Friday, August 6, 2010

Thấm Nghiã Ân Tình ( Một câu chuyện có thật và cảm động)

Cô Đức An, vai đeo túi đựng hũ tro cốt của chồng, ôm con trai cả từ giã trước khi lên đường sang Hoa Kỳ định cư – ảnh tài liệu gia đình.
(Thương tặng cô An và kính gửi hương hồn chú…)
Tôi quen cô Đức An từ vài ba năm nay, nhưng đến khi biết rằng ông xã cô đã qua đời từ rất lâu, mà cô vẫn ở vậy với các con, thì tôi ngạc nhiên lắm, bởi vì cô An là một người phụ nữ rất có duyên, dễ thương, lại dịu dàng nữa... thì chắc chắn là phải có nhiều ông theo lắm. Tò mò, tôi hỏi cô lý do nào mà cô vẫn ở vậy từ sau đám tang của chú. Và câu chuyện bắt đầu...

Ngày ấy...

Cô thợ may hiền dịu, khéo léo bước về nhà chồng năm 21 tuổi, nhưng chuyện tình của cô chú không suôn sẻ như một giấc mơ. Quê cô ở Di Linh, Bảo Lộc, còn chú ở Sài Gòn. Hai người do duyên nợ mà gặp gỡ, rồi thương nhau. Cô còn nhớ rất nhiều lần, cô hỏi chú: “Sài Gòn thiếu gì cô đẹp, sao anh không chọn, mà lại lên đây tìm em?”, thì chú đều nhỏ nhẹ đáp: “Tìm sắc thì nhiều, nhưng tìm hương thì khó; em là hương, mà là hương trầm quý nữa chứ, nên anh mới phải mất công lặn lội tìm cho ra…”. Và trăm lần như một, cô gái Đức An đều e thẹn, cúi đầu, che giấu nụ cười hạnh phúc.

Gia đình cô đạo Phật, còn bên chú thì lại là tín đồ Thiên chúa giáo. Cuộc hôn nhân lúc đầu tưởng đã không thành, vì Ba Mẹ chú phản đối dữ quá, nhưng cuối cùng nhờ lòng kiên trì “năn nỉ” của chú, cộng thêm lời “nói giúp” của Cha Tổng Giám mục mà Ba Mẹ chú mới xiêu lòng. Thế nhưng ngày đám cưới, cô chỉ làm phép hôn phối, chứ không làm phép chuẩn. Tuy không ở chung với gia đình chồng, nhưng mỗi dịp đám giỗ, ngày lễ, Tết... là cả một cực hình với cô. Bà con trong dòng họ, chị em chồng..., ai ai cũng dòm ngó cô, rồi kiếm chuyện nói gần nói xa... về sự khác biệt tôn giáo. Cứ mỗi lần gặp nhà chồng, là tối về cô đều khóc. Thế là ông xã lại phải năn nỉ, dỗ dành cô. Mấy mươi năm chung sống, chú chưa hề một lần nhắc nhở gì về tôn giáo, Chủ Nhật nào chú cũng đi nhà thờ... một mình, còn hôm nào Chùa có lễ thì chú chở cô đi, chiều đến đón cô về.... Chồng làm công chức, vợ ở nhà may đồ, cuộc đời tưởng thế cũng ấm êm, nào ngờ...

Năm 1965, có lệnh Tổng động viên. Chú đi quân dịch với chức vụ sĩ quan. Mỗi tháng cô đều đến quân trường Thủ Đức thăm chú. Sau khi sanh đứa con đầu lòng, thì cô chú dọn về Sài Gòn ở luôn. Đầu năm 1975 chú mang lon Thiếu tá, và được bổ nhiệm về làm ở Trung tâm Tuyển mộ Nhập ngũ, là nơi “béo bở” mà nhiều người mơ ước. Thời đó, ai ai cũng không muốn con cháu mình đi quân dịch, nên ngày nào đi làm về, chú cũng kể cho cô nghe, có bao nhiêu người đến gặp và hối lộ chú, để xin cho con em mình được miễn quân dịch. Nhưng với bản tánh thanh liêm, chú đều thẳng thừng từ chối. Chú thường bảo với cô: “Mình tuy nghèo, nhưng ráng ăn ở hiền lành, lương thiện, mai này để đức cho con…”.

Cô bùi ngùi kể: “Nói có lẽ không ai tin, nhưng lúc đó nhà cô chú nghèo lắm. Sáng chú ăn cơm cô nấu, đến trưa chú nhịn đói chỉ uống nước trà; chiều nào về chú cũng bủn rủn tay chân vì đói quá, nằm xoài ra chờ cô nấu cơm là vội vã ăn ngay. Con có tin là có ông Thiếu tá nào mà nghèo đến vậy không ?”.

Rồi biến cố tháng 4-75 xảy đến. Chú phải vào trại tù cải tạo, còn cô thì bị buộc gia nhập tổ hợp may nhà nước. Đồng lương không đủ sống để nuôi 4 đứa con nhỏ và cái bào thai trong bụng, cô xoay qua làm đủ mọi nghề lương thiện để mong đắp đổi qua ngày. Nhưng được cái là tính cô cứng cỏi lắm. Cứ mỗi lần sắp khóc là cô ráng nuốt nước mắt ngược vào trong, để các con đừng nhìn thấy....

Buồn nhất là lần đầu tiên cô gặp chú ở trại tù cải tạo. Chú hỏi: “Em có thai chưa?”, cô gật đầu. Chú căn dặn: “Không hiểu sao anh có linh tính con mình lần này sẽ là trai, mà nếu đúng vậy, em nhớ đặt tên con là Tuấn Nghĩa nhe em…”. Không đợi cô nói gì, chú tiếp: “Anh muốn con mình tên Nghĩa, bởi vì những ngày qua, nằm một mình trong tù, anh mới thật sự hiểu rằng, vợ chồng sống cả đời với nhau, không chỉ bằng cái tình, mà còn vì cái nghĩa. Cám ơn em thật nhiều…”. Và đó là lần đầu tiên cô An đã khóc trước mặt chồng. Và quả nhiên, đứa con trai ra đời sau đó đã mang cái tên Tuấn Nghĩa...

Cô kể với giọng ngậm ngùi: “Lần nào chuẩn bị vô thăm nuôi chú, là cô vét sạch tiền trong nhà, chỉ đủ mua 800 gam thịt. Năm mẹ con ăn chung 200 gam, để dành 600 gam làm đồ kho mang vô cho chú ăn dần”. Cứ mỗi lần đi thăm chú, cô ngồi ráng tìm chuyện vui để kể chú nghe, mong chú lên tinh thần mà sống còn. Trong khi cô vừa kể mà cứ ngồi nhìn lên trần nhà, để nuốt thầm những giọt nước mắt cứ chực ứa ra. Cô nói đùa với chồng: “Nếu ngày xưa, anh ráng để dành ‘Đức Thánh Trần’, thì bây giờ anh đã có thịt mà ăn; còn bây giờ mình để đức cho con, thì thôi anh ráng muối mè với đậu vậy...”. Thế là hai vợ chồng cùng cười, nửa buồn nửa tủi...

Có một kỷ niệm buồn cô còn nhớ mãi. Cái gọi là “nhà” của cô lúc đó chỉ là 4 tấm vách bằng ván thùng ghép lại, trên đầu là tấm tôn nóng hừng hực. Bốn góc là bốn cây cột để chống giữ. Tối nào cô cũng lãnh đồ về may đến 3 giờ sáng, thì khuya hôm đó không hiểu sao, một cái cột nhà sập xuống, suýt đè chết 5 mẹ con cô. Cô may mắn kéo kịp các con ra ngoài thoát chết, rồi mẹ con cô cứ thế ôm nhau mà khóc tức tưởi, khóc bù cho tất cả những đau khổ, uất ức cố dồn nén từ những năm tháng qua. Cũng may, có ông anh họ thấy vậy thương, bán chịu cho cô một con heo. Nhà thì nghèo rớt mồng tơi, không có gì cho heo ăn cả, chỉ cho nó uống nước, vậy mà nó lớn nhanh như thổi. Bán con heo, trả tiền vốn cho ông anh họ, dư chút tiền cô mới sửa lại cái cột nhà...

Năm 1980, chú được thả về. Cô mở tiệm may nho nhỏ, chồng con phụ giúp một tay, nhưng được cái là cô may rất khéo tay, nên khách đến đông lắm, nhờ vậy mà cuộc sống gia đình 7 miệng ăn cũng lây lất qua ngày. Thời gian này cô chú nộp hồ sơ xin đi theo diện HO. Đó là cái mơ ước lớn nhất trong đời của chú. Cô kể: “Tập hồ sơ HO. chú cất kỹ lắm, quý như vàng vậy; đi đâu về nhà là chú lật đật chạy lại chỗ chú cất xem ‘nó’ còn không. Chú thường bảo: ‘Chỉ mong 5 đứa con mình được ra ngoại quốc cho có tương lai. Cả đời mình lương thiện, nên anh tin rằng các con mình sẽ được hưởng phước đức...’”.

Thế mà thật không may, chú mắc phải chứng bệnh ung thư tuyến giáp trạng và mất vào đầu năm 1995. Những tháng ngày hấp hối trên giường bệnh, chú cứ ôm khư khư tập hồ sơ, lầm rầm cầu nguyện Đức Chúa. Lúc này cô cũng không muốn đi cho lắm, vì cô con gái lớn đã có chồng, nên không đi theo được; mà cô thì chỉ muốn các con ở đâu, mẹ ở đó, sướng khổ có nhau. Chú thì lại không đồng ý. Chú bảo: “Con Hai có chồng thì không đi, nhưng còn 4 đứa kia, em phải nghĩ đến tương lai của tụi nó chứ. Em hứa với anh nhe, nếu anh có bề gì, thì em phải đi qua Mỹ với các con, em hứa đi...”. Và cô đã hứa...

Ngày được gọi phỏng vấn, cô và các con vẫn còn quấn vành khăn tang trắng. Vì người đứng tên hồ sơ là chú, nay vừa mất, nên hồ sơ bị hoãn lại. Ai ai cũng bảo là cô sẽ không đi được. Nhưng lúc này đầu óc cô rối bời, chỉ lo làm đám thất cho chồng, chứ không còn nghĩ đến việc gì khác nữa. Cô phó thác mọi việc cho Trời. Trước hôm vào phỏng vấn, cô vừa khóc vừa khấn trước bàn thờ chồng: “Anh có linh thiêng thì về phù hộ mẹ con em cho qua được ‘cửa ải’ này...”.

Cuộc phỏng vấn kéo dài rất lâu, ông người Mỹ bảo rằng, vì chú mất nên hồ sơ phải hủy bỏ, và như vậy thì cô và các con không đi được. Giây phút đó, cô ngồi nhớ những lời chú căn dặn, và tự nói thầm với chú: “Em đã làm hết tất cả sức mình theo lời anh, nhưng được hay không thì không phải do em quyết định; nếu anh muốn các con mình có tương lai, thì anh về phù hộ cho tụi nó...”. Bỗng dưng cô nghe lạnh sau ót, rồi đến hai bàn tay, và đột nhiên cái ông người Mỹ lúc nãy trở ra, nhìn thẳng vào mặt cô, cười và tuyên bố: “Thôi, chúng tôi cho gia đình bà sang Mỹ vì lý do nhân đạo vậy”.

Cô sững sờ, không tin đó là sự thật, và mãi cho đến giờ phút này, cô vẫn luôn luôn tin tưởng là linh hồn chú luôn luôn che chở cho cô và các con. Ngày tiễn cô ra phi trường, cô con gái và cậu con trai khóc sướt mướt, còn cô thì vai đeo hũ tro cốt của chú, hai tay cứ ôm ghì lấy hai con mà khóc. Cô con gái có chồng nên ở lại, cậu con trai cả thì vào đại học nên phải cắt hộ khẩu, nên cũng không được đi...

Cô và ba con qua Mỹ năm 1995. Tám tháng đầu cô được lãnh trợ cấp HO., rồi sau đó cô ở nhà may đồ. Lúc đó nghèo quá làm gì mà có tiền mua máy may, cô lại khóc trước bàn thờ chú. Và hôm sau tự nhiên có cô bạn quen người Hoa, lúc vài tháng trước làm chung với cô ở hãng may, gặp lại cô và cho cô mượn tiền mua hai cái máy may để nhận đồ về nhà may. Rồi người ân nhân này lại còn sốt sắng tìm mối giao cho cô may.

Sáng các con đi học, cô ở nhà miệt mài may. Chiều tối về là bốn mẹ con cùng ngồi may cho đến 3 giờ sáng. Chắt chiu dành dụm, cô mới đủ tiền trả cho người ân nhân, rồi mua chiếc xe cũ để đi nhận và giao hàng...

Bây giờ...

Cô con gái cùng chồng con đã được cô bảo lãnh qua Mỹ năm 2009. Cả cậu con trai ngày xưa cũng vậy. Giờ thì cô An sống vui tuổi già với con cháu. Cô tham gia Hội Phụ nữ, may áo dài cho hội đoàn, tiếng lành đồn xa, ai ai cũng khen cô khéo tay, áo cô may nguời ốm mặc sẽ thấy đầy đặn hơn, còn ai hơi mũm mĩm thì sẽ trông thon thả bớt. Cứ thế mà cô chưa hề tốn tiền quảng cáo ngày nào, mà khách hàng cứ đến nườm nượp, may không kịp. Rồi đến các chùa nhờ cô may áo tràng cho Phật tử, các hội đoàn đặt may đồng phục. Cô may chỉ lấy công làm lời, vì may, thật sự là một niềm vui của cô.

Tuy có hơi lớn tuổi, và đã vài lần cô có ý định về hưu, nhưng bạn bè cứ tìm đến, năn nỉ cô may áo, và cô không từ chối được. Cô bảo đó là cái nghiệp. Nghiệp “may” gắn bó với cô suốt cả cuộc đời. Có những người bạn ra đi, cô An đều may tặng chiếc áo liệm trắng, như một kỷ vật cuối cùng cho bạn. Tình cảm thương yêu của cô dành cho mọi nguời thật sự là một cái “đức” mà cô đã, đang và vẫn luôn luôn để dành cho con cháu...

Ngồi ôn lại quãng đời qua, cô tin rằng cô chú đã làm đúng khi chọn “để đức cho con”, bởi vì các con cô, có lẽ nhờ đức thanh liêm của chú, mà bây giờ đứa nào cũng nên người, thành tài hết cả.

Niềm vui của cô bây giờ là làm việc thiện. Cô thường đến khu nhà người già, chăm sóc, nói chuyện, an ủi họ, như một cách để cô báo hiếu cho Mẹ cô. Cô kể tôi nghe rằng, khi cô qua Mỹ chưa đầy một năm, thì mẹ cô mất ở

Việt Nam vì bệnh gan. Khi đó cô chưa có thẻ xanh, nên không về được. Cô chạy vạy, hỏi thăm hết người này người nọ để xin Re-entry permit, chỉ mong được nhìn thấy mặt mẹ lần cuối. Ngày cô rời Việt Nam , Mẹ cô đã già yếu lắm rồi, nhưng bà ráng cười cho con cháu vui mà lên đường, bà còn dặn cô là nhớ về thăm mẹ. Và cô đã hứa là “con sẽ về gặp mẹ ngay sau khi con có thẻ xanh”. Thế mà đau đớn thay, khi có được thẻ re-entry permit, cô về thì... chỉ kịp làm cái thất thứ ba cho mẹ. Bởi vậy mà dường như cô có duyên với các bà cụ già, lụm cụm. Cô hay vào thăm nuôi các bà lão không còn ăn uống được, cứ nằm một chỗ. Cô ngồi kế bên đút thức ăn cho các cụ, vừa kể chuyện đời, chuyện vui cho các cụ. Có lần cô kể về Mẹ cô, bà lão người Mỹ hơn 80 tuổi, nằm trên giường, khóc rưng rức. Bà bảo cô: “Tôi không ngờ người Việt Nam lại có trái tim đầy tình thương như thế...”.
Trông cô vẫn đẹp, vẫn duyên dáng, nên có nhiều người muốn tiến tới với cô, nhưng cô An thì vẫn luôn luôn nhớ về nguời chồng quá cố, về cái nghĩa cái tình ngày xưa, nên cô chưa gật đầu với ai bao giờ. Thấy tôi nhìn chiếc nhẫn lúc nào cũng vẫn còn trên ngón tay cô, cô An cười giải thích: “Thì cô đeo vậy mà, để mấy ông đừng theo. Ông xã cô mất đã lâu rồi, nhưng cái nghĩa vợ chồng gần 40 năm, làm sao mà quên cho được...”.
Cô An có vẻ hơi mắc cỡ khi đưa tôi xem một bài thơ mà cô đã chép ở đâu đó , khi xưa cô đã đem vào trại cải tạo tặng chú. Tôi hỏi: “Thơ tình hở cô?”.
“Bậy nè, bài thơ này cô chép đem vô tặng chú, để chú lên tinh thần đó mà, vậy mà chú giữ kỹ lắm nhe, ngày mới ra tù là chú đưa khoe liền với cô đó, đọc đi con...”.

Tôi mở tờ giấy xếp tư ra, lòng chùng hẳn lại khi nhìn nét chữ ngoằn nghèo, run run:

... Gia tài em chỉ có bàn tay,
Em trao tặng cho anh từ ngày ấy
Những năm tháng cần lao anh đã thấy
Những gian khổ nhọc nhằn bên chiếc bàn may ...
Anh nghĩ gì khi nhìn xuống bàn tay
Bàn tay em ngón chẳng thon dài
Vết chai cũ, đường gân xanh vất vả...
Khi vắng anh, bàn tay em biết nhớ
Lấy thời gian may chiếc áo mong chờ
Những chiếc áo dài em gửi gấm vần thơ
Để thấy được chúng mình không cách trở ...
Bàn tay em - gia tài bé nhỏ
Em trao anh cùng với cuộc đời em...
Đức An

Rồi cô lại đưa tôi xem một lá thư mà chú đã viết gửi cô trong thời gian chú ở trong tù. Tôi ngạc nhiên vì sao mà cô có thể còn giữ kỹ đến giờ này. Lá thư gần như mục ra, nét chữ nhoè hẳn đi, tôi đeo kính mà vẫn còn đọc chữ được chữ mất, thế mà cô An thì không cần nhìn vẫn có thể đọc thuộc lòng:
... “An thương,
Bao tháng ngày dài đằng đẳng ở trong tù, anh mới hiểu rằng anh là người đàn ông hạnh phúc nhất trên đời. Bạn bè trong trại, lần lượt đứa nào rồi thì vợ cũng chia tay sang thuyền với người khác. Kiếp tù đày, biết thưở nào ra, thế mà anh có phước vô cùng, khi đã có được một người vợ hiền, chung thủy và đảm đang là em. Chỉ với hai bàn tay bé nhỏ, gầy guộc, mà em đã luôn luôn cặm cụi bên chiếc bàn máy may, kiếm từng đồng tiền nuôi chồng, nuôi con.
Cám ơn em, đã giúp anh thật sự ‘thấm’ được thế nào là tình nghĩa vợ chồng...”.

Đọc xong lá thư rồi mà cô An vẫn ngồi đó, bất động, mắt nhìn xa xăm. Tôi tôn trọng giây phút ấy, nên không dám hỏi cô điều gì nữa cả. Có lẽ đó là phút giây hạnh phúc nhất mà cô tìm gặp linh hồn của chú, để nói với chú rằng: “Anh có thấy không, bao nhiêu năm đã trôi qua, nhưng cái nghĩa tình của chúng ta vẫn luôn luôn còn mãi...”.
Phải, vợ chồng đến với nhau thường bắt đầu vì tình yêu, nhưng để có thể sống với nhau cả đời, thì lại cần cái Tình, cái Nghĩa...

No comments:

Post a Comment