Thursday, November 22, 2012



Tình Nghĩa Anh em
                                                                                                                                                              ;                    Tôn Thất  Đàn
Kính cẩn dâng lên hương
  hồn người anh thân yêu!
                                                                                                                                                                                    
              
               Cuộc sống đúng là “vô thường”, rủi  ro  không biết trước được. Có đó rồi mất đó. “Sinh, bệnh, lão, tử” con đường đó ai cũng phải đi qua. 70 năm cuộc đời tưởng là dài, nhưng cũng chóng qua như một giấc mơ!  Tiền tài, danh  lợi chỉ là phù du như nước chảy mây trôi. Khi buông xuôi hai tay không mang theo được gì, chỉ còn lại, phải chăng đó là lời thương tiếc và tấm lòng của những người còn ở lại ?

                 Hôm nay, nhân ngày  giỗ “mãn tang”  đánh dấu  3 năm ngày mất của anh, em  xin viết  những dòng nầy như một nén hương lòng dâng lên hương hồn anh, người anh trai thân yêu độc nhất của em hiện đang nằm yên nghỉ bên kia bờ Đại dương, đó là làng quê  Lập An (Thừa Thiên)  của nước Việt Nam thân yêu của chúng ta. Thật vậy, người ta thường nói :”Anh em như  thể tay chân”, thế mà nay anh đã ra đi vĩnh viễn, bỏ lại em một mình bơ vơ trên cõi đời nầy ! Ngặt một nỗi là anh em mình mồ côi cha quá sớm, mà mẹ sinh ra chỉ có hai anh em mình thôi, nên một đời chúng mình sát cánh bên nhau, khi nghèo khổ cũng như lúc thịnh vượng , anh em mình vẫn chia sẻ cùng nhau.

                 Anh thân yêu, em còn nhớ hồi em còn nhỏ dại, anh chỉ có một mình em là đứa em độc nhất của anh, nên anh cưng chìu em nhiều lắm ! Đến năm lên 10 tuổi, em được mẹ cho lên tỉnh học tiếp bậc Trung học, còn anh là anh trai lớn phải ở lại nhà để đỡ đần  công việc cho mẹ. Thế mà anh cũng vui vẻ, sẵn sàng hy sinh cho em mình được ăn học hơn mình, còn anh phải chịu  thiệt  thòi vì gia đình còn nhiều khó khăn! Tuy vậy, thỉnh thoảng anh  cũng còn lặn lội lên tỉnh để thăm em và cho em tiền nữa . Anh thật thương em nhiều quá! . Không những thế, có những lần anh dẫn em đi chơi cùng chúng bạn qua những khe suối ở quê mình, qua những hồ nước sâu, mặc dầu em cũng có thể lội qua được, thế mà vì thương em, anh không ngần ngại cõng em trên lưng băng qua hồ nước để cho em khỏi  ướt áo quần. Những cử chỉ tuy nhỏ nhặt như thế, mà nay mỗi lần nhớ lại, em thấy thương anh vô cùng ! Người ta thường nói :”Những gì  khi mất đi rồi, thì mình mới thấy quý!”. Đúng như vậy, em rất trân trọng những kỷ niệm của anh em mình !  Còn nhiều nữa anh à ! Anh và em còn rất nhiều kỷ niệm mà em không bao giờ quên được. Anh còn nhớ không? Hồi đó nhà mình nghèo lắm, một mình mẹ không thể xoay xở cho em ăn học đến nơi đến chốn được. May nhờ có người giới thiệu cho em vào Đà Nẵng , làm “gia sư” cho mấy đứa con của một gia đình khá giả để có chút tiền tiếp tục học cho hết cấp 3. Ngày đó anh đã vào quân ngũ và đang phục vụ ở tận miền Tây nam vùng sông nước Hậu giang, thế mà anh cũng lặn lội bay ra tới Đà Nẵng thăm em cho bằng được trước khi về quê gặp mẹ, chỉ ngắn ngủi trong mấy ngày phép. Tiền lương của lính hồi đó quá ít ỏi, thế mà anh cũng dành dụm được để chia sẻ cho em chút đỉnh để em tiêu dùng. Ôi, tình huynh đệ thật là thắm thiết !
               Sau ngày học hết cấp 3, em cũng đã đến tuổi trưởng thành. Em đã tình nguyện vào trường “Võ khoa Thủ Đức” để theo nghiệp đao binh. Em nhớ hồi đó em đang thụ huấn tại trường “Bộ binh Thủ Đức”, còn anh thì đang đồn trú trên miền cao nguyên Ban Mê Thuột  gió núi mưa mùa. Thế mà anh cũng xin được phép bay về Sài Gòn, ghé  vào Thủ Đức để thăm em. Nhưng xui cho anh em  mình là hôm đó đại đội sinh viên của em đang học môn “chiến thuật”  phải ở lại  “bãi”  tại đồi “Tăng Nhơn Phú”. Thế  nhưng,  anh xin  thế nào mà quân trường cũng đã cho anh “quá giang”  theo xe  tiếp tế cơm nước cho sinh viên ăn trưa ngoài  “bãi” để gặp em bằng được. Anh em gặp nhau mừng  mừng  tủi  tủi, ngồi bên nhau khóc suốt  trong một  tiếng đồng hồ ngắn ngủi. Hồi giữa thâp niên  1960  - 1970  chiến trường miền Nam đang đến hồi khốc liệt, anh em gặp nhau đó, rồi không biết còn có ngày gặp lại nhau nữa không?

               Đúng như những suy tư của những người lính đã lên đường vì lý tưởng bảo vệ quê hương. Qua 10 năm chinh chiến trong quân ngũ, em đã 4 lần bị thương phải vào quân y viện. Đến lần sau cùng năm 1972, khi tỉnh Quảng Trị bị mất vào tay Cọng Sãn Bắc Việt thì em cũng bị Cộng quân bắt làm tù binh  và đưa ra giam giữ  tại “Cao Bắc Lạng”. Mẹ chỉ còn một mình anh như “ngọn đèn trước gió”, không biết ngày nào mẹ trở thành “mẹ liệt sĩ” nữa đây? Còn em, thì xem như không còn trên cõi đời nầy nữa rồi ! Vì biết bao giờ em mới trở về với gia đình được?

               Nhưng ông Trời còn thương anh em mình !  Em vẫn còn sống sót đến ngày “trao trả tù binh”  sau khi hiệp định Paris được ký kết vào ngày 27/1/1973. Em nhớ một kỷ niệm khó quên trong đời của anh và em, là ngày Mẹ và anh đã ra tận bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị) để chờ đón em trong suốt hai tuần lễ  “trao trả tù binh”. Hồi đó anh đang đóng quân ở Phú Bài (Huế), thế mà ngày nào anh cũng chạy xe vào tận Lăng Cô (Hải Vân),  đưa mẹ ra đến bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị) để chờ ngóng đứa con trai của mẹ, và đứa em trai độc nhất của anh trở về từ ngục tù Cọng Sãn!  Trong suốt thời gian “trao trả tù binh”, ngày nào cũng như ngày nào, mẹ và anh đều  kiên  trì có mặt ngồi chờ em bên bờ Nam sông Thạch Hãn , chờ đợi trong sự  lo âu, phập phồng  không biết con em mình có được trao trả về không?  Cho đến ngày cuối cùng, đó là ngày 23/3/1973, em mới được trả về trong sự hân hoan  và nhiều nước mắt của mẹ và anh!  Mẹ và anh đã ôm chầm lấy em và khóc trong sự vui mừng, vì đã gặp được người con đã chết đi, nay đã được sống  lại trở về ! Em nghe mẹ nói : “Cám ơn Trời Phật đã cho con trai của con sống sót trở về!”. Còn anh thì  lo ra ngoài  mua bánh mì, nước ngọt, trái cây cho  em, anh thì lúc nào cũng  lo cho em bị đói khát, thiếu thốn lâu ngày trong ngục tù Cọng Sãn mà thôi ! Em rất cảm động trước tấm lòng chân thành và tình thương của anh đã dành cho  em !  Anh ơi, tình huynh đệ đó biết bao giờ mới phai mờ được? !
               Rồi tưởng rằng anh em mình lại được gần nhau.  Ai ngờ ngày đen tối 30/4/1975 lại ập đến, nhấn chìm tất cả miền Nam Việt Nam dưới bàn tay sắt máu của Cọng Sãn Bắc Việt. Em cũng như tất cả các Sĩ quan dưới chế độ cũ đều phải tập trung đi  tù “cải tạo”, còn anh thì may mắn được “cải tạo” ngắn ngày tại địa phương, nhưng cũng đói rách, khổ sở không thua gì những người như chúng em phải bị đọa đày nơi rừng thiêng nước độc. Đó là dã tâm của Cọng Sãn  để trả thù những tầng lớp Sĩ quan QLVNCH  làm cho họ  phải chết dần chết mòn nơi rừng hoang mà không tốn một viên đạn nào của chúng, và khỏi phải  mang tiếng  là  bọn “diệt chủng”  trước mắt quốc tế!  Nhưng lần tù thứ hai nầy em lại phải phấn đấu lâu dài hơn những 6 năm để được sống còn mà trở về với gia đình!  Sau 10 năm sống ở ngoài trại tù lớn (trong tù là trại tù nhỏ, ra ngoài đời là trại tù lớn) , mặc dầu trong thời kỳ “bao cấp”  ăn bo bo, cơm độn khoai sắn, nhưng anh em mình vẫn thấy vui, vì lâu lâu còn được gặp lại nhau trong những dịp chạp, giỗ  hoặc những  lần tang, hôn,  tương tế trong dòng tộc mình. Nhớ lại những ngày đó thấy cũng vui vui anh nhỉ !
               Rồi thời gian qua mau, ông Trời vẫn còn thương  mình !  “Sau cơn mưa trời lại sáng”, em cùng gia đình được đi định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Em và gia đình lại phải vất vả phấn đấu để làm lại từ đầu. “Vạn sự khởi đầu nan”, sau hơn 20 năm sống đời tỵ nạn trên xứ người, cám ơn Trời, nay gia đình em cũng đã ổn định, con cái đều đã thành đạt. Riêng gia đình anh, nhờ có vài người con vượt biên được ra nước ngoài, nên kinh tế cũng  có phần khả quan hơn.

               Nhưng than ôi, ông Trời không chìu lòng người, lại để cảnh đau đớn xãy ra cho  anh!  Mấy năm sau nầy em được tin anh đã quá yếu, ra vào bệnh viện liên miên vì bệnh “tiểu đường” quá nặng, và chứng biến “ung thư ruột già” đã đến giai đoạn cuối !   Em  ngỡ chắc cũng còn thời gian, thế nào em cũng sẽ về để thăm anh một lần cuối ! Nhưng không, anh đã ra đi quá bất ngờ ! Em không được gặp mặt anh một lần cuối, không nói với anh được một lời sau cùng ! Em đã khóc thật nhiều vì quá thương anh!  Em hối hận vì hồi anh còn sinh tiền nhiều lúc em đã làm cho anh buồn lòng, nay anh không còn nữa để cho em nói một lời xin lỗi!  Em vội mua vé phi cơ gấp, để bay về VN cho kịp nhìn mặt anh lần cuối!  Nhưng khi đến nơi thì thân xác anh đã được“ liệm”  trong quan tài, nhưng nắp hòm chưa đậy lại, vì gia đình đang  đợi  em về để cho em được nhìn mặt anh một lần sau cùng !  Anh nằm đó như đang ngủ, nhưng đôi mắt anh vẫn khép hờ như  đang còn mong đợi một điều gì đó !  Em đưa tay vuốt mắt cho anh và nói với anh vài lời từ biệt, khi đó đôi mắt anh mới thật sự nhắm lại vĩnh viễn!  Anh ơi, tình huynh đệ sao mà thiêng liêng quá!  Vì anh chỉ có một mình em là em ruột của anh thôi, nên anh đã đợi  em về với anh, rồi anh mới thật sự ra đi phải thế không anh?!

               Anh thân yêu, anh nằm đó với đại gia đình ruột  thịt của anh, đang khóc thương về anh, và nguyện cầu cho anh sớm được siêu thoát !  Còn em, thì tim em như quặn thắt lại vì nỗi cãm thương cho số phận của anh đã trải qua biết bao đắng cay vất vả của cuộc đời nầy ! Như anh đã từng nói với em nhiều lần rằng:”Trần gian nầy là cõi tạm, là “vô thường”,  phải thế không anh?  Và em nhớ, cũng có lần anh đã kể cho em nghe câu chuyện của Ngài Đại Đế  Alexander  khi sắp chết  đã trăn trối với các quan trong Triều rằng : ”Khi Ta chết, Ta muốn hai bàn tay của Ta lắc lư đong đưa trên không, thò ra khỏi quan tài để cho mọi người thấy rằng, chúng ta đến với thế gian nầy với hai bàn tay trắng, và khi rời khỏi  thế  gian nầy, chúng ta cũng chỉ có hai bàn tay trắng mà thôi ! ”. Vậy anh cứ thanh thản ra đi mà không còn phải luyến tiếc một  điều  gì trên cõi đời  ô trọc nầy nữa anh nhé !  Vì chúng ta chỉ là khách du lịch qua cuộc đời nầy thôi ! Rồi anh em mình cũng  sẽ  có ngày gặp lại nhau ở một nơi vĩnh hằng nào đó ! Phải thế không anh ?

               Giờ đây em tiễn đưa linh cữu  anh ra nghĩa  trang, nơi an nghỉ cuối cùng của anh!  Đó là làng Lập An (Thừa Thiên), nơi quê cha đất tổ, và là quê hương nhỏ bé của anh em mình!  Đó là nơi mà anh và em đã sinh ra, và cất tiếng khóc đầu đời !  Và đó cũng là nơi mà anh  em  mình đã  từng nghe  tiếng  ru  à  ơi  của mẹ bên vành nôi  tự  thuở mới  lọt  lòng ! Và giờ đây, nơi đó đã có một  “lăng mộ quy”  của  dòng  tộc mình, mà hồi còn sinh tiền  anh đã dày công xây dựng. Chung  quanh đã được  anh cho xây tường thành bao bọc rất vững chắc. Nơi mà  ông  bà, cha mẹ và tất cả con cháu trong dòng  tộc mình đều đã được quy về một mối, và đều được tráng  ciment,  ốp đá, trông rất mỹ  thuật. Phong cảnh ở đây  thật hữu tình!  Sau  khi  an táng xong phần mộ của anh,  em đứng đây cảm khái nhìn ra biển xanh, núi  biếc  với  những  rặng cây “bạch đàn”  thẳng  tắp vi vu  trong chiều gió lộng !  Ôi, cảnh vật thiên nhiên ở đây sao mà đẹp quá !  Em hứa với anh rằng , em sẽ về lại chốn nầy, nơi mà em đã đặt sẵn một ngôi mộ cho chính mình tại “lăng mộ quy” nầy của dòng  tộc! “Tro bụi, trở về với bụi tro”. Ước nguyện của em  là sau khi chết,  thân xác em sẽ được “hỏa  thiêu”, tro cốt được đem về nằm ở  “lăng  mộ  quy” nầy để được gần với ông bà, tổ tiên và để được trở về với cội nguồn !  Đó là ước nguyện của em, nhưng không biết  mai nầy có được toại nguyện hay không ? !

               Anh thân yêu !  Em biết anh thương em nhiều  lắm, vì mẹ chỉ sinh ra được có hai anh em mình !  Vì thế, lắm lúc em cũng ưa nũng nịu với anh để được anh nuông chìu vậy thôi !  Nhưng  cũng có lúc em đã làm nhiều điều lỗi lầm để cho anh phải buồn  lòng !  Anh ơi, em xin lỗi anh rất nhiều và thật nhiều hơn cả những gì  đong  đếm được  anh nhé !  Những dòng nầy  như một nén hương  lòng  kính cẩn dâng lên hương hồn người anh  thân yêu của em !  Ở một nơi nào đó  trên cõi vĩnh hằng, xin anh hãy luôn nhớ đến đứa em độc nhất của anh đang sống  đơn  côi  trên cõi đời nầy, và phù hộ  cho  nó thật nhiều anh nhé !  ./.

Tôn Thất Ðàn

Mục Lục
                                                                                       
                                                                                                                                                                                              

No comments:

Post a Comment