Sunday, September 9, 2018

Chân dung người lính 
VIỆT NAM CỘNG HÒA.
Nguyễn Thị Thảo An


Không biết bắt đầu từ thuở nào có một quy luật hình thành là ở một thể chế chính trị, đều thành lập một lực lượng để bảo vệ mình, lực lượng đó được gọi là quân đội. Quân đội sinh ra từ chế độ và nó cũng vẽ nên những chân dung của chế độ. Chế độ tốt sẽ xây dựng nên một quân đội tốt. Quân đội tốt sẽ không dung dưỡng một chế độ xấu. Từ hơn hai nghìn năm về trước, người lính Việt Nam với chiếc áo trấn thủ, mang gươm giáo ngàn xưa để gồng gánh trên vai những nhiệm vu giết thù diệt loạn, bảo quốc an dân, giữ gìn cơ nghiệp của tiền nhân. Trải qua bao thăng trầm của đất nước, hình ảnh của người lính thay đổi qua bao thời thế, nhưng trách nhiệm không hề thay đổi.

Người thanh niên tuổi trẻ Việt Nam từ khi bước vào quân trường, khoác vội bộ đồ trận, lưng mang vác ba lô cho tới khi anh đứng nghiêm với lời tuyên thệ Vị Quốc Vong Thân. Người tuổi trẻ đã trở thành người lính. Anh trưởng thành hơn bóng dáng của quê hương. Người lính với chiếc nón sắt xanh đậm tròn tròn như nửa vầng trăng in rõ bóng trên nền trời xanh lơ. Anh đã bước ra, tay ôm súng và chân mang giày trận, anh giẫm mòn nửa vòng đất nước đi canh giữ cho quê hương.

Bắt đầu từ thập niên Sáu Mươi, khi kẻ thù phương Bắc, với xe tăng súng cối, với những chủ thuyết ngoại lai, với những xích cồng nô lệ, đã toan tính nhuộm đỏ quê hương, thì từ đó, người lính đã hiện diện trong tuyến đầu lửa đạn. Anh mang vác hành trang, chiếc ba lô nặng cồng kềnh để chận bước quân thù, để bảo vệ miền Nam.

Ðất nước hai mươi năm chiến tranh, hai mươi năm dài người lính hầu như không ngủ. Hai mươi năm có tới mấy ngàn ngày để anh đi từ sáng tinh mơ, chân giẫm ướt ngọn sương mai trên cỏ. Hai mươi năm có tới mấy ngàn đêm, bóng anh mịt mờ trong núi rừng lạnh giá.  Hai mươi năm, anh nghe tiếng đại bác vang trời không nghỉ.

Tiếng mưa bom đạn réo bên mình. Tiếng xe tăng nghiền nát đường quê hương. Hai mươi năm, anh đã đem sinh mạng của mình đặt trên đường bay của đạn. Ðã đem hy vọng cuộc đời đặt trên khẩu súng thân quen. Hay đã đem tình yêu và nỗi nhớ đặt trên đầu điếu thuốc. Hai mươi năm chiến tranh có bao ngày anh được ngủ yên trên chiếc giường ngay ngắn. Có bao đêm anh mơ được trọn giấc bình yên. Hay anh đã sống thân quen với đời gian khổ và đánh bạn với gian nguy.
Anh với đầu đội súng và vai mang ba lô, lội qua những vũng sình lầy nước ngang tầm ngực. Anh đã đi qua những địa danh xa lạ: Ashau, Ia Drang, Kontum, Pleime, nơi giơ bàn tay cũng không thấy được bàn tay. Hay anh truy địch ở bờ sông Thạch Hãn lừng lững sương mai, ở phá Tam Giang sóng vỗ kêu gào hay ở Cổ Thành xứ Huế mù sương. Dài dọc xuống Miền Nam với rừng Tràm, rừng Ðước, đến Ðồng Tháp Mười anh đã nghe muỗi vo ve như sáo thổi.

Anh đã đến những nơi mà anh không tưởng, anh đi diệt địch và anh đã ngã xuống địa danh chẳng quen dấu chân anh. Người lính nằm xuống ở Miền Nam xanh tươi ngọn mạ, ở những vùng trầm se rét Miền Trung, hay ở Miền Ðông xác thân thối rửa Từ Ấp Bắc, Ðồng Xoài, Bình Giả... cho tới Tống Lê Chân, An Lộc, Bình Long, người lính đã căng rộng tấm poncho để che kín bầu trời Miền Nam được yên ấm tự do. Nối gót tiền nhân, người lính, mỗi người lính đã đem 3.8 lít máu tươi, tưới cho thắm tươi hoa lá ruộng đồng, đã đem mỗi một 206 lóng xương khổ nạn của mình cắm trăm nẻo đường quê hương muôn ngã, để cho chính nghĩa quốc gia tự do được tồn tại. Ðể cho người dân quốc gia được sống no ấm ở hậu phương.

Những người dân quốc gia, những người dân quốc gia không hề muốn trở thành dân Cộng Sản, những người quốc gia luôn muốn bỏ chạy khi Cộng Sản tới và núp bóng người lính để được sống an nhàn ở chốn hậu phương. Họ hoàn toàn trao trọng trách bảo vệ quốc gia, ngăn thù dẹp loạn như một thứ công việc và trách nhiệm của người làm nghề lính, như thể không liên quan gì tới họ. Và họ tự trấn an lương tâm rằng người lính sẽ không bao giờ buông súng và sẽ mãi mãi bảo vệ họ tới cùng. Vì thế, họ luôn yên tâm sống ở hậu phương, yên tâm kiếm tiền và tranh đua đời sống xa hoa phè phỡn trên máu xương của người lính.

Và ở hậu phương, người lính đồng nghĩa với nghèo, đời lính tức là đời gian khổ, và tương lai người lính đếm được trên từng ngón taỵ Thế nên, người lính về hậu phương, anh ngỡ ngàng và lạc lỏng. Bỗng hình như anh cảm thấy mình như người Thượng về Kinh. Như vậy thì người ta tội nghiệp người lính và yêu người lính để thể hiện tình quân nhân cá nước trong sách vở, báo chí và truyền hình.

Người lính bị bắt cóc vào văn chương tiểu thuyết là những người lính giấy, vào văn chương để tự phản bội chính mình, để thoả mãn cho những kẻ trông con bò để vẽ con nai, và ngồi phòng khách để diễn tả chiến trường đỏ lửa. Người lính trên trang giấy ngang tàng và hung bạo, chửi rủa chính phủ, chống chính quyền và ghét cấp chỉ huy, lính la cà trong quán rượu, uống rượu chẳng thấy say, và càng say càng đập phá.  Người lính xuất hiện trên sân khấu thì phong lưu và đỏm dáng hay trắng trẻo no tròn. Anh mặc đồ trận mới toanh còn nguyên nếp gấp, ngọt ngào chót lưỡi đầu môi anh ca bài ca mời gọi ái tình. à người yêu của anh lính là những cô mắt ướt môi hồng, áo quần xa hoa lộng lẫy, thề non hẹn biển yêu lính trọn kiếp trong ti vi. Như vậy thì quá mỉa mai cho cái gọi là anh trai tiền tuyến, em gái hậu phương. Trong khi đó, ở ngoài đời những người vợ lính là những người chống giữ thầm lặng ở xã hội hậu phương.

Ðó là những người đàn bà bình dị với tấm áo vải nội hoá rẻ tiền, với đôi guốc vông kẻo kẹt, đóng vai vừa là người mẹ vừa là người cha nuôi con nhỏ dại, gói ghém đời sống bằng lương người chồng lính chỉ vừa đủ mua nửa tháng gạo ăn. Ðó là những người đàn bà tất tả ngược xuôi, lăn lộn thăm chồng ở các Trung Tâm Huấn Luyện, hay ở những nơi tiền đồn xa xôi với vài ổ bánh mì làm quà gặp mặt. Ðó là những người âm thầm và lặng lẽ, chịu đựng và hy sinh để chồng luôn an tâm chống giữ ngoài trận tuyến với đối phương.

Hạnh phúc của họ mong manh và nhỏ bé, bất chợt như tình cờ. Có thể ở một thỏi son nhỏ bé mà người lính mang về để tặng vợ, có thể là một chiếc nón bài thơ, hay chút tình cờ ở một buổi tối người lính chợt ghé nhà thăm vợ. Hạnh phúc ở trong chén trà thơm uống vội, hay ở lúc nhìn đứa con bé nhỏ chào đời tháng trước.

Người vợ lính cũng là những người hằng đêm thức muộn để lắng tai nghe tiếng đại bác thâu đêm, rồi định hướng với lo âu trằn trọc. Ðó là những người đàn bà mà sau mỗi lần đơn vị chồng đụng trận, đi thăm chồng giấu giếm mảnh khăn sô.
Trong nỗi chịu đựng hy sinh, âm thầm và kỳ vĩ, họ vẫn sống và luôn gắng vượt qua để cho người chồng an tâm cầm súng. Ðể anh, người lính, anh mang sự bất công to lớn, sự bạc đãi phủ phàng, anh vẫn đi và vẫn sống, vẫn chiến đấu oai hùng giữa muôn ngàn thù địch.

Ở chiến trường, anh đối diện với kẻ thù hung ác, ở hậu phương anh bị ghét bỏ khinh khi, trên đầu anh có lãnh đạo tồi, sẵn sàng dẫm xác anh để cầu vinh cho họ, đồng minh anh đợi bán anh để cầu lợi an thân.\
\

Những người dân của anh, những người anh hy sinh để bảo vệ từ chối giúp anh truy lùng kẻ địch, và điềm nhiên để anh lọt vào ổ phục kích của địch quân. Những người dân bán rẻ linh hồn cho quỷ, tiếp tay cho địch thác loạn ở hậu phương, đó là những kẻ chủ trương đòi quyền sống, trong đó không bao gồm quyền sống của anh.

Những kẻ để trái tim rung động tiếc thương cho cái chết của kẻ thù nhưng dửng dưng trước sự ngã xuống của anh. A dua, xu thời là bọn báo chí ngoại quốc thiên tả, lệch lạc ngòi bút, ngây thơ nhận định, mù quáng trong định kiến. ất cả vây quanh anh để tặng cho anh những đòn chí tử. Người lính bi hùng và bi thảm. Anh chống địch mười phương, tận lòng trong đơn độc, anh vẫn hy sinh và chống giữ tới hơi thở cuối cùng.
Ngày Hoà Bình, 28 tháng Giêng năm 1973 hiệp định Paris được ký kết Hoà Bình thật đến trên trang giấy, đến với thế giới tự do. Thế nên, thế giới tự do nâng ly để chúc mừng cho hoà bình của họ và nhận giải Nobel. Nhưng hoà bình đến ở Việt Nam tanh hôi mùi máu, đen ngòm như tấm mộ bia. Và anh, anh là vật thụ nạn trong cái hoà bình bi thảm.

Người lính vẫn tiếp tục ngã xuống, đem xác thân đắp nên thành luỹ để ngăn bước quân thù. Từ Ðông sang Tây, từ Nam chí Bắc, từ ngàn xưa và cho tới ngàn sau, có một quân đội nào mang số phận bi thương và oai hùng như người lính?
Những người lính chịu uống nước rễ cây và đầu không nhấc thẳng, đi luồn dưới Rừng Sát suốt 30 ngày không thấy ánh mặt trời. Những người lính đi hành quân mà không người yểm trợ để hai ngày ăn được bốn muỗng cơm, hay ăn luôn năm trái bắp sống và những lá cải hư mục ruỗng, miệng thèm một cục nước đá lạnh giữa cái nắng cháy da.

Người lính, người ở địa đạo Tống Lê Chân ăn côn trùng để tử thủ giữ ngọn đồi nhỏ bé. Người nằm xuống ở An Lộc, Bình Long. Và thủ đô, vòm trời thân yêu mà anh mơ ước để tang truy điệu cho anh chỉ có ba ngày. Ba ngày cho sinh mạng của năm ngàn người ở lại. Người ta lại tiếp tục vui chơi và quên đi bất hạnh. Bởi bất hạnh nào đó chỉ là bất hạnh của riêng anh.

Người lãnh đạo anh còn mè nheo ăn vạ. Và anh, anh phải đóng trọn vai trò làm vật hy sinh. Trước nguy nan, lãnh đạo anh tìm đường chạy trốn thì anh vẫn còn cầm súng ở tiền phương. Anh đã chống giữ, chịu đựng từng đợt xung phong ở Ban Mê Thuột mỗi ngày 24 giờ, không có ai yểm trợ, tiếp tế từ hậu phương. Nhưng ở đó, anh vẫn phải tử thủ cho con đường tẩu thoát của cấp lãnh đạo anh tuyệt đối được bình yên.

Và đồng minh của anh, người đồng minh đã từng sát cánh, cùng chia sẻ nỗi gian nguy ở Hạ Lào, Khe Sanh dưới trời mưa pháo, nay lại nghiễm nhiên nhìn anh đi những bước cuối cuộc đời. Phải chăng nhân loại đang trút những hơi thở cuối cùng nên lương tâm con người đang yên nghỉ ?

Cho nên, cả thế giới lặng câm để nhìn anh chết. Không chỉ cái chết riêng cho mỗi mình anh, vì bởi dưới đuờng đạn xuyên qua, xác thân anh ngã xuống thì đau thương đã vụt đứng lên. Cái bi thương có nhân dáng lớn lên và tồn tại suốt ngang tầm trí nhớ. Và người lính, anh vẫn kỳ vĩ và chịu đựng như vị thần Atlas mang vác quả địa cầu, người lính đã mang vác và bảo vệ mấy trăm ngàn người dân trên đường triệt thoái.
Trên những con đường từ Cao Nguyên không thiếu những người lính gồng gánh cho những người cô dân chạy loạn. Tay anh dẫn em thơ, tay dắt mẹ già chạy trong cơn mưa pháo. Và anh đã làm dù, làm khiên đỡ đạn, cho nên thân xác anh đã căng cứng mấy đường cây số, hay xác làm cầu ở tỉnh lộ 7B, anh đã chết ở Cao Nguyên lộng gió và đếm những bước cuối đời ở ngưỡng cửa thủ đô.

Bởi lãnh đạo đầu hàng nên anh nghẹn ngào vất đi súng đạn. Với nham nhở mình trần, anh vẫn chưa tin đời đã đổi thay. Có thật không?  Hai mươi năm chiến tranh kết thúc? Giã từ những hy sinh và gian khổ của hôm quả có thật không? gày buông rơi vũ khí, anh mơ được về để an phận kẻ thường dân? Và có thật không? Anh được đi, được sống giữa một quê hương rối loạn tràn ngập bóng quân thù?

Anh đã khóc nhiều lần cho quê hương chinh chiến và đã khóc nhiều lần cho những xác bơ vơ. Lính khổ lính cười, dân khổ để người lính khóc. Và có ai, từng có ai trong chúng ta đã khóc thương cho đời lính?

Thương cho người lính với trái tim tan vỡ từ lâu.  Bởi trái tim anh đã hơn một lần để lại dưới chân Cổ Thành Quảng Trị, ở một mùa Xuân xứ Huế năm nào, ở Hạ Lào, Tống Lê Chân hay ở trong cái nồi treo lủng lẳng trên ba lô khi anh hô xung phong để tiến vào An Lộc?  Người lính thật sự trái tim anh tan vỡ từ lâu.

Lịch sử đã sang trang, và loài người đã bắt đầu đi những bước cuối cùng trên trái đất? Thế nên thời trang nhân loại là thứ phấn hương tàn nhẫn, và môi tô trét thứ son vô tình. Cả thế giới đồng thanh công nhận và gửi điện văn chúc mừng sự thống nhất ở Việt Nam. Và người ta uống chén rượu mừng để truy điệu Việt Nam đi vào cõi chết, chúc mừng Việt Nam có thêm 25 triệu nô lệ mới nhập tên. Hoà bình đã nở hoa trong cộng đồng thế giới, trong đời người Cộng Sản, nhưng hoà bình không thật đến ở Việt Nam.

Người Cộng Sản chân chính có truyền thống là những người không hề biết hoà bình, không sống được trong hoà bình thật sự.  Như con giun, con dế sợ ánh sáng mặt trời. Thế nên họ dẫn dắt toàn dân đi xây dựng văn minh thời thượng.

Khởi đầu là việc cày nát nghĩa trang Việt Nam Cộng Hoà và hạ tượng Người Lính Việt Nam Cộng Hoà. Người Lính rơi xuống vỡ tan trong lòng đường phố, nhưng từ đó anh mới thực sự đứng lên, đứng thẳng và oai hùng hơn trước trong trái tim của người dân Việt Miền Nam.

Bởi từ khi những người bộ đội Cộng Sản bước chân vào thành phố, thì người dân Quốc Gia mới thật sự hiểu được giá trị của anh. Và những sự lầm lẫn và hối hận hôm nay hình như luôn theo nhau đi vào lịch sử. Vậy thì, khi ta chết trên con đường chạy loạn, khi ta chết ở bãi Tiên Sa, ta vùi thân nơi vùng kinh tế mới hay ta chìm dưới đáy biển Ðông, không phải vì khẩu súng rơi trên tay người lính, mà ta chết bởi viên đạn ích kỷ, viên đạn lãnh đạm và thờ ơ xuất phát từ trái tim bắn ngược lại chính ta. Bởi sự thật về người Cộng Sản đã đi quá tầm tưởng tượng và sự hy sinh của người lính vượt quá nỗi bi thương.

Hai mươi năm chiến tranh, hơn hai trăm ngàn người lính, hơn năm trăm ngàn thương binh đã để lại hai trăm ngàn sinh mạng và năm trăm ngàn những phần cơ thể để lại trên chiến trường khốc liệt. Ðể cho chúng ta có một bầu trời để thở, có một khoảng không gian đi đứng tự do, để cho tuổi thơ của chúng ta không phải đi lượm ve, lượm giấy, không phải đeo khăn quàng đỏ và ngợi ca những điều dối gạt chính mình
.
Ðể cho bàn tay thiếu nữ không chạm bùn nhơ thủy lợi, tuổi thanh xuân không phải vùi chôn ở những gốc mì. Ðể cho bà mẹ già không phải ngồi mơ ước miếng trầu xanh, và những giọt nước mắt thôi không cần tuôn chẩy.

Nhưng lịch sử đã sang trang, những trang hồng tươi màu máu cho người Cộng Sản và cũng là những trang đẫm máu và nhơ bẩn nhất cho cả lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Anh, người lính trong thời chiến thành người tù của thời bình. Người lính chịu số phận bi thương của chiến tranh và cũng chịu luôn số phận tàn nhẫn trong thời bình. Anh người lưu vong trong lòng dân tộc, và lưu đày ở chính quê hương anh.

Bởi Cộng Sản Việt Nam đã bắt đầu một cuộc chiến tranh mới và đẩy anh xuống đáy trầm luân. Cũng chính từ chiến trường Tù Ngục này mà Cộng Sản đã chứng minh được Chúng và Anh không là đồng loại. Chúng, là lũ Cộng Sản cuồng tín, và tàn bạo nhất giữa thế giới Cộng Sản và vô nhân. Chúng lập nên một vương quốc mới mang tên là Lừa Dối, và mở ra một kỷ nguyên giết người theo kiểu mới, giết người bằng những mỹ từ đẹp đẻ, bằng lao động vinh quang, bằng thời gian không thể đếm.

Người lính bước vào trận chiến mới, chiến trường có tên là cải tạo, và anh người tù nhân không có án. Ở đây anh không có lãnh đạo, không có đồng đội, không có hậu phương. Kẻ thù vắt cùng, vắt kiệt sức lực anh trong rừng thẳm. ày đọa sỉ nhục anh dưới hố xí tanh hôi, đem thanh xuân và tài hoa của anh vùi chôn ở những vòng khoai vớ vẩn. Ðặt hy vọng của anh máng vào những mốc thời gian.

Người lính đã trở thành vật thụ nạn thời bình.  Anh chết đói bên những vòng xanh nở rộ do chính tay anh cày xới vun trồng. Anh chết khát khi bên ngoài mưa rơi tầm tã.  Giữa những trùng vây sóng dữ, giữa bóng tối cô đơn Anh vượt qua sự chết để đem về nghĩa sống. Anh đi xiếc qua những ranh giới tử sinh để chứng minh được phẩm giá con người. Ðôi mắt anh cao ngạo và chân đạp chữ đầu hàng.

Từ trong tăm tối hận thù, anh thắp sáng lên ý nghĩa đời người. Anh đã chiến đấu, để từ trong cõi chết anh bước ra mà sống. Ðể anh trở về từ địa ngục trần gian.  Bao đồng đội bất hạnh đã ngã xuống trong rừng thẳm, cuối cùng anh đã trở về:  
Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cám ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi
(Tô Thùy Yên)
Nước mắt anh không rơi trong ngục tù Cộng Sản, nước mắt anh rơi khi anh được trả tự do. Anh bước về, anh đi giữa lòng quê hương.  Anh ngỡ ngàng như thức từ cơn mộng. Có thật chăng đất nước Việt Nam, tàn hơn 30 năm chinh chiến và tù đày, để anh có được một đất nước thanh bình điêu tàn hơn thời chiến?

Và tuổi trẻ, những mầm non đất nước hôm nay xa lạ như người không cùng chung dòng giống. Anh đi trên đường phố xưa, đường đã đổi tên. Anh tìm bạn bè cũ, đứa còn đứa mất. Quê hương này không có chỗ cho anh?

Hai mươi năm chiến chinh, mười mấy năm tù đày trên chính quê hương để rồi anh phải tha hương biệt xứ. Người lính, mười bốn năm lính, mười bốn năm tù, tài sẵn có, được trí trá vài đô la, và mái đầu sương điểm để anh bước vào đời lần nữa.

Anh không có quyền bắt đầu, chỉ có quyền tiếp tục trôi theo dòng đời nghiệt ngã. Người lính cũ ngồi bán nước đá bào cho học trò giờ tan học ở chính quê hương. Hay anh, người lính lưu vong ngồi bán thuốc lá lẻ hằng đêm trong những tiệm Seven Eleven trên đường phố Mỹ.

Ba mươi năm vết thương cũ hầu như chưa lần khép kín. Ôi, hai mươi sáu chữ cái bắt đầu từ a, b, c, đ dẫu sắp xếp khéo léo tới đâu vẫn không đủ để viết nên những bi hùng anh đã đạt. Và cần phải thêm vào bao nhiêu chữ nữa mới diễn tả lên sự xót thương anh.

Chúng ta đã quá may mắn, quá vinh dự để trang sử Việt Nam có thêm những anh hùng như người lính Việt Nam Cộng Hoà, những anh hùng vô danh và sống đời thầm lặng, những anh hùng bình thường mà ta chưa có dịp vinh danh.
Nhưng cho tới nay, ta đã làm gì để tri ân người lính Quốc Gia. Chúng ta những người dân Quốc Gia đi chung con thuyền Miền Nam do các anh chèo chống, đưa qua những con sóng dữ Việt Nam. Những người quốc gia đã sang thuyền trong cơn quốc nạn, và đã để mặc anh chìm trong cơn Hồng Thuỷ của Việt Nam.

Chúng ta, những người quốc gia tầm gửi, đã sống nhờ trên máu xương người lính, và chưa lần đóng góp nào cho chính nghĩa quốc gia. Có phải giờ đây, chúng ta tiếc thương người lính bằng đầu môi chót lưỡi, bằng những video, nức nở kêu gào, hay chúng ta khóc cho người lính bằng những trang thơ vớ vẩn? Và có ai, có ai trong chúng ta cảm thấy thẹn khi ta đã đôi lần hãnh diện vì ta nói tiếng Anh trôi chẩy hơn họ, xe ta đẹp, nhà ta to.

Ngày nay, Người Cộng Sản ở quê hương với đôi tay đẫm máu của thuở nào cũng nói lời phản tỉnh. Vậy còn ta, bao nhiêu người Quốc Gia sẽ thức tỉnh để vẽ chân dung kỳ vĩ và nhiệm màu của Người Lính chúng ta. Có ai trong chúng ta sẵn sàng chi tiêu những bữa tiệc đắt tiền trong những nhà hàng danh tiếng, mua những tấm vé vào cửa của đại nhạc hội lừng tên mà ta tiếc bỏ tiền ra để quyên góp, xây lại tượng Người Lính ở thủ đô đã ngã xuống hôm nào.

Ðể một mai, khi quê hương không còn giống Cộng Sản, ta đem anh về trở lại quê hương. Ðể anh được đứng lên chính nơi anh ngã  xuống như cùng thời với đất nước lúc hồi sinh.
Bao nhiêu chuyên gia nhóm họp nhan đề "xây dựng lại đất nước trong thời hậu Cộng Sản". Vậy có ai đã đặt kế hoạch tri ân cho người lính? Bởi, một ngày nào mà ta chưa biết tri ân người lính và đặt họ ở một địa vị xứng đáng mà đáng lẽ họ phải ở từ lâu, thì làm sao ta có thể xây dựng được một xã hội đáng gọi là nhân bản. 

Hãy vinh danh người lính Việt Nam Cộng Hoà. 
Hãy giữ gìn và bảo vệ tinh thần Vị Quốc Vong Thân của họ như giữ gìn ngọn lửa thiêng trong lòng dân tộc, thì dân tộc ta mới mong có được những truyền nhân xứng đáng với thế hệ tương lai. 


Saturday, January 6, 2018


MỘT PHO TƯỢNG KHÔNG THỂ QUÊN

Author: Văn Tô  
Source: TNT MEDIA SAN DIEGO 
Posted on: 2017-12-16
Sau tháng 4-1975 dân Sàigòn chúng ta ai cũng tiếc nuối trước sự vong thân của thành phố thân yêu. Sàigòn đang bị dày vò, không còn là Sàigòn của chúng ta. Nhớ về Sàigòn, chúng ta có nhiều thứ để vịn vào. Nhưng có một thứ không thuộc về Sàigòn mà mỗi khi nhớ, chúng ta ngẩn ngơ. Rất nhiều người, trong đó có tôi, nhớ da diết như một nhà thơ đã viết :
Nhớ nghĩa trang quê hương bạn bè 
Nhớ pho tượng lính buồn se bụi đường
Pho tượng lính ngồi buồn rầu ngay trước nghĩa trang quân đội ở Biên Hòa. Pho tượng đầy biểu tượng này đã làm bất tử tên người khai sanh ra nó: Điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu.


Điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu và nhà văn Văn Quang.
Sự ra đời của pho tượng lính, nhiều người đã nói, chúng ta đã nghe nhiều. Tôi nghĩ chẳng cần nhắc lại. Nhưng chuyện về sự hình thành pho tượng bất tử này, dù nghe nhiều, nhưng mỗi người nói mỗi khác nên chuyện kể cứ như… huyền thoại! Tôi cố tìm xem câu chuyện thực sự ra sao nên kiếm đọc được những gì do chính tác giả bức tượng nói trong bài phỏng vấn của nhà truyền thông Lê Xuân Trường.
Khi được Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu giao nhiệm vụ thực hiện sơ đồ nghĩa trang Biên Hòa trong đó có bức tượng mà theo gợi ý của ông Thiệu thì là cảnh chiến trường, ông Thu đã tới nghĩa trang quân đội Hạnh Thông Tây để tận mắt chứng kiến cảnh chuyển xác từ chiến trường về, cảnh khóc lóc của vợ con tử sĩ, cảnh an táng. Ông quan sát trong suốt một tuần lễ.
– “Tôi ở đó được sáu ngày như vậy, khi ở được sáu ngày rồi , ngày mai nữa là hết ngày, đến ngày phải trình Tổng Thống, cho nên đến buổi trưa thứ sáu, đây là câu chuyện thật, tôi cứ nôn nóng như vậy. Trưa thứ sáu thì tôi từ nghĩa trang Quân Đội Hạnh Thông Tây, tôi về Gò Vấp. Ở vùng Gò Vấp, nắng quá, tôi mới vô kiếm nước uống. Tôi quẹo đại vào một cái quán gần căn phố. Vô tình , tôi kêu một ly nước chanh uống, bỗng nhiên, tôi thấy một anh lính Nhảy Dù, ảnh vô đó từ trước, ảnh cũng từ Nghĩa trang Hạnh Thông Tây về trước đó. Khi tôi bước vô thì tôi dòm qua ảnh, thấy ảnh đã uống đâu bốn năm chai bia rồi, thì thôi, tôi cũng không nói gì. Nhưng có một điều lạ, tôi thấy ảnh đang nói chuyện với cái ly, ảnh là binh chủng Nhảy Dù, ảnh để cái nón nhảy dù trên cái bàn, mặc áo nhảy dù đàng hoàng, ảnh đang uống và đang buồn, đang nhớ bạn. Một ly ảnh uống, một ly ảnh cúng, ảnh rót bia vào cái ly cúng đó, rồi ảnh nói chuyện với cái ly như có người bạn trước mặt ảnh vậy, ảnh cằn nhằn, ảnh đau đớn cho người bạn của ảnh đã mất. Khi tôi dòm thấy được cái hình ảnh mà ảnh vừa nói vừa gục đầu xuống bàn, vừa khổ sở với cái ly đó, ảnh vừa uống vừa cúng. Tôi chờ một chút nữa rồi bước qua làm quen. Tôi cầm cái ly nước chanh, bước qua, tôi đứng kề ảnh, bên cái bàn của ảnh, tôi xin phép ảnh: “Anh à, tôi muốn ngồi kề với anh, uống với anh được không? Thấy anh buồn, tôi muốn ngồi với anh”. Tôi thấy ảnh không trả lời tui, ảnh ngồi gục trên cái bàn, ảnh hất cái mặt lên, có vẻ như không bằng lòng khi có người thứ hai quấy rầy ảnh… Mặt tôi hơi sượng, mấy cô trong quầy cười khúc khích, nãy giờ, cái anh nầy nói chuyện với cái ly không, mà bây giờ có thêm một thằng điên qua nói chuyện với ảnh, mấy cô chắc nghĩ như vậy, thấy mấy cô cười khúc khích với nhau. Nhưng mà trời thương, tôi có hỏi giấy tờ của ảnh, ảnh gục cái đầu xuống, tôi đứng trơ trẽn ở đó. Bỗng nhiên, ảnh móc ở túi sau, ảnh móc giấy tờ, ảnh đưa cho tôi. Tôi đâu có phải Quân Cảnh mà hỏi giấy tờ của ảnh, thế mà ảnh đưa cho tôi. Tôi cầm cái bóp rồi trở về cái bàn của tôi, tôi lấy giấy tờ ra hết. Tôi ghi tên của ảnh, ảnh là Võ văn Hai, hạ sĩ Võ văn Hai, tôi nhớ rõ như vậy. Ở tiểu đoàn nào tôi quên rồi, tôi ghi hết cái KBC. Xong rồi, tôi đem cái giấy đến trả lại, ảnh cũng không cần biết nữa, lấy bỏ túi thôi, không nhìn tôi. Tôi trở về bàn, tôi ngồi để nhìn một chút xíu nữa. Trưa đó tôi về, dĩ nhiên là ảnh còn ngồi đó, tôi lo đi về, tên tuổi của ảnh tôi còn để đây”.
Buổi sáng bữa vào trình sơ đồ tượng, ông được Đại Tá Võ văn Cầm, Chánh Văn Phòng, tiếp trong khi chờ gặp ông Thiệu. Trong lúc ngồi đợi, ông Nguyễn Thanh Thu sực nghĩ tại sao không vẽ cảnh anh hạ sĩ Hai ngồi uống bia? Ông vội phác họa trên mặt sau miếng giấy bạc trong bao thuốc. Khi vào trình Tổng Thống, ông trải các bửc vẽ cảnh chiến trường trên sàn nhà. Khi được ông Thiệu hỏi ý kiến, ông đã rụt rè đưa ra bức phác họa trên giấy trong bao thuốc lá. Ông Thiệu ưng ý và muốn ông vẽ lớn ra ngay. Ông ra ngoài xin Đại Tá Cầm vật liệu để vẽ. Khi đó ông Thu mới thấy cần vẽ chi tiết hơn. Ông ngỏ ý cần người mẫu. Đại Tá cầm bối rối hỏi: “Tôi được không?”. Tới lượt ông Thu bối rối: Áo quần láng coóng, tóc tai mượt mà đâu có giống lính chiến. Nhưng rồi ông Đại Tá “hóa trang” với súng ống, nịt đạn, bi-đông nước, nón sắt. Ông Thu phác họa xong, Tổng Thống Thiệu ký chấp thuận. Ông Thu có ba tháng để hoàn tất tượng.
Ông tìm tới đơn vị của anh Võ văn Hai để xin anh về làm mẫu. Thiếu Tá chỉ huy khoái chí đề nghị: “Ông yêu cầu gặp anh Hai nhưng tôi thấy chưa hay đâu. Tôi nói thật với anh, tôi cho anh một Đại Đội, mặc sức mà chọn. Nhiều thằng một thước bảy, một thước tám thước chín, mề đay đầy người, to lắm, chiến công dữ dằn lắm!”. Ông Thu nhấn mạnh chỉ xin anh Hai nhưng ông Thiếu Tá vẫn tập họp một Đại Đội cho ông chọn. Chính ông Thiếu Tá lựa ra bốn người. Ông Thu gọi anh Hai ra. Vậy là năm người được tập trung trong câu lạc bộ với ông Thu. “Tôi nói với mấy ảnh như thế này: “Thật sự tôi chỉ cần anh Võ văn Hai thôi, nhưng ông Thiếu Tá tốt bụng cho thêm bốn anh nữa. Thôi mấy anh về nghỉ đi, cứ nghỉ ba tháng nhưng đừng ra ngoài đường, đừng mặc đồ lính quân cảnh nó bắt, tôi không có thời giờ đi lãnh về”. Vậy là chỉ có anh Hai phải ngày ngày đến ngồi làm mẫu, bốn anh còn lại được chơi thả cửa trong ba tháng! Sau ba tháng ròng rã, tượng coi như hoàn thành nhưng ông Thu vẫn chưa hài lòng. Ông không tìm được nét buồn của anh Hai khi ngồi trong quán nước trước đây. Một bữa, ông để anh ngồi, không nói gì và bỏ vào trong nhà. “Tôi vô trong nhà, dòm lén qua lỗ gió. Khi ngồi lâu, anh Hai mới nhớ lại, hoàn toàn trở lại hồi cũ ở quán nước, nét mặt ảnh buồn như trước. Khi ảnh buồn thật sự, tôi lấy cây viết chì với miếng giấy ghi lại chỉ nét mặt thôi. Nó rũ xuống như thế nào tôi vẽ như thế nấy. Tôi chỉ vẽ cái môi, cái miệng, cái mũi thôi”. Ông cho anh Hai về. Ba giờ khuya, ông tắt hết đèn, cầm đèn cầy ra tạc chi tiết trên mặt bức tượng. “Không có gì bằng đêm khuya vắng vẻ, mình nói với tượng khi soi đèn cầy để tìm ánh sáng. Khi tôi cầm cây đèn cầy bên này thì ánh sáng bên này tạt qua, khi tôi cần ánh sáng bên kia thì tôi đưa cây đèn cầy qua bên đó. Tôi đưa lên đưa xuống, một tay tôi cầm đèn di chuyển, một tay tôi làm. Làm tới sáu giờ sáng, tôi thấy đẹp quá, nét mặt của tượng buồn quá, buồn lắm. Nhưng mà thôi, tôi đi ngủ”. Tám giờ sáng, khi mặt trời đã lên, ông Thu ra coi nét buồn dưới ánh sáng mặt trời có đạt như dưới ánh nến không. Ông thấy y chang!
Nghệ sĩ đích thực luôn cầu sự toàn mỹ. Điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu đã tự làm khó mình để đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật. Tính ông như vậy. Một học trò của ông từ hồi trung học, anh Nguyễn Tuấn Khoa, đã kể lại. “Thầy Thu tuổi Giáp Tuất (1934), dạy môn hội họa cho tôi tại trường Võ Trường Toản từ năm 1958. Ông có dáng người chắc khỏe, tầm thước,có cá tính rất mạnh, nghiêm khắc, khó gần. Ông dạy học trò cầm bút chì theo kiểu cầm archet khi chơi violon. Ông dễ nổi nóng và đánh đòn học sinh nào cầm bút theo kiểu viết, dùng thước “vẽ” đường thẳng. Mỗi buổi học ông chọn ra hai, ba bài vẽ tệ nhất, dùng dây kẽm cột chổi để treo bài lên cổ người vẽ, bắt đứng trước lớp cho đến khi hết giờ. Nguyễn Minh Trí, bạn học của chúng tôi từ lớp 6, cũng là con trai của ông, thường xuyên bị đòn đau. Lớp tôi ai cũng thương nó vì nghĩ rằng nó chịu đòn thay cho cả lớp. Có lẽ nhờ sự nghiêm khắc của ông mà trình độ hội họa của chúng tôi lúc đó như người khổng lồ so với các học sinh cấp 2 bây giờ?”.
Tháng 12 năm 1975, tại lớp 10C5 trường Võ Trường Toản, đứa con trai“chịu đòn thay cả lớp” bị gọi mang cặp lên văn phòng Hiệu Trưởng. Nguyễn Quang Hồng, dân Nam tập kết, lạnh lùng ra lệnh đuổi học vì “ba em có nợ máu với nhân dân”. Anh Khoa kể tiếp: “Linh cảm chuyện không lành, tôi đợi Trí tại nhà xe. Trí lầm lũi, khóc nấc và nói: “Tao bị đuổi học!”. Trí giấu mẹ nó vì sợ bà buồn, sinh bệnh mà chết. Mỗi sáng nó vẫn ra khỏi nhà, chui lỗ chó vào sở thú ngồi cho đến giờ về, nhìn buồn sang trường cũ, nơi có tượng cụ Võ Trường Toản do ba nó tạc năm 1972”.
Cùng thời gian này, tại trại cải tạo Hàm Tân, ông bị quản giáo gọi lên vì không khai trong lý lịch việc tạc tượng Thương Tiếc. Sáu tên cán bộ đã thay nhau đánh ông trong ba ngày liên tiếp. Chúng đập mạnh vào hai mang tai ông đến chảy máu tai và điếc luôn từ ngày đó. Sau đó ông bị giam trong conex tám tháng không thấy ánh mặt trời.
Một ngày nọ, khoảng bốn giờ sáng, cửa conex mở, một họng súng AK chĩa thẳng vào ông, giọng tên cán bộ ra lệnh cho ông bước ra ngoài. Chiếc còng được khóa vào tay ông. Chúng dẫn ông đi về phía cổng trại để vào khu rừng chuối kế bên. Bỗng có một chiếc xe jeep chạy tới, đèn pha sáng rực. Hai bên nói chuyện với nhau khoảng năm phút. Ông tiếp tục bị kéo vào khu rừng và bị nhốt vào trong một nhà cầu của khu gia binh của quân đội quốc gia bị bỏ trống từ lâu. Ông nằm thiếp đi vì quá mỏi mệt. Ông không biết là ông được tha chết vào giờ chót. Tới trưa, một cô gái mang cơm tới cho ông. Từ đó cô gái Bắc kỳ này là chị nuôi của ông. Ít lâu sau, cô gái nói với ông: “Em thương mấy anh sĩ quan cải tạo các anh lắm. Kể từ nay, em sẽ để một chút thịt nằm dưới chén. Anh hãy ăn chút thịt này trước để đề phòng cán bộ khỏi bắt gặp làm khó dễ”. Tại sao cô gái này lại có cảm tình với ông như vậy? Tại vì bức tượng Thương Tiếc! Cô cho biết là, thấy ông bị phạt nặng, cô hỏi các bạn tù của ông. Họ cho biết ông là tác giả bức tượng Thương Tiếc. Cô là con của một bộ đội ngoài Bắc xâm nhập vào Nam, bị tử thương trong một trận đánh. Mẹ cô gánh cô vào Hố Nai sinh sống. Nơi cô ở rất gần nghĩa trang quân đội, cô thường cùng các bạn tới chơi nơi bức tượng nên biết rất rõ bức tượng lính này.
Vì biết tài nặn tượng của ông nên cán bộ chỉ huy trại tù đề nghị ông tạc tượng Hồ Chí Minh để trưng bày trong trại. Ông suy nghĩ và đồng ý với một điều kiện: ông được về nhà ở Gia Định để lấy đồ nghề. Trong thâm tâm ông muốn trốn trại. Chúng chấp thuận đưa ông về cư xá Việt Nam Thương Tín ở Hàng Xanh. Trong khi bốn tên an ninh dẫn giải ông ngồi nói chuyện với cô em gái ông tại phòng khách, ông xuống bếp với mẹ. Mẹ ông nghiêm khắc nói với ông: “Mẹ đẻ ra con, mẹ hiểu giờ con muốn gì. Nếu trái ý mẹ, mẹ sẽ tự tử ngay. Cố gắng ở thêm ít năm rồi về”.Ông đành trở lại trại tạc tượng trong sự ghẻ lạnh và xỉ vả của bạn đồng tù. Ông nuốt hận làm việc. Trong khi đó, cán bộ trong trại dàn cảnh cho vợ con ông được phép thăm đặc biệt. Tuy túng bấn nhưng gia đình cũng mua thịt vịt quay với bánh mì khi tới thăm. Ông liếc thấy trong tờ báo Tin Sáng dùng để gói thịt quay có tấm hình của Tổng Thống Thiệu, ông vội xé ra, gấp nhỏ, đút vào túi.
Khi bức tượng gần hoàn tất, đám tù nhân đi qua nhìn thấy, xầm xì với nhau khi thấy khuôn mặt tượng giống mặt ông Thiệu. Mấy tên “ăng-ten” vội báo cáo. Khi ông đang gắn một bên râu mép bức tượng thì một cán bộ tới làm bộ hỏi chuyện, tay thọc vào túi áo ông lôi ra bức hình ông Thiệu. Vậy là chết! Ông bị giam vào conex và bị hành hạ đủ điều. Bốn tháng sau ông kiệt sức, bất tỉnh, được đưa tới trạm xá. Trạm xá lúc đó do Đỗ Cao Đẳng (phi công?), chú của Trung Tướng Đỗ Cao Trí, làm trạm trưởng nên ông được ông này cùng các học trò cũ của ông từ thời trung học Võ Trường Toản tận tình chăm sóc. Ba ngày sau ông mới tỉnh lại.
Tới năm 1983 ông được thả sau tám năm trong tù. Bốn năm sau, ông vượt biên bằng đường bộ tới Thái Lan trong túi không có một xu. Tại Mỹ, trong một lần tới Cali nói chuyện, ông Thiệu đã xuống tận chỗ ngồi của ông thăm hỏi khi được nghe chuyện tạc tượng của ông trong tù khiến ông rất cảm động.
Tượng “Tiếc Thương” bị phá bỏ
Sau mười năm ở Mỹ, ông trở lại Việt Nam. Người ta đồn ông về để dựng lại tượng Thương Tiếc khi nghĩa trang Biên Hòa được phục hồi. Tháng 3 năm 2007, hai nhà văn Văn Quang và Thái Phương tìm tới thăm ông. Cơ ngơi của ông ngày nay là tiệm cà phê vườn “Tượng Đá”. Văn Quang kể lại:“Nhận ra người quen, anh Thu rời cây kéo tỉa hoa, vui mừng ôm vai bạn. Kiểu “ăn diện” của Nguyễn Thanh Thu bao giờ cũng giản dị đến…quá bình dân. Cái “mũ nồi” từ đời tám kiếp nào vẫn chùm hụp trên đầu, có vẻ cố giấu cái đầu hơi lớn. Nhưng đó là “dấu ấn đặc biệt made in Nguyễn Thanh Thu”, không lẫn đi đâu được. Cứ như, nếu không có cái “mũ nồi đen” và không có vẻ lam lũ thì không phải là Nguyễn Thanh Thu!”. Khi được hỏi về dư luận đồn ông về làm lại tượng Thương Tiếc, ông cười hà hà: “Ai cho làm mà làm?…Người nghệ sĩ chỉ sáng tạo một lần. Lần thứ hai không thể làm như lần thứ nhất. Nhưng nó sống được trong lòng mọi người thì tự nó còn mãi. Tôi tự hào về tác phẩm này. Dựng lại là một điều chẳng hay ho gì. Nó sống trong lòng mọi người là đủ!”.
Tôi ở Thị Nghè như Du Tử Lê nên khi Lê nhớ mưa buồn khắp Thị Nghè và nhớ em Xa Lộ nhớ nhà Hàng Xanh, nỗi nhớ lây sang tôi. Những địa danh nơi chốn cũ như xát muối trong lòng. Xa Lộ của chúng tôi dẫn tới bức tượng Thương Tiếc. Tượng như người nhà. Trời vừa vào thu, nơi tôi ngụ cư lá đã rơi vàng mặt đường. Trời đất ẩm ướt gọi nỗi buồn dậy men trong lòng mọi người. Nỗi buồn đã đưa tôi về lại chốn xưa. Tôi nghĩ tới bức tượng đồng trước nghĩa trang giờ chẳng biết đã nhão ra, hóa thân vào chốn nào. Và nghĩ tới người tạc tượng. Kể từ năm 2007, khi Văn Quang và Thái Phương tới gặp điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu, tính tới nay đã gần một thập niên, ông hiện nay ra sao? Tôi liên lạc với Thái Phương để nhờ anh một lần nữa tới quán cà phê “Tượng Đá” của ông Thu thăm hỏi. Người nghệ sĩ ở tuổi 82 vẫn còn đó, vẫn sống với tượng lính cũ. Ông cầm tay Thái Phương luôn miệng nói: “Tôi nhớ cái tượng Thương Tiếc lắm!”.
Nỗi nhớ của ông cũng là nỗi nhớ của tất cả con dân đất Việt còn ở trong nước cũng như đang sống tại đất nước người. Nhớ mà thương! Thương mà tiếc!
Văn Tô

Friday, November 24, 2017



Dù đã ngàn năm …                                                            Tôi vẫn xin tạ ơn người, tạ ơn đời
Đời đã cho tôi cuộc sống này
Được no đầy, được vui vầy …

LỊCH SỬ NGÀY LỄ TẠ ƠN – THANKSGIVING DAY
TISQUANTUM - Một Nhân Vật Da Ðỏ Kỳ Bí
- Hải Bằng.HDB và Bạch Cúc.NTN
[VH]

*
Ngày Lễ Tạ Ơn đầu tiên trên đất Mỹ Châu là ngày nào?
Tới năm 1941, Quốc Hội HK quyết nghị lấy ngày thứ Năm của tuần lễ thứ tư trong tháng Mười Một là ngày Lễ Thanksgiving.  Ngày 26 tháng 11 năm 1941, T.T. Roosevelt ký ngày Tạ Ơn toàn quốc đó thành luật.

Tisquantum (Squanto) là một vị cứu tinh của một đoàn di dân gồm 102 người Anh vượt biển qua Tân Thế Giới (Mỹ Châu) vào tháng Chín năm 1620 trên con tầu lịch sử The Mayflower, trong số đó có nhóm 41 người vốn là những nhân vật ly khai khỏi Giáo Hội Anh. 

Nhóm này tự mệnh danh là Những Người Hành Hương (The Pilgrims) và họ ra đi để tìm một nơi họ có thể tự do thờ phượng.  Họ đã ký kết với nhau một hợp ước gọi là Mayflower Compact dài vỏn vẹn 200 chữ tuyên bố quyết tâm hình thành một cơ chế chính trị dân sự công bằng ở Tân Thế Giới (Bắc Mỹ Châu). 

Ý tưởng này đã là một gợi ý sâu xa cho Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập của Hoa Kỳ sau này. 

Tạ Ơn Trời Ðất và Tạ Ơn Người
Người là sinh vật biết ơn. 

Những người có tâm đạo tin rằng Thượng Ðế ban cho loài người tất cả những gì hiện có trong vũ trụ này và nhân loại từ ngàn xưa đã thể hiện lòng biết ơn đối với Thượng Ðế qua những ngày lễ lạc trong đó có ngày Lễ Tạ Ơn về những thu hoạch của mùa màng.

Ðặc biệt là những sắc dân Âu Châu đã di cư sang Hoa Kỳ lập nghiệp thì họ rất biết ơn người bản xứ đã cưu mang họ lúc ban đầu cách nay hơn 300 năm và một buổi lễ Tạ Ơn đầy ý nghĩa đã được diễn ra vào Mùa thu năm 1621 ở Plymouth, Massachusetts. 

Nhưng phải đợi tới ngày 26 tháng 11 năm 1941, Tổng Thống Roosevelt mới ký thành luật ấn định ngày Lễ Tạ Ơn là ngày Thứ Năm của tuần lễ thứ tư trong tháng 11.

Tỏ lòng biết ơn là một hành vi đạo đức cao quý của con người có văn hóa tốt.  Thank You” là câu nói phải có của những người văn minh, lịch sự.  Từ thuở xa xưa khi chưa có lịch sử, loài người đã cử hành các cuộc tế, lễ để tỏ lòng biết ơn về những gì mà Trời Ðất ban cho con người.  Phong tục này có trên khắp hoàn cầu và bộ tộc lâu đời nào cũng cử hành ít nhất là một lần trong năm với những tiệc thịnh soạn để ăn mừng mùa màng đã thu hoạch tốt.

Sử chép rằng giống nòi Việt vốn dòng dõi Vua Thần Nông (vị vua giúp dân phát triển việc trồng lúa để giải quyết vấn đề thực phẩm cho dân chúng mà dân số càng ngày càng tăng theo cấp số nhân) hàng năm tổ chức nhiều ngày hội hè ăn mừng được mùa.  Ðặc biệt là ngày Tết Nguyên Ðán, nhà vua cử hành lễ Tế Trời Ðất và dân gian nấu bánh chưng và bành dày làm lễ Cúng Trời Ðất.

Ơn Trời mưa, nắng phải thì
Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu
Công lao chẳng quản bao lâu
Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng

Những bộ lạc ở Châu Mỹ (Indians) cũng có truyền thống tạ ơn Ðấng Tạo Hóa về tất cả những gì họ có. Hàng năm họ tổ chức ăn mừng 4 lần hoặc 6 lần với thịt hươu chứ không phải là gà lôi (turkey).

Ở Âu Châu, truyền thống tạ ơn Chúa về những thu hoạch mùa màng đã được thực hiện rất phổ biến tại nhiều nơi với những tiệc tùng, khiêu vũ, và đốt pháo bông vào Mùa Thu từ Thời Trung Cổ.

Ở Anh Quốc, Ngày Lễ Tạ Ơn xưa kia có tên là Harvest Festival (Hội Mừng Ðược Mùa) được các nhà thờ cử hành trên khắp nước vào ngày Chủ Nhật để đánh dấu mùa gặt hái tại địa phương chấm dứt.

Tập tục này lan qua Mỹ Châu bởi những di dân đầu tiên và tới năm 1863, Harvest Festival được đổi tên là Thanksgiving hay Thanksgiving Day được tổ chức vào thời điểm công việc mùa màng đã xong.

Hiện nay, ở Canada, Lễ Tạ Ơn được tổ chức vào Thứ Hai của tuần lễ thứ nhì trong Tháng Mười.
Ở Mỹ, Thanksgiving Day được chính thức cử hành trên toàn quốc vào Thứ Năm của tuần thứ tư trong Tháng Mười Một.
Thanksgiving Day còn có tên là Turkey Day và được Tổng Thống Roosevelt ký thành luật vào ngày 26 tháng Mười Một năm 1941.

Món ăn chính của ngày Lễ Tạ Ơn là thịt gà lôi hay turkey.  Vào ngày này, hàng ngàn, hàng vạn con gà tây bị làm thịt.  Ðể tỏ lòng thương sót đối với loại gà này, hàng năm đều có lệ làm lễ phóng thích một con gà tây tại vườn hoa trong Tòa Bạch Ốc vào trước ngày Lễ Tạ Ơn.  Tại sao món gà rừng này trở thành món ăn chính ở Hoa Kỳ?

Turkey vốn là loại gà rừng ở bắc Mexico và miền đông Hoa Kỳ du nhập qua Âu Châu vào khoảng đầu thế kỷ thứ 17.  Tại Anh Quốc, vào thế kỷ thứ 16, Hoàng Hậu Elizabeth thường dùng món ngỗng quay vào Ngày Ðại Hội Mùa Gặt.  Khi bà nghe tin hạm đội của Tây Ban Nha bị đắm, bà mừng rỡ và cho lệnh làm thêm một con ngỗng quay nữa để ăn mừng.  Từ đó, ngỗng quay trở thành món ăn chính cho ngày Hội Mùa Gặt ở Anh.  Khi những Người Hành Hương tị nạn (The Pilgrims) tới Mỹ Châu thì gà rừng được thay thế cho ngỗng vì loại gà này có rất nhiều ở Mỹ Châu. 

Nhà thơ trào phúng Tú Lắc (AZ) có bài thơ thương sót cho số phận loại gà này qua bài thơ:

 Số Phận Gà Tây :

Tội thân mày lắm, hỡi gà tây

Vỗ béo quanh năm đợi một ngày

Cái Lễ Tạ Ơn trang trọng ấy

Là ngày mi phải bị phanh thây

Mày không sợ cáo, sợ cầy

\Sợ lên giàn hỏa trong ngày Tạ Ơn

Con nào tốt số, may hồn

Vào Tòa Bạch Ốc thì còn “alive”

Ngoài ra nào nướng, nào quay

Nghĩ cho thân phận gà tây mà rầu

Gà ta cũng chẳng sướng đâu

Chết vì “đầu cánh, phao câu” là thường

Ăn gà mà lại bỏ xương

Hỏi ai mà lại chẳng thương chồng già

Phải không quý vị đàn bà?

*Nguồn Gốc Khác Nhau về Lễ Tạ Ơn ở Hoa Kỳ

Trước đây, dân chúng Hoa Kỳ mỗi tiểu bang đều có một ngày cử hành Lễ Tạ Ơn Trời và cũng để nhớ ơn những thổ dân đã chỉ cách trồng trọt cho những người di dân tới Mỹ Châu.

Ngày nay, hàng năm cứ đến Thứ Năm của tuần lễ thứ tư trong tháng Mười Một, dân chúng Hoa Kỳ lại cử hành Thanksgiving Day hay Thanksgiving.

Có nhiều nhân vật thời di dân ghi chép lại những ngày lễ tạ ơn ở Mỹ Châu.  Trải qua thời gian dài xây dựng Hợp Chủng Quốc, các vị tổng thống đã ấn định những ngày Lễ Tạ Ơn vào những ngày khác nhau và thường với mục đích là để hàn gắn vết thương của Cuộc Nội Chiến. Mãi đến năm 1941, Ngày Lễ Tạ Ơn mới được áp dụng chung trên toàn quốc Hoa Kỳ.

Nhóm Hành Hương Tị Nạn Tôn Giáo: The Pilgrims

Vào thời gian đầu mới tới Mỹ Châu, Nhóm Hành Hương (The Pilgrims) dành riêng một ngày để ăn mừng sau mùa gặt hái vào năm 1621 tại Plymouth Plantation, Massachusetts.

Sự tích là vào ngày 6 tháng Chín năm 1620, từ thị trấn Plymouth, Anh Quốc, 41 người ly khai Giáo Hội Anh Cát Lợi dẫn một nhóm 61 người di tản sang Tân Thế Giới (Mỹ Châu) trên con tầu tên là TheMayflower.  Bốn mươi mốt người ly khai tự mệnh danh là “Thánh” (Saints), còn những người khác thì họ gọi là “Người Lạ” (Strangers).  Cuộc hành trình vất vả, có nhiều bất đồng, và kéo dài tới 63 ngày. Khi trông thấy đất liền vào ngày 10 tháng Mười Một thì đã có một người chết.  Lúc sắp sửa cặp bến, họ ký kết với nhau một bản hợp ước gọi là Mayflower Compact bảo đảm sự bình đẳng và thống nhất hai nhóm.  Họ kết hợp lại và tự mệnh danh là The Pilgrims.

Họ dự tính định cư tại Virginia, nhưng sau đó, vì bão tố, họ phải đổ bộ lên một nơi nay gọi là Plymouth, Massachusetts và định cư ở đó.  Mùa đông năm ấy, nhờ sự giúp đỡ của thổ dân Wampanoag cho thức ăn và chỉ dẫn cách trồng trọt và săn bắt nên đoàn người mới sống sót.

Năm sau, vào Mùa Thu, 1621, mùa màng thu hoạch tốt, Thống Ðốc William Bradford tuyên bố một ngày tạ ơn.  Khoảng 50 di dân tổ chức Harvest Festival (Hội Mùa Gặt) đầu tiên kéo dài ba ngày và họ mời khoảng 90 thổ dân Wampanoag tới cùng chung vui và bày tỏ lòng biết ơn.

*

Inline image


Thống Ðốc William Bradford ghi lại ngày ăn mừng này trong tập Of Plymouth Plantation và dưới đây là vài hàng trích dẫn:

Bấy giờ mọi người bắt đầu thu hoạch số hoa màu nhỏ đem chất chứa trong nhà hay kho để dành cho mùa đông. Tất cả mọi người đều đã phục hồi sức khỏe và mọi thứ đã có đủ. Một vài người đi xa; số ở lại thì đi câu cá và chia phần cho mọi nhà. Suốt mùa hè đó, họ không có thiếu thốn gì. Và bây giờ thì họ kiếm thêm chim chóc chứa vào kho vì mùa đông sắp tới và nơi này thì chim chóc có rất nhiều. Ngoài chim chóc, còn có rất nhiều gà rừng và nai v.v. Hơn nữa, họ lại có một số lượng thực phẩm thu hoạch như là bắp (Indian corn).

Edward Winslow viết Mourt’s Relation và vài hàng trích dẫn sau:
Mùa màng của chúng tôi đang được thu hoạch, vị thống đốc của chúng tôi phái bốn người đi bắt chim chóc để chúng tôi ăn mừng sau mùa thu hoạch do công lao của chúng tôi.  Nhóm bốn người đã bắt được chim chóc thật là nhiều có thể dùng hầu như cả tuần cho mọi người.  Vào lúc đó, trong những trò giải trí, chúng tôi thực tập bắn súng và có khoảng 90 thổ dân được mời tới tham dự trong đó có cả Vua Massasoit.  Chúng tôi vui chơi ăn uống suốt ba ngày; một nhóm thổ dân ra ngoài săn bắt 5 con hươu (deer) đem về tặng cho thống đốc và các đội trưởng. . .

Nói tới buổi Lễ Hội Ðược Mùa năm 1621 này, cũng nên nhắc lại chuyện một thổ dân tên là Tisquantum hay còn gọi là Squanto 

Squanto là một trong số ít người đầu tiên được tiếp xúc với văn minh Âu Châu.


Inline image

Tisquantum sinh ngày Jan. 1, 1585 – mất ngày Nov. 1, 1622 (37 tuổi)

Ðoàn gồm 102 người đổ bộ trên bờ biển Massachusetts (Massasoit) vào một ngày tháng Mười Hai lạnh buốt xương năm đó; và khoảng một nửa số người đã chết vì đói và lạnh. 

Tháng 3, 1621, trong lúc vô cùng khốn quẫn vì thiếu thức ăn thì Squanto – nói tiếng Anh lưu loát - xuất hiện cùng với một nhóm Thổ Dân.  Họ mang thức ăn tới và chỉ dẫn cho nhóm người Anh cách thức trồng bắp, bắt cá, và săn bắn.  Nhờ đó, nhóm di dân đã sống sót.

Tháng 10 năm 1621, vì thu hoạch khá tốt, nhóm người Anh này tổ chức Lễ Tạ Ơn kéo dài ba ngày để ăn mừng và có mời khoảng 90 số Thổ Dân tới ăn uống hầu tạ ơn.  Họ đã chọn William Bradford làm lãnh tụ và ông đã giữ chức Thống Ðốc suốt trong 37 năm liền - một vị Thống Ðốc không do Anh quốc bổ nhiệm.
Tisquantum là ân nhân của họ trong vai trò là một thông dịch viên.  Tuy nhiên anh đã bị chính đồng bào của anh ruồng bỏ vì lý do anh hợp tác với người da trắng.  Người da đỏ đã yêu cầu Thống Ðốc William Bradford trao Squanto cho họ để họ xử tội.  Tất nhiên là Thống Ðốc Bradford phải hết lòng bảo vệ anh.

Năm 1605, Squanto được Thuyền Trưởng George Waymouth mang về Anh Quốc cùng với 4 đứa trẻ khác (có thể là do bắt cóc) cho học tiếng Anh để làm thông dịch viên.  Năm 1614, Squanto được đưa trở về Mỹ Châu làm thông dịch.  Kế đó anh bị bắt cóc và bán làm nô lệ ở Malaga, Tây Ban Nha.  Vài năm sau, anh đào thoát trở về Anh.  Rồi anh làm hoa tiêu cho 2 chuyến qua Tân Thế Giới.  Cuối cùng anh trở về Patuset, Mỹ Châu, làm thông dịch viên trong những cuộc thương lượng giũa các lãnh tụ nhóm Hành Hương (The Pilgrims) và bộ lạc hùng mạnh nhất trong vùng là bộ lạc Wampanoag Sachem, Massasoit.

Trớ trêu thay khi trở về quê hương để làm gạch nối giữa người da trắng và da đỏ, thì anh lại bị đồng bào anh coi là kẻ thù vì không chấp nhận sự hợp tác của anh với người da trắng. Tuy nhiên, anh vẫn kiên trì với thiện chí làm bớt đi những cuộc chém giết giữa người di dân và người da đỏ.

Tháng 11, 1622, Squanto qua đời vì bịnh sốt rét.  Lời trăn trối của anh được Bradford ghi lại là “Hãy cầu cho anh ta được về với Chúa Trời của người Anh trên Thiên Ðàng.”

Hiện nay người da trắng và da đỏ vẫn còn nhớ ơn Squanto.

Những Buổi Tiệc Tạ Ơn Khác Trên Mỹ Châu

Ngày 23 tháng Năm, 1541, Francisco de Vásquez de Coronado cùng thổ dân Tejas tổ chức Hội Tạ Ơn tại Palo Duro Canyon, Texas để ăn mừng cuộc hành trình của Francisco đi tìm thấy thực phẩm. 

Trong ý nghĩa tiệc mừng của người Âu Châu tạ ơn Chúa, ngày này cũng được nhiều người cho là đích thực Ngày Lễ Ðầu Tiên Tạ Ơn Chúa ở Bắc Mỹ.

Một tiệc mừng kế là tiệc mừng do Pédro Menéndez de Avilés tổ chức tại St. Augustine, Florida, ngày 8 tháng Chín, năm 1565.  Tiệc mừng này cũng được cho là Thanksgiving đầu tiên tại Mỹ.

Một buổi tiệc khác cũng được cho là Lễ Tạ Ơn Ðầu Tiên ở Mỹ Châu là bữa tiệc của Don Juan de Onate tổ chức ngày 30 tháng Tư năm 1598 tại gần San Elizario, Texas.

Quốc Hội và Tổng Thống Ấn Ðịnh Ngày Tạ Ơn

Ðêm Thứ Tư trước ngày Thansgiving là một trong những đêm bận rộn nhất cho các quán ăn và quán nhậu bởi vì đó là đêm đầu tiên của các sinh viên trở về tỉnh nhà trong học kỳ.

Ngoài tiệc tùng, nhiều thành phố như New York, Philadelphia, Houston, Detroit có tổ chức các trận đấu túc cầu (footblall) và các toán diễn hành thường kết thúc bằng toán diễn hành của các Ông Già Noel cho biết là Lễ Christmas đã khởi đầu.

Trong Cuộc Chiến Cách Mạng Mỹ Châu (Cuộc chiến chống Anh Quốc để thành lập ra Hoa Kỳ), theo thường lệ, Quốc Hội hàng năm ấn định một hay nhiều ngày lễ tạ ơn.  Riêng tháng 12 năm 1777, George Washington đã tuyên bố một ngày tạ ơn nhằm vinh danh trận đánh thắng Anh Quốc ở Saratoga.

Vào những năm lên làm Tổng Thống, Goerge Washington ấn định lại những Ngày Lễ Tạ Ơn.

Tổng Thống John Adams ấn định Thanksgivings vào các năm 1798 và 1799
Tổng Thống Madison ấn định Thanksgiving vào lúc kết thúc cuộc chiến, 1812.

Tại bang New York, Thanksgiving hàng năm được Thống Ðốc ấn định kể từ năm 1817.

Có một số tiểu bang ở miền nam không nhìn nhận những ngày tạ ơn như các tiểu bang khác. Tới năm 1858 mới có 25 bang và 2 lãnh thổ nhìn nhận Ngày Lễ Tạ Ơn.

Trong Cuộc Nội Chiến, Tổng Thống Abraham Lincoln tuyên bố ngày Thứ Năm cuối cùng trong Tháng 11, 1863 là Thanksgiving cho toàn quốc.

Từ 1863, hàng năm toàn quốc Hoa Kỳ đều cử hành Lễ tạ Ơn vào ngày Thứ Năm cuối cùng của Tháng Mười Một.

\Nhưng tới năm 1939 thì T.T. Roosevelt lại tuyên bố rằng Thankskgiving nên là ngày kế ngày Thứ Năm cuối cùng trong tháng 11 với mục đích giúp cho thời gian mua sắm vào dịp Christmas được kéo dài hơn. Ðề xuất này không có tính bắt buộc nên chỉ có 23 bang theo khuyến cáo này còn 22 bang khác không theo. Các bang khác, như Texas, đã ấn định cả hai tuần lễ là ngày Tạ Ơn.

Tới năm 1941, Quốc Hội HK quyết nghị lấy ngày thứ Năm của tuần lễ thứ tư trong tháng Mười Một là ngày Lễ Thanksgiving.  

Ngày 26 tháng 11 năm 1941, T.T. Roosevelt ký ngày Tạ Ơn toàn quốc đó thành luật.

Khi Lễ Tạ Ơn chấm dứt thì mùa nghỉ lễ mùa đông truyền thống lại bắt đầu.  Ðó là mùa mua sắm cho Lễ Giáng sinh được khởi sự vào ngày Thứ Sáu Ðen - Black Friday - ngay sau Ngày Lễ Tạ Ơn. Truyền thống này được thành lập ít nhất là vào những năm 1930.  Trong khi ngày nhộn nhịp nhất về mua sắm vẫn là ngày Thứ Sáu sau ngày Thanksgiving thì ngày có số lượng hàng bán ra lớn nhất là ngày Thứ Bẩy hay là ngày 23 Tháng 12. Hầu hết các cửa hàng đều tăng số hàng tồn kho cho mùa nghỉ tháng Mười Hai vào ngay sau thời điểm Halloween diễn ra vào đêm 31 tháng 10 hàng năm, thậm chí có nơi còn tồn kho trước cả ngày vui đùa đó.

Thứ Sáu sau Lễ Tạ Ơn hay là Black Friday còn được coi như là ngày Không Mua Gì Hết mà những người phản đối không mua sắm gì vì họ cho đó là những thói quen tiêu thụ phí phạm của những Nước Số Một trên Thế Giới.

Dầu sao thì Lễ Tạ Ơn mở ra ở Mỹ Châu vẫn mang đầy ý nghĩa biết ơn Thượng Ðế và Những Thổ Dân đã cứu giúp những vị Tiền Bối Hành Hương - The Pilgrim Fathers - những người đã đặt nền móng tự do và bình đẳng cho Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Inline image