Monday, September 7, 2009

Từ Lễ Vu Lan nghĩ về người phụ nữ Việt
Lê Bình, Sep 06, 2009

Cali Today News - Hôm nay là lễ Vu Lan-Rằm tháng Bảy (ngày 3/9/200 nhằm ngày Rằm tháng Bảy âm lịch) trăng trên trời thật tròn, ánh sáng lung linh huyền ảo tỏa xuống trần gian, có người bạn gọi điện thoại hỏi về ý nghĩa một bài ca dao. Bài đó như vầy:

“Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi, ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con!”

Không hiểu ý người bạn hỏi làm chi, nó có liên hệ gì với ngày Rằm tháng Bảy. Người bạn nói “nhớ mẹ”, và đọc câu ca dao nói về mẹ như muốn chia xẻ tâm cảm trong đêm Vu Lan.”

Ừ! Thì ra vậy. Bài ca dao nầy hầu như người Việt nào cũng biết, nó nằm trong kho tàng văn chương chương truyền khẩu , về sau bài này được ghi trong sách quốc văn giáo khoa thư. Về ý nghĩa chung câu ca dao nói về sự hy sinh của người mẹ. Con cò là hình ảnh được dùng nhiềuu lần trong văn chương bình dân, ca dao, tục ngữ…v.v. để chỉ sự hy sinh của người nữ, là người mẹ (như câu ca dâu trên) hoặc về người vợ “Con cò lặn lội bờ sông, gánh gạo nuôi (đưa) chồng tiếng khóc nỉ non”

Ông Nguyễn Công Trứ (?) viết:

“Con cò lặn lội bờ sông,
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.
Lộ diệc vũ tùng trung chi nhất,
Thương cái cò lặn lội bờ sông,
Tiếng nỉ non gánh gạo đưa chồng.
Ngoài nghìn dặm một trời một bước.
Trông bóng nhạn bâng khuâng từng bước … “

Trong văn thơ của của Trần Tế Xương ông thương vợ vì sự hy sinh của bà:

“Lặn lội thân cò nơi quảng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông “.

Đại ý con cò là những hình ảnh như vậy. Nhưng bắt nguồn, duyên khởi từ đâu mà người Việt Nam dùng hình ảnh con Cò làm biểu tượng cho người phụ nữ? Người bạn gọi hỏi ý nghĩa nhưng bạn đã biết ý nghĩa của nó rồi-chắc chắn là như vậy. Như những người Việt khác, khi lớn lên trong môi trường văn hóa, trong cái nôi Việt thì ai ai cũng ít nhất một lần nghe qua các câu ca dao nầy dưới dạng bài hát ru con của mẹ, ru em của chị…hoặc qua văn chương bình giảng trong các lớp học. Từ lớp đồng ấu đến các lớp lớn thi tú tài, các lớp trong chương trình đại học, từ bình dân đại chúng đến quốc văn giáo khoa thư….đều có nhắc đến thì làm gì mà bạn không hiều còn đi hỏi? Chẳng qua là trăng sáng mùa Vu lan đi chùa, nghe kinh, tham dự các khóa lễ…bạn đã nhớ dến mẹ, đến sự hy sinh của người mẹ…cho nên bạn hỏi như tự nhắc nhở chính mình.

Thật thế. Người Mẹ, người Vợ…người Phụ Nữ Việt Nam là hình ảnh gần gủi trong đời sống của người Việt. Biết bao nhiêu là chuyện về người Mẹ, người Vợ. Lễ Vu lan, kinh Vu Lan Bồn có duyên khởi từ chuyện Mục Kiền Liên cứu mẹ. Người ta mừng lễ Vu Lan và hiểu lễ Vu lan qua chuyện hiếu đạo, báo hiếu. Người ta có biết đâu kinh Phật còn nhiều câu chuyện nhắc về người mẹ, người vợ. Trong Kinh Vô Lượng Thọ, một bộ kinh thuyết giảng về cảnh giới cực lạc , tịnh độ của đức Phật A Di Đà mà duyên khởi là từ bà Vy Đề Hy. Kinh giải nghĩa rằng bà Vy Đề Hy là vợ của vua Tần Bà Sa La hai người có người con tên là A Xà Thế. Vì duyên nghiệp từ đời quá khứ cho nên khiến cho A Xà Thế giam cha vào ngục thất để cướp ngôi, mẹ A Xà Thế là bà Vy Đề Hy thương chồng lén đêm thức ăn nước uống vào ngục tối thăm nuôi chồng, con là A Xà Thế biết được muốn giết mẹ, nhưng sau nhờ quan đại thần trong triều ngăn cản nên A xà Thế không giết mẹ nhưng “an trí” bà trong cung cấm không cho ra ngoài. Bà Vy Đề Hy mới tưởng nhớ đến Phật và xin Phật chỉ cho con đường tu hành để đến cảnh giới nào không còn oán hận thù hằn con giam mẹ giết cha…v.v. Đức Phật lúc đó ở núi Kỳ Xa Quật biết được tâm nguyện của bà nên đã cùng với ngài An Nan và Mục Kiền Liên hiện pháp thân trong cung cấm giảng cho bà Kinh Vô Lượng Thọ để bà tu hành và sanh về cõi cực lạc tịnh độ của Phật A Di Đà. Những ai là Phật tử có nghe kinh, nghe pháp ắt hẳn biết sự tích của kinh Vô Lượng Thọ.

Như vậy, nhờ duyên khởi Mục Kiền Liên cứu mẹ là bà Thanh Đề mà có kinh Vu Lan, có ngày báo hiếu…và có A Xà Thế bất hiều với mẹ là bà Vy Đề Hy mà có kinh A Di Đà.Và những kinh điển đó xuất phát từ Ấn Độ dưới thời Đức Phật hoằng dương giáo pháp.

Với người Việt nếu không có đạo Phật được truyền sang chắc không biết thờ mẹ kính cha? Tại Việt Nam cũng có đạo vậy chớ. Phải không? Cũng có nhắc nhở đến mẹ chớ. Phải không?

“Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ cha kính mẹ mới là đi tu.”

…có mấy ai biết, nhớ đến và hành lễ?

Qua bà ca dao Con Cò chỉ là một hình ảnh mà thôi. Người Việt còn có đạo thờ kính tổ tiên, có đạo Mẫu.

Theo nhiều người vị cao niên cho biết Đạo Mẫu là một tín ngưỡng dân gian Việt Nam thờ các nữ thần (thường gọi là Thánh Mẫu). Đạo Mẫu là một phần quan trọng trong hệ thống tín ngưỡng dân gian của dân tộc Việt Nam. Nguồn gốc lịch sử của đạo Mẫu không được ghi lại rõ ràng trong sách vở chỉ bàng bạc trong đời sống.

Các vị được thờ trong đạo Mẫu là một người phụ nữ, hình tượng dân gian là người Mẹ, như Mẹ Âu Cơ, Thánh Mẫu Nương Nương…vừa là thần thánh lại vừa con người.

Trong tín ngưỡng tâm linh của người Việt, việc tôn thờ Nữ thần, thờ Mẫu khá phổ biến và có lịch sử xa xưa. Từ rất lâu đời, ở nước ta Nữ Thần đã được thờ cúng. Trong huyền thoại lịch sử nước Việt có Bà Nữ Oa đội đá vá trời. Nước Việt ta ngày xưa theo chế độ Mẫu Hệ (hiện nay vẫn cón một số tộc họ ở miền núi tuân giữ) như tục vợ cưới chồng. Mẫu là Mẹ. Trong đời thường người ta vẫn còn nghe quê mẹ, đất mẹ, tiếng mẹ đẻ.

Đạo Mẫu có các nghi lễ theo Âm lịch. Đạo Mẫu là phong tục thờ cúng tổ tiên, một tín ngưỡng tâm linh có vai trò quan trọng của dân tộc Việt Nam ngày xưa. Ngày nay nhiều nơi trên đất Việt còn đền thờ Mẫu như Bà Chúa Liễu Hạnh, Bà Chúa Thượng Ngàn, Bà Chúa Xứ, Điện Thờ Phật Mẫu..v.v. Phong tục thờ Mẫu vẫn còn tại San Jose với nhiều khóa lễ, trong những nơi đó là đền Quốc Tổ Vọng Từ, Điện Thờ Phật Mẫu.

Trở lại hình ảnh con cò của người bạn hỏi. Cò còn là hình ảnh của cuộc sống đời thường, có nhiều ẩn dụ mang tính giáo dục. Câu thành ngữ “Bạng duật tương trì, ngư ông đắc lợi (tiếng Hán 蚌鷸相持,漁翁得利 duật bạng tương tranh, ngư nhân đắc lợi.) TiếngViệt có thể hiểu như vầy “Trai Cò giành nhau ông câu hưởng lợi”. Sự tranh chấp kéo dài giữa hai bên, khiến cho người thứ ba được hưởng lợi. Trong ngụ ngôn của Pháp cũng có câu:” le chat, la belette et le petit lapin (Jean de La Fontaine)

Sự tích câu chuyện kể về con Cò và con Trai (giống con nghêu, sò) như sau (trong Chiến quốc sách) “Vào Thời Chiến Quốc bên Tàu, 2 nước Yên và Triệu thường đánh nhau. Chiến tranh giữa 2 nước kéo dài từ năm nầy sang năm khác, khiến nhơn lực và tài nguyên của 2 nước bị suy kiệt dần dần. Một người nước Yên tên là Tô Đại (anh của Tô Tần) tới yết kiến vua nước Yên là Huệ Vương, tâu rằng:

- Trên đường đi tới đây, tôi đi ngang qua bờ sông Dịch Thủy, thấy một con trai đang há miệng phơi nắng. Lúc đó một con cò đáp xuống, thấy thịt trai có vẻ ngon, thò mỏ mổ vào thịt trai, con trai lập tức khép chặt miệng lại, kẹp cứng mỏ cò. Hai con trì níu nhau một hồi lâu.

Con cò bảo :

- Hôm nay mầy không há miệng ra, ngày mai mầy không há miệng ra, mầy sẽ chết đói.

Con trai đáp :

- Hôm nay mầy không rút được mỏ ra, ngày mai mầy cũng không rút được mỏ ra, mầy cũng sẽ chết đói. (mỏ bị kẹp chắc như vậy làm sao mở miệng nói được chớ?)
Hai con tiếp tục trì kéo không con nào chịu thua con nào.

Một ông câu đi ngang trông thấy, mỉm cười thích chí, thò tay bắt cả 2 con: trai và cò, đem về nhà làm thịt, nấu chung một nồi (tới lúc bị bỏ vô nồi mà vẫn chưa chịu buông nhau ra, đến nổi ông câu phải nấu chung 1 nồi), gia đình ông câu được một bữa ăn ngon lành. Hiện nay, nước Triệu đang muốn đánh và thôn tính nước Yên; nước Yên cũng đang chuẩn bị đánh lại. Hai nước cứ tiếp tục đánh nhau, khiến dân chúng 2 nước điêu linh khổ sở, người và tài nguyên thiệt hại, chẳng khác chi hai con trai và cò trì kéo lẫn nhau. Tôi e rằng nước Tần hùng mạnh kia sẽ đóng vai ngư ông, chờ 2 nước Yên và Triệu không còn đủ sức tự vệ nữa thì đem quân thôn tính của 2 nước. Vua Yên Huệ Vương cho là lời nói của Tô Đại rất xác đáng, giựt mình tỉnh ngộ, khen thưởng Tô Đại là người thấy xa biết rộng, rồi cử Tô Đại làm sứ giả, đi qua nước Triệu giảng hòa, bãi việc chiến tranh.“ (không biết chuyện trai cò còn xảy ra ở thời đại này không nhỉ?)

Câu chuyện Trai-Cò trong dân gian có phổ biến câu chuyện này bằng ca dao như sau:

“Cái cò mày mổ cái tôm
Con tôm quặp lại, mà ôm cái cò
Cái cò mày mổ cái trai
Cái trai quặp lại, mà nhai cái cò.”

Hay:

“Con trai mày há miệng ra
Con cò nó mổ muốn tha thịt mày
Con cò mày mổ cái trai
Cái trai quặp lại muốn nhai cái cò.”

Ở vùng Liễu Đôi (Nam Hà) có một câu chuyện Cò Ca, Diệu Trai kể bằng lục bát, như sau:

“Cò ta mới bước thẳng lên,
Nàng đang ngon giấc ở trên sập vàng
Ai ơi, ai có bàng hoàng
Thân nàng dầy đặc, mỡ màng để ra
Nhìn quanh chỉ có mình ta
Cò liền mới mổ để mà ghẹo chơi
Không ngờ trai khép ngay thôi
Trời ơi, Trời hỡi! Họa này oan gia!
Cò Ca cố rút mỏ ra
Càng giãy thì lại càng dà chặt hơn.”

Ngoài ra, trong phần sưu tập thơ nôm Nguyễn Khuyến (1971-NXB Văn Học) còn có bài “Cò Trai” như sau:

“Trai đâu chẳng biết tính con cò
Mày hở hang chi nó mổ cho
Chưa hẳn mu dầy không khép kín
Đã toan mỏ nhọn chực ăn to
Hãy về bãi biển cho êm thấm
Mặc kệ bên sông nó gật gù
Cò trắng dẫu khôn đành gác mỏ
Trai già chờ lúc lại phơi mu.”

Những câu chuyện sao lục như trên cho thấy hình ảnh con Cò trong đời sống dân Việt còn nhiều lý thú, chưa kể trong các đền thờ có tạc hình con cò bằng đồng đứng trên con rùa cũng rất phổ biến.

“Con Cò mày đi ăn đêm” dẫn đưa đến những suy nghĩ mông lung trong mùa Vu Lan hy vọng góp vui một chút cho bà con thiên hạ.

Lê Bình

No comments:

Post a Comment