Thursday, November 22, 2012





   Mẹ.
Tôn Thất Ðàn
         
           Chúng  ta  thường  nghe :  “thế giới có 7 kỳ quan”.  Nhưng  theo  tôi, kỳ quan tuyệt  vời  và vĩ đại nhất  vẫn là trái tim người mẹ ! Thật vậy, bao nhiêu thơ văn viết về mẹ  cũng  không đủ, bao nhiêu bản nhạc hát về mẹ  cũng không vừa.  Biển Thái bình bao la, nhưng không sao có thể so sánh được với tấm lòng của mẹ. Mẹ là người mang ta đến cuộc đời, cho ta bú mớm và nuôi ta khôn lớn thành người.

          Hôm nay nhân ngày giỗ  Mẹ, con kính cẩn  dâng nén hương lòng lên hương hồn  người mẹ  thương  yêu của con hiện đang nằm yên nghỉ bên kia bờ Đại dương, cách xa con hơn  nửa vòng trái đất !  Mẹ ơi, con nhớ và thương mẹ nhiều lắm, mẹ có biết không?! Con nhớ đến mẹ, người  mẹ Lập  An  (Thừa Thiên)  vất vả nuôi hai anh em con ăn  học . Nhà nghèo, cha mất sớm, hoàn cảnh  khó  khăn. Mẹ bán “mắm sò” quanh làng vào mùa mưa, và bán những gánh củi  khô vào mùa nắng. Mẹ còn đi mót lúa, mót khoai về nuôi hai anh em con cho đến ngày khôn lớn..

          Con  còn  nhớ, làng Lập An (Thừa Thiên) của mình ở vào một địa thế thiên nhiên rất  đẹp (bây giờ là khu du lịch), và thuận lợi cho việc mưu sinh. Phía trước làng là một đầm nước mặn rộng thênh thang thông ra biển, tha hồ dân làng bắt cua cá, sò, sặc để làm thức ăn hằng ngày và bán ra chợ. Sau lưng là cả một cánh rừng có nhiều cây cối và đầy cỏ tranh mọc khắp nơi, đủ cho dân làng đi đốn củi, cắt tranh bán độ nhật vào mùa khô. Cảnh vật  thiên nhiên ưu đải như vậy, thế mà chiến tranh lại không lọai trừ một nơi nào trên quê hương chúng ta, đã tràn đến gây biết bao đau thương cho dân làng  Lập An  mình ! Con còn nhớ mường  tượng  rằng, hồi đó con mới lên 3, cha mất sớm. Giặc đến đốt phá nhà cửa, bắt bớ dân làng  ta. Cũng như bao nhiêu gia đình khác, mẹ phải  tản cư đến nơi an toàn để lánh nạn.  Mẹ gánh con một đầu thúng, còn một đầu gánh vật dụng. Vai mẹ oằn xuống, mồ hôi thấm ướt  lưng  mẹ , mà trí khôn con hồi đó còn quá  non nớt, ngu ngơ, dại khờ, nào có biết gì đâu hở mẹ ! Con còn sung sướng ngước mắt lên cười với mẹ nữa chứ !  Cũng  vì  con mà mẹ quên đi bao mệt nhọc, lại nở nụ cười rạng rỡ với con để cho con được vui.  Mẹ ơi, bây giờ nghĩ  lại, con thấy thương nhớ mẹ nhiều quá  mẹ  à !  Thế rồi, sau khi giặc rút đi, mẹ lại gánh con trở về. Nhìn cảnh vật  tiêu điều, nhà cửa bị giặc đốt cháy thiêu rụi, mẹ không cầm được nước mắt ! Bao nhiêu công lao, mồ hôi của mẹ đều tan theo mây khói!  Rồi mẹ lai ráng sức làm lại từ đầu. Mẹ nhờ những người trong  xóm lợp lại  mái tranh nghèo  để mẹ con mình  tạm trú qua ngày tháng. Những ngày nắng ráo thì không sao, nhưng những đêm mưa dầm  thì khổ lắm!  Nước mưa dột khắp nơi trong nhà, nước dột ướt cả chiếc giường  tre ọp ẹp của mẹ con mình. Thế mà mẹ dành bên ướt mẹ nằm, còn bên ráo mẹ để con lăn.  Mẹ ơi, mẹ hy sinh cho con  thật  quá nhiều mẹ  à !

          Một đời của mẹ, con thấy chỉ có mấy bộ quần áo sờn vải và cũ kỹ, có những chiếc  đến cả nữa thập niên  rồi vẫn còn nằm  trong rương. Con thường đứng lặng hồi lâu khi nhìn thấy chúng.  Mẹ ít mua sắm cho mình, tiền mẹ để dành mua áo mới cho anh em con, và lo cho anh em con ăn học. Lần nào đi đâu về mẹ cũng mua quà cho con. Đến cả những lúc đi lao động vất vả trong rừng, mẹ cũng không quên hái về cho con những quả sim, hạt giẻ và những trái  ổi  rừng. Và mỗi lần ra đầm cào “sặc” để về làm mắm sò và nấu canh chua với lá me đất, mẹ cũng không quên mang về cho con những con cua, con ghẹ mà nướng ăn rất là khoái khẩu. Con nhớ và thương mẹ nhất là những lần mẹ đi mót lúa, mót  khoai  ngoài đồng, thế mà mẹ cũng không quên mang về cho con những con cào cào, châu chấu, hoặc những con chuột  đồng để con có thêm thức ăn trong những bữa cơm đạm bạc. Con rất hiểu hoàn cảnh  của nhà mình mẹ  à ! Một mình mẹ quê, chắt chiu, lam lũ, không đủ sức nuôi hai anh em con!  Dù cơm và thức ăn có nhiều chăng nữa, mẹ bao giờ cũng nhịn cho anh em con ăn cho no  lòng.  Bao giờ con cũng nghe mẹ nói :”mẹ ăn rồi, mẹ no rồi”, nhưng con có thấy mẹ ăn gì đâu ! Mẹ chỉ ăn những  gì còn lại của anh em con thôi!  Mẹ ơi, tình mẫu tử của mẹ thật là bao la như biển rộng sông dài !  Suốt một thời thơ ấu của con sống với mẹ ở làng Lập An thật là vui và hạnh phúc quá mẹ nhỉ !  Tuy nhà mình nghèo, một mình mẹ chạy cơm từng bữa cho anh em con ăn thiếu trước hụt sau, thế mà mẹ vẫn cố gắng  cho con đi học tiểu học với ông giáo làng để kiếm dăm ba chữ. Con còn nhớ vào những ngày đến kỳ đóng học phí, con hay bị kêu về nhà để lấy tiền đóng.  Mỗi khi việc nầy xãy ra, con chỉ đi  lên ngọn đồi phía sau trường và đứng ở đó một lúc, vì về nhà cũng chẳng có tiền. Sau một hồi, thì con trở lại trường và xin ông giáo cho gia hạn.

          Rồi ngày tháng như gió thoảng mây bay. Năm lên 10 tuổi, con một đứa bé được cưu mang bởi những người bà con xa, mỗi người một khúc từ đồng quê lên đến thành thị. Vì nhà quá nghèo, nên mẹ đành phải hy sinh con cho người ta sai khiến, đỡ đần những công việc lặt vặt trong nhà để hằng ngày được đến trường kiếm thêm ít chữ. Mẹ ơi, con biết  thân phận con là con nhà nghèo, mồ côi cha, nên con cố gắng  chăm chỉ học hành để sau nầy còn có cơ hội  đền đáp lại công ơn sinh thành và sự hy sinh của mẹ. Trong thời gian con ăn nhờ ở đậu nhà bà con, mặc dầu mẹ nghèo , kiếm được đồng tiền thật là khó khăn, thế mà mỗi lần Tết đến hoặc những ngày giỗ, chạp, mẹ đều lặn lội ra thăm con, cho con tiền và đem những món đặc sản ở quê nhà làm quà cho bà con nữa. Dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, mẹ cũng không bao giờ quên đứa con trai của mẹ.

 Sau 4 năm đèn sách  thì con cũng  thi đỗ được mảnh bằng “trung học đệ I cấp”  mẹ  ạ ! Con mừng lắm ! Nhưng mẹ ơi, đến đây thì bà con của mình không còn  kiên nhẫn để bao bọc, bảo trợ cho con được nữa mẹ  à, vì họ cũng không đủ khả năng  tài chánh  để lo cho con ăn học đến thi Tú tài.  Mà con cũng chưa đủ tuổi để đi xin việc làm được nữa.  May nhờ có một người bạn cảm thương hoàn cảnh của con, đã giới thiệu cho con  một chỗ  “kèm trẻ tại tư gia” cho những con nhà giàu, để con có tiền tiếp tuc học lên nữa. Con chỉ  hướng dẫn cho những đứa trẻ học lớp nhất  (lớp 5) để đi thi tiểu học, và những  em thi vào  “đệ thất”  (lớp 6)  trường công lập thời đó mà thôi. Thế mà sau mấy năm, nhờ vậy mà con lấy được mảnh bằng Tú tài 2 mẹ  à !  Đến đây thì con không còn kiên nhẫn để học lên Đại học được nữa mẹ  ơi !  Vì con đường  học  Đại học quá dài và rất tốn kém, không ai còn đủ khả năng tài trợ cho con được nữa. Con đành phải xếp bút  nghiên theo nghiệp đao binh. Con đã  tình nguyện gia nhập vào  trường ”Võ khoa”, chọn binh nghiệp làm lẽ sống  cho đời mình mẹ à !  ”Một xanh cỏ, hai đỏ ngực” để có tiền lo phụng dưỡng mẹ già !

          Sau hơn 10  năm chinh chiến trong quân ngũ, chưa kịp đền đáp công ơn cho mẹ được bao nhiêu, thì con đã 4 lần bị  thương  phải vào “quân y viện”. Và lần sau cùng thì bị đối phương bắt  làm tù binh trong ngày Quảng Trị thất thủ vào tay cọng Sãn Bắc Việt năm 1972  (mùa Hè đỏ lửa), và chúng  đã đem con ra giam giữ tai Cao Bắc Lạng (cao nguyên Bắc phần)  cho đến ngày “trao trả tù binh”, sau khi hiệp định Paris đã được ký kết vào ngày 27/1/1973. Ngày trở về của con trong nước mắt, vì nhìn thấy mẹ đã quá già yếu mà con thì chưa làm được gì để giúp  mẹ!  Con nguyện trong lòng là sẽ đem hết khả năng có thể được, để lo cho mẹ trong suốt quảng  đời còn lại của mẹ. Nhưng mẹ ơi, vận nước suy tàn ! Đến ngày 30/4/1975 toàn cõi miền Nam Việt Nam đã bị nhấn chìm dưới bàn tay sắt máu của Cọng Sãn Bắc Việt. Con cũng như tất cả các sĩ quan dưới chế độ cũ đều phải đi ở tù, mà chúng gọi là đi “học tập cải tạo” đó mẹ! Thế là con lại đi ở tù lần thứ hai nữa, dưới chế độ Cọng Sãn đó mẹ ! Rồi mẹ  lại  lui  cui, lum cụm  vào thăm con trong  trại tù “cải tạo”. Mẹ phải vượt qua bao nhiêu khó khăn, gian  khổ mới đến được nơi con đang bị giam giữ để gặp đứa con trai của mẹ.  Mẹ của con cũng không quên bới theo chai “mắm sò”  mà con thường  ưa  thích vào cho con!   Mẹ ơi, con thương mẹ quá!  Khi con ăn “mắm sò” của chính tay mẹ làm, như con đã nuốt  vào người  tất cả tình thương của mẹ gởi gắm cho con trong chén  “mắm sò”! Lần nầy đối phương lại  bỏ  tù con hơn những  6  năm  trời nữa mẹ  à!  Con nguyện  khi  được  về, con sẽ ra sức lao động hết mình, để có tiền phụng dưỡng mẹ  già, hầu đền đáp công ơn sinh thành của mẹ!  Con hứa sẽ làm cho mẹ vui, cho mẹ của con luôn luôn có nụ cười, để bù đắp lại những ngày mẹ gian nan  cực khổ  vì con, như nhà  thơ Trần Trung Đạo  đã viết :

Ví mà con đổi thời gian được
Ðổi cả thiên thu nghe tiếng Mẹ cười.
                                                                                           
          
          Nhưng than ôi, mẹ ơi ! Con chưa về kịp, thì mẹ đã bỏ con mà ra đi vĩnh viễn về bên kia cõi đời !!!  Mẹ ơi, cả đời con làm khổ mẹ!  Mẹ bệnh, con không về chăm sóc mẹ được. Đến ngày mẹ mất, con cũng không về kịp để nhìn mặt  mẹ lần cuối. Tiền bạc bây giờ với con có nghĩa gì đâu hở mẹ?!   Mẹ ơi, con rất hối hận vì chưa làm tròn được bổn phận hiếu thảo của một  thằng  con trai đối với mẹ. Xin mẹ hãy tha thứ cho con !

          Ôi, thương quá mẹ của con! Cả đời chỉ  tần tảo vì con!  Tiếng gọi đầu đời, con cũng gọi  Mẹ ! Khi con vấp ngã, cũng  gọi Mẹ! Dù ở đâu, phương trời nào, con cũng nhớ về cội nguồn, ông bà, tổ tiên, đầm nước mặn trước mặt nhà mình, và món “mắm sò” của  Mẹ ! Cứ mỗi lần con ăn “mắm sò” là con nhớ đến tuổi  thơ của mình, nhớ đến quê mình. Con nhớ quê hương  Lập  An của mình lắm mẹ  à ! Món “mắm sò” của mẹ và món canh chua “sặc” nấu với lá me đất của mẹ  như bà mẹ quê Việt Nam, lui cui, lút cút  thế  thôi, đơn sơ chất phát thế thôi, nhưng không có một kỳ quan nào của vũ trụ nầy  sánh được với trái tim của  Mẹ !    ./.
                                                                                                             
                                                                                                     
                                                                                                                                                                                                                                    Tôn Thất Đàn



                                                                                                                             

No comments:

Post a Comment