Wednesday, December 25, 2013

TRANG NHÀ

Chuyện Ngắn vui buồn đời lính 


NĂM NGỌ NÓI CHUYỆN "NGỰA"

Phạm Hoàng Chương

Một năm Tỵ nặng nề với quá nhiều thiên tai, bão lụt, cháy rừng, súng đạn giết người ở Mỹ, chiến tranh chết chóc ở Syrie, nhiều tai họa xảy ra trên thế giới sắp hết , nhường chỗ cho năm Giáp Ngọ sắp tới với ánh sáng hứa hẹn hi vọng tươi hồng cho nhân loại, đặc biệt là Việt nam.

NGỰA xưa nay được coi như một con vật dũng mãnh, di chuyển cực kỳ mau lẹ như vũ bão, giúp con ngừời  trong nhiều công việc khác nhau, kéo xe, săn thú, đánh giặc...khác hẳn loài trâu bò to xác lù đù, chậm chạp, chỉ biết chở đồ, hay cày bừa. Ngựa ăn cỏ, nên nuôi ngựa không tốn kém như heo vịt, chó gà. Ngựa có nhiều giống, da nhiều màu, lớn nhỏ nhiều kích thứớc, cũng như lòai người, chó mèo, chim chóc...Ngựa vằn, ngựa bạch, ngựa đen, ngựa nâu, ngựa hồng.... Thêm vào đó, ngựa lại có vóc dáng đẹp, oai vệ, mà thanh tú. Nhiều họa sỹ thích vẽ ngựa, và nhiều bức tranh ngựa tuyệt đẹp nổi tiếng được trưng bày ở các sảnh đừờng đại gia hay viện bảo tàng các nứớc Âu Á. Ngựa đặc biệt chỉ có một móng, không như trâu bò có hai móng, nên chẳng những với ngựa chiến, ngựa thồ ở miền núi hay ngựa cưỡi ở miền xuôi cũng được người ta đóng thêm móng sắt, trùm vào móng ngựa cho ngựa khỏi đau chân và không mòn móng khi đi đường. Cứ vài tháng, họ phải đóng lại móng sắt cho ngựa, nhất là ngựa thồ ở miền núi phải đi trên các đường đá và leo núi, rất mau mòn, long móng . Ngựa dùng chở đồ, chở khách, phát thư, có ngựa dùng đánh nhau, có ngựa nhảy cao, chạy đua, săn đuổi hươu nai, dành cho dân qúi tộc Âu châu tiêu khiển. Ngựa tự bảo vệ mình bằng cách nhảy dựng lên, hí vang trời, chồm 2 chân trứớc lên bổ vào kẻ địch, hay dùng cú đá hậu để thóat thân. Ngựa cũng được Trời phú cho  linh tính đánh hơi sự nguy hiểm đang xảy ra ở phía trước, nhất định ngừng lại không chịu đi tiếp. Anh em họ cùng gia đình với ngựa có Lừa. Lừa không khỏe, nhanh và thông minh như ngựa, nên chỉ dùng để cởi và chở hàng hóa . Khi ngựa và lừa giao phối  nhau thì đẻ  ra con vật gọi là LA. La là con thú đặc biệt, không thể sinh sản được nữa.

Trước khi các loại xe hơi xe lửa chạy bằng động cơ, hơi nước được phát minh , trong nhiều thế kỷ, ngựa đã được xem như con vật quí và khỏe, giúp con người di chuyển mau lẹ, chuyên chở, tìm ra các vùng đất mới và để đánh nhau với quân địch. Ngay cả xe hơi sau này chế ra thay cho ngựa, cũng vẫn dùng chữ "Mã lực" để phân biệt sức mạnh và tốc độ. Nói đến chiến tranh thời xưa, không thể không nói tới ngựa( chiến mã). Ngựa với người như bạn thân, cùng sống cùng chết, như hình với bóng trong chiến tranh thời xa xưa. Ngựa chở tướng sóai cầm cờ chỉ huy quân lính. Ngựa kéo xe. Kỵ binh cởi ngựa bắn cung. Sĩ quan ngã ngựa là thua , bị bắt làm tù binh... Cho nên khi cả ngựa lẫn người kỵ sĩ chết thì binh lính xẻ da ngựa mà bọc xác chủ mang về. "Da ngựa bọc thây" xuất xứ từ câu nói khí khái của Mã Viện nói với vua Quang Vũ nhà Hậu Hán ngày xưa: “Đại trượng phu nên chết ở chiến trường, lấy da ngựa bọc thây, chứ lẽ đâu lại chết trên tay đàn bà..”. Câu nầy nói về chí khí làm trai là nên xông pha nơi trận mạc chứ chẳng nên ru rú ở xó nhà.

 Quân Mông cổ ngày xưa, nhờ ngựa mà bách chiến bách thắng, đánh bại các nước lớn Âu Á trên bản đồ thế giới, làm chủ  đất đai Nga sô và Trung hoa một thời gian. Thành Cát tư Hãn nổi tiếng cũng nhờ ngưa chiến.Thậm chí lịch sử văn chương Trung quốc để lại còn ghi chép "Vó ngựa quân Mông cổ đi dến đâu, cỏ chết tới đó không mọc lại nổi." Việt nam cũng có sự tích "Phù đổng thiên vương" nhổ tre, cỡi ngựa sắt, phá giặc Ân, nói lên công trạng của ngựa trong việc giữ nứơc, chống xâm lăng.


<<( Ngựa trong đám cưới Hoàng Gia)

Ở châu Mỹ, năm 1518,Tây ban Nha đổ bộ Mexico, cỡi 16 con ngựa chạy khắp đất Mễ tìm vàng. Dân da đỏ bản xứ chưa bao giờ thấy những con vật hùng mạnh nhanh nhẹn như vậy, tuởng là con vật Trời sai xuống giúp cho dân da trắng, sợ hãi qui hàng răm rắp. sau họ bắt chước tập cỡi ngựa bắn cung. Về sau đàn ngựa Tây ban nha bỏ lại không còn dùng nữa trong việc di chuyển, qua nhiều thế hệ, biến thành  ngựa hoang, phóng như điên, dân Mễ gọi là Mustang. Một hãng xe  lấy Mustang đặt tên cho hiệu xe mình, tới nay vẫn còn nổi tiếng. Thời dân Anh sang khai phá vùng Hoa kỳ ngày nay, trong cuộc chinh phục miền viễn tây, cũng dùng ngựa di chuyển và chở cả gia đình băng qua sa mạc, kiếm nơi lập nghiệp trong những chíếc xe rộng trùm kín vải do đàn ngựa nhiều con kéo, làm đề tài cho phim ảnh Holywood một thời. Thời La Mã, và ngay cả dứới thời vua Nguyễn nứớc mình, luật pháp đã dùng ngựa để xé xác tứ chi tội nhân (tứ mã phân thây) một cách tàn nhẫn. Bà Bùi thị Xuân, nữ tuớng anh hùng của vua Quang Trung, đã bị  Gia long hành hình bằng cách " tứ mã phân thây" này, cột tay chân vào 4 con ngựa, quất roi cho ngựa chạy 4 phía khác nhau, phân cái thân xác ra thành 4 miếng. Thật là hình phạt ác độc, ghê rợn đối với  phụ nữ thời bấy giờ.
Trung hoa có loại cờ tuớng có Tướng, có Sĩ, có Xa (xe) có Mã(ngựa) nói lên tầm quan trọng của ngựa trong việc chiến chinh dẹp lọan đời xưa.

 Trong tử vi Tàu, có một sao quí quan trọng chủ tay chân, sự di chuyển đi lại, là Thiên Mã. Thiên MÃ gặp Triệt là què tay què chân, hay di chuyển gặp tai nạn, lái xe bị ticket, accident, vựơt biên bị bắt,rớt máy bay, hay người thân bị chết.... MÃ gặp Tuần, làm gì cũng lận đận, trục trặc trong bứớc dầu. MÃ đi với thiên hình là tai họa trứớc mắt. MÃ ở Mệnh là người có nghị lực, óc tháo vát, quán xuyến xoay sở giỏi, có nhiều tài năng. Mã đi với Lộc là buôn bán làm ăn giàu có, đôi khi giỏi về văn chương. Mã khốc khách là thời vận công danh bộc phát đang lên như ngừời chiến sỹ cuỡi ngựa có nhạc khua reo vang lừng. MÃ gặp Tràng sinh là may mắn, hanh thông. Tang môn thiên mã là chia lìa, chết chóc. Tiền CÁi hậu MÃ (Cung Mệnh có Hoa cái và Thiên mã hai bên)  là cách đỗ ra làm quan, có lọng đi trứớc, có ngựa theo sau...Đại tiểu hạn có Mã, hay Hao, thế nào cũng phải đi xa, thay đổi chỗ ở, hoặc nghề nghiệp.
Ở Hy lạp, có câu chuyện về ngựa nổi tiếng là "Con ngựa thành Troy" (TROJAN HORSE). Theo thần thoại Hy lạp,   đời thượng cổ, ở  mạn bắc Tiểu-á-tế-á có thành Troy là một đô thị giàu có, dân cư đông đúc, từng được thi hào Homère ca ngợi trong tập anh hùng ca Iliade. Người Hy lạp muốn chiếm thành Troy, nên đã phát động một cuộc chiến tranh kéo dài trong 10 năm nhưng vẫn không chiếm được. Cuối cùng, tướng Odysseus cuả Hy lạp nghĩ ra kế chế ra một con ngựa bằng gỗ khổng lồ, cho quân sĩ nấp vào trong ruột rỗng con ngựa, rồi đẩy tới trước cổng thành. Sau đó quân Hy lạp bỏ về, làm như muốn bỏ tham vọng chiếm thành từng theo đuổi lâu nay. Từ trong thành, quân Troy trông thấy, vội mở cửa kéo ra, đoạt lấy con ngựa hí hửng kéo vào thành. Đến tối, quân Hy lạp từ trong bụng ngựa tuôn ra, cùng với quân mai phục ở ngoài tràn vào đánh phá và chiếm được  thành. Từ đó điển tích "con ngựa thành Troy" được ám chỉ sự nội ứng, hay dùng để chỉ những âm mưu quỷ quyệt,  được che đậy bằng  hình thức tốt đẹp bên ngoài.
Ca dao tục ngữ  Viêt nam có nhiều câu liên quan tới ngựa. Vì trâu bò, lừa ngựa là tôi mọi dùng để chở đồ cho chủ, nên thấy ai mắc nợ ai không trả thì hăm dọa kiếp sau sẽ phải " làm thân trâu ngựa, đền nghì trúc mai".

"Cưỡi ngựa xem hoa" là kiểu đi dạo , coi cảnh coi ngừoi qua loa cho biết, chứ không nắm rõ điều gì kỹ lưỡng, vì ngựa đi nhanh quá làm sao mà coi kỹ được. Ngựa lại có tánh hễ đi mãi một đuờng là quen với đừờng ấy, không chịu rẽ qua lối khác, đi đâu rồi cũng quay lại lối cũ, nên  cổ nhân có câu   "Ngựa quen đuờng cũ", là cách nói ngừời dù có sửa đổi gì cũng vẫn chứng nào tật đó. Khi chàng sở khanh nào ăn nằm với cô gái xong rồi sợ trách nhiệm, bỏ chạy mất, thiên hạ gọi là "quất ngựa truy phong". Trẻ mà quá hăng hái, đòi ăn thua đủ, tranh dành với ngừoi khác, bị mắng là "Ngựa non háu đá". Gần đây, tự điển dân gian ngòai luồng lại có thêm câu "Ngựa già ham gặm cỏ non"chỉ cho mấy "khứa" VK già, răng đã rụng,  mà thích về VN chơi trống bỏi, kiếm các cháu gái mới lớn làm "bồ nhí", bỏ bà vợ già quá "đát" ở lại Hoa kỳ. Con gái phụ nữ mà quá "lăng lòan", hay giao thiệp bừa bãi, quá trớn cũng bị gọi là "ngựa", có lẽ ngựa cái khi đã lên "cơn" rồi thì buông lung, lồng lộn lên, không ai kềm giữ được. Người có tánh nói thẳng không sợ làm mất lòng, được gọi là "thẳng ruột ngựa", vì ngựa bao tử nối với ruột  suông đuột, không vòng vo rắc rối như trâu bò thuộc loài nhai lại.

Người Tàu có câu: Nhất ngôn ký xuất,tứ MÃ nan truy" nói về chữ TÍN. Lời nói khi đã thốt ra, bốn con ngựa rượt theo bắt lại không kịp. Ý nói ngừoi quân tử ăn nói phải cẩn thận, phải uốn lưỡi 7 lần trước khi nói, khi đã hứa điều gì thì phải làm cho bằng được. Tôi nhớ hồi học lớp ba, trong sách Quốc văn, có đọc  chuyện bên TÀu ngày xưa một anh chàng nọ có thanh kiếm báu, sắp phải ra trận, hứa với ông bạn khi trở về sẽ tặng kiếm cho, nhưng một năm sau khi trở về thì bạn đã chết, chỉ còn là nấm mộ bên cây đa to. Chàng kiếm sỹ vái lạy trước mộ bạn, giữ lời hứa, tháo gươm ra, treo lên cành cây, cạnh mộ  cho ngừời đã khuất, rồi bỏ đi.  Tôi vô cùng cảm kích câu truyện đó, tự dưng bắt chước hành động khí khái của chàng hiệp sỹ đó  đến cuối đời, không cần học qua sách luân lý, đức dục nào khác của nhà trừờng dạy.Thế mới biết giáo dục tánh tình cho trẻ con, không cần nói nhiều, chỉ kể chuyện các bậc quân tử anh hùng nhân đức trong thiên hạ xử sự là có hiệu quả.

"Tái ông thất mã", trong Cổ học tinh hoa, cũng là một câu chuyện nổi tiếng có dính tới Ngựa, mặc dù trọng tâm nằm ở chỗ khác, nói lên triết lý "trong cái xui có cái hên, trong cái hên lại có cái xui". Tái ông mất con ngựa, bà con tới chia buồn, ai ngờ con ngựa lại mang về một con ngựa khác. Bà con kéo tới chia vui, ai ngờ đứa con vì ham cỡi con ngựa mới mà té gãy chân. Bà con tới chia buồn, ai ngờ nhờ vậy mà khi giặc tới, thanh niên đều bị nhập ngũ, chỉ có ngừời con được miễn(vì gãy chân) ở nhà hú hí với cha già.
"Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ"cũng là một câu hay,  dựa vào việc thực tế, quan sát một chuồng ngựa, thấy con vật biết chia sẻ vui buồn, họan nạn, mà nói lên tình tuơng thân tuơng ái giữa con ngừoi với nhau.Tiếc thay, xã hội Vn ngày nay không còn cảnh đó nữa, con người xâu xé tàn nhẫn bóc lột nhau tỉnh bơ. Một ngừời trợt ngã xe máy ở Saigon, cả chục ngừoi xúm lại nhặt, cướp đồ đạc rơi rớt rồi bỏ chạy, mặc cho nạn nhân chảy máu trầy trụa nằm đó, không  ai buồn gọi xe cứu cấp. Con ngừoi dứới chế độ xã hội chủ nghĩa còn thua xa con ngựa.
"Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã"  nói lên ý ai hợp tính nhau thì ưa tụ tập với nhau chơi. Nguời tốt thích chơi với ngừoi tốt, kẻ xấu thích chơi với kẻ xấu. Cách ngôn Pháp có  câu tuơng tự: "Dis moi qui tu hantes, je te dirai QUi tu es", dịch tiếngViệt là "Hãy cho tôi biết anh chơi với ai, tôi sẽ  biết anh là loại ngừời nào".

Tiếng Anh có một câu về ngựa:  "Put the cart before the horse", y như câu "Đặt cái cày trứơc mũi con trâu" của ta, ý nói làm trước rồi mới nói sau, áp đặt người ta vào chuyện đã rồi..
Trong tòa án, bị cáo phải ra đứng trước "Vành móng ngựa", trả lời chánh án và nghe định tội. Do đâu mà có từ "vành móng ngựa" này? Móng ngựa được coi như món đồ đem lại may mắn cho ai lượm đụợc. Thế sao bị cáo phải đứng“trước  vành móng ngựa ” . Ngày xưa, ở La Mã, khi xử tội, trừng trị các phạm nhân, người ta  dùng ngựa để xé xác, hoặc dày xéo lên thân thể  . Nhưng vành móng ngựa ở tòa án đâu có ăn nhằm gì tới con ngựa xé xác tội nhân.Tiếng Anh, gọi đây là bar (of courts) . Tiếng Pháp là barre (au tribunal)... được thiết kế giống theo hình chiếc móng ngựa, nên từ hình dáng này, tiếng Việt quen gọi nó là vành móng ngựa. Nếu bảo rằng, chiếc vành móng ngựa dành cho các bị cáo đứng trong phiên tòa xuất phát từ hình thức tử hình xé xác, dày xéo bằng ngựa theo luật La Mã thì không đúng.  Kết hợp với các nguyên tắc pháp lý được áp dụng rộng rãi tại các quốc gia, có thể thấy, chiếc vành móng ngựa đặt trước mặt bị cáo trong phiên tòa mang một ý nghĩa hết sức nhân bản. Nó dùng để bảo vệ bị cáo như vật bảo vệ cái móng ngựa , hàm ý Bảo bọc ,Chở che người vô tội trước định kiến (nếu có) của người “cầm cân nảy mực". Hay chính xác hơn, nó biểu hiện cho nền văn minh nhân loại, thể hiện dưới góc độ luật học, hơn là thể hiện “sự nghiêm minh và hà khắc của pháp luật” bằng cách  voi dày, ngựa xé.
Sau cùng,nói đến chuyện Sấm Trạng Trình nứơc ta, ai cũng nhớ hai câu kỳ bí , dính tới năm Ngựa mà chờ mãi chưa thấy ứng :
MÃ đề DƯƠNG cước, anh hùng tận,
THÂN DẬU niên lai, kiến thái bình.
 MÃ, tiếng Hoa,  là ngựa (ngọ). DƯƠNG là con dê (mùi). Năm Ngọ năm Mùi, "anh hùng" sẽ tiêu tán đường. "Anh hùng" đây có thể là TQ với mộng bá chủ thiên hạ chiếm biển Đông làm của riêng, bị MỸ cảnh cáo , cũng có thể là chư hầu VN, cố sức gìn giữ chế độ độc tài đang thời kỳ lung lay rã rệu, bị dân oan chống đối khắp nơi, cọng thêm kinh tế  suy xụp thê thảm, chưa ai biết chắc khi nào chuyện "anh hùng tận " sẽ xảy ra trong 2 năm tới. Sau đó, qua năm Thân, năm Dậu, ánh sáng của tự do, no ấm sẽ đến chiếu sáng rạng ngời (?).
Trước thềm năm mới, chuẩn bị nhảy lên lưng con ngựa Giáp Ngọ, quất roi xung phong tới trước, cầu chúc cho tất cả quí vị độc giả, mọi người mọi nhà, được sức khỏe như con ngựa đua dũng mãnh, làm việc gì cũng mau chóng thành công mỹ mãn, đạt đựợc thắng lợi vẻ vang. Cầu cho dân tộc mình như con chiến mã anh hùng, chiến thắng ngoại xâm, tiêu diệt thế lực áp bức độc tài, đem lại tự trị độc lập thanh bình cho đất nứớc thân yêu....


No comments:

Post a Comment