Saturday, May 10, 2014

HAPPY MOTHER'S DAY
 
NHỚ MẸ
Hoàng Nam Trần Việt Hải
Ngày mai là ngày lễ Mẹ, tôi xem bài của người bạn văn Trần Trung Đạo trong ý nghĩ tán đồng và tâm tư rung động qua dòng văn của anh. Tôi nghe kể anh không may mắn như nhiều người. Me. anh mất khi anh còn tấm bé. Vì thế nên khi anh mô tả sự bao la của tình mẹ trong nỗi niềm cần thiết một bóng hình người mẹ đi bên cạnh cuộc đời. Anh dẫn nhập bài viết bằng câu ngạn ngữ ví hình ảnh người mẹ như sau:
"Một danh ngôn mà chúng ta thường nghe “thế giới có rất nhiều kỳ quan, nhưng kỳ quan tuyệt vời và vĩ đại nhất vẫn là trái tim người mẹ” Thật vậy, bao nhiêu thơ viết về mẹ cũng không đủ, bao nhiêu nhạc hát về mẹ cũng không vừa. Biển Thái Bình bao la, nước sông Hằng cuồn cuộn nhưng không sao có thể so sánh được với tấm lòng của mẹ. Bản nhạc nào viết về mẹ cũng hay, bài thơ nào viết về mẹ cũng cảm động bởi vì ngôn ngữ dành cho mẹ là ngôn ngữ của trái tim.
 
Mẹ là biểu tượng trọn vẹn và tuyết đối của tinh thần Chân Thiện Mỹ. Nếu có một người để chúng ta có thể san sẻ những điều thầm kín, riêng tư nhất, thì người đó phải là mẹ. Nếu có một người có thể tha thứ cho chúng ta dù phạm phải bất cứ một lỗi lầm gì, người đó sẽ là người mẹ. Tôi tin, nếu chúng ta biết dành ý nghĩ đầu tiên của một ngày, thay vì để nghĩ đến chuyện hơn thua, danh lợi nhưng là để nghĩ về mẹ, nghĩ về khuôn mặt của mẹ, tiếng cười của mẹ, lời dặn dò của mẹ hay thậm chí chỉ để gọi tiếng mẹ thôi, chúng ta sẽ có một ngày an lành và hạnh phúc.
Mẹ là người mang ta đến cuộc đời, và cũng là nơi ta trở về. Người đàn bà chân mang đôi dép ngược, khoát chiếc mền rách, như trong một câu chuyện thiền mà chúng ta có thể đã từng nghe kể, dù bao mùa mưa nắng vẫn không than van, không oán trách, vẫn chờ đơi ngày về của đứa con mãi mê trên đường đi tìm chân lý. Nếu chân lý mà chàng trai trẻ kia đi tìm là tình thương và sự thật thì chân lý sẽ không ở đâu xa mà trái lại vô cùng gần gủi. Trong tấm thân gầy yếu nhỏ nhoi của người mẹ chứa đựng cả một đại dương của hy vọng, tình yêu, sự thật và lòng vị tha sâu thẳm."
 
Mọi người nói chung dễ dàng đồng thuận một kỳ quan vĩ đại nhất của thiên nhiên vẫn là người hiền mẫu, như Trần Trung Đạo viết dáng mẹ hiền dù có nhỏ bé, gầy guộc, nhưng lòng của mẹ thương con cái chứa đựng cả một đại dương của hy vọng, tình yêu, sự thật và lòng vị tha sâu thẳm.
Trần Trung Đạo là một nhà văn, anh chọn viết về những đề tài thuộc khuynh huớng xã hội và nhân bản. Anh còn là một nhà thơ. Tôi còn nhớ bài thơ gây nhiều xúc động là "Đứa bé và viên sỏi", về chuyện vượt biên buồn thảm, cha mẹ mất, cháu bơ vơ, nhạc được nhạc sĩ Phan Văn Hưng phổ nhạc. Bài thơ khác của Đạo được giới văn học chú ý là "Đổi Cả Thiên Thu Lấy Tiếng Mẹ Cười", được nhạc sĩ Võ Tá Hân phổ nhạc. Lời thơ sâu sắc thắm đượm tình mẹ, trích dẫn:
"Buổi ấy con đi chẳng hẹn thề
Ngựa rừng xưa lạc dấu sơn khê
Mười năm tóc mẹ màu tang trắng
Trắng cả lòng con lúc nghĩ về
Mẹ vẫn ngồi đan một nỗi buồn
Bên đời gió tạt với mưa tuôn
Con đi góp lá nghìn phương lại
Ðốt lửa cho đời tan khói sương"
Rồi cuối bài, anh cho 2 câu kết như một câu nói bất hủ trong văn chương hay đời sống:
"Ví mà tôi đổi thời gian được
Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười."
Trích bài "Happy Mother's Day 2009: Mẹ và Quê Hương", rồi Đạo tâm sự thêm:
"Bài thơ ra đời trong một đêm mưa, sau lần điện thoại đầu tiên với mẹ tôi từ Việt Nam. Giọng của mẹ như vọng lại từ một thế giới khác xa xôi. Tôi viết rất nhanh, nhanh hơn khi viết những bài thơ khác nhiều. Những dòng chữ, những câu thơ đúng ra là từ mơ ước, thao thức đã ấp ủ trong tâm thức tôi từ lâu lắm, chỉ chờ dịp để tuôn ra. Tôi không làm thơ, tôi chỉ chép như có một người nào đang nhắc nhở bên tai mình. Nguyên văn bài thơ như thế này:
 
« Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng người
Tiếng ai như tiếng lá thu rơi
Mười năm mẹ nhỉ, mười năm lẻ
Chỉ biết âm thầm thương nhớ thôi
Buổi ấy con đi chẳng hẹn thề
Ngựa rừng xưa lạc dấu sơn khê
Mười năm tóc mẹ màu tang trắng
Trắng cả lòng con lúc nghĩ về
Mẹ vẫn ngồi đan một nỗi buồn
Bên đời gió tạt với mưa tuôn
Con đi góp lá nghìn phương lại
Đốt lửa cho đời tan khói sương
Tiếng mẹ nghe như tiếng nghẹn ngào
Tiếng Người hay chỉ tiếng chiêm bao
Mẹ xa xôi quá làm sao vói
Biết đến bao giờ trông thấy nhau
Đừng khóc mẹ ơi hãy ráng chờ
Ngậm ngùi con sẽ dấu trong thơ
Đau thương con viết vào trong lá
Hơi ấm con tìm trong giấc mơ
Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng người
Giọng buồn hơn cả tiếng mưa rơi
Ví mà tôi đổi thời gian được
Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười.”
 
Bài thơ đơn giản và dể hiểu, không có gì phải cần bình giải. Tất cả chỉ để nói lên tâm trạng của một người con xa mẹ, bay đi như chiếc lá xa cành, mười năm chưa về lại cội. Năm tôi viết bài thơ, mẹ tôi, đã ngoài 60 tuổi và đang sống trong căn nhà tôn nghèo nàn ở Hòa Hưng Sài Gòn. Căn nhà nhỏ có giàn hoa giấy đỏ đó là nơi tôi đã sống 8 năm.
Nhớ lại đêm cuối cùng ở Sài Gòn, tôi đón xe xích-lô từ cửa sông về chào mẹ. Trời mưa lớn. Nhưng khi gặp mẹ, với tâm trí ngàn ngập những lo âu, hồi hộp cho chuyến đi, tôi không kịp nói một câu cho trọn vẹn ngoài ba tiếng “con đi nghe”. Và như thế tôi đi, đi không ngoảnh lại, đi như chạy trốn. Để rồi hai ngày sau, khi chiếc ghe nhỏ của chúng tôi được hải quân Mỹ cứu vớt trên biển Đông vào khuya ngày 13 tháng 6 năm 1981, đứng trên boong chiến hạm USS White Plains nhìn về phía Nam, tôi biết quê hương và mẹ đã ngoài tầm tay vói của mình. Đời tôi từ nay sẽ như chiếc lá, bay đi, bay đi, chưa biết ngày nào hay cơ hội nào trở về nguồn cội."
Bạn bè của Đạo biết bà mẹ Hòa Hưng là mẹ nuôi, nhưng trong cái tâm đạo của người con, Đạo rất qúy bà như mẹ ruột.
"Tôi nhớ đến mẹ, người mẹ Hòa Hưng vất vả nuôi nấng bảy đứa con, trong đó tôi là con lớn nhất, trong một hoàn cảnh hết sức khó khăn. Mẹ tôi bán bánh bèo ở đầu đường để nuôi chúng tôi ăn học. Mẹ tôi tình nguyện đi kinh tế mới ở Sông Bé để các em tôi còn được phép ở lại Sài Gòn học hết bậc phổ thông. Mẹ tôi đi mót lúa, mót khoai gởi về nuôi nấng chúng tôi trong những ngày đói khổ.
Trong tâm trí tôi, hình ảnh bà mẹ Hòa Hưng, đêm đầu tiên trong căn nhà không vách trên vùng Kinh Tế Mới, khoảng 20 cây số phía Nam thị trấn Đồng Xoài vào năm 1976. Cánh rừng vừa được khai hoang vội vã này không ai nghĩ một ngày sẽ được gọi bằng một cái tên rất đẹp, khu Kinh Tế Mới. Kinh Tế Mới là những căn nhà lá mỗi chiều chỉ hơn mười mét do những bàn tay học trò của thanh niên xung phong dựng lên, nối nhau chạy dọc theo cánh rừng hoang.
Tôi kính yêu mẹ. Mẹ Hòa Hưng là người săn sóc tôi trong những tháng ngày khó khăn nhất của tôi và người đã thôi thúc tôi viết nên bài thơ Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười trong đêm mưa hơn mười năm trước. Tuy nhiên, mẹ của Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười không phải là người đã mang tôi vào cuộc đời này.
Người mẹ sinh ra tôi đã chết khi tôi còn rất nhỏ. Nhỏ đến nỗi tôi gần như không biết mặt mẹ mình. Trong tuần hoàn của vũ trụ, giọt nước còn biết mẹ mình là mây, chiếc lá còn biết mẹ mình là cây, còn tôi thì không. Tôi là đứa bé cô độc, một con người cô độc, không anh em, không chị em. Tôi lớn lên một mình với cha tôi trong cảnh gà trống nuôi con trong căn nhà tranh nhỏ ở làng Mã Châu, quận Duy Xuyên. Đêm đêm nằm nghe cha kể chuyện thời trai trẻ buồn nhiều hơn vui của đời ông. Những ngày tản cư lên vùng núi Quế Sơn. Những ngày sống trong túp lều tranh dưới hàng tre Nghi Hạ. Và dưới hàng tre Nghi Hạ nắng hanh vàng đó, cha mẹ tôi đã gặp nhau, đã chia nhau ly nước vối chua chua thay cho chén rượu tân hôn nồng thắm. Dù sao, bên khung cửi vải, bên lò ươm tơ, họ đã cùng nhau dệt một ngày mai đầy hy vọng. Mặt trời rồi sẽ mọc bên kia rặng tre già, mặt trăng rồi sẽ tròn bên kia giòng sông Thu, những ngày chiến tranh, tản cư cực khổ sẽ qua đi nhường bước cho hòa bình sẽ đến.
Nhưng rồi chiến tranh như một định nghiệp, đeo đuổi theo số phận của đất nước chúng ta, đeo đuổi theo số phận của đời tôi. Năm tôi 13 tuổi, chiến tranh đã cướp đi cha tôi, người thân yêu cuối cùng của tôi. Chiến tranh lan tràn đến làng Mã Châu, đẩy tôi ra khỏi xóm lụa vàng thân quen để làm người du mục trên quê hương đổ nát của mình. Từ đó tôi ra đi. Từ chặng đường đầu tiên trên căn gác hẹp trong con hẻm 220 Hùng Vương Đà Nẵng, đến chùa Viên Giác Hội An, xóm nghèo Hòa Hưng, trại tỵ nạn Palawan và hôm nay trên nước Mỹ, nơi cách chặng đầu tiên trong hành trình tỵ nạn của tôi hàng vạn dặm."
Nói về hình ảnh mẹ, điển hình qua âm nhạc, nhạc sĩ Y Vân sáng tác cho mẹ mình bài ca bất tử mà đời sống và văn học biết ơn cho tác phẩm thật tuyệt vời này:
"Lòng Mẹ chan chứa trên bao xóm làng gần xa.
Tình Mẹ dâng tới trăng ngàn đứng lặng để nghe,
Lời ru xao xuyến núi đồi suối rừng rặng tre.
Sóng ven Thái Bình im lìm khi tiếng Mẹ ru.
Một lòng nuôi nấng vỗ về những ngày còn thơ.
Một tình thương mến êm như tiếng đàn lời ca.
Mẹ hiền sớm tối khuyên nhủ bao lời mặn mà.
Khắc ghi bên lòng con trẻ muôn bước đường xa.
Thương con Mẹ hát câu êm đềm,
Ru lòng thơ ấu quản gì khi thức trắng đêm.
Bao năm nước mắt như suối nguồn.
Chảy vào tim con mái tóc trót đành đẫm sương.
Dù ai xa vắng trên đường sớm chiều về đâu.
Dù khi mưa gió tháng ngày trong đời bể dâu.
Dù cho phai nắng nhưng lòng thương chẳng lạt mầu.
Vẫn mong quay về vui vầy dưới bóng mẹ yêu"
(Lòng Mẹ)
Tôi có cô bạn khi theo chồng sang định cư tại Paris, Hải Yến xúc động mỗi khi cô ca đoạn cuối của bài hát này vì câu hát nói về ước muốn gặp mẹ, nhớ mẹ từ xa: “Vẫn mong quay về vui vầy dưới bóng mẹ yêu".
Một bài ca khác tôi muồn nói đến là bài Khóc Mẹ Đêm Mưa của nhạc sĩ Anh Bằng, mà nội dung nhớ người mẹ đã quá vãng với lời nhạc thật xót xa như sau:
"Có những lần con khóc giữa đêm mưa
Khi hình mẹ hiện về năm khói lửa
Giặc đêm đêm về quê ta vây khốn
Bắt cha đi mẹ khóc suốt đêm buồn
Ôi thương mẹ vất vả sống nuôi con
Đi vội về sợ con thơ ngóng chờ
Nhưng mẹ đi không bao giờ về nữa
Ngã trên đường tức tưởi chết trong mưa
Mẹ ơi mẹ ơi tan chiêm bao nước mắt thành dòng
Con gọi mẹ một mình trong đêm vắng
Mẹ ơi mẹ ơi có nghe chăng lời con vang vọng
Tới mộ phần trên vuông đất quê hương
Con lang thang giữa đời quạnh hiu quá
Đâu cũng sống nhưng không đâu là nhà
Còn quê mẹ xa nửa vòng thế giới
Con không về từ ngày mẹ ra đi
Đêm tha hương con gục đầu tưởng nhớ
Trên đời này mẹ con không gặp nữa
Trên đời này không bao giờ gặp nữa
Mẹ ơi mẹ con khóc giữa đêm mưa"
Nhạc sĩ Anh Bằng tâm sự với tôi khi ông tiễn đưa mẹ của một người bạn trẻ, bạn ông thương, khóc mẹ như mưa. Tối về khi cơn mưa đến bên ngoài, ông dâng nguồn thơ ý nhạc từ sự kiện người mẹ của người bạn qua đời, ông nhớ đến thân mẫu của mình trong ray rứt nhớ thương, để rồi bài hát này đóng góp tích cực vào kho tàng những bài ca về mẹ. Trở lại với Trần Trung Đạo, anh sáng tác bài thơ "Đổi Cả Thiên Thu Lấy Tiếng Mẹ Cười" vào một đêm mưa nhớ mẹ Hòa Hưng. Trong đoạn văn khác anh tâm sự về mẹ ruột ở làng Mã Châu, anh nhớ đến ngôi mộ chôn cất mẹ trong hoang phế, khi ấy anh còn bé lắm với bao suy tư về cuộc đời và về thân phận của mình, tôi hiểu tư tưởng và lòng anh lắm. Bài viết này tôi xin gửi đến Trần Trung Đạo, Anh Bằng, Võ Tá Hân, Hải Yến, Thụy Trinh, Bạch Hạc, Vân Khanh, Mỹ Hạnh, Vương Hà, Mai Ngọc Lý, Khánh Trang, cũng như Quỳnh Giao và Thúy Anh,... nhiều nguời bạn mà tôi có dịp trao đổi ý tưởng về mẹ.
Hãy nghe tiếp lời của Trần Trung Đạo:
"Hình ảnh duy nhất của tôi về mẹ là ngôi mộ đầy cỏ mọc dưới rặng tre già ở làng Mã Châu. Ngày tôi còn nhỏ, mỗi buổi chiều khi tan trường tiểu học, trên đường về tôi thường ghé thăm mộ mẹ. Nhổ những bụi cỏ hoang, trồng thêm những chùm hoa vạn thọ. Tôi ưu tư về cuộc đời và về thân phận của mình ngay từ thuở chỉ vừa năm, bảy tuổi. Tại sao tôi chỉ có một mình? Tại sao mọi người đều lần lượt bỏ tôi đi? Nếu mai mốt ba tôi cũng đi thì tôi sẽ sống với ai? Lớn lên tôi sẽ làm gì? Tại sao đất nước tôi lại có chiến tranh? Những người du kích bên kia sông là ai? Và ở đó những buổi chiều vàng, bên ngôi mộ nhỏ của mẹ, tôi để lòng tuôn chảy những suy tư, dằn vặt đang bắt đầu tích tụ. Từ khi năm bảy tuổi tôi đã linh cảm cuộc đời tôi sẽ là những ngày đầy biến cố. Tôi đã nghĩ đến chuyện một ngày nào đó tôi sẽ đi xa khỏi rặng tre già, khỏi ngôi làng tơ lụa Mã Châu dường như thôn làng nhỏ bé này sẽ không đủ lớn để chứa hết những buồn đau, u uất của tôi. Nếu tuổi thơ là tuổi hồn nhiên với những cánh diều bay, với những con bướm vàng thơ mộng thì tôi đã không có tuổi thơ. Tuổi thơ tôi là một chuổi ngày ưu tư và chờ đợi một điều gì sắp đến.
Mẹ tôi qua đời vì bịnh trong một xóm nhà quê nghèo khó nên không có ngay cả một tấm hình để lại cho tôi. Cha tôi thường bảo, tôi giống cha nhiều hơn giống mẹ. Tôi cũng chẳng có cậu hay dì nên tôi lại càng không thể tìm đâu ra được một nét nào của mẹ trong những người thân còn sống. Vì không biết mẹ, nên mẹ trở thành tuyệt đối. Khi nhìn ánh trăng tròn trong ngày rằm tháng Bảy, tôi nghĩ đó là khuôn mặt dịu dàng của mẹ, nhìn nước chảy ra từ dòng suối mát tôi nghĩ đến dòng sữa mẹ, nhìn áng mây trắng bay trên nền trời tôi nghĩ đến bàn tay mẹ, nhìn những vì sao trên dải thiên hà tôi nghĩ đến đôi mắt mẹ. Nói chung, hình ảnh nào đẹp nhất, tinh khiết nhất, thiêng liêng nhất, đều được tôi nhân cách hóa nên hình ảnh mẹ. Vẻ đẹp của mẹ tôi là vẻ đẹp không những tuyệt vời mà còn tuyệt đối.
Tôi về thăm mộ mẹ lần cuối vào năm 1980 trước ngày vượt biển. Ngôi mộ đầy cỏ mọc hoang vu. Sau 1975, ngay cả người sống cũng không ai chăm nom đừng nói gì chuyện chăm nom cho người đã chết. Hôm đó, tôi ngồi nơi tôi đã từng ngồi trong thời thơ ấu và kể cho mẹ nghe đoạn đời chìm nổi của mình. Tôi nói với mẹ rằng tôi sẽ ra đi khỏi nước và hứa sẽ về dù biết nói như thế chỉ để an ủi hương hồn mẹ mà thôi. Tôi cầu mong mẹ phò hộ cho đứa con duy nhất của mẹ được bình an trong những ngày sóng gió sắp xảy ra."
Đại thi hào Nga Aleksandr Sergeyevich Pushkin là người có những đóng góp to lớn trong việc phát triển ngôn ngữ văn học Nga hiện đại và toàn châu Âu. Ông mất khi mới 37 tuổi nhưng đã để lại nhiều kiệt tác như "Evgeny Onegin", "Con gái viên đại úy", "Con đầm pích", "Boris Godunov",... Ông được coi là biểu tượng của dòng văn học lãng mạn và tả chân của nước Nga và châu Âu thế kỷ 19. Pushkin làm thơ gửi mẹ nuôi mà ông thương, kính trọng như nhũ mẫu của mình:
"Mẹ thân thiết trong những ngày cơ cực
Nguồn mến thương nâng bước đời con!
Rừng thông thăm thẳm cô đơn
Ngóng con ngày tháng mỏi mòn mẹ trông
Trong phòng khách bên song cửa sổ
Như người canh, thương nhớ mênh mang
Tay già lần mũi kim đan,
Như đang đếm bước thời gian chậm buồn
Mẹ thẫn thờ nhìn đường thăm thẳm
Lối cổng vào bỏ vắng từ lâu
Buồn thương, linh cảm, lo âu
Lại càng chất nặng thắt đau ngực già..."
Từ Aleksandr Sergeyevich Pushkin đến Trần Trung Đạo đều có mẫu số chung, dù dưỡng mẫu hay nhũ mẫu, hai nhà thơ đã dành những tâm tư trang trọng nhất cho 2 mẫu người mẹ trong văn học, thực vậy từ Âu sang Á, sự xúc cảm về mẹ cho văn chương mẹ mãi mãi thăng hoa.
"Ôi đời mẹ như một vầng trăng khuyết
Vẫn nghìn năm le lói ở đầu sông.
Vâng, vầng trăng bên dòng sông Thu Bồn từ đó không còn tròn như trước nữa.
Ai cũng có một cuộc đời để sống. Nỗi bất hạnh nào rồi cũng nguôi ngoai. Vết thương nào cũng lành đi với thời gian. Tuy nhiên có một nỗi bất hạnh sau bao nhiêu năm dài vẫn còn, đó là bất hạnh của dân tộc Việt Nam. Điều làm tôi đau xót nhiều hơn cả, không phải vì tôi mất mẹ, không phải vì tôi xa mẹ nhưng chính là sự chịu đựng của hàng triệu bà mẹ Việt Nam triền miên suốt mấy chục năm qua, từ chiến tranh sang đến cả hòa bình.
Trên thế giới này, bà mẹ Nga, mẹ Ý cũng thương con như một bà mẹ Việt Nam. Trong lúc tình yêu của một bà mẹ ở quốc gia nào cũng bao la, cũng rộng lượng, cũng vô bờ bến, tôi vẫn tin một bà mẹ Việt Nam thì khác hơn nhiều. Bà mẹ Việt Nam, ngoài là biểu tượng cho tất cả những nét đẹp của quê hương, đất nước, tình thương, còn là những hình ảnh đầy thương tích, tủi buồn nói lên sự chịu đựng, gian nan, khổ cực không thể nào đo lường hết được. Hình ảnh bà mẹ giăng tấm vải dầu trên một góc đường Trần Hưng Đạo để che nắng che mưa cho bầy con thơ dại đang đói khát. Hình ảnh bà mẹ chết đói sau khi ghe của mẹ đi lạc nhiều tuần trên biển. Hình ảnh bà mẹ chết trong mỏi mòn tuyệt vọng dưới gốc me già trên góc phố Sài Gòn vào một ngày mưa bão. Hình ảnh bà mẹ chết cô đơn trong chiếc thuyền chài nghèo nàn. Tất cả hình ảnh đau thương đó đã trở thành mối ám ảnh thường xuyên trong tâm trí tôi. Ám ảnh nhiều đến nổi, dù viết về bất cứ chủ đề gì, thể loại gì, văn hay thơ, cuối cùng tôi cũng trở về với hình ảnh mẹ. Mỗi bước chân tôi đi trên đường đời mấy chục năm qua vẫn còn nghe vọng lại tiếng khóc của những người phụ nữ Việt Nam bất hạnh, đã khóc trong chiến tranh, khóc trong hòa bình, khóc trong bàn tay hải tặc giữa biển Đông và khóc trên xứ người hiu quạnh.
Mơ ước lớn nhất của tôi, vì thế, không phải cho tôi mà cho những người mẹ đang chịu đựng, để các mẹ có cơ hội được sống trong một đất nước không còn hận thù, rẻ chia, ganh ghét, một đất nước chan chứa tình đồng bào, một đất nước thật sự tự do, ấm no, hạnh phúc. “Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười” trong một ý nghĩa rộng hơn là ước mơ của tôi, của anh chị, của cô chú và của tất cả những ai còn nghĩ đến sinh mệnh của dân tộc, về một ngày đẹp trời cho đất nước mình. Quá nhiều máu và nước mắt đã đổ trên mảnh đất linh thiêng và thống khổ Việt Nam. Mỗi người Việt Nam, hơn bao giờ hết hãy trở về với mẹ như trở về với chính cội nguồn uyên nguyên của dân tộc mình. Trong đêm rằm tháng Bảy này, xin hãy cùng nhau thắp lên những ngọn nến, dù nhỏ, dù đơn sơ nhưng được làm bằng chất liệu dân tộc, nhân bản và khai phóng đã được tổ tiên chúng ta hun đúc sau hơn bốn ngàn năm lịch sử.
Đời tôi là những cơn mưa dài. Mưa khi tôi rời làng Mã Châu, mưa trong đêm đầu tiên trong căn gác trên đường Hùng Vương Đà Nẵng, mưa dưới gốc đa già ở Chùa Viên Giác, mưa khi tôi vừa đặt chân đến Sài Gòn lần đầu tiên và mưa lớn trong đêm tôi rời đất nước ra đi. Nhưng tôi chưa bao giờ tuyệt vọng, chưa bao giờ cảm thấy cuộc đời là hố thẳm. Tôi không sống trong hôm qua, trái lại mỗi ngày là một chặng đường mới của đời mình. Tôi bình tĩnh đến độ hồn nhiên khi đón nhận những khắc nghiệt đến với đời tôi và tôi rất lạc quan trong khả năng chuyển hóa hoàn cảnh của chính mình."
Tôi xin dùng kết luận của Trần Trung Đạo để chấm dứt bài viết "Mother's Day Nhớ Mẹ" này vì chính lời văn và thơ của anh tạo cho tôi nguồn suy tư về Trần Trung Đạo và Alexander Pushkin chia sẻ những ẩn ý về Mẹ trong văn học:
"Trong cuộc đời này, tôi đã nhiều lần vấp ngã nhưng nhiều người cũng đã giúp vực tôi dậy, lau khô những vết thương trên thân thể và trong cả tâm hồn. Tôi mang ơn xã hội nhiều đến nỗi biết mình sẽ không bao giờ trả hết. Tôi biết ơn những người đã che chở cho tôi và cũng cám ơn cả những người đã dạy tôi hiểu giá trị của gian lao, thử thách. Cám ơn đất nước đã cho tôi được làm người Việt Nam, cám ơn mẹ Duy Xuyên mang tôi đến thế gian nầy, cám ơn mẹ Hòa Hưng nuôi nấng tôi trong những ngày bà con thân thuộc đã ruồng bỏ tôi, cám ơn cây đa già chùa Viên Giác che mát cho tôi suốt năm năm dài mưa nắng. Nếu một mai tôi ra đi không kịp viết điều gì, thì đây, những kỷ niệm của một lần ghé lại. Trần Trung Đạo".
Mẹ già như chuối ba hương
như xôi nếp một như đường mía lau
"Mẹ" là tiếng gọi thương yêu, "Mẹ" ban cho con cái tình thương vô bờ bến trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù là "Mẹ" đương đầu với những thử thách khó khăn, những cơn nguy khốn, những nhọc nhằn đầy lo âu và "Mẹ" luôn nhấp nhận những vô lý nhất của cuộc sống. Nhưng trái tim của "Mẹ" vẫn là sự thủy chung với cha và sự lan tỏa hơi ấm cho đàn con thơ dại. Tôi đọc chuyện "Mẹ Tôi" của tác giả Chinh Nguyễn trong say sưa, trong nỗi đoạn trường của nước mắt sầu vơi. "Mẹ" của tác giả là một phụ nữ miền Bắc sống trong vùng nông thôn, mà khi nông thôn hiền hòa, chất phác ấy bị đe dọa bởi bom đạn chiến tranh giữa giặc Tây thực dân và phe Việt Cộng tàn ác (núp bóng dưới danh nghĩa Việt Minh) xâu xé và tranh giành quyền kiểm soát người dân và lãnh thổ. Sự tàn ác khi giặc Tây bắn giết bừa bãi, hãm hiếp gái tơ, bọn Việt Cộng cưỡng ép dì Chúc làm bé, chúng chặt đầu những ai không tuân lời chúng, sự khủng bố đe dọa người dân thấp cổ bé miệng, bao nhiêu chuyện thê lương, bạn tác giả là một đứa trẻ thơ ngồi khóc bên xác mẹ vì bị trúng bom giết chết. Nỗi nghiệt ngã trong gia tộc là người chú ruột của tác giả theo CS, cha tác giả theo QG, nhiều lúc anh em tranh cãi như muốn tàn sát nhau, ông bà nội tác giả là chứng nhân của sự thực khổ sở. Cả chú và cha ra đi biền biệt theo kháng chiến.
"Mẹ" lo cho 3 con thơ dại những ngày tấm bé, khi chiến tranh tàn phá nông thôn "Mẹ" đành dắt díu con thơ về thành làm nghề phụ thợ hồ khuân vác xi măng làm kế sinh nhai. Vì quá cực nhọc nên "Mẹ" đau nặng, những đứa con thơ dại chạy đó đây lạy lục xin thuốc men cứu "Mẹ". Tôi chợt ngó tủ thuốc nhà tôi trong thoáng buồn trong ý nghĩ. "Mẹ" bị cảm, nhưng vì lao lực quá sức làm "Mẹ" kiệt sức. Tôi biết tác giả viết lại hoài niệm về "Mẹ" trong ngậm ngùi, xót xa, hãy đọc tiếp:
"Đêm lạnh mẹ ôm lấy anh em tôi trong nước mắt yêu thương che chở và nỗi buồn riêng thở dài thâu canh, sáng mẹ đã đi thật sớm trong khi anh em chúng tôi còn đang co quắp ngủ trên chiếu lạnh, chiều muộn mẹ về với quần áo đầy hồ xi măng và chân tay mẹ xước da chảy máu. Sau này hỏi ra tôi mới biết rằng mẹ tôi đã làm phu hồ, một công việc nặng nhọc của đàn ông nhưng mẹ tôi cố xin cho được công việc này hầu có chút tiền đem về nuôi anh em tôi."
Tâm sự của trẻ thơ trong gia đình nghèo khổ khi miếng ăn không đủ thì làm sao dám mơ ước đến trường, "Mẹ" đau lòng lắm chứ, "Mẹ" đã khóc vì bất lực trong tình huống khó khăn. Vì nhà nghèo, có những hôm tác giả phải ăn cắp rau muống từ bờ ao của chùa gần nhà cho bữa cơm ngon miệng. Tôi quý tất cả những đoạn văn mà tôi trích dẫn, vì chính nó cho thấy tâm tư, sự can đảm và lòng thành thực của tác giả khi nhắc về cái dĩ vãng đầy nghiệt ngã, thương đau, cái thuở hàn vi non tuổi đời của mình. Vì chính sự thực có những giá trị riêng của nó:
"Vì mẹ nghèo nên tôi và hai em đã không còn được đi học như khi còn ở trong làng quê. Mỗi lần mẹ nhìn đám trẻ cắp sách đi học là mẹ lại nhìn chúng tôi với hai dòng lệ chảy trên gò má khô cằn vì đói khổ và nắng mưa đơn độc một mình làm nuôi ấp ủ ba con trong cảnh Hà-Nội xô bồ kiếm sống.
Mẹ tôi dạy tôi nấu cơm cho hai em ăn và dặn tôi phải bảo vệ thương em. Tuy nhiên tôi chỉ nấu cơm còn thức ăn là vại cà muối mặn và hũ mắm tôm mà mẹ đã làm sẵn cho ba anh em ăn cả năm. Đôi khi em tôi đòi ăn rau muống và chỉ xuống ao của chùa, tôi đành nhìn quanh để phòng ngừa có ai đang đi tới, và bảo hai em chạy về nhà nấp trong lều. Trong khi hai em tôi kéo tay nhau vội vã chạy về nhà, tôi nhẩy xuống bờ ao hái vội vàng một ôm rau rồi leo lên bờ chạy thục mạng. Đôi khi tôi theo ông đánh lưới ven sông Hồng xin vài con cá long tong dính lưới đem về nhà kho mắm tôm mẹ làm sẵn, những bữa ăn có rau cá như thế đã làm anh em tôi vui và ăn cơm thật ngon miệng."
Để đỡ bớt vất vã của nghề phu khuân vác cho thợ hồ, "Mẹ" học được nghề làm bánh cam. Chính những chiếc bánh cam "Mẹ" làm đã nuôi con từ Hà Nội vào Nam. Tôi thật sự trân quý hết tất cả các bà mẹ buôn thúng bán bưng trên khắp nẽo đường đất nước, tôi chứng kiến nhiều bà mẹ Bắc 54 đã đến bán trong khu cư xá nơi tôi ở, họ giới thiệu tôi những món ăn ngon do họ làm, nào là những bà mẹ bán bún riêu, bán bánh ướt chả lụa, bán xôi cúc, xôi gấc và xôi bắp, bán bánh gai, xu xê, bánh cam,... Món bánh cam là loại bánh mà tôi mê từ thuở tấm bé. Trên đôi vai gầy guộc của những bà mẹ hiền đã gồng gánh các thứ lỉnh kỉnh của gánh hàng rong đó là tương lai của đàn con bước vào trường, rồi bước vào đời cùng xây dựng miền Nam, trong số đó có tác giả bạn tôi, Chính Nguyễn, một sĩ quan Không Lực VNCH.
Nay "Mẹ" quá lớn tuổi rồi, "Mẹ" không còn thấy rõ nữa, khi thanh xuân tuổi trẻ "Mẹ" sống tại miền bắc trông tin chồng mà có những chiều tác giả kể lại nước mắt "Mẹ" buồn rơi khi nhớ chồng. Rồi khi tác giả đi "học tập cải tạo" thì "Mẹ" lại trông đứng trông ngồi. Khi tác giả vượt thoát ra xứ ngoài, dù "Mẹ" biết con mình bình yên, nhưng tình "Mẹ" thương nhớ con để nước mắt mẹ già lại tiếp tục rơi từ bên kia Thái Bình Dương.
"Mẹ tôi bây giờ đã chín mươi với những nếp nhăn nhọc nhằn hằn trên gương mặt già nua cằn cỗi theo tháng năm, và mắt đã kém luôn mờ lệ nhắc tên từng đứa con và ước ao trở lại quê nội ngoạị khi nằm xuống. Tay mẹ tôi đã run không cầm được đũa để ăn, đôi chân đã yếu chậm chạp bước đi trong patio, nhưng mẹ vẫn không yên được nỗi lo cho mấy đứa con còn lại bên kia biển Đông...
Lòng mẹ tôi đã chia hai trong nỗi sầu xa xứ, thương con mỏi mòn trên nước ngoài, xót đoạn trường cho những đứa con còn lại quê nhà: Bao giờ con khóc ôm chân mẹ,
Là lúc mẹ hiền khuất chia ly
Luôn mãi đời con sầu đất lạ,
Đâu còn ai nữa dẫn con đi…!
Những năm tháng dài trong cuộc đời, tôi cũng chưa làm được gì cho chính tôi…! Mẹ tôi cũng đã có những bước đi run rẩy, lúc nhớ lúc không, lúc nói thật nhiều, lúc ngồi yên như tĩnh tâm và nhìn đời bằng đôi mắt lạc thần cằn cỗi…!
Đời mẹ đã bao lần đi tỵ nạn Cộng Sản, chiến tranh…!
Mẹ tôi đã không có mùa xuân…!
Mẹ, Mẹ đời con nghèo thân vất vưởng
Nợ quê hương gánh mãi tuổi xế chiều
Ba mươi năm lẻ vẫn mang hận lụy
Đời bèo trôi sông lạ tủi nhục nhiều
Mẹ, Mẹ ba mươi tháng tư rồi đấy
Thân mẹ gầy cúi mãi mỏi lưng còng
Con lưu lạc tìm đường về cố quốc
Mẹ đừng buồn, cùng đừng đứng chờ mong
Mẹ, Mẹ con quì đây, đầu vái lạy
Quay hướng nhìn con dõi mắt hướng đông
Khóc thương mẹ, tủi quê nghèo vận nước
Ước một ngày đường hoa chợt đơm bông...
Mẹ đó, con đây… Cánh tay nào vươn ra cho con nắm được tay Mẹ, trong khi lòng Mẹ, lòng con như biển động sóng gào, và nước mắt Mẹ, nước mắt con đã làm cho biển mặn thêm…!
Mẹ ơi…! có mùa Xuân nào sẽ đến để cho con vui hát bên Mẹ những bài ca đồng dao quê nội xứ Bắc. Có mùa Xuân nào sẽ tới cho con được ôm chân Mẹ, để con được Mẹ dỗ dành bằng tiếng hò yêu dấu ngàn đời trên sông Hương, vang vọng núi Ngự. Có mùa Xuân nào thanh bình để con về tắm giữa dòng Cửu Long, hầu rửa sạch những đớn đau chua xót hận thù một kiếp…!
Mẹ…! Lưng Mẹ còng, còm cõi nhưng vẫn dựa vào cha hùng tráng bên dãy Trường Sơn, mặt Mẹ vẫn trông ra biển Đông và tóc Mẹ vẫn rũ xuống trải dài trên biển vắng về khuya để khóc đợi con về…
Mẹ… Mẹ ơi…! Chúng con vẫn gọi Mẹ… Mẹ Việt Nam ơi… muôn đời và muôn kiếp không thôi…!"
Tôi xin hân hạnh giới thiệu tác phẩm "Mẹ Tôi" của tác giả Chinh Nguyễn, bằng văn phong của nhân chứng sống qua những năm tháng chiến tranh của hai cuộc chiến chống Pháp và Quốc Cộng, và qua tâm sự đời anh gói ghém nhiều chi tiết sống động lồng trong sự trải dài lịch sử khổ đau của dân tộc. Sách cho thấy bối cảnh người dân quê quá nhọc nhằn, quá tội nghiệp, và quá thương tâm khi tranh tối tranh sáng giữa hai lằn đạn, mà những thế hệ con cháu chúng ta tại hải ngoại này có thể xem đây là chuyện hoang tưởng. Ngoài chuyện "Mẹ Tôi" được dùng làm đề tựa ra còn có (9) tác phẩm khác nữa như: Trở Giấc, Nỗi Buồn Mang Theo, Nỗi Băn Khoăn, Mùa Xuân Trong Lòng, Những Mùa Noel Cũ, Bạn Tôi, Anh Em Tôi, Bay Vào Lòng Mẹ, và Niềm Riêng. Tôi thấy rằng mỗi bài có những nét hay riêng, mỗi bài làm lòng tôi bâng khuâng, chùng xuống trong ý nghĩ man mác như khi đến đoạn cuối của bài "Nỗi Băn Khoăn", tác giả kể về dì Chúc, tức người em ruột của "Mẹ". Khi "Mẹ" đau dì bán chiếc khuyên vàng lo thuốc thang cho "Mẹ", vào những ngày hàn vi trước 54, như chi tiết trong bài "Mẹ Tôi" kể lại. Tôi muốn để chữ Mẹ trong ngoặc kép như tên gọi, cùng ám chỉ một danh từ riêng thân thương. Trong ý tưởng chung hay riêng thì lòng Mẹ bao la, tình Mẹ bao giờ cũng chứa chan nhân ái; Với tôi, tôi thích đọc tất cả những bài văn tri ân đấng sinh thành. Hôm anh email tôi bản thảo để đọc. Bài viết đầu tiên thu hút những ấn tượng đáng nhớ lắm về "Mẹ Tôi", đã khiến tôi vô cùng xúc động với những gì tác giả ghi nhận từ ký ức cũ của mình.
Điểm sau cùng là người bạn đời Mỹ Thanh của tác giả, chị đã chia sẻ tất cả những nỗi khổ đau của đời anh, và chính chị đã khuyến khích anh viết lại và xuất bản sách này. Hôm Tết Nguyên Đán 2006 tôi gặp anh trong buổi tiệc liên hoan của Thời Luận, anh kể tôi chị Mỹ Thanh đôn đốc anh hãy viết lại những tháng ngày hàn vi nơi đất Bắc. Giờ đây anh đã hoàn tất một tuyển tập truyện ngắn dầy khoảng 150 trang như lời cổ động của người hiền thê. Hình bìa sách là bức tranh mẫu rất đẹp mắt, vẽ cò mẹ cùng đàn cò con dại như chuyện gia đình của cụ Tú Xương thuở trước. Riêng với "chị cò" Mỹ Thanh, tôi xin dâng đóa hoa hồng để cám ơn những khuyến khích đáng quý và nó cũng là nổ lực cần thiết của chị để anh hoàn thành văn tập này vậy.
Việt Hải Los Angeles

No comments:

Post a Comment