Saturday, August 1, 2009

GIÓ BỤI, CÁT LẦM


* Nguyên Nhung
.

Ông là một ông HO, năm mươi tuổi đời, mười năm lính, mười năm tù, còn lại bao nhiêu là một quãng đời bình thường cho một con người bình thường. Mười năm lính ông sống hầu hết ở những chiến trường khói lửa với đồng đội, mấy lần đụng trận để lại thân thể ông vài vết thẹo nay đã mờ dần với thời gian. Tiếp theo mười năm tù ông cũng đói khát, đau khổ như bao nhiêu tù nhân chính trị khác, may là dạo ấy ông còn trẻ, sức khỏe tương đối dẻo dai, đói khát và nhiều cơn sốt rét kinh người chưa vật ngã được ông, để ông có ngày trở về như một bóng ma. . .

. Sau mười năm tù, ông trở về đoàn tụ với gia đình thì mọi thứ đã thay đổi cả. Thứ sách vở ông học ở nhà trường năm xửa, năm xưa không giúp ích gì cho ông lúc này, thứ kinh nghiệm mười năm ở lính lại càng tệ hại hơn, nó làm ông khốn đốn mười năm trong tù, rồi cho đến lúc này, vẫn sẵn sàng đẩy ông xuống vực thẳm nếu như " người ta " xét lại lập trường chính trị của ông.

Ông cay đắng khi nhìn vợ, nhìn con theo những chuyến buôn đường dài, bọn tài xế, lơ xe chọc ghẹo những câu nham nhở, vợ con ông đã phải mắt trước mắt sau, năn nỉ lũ " thuế vụ " khám xét dọc đường buông tha cho mớ hàng lậu dấu trong cốp xe, dưới những dãy ghế ngồi của hành khách. Cái gì cũng là " lậu " cả, một bịch gạo, mấy ký mỡ heo, bọc tôm khô mang làm quà cho bà con cũng được khám xét cẩn thận. Ông cứ tưởng hàng " lậu" là phải thứ gì ghê gớm lắm, hóa ra những thứ ghê gớm ấy đã có loại con buôn có thế lực, chứ đâu đến lượt vợ con ông.

Thằng con kế theo đám thanh niên trong xóm đi đào vàng, tận trong rừng sâu thăm thẳm. Vàng chưa thấy đâu, nhưng cứ suốt ngày hùng hục đào đất sâu như mấy cái lỗ huyệt chồng lên nhau, bất chấp nguy hiểm là đất có thể đổ xuống, tự mình đào lỗ chôn mình là vậy. Chưa hết, giá có được tý vàng lẫn với đất, đem sàng sẩy thì lại lo đứa khác cướp mất, đâm chém nhau vì tý vàng vụn, không biết chết lúc nào.

Ông cũng đã đảo qua khu chợ trời, thôi thì " thượng vàng, hạ cám ". Ai có tiền được ngồi sạp mát mẻ thì đóng thuế hộc xì bơ, người nào ít vốn, lang thang thất thểu xách cái quần, cái áo đi đầu chợ, cuối chợ, gặp đám quản lý thị trường bỏ chạy như ma đuổi, chạy thừa sống thiếu chết. Ngôn ngữ của chợ trời thì dồi dào màu sắc trào lộng lẫn lọc lừa, người ta lừa bịp lẫn nhau có nghệ thuật hẳn hoi, đại đa số dân không có công ăn việc làm quy tụ cả ở đây,mánh mung, lừa đảo, đau đớn cũng ở cả nơi này. Chỉ một lần đảo qua để tìm cách sống, lúc về ông cứ gây gấy như lên cơn sốt. Nhìn chị đàn bà cỡ vợ ông cầm chiếc dao lam, giơ chiếc quần lên để cạo những sợi lông vải tưa ra ở chiếc quần cũ, rồi bằng một nghệ thuật tuyệt chiêu, sau một đường ủi phẳng, chiếc quần láng coóng như mới, cái gì người ta cũng tân trang được cả, để đánh lừa những kẻ ngu ngơ. Mảnh đời ông nay đã cũ, vậy mà ông chịu không làm sao sửa được, không sơn phết được để lấp đi những buồn chán, ủ ê sau cuộc đổi đời.

Thôi thì làm cái gì nhàng nhàng sống qua ngày vậy. Có những người chỉ sống bằng gánh hàng rong, nấu xôi, nấu chè mà cũng kiếm được bữa ăn. Có người sống bằng nghề bán bánh chưng, bánh giò, kẹo kéo, nghề này phải đi rạc cẳng, cái ấy không hề gì, nhưng khó nhất là phải rao. Chị hàng chè rao hàng lảnh lót, kĩu kịt gánh gánh chè đi vào hẻm mỗi buổi xế, chị rao ngọt như đường, lũ trẻ con thèm ngọt bu xung quanh. Thấy dễ mà ông chịu không làm được. Đêm khuya, ông quan sát một người đàn ông bán bánh giò, ông ta lủi thủi đẩy chiếc xe vào con ngõ tối tăm, lởm chởm, cái giọng khàn khàn đứt hơi của một người đã già ngay từ lúc chưa già sao thê thảm thế. Mỗi lần nghe tiếng rao của người bán bánh giò trong đêm khuya, ông lại tưởng như tiếng của chính mình đang dãy dụa trong lồng ngực héo với buồng phổi khô, nước mắt ông trào ra lúc nào chẳng biết.

Không làm gì được để giúp đỡ vợ con, ông khổ tâm lắm. Mấy vết thương từ những ngày chinh chiến thỉnh thoảng vẫn đau thắt cả lưng, còn lồng ngực lâu lâu lại ê ẩm vì lần đi lao động bị cây đập vào ngực. Hôm ấy tý nữa là ông mù, nếu như không né kịp, nếu cái ngực không đưa ra để hứng lấy. Tuổi thanh niên còn hăng sức, ông gánh hằng trăm gánh nước tưới rau có nhằm nhò gì, vậy mà bây giờ già, con người ông rã rời tất cả, từ tinh thần đến thể xác, muốn phục hồi lại cần phải có thời gian, có khi hết đời chưa làm được.

Ở nhà, rảnh rang ông ra sân trồng tý rau, tý hoa cho đỡ buồn, rồi ra bờ sông câu cá chờ thời. Thời đâu chẳng thấy, chỉ mong là đỡ phải nghĩ ngợi. Quái lạ, không muốn nghĩ cũng không được. Lâu lâu, câu được con cá đáng lẽ ông phải vui thì ông lại buồn, ông thấy mình như thân phận cá, lúc tưởng được rong chơi đầu ghềnh, cuối sóng thì lại mắc nạn " cá lớn nuốt cá bé ", lúc đói muốn tìm cái ăn thì mắc ngay vào cái bẫy của đời, thế là toi mạng. Ông cứ thả cần câu rồi ngồi bó gối, dõi mắt vào một cõi trời không. Ông chả màng gì cá, ông cũng như cá, cá cũng như ông, bẫy nhau làm gì cho mang tội.

Không biết tại sao đứa con gái lớn đi buôn lại " phễnh " bụng ra, trước sau gì " đi đêm cũng có ngày gặp ma". Chết nỗi thằng ấy lại là người ơn của vợ con ông, nó điều hành ngoài bến xe, chuyên môn gởi hàng cho con bé đi buôn, lũ tài xế, lơ xe không anh nào dám đụng đến móng chân con bé. Vậy mà nó lại đụng được, con bé đẹp như tranh thế kia đứa nào thấy lại chẳng khoái. Những ngày vợ đi hàng, con bé ở nhà là thằng kia đến chơi, hai đứa rù rì cả buổi trong căn phòng đóng kín cửa, ông có hầm hừ, đằng hắng gì cũng mặc. Mấy lần ông khuyên bảo con, dạy dỗ nó thì đều bị nó dạy ngược lại, như những gáo nước lạnh tạt vào mặt :"Bố cứ lo cho bố, đời của ai nấy lo, bố không nuôi nổi bố thì cũng đừng lo cho ai ". Ôi, cuộc đời khốn nạn, khi biết được con hư vì cái thằng " phải gió ", vợ ông dằn vặt ông, nhiếc móc ông, làm như ông là nguyên nhân làm con cái hư hỏng. Sau thì chúng nó cũng lấy nhau, nhưng có ai hiểu được cái khổ của một người chồng, người cha bất lực trước những tai ương xảy đến trong gia đình. Lắm lúc ông thầm nghĩ, sao không chết quách đi cho xong ," con thà coi như là hạt bụi, vợ thà coi như chiếc lá bay ".

Hai đứa bé đang đi học là sướng nhất, ngoài môn chính trị thì tất cả các môn khác đều là phụ. Đứa con út làm văn mà nghe như các khẩu hiệu được ráp vào với nhau kêu rôm rốp, ông xem bài của con, vừa buồn cười lại vừa muốn khóc. Hỏng, như thế này là hỏng, nhưng biết làm sao bây giờ. Còn thơ thẩn văn chương thì kinh lắm, ông hãi nhất cái bài " Chống giặc hạn " mà con bé phải học để làm bài thi, có mấy câu thơ đọc đến rùng mình : " ...

Trời làm hạn hán thì người trị ngay,

Trị đêm rồi lại trị ngày,

Sao cho giặc hạn biết tay của người...

" Nghe con học thơ ông mướt mồ hôi trán, thế này thì còn dạy dỗ gì nữa, mà dạy dỗ lúc này như " mở miệng mắc quai", chưa biết chừng mai mốt nó dám trị lại ông, vì tội dám bảo ban những điều đi ngược lại với đường học tập của cả nước.

Ông câm như hến cho xong, ngày có hai bữa cơm cũng là nhờ vợ con luồn cúi đủ mọi hạng người chẳng ra gì để kiếm miếng cơm cho cả nhà. Ông suýt tự tử mấy lần, may sao đúng lúc ấy người ta bàn ra tán vào chuyện cho những người thâm niên tù tội đi Mỹ, nếu không có chương trình HO, có lẽ ông đã đi xuống tận cùng của hỏa ngục.

Ôi! Cái ngày ngồi trên máy bay ra khỏi Việt Nam ông mới chắc mình thoát, dù vẫn còn chút vấn vương với quê cha, đất tổ. Đứa con gái lấy chồng ở lại, còn ba đứa theo bố mẹ đi Mỹ. Những ngày đầu tiên đến xứ người, ông lù khù như gà mắc mưa, thấy gì cũng ngại, nhưng cũng phải làm oai để lên tinh thần cho con cái. Chẳng phải lo, đám trẻ hòa nhập nhanh hơn ông tưởng, thằng con trai ngày nào mới hai mươi tuổi đã biết phì phà điếu thuốc, ngồi tư lự như một triết gia thả từng vòng khói bên ly cà phê đen, qua đây cũng biết tìm một việc làm để sắm xe cộ. Hai đứa con gái lớn bổng lên, suốt ngày cứ săm soi quần áo, gương lược. Ông ngại lắm, đám con ông lớn lên trong đói khổ, thiếu thốn, không biết có chống nổi những ham muốn, cám dỗ của xứ người, không biết sau này ra sao, chứ trong bụng ông lúc nào cũng băn khoăn vì tương lai của lũ trẻ.

Vợ ông thực tế hơn, làm sao có công ăn, việc làm là " OK ", điều ấy cũng không lạ, là vì phải trải qua một quãng dời dài vật lộn với miếng cơm manh áo, vật chất đã trở nên một vấn đề bức thiết để người ta không còn nghĩ đến điều gì khác hơn. Không biết tự lúc nào, tư tưởng giữa ông và vợ ông đã khác biệt hẳn nhau, ông được xếp vào hạng người hoang tưởng, lỗi thời, xưa như trái đất, trong khi vợ con ông tiếp nhận ào ạt cuộc sống văn minh, vật chất xứ người nhanh hơn phi thuyền bay lên mặt trăng, không đo lường được nó như con dao hai lưỡi làm băng hoại nền tảng gia đình.

Ông buồn, buồn quá. Mỗi người như một bờ, một cõi, riêng ông lặng lẽ với ốc đảo của lòng mình. Không biết thổ lộ cùng ai, người biết chuyện không nói làm gì, kẻ không hiểu bảo ông lắm chuyện, "được voi, đòi tiên ", sướng không chịu chỉ muốn khổ.

Có tiếng Anh lõm bõm, ông kiếm được việc làm, gác dan cho một khu thương xá. Gọi là gác cho oai chứ thực ra là đi vòng vòng nhặt rác, sắp xếp mấy thứ lỉnh kỉnh, nhưng như vậy cũng còn an ủi hơn là ngồi nhà hưởng tý trợ cấp của chính phủ.

Một sáng kia, ông dậy sớm đi làm. Mưa, mưa không lớn lắm nhưng trơn ướt mặt đường, ông lái chiếc xe tàng ra khỏi nhà, không hiểu sao khi lên đến freeway, ông thấy chóng mặt, lảo đảo tay lái, chiếc xe húc mạnh vào bờ tường bẹp dúm, đầu ông đập mạnh vào tấm kính đằng trước, máu tuôn như suối. Ông ngất đi, thấy mình trôi tuồn tuột vào một đường hầm hun hút màu đen, rồi như được oà vỡ ra ở một thế giới khác. Ông thấy mình trở về một miền đất lạ, có thể là miền đất quê hương nơi xảy ra những trận đánh năm xưa, nhưng không có hận thù, không máu lửa, chỉ có nụ cười rạng rỡ trên môi những đồng đội cũ. Ông hoà nhập vào giòng người xôn xao đó, đi về một nơi bình yên, với một cõi lòng thanh thản.

NGUYÊN NHUNG (Vietnam Library Network )

trở vê đâu trang

No comments:

Post a Comment