Nguyễn Văn Đông, người chiến sĩ yêu nước với hết cả tâm hồn


(hopamviet.vn)



Bài CHU TẤT TIẾN

Hầu như tất cả người dân miền Nam, từ thành thị đến thôn quê, đều biết đến Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, một bậc Thầy trong âm nhạc. Người say mê tân nhạc thì luôn ngưỡng mộ các bản nhạc nổi tiếng như “Chiều Mưa Biên Giới, Phiên Gác Đêm Xuân, Mấy Dặm Sơn khê...” Thế hệ mê vọng cổ lại biết đến ông qua bút hiệu “Đông Phương Tử,” người đạo diễn cũng như sáng tác các bản nhạc nền, các bản Tân Cổ Giao Duyên cho hơn 50 vở kịch cải lương nổi tiếng như “Nửa Đời Hương Phấn, Đoạn Tuyệt, Tiếng Hạc Trong Trăng, Mưa Rừng”... Thập niên 1970, ông lại được biết đến dưới bút hiệu “Phượng Linh, Phương Hà.”



Chức vụ sau cùng của Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông trong quân đội là Đại Tá. (nvnorthwest.com)

Giới ca-nhạc sĩ Tân Nhạc hay Cổ Nhạc thì cần đến ông để phát triển tài hoa của mình, vì ông chính là Giám Đốc hai hãng băng, đĩa nhạc nổi tiếng của miền Nam: Continental và Sơn Ca. Những ca, nhạc sĩ lừng danh trước 1975 đã nhờ những cuộn băng Magnetophone hay những đĩa nhạc sản xuất từ hãng băng, đĩa nhạc của ông mà được giới thưởng ngoạn mến mộ. Dân miền Nam chắc vẫn còn nhớ những cuốn băng Magne to tròn như chiếc đĩa được chạy trong các máy Magnetophone của Sony, Panasonic, Ricoh... cổ điển, hình chữ nhật, cao khoảng 40 cm, mà công tắc bật, tắt nặng nề, phát lên những bản nhạc trữ tình do Thanh Thúy, Sơn Ca, Thái Thanh và ban Thăng Long, Lệ Thu, Phương Dung, rồi Sơn Ca 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8. Từ khoảng năm 69-70, những chiếc máy cassette nho nhỏ đầu tiên đến Việt Nam, và cũng từ đó, các băng cassette mang những tác phẩm của Nguyễn Văn Đông đã chu du gần khắp miền Nam Việt Nam.

Đối với các quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, thì không ai không biết Đại Tá Nguyễn Văn Đông, từng tốt nghiệp Thủ Khoa Thiếu Úy của khóa 4 trường Võ Bị Sĩ Quan Vũng Tàu, rồi tốt nghiệp khóa Đại Đội Trưởng từ trường Võ Bị Đà Lạt, sau đó là Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn Trọng Pháo 553, người Tiểu Đoàn Trưởng trẻ nhất quân đội, lúc đó mới 24 tuổi. Chức vụ sau cùng là Đại Tá, phụ tá Tướng Nguyễn Văn Là.

Về phương diện Âm Nhạc khi ông đang trong quân đội, ông đã được bổ nhiệm làm Trưởng Đoàn Văn Nghệ Vì Dân, gồm các nhạc sĩ tên tuổi như Mạnh Phát, Minh Kỳ, Hoài Linh, Thu Hồ, Quách Đàm, Minh Diệu, Khánh Ngọc, Kim Cương, Vân Hùng, Ba Vân, Bảy Xê, Trang Thiên Kim, và nghệ sĩ tài hoa Trần Văn Trạch, người đã trình diễn lần đầu tiên bản “Chiều Mưa Biên Giới” làm cho hàng triệu trái tim Việt Nam sửng sốt. Ngoài ra, ông còn là Trưởng Ban Nhạc Tiếng Thời Gian của đài phát thanh Saigon gồm nhiều ca sĩ lẫy lừng như Anh Ngọc, Thái Thanh, Hoài Trung, Hoài Bắc...

Như thế, Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Đông, hoàn toàn không như các nhạc sĩ khác, suốt đời chỉ theo âm nhạc, mà ông còn là một chiến sĩ tuyến đầu trên nhiều mặt trận. Nguyễn Văn Đông văn, võ toàn tài, nhưng trên hết, điều nổi bật nhất của ông là Trái Tim Việt Nam của ông từ lúc vào đời đến khi từ giã nhân gian vào ngày 26 tháng 2, 2018, lúc nào cũng rực rỡ một ánh sáng: Yêu Người chân chính, Yêu Nước Việt nghẹn ngào, và muốn cho những thế hệ tiếp nối cũng đậm đà tình yêu nước, yêu nguồn.

Ngay từ hai bản nhạc “Chiều Mưa Biên Giới” và “Phiên Gác Đêm Xuân” được ông viết năm 1956 đã chất chứa nhiều tâm sự yêu thương nhẹ nhàng nhưng thấm đậm. Trong bản “Chiều Mưa Biên Giới” đã tỏ lộ rất nhiều tâm sự của một người chấp nhận nỗi cô đơn, giá buốt khi làm người lính chiến, nhưng vẫn luôn trung thành với lý tưởng của mình:

“Kìa rừng chiều âm u rét mướt, chờ người về vui trong giá buốt, người về bơ vơ”... Nhưng vẫn mong “cờ về chiều tung bay phất phới” cho dù tâm sự chất đầy nỗi nhớ nhung: “Người đi khu chiến thương người hậu phương. Thương mầu áo gửi ra sa trường” và kết luận đầy triết lý: “lòng trần còn tơ vương khanh tướng, thì đường trần mưa bay gió cuốn, còn nhiều em ơi!”

Trong bản “Mấy Dặm Sơn Khê,” ông như một tráng sĩ đơn độc, áo chiến bào nhuộm đầy gió bụi, tung vó ngựa hồng về phía trước, bất chấp nỗi buồn nặng chĩu trong lòng, nỗi ưu tư về những thế hệ tiếp nối, mong theo bước chân người hùng, bảo vệ giang sơn:

“Anh đến thăm, áo anh mùi thuốc súng, ngoài mưa khuya lê thê, qua ngàn chốn sơn khê. Non nước ơi! Hồn thiêng của núi sông, kết trong lòng thế hệ, nghìn sau nối nghìn xưa...” Và “Bao ước mơ giữa khung trời phiêu lãng, chờ mùa Xuân tươi sang, nhưng mùa thắm chưa sang. Anh đến đây rồi anh như bóng mây, chốn phương trời ấm lạnh, hòa chung mái nhà tranh.”

Thật hào khí! Thật nghệ sĩ: “Anh như làn gió ham ngược xuôi theo đường mây. Tóc tơi bời lộng gió bốn phương.”

Trên hết là tấm lòng tha thiết với quê hương: “Nước non còn đó, một tấc lòng. Không mờ xóa cùng năm tháng!”

Có thể nói, trong nhạc của Nguyễn Văn Đông, tình yêu quê hương là chủ điểm của người nhạc sĩ, chiến sĩ. Đa số các câu nhạc đều thấp thoáng tình đất nước lẫn với sự hào hùng chấp nhận cô đơn: “Xưa từ khu chiến về thăm xóm, ngàn xác pháo lấp lánh sao rơi. Chiều hành quân nay qua lối xưa...” (Sắc Hoa Mầu Nhớ). “Ngày mai xa cách nhau, một người gối chiếc cô phòng, còn người góc núi ven rừng, chân mây đầu gió. Còn đây đêm cuối cùng, nhìn em muốn nói chuyện người Kinh Kha...” (Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp). “Người về đây giữa non sông này. Hội trùng dương hát câu xum vầy. Về cho thấy con thuyền nước Nam, đi vào mùa Xuân mới sang, xa rồi ngày ấy ly tan” (Hải Ngoại Thương Ca). Ông luôn mơ đến một ngày nước Việt hùng cường, rực rỡ bên trời Đông: “Tôi đi giữa trời bồi hồi. Cờ bay phất phới quên chuyện ngày xưa. Mong sao nước Việt đời đời. Anh dũng oai hùng chen chân thế giới.” (Hải Ngoại Thương Ca).

Và: “Nghe gió Đông sang, nhớ về người ngoài biên khu. Hiu hắt trời may, hàng cây xơ xác gió lay... Gió lạnh mùa Đông, gió lạnh lòng trai đi giữ non nhà từng đêm lạnh giá” (Thương Về Mùa Đông Biên Giới).
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông là một người yêu nước vô cùng. Có thể nói không có một nhạc sĩ cổ thụ nào đã viết những giai điệu tràn đầy tình núi sông như ông: “Anh nhớ gì không? Những trai hùng đi giúp non sông. Trên bốn ngàn năm qua, dãy sơn hà bao phen thạch mã! Gỗ đá còn gian lao tiếng anh hào muôn thuở hơn nhau. Giữa cao trào thế giới dâng mau, tựa ngàn sóng tuôn bờ đại dương.”(Anh).
Và: “Hàng hàng lớp lớp chưa về, hàng hàng nối tiếp câu thề, dành lấy quê hương” (Hải Ngoại Thương Ca).

Những dòng nhạc đó, những ý từ đó, lúc nào cũng mang mang trong các tác phẩm của ông, ngay cả những bài ca ngợi tình yêu nam nữ, người thưởng ngoạn cũng thấy ngay tâm hồn của một người công chính được thể hiện một cách chững chạc, đứng đắn của một con người hào hùng, tuy yêu tha thiết nhưng không quỵ lụy ái tình.

Giá trị của các tác phẩm của Nguyễn Văn Đông là ở đó. Nghe kỹ những bản nhạc của ông, cho dù đó là do những học trò của ông trình diễn: Hà Thanh, Giao Linh, Thanh Tuyền, hay Thái Thanh, Lệ Thu, Elvis Phương, Nhật Trường, Anh Khoa... người thưởng ngoạn vẫn hình dung được tác giả như một kỵ mã cưỡi ngựa hồng, tay kiếm, tay đàn, vun vút xông pha trên mặt trận tác chiến quân sự hay trong tình trường “tóc tơi bời, lộng gió bốn phương...”

Hôm nay, nhân ngày giỗ đầu của Nhạc Sĩ Nguyễn Văn Đông, xin kính dâng hương hồn người Thầy, người Anh đầy khí tiết, vài giòng rơi lệ. Kính mong Thầy bình an miên viễn, không còn suy tư lo lắng cho vận nước đầy vơi. Vĩnh biệt Thầy.
Học trò không toại.
Chu Tất Tiến

No comments:

Post a Comment