát. Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó hay gieo gió thì gặp bão mà cha ông ta dạy chính là lẽ tất nhiên đó. Do vậy, cách tốt nhất để trả nợ nghiệp là trầm luân trong bể khổ tơi bời, nhục thân con đỏ chơi vơi giữa dòng, nhục hình nhầy nhụa máu xương, phách hồn tơi tả nẻo đường hoang liêu. Chỉ khi nào trải nghiệm đau khổ cho đến tận cùng, ta mới nếm được hạnh phúc vô biên. Cây tùng cây bách, nó không thể vươn cao nếu rễ của nó không cắm sâu vào lòng đất u tối, bùn lầy, hôi tanh. Cũng thế, ta không thể hiếu thuận với mẹ cha từ tận đáy con tim nếu ta không kinh qua nẻo đường bất hiếu, mất dạy

Dụ ngôn Người Con Hoang Đàng (Lc 15,11-31) của tác giả Lu-ca trong thánh kinh cũng cho thấy rằng, để hiếu thảo với mẹ cha, yêu sách tuyệt đối của con cái chính là bất hiếu, phải bỏ mẹ bỏ cha, phải phá hết gia tài của họ mà ăn chơi trác táng, thì huyền âm mật nghĩa của chữ hiếu mới lung linh hiện về, thành xưa phố cũ hương quê tít mù thị hiện trong sát na giác ngộ thong dong siêu thoát cõi bờ cận lập muôn trùng hạnh phúc đê mê.


Hơn nữa, khi vừa mới lớn, Giêsu theo cha mẹ đi hành lễ ở Giêrusalem và bị thất lạc. Cha mẹ phải mất mấy ngày đêm mới tìm được thì ngài bảo, “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,49). Ngài còn bảo, ai muốn theo ta, hãy từ bỏ cha mẹ mình. Như thế chẳng phải là bất hiếu lắm ru. Nếu Giêsu cứ làm theo cái thói hiếu để tầm thường đoàn lũ của đa số chúng sinh mông muội, liệu ông có thể hoàn thành sứ thiên mệnh của mình không? Hạt giống nếu không thối đi, nó sẽ chẳng sinh nhiều bông hạt. Trong triết học Tây phương, cái từ "thối đi" đó đã được tiên tri Niezstche áp đặt cho cả Thượng Đế trường tồn bất biến theo quan niệm của toàn thể Âu Châu. Ông nói một câu như đá nhá lửa, như sấm sét ổ ngang trời, như sư tử cất tiếng hống vang vọng núi rừng, khiến cho những kẻ giun dế bầy đàn phải cúp đuôi run rủi tháo chạy, “Thượng Đế đã chết.” Thật vậy, Thượng Đế không thể sống nếu Ngài không chết. Hoa xuân không thể nở nếu tuyết đông không thoái tàng ư mật, dung dưỡng khí huyết cho cây đời căng sức đơm hoa. Bình minh không thể ló dạng ban muôn quang sắc cho đời nếu đêm tối âm u lạnh lẽo không bủa vây khắp lối đi về. Đối với Niezstche, cả Thượng Đế mà ông còn giết chết, thì bất hiếu đối với cha mẹ vẫn còn nhẹ tội, chưa đủ công phu để trả nghiệp đời mình đã gây ra.
Nhạc sĩ phản chiến Trịnh Công Sơn, trong sự nghiệp sáng tác của mình đã cảm thấy buồn vì người trẻ con dân nước Việt quá tình cảm đến nỗi họ không dám kết án, buộc tội cha ông. Họ không dám sử dụng tuyệt chiêu của bí kiếm để chém rơi đầu huyền thoại như những khối nam châm phù thủy mà từ bấy lâu nay sợ mình bất hiếu đã làm rêu phong phủ kín trên đời ta. Càng giải thoát quyết liệt khỏi những nỗi sợ hãi đó, ta càng có thêm sức lực trụ vững giữa dòng đời mà vươn lên cao vời trên tật cõi thiên thu, bởi ta chỉ có thể nương nhờ vào chính ta thì mới có thể giải thoát tận cùng. Khi nào ta chưa tự lực, khi ấy ta vẫn còn luân hồi.


Với Kim Dung, chữ hiếu đã được ông triển khai một cách đầy kịch tính trong tác phẩm Tiếu Ngạo Giang Hồ. Có thể nói, cảnh giới của thơ nhạc cầm tiêu hợp tấu bản Tiếu Ngạo chính là biểu tượng của Niết bàn, của cảnh giới thoát tục. Ở đó, ngôn ngữ nhị nguyên không còn cơ hội phá giới mà chỉ còn khoảng khắc dung nhiếp hài hòa giữa các đối cực tương xung tương khắc thành Nhất Thể Thiên Nhiên Tịch Hạp Vô Ngần. Cảnh giới đó được ông mở ra bằng hình ảnh của Khúc Dương, đại diện của tà giáo và Lưu Chính Phong, đại diện cho chính giáo sáng tác bản tiếu ngạo và kết thúc bằng hình ảnh của Lệnh Hồ Xung thuộc chính phái và Nhậm Doanh Doanh thuộc tà phái hợp tấu trên đỉnh Hằng Sơn.
Sự kết hợp bi hùng của Lệnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh đó chỉ có được khi cuộc tử chiến của Nhậm Ngã Hành và Nhạc Bất Quần chấm dứt bằng Độc Cô Cửu kiếm của lãng tử Lệnh Hồ. Xuyên suốt câu chuyện, ta có thể thấy rằng không biết bao lần Thánh Cô và Lệnh Hồ dự định, tính toán rửa tay gác kiếm, rời khỏi giang hồ gió tanh mưa máu để hợp tấu cầm tiêu thì bấy nhiêu lần bị Nhạc Bất Quần, người mà Lệnh Hồ xem như cha đẻ và Nhậm Ngã Hành cha Doanh Doanh cản đường phá lối. Lệnh Hồ Xung đã trọn tình vẹn nghĩa với Nhạc tiên sinh nhiều đến nỗi khiến cho độc giả khó tính cũng phải bực mình.


Quả thật, rút gươm chép đứt huyền thoại là người cha, phản bội truyền thống trung hiếu của tổ tiên không phải là việc dễ dàng. Kim Dung phải đẩy Nhạc Bất Quần, biểu tượng của người cha, người thầy, đến cực điểm của sự nham hiểm, lưu manh, trắng trợn, ghê tởm, ngầy ngật, thối tha, bỉ ổi, thú tính, dã man, hiểm độc thì Lệnh Hồ Xung mới đành ra tay kết liễu tính mạng của hắn. Bao lâu Lệnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh còn trung hiếu, bấy lâu họ không thể hợp tấu được bản Tiếu Ngạo Giang hồ, biểu tượng của giáo thoát, không còn chấp chước lệ thuộc, khổ đau.


Với Đức Phật, cuộc đời của Ngài cũng không thoát khỏi cảnh việc không nghe lời cha. Là vua một nước, ông cũng thái tử là Thích Ca cũng phải học hành giỏi giang để kế vị mình cai quản muôn dân, hưởng thụ nhung gấm bạc vàng. Nhưng Ngài không muốn theo ý cha, rồi một đêm, ngài cùng con ngựa ra khỏi thành đi tìm giải thoát. Giả như Đức Phật cứ giữ chữ hiếu, chăm chỉ ngoan ngoãn nghe lời cha thì làm sao chúng sinh trong sáu nẻo luân hồi được giải thoát nhờ lời dạy của ngài.
Sau này, Thiền tông, nhất là thiền Nam Đốn đều thừa hưởng dũng khí của Đức Phật mà độ muôn người về bến giác. Ngay như Đức Phật, đấng mà chư thiên phải giải hoa cúng giường thì các thiền sư hô lên rằng: “Phùng Phật sát phật, phùng Tổ sát Tổ.” Như thế, hiếu kính với cha mẹ chỉ còn là chuyện trẻ con, không đáng bàn, thậm chí các ngài cũng chẳng thèm quan tâm đến việc hiếu hay không hiếu, vì hiếu cũng là không hiếu và không hiếu cũng là hiếu đấy thôi.


Với Long Thọ, ta có thể khẳng định rằng, chỉ cần thấu triệt được một phần học thuyết của ông, đặc biệt là Nhị Đế, ta sẽ vượt thoát được rất nhiều những ảo tưởng điệp trùng bủa vây nhân loại con người toàn là những thứ đười ươi hoang tàn. Nhị đế có hai phần, Tục đế có nghĩa là chân lý thường nghiệm của cuộc sống hằng ngày có thể suy diễn và phát biểu bằng ngôn ngữ và lý luận do tập quán và công ước quy định. Ngược lại, chân đế là chân lý tối thượng bất khả tư nghị, bất khả thuyết, và vô vi.” Áp dụng vào chữ hiếu, ta có thể thấy rằng nguyên nghĩa của chữ hiếu đã được các vị thánh hiền xa xưa khai mở chính là Chân đế. Trải qua thời gian, ý nghĩa đạm nhiên như nhiên năm nào đã bị xuyên tạc, bóp méo, vo tròn bởi con người vô minh, nên chữ hiếu mất đi ý nghĩa Chân đế và mặc nhiên nó chỉ còn là Tục đế. Cho nên, để khai mở lại nguyên ngôn và nhất là để cho chữ hiếu được là chữ hiếu, ta chỉ có thể phá đổ bức tường vô minh che mờ con mắt cận thị bằng cách đi ngược trở về suối nguồn.


Nói cách khác, ta phải cày xới lật ngược lớp rêu phong ngàn năm vây bủa tinh thể thiêng liêng thanh tịnh vô ngần hầu khai lộ tóc tơ tồn thể em thúy trinh nguyên chiếu diệu quang minh đi về cởi áo phong sương, trút quần phong nhụy cho thi nhiên về. Giống như việc tháo sợi dây thắt nhiều nút chồng lên nhau, ta phải khởi đầu từ nút vừa mới thắt xong và lần ngược trở lại cho đến nút thắt đầu tiên, nếu không, ta chẳng bao giờ trả lại sợi dây như cũ. Như thế, bất hiếu chính là việc mở cái nút thắt cuối cùng để rồi đi ngược đến nút thắt đầu tiên. Đó cũng chính là quy luật có ra đi ta mới trở về, cái cốt lõi vẫn chính là việc ra đi, chứ không phải chọn lựa cái tốt hay hay cái xấu. Vì dù có biện phân tốt xấu mà không ra đi gánh vác chịu đựng nghiệp đời, con người không thể thoát khỏi bến tục bờ mê. Cứ đi đi, xấu tốt không màng, ngàn vô lượng kiếp thế nào ta cũng tìm được nẻo về quận cố hương quê.


Huyền ngôn mật nghĩa của bất hiếu chính là phản phục quy hồi chữ hiếu cho nó trở về bến bờ tịch hạp trong ngần, trăng non đầu suối bâng khuâng hẹn thề. Bất hiếu chính là đập phá thành quách rêu phong, bất hiếu chính là thi triển tuyệt chiêu để hạ thủ huyền thoại, để cho tinh anh thâm mật của chữ hiếu thị hiện, xuất hoạt ra sừng sững như nó đã từng hoát nhiên tẩy sạch cấu trần, dong chơi mây núi non ngàn biển khơi. Những người như thế, có lẽ cả đời họ không xây dựng được gì, suốt đời họ chỉ đập phá những tấm bình phong giả dối phủ kín tâm hồn hầu vén mở khai quang những điện đài hoằng viễn thâm sâu ẩn mật u huyền hằng đại của tâm linh. Ấy là nói theo điệu gàn dở, chứ thật ra thế nào là xây dựng? Có cuộc xây dựng nào mà không đào đất đập tường không? Bùi Giáng viết : “Cổ kim có một cuộc tích cực xây dựng nào nhiều ý nghĩa cho bằng cuộc "phá hoại" vũ bão kia không?”


Tóm lại, đã đến lúc chúng ta cần phải trở về Chân đế của chữ hiếu, cụ thể là cần phải xét lại tất cả những nghi thức ma chay cưới hỏi, nhất là trong những dịp lễ tết mà người ta thường hay dán lên những chữ như phong tục, truyền thống để bắt người khác phải làm những nghi thức mà chính bản thân họ cũng không hiểu rõ nguồn gốc và ý nghĩa của nó. Vấn đề này không thể gói gọn trong vài trang viết. Tuy nhiên, người viết cũng thử nêu ra một vài nghi vấn trong ma chay và lễ tết, nếu có điều gì không phải, xin các bậc cao minh tận tình chỉ giáo.


Về ma chay, người ta quan niệm rằng một người con hiếu thảo là phải tổ chức ma chay cho cha mẹ càng hoành tráng bao nhiêu càng tỏ ra mình có hiếu bấy nhiêu. Chính vì thế, dù có khó khăn cách mấy họ cũng phải mướn cho được đội kèn đồng, người khóc mướn, quan tài hạng nhất, tiền mã 100 đôla… Đám nào sang hơn nữa thì mời ca sĩ có tiếng về hát những bài tình ca ướt át về cha mẹ. Còn con cái phải đeo tang, phải khóc lóc rên rỉ, đám nào càng nhiều vòng hoa càng cho thấy giá trị của người chết. Những gia đình có tôn giáo thì lo mời cha cụ, thầy chùa về làm lễ, cúng bái, càng có nhiều cha cụ, thầy bà… nhà đó càng tỏ ra là nhà có phúc đức. Thành ra, thiên hạ đua nhau tổ chức đám tang với danh nghĩa là yêu thương, hiếu thảo với cha mẹ. Thậm chí, có đám còn mổ heo giết gà ăn uống linh đình như chưa bao giờ được ăn…


Đối chiếu với những phong tục trên với Tử Thư Tây Tạng, một tác phẩm nói về thế giới của người cận tử y như các nhà khoa học không gian viết về các dải thiên hà xa xăm, ta thấy có rất nhiều điểm trái ngược hoàn toàn với những cái mà ta cho là phong tục, truyền thống của chúng ta.
Với người Tây Tạng, họ không ăn mừng ngày sinh ra mà lại ăn mừng ngày qua đời. Khi nhà có người thân qua đời, họ không được khóc, không mướn kèn trống hát hò inh ỏi, không giết gà mổ heo, cũng chẳng quan tài sang trọng, càng không vòng hoa phúng điếu. Nhưng họ chỉ mời các Lạt Ma về, các vị này sẽ giúp cho thần thức (Thân Trung Ấm) tái sinh vào các thế giới cao hơn bằng cách mời gọi thần thức người mới qua đời tịnh tâm, an định, không được khiếp sợ, cũng không tham lam luyến tiếc tất cả những ánh sáng cũng những hình ảnh ghê rợn hay an lạc hiện ra trước mắt. Các Lạt Ma kêu gọi thần thức hãy ý thức rằng, tất cả các cảnh giới đó đều do tâm vọng tưởng của họ tạo ra, chẳng có gì là thật sự hết. Cho nên, đừng sợ sệt, cũng đừng ham muốn, hãy cố gắng bình tĩnh niệm hồng danh Đức Phật hay Quan Thế Âm Bồ Tát hay câu thần chú Om Mani Padme Hum.


Tuy nhiên, trong khoảng khắc đó, thần thức người chết hoang mang lo sợ vô cùng, nên họ rất khó bình tĩnh làm những việc như niệm hồng danh Đức Phật nếu như việc đó không được họ thực tập thành phản xạ tự nhiên trong cuộc sống. Chính vì thế, người sống chúng ta phải biết cách giúp cách giúp họ an âm bình tĩnh, tức là cố làm sao đừng để cho thần thức người chết tức giận, nhớ thương, tiếc nuối cảnh sống trong gia đình. Cụ thể là nếu con cái tranh chấp gia tài đất đai thì người chết sẽ vô cùng buồn bã, còn nếu khóc lóc rên rỉ thì sẽ làm cho người chết luyến tiếc vô cùng, không thể tái sinh vào cảnh giới cao hơn. Nên các vị Lạt Ma nói với với thần thức rằng, mày đã chết rồi, đừng có quay về đây nữa, vợ/chồng mày đã được gả cho người khác, con cái mày đi xa hết rồi, cả cái nhà cũng bị phá bỏ luôn, mày chẳng còn gì đâu, ngay cả cái xác thân mày cũng đem cho quạ ăn… Tất cả những việc làm như thế, nếu nhìn bên ngoài, ta sẽ cho là bất hiếu, nhưng đối với những người đã xuất hồn đi vào cảnh giới đó, họ biết rõ họ đang làm gì và làm cách nào để độ thoát chúng sinh.
Thêm vào đó, trong các ngày giỗ như sau 7 ngày, rồi sau 49 ngày, là những dịp mà người chết thường hay trở về, nên con cái phải tụ họp để cầu nguyện cho người chết và tuyệt đối không được giết heo mổ gà để cúng kiếng trong những ngày đó.


Về lễ tết, thói thường chúng ta hay chúc nhau bằng những câu xáo rỗng như sống lâu trăm tuổi, an khang, phú quý, mạnh khẻo, cát tường, thịnh vượng, con cháu đầy đàn… người có đạo thì xin Chúa ban cho ông bà cô bác anh chị được dồi dào sức khỏe, ăn nên làm ra… Dĩ nhiên, nếu những câu nói đó được khởi đi từ cái tâm rỗng không vô ngại tràn đầy từ bi hỷ xả thì còn gì tốt cho bằng. Nhưng lẽ đời thường lại trái ngang, người có cái tâm vô ngại đó thì lại chẳng bao giờ nói, còn người hẹp hòi, chấp trước thì lại hay chót lưỡi đầu môi. Để phá chấp những thói giả hình đó, một thiền sư chúc tết người bạn như sau: “Tôi chúc cho gia đình ông sang năm mới ông cụ chết trước, ông nội ngoại chết sau, kết đến là bố mẹ ông chết, sau đó là ông và sau đó nữa là con cái, cháu chắt ông lần lượt chết hết…” Người bạn ông tỏ vẻ không đồng ý, “Ngày tết ngày nhất sao ông chúc gì kỳ vậy?” Thiền sư đáp, “Chẳng phải ai cũng chết sao, người sinh trước thì chết trước, người sinh sau thì chết sau chẳng phải là hạnh phúc sao? Ông đã hiểu cái cảnh cha khóc con, bà khóc cháu chưa?” Người bạn chỉ còn biết âm thầm thán phục thiền sư.
Tản mạn về chữ hiếu trong những ngày cuối năm Mậu Tý, nếu có gì quá đáng, xin được cùng nhau bàn luận.
© 2009 Đàn Chim Việt Online

No comments:

Post a Comment