Tuesday, August 4, 2009

Chuyện Ngăn Trên Những Con Tàu & bài hát
Chuyến tàu Hoàng Hôn - Tâm Đoan
.
Trên những con tàu
Nguyễn Chí Kham
***
Hạnh phúc, có lẽ chỉ thấy ở những nhà ga.
(Paul Morand)

Nhà văn Nguyễn Tuân là một người ưa thích sự xê dịch. Ði, với ông là hạnh phúc. Ðọc văn ông, mỗi trang tùy bút là một chuyến đi. Về bài Phở của ông có thể nói, đấy là cả một hành trình của dân tộc Việt. Phở, nguyên chất dành cho Hà Nội, rồi đưa vào miền Nam theo cuộc di cư 1954, sau cùng từ Sài Gòn phải bay qua Mỹ vì biến cố Tháng Tư Ðen 75.

Thời tiền chiến, Nguyễn Tuân có viết một cuốn tiểu thuyết tựa ban đầu là Thèm Ði, sau đổi là Thiếu Quê Hương. Nhân vật chính trong truyện tên Bạch. Anh chàng này mang một căn bệnh thèm đi. Ði, cần được ra khỏi nhà, cần một lần cất bước, và hoàn toàn không hề có một chủ đích. Khi không thể còn xê dịch nữa, lòng anh ta nhớ. Mỗi sáng, mỗi chiều Bạch tìm đến nhà ga, hay ra ngồi trước bến Cảng đưa mắt nhìn những cột khói, những bóng dáng con tàu vừa cập bến, những con tàu sắp nhổ neo. Và, mỗi ngày như vậy, hạnh phúc của anh là được nhớ lại biết bao nhiêu chuyến đi của mình. Anh đã từng đi, từng sống qua một thời tuổi trẻ lang bạt, đời anh, gắn liền với tẩu thuốc, với chiếc va li, trên chiếc va li của anh in dấu tên những con tàu, tên những hải cảng, tên những địa danh ở xứ người. Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan viết bộ Nhà Văn Hiện Ðại 5 cuốn, dày hơn một ngàn trang. Trong bộ sách này về Nguyễn Tuân ông đánh giá là một người viết tùy bút tài hoa, một nhà văn có giọng khinh bạc đệ nhất trong văn giới.

Tôi không dám tự ví mình như là nhân vật của Nguyễn Tuân, nhưng xét ra, về đi, tôi rất thèm và đời cũng đã cho tôi nhiều chuyến đi bằng đủ các phương tiện máy bay, tàu thủy, đường bộ, và xe lửa. Trong những phương tiện kể trên, tôi có nhiều kỷ niệm về những chuyến đi bằng xe lửa, và hầu như luôn cảm thấy vang vọng lên trong tâm hồn những hồi còi dài ngắn, vừa lạnh lẽo, trơ trọi, vừa đầm ấm, bao dung, đó là cả một phần của đời của tôi trong sự ràng buộc thân thương và quyến luyến.

Cuối Hè 1953, gia đình tôi rời Ðông Hà vào Quảng Trị. Mới đầu, chúng tôi ở nhà thuê gần sân vận động thị xã. Quanh khu vực này, hai ngày cuối tuần rất ồn ào, vui nhộn với đông khán giả đến xem những trận đá bóng giữa đội tỉnh nhà và lính Tây, đôi khi, có một vài đội khách ở Huế, Quảng Ngãi, Ðà Nẵng ra đấu giao hữu.

Nhà ga Quảng Trị nằm gần quốc lộ I. Quanh vùng còn những núi đồi, rừng hoang, thỉnh thoảng có thú dữ xuất hiện, và đất trống cũng trải rộng nhiều nơi, nhà ở rất thưa, hẻo lánh, mỗi ngày chỉ có hai chuyến tàu đến ga, buổi sáng sớm là tàu đi vào Nam, buổi chiều là từ miền Nam ra Bắc, và khi tàu ngừng đỗ hành khách xuống cũng chẳng có bao nhiêu người đi xa về. Thường, hành khách trong tỉnh tôi là học sinh, giáo viên, công chức , rất ít người đi buôn hàng hóa. Sau giờ tàu đi và đến, nhà ga trở lại vắng yên, chờ đợi ngày hôm sau khi thấy con tàu xuất hiện. Về đêm, có lúc nghe tiếng còi tàu vang vọng tưởng như như đấy là nỗi buồn từ đâu mang đến. Không, đấy là một chuyến tàu, do đường sá bị hư sửa chữa đã về tới ga trễ muộn.

Trưởng ga Quảng Trị là bác Trương Ðình Thám. Bác là bạn thân với ba tôi. Những năm còn ở Ðông Hà, mỗi lần vào Quảng Trị công tác, ba tôi thường đi tàu, lúc xuống ga luôn ghé chuyện trò với bác khá lâu sau đó mới đi công việc của mình.

Khi gia đình tôi rời Ðông Hà dọn vào Quảng Trị, ba mẹ tôi lên thăm bác, rồi để gợi ý cho gia đình hai bên gần nhau, bác chỉ cho ba tôi những khoảng đất còn để trống của nhà ga, nhờ đó, ba mẹ tôi quyết định lên đây làm nhà ở. Với một diện tích đất rộng rãi, gia đình tôi có một căn nhà chính ba gian và một nhà phụ ngăn làm làm hai phòng. Nhà xây tạp lô chắc chắn, nhưng lợp bằng mái tôn. Sân trước rộng, có thể chơi đánh vũ cầu, bóng chuyền. Hàng rào vừa gỗ, vừa kẽm gai, bên lối cổng vào có trồng cây để lấy bóng mát. Phía sau, là vườn trồng rau cải, vài loại cây lưu niên và đào một cái ao lớn nuôi cá phi. Con đường từ trung tâm thành phố lên ga đi ngang qua nhà tôi, bên kia đường, qua khỏi bãi đất trống là tháp nước, mỗi ngày các chuyến tàu đi hay đến đều ngừng lại trong mười phút để lấy nước, sau đó tiếp tục chuyến đi.

Năm 1954, đất nước bị chia đôi lấy cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải làm giới tuyến. Tỉnh Quảng Trị cũng bị chia đất, hai quận Gio Linh, Vĩnh Linh, biển Cửa Tùng thuộc miền Bắc còn từ quận Trung Lương vào đến Ðông Hà, rồi tỉnh lỵ và nối theo quốc lộ I qua mỗi tỉnh miền Trung vào tới Sài Gòn, xuống vùng đồng bằng sông Cửu Long là của chính phủ miền Nam.

Không khí chiến tranh và hòa bình gây nên những cảm giác xáo trộn về một đất nước ở trong tình cảnh hoang mang, đi không nỡ rời, ở lại chẳng cảm thấy yên ổn. Quảng Trị là nơi dựng trại tiếp cư đầu tiên. Sau Quảng Trị đến Ðà Nẵng, Nha Trang, rồi Sài Gòn. Mỗi ngày, sáng cũng như trưa chiều tối những đoàn xe nhà binh chở đầy người di cư đến đỗ tại sân vận động thị xã. Trên đường phố căng nhiều biểu ngữ, không chỉ riêng cờ quốc gia mà còn có cờ đỏ sao vàng trên những chiếc xe Molotova, vừa chạy, vừa cất tiếng loa kêu gọi đồng bào bỏ miền Nam ra Bắc sinh sống. Ở nhà ga, trước đây mỗi ngày chỉ có hai chuyến tàu, nay được tăng cường nhiều chuyến nữa. Những tiếng còi tàu vang lên trong chuyến đi buổi sáng, đến trưa có chuyến khác về, rồi buổi chiều và qua đêm vẫn còn những chuyến khác nữa đến ga. Người di cư mỗi ngày vào một đông, do vậy, kế hoạch dân cư của tỉnh mở rộng ra vùng ngoại ô. Từ đó, vùng đất phía nhà ga không còn vắng vẻ nữa, trở thành một nơi như thị tứ phát triển với số dân đông, nhiều nhà ở và có đời sống sinh hoạt khá nhộn nhịp. Những con đường đi lên vùng núi cũng được khai phá, mở rộng, mà quan yếu hơn cả là con đường hành hương dành cho giáo dân lên viếng thánh địa La Vang, nơi có ngôi nhà thờ tọa lạc giữa một khu rừng yên tĩnh.

Những ngày nghỉ học, tôi thường hay lên ga chơi bắn bi, đánh khăng, hoặc xem người lớn đánh bun. Những người lớn chơi bun, họ đánh ăn tiền, người đứng chung quanh xem đông, hồi hộp theo dõi những trái bun lúc lăn chậm tới gò sát hòn reng, lúc được nhắm bắn chính xác để điền vào chỗ bắn trái bun của đối thủ... Ðó là giờ khắc buổi chiều, lúc chẳng còn tàu nào đến ga nữa. Vào hai ngày cuối tuần thường có lính, và sĩ quan nữa từ trại lính của Sư đoàn 16 đóng trên đồi xuống tụ tập chơi đánh bun với đám công nhân nhà ga. Có khá nhiều quán hàng ăn và giải khát, ồn ào với đám lính tráng, và thường đông khách vào buổi trưa chiều khi tàu về đến ga.

Năm sau, tôi lên trung học. Năm đầu tiên này tôi được dự kỳ trại hè học sinh ở Cửa Ðại. Từ Quảng Trị, chúng tôi vào Huế ở lại một ngày, rồi cùng đoàn Huế vào Ðà Nẵng và đến Hội An. Tới Hội An, chúng tôi được đoàn học sinh Trần Quí Cáp đón tiếp, rồi ngay sau đó lên xe đi Cửa Ðại. Hội An cách Cửa Ðại chừng 5 cây số. Thời kỳ đó, đường đi còn vắng, hai bên đường hẳn còn nhà dân cư ở. Tới gặp sông Thu Bồn, vì chưa có cầu nên chúng tôi qua phà.

Khu trại hè dành cho các đoàn học sinh miền Trung là những căn nhà lợp tranh, thoáng đãng, mát mẻ. Từ nơi đó, đi ra biển khoảng một cây số. Biển Cửa Ðại đẹp trong vẻ hoang sơ, thích nhất là bãi cát bằng phẳng nên tới đây, từng nhóm chúng tôi chia phe đá bóng một hồi lâu mới ào xuống biển tắm.

Tuy chỉ có hai tuần lễ, nhưng chương trình Hè thật vui sống, bổ ích, tạo mối tương thân giữa các bạn học trò. Sau hai giờ ra biển tắm mỗi buổi sáng, về trại, chúng tôi được tự do nghỉ ngơi. Ngoài sân chơi, một số anh lớn đánh bóng chuyền, trong nhà, chia từng nhóm chuyện trò, chơi cờ tướng, domino. Trưa, chiều là giờ ăn. Bữa nào chúng tôi cũng được ăn cá biển tươi, béo ngọt. Tối đến, tất cả trại ra ngoài sân cát ngồi vòng tròn dự sinh hoạt văn nghệ. Có đàn ghi ta, đàn mandoline, trống nhịp. Sinh hoạt luôn có nhiều tiết mục văn nghệ và văn hóa. Mở đầu, các thầy hướng dẫn cho chúng tôi một bài nói chuyện ngắn về những nét đẹp của quê hương, đất nước. Sau đó, vị thầy nhường lại cho các đoàn học sinh với chương trình sinh hoạt trong hai giờ. Những tiếng hát, những câu chuyện kể vui, những màn kịch ngắn, mỗi buổi sinh hoạt là cả một buổi học thú vị và đêm nào cũng chúng tôi ngủ ngon giấc.

Mai sau dù có bao giờ

Nhà thơ Nguyễn Du sống mãi với truyện Kiều, còn tuổi học sinh chúng tôi chỉ có sự hồn nhiên. Hai tuần lễ của kỳ trại hè mới đó, buổi đầu bên nhau thân thiết, giờ lại chia tay. Ngày mai, Cửa Ðại sẽ vắng, sẽ đợi chờ. Tối hôm cuối cùng, một buổi văn nghệ rất đặc sắc và hết sức cảm động. Tôi nhớ và thuộc bài hát Khúc Ca Ngày Mùa của nhạc sĩ Lam Phương được anh T. học sinh Trần Quí Cáp trong bộ áo bà ba nâu, vừa đánh đàn mandoline vừa hát rất hay. Tiếng hát của anh, những ngày mùa đang phơi phới, dào dạt. Tiếng hát của anh, mùa lúa đã chín vàng. Và tiếng anh hát cũng rất nhịp nhàng theo tiếng đàn trải rộng khắp cả những vùng quê xa xôi trong những ngày tháng thanh bình. Tan buổi sinh hoạt, chúng tôi về trại nghỉ. Ðêm ấy, ai cũng thức khuya chuyện trò. Và, có những người bạn cứ thao thức, không phải vì không ngủ được mà thao thức để được nhớ kỷ niệm, nhớ bạn bè cho trọn hết đêm.

Ngày hôm sau, buổi sáng sớm đã lên đường. Khi chúng tôi lên xe rời trại, kỷ niệm chúng tôi hòa âm trong tiếng hát và nhịp vỗ tay. Ðoàn xe sau khi qua phà, về tới Hội An xe chạy quanh một vòng trên những con đường trong thị xã để cho chúng tôi được nhìn thành phố nhỏ bé, cổ kính, là nơi chốn thân thương mình vừa đến cách đây hai tuần, giờ xin được gởi lời chia tay.

Về tới ga Ðà Nẵng, trời đã gần trưa. Ðoàn học sinh Huế và Ðà Nẵng chúng tôi được phát bánh mì, mỗi em học sinh còn được lãnh 20 đồng để ăn quà. Ðoàn học sinh Huế-Quảng Trị cùng đi chung trên ba toa tàu. Tàu chưa rời ga, các bạn học sinh Ðà Nẵng và Hội An còn đứng bên chúng tôi vui trò chuyện, trong ánh mắt luôn giữ lấy niềm tin cậy, luôn thay cho lời hẹn một ngày nào đó gặp lại nhau.

Rồi đến giờ tàu chuẩn bị khởi hành. Trên toa xe, chúng tồi ngồi sát bên nhau nhìn xuống ga, ai cũng chen lấn lò đầu ra cửa toa để được gặp những bạn học sinh còn đứng ở dưới với từng cái bắt tay còn giữ chặt chưa muốn rời. Mỗi điều lặp lại trong phút giây tạm biệt là một tình cảm mới mẻ, xúc động, và thân thương. Mỗi một nụ cười, mỗi cái vẫy tay còn nuối tiếc là hạnh phúc.

Tiếng xíp lê ré lên, rồi con tàu từ từ chuyển bánh. Những giọt nước mắt bỗng rực sáng lên, lóng lánh. Những cánh tay đưa ra xa như hình ảnh những cánh chim hợp đoàn lúc bay, vậy mà cũng không đủ sức níu kéo lại đoàn tàu đang lăn bánh trọn vòng. Lần cuối, đoàn toàn lướt qua mái hiên nhà ga, ở nơi đó, những người bạn học sinh chúng tôi còn đứng lại nhìn theo chúng tôi, bên nhau, cùng cất tiếng hát hợp ca bài Học Sinh Hành Khúc.

Ðà Nẵng-Huế xa cách gần 100 cây số. Ra khỏi địa phận ga Ðà Nẵng, tàu mở tốc độ đường trường, đến ga Liên Chiểu dừng lại khoảng mười phút, và từ ga này, cả đoàn tàu chuẩn bị qua đèo Hải Vân. Ngồi bên cửa toa chúng tôi vui thích được nhìn ngắm cảnh vật, chuyện trò cùng với hoa lá, cỏ cây đang gợi ý, sinh tình trong niềm vui, hạnh phúc của mình. Luôn luôn, trước mắt chúng tôi cảnh vật đều mới, đều lạ, muốn được khám phá. Lần đầu tiên được đi xa, lòng tôi hết sức vui sướng. Sự sung sướng cho tôi nhiều ý tưởng, dành dụm cất lại đó để có dịp viết một bài luận cho tâm hồn tả một chuyến đi bằng xe lửa. Ở Quảng Trị, tôi chỉ đi xe lửa ra đến Ðông Hà để từ thị trấn xuống đò dọc về quê ngoại. Vì Quảng Trị, Ðông Hà là quê hương ruột thịt, nên cảnh vật nhìn thấy hàng ngày đã quen, không làm tôi háo hức như bây giờ. Tàu tiến qua từng đoạn đường, và bây giờ, chúng tôi nhìn thấy biển, nhìn thấy núi, những quãng dốc đèo bên trên xe hàng đang chạy. Tàu lửa chui qua đường hầm tối om, trong toa có vài ngọn đèn nhưng không đủ chiếu sáng. Tôi bị ngộp thở, lên cơn ho sặc sụa, sau đó mau chóng bình thường trở lại khi tàu ra khỏi đường hầm đầu tiên dài nhất, đó là Hầm Sen. Ðèo Hải Vân dài 24 cây số, qua hết những đường hầm, những đoạn đèo thời gian tàu chạy gần bốn mươi lăm phút. Lên đèo, đoàn tàu có đầu máy phụ đằng sau nay đẩy tới. Xuống đèo, đầu máy phụ gỡ ra, và bắt đầu chạy tốc độ nhanh hơn. Hết địa phận đèo, tàu đến dừng ở ga Lăng Cô. Từ ga này ra đến Huế thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên. Sau ga Lăng Cô, tàu lại ngừng ở các ga nhỏ, mỗi ga cách nhau chừng năm, hoặc mười cây số. Tôi đọc được tên các ga, Thừa Lưu, Nước Ngọt, Cầu Hai, Chuồi, rồi An Cựu, và đến Huế , đoàn học sinh ở đây xuống chia tay với anh em chúng tôi.

Về tới Quảng Trị, chúng tôi kết thúc chuyến đi với sáu giờ ngồi trên xe lửa. Thật là vui vẻ khi về đến quê nhà. Trong mỗi chúng tôi, chưa hẳn có bạn nào cảm nhận sự trở về ngay chốn cũ phút giây đầu tiên khi xuống tàu mà như trong lòng còn vương vấn vì bao cảnh lạ đường xa chưa rời khỏi tâm trí.

Năm học lại đến vào một ngày đầu thu gió se lạnh, lá vàng rơi. Quảng Trị, nơi đây là thành phố yêu dấu của một quê hương, tôi đã sinh ra, lớn lên sống trọn cả một phần đời tuổi niên thiếu. Tôi muốn ghi lại điều suy nghĩ này trong nỗi mang mang một lời tâm sự.

Năm 1960, ba tôi bị thuyên chuyển vào miền Nam, nhiệm sở là Ty Giáo Dục tỉnh Phước Thành nằm cạnh chiến khu D. Năm đó, tôi đang nghỉ hè ở Nha Trang. Ðang chuẩn bị trở về Quảng Trị, bất ngờ tối hôm đó lơ mơ ngủ nghe tiếng gọi tên chợt giật mình thức giấc. Và, ngày hôm sau buổi tối tôi theo ba tôi lên tàu ở ga Nha Trang vào Sài Gòn. Lần đầu tiên, được nhìn thấy thủ đô Sài Gòn, tôi ngơ ngác không dám tin là mình đã thực sự được đến đây. Lòng tôi nôn nao, háo hức vô chừng. Vừa nghĩ đến hoàn cảnh ba tôi, nhưng tôi cũng đợi mong được xem những trận cầu quốc tế của những đội bóng tên tuổi thủ đô đá trên sân Tao Ðàn.

Ba tôi và tôi ở nhà người cậu lớn một tháng, sau đó, tôi được gởi lên Ðà Lạt ở học với người cậu út. Sài Gòn, thành phố đã cho tôi những ngày vui mới lạ về một thủ đô rộng lớn, nhà cửa cao rộng, đường sá thênh thang, và nơi nào cũng có nhiều cột đèn, nhiều cây cối.

Tôi lên Ðà Lạt bằng xe đò. Tới đây, buổi chiều trời mưa làm tôi cảm thấy sự xa lạ nơi mình, nơi đôi mắt ngước nhìn những dãy phố, những ngôi nhà, những ngọn đồi, cánh rừng, tất cả mang vẻ một màu xám lạnh trong mưa và sương mù. Nhưng, những ngày sau đó, tôi lại thấy một Ðà lạt với thời tiết ấm áp, thấy Ðà Lạt sang trọng, có những khách sạn, những ngôi nhà trên các ngọn đồi, hoa anh đào, những con phố bên triền dốc rất là thơ mộng.

Trường Việt Anh nằm đầu đường Hải Thượng. Trường này, người cậu tôi làm hiệu trưởng. Nối với Hải Thượng là đường Calmette, hai bên con đường này là đồi thông dẫn lên khu bệnh viện với ánh sáng hồng tươi của một tòa nhà ngói đỏ nằm ở trong khu rừng rất đẹp như cảnh in trong tranh. Tôi bắt đầu vào năm học lớp Ðệ Tứ. Căn gác lưu học sinh, ngoài tôi ra, có mấy bạn từ Sài Gòn lên ở chung.

Tết năm đầu, tôi về Sài Gòn bằng một chuyến xe lửa khởi hành vào đầu buổi chiều. Nhà ga Ðà Lạt nằm gần Hồ Than Thở. Nhà ga có một kiến trúc mới lạ, rất nhiều nét giống những nhà ga ở Âu Châu thường được trông thấy trong cảnh phim. Về sau, tôi hay liên tưởng khung cảnh nhà ga Moscou, đến một đoạn trong tiểu thuyết Anna Karénine của nhà văn Léon Tolstoi tả cuộc gặp gỡ của thiếu phụ Anna và chàng sĩ quan Vronski.

Ðoàn tàu rời ga, nhẹ lướt trong sương mù buổi chiều. Tôi tự gán cho mình là kẻ lãng tử. Và, tôi cũng thấy rằng đi tàu có được cái thú ngắm cảnh. Tàu lửa chạy tốc độ không nhanh, nên tầm mắt mình vừa có thì giờ quan sát cảnh vật, vừa cảm nhận ngay mỗi ý tưởng chợt xuất hiện trong mắt nhìn của mình. Ngồi bên cửa toa, hình ảnh đoàn tàu cho tôi những kỷ niệm rất thân thương, không chỉ với Ðà Lạt thôi mà tôi còn phiêu lưu đến những nơi chốn khác, và lúc này, tôi chợt thèm đọc, sáng tác nên vài câu câu thơ, trước cảnh trí ngọn đồi, tiếng thông reo, thung lũng êm đềm bên kia chìm lặng trong lớp sương mù dày kín. Tàu đi qua Trại Mát, Trại Hầm, bắt đầu chậm lại trên những đoạn đường răng cưa khúc khuỷu rồi đến ga Dran, rời ga, tàu chạy qua đường hầm dưới đèo Ngoạn Mục. Tới ga Kron Pha, là hết đoạn đường răng cưa qua núi, qua đèo, bắt đầu xuống vùng duyên hải tàu tăng độ đường đường trường, từ đây, những tiếng còi nao nức dội lên vọng xa về thị trấn. Tàu đã về tới ga Tháp Chàm đúng mười giờ đêm. Hành khách cùng hành lý, tất cả đều xuống ga để đợi đổi tàu. Về Sài Gòn, bạn phải đợi chuyến tàu từ ngoài miền Trung vào. Ra Nha Trang, Ðà Nẵng, hay Huế thì bạn chờ chuyến tàu từ Sài Gòn ra. Nghỉ lại ở ga Phan Rang một giờ đợi tàu, tôi tản bộ một mình, giữa đêm khuya trong vùng đèn sáng của nhà ga ở đây muốn dành cho hành khách bếp lửa ấm áp, những quán hàng ăn đơn sơ, thân tình, những cảnh nghèo cảm động từ các chị, các cô gái, các em nhỏ bán quà rong đây đó cất lên những tiếng rao mời mọc khách. Khi mỗi chặng dừng ở nhà ga con tàu vừa đến, khi một sự đợi chờ tai cố lắng nghe vẳng vọng tiếng còi tàu, thì nhà ga, không chỉ là một khung cảnh bình thường, quen thuộc, mà nó là nơi chốn gặp nhau giữa bao nhiêu trăm ngàn kẻ xa lạ, giữa một sự đời muôn nẻo. Tôi ghé vào quán hàng bún, ăn một bữa no, ngon miệng. Tàu chưa đến, thế nhưng, tôi lại vui, cái vui của sự đợi chờ mà biết chắc rằng đêm nay, tàu sẽ đến. Từ buổi chiều rời ga Ðà Lạt, và lúc này ngồi đây bên quán hàng ăn đông người, hạnh phúc của tôi là hương vị ấm sau bữa ăn, là một nhà ga mình vừa tới, và vì chưa nghĩ được thêm điều gì mới tôi xin đốt điếu thuốc để gợi thèm chút phong sương, lãng mạn, về đây khách lữ thứ, về đây em cho tôi một mối tình. Như vậy, sau chuyến đi này, tôi sẽ lớn lên.

Tôi ở Ðà Lạt hai năm, rồi trở ra Huế, vì ba tôi xin được thuyên chuyển về lại ngoài đó gần nhà. Khi soạn các thứ vào va li, tôi không quên tập lưu bút. Trong tập lưu bút này, những trang viết đầu tiên là các bạn lưu học sinh cùng phòng. Rồi, đến các bạn cùng lớp. Mỗi bạn cho tôi vài ý nghĩ về tuổi hoa niên thật dễ thương, vừa bay bổng tìm cuộc đời. Cuốn lưu bút dày kín hết các trang như một cuốn sách. Ðể nhớ một mùa hè từ giã, nhớ tình bạn học trò, nhớ một thành phố lãng mạn của thời niên thiếu, tôi viết hoa vào tờ giấy nhỏ dán lên ngoài bìa với tựa: Cuốn sách của những người bạn tôi.

Buổi chiều ấy, ra đi. Tôi đứng lại bên ngã ba đón chuyến xe lam lên nhà ga. Khi xe chạy qua những con phố, qua các đoạn đường dốc, tôi cứ đưa mắt nhìn lại Ðà Lạt một lần cuối cùng. Trong tôi, bóng dáng một con tàu đang chờ đợi. Trong tôi, tên một thành phố, biết bao nhiêu rừng thông, bao nhiều ngọn đồi, những mái nhà ngói đỏ, những khu vườn trồng hoa đã có lúc làm tôi ngỡ rằng đó là tên của thiếu nữ. Thế nhưng, tôi chưa có người yêu để hẹn hò, để nói những lời từ biệt.

Tôi rời Ðà Lạt, nhớ đến hai câu thơ của thi sĩ Phạm Công Thiện:

Mưa chiều Thứ Bảy tôi về muộn
Cây khế đồi cao trổ hết bông

Trước 75, đường xe lửa xuyên Việt chỉ hoạt động trong thời Ðệ Nhất Cộng Hòa, sau biến cố đảo chánh 1963 thì gián đoạn. Không còn tàu chạy suốt đêm. Chỉ có những chuyến tàu chợ ngắn đường. Rồi đến lúc cuộc chiến miền Nam bộc phát dữ dội, đường xe lửa ngưng hẳn, chỉ có đường máy bay là an toàn, đường bộ thì cũng chỉ chạy được ban ngày, đến chiều tối là vắng vẻ.

Gia đình tôi như có chút duyên với âm thanh còi tàu. Ở Quảng Trị, nhà tôi nằm ngay bên dưới ga, đối diện tháp nước. Ở tháp nước khi đoàn tàu ngừng, hành khách ngồi trên toa trông qua bãi đất trống nhìn thấy rõ được quang cảnh căn nhà tôi. Khi rời Quảng Trị vào Huế, gia đình tôi ở nhà thuê cũng gần ga. Nhưng lúc bấy giờ, nhà ga không hoạt động nữa. Vậy nên, có lúc đi lên nhà ga một mình thơ thẩn, thấy cảnh tượng vắng vẻ, tự dưng tôi chạnh lòng. Trong tôi lúc ấy, kỷ niệm trồi dậy một niềm hân hoan, nhưng rồi lòng buồn trở lại với một chút thời gian chua xót, nặng nề.

Sau cuộc chiến kết thúc, khoảng cuối năm 1976 đường xe lửa hoạt động trở lại. Mùa Hè 1977, tôi ở trong số 2,000 anh em tù cải tạo rời miền Nam xuống tàu sông Hương đi ra Bắc. Chúng tôi ngồi bó gối chen chúc nhau dưới một hầm tàu ngột hơi người. Ngày chỉ thấy bóng nắng. Ðêm nhờ chút ánh sáng của bóng trăng. Tàu thủy chạy ba ngày bốn đêm, cập bến cảng Hải Phòng. Khi lên khỏi hầm tàu, tôi hưởng được chút gió sông thổi mát, và khi dừng bước trên bậc đá ở Cảng, tôi cũng gắng dành một chút lãng mạn đổi đời để nhớ anh chàng Bạch trong tiểu thuyết Nguyễn Tuân. Và, lập tức trên ba lô làm hành trang, tôi viết ngay dòng chữ ghi nhớ một chuyến đi: Xuống Cảng Hải Phòng ngày 10 tháng 6 năm 1977. Thân thiết, K.

Chiều đã muộn, trời sắp tối. Lên đất liền, anh em tù có được hai giờ nghỉ sức ở bên con đường lộ ở ngoài thành phố. Mỗi người được phát một nắm cơm, hai quả dưa bở và một gói nhỏ đường cát. Tôi cất đường với phần ăn vào ba lô, trong lúc nghỉ, tôi ăn từng miếng dưa bở ngon, mát ngọt. Tiếng các bạn tù chuyện trò, có những lời than thân trách phận. Tôi chẳng buồn chán làm quái gì. Tôi ngửi sâu từng hương vị đêm, từng cơn gió mát, và vui với những kỷ niệm đang trở về để an ủi mình. Tôi nhớ qua tà áo trắng những hình bóng các thiếu nữ tôi được gặp và làm quen. Mỗi thiếu nữ, luôn luôn duyên dáng với bằng nụ, và áo trắng, cho tôi hương gạo mùa thơm ngát. Tôi nhớ đến tên mỗi người em, và tưởng mình còn nghe được âm sắc của giọng nói. Trong thuở hoài niệm xanh, tôi cũng nhớ về thời tuổi trẻ của mình qua những thành phố tôi đã sống và lớn lên.

Sau hai giờ nghỉ, xe lửa đến và chúng tôi lên đường. Ðoàn tàu chuyển bánh trong đêm tối, chuyến đi là cả một đoạn trường, một số phận thảm thương đối với người tù. Vậy nên, có nhiều lúc tôi chẳng nghe ra được những hồi còi tàu. Vì, chập chùng cuộc đời trong bóng tối, những người cứ theo con tàu mải miết, mà đi, mà tưởng như không ngừng.

Sau cơn ác mộng, tôi lại tỉnh giấc. Ðoàn tàu chỉ chở tù, nhưng đến mỗi ga cũng ngừng lại như các tàu chạy khách. Từ trong bóng tối toa xe, tôi đọc được một số tên nhà ga như Hải Dương, Gia Lâm, Ðông Anh, Phúc Yên và có cả tên nhà ga Thạch Lỗi là một bối cảnh nhà văn Khái Hưng dàn dựng với hai nhân vật cô Mai gặp chàng Lộc trên một chuyến tàu, rồi tới ga này cô xuống để trở về quê nhà. Hình ảnh cô như sương mù và áo trắng. Trời sáng khi tàu qua Việt Trì , qua Phú Thọ, và ngừng đỗ tù cải tạo xuống ga Yên Bái. Tại đây, chúng tôi lên xe Molotova đi tiếp, xe ngừng chờ qua phà, và cuộc hành trình đến đầu buổi chiều mới tới trại giam nằm bên trong một thung lũng có suối lớn, có những rừng đang xanh bạt ngàn.

Trại giam này thuộc tỉnh Nghĩa Lộ cũ. Nhưng chung hết là Hoàng Liên Sơn gồm các tỉnh Yên Bái, Nghĩa Lộ, Lào Cai, Sơn La.

Tôi ở các trại tù miền Nam từ tháng cuối tháng 6/75 đến đầu tháng 6/77, ra Bắc ở Nghĩa Lộ, xuống Yên Bái xong về Vĩnh Phú. Cuối tháng 8/1981 tôi được lệnh tha. Về, tôi đi chuyến xe lửa khởi hành từ ga Ấm Thượng. Xe lửa chạy bằng than, chậm không được nhanh, lúc năm giờ chiều rời Ấm Thượng hai giờ sáng mới đến Hà Nội, ngừng trước ga Hàng Cỏ. Ðược ở Hà Nội gần trọn ngày, 8 giờ đêm hôm sau, tôi và một số hai mươi bạn tù cùng được tha lại lên chuyến tàu Thống Nhất Hà Nội-Sài Gòn. Chuyến tàu đi hết bốn đêm ba ngày mới về tới nơi nguyên quán.

Về lại với đời người sau một cuộc chiến, tôi biết mình, hiểu mình nay đổi khác đi nhiều. Rồi con người, cũng phải cố gắng sống. Ở Sài Gòn một thời gian, tôi ra Huế. Ở Huế, tôi sống với nghề buôn sách đường ngắn và dài. Với những chặng đường ngắn, tôi bỏ mối sách trong thành phố, và bán đủ loại sách về vua quan triều Nguyễn trên các lăng tẩm và ở các khách sạn du lịch. Với mỗi chuyến đường dài, tôi buôn sách hai chiều, phía Nam là Huế-Sài Gòn, phía Bắc là Hà Nội-Hải Phòng. Những chuyến đường dài mưu sinh hơi vất vả dù bằng phương tiện xe lửa hay đường bộ. Ðường bộ, xe qua phà sông Gianh, phà Bến Thủy, và lúc xe ghé vào các bến đỗ, tôi được tận mắt nhìn thấy thị xã Ðồng Hới, Vinh, Thanh Hóa, Ninh Bình, Phủ Lý, và ra tới Hà Nội xe vào bến Kim Liên cùng nằm trên con đường lớn chạy ngang qua ga Hàng Cỏ. Ði xe lửa, tôi có được dịp nhìn ngắm quang cảnh miền Bắc mà dường như trong lòng tôi nghe lọt tiếng thở dài với sự nghèo khó của đất nước vì bom đạn chiến tranh.

Ngày xưa cũ, bóng dáng tháp nước, những hình ảnh con tàu rộn ràng với những hồi còi dài ngắn rúc lên khi về đến và hay rời ga đi, nay thuở yên bình đó tưởng như đã khuất. Ngày xa ấy, ở Quảng Trị quê nhà, những tiếng nói, những công việc, những bộ quần áo, những cây đèn bão, những gương mặt công nhân hỏa xa, và bác Thám trưởng ga bạn của ba tôi, tất cả bao nhiêu sự thân thuộc đó, luôn ở trong tôi có một lần được sống lại. Và, nơi chốn quê nhà cũ, ai cũng là người thân của mình hết.

“Ðời tôi đã nhiều lần vui bước phong trần”. Tôi rất yêu thích câu hát trong một bài nhạc của nhạc sĩ Tuấn Khanh. Tính ra, đời tôi từ những năm ấu thơ, thời niên thiếu đến về sau này, tôi đã đi gần trọn hết đường xe lửa Bắc Nam. Xin được ghi từng con số cho một bài toán cộng:

Trước 75:

Ðà Nẵng-Quảng Trị: 160 km
Nha Trang-Sài Gòn: 500 km
Ðà Lạt-Sài Gòn: 300 km
Ðà Lạt-Huế, Huế-Ðà Lạt: 2X800 km

Sau 75:

Hải Phòng-Yên Bái: 400 km
Ấm Thượng-Hà Nội: 200 km
Hà Nội-Sài Gòn: 1700 km
Sài Gòn-Huế, Huế-Sài Gòn: 10X1100 km
Huế-Hà Nội, Hà Nội-Huế 6X700 km

Tổng cộng về những chuyến đi một đời tôi: 30,160 cây số đường xe lửa. Tôi luôn có ý nghĩ rằng, đi xe lửa không chỉ thoải mái với cảm quan trong cái nhìn về từng cảnh vật quê hương của con người, mà thực sự, đó là một dịp sống nhiều với kỷ niệm từ sự thân thiết của những hồi còi tàu, từ hạnh phúc mỗi nhà ga tàu ngừng đỗ, và sự thống nhất liền lạc của đất nước được trải dài qua những dòng sông, những đồi núi, những cánh rừng, những cây cầu, và bóng dáng một thành phố luôn ở xa mình như thể là người yêu hằng mong đợi.

Với ý tưởng ấy, chẳng cần phải ghi vì trong tôi luôn có một nỗi bồi hồi, vừa lắng đọng. Tôi nhớ về quê hương Quảng Trị, nhớ con tàu dừng lại bên tháp nước trước mặt nhà tôi. Chiến tranh Mùa Hè 72 đã tàn phá tỉnh Quảng Trị, khung cảnh xưa nay không còn nữa. Khi ở tù về, lúc tàu đến ga Quảng Trị, tôi đã xuống đây lần bước tìm đến dấu vết chỗ tháp nước, và đứng ở đó nhớ đến căn nhà cũ của mình.

Bao nhiêu tháng năm buông thả mái tóc trên dòng đời, cuộc sống buồn có, vui có, bình yên có, trôi nổi cũng có, rốt cùng, kỷ niệm luôn làm tôi sống trở về những nơi chốn cũ, luôn làm tôi nhỏ bé, thân thương, và tâm hồn lữ thứ của tôi mang mang bóng dáng một cậu học trò trong thơ Tế Hanh.

“Tôi thấy tôi thương những chuyến tàu
Ngàn đời không đủ sức đi mau...”


Nguyễn Chí Kham
(nguồn : datviet.com )

TRỞ VÊ ĐẦU TRANG









Làm theo chú dũng,nhỏ hoh đi học lớn lên làm thủ tướng Vietnam

No comments:

Post a Comment